Tôi tin những muộn phiền và thất bại đến với mình là nền tảng giúp tôi có thể cảm nhận cuộc sống ở một mức cao hơn.

Anthony Robbins

 
 
 
 
 
Tác giả: Thái Trí Hằng
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Wasabee
Biên tập: Xuân Hồng
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1740 / 32
Cập nhật: 2017-01-29 18:11:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
m nhớ anh, đã tới giới hạn vỡ òa
Dù ở bên cạnh anh, em vẫn nhớ về anh
Cá heo mắc cạn muốn quay về với biển, em nhớ anh
Hỡi anh yêu
Anh nghĩ gì?
Đó là dòng chữ trên điếu thuốc thứ ba.
Tôi đứng ở nơi này không lên không xuống, dường như cũng là một loại mắc cạn.
Còn phải ở trên đoàn tàu này thêm mấy tiếng nữa, nên nghĩ cái gì để giết thời gian thôi.
Tôi nên nghĩ gì đây?
Mấy vấn đề vớ vẩn kiểu như sau khi nhảy tàu phải chạy với vận tốc bao nhiêu, tôi không muốn nghĩ tới nữa.
Vậy còn vấn đề có nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 4?
Vấn đề chính trị vĩ đại này, cũng giống như gấu đen trong rừng, nếu chẳng may gặp phải, cách tốt nhất là giả chết.
Giả chết thực ra rất có ích, ví dụ như cuộc bầu cử Đài Loan năm 2000, ai mà hỏi tôi bỏ phiếu cho ai, tôi sẽ chết cho người đó xem.
Bắt đầu từ điếu thuốc thứ nhất, tôi cứ mải mê đọc những hàng chữ bên trên, sau đó thất thần.
Thuyên đã từng nói với tôi, lúc tôi trầm tư, đôi khi trông rất u sầu.
“Có thể nghĩ về những chuyện vui vẻ nhiều hơn một chút không?” Giọng Thuyên thoáng chút không đành lòng.
“Anh không biết chuyện như thế nào thì nghĩ đến mới vui vẻ.”
“Thế…” Thuyên cúi đầu nhỏ nhẹ nói, “Khi nghĩ tới em có vui không?”
“Ừ.” Tôi cười, “Nhưng bây giờ em đang ở bên anh, anh đâu cần nhớ tới em.”
Thuyên cũng cười. Đôi mắt sáng lấp lánh, giống như sao trời.
Nghĩ sang chuyện khác thôi. Thuyên mong tôi được vui vẻ biết bao.
Minh Thanh cũng dặn tôi phải nhớ kỹ, nhất định phải vui vẻ một chút.
Nhưng trên chuyến tàu chật chội này, tôi thật sự rất khó nghĩ tới những chuyện vui vẻ.
Từ sau khi tới Đài Bắc làm việc, trong đầu toàn nghĩ tới những vấn đề sẽ gặp phải khi đi làm công trình, rất phiền phức.
Ngày nào cũng tiếp xúc với một đống số má và phương trình, tôi như quay trở lại với những ngày tháng học nghiên cứu sinh trước đây.
Ban đầu vì muốn giải toả sự buồn chán khi học bài, thỉnh thoảng lại lên mạng viết lách linh tinh.
Hay là bây giờ cũng có thể lấy tàu hoả làm bối cảnh, nghĩ ra một câu chuyện để giết thời gian.
Nam nữ chính trong câu chuyện gặp nhau lần đầu tiên trên tàu hoả như trong định mệnh, sau đó yêu nhau, là kiểu tình yêu đến chết đi sống lại. Nhưng sau này phát hiện ra họ lại là anh em cùng cha khác mẹ đã thất lạc nhiều năm, trong đau khổ quyết định đi tàu hoả một lần nữa, rồi đặt sẵn bom hẹn giờ trên tàu, định hy sinh vì tình một cách oanh liệt. Trước khi bom nổ mười giây, tàu hoả đâm vào một chiếc xe hơi màu đen đang băng qua đường ngang, trong xe là một vị quan chức cấp cao (có thể chọn vị quan nào ít được lòng dân nhất khi đó).
Ai ngờ bọn họ ngồi ở toa tàu đầu tiên, trong khoảnh khắc tàu hoả và xe hơi va chạm, bọn họ bị bắn ra khỏi tàu, lộn ba vòng trên không rồi rơi xuống dòng suối gần đó, vì thế thoát chết. Vị quan chức kia số đen hơn, đầu tiên bị đâm chết, sau đó lại bị nổ chết. Vốn tưởng rằng nên truy cứu trách nhiệm hình sự của bọn họ, nhưng vì vị quan chức kia và cấp trên thường tranh cãi về vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 4, nên được đặc xá.
Lá số của nam chính rất tệ, lúc rơi xuống suối bị đụng vào đầu nên mất trí nhớ, nữ chính ngày ngày đến bệnh viện chăm sóc anh ta, kết quả yêu luôn bác sĩ trong bệnh viện. Sau khi nam chính khôi phục trí nhớ, cảm khái trước cõi đời vô thường, vì thế bắt đầu viết tiểu thuyết, cuối cùng trở thành tác giả best-seller.
Đúng là một câu chuyện hoàn mỹ, tôi thầm tấm tắc.
Chà, cuốn tiểu thuyết này có khi phá kỷ lục về số người thương vong trong tiểu thuyết tình yêu.
Tôi không khỏi ngoác miệng, bật cười hi hi.
“Mẹ… chú kia đang làm gì vậy?”
Thằng nhóc túm vạt áo mẹ cuối cùng không nhịn được ngẩng đầu lên thì thào hỏi mẹ nó.
Tôi quay đầu sang, nhìn thấy tay phải thằng nhóc đang chỉ vào mình. Tôi cười với nó.
“Chú đang suy nghĩ. Hỏi như thế là không lịch sự đâu con.”
Mẹ thằng nhóc gật đầu với tôi, mỉm cười tỏ ý xin lỗi.
Là một người mẹ trẻ, xem ra cũng trạc tuổi tôi, vì thế bị gọi là chú tôi cũng đành phải chịu.
Tôi ngắm nghía thằng nhóc, đó là một đứa bé dễ khiến người khác yêu mến, hơn nữa tôi rất ngưỡng mộ trí tò mò của nó.
Từ nhỏ tôi đã không phải là một đứa trẻ hay tò mò, nên sẽ không hỏi thầy cô hay bố mẹ những câu như: “Cơm rõ ràng là màu trắng, tại sao cứt lại màu vàng?”
Tôi luôn cảm thấy đáp án cho tất cả các câu hỏi, cũng đơn thuần như việc xoè tay xin tiền bố mẹ mua kẹo thì sẽ bị ăn bợp, còn xin tiền mua sách hay mua bút thì họ sẽ hào phóng cho ngay lại còn hỏi bạn xem như thế đã đủ hay chưa nữa.
Đơn thuần tới mức không cho phép bạn nảy sinh nghi ngờ.
Đây có lẽ là vì hồi học tiểu học thấy bạn bè hỏi thầy giáo: “Sao Mặt Trời lại mọc từ đằng đông?”
Kết quả bị thầy giáo chửi cho một trận: “Mặt Trời đương nhiên phải mọc từ đằng đông rồi, chẳng lẽ lại mọc từ lỗ đít của em chắc?”
Từ đó trở đi, tôi bèn coi “Mặt Trời mọc ở đằng đông” là một chân lý không dễ gì khiêu chiến.
Sau này lớn lên nghĩ lại, tôi đoán có lẽ hôm đó tâm trạng thầy giáo không được tốt.
Còn tại sao tâm trạng thầy giáo lại không tốt, vì đó là thầy giáo, nên tôi cũng không thể đoán mò là vì hôm đó thầy “đến tháng” được.
Có lẽ là bởi vì tâm trạng thầy buồn bực, bởi vì quê của tôi là một thôn nhỏ ven biển ở miền Tây Đài Loan.
Người từ thành phố lớn tới đây, có phần không thể thích nghi với cuộc sống giống như bị lưu đày của nơi này.
Mặc dù mọi người đều nói ở cạnh biển có thể làm cho tâm hồn người ta khoáng đạt, nhưng Nhật Bản là đảo quốc đó thôi, người Nhật đa phần là sống ven biển, người Trung Quốc chúng ta có tin rằng tâm hồn người Nhật Bản khoáng đạt không?
Vì thế khi tôi nói tôi sống ở ven biển, không hề có ý ám chỉ rằng tâm hồn tôi khoáng đạt.
Tôi chỉ đang miêu tả lại một sự thực “Mặt Trời mọc ở đằng đông”.
Tôi là một đứa trẻ hay xấu hổ, tính cách có phần yếu ớt.
Mỗi lần giảng bài xong thầy giáo đều hỏi: “Có vấn đề gì không?”
Tôi luôn cúi gằm xuống nhìn vở, né tránh ánh mắt của thầy, như một đứa trẻ phạm lỗi.
Trẻ con ở biển thích câu cá, nhưng tôi không nhẫn tâm lấy lưỡi câu trong mồm cá ra, vì thế tôi không câu cá.
Trẻ con ở biển bơi giỏi, nhưng có lần tôi vầy nước ở biển suýt chết đuối, vì thế tôi không bơi.
Trẻ con ở biển da rất đen, nhưng dù tôi phơi nắng nhiều đến thế nào da cũng không đen nổi, vì thế da tôi trắng.
Tóm lại, tôi là một đứa trẻ ở biển nhưng lại chẳng giống một đứa trẻ ở biển tẹo nào.
Tôi học sáu năm tiểu học, ba năm cấp hai bên bờ biển, tâm hồn chưa từng khoáng đạt.
Nhưng lại học được không ít lời tục tĩu.
“Mịa, lâu lắm rồi không gặp. Mày chết dí ở xó nào thế?” Đây là bạn cũ hỏi thăm nhau.
“Mẹ mày chứ, cho tao đồ tốt thế này. Mịa.” Đây là cảm ơn bạn tặng quà.
Dù là ở đầu câu hay cuối câu, thường sẽ thêm một chữ “mịa” này.
Càng thân thiết, “mịa” càng nhiều.
Tôi không tu hành được đến mức “khắp đời đều đục mình ta trong” như Khuất Nguyên, vì thế vác theo một bồ từ ngữ bậy bạ lên thành phố học.
Tới khi gặp được Minh Thanh, tôi mới dần bỏ được thói quen nói tục.
Đương nhiên trong một số tình huống nào đó tôi vẫn cứ sẽ nói tục, ví dụ như giẫm phải cứt chó, nhận được bảng điểm, hay là xem ti vi thấy quan chức nói: “Tôi từ chức cũng không thể nào giải quyết vấn đề.”
Minh Thanh luôn dịu dàng và nhẫn nại sửa lại cách ăn nói của tôi, thỉnh thoảng kèm thêm tí bạo lực.
Nếu không có Minh Thanh, cuốn tiểu thuyết này có lẽ đã toàn từ bậy bạ.
Cũng nhờ Minh Thanh, tôi không còn phải sợ mình không giống với người khác.
Thực ra tôi cũng không quá khác người, ít nhất là trước khi học lớp tám, tôi cảm thấy mọi người đều giống nhau.
Cho đến một ngày giáo viên môn quốc văn gọi tôi lên bảo:
“Em Thái, mời em giải thích ý nghĩa của đoạn văn này.”
Đó là một bài văn tôi viết, trong đó có một đoạn:
“Em và bạn hẹn tám giờ cùng lên tàu hoả đi xem phim, nhưng sắp đến giờ rồi mà bạn ấy vẫn chưa đến.
Em sốt ruột như người bị tiêu chảy đi đi lại lại phía ngoài nhà vệ sinh nhưng trong đó đã có người.”
Tôi giải thích với thầy giáo, tôi rất nóng ruột, giống như bị đau bụng muốn đi vệ sinh, nhưng bên trong nhà vệ sinh lại có người.
“Em có thấy dùng những từ ngữ này để miêu tả sự sốt ruột hình như hơi dài không?” Thầy giáo mỉm cười nói.
Tôi cúi đầu nghĩ một lúc, sửa thành:
“Em sốt ruột giống như người đang đau bụng luẩn quẩn đứng trước cửa nhà vệ sinh đã có người.”
Hình như thầy giáo thở hắt ra một hơi, cố lấy lại bình tĩnh. Rồi lại hỏi:
“Em có thấy nếu dùng một cách khác để miêu tả sự nóng ruột thì sẽ hay hơn không?”
Tôi nghĩ thấy cũng phải. Sực nhớ ra thầy từng dạy một câu trong Kinh Thi:
“Quan quan thư cưu, tại hà chi châu. Yểu điệu thục nữa, quân tử hảo cầu.”
Vậy là tôi lại sửa thành: “Em bị đau bụng, muốn đi vệ sinh. Nhà xí có người, cho nên nóng ruột.”
“Chát” một tiếng, thầy giáo đập rầm xuống bàn, cao giọng hỏi:
“Em còn chưa biết sai ở chỗ nào sao?”
“Có… có phải là quên gieo vần không ạ?” Tôi dè dặt trả lời.
Thầy giáo đứng phắt dậy, chửi ầm lên:
“Đần độn! Miêu tả sự nóng ruột phải là như kiến bò miệng chảo chứ! Tôi chưa dạy em hả?”
“Kiến bò trên chảo chỉ là nóng ruột mà thôi…” Tôi sợ quá, không khỏi lí nhí đáp, “Nhưng… nhưng em miêu tả thế này còn là tâm trạng rất lộn tiết nữa ạ.”
“Lại còn dám nói bậy nữa à! Đi gặp cán bộ môn Quốc ngữ nộp ngay năm đồng tiền phạt!”
Thầy giáo dựng thẳng lại cái bàn bị mình đập vẹo, chỉ tay ra ngoài: “Rồi ra đứng phạt ngoài hành lang!”
Kể từ hôm đó, thầy giáo môn Quốc văn đặc biệt chú ý tới bài làm của tôi.
Vì thế trên vở tập làm văn của tôi, lúc nào cũng chi chít nét chữ đỏ.
Có khi chữ đỏ trên bài làm toả ra từng đám từng đám, trông cứ như nôn ra máu.
“Thời gian như bánh bao thịt ném chó một đi không trở lại.”
“Người bề ngoài xinh đẹp mà nội tâm xấu xí, thì vẫn hoàn xấu xí. Cũng giống như bên ngoài nhà xí dù có trồng bao nhiều hoa thơm, thì vẫn thối như thường.”
“Chim con nhớ công mẹ bón mớm, dê con nhớ nghĩa mẹ cho bú, loài vật còn như thế, huống hồ là con người. Vì thế chúng ta phải nhớ hiếu thảo với cha mẹ, cũng giống như khi đi vệ sinh nhớ phải mang theo giấy vậy.”
Những câu như thế này, đều bị sửa lại.
Có lần thầy giáo thậm chí còn tức tới mức cầm vở tập làm văn phi thẳng từ bục giảng tới trước mặt tôi.
Tôi vĩnh viễn nhớ mãi đường cong của cuốn vở bay trong không trung, như một chiếc máy bay lạc khỏi đội hình rơi xuống đất.
Lúc cuốn vở rơi xuống đất, trên trang giấy mở ra có một đám chữ đỏ tươi:
“Em Thái, nếu em còn cố tình viết những câu khác người, chắc chắn em sẽ tiêu đời.”
Những dòng chữ đỏ tươi này, giống như bùa chú, phong ấn tâm hồn tôi.
Từ đó trở đi, một phần nào đó trong tâm hồn tôi, mê man tựa ngủ đông.
Tôi không biết đó là phần nào, chỉ biết là phần đó có lẽ không giống với những người khác.
Tôi thật sự không hiểu, “bánh bao thịt ném chó” gọi là một đi không trở lại, thời gian cũng thế, tại sao miêu tả như thế lại không được?
Còn miêu tả mỗi người khi sinh ra dùng cụm từ “oa oa chào đời”, nhưng chúng ta là người chứ có phải vịt đâu, sao lại dùng từ “oa oa”?
Nhưng tôi không dám hỏi, đành thuyết phục chính mình những thứ này là chân lý “Mặt Trời mọc ở đằng đông”.
Lâu dần, tôi bắt đầu sợ hãi cách suy nghĩ khác người của mình.
Chỉ tiếc là những chuyện này lan truyền trong giới giáo viên, vì thế rất nhiều giáo viên khi lên lớp đều đặc biệt quan tâm tới tôi.
Thường chẳng có việc gì cũng gọi tôi lên trả lời mấy câu hỏi vớ va vớ vẩn.
Tôi như con khỉ sáu chân trong sở thú, luôn thu hút ánh mắt hiếu kỳ của khách tham quan.
Tôi đành bắt đầu học cách im lặng cười ngô nghê, hoặc là gãi đầu gãi tai tỏ vẻ vô tội.
Ngay cả giáo viên thể dục cũng nói:
“Nào, em Thái, hãy thị phạm cho mọi người biết thế nào gọi là ưỡn thẳng người trên không rồi đập bóng vào rổ nào.”
Mẹ nó chứ, tôi có phải là Jordan đâu, thẳng người cái đít, đập bóng cái đầu!
Xin lỗi, Minh Thanh. Mình lại nói tục rồi, mình thật mất nết, lần sau không tái phạm nữa.
Bởi vì tự dưng bị coi là kẻ quái dị, nên tôi cũng đành sống một cách bất đắc dĩ.
Dù đã nghĩ đủ mọi cách để mình giống với mọi người, mọi người vẫn cảm thấy tôi rất kỳ quái.
Tôi chỉ hy vọng có thể yên ổn nghe giảng trên lớp, nhưng các thầy cô cứ chọc ghẹo mãi không ngừng.
Tình huống này có được coi là “trò muốn yên mà thầy chẳng chịu, con muốn ăn mà bố mẹ không cho” không nhỉ?
Nếu tôi lại đem cách miêu tả này viết vào bài làm văn, sợ là sẽ một lần nữa được chứng kiến máy bay rơi.
Cũng may trường cấp ba tôi học cũng được coi là trường điểm, thầy cô giáo chỉ quan tâm đến tỉ lệ lên lớp.
Thành tích của tôi luôn duy trì ở quãng giữa, không tốt cũng chẳng xấu, vì thế sẽ không bị chú ý đặc biệt.
Thực ra nếu lúc này được chú ý đặc biệt, hình như cũng không phải chuyện xấu.
Còn nhớ ngay sát ngày thi tốt nghiệp, trên lớp có một bạn rất mong thi đỗ ĐH Y Đài Loan bị cảm nặng, không nén được bèn ho khan mấy tiếng.
Thầy giáo lập tức rời bục giảng, vỗ nhẹ lưng bạn đó, đôi mắt cảm thương đầy buồn bã.
Lại còn nói em cũng giống con tôi vậy, em bị cảm tôi còn đau lòng hơn chính mình bị cảm vân vân.
Tôi cá là, nếu người ho là tôi, chắc chắn sẽ bị quy là làm mất trật tự, phạt ra ngoài hành lang đứng.
Bài tập năm cấp ba vừa nhiều vừa nặng, tôi không có thời gian quan tâm những vấn đề như ai là tổng thống ai là thị trưởng vân vân.
Dù sao học sinh cấp ba cũng không có quyền bỏ phiếu, lúc bầu cử cũng không có ai cầm tiền đến hiếu kính tôi.
Đến thần tượng Nhật Bản nổi như cồn khi đó là Akina Nakamori và Seiko Matsuda mà tôi còn nhầm lẫn.
Thỉnh thoảng sẽ quan tâm tới thành tích của đội tuyển Trung Quốc trong thi đấu quốc tế, nếu thua đương nhiên sẽ buồn, nhưng nỗi buồn này so với nỗi buồn làm bài không tốt khi đi thi, cũng chỉ là con muỗi so với con voi.
Tạ ơn ông Trời, cuối cùng tôi cũng đã dùng được một thành ngữ phổ biến như “con muỗi so với con voi” giống với mọi người rồi.
Chứ không dùng mấy câu kiểu như “chim ri gặp đại bàng”, “gà què so chim ghẻ”.
Hồi học lớp 12, trước khi nghỉ học, thầy hướng dẫn đều xiết chặt nắm đấm kích động hỏi bọn tôi:
“Nói cho thầy biết, mục tiêu tồn tại của các em là gì?”
“Thi đại học!” Cả lớp đồng thanh đáp.
“Nói cho thầy biết, mục tiêu phấn đấu của các em là gì?”
“Thi đại học!” Cả lớp trăm lời như một.
Mặc dù nhiều năm sau xã hội mới dạy cho tôi biết mục tiêu tồn tại là để kiếm tiền, còn mục tiêu phấn đấu là phụ nữ.
Nhưng khi đó nhịp tim của tôi và tất cả mọi người đều giống nhau, luôn khiến tôi có cảm giác yên tâm và an toàn.
Tôi giống như con gấu ngủ đông, còn thi đại học giống như mùa xuân, đánh thức tôi.
Cây Tầm Gửi Cây Tầm Gửi - Thái Trí Hằng