Nguyên tác: The Family
Số lần đọc/download: 724 / 147
Cập nhật: 2020-01-25 21:22:35 +0700
Chương 2
A
n mình dưới chân những ngọn đồi của rặng Apennines, cách thành Rome một ngày đi ngựa là một vùng đất rộng với khu rừng tuyết tùng và thông tuyệt đẹp vây quanh hồ nước nhỏ trong xanh. Chú của Rodrigo Borgia, Giáo hoàng Calixtus III, đã tặng ông vùng đất này làm quà; trong mấy năm qua, ông đã xây dựng nó thành một chốn ẩn cư tráng lệ ở miền quê cho bản thân và gia đình.
Đây là Ngân Hồ, một chốn bồng lai tiên cảnh. Tràn ngập vô vàn âm thanh của thiên nhiên và bao sắc màu của tạo vật, nơi đây đã trở thành vườn địa đàng đối với ông. Từ rạng đông đến hoàng hôn, khi màu thiên thanh nhạt khỏi nền trời, mặt hồ chuyển sang sắc xám bạc. Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên trông thấy nơi này, hồng y đã bị hút hồn. Ông hi vọng mình và con cái sẽ trải qua những khoảng thời gian hạnh phúc nhất ở đây.
Vào những ngày hè nắng vàng rực, mấy đứa bé tung tăng tắm mát trong hồ rồi chạy nhảy tưng bừng trên những cánh đồng xanh mướt cỏ hoa, trong khi hồng y dạo bước qua những vườn cam chanh ngát hương với tràng hạt bằng vàng trên tay. Suốt khoảng thời gian thanh bình đó, ông kinh ngạc xiết bao trước vẻ đẹp của cuộc sống và nhất là vẻ đẹp trong cuộc sống của ông. Dĩ nhiên, ông từng làm việc cật lực, đã khổ công quan tâm đến từng chi tiết ngay từ thời còn là một giám mục trẻ, nhưng điều đó quyết định đến hạnh vận của một người đến mức nào? Bởi có biết bao nhiêu kiếp người khốn khổ từng phải nhọc nhằn với bao nỗi gian truân thế nhưng chẳng được trời cao tưởng thưởng chút gì ở chốn hồng trần này đó sao? Lòng biết ơn tràn ngập hồn ông và hồng y ngước nhìn khoảng trời xanh trong kia, thì thầm lời nguyện cầu và xin ban phúc. Bởi ẩn dưới đức tin kia, sau bao nhiêu năm tháng hưởng thiên ân, lòng ông vẫn canh cánh nỗi kinh sợ rằng để có được một cuộc đời như thế này, một ngày kia ông phải trả cái giá rất đắt. Tất nhiên là Chúa rất hào phóng ban phát phúc lành, nhưng để xứng đáng dẫn dắt bao linh hồn về với Giáo hội Thần thánh thì cái thành khẩn phải được thử thách. Bởi còn cách nào khác để Cha Trên Trời phán xét một linh hồn có xứng đáng hay không? Hồng y hi vọng có thể chứng tỏ mình vượt qua được thử thách đó.
Một buổi tối nọ, sau khi cùng các con ăn một bữa thật ngon miệng bên bờ hồ, ông cho chúng thưởng thức một buổi bắn pháo hoa rực rỡ. Rodrigo bế bé Jofre trong tay còn Juan nắm chặt vạt áo của cha.
Những ngôi sao trắng bạc chiếu sáng bầu trời bằng các vòng cung khổng lồ sáng rực rồi tung thành bao dòng thác lấp lánh màu sắc tươi vui. Cesare nắm tay em gái, nhận ra con bé đang run rẩy, và khi tiếng thuốc súng nổ giòn, ánh sáng tuôn trào tỏa rực bầu trời, con bé hét ầm lên.
Khi hồng y thấy con gái sợ hãi, ông liền trao đứa bé cho Cesare và cúi xuống ôm Lucrezia. “Papa bế con đây,” ông dỗ dành. “Đừng sợ, Papa sẽ bảo vệ con.”
Cesare đứng sát vào cha, bế bé Jofre và lắng nghe cha giảng giải về các chòm sao bằng những cử chỉ uy nghi cùng giọng điệu hùng hồn. Cậu cảm thấy tiếng nói của cha là nguồn an ủi lớn lao đến độ cậu biết ngay rằng lần này ở Ngân Hồ là một khoảng thời gian mà cậu sẽ luôn trân trọng ghi nhớ trong lòng. Bởi trong đêm đó cậu là đứa bé hạnh phúc nhất trên đời và cậu chợt cảm thấy mọi chuyện đều khả thi.
o O o
Hồng y Rodrigo Borgia thích thú mọi điều mình làm. Ông là một trong số rất hiếm những người hăng say đến mức có thể cuốn mọi người xung quanh vào cơn lốc nhiệt tình của mình. Khi con cái trưởng thành hơn và sở học ngày càng tinh thông, ông bàn luận với chúng về tôn giáo, chính trị và triết học chuyên sâu hơn, dành hàng giờ giảng giải cho Cesare và Juan nghệ thuật ngoại giao, giá trị của chiến lược tôn giáo và chính trị. Cesare hào hứng với thú vui đầy tính trí thức này còn Juan lại thường tỏ ra ngán ngẩm. Do nỗi sợ từ tai nạn trước đây nên hồng y đã nuông chiều Juan đến độ làm hỏng nó, cậu con thứ trở nên dễ cáu kỉnh và hư đốn. Nhưng cậu con trai Cesare mới là người ông đặt hi vọng lớn nhất, thực sự ông rất kì vọng vào đứa con này.
Rodrigo hân thưởng những lần viếng thăm lâu đài Orsini, bởi vì cả hai người, cô em họ Adriana và cô cháu dâu trẻ trung Julia đều ngưỡng mộ và rất quan tâm đến ông. Julia đã trổ mã thành một thanh nữ rất xinh đẹp với mái tóc vàng tươi óng ánh hơn cả mái tóc của Lucrezia, dài gần chấm gót. Với đôi mắt xanh to tròn và đôi môi mọng, nàng xứng đáng với tên gọi La Bella (Mĩ nhân) được lưu truyền khắp thành Rome. Và vị hồng y bắt đầu cảm thấy một niềm yêu mến nào đó dành cho cô gái.
Julia Farnese xuất thân từ thành phần tiểu quý tộc và mang theo số của hồi môn ba trăm florin - một khoản kha khá - khi đính hôn với Orsini, vốn nhỏ hơn nàng vài tuổi. Trong khi những đứa con của Rodrigo luôn hạnh phúc khi gặp ông thì Julia cũng bắt đầu chờ mong những cuộc thăm viếng của ông. Ông xuất hiện làm nàng ửng hồng đôi má, giống như đa số những phụ nữ mà ông từng gặp trong đời. Thông thường, sau khi giúp Lucrezia gội đầu và vận những bộ quần áo đẹp nhất để đón cha, bản thân Julia cũng đặc biệt cố gắng làm cho mình trông hấp dẫn nhất. Rodrigo Borgia, mặc dù tuổi tác cách biệt, vẫn cảm thấy bị cô gái đương thì này mê hoặc.
Vì quý trọng người em họ Adriana và có cảm tình với cô dâu trẻ Julia Farnese nên khi sắp đến lễ cưới của đứa con đỡ đầu, Orso, ông tự đề xuất mình làm chủ lễ cho cuộc hôn phối của đôi trẻ tại Sảnh Sao của lâu đài ông.
Vào ngày đó, cô thanh nữ Julia mặc áo cưới bằng xa-tanh trắng với mạng choàng đính đầy những hạt ngọc trai màu bạc phủ trên khuôn mặt dịu dàng, ông thấy nàng dường như đã từ một bé gái biến thành giai nhân tuyệt thế mà ông chưa từng gặp trong đời. Mơn mởn, rạng ngời sức sống khiến đức hồng y phải cố kiềm chế không lộ vẻ si mê.
Chẳng bao lâu sau ngày cưới, chàng trai trẻ Orso được gửi đến nơi ẩn cư miền quê của hồng y ở Bassanello, cùng các vị cố vấn, và được huấn luyện để trở thành một chỉ huy quân đội. Còn nàng Julia Farnese rất sẵn lòng buông mình vào trong vòng tay của ngài hồng y và sau đó là trên giường của ngài.
o O o
Khi Cesare và Juan đến độ tuổi thiếu niên, cả hai được gửi đi xa để bắt đầu hoàn thành sứ mệnh của mình. Juan đánh vật với bài vở và hồng y nhận định rằng cuộc sống của một linh mục hay một học giả không phải là tương lai dành cho đứa con này. Thay vào đó, nó sẽ trở thành một chiến binh. Còn Cesare với trí thông minh đáng kinh ngạc đã đưa chàng đến với ngôi trường tại Perugia. Sau hai năm miệt mài kinh sử để nắm vững kiến thức các môn học mà chàng rất có năng khiếu, Cesare được gửi đến Đại học Pisa để nghiên cứu chuyên sâu hơn về thần học và giáo luật. Hồng y hi vọng Cesare sẽ đi theo bước chân ông và vươn lên vị trí trọng vọng trong Giáo hội.
Mặc dầu cũng làm tròn nghĩa vụ đối với ba đứa con trước với các nàng kĩ nữ, Rodrigo Borgia đặt hoài bão tương lai của mình vào những đứa con mà ông có với Vanozza: Cesare, Juan và Lucrezia. Đối với đứa con út Jofre, ông cảm thấy rất khó gần gũi. Và rồi để bào chữa cho sự thiếu sót đó trong tình phụ tử, ông bèn vận dụng lí luận để biện minh. Chính lúc đó ông mới quay ra tự hỏi chẳng hay cái thằng bé này có đích thực là con mình không. Bởi ai có thể thực sự biết được những bí mật ẩn giấu trong trái tim một người đàn bà?
o O o
Hồng y Borgia đã giữ chức phó chưởng ấn, tức luật sư của giáo triều, qua mấy đời Giáo hoàng. Ông đã phục vụ cho Giáo hoàng đang tại vị, Giáo hoàng Innocent, được tám năm, và trong thời gian đó, ông đã làm mọi chuyện khả thi nhằm tăng cường uy lực và tính chính thống của giáo triều.
Khi Giáo hoàng Innocent nằm hấp hối thì cả sữa mẹ tươi mát cho đến truyền máu từ ba bé trai cũng không cứu được mạng sống của ngài. Các em được trả công mỗi người một ducat, những khi thí nghiệm y khoa thất bại và dẫn đến tai họa, bọn trẻ được tưởng thưởng bằng những đám tang chu đáo và gia đình mỗi em được lãnh bốn mươi ducat.
Bất hạnh thay, Giáo hoàng Innocent đã để lại một ngân khố giáo triều trống rỗng và Giáo hội Thần thánh phải trần mình gánh chịu những lời xúc phạm của ông vua Tây Ban Nha theo Công giáo và ông vua Pháp sùng đạo. Tình trạng tài chính của giáo triều khốn đốn đến độ ngay cả bản thân Đức Thánh Cha cũng phải đem cầm cố chiếc mũ miện thiêng liêng của mình để có tiền mua những cành cọ đem phân phát trong ngày Chủ nhật Lễ Lá. Làm trái lại lời khuyên của hồng y Rodrigo Borgia, Giáo hoàng Innocent đã cho phép các vương công của Milan, Naples, Venice, Florence cùng các thành bang và thái ấp khác được trì hoãn cống nạp vào ngân khố của nhà thờ và bản thân ông đã phung phí tiền của để chuẩn bị những cuộc Thập tự chinh mà chẳng mấy người muốn mạo hiểm tham gia.
Chỉ một bộ óc bậc thầy về chiến lược và tài chính mới đủ khả năng trùng hưng Giáo hội Công giáo La Mã trở lại thời kì huy hoàng trước đây. Nhưng đó là ai? Mọi người băn khoăn tự hỏi. Tuy nhiên chỉ có Hồng y đoàn thiêng liêng, được Thánh Linh dẫn dắt và được cao xanh ban ơn linh hứng, mới có quyền quyết định. Bởi vì Giáo hoàng không thể là người thường mà phải là đấng được trời cao phái đến.
o O o
Ngày 6 tháng 8 năm 1492, trong Đại Sảnh của Nhà nguyện Sistine, với một toán Vệ binh Thụy Sĩ, các nhà quý tộc thành Rome và các vị sứ giả nước ngoài giúp ngăn chặn những kẻ xâm nhập, mật nghị của Hồng y đoàn bắt đầu thực hiện việc bầu chọn Giáo hoàng mới.
Theo truyền thống, ngay khi Giáo hoàng Innocent qua đời, tất cả các hồng y, hai mươi ba thành viên của Hồng y đoàn, tụ tập lại để bầu đấng Thần-nhân sẽ đóng vai trò là Người giữ chìa khóa, Người kế thừa Thánh Peter, Đại diện dưới thế của Chúa Jesus. Đó chẳng những là người lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Công giáo La Mã mà còn là người lãnh đạo các lãnh thổ thuộc giáo triều dưới trần gian. Để gánh vác trọng trách đó ông phải sở hữu trí thông minh ưu việt, tài lãnh đạo quân dân, khả năng giành lợi thế trong thương thuyết với những vương công trong xứ cũng như với các vua chúa nước ngoài.
Chiếc mũ miện thiêng liêng của Giáo hoàng mang theo triển vọng về những nguồn lợi lớn lao cũng như trách nhiệm thống nhất hay càng làm phân tán hơn cái tổ hợp những thành bang phong kiến vốn tạo thành trung tâm của bán đảo Ý. Và do đó, ngay cả trước khi Giáo hoàng Innocent băng hà, nhiều cuộc thương thảo đã diễn ra, tiền tài và tước vị đã được hứa hẹn, và một số cam kết trung thành đã được ngã giá nhằm bảo đảm phiếu bầu cho những hồng y nào đấy.
Trong nhóm ưu tuyển những hồng y được nhận định có thể trở thành giáo hoàng chỉ có một số ít là sáng giá: hồng y Ascanio Sforza ở Milan, hồng y Cibo của Venice, hồng y della Rovere của Naples, và hồng y Borgia của Valencia. Nhưng Rodrigo Borgia là một người nước ngoài - một người gốc Tây Ban Nha - và như thế cơ hội của ông có phần mong manh. Bất lợi lớn nhất của ông là bị coi là người Catalan. Và mặc dầu ông đã đổi tên mình từ “Borja” theo tiếng Tây Ban Nha sang “Borgia” theo tiếng Ý, những cựu tộc của thành Rome cũng chẳng vì thế mà ủng hộ ông hơn.
Tuy nhiên nhiều người trong Hồng y đoàn cũng thận trọng cân nhắc khi xét rằng ông đã phục vụ nhà thờ xuất sắc trong hơn ba mươi lăm năm. Với tư cách luật sư của giáo triều ông đã thương nghị nhiều tình huống ngoại giao khó khăn và đã khéo léo mang về lợi thế cho các đời Giáo hoàng trước đây mặc dầu với mỗi thắng lợi cho Vatican ông cũng tăng thêm của cải và lợi lộc cho gia đình mình. Ông đã đưa nhiều người thân vào những vị trí quyền lực và ban phát bổng lộc cho họ, những người mà nhiều thế gia cố cựu của nước Ý cảm thấy không tương xứng. Thế nên, một Giáo hoàng người Tây Ban Nha ư? Vô lí! Nơi ngự của Tông Tòa là ở Rome vậy thì Giáo hoàng phải là người từ một trong những thành bang trên bán đảo Ý cũng là chuyện hợp tình hợp lí thôi!
Giờ đây, được vây bọc trong bầu không khí huyền bí, mật nghị của Hồng y đoàn bắt đầu tiến hành công việc của Chúa. Được cách li trong những phòng nhỏ riêng biệt giữa nhà nguyện lạnh lẽo mênh mông, các hồng y không thể liên lạc với nhau hay với thế giới bên ngoài. Họ phải độc lập ra quyết định thông qua cầu nguyện và Thần Khải, tốt nhất là trong lúc quỳ gối trước những trang thờ nhỏ với Thánh giá treo bên trên và ánh nến lung linh là những vật trang hoàng duy nhất. Bên trong các căn phòng tối, ẩm ướt đó, chỉ có một chiếc giường thô mộc làm chỗ ngả lưng chợp mắt để lấy lại sức, một bô đựng phân, một bình đi tiểu, một lọ hạnh nhân ngào đường, bánh hạnh nhân, bánh quy, đường, một bầu nước, và muối, làm đồ ăn thức uống. Vì không có khu bếp chính nên thức ăn được chuẩn bị ngay trong cung điện riêng của các hồng y và được mang đến trong khay gỗ, đưa qua một ô mở nơi cánh cửa chính. Trong thời gian này mỗi vị hồng y đấu tranh với lương tâm của chính mình để quyết định xem ai sẽ phục vụ tốt nhất cho gia đình, xứ sở và cho Giáo hội. Bởi nếu như người ta bất cẩn thì cho dầu có giữ được bao nhiêu của cải trên thế gian cũng sẽ đánh mất linh hồn bất tử của mình.
Thời gian không thể để lãng phí, bởi vì sau một tuần khẩu phần sẽ bị cắt; sau đó sẽ chỉ còn bánh mì không, rượu vang và nước lã được mang đến cho các hồng y. Bởi vì một khi Giáo hoàng mất đi, cảnh hỗn loạn ngự trị khắp nơi. Không có người cầm trịch, phố phường thành Rome rơi vào cảnh hỗn loạn hoàn toàn. Các cửa hàng bị hôi của, các lâu đài bị phá phách, hàng trăm người bị giết. Và đó vẫn chưa phải là tất cả. Bởi chừng nào còn chưa có người đội chiếc mũ miện thiêng liêng thì chính thành Rome cũng đứng trước nguy cơ bị chinh phục.
Vì thế ngay khi cuộc bỏ phiếu mới bắt đầu, đã có hàng ngàn người dân tụ tập tại quảng trường phía trước nhà nguyện. Họ đứng yên cầu nguyện lớn tiếng, hát thánh ca và hi vọng rằng một Giáo hoàng mới sẽ kêu cầu với trời cao để ngăn chặn cảnh địa ngục trên đường phố. Họ vẫy những lá cờ nhỏ, giương cao hiệu kì và chờ một khâm sứ xuất hiện nơi ban-công nhà nguyện loan báo sự cứu rỗi.
Vòng đầu kéo dài ba ngày nhưng không vị hồng y nào nhận được đa số hai phần ba cần thiết. Hồng y Ascanio Sforza của Milan và hồng y della Rovere của Naples nhận được số phiếu bầu ngang nhau. Mỗi vị được tám phiếu. Rodrigo Borgia với bảy phiếu là lựa chọn thứ nhì của hầu hết Hồng y đoàn. Khi cuộc kiểm phiếu hoàn tất và thắng bại chưa thể phân định, các lá phiếu được đem đốt theo đúng nghi thức.
Sáng hôm đó, đám đông nơi quảng trường theo dõi với bao hi vọng khi làn khói vươn lên từ ống khói tạo thành hình một dấu hỏi màu xám đậm trên khoảng trời trong xanh bên trên Nhà nguyện Sistine. Xem đấy là dấu hiệu, họ cầu Chúa phù hộ và giương những thánh giá đẽo tay bằng gỗ lên trời. Khi không có thông báo nào được đưa ra từ Vatican, dân chúng bắt đầu cầu nguyện càng nhiệt thành hơn và càng hát thánh ca lớn hơn.
Các vị hồng y quay lại phòng riêng của mỗi người để suy ngẫm lại.
Cuộc kiểm phiếu lần thứ nhì, hai ngày sau, cũng gần như lần thứ nhất; không có ai vượt trội, và lần này khi khói đen vươn lên từ ống khói, tiếng cầu nguyện nhỏ đi và tiếng hát thánh ca cũng lịm dần. Quảng trường toát lên vẻ ma mị trong bóng tối, lập lòe ánh đèn lồng cùng ngọn đèn đường lúc mờ lúc tỏ.
Những lời đồn đại hoang đường lan tràn khắp thành Rome. Dân chúng thề rằng khi mặt trời lên vào buổi sáng hôm sau, trên bầu trời xuất hiện ba mặt trời giống nhau mà đám đông kinh ngạc coi là dấu hiệu rằng Giáo hoàng kế tiếp sẽ cân bằng ba quyền lực của giáo triều: trần thế, tâm linh và thiên đàng. Họ coi đó là điềm cát tường.
Nhưng đêm đó, trên tòa tháp cao của cung điện đức hồng y Giuliano della Rovere, nơi không một ai được phép vào, thiên hạ đồn rằng mười sáu ngọn đuốc bỗng nhiên cháy bùng lên lửa ngọn - và trong khi đám đông theo dõi, lúc đầu với lòng hi vọng khấp khởi rồi sau đó với sự lo lắng náo động, tất cả vụt tắt, trừ một ngọn. Một điềm xấu! Giáo triều còn lại quyền lực nào đây? Một sự im lặng đáng sợ bao trùm quảng trường.
Bên trong, mật nghị vẫn bế tắc một cách vô vọng. Trong nhà nguyện, các phòng càng trở nên lạnh lẽo hơn, ẩm ướt hơn. Nhiều vị hồng y cao tuổi bắt đầu cảm thấy căng thẳng. Rồi sẽ trở thành không thể chịu nổi; ai có thể còn suy nghĩ sáng suốt khi bụng đói cồn cào và đầu gối đau nhức?
Đêm hôm ấy, mấy vị hồng y lần lượt bước ra khỏi phòng và lẻn vào phòng các vị khác. Những cuộc tái thương nghị bắt đầu; họ mặc cả lại về tài sản và chức vụ. Những lời hứa được đổi. Một phiếu bầu có thể được đổi bằng những hứa hẹn hấp dẫn về tiền của, địa vị, cơ hội. Những cam kết trung thành mới được đúc ra. Nhưng trí óc và con tim của con người vốn thất thường, hẳn là khó nghĩ lắm thay. Bởi nếu một người có thể bán linh hồn mình cho con quỷ này thì lí do gì lại không bán cho con quỷ khác?
Nơi quảng trường đám đông đã thưa dần. Nhiều người mệt mỏi và nhụt chí, lo lắng đến sự an toàn của bản thân và gia đình mình, rời quảng trường để quay về nhà bên cạnh người thân. Thế nên vào lúc sáu giờ sáng hôm sau, khi làn khói từ ống khói cuối cùng đã chuyển sang màu trắng và đá bắt đầu rơi ra khỏi những cửa sổ bị phong kín của Vatican để người ta loan truyền thông báo thì chỉ còn rất ít người nghe được.
Một cây thánh giá ban phước được giương cao trên đầu họ và một dáng người lờ mờ không rõ, mặc trang phục thanh nhã, tuyên bố, “Với niềm vui lớn lao ta đến đây công bố, chúng ta đã có Giáo hoàng mới.”
Những người biết về sự bế tắc trong cuộc bầu chọn tự hỏi ai trong hai vị hồng y dẫn đầu đã được bầu. Là hồng y Ascanio Sforza hay hồng y della Rovere? Nhưng rồi lúc đó từ nơi cửa sổ một bóng người khác xuất hiện, cao lớn hơn, uy nghi hơn, và những mảnh giấy rơi từ tay ông, tung lên như hoa giấy, với dòng chữ viết tháu: “Giáo hoàng của chúng ta là hồng y Rodrigo Borgia của Valencia, Giáo hoàng Alexander VI. Chúng ta đã được cứu rỗi!”