Sometimes your joy is the source of your smile, but sometimes your smile can be the source of your joy.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 34
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ài tuần lễ trước đây tôi có đáp một chuyến tàu chở hàng từ Lisbon đến nước Mỹ. Tôi nói tiếng Anh chật vật lắm và tôi có cảm tưởng như người ta đã xua tôi, một kẻ nửa câm nửa điếc, từ trên tàu xuống một hành tinh lạ. Đúng, đây là một hành tinh khác hẳn. Bởi lẽ ở châu Âu chiến tranh đang xảy ra.
Giấy tờ của tôi lại lung tung, lộn xộn nữa, tuy đúng là nhờ một phép mầu mà tôi đã có một tờ chiếu khán thứ thiệt của nước Mỹ cho phép tôi lên bờ. Nhưng tờ chiếu khán của tôi lại mang tên họ của một người khác. Cơ quan nhập cảnh tỏ ý hoài nghi đã đưa tôi tới Ellis Island. Và mãi sáu tuần lễ sau người ta mới chịu cấp cho tôi giấy phép cư trú tạm thời với cái hạn vỏn vẹn ba tháng. Trong hạn định đó tôi phải tự lo liệu cho mình giấy tờ cho phép tôi đến cư ngụ ở một nước nào khác.
Ellis Island: cửa ngõ đón nhận người nhập cư vào Hoa Kỳ nhiều nhất từ năm 1892 đến 1954.
Một hình ảnh quen thuộc. Tại châu Âu tôi cũng có một nếp sống hệt như bây giờ và những khoảng dừng chân đâu đó ấy kéo dài không phải là vài ba tháng mà chỉ vài ba ngày. Là dân tị nạn Đức, tôi được xem như đã chết từ năm 1933. Còn bây giờ trong ba tháng tới tôi không cần chạy trốn đi đâu làm gì, thực là một giấc mơ khó tin!
Cũng đã từ lâu rồi, tôi không còn ngạc nhiên vì tôi mang tên họ của một người khác và tôi đang sống bằng tờ giấy chứng minh của một người đã chết. Ngược lại tôi cảm thấy đấy là một điều rất hợp lí. Tôi thừa hưởng tờ giấy chứng minh này tại Frankfurt. Tên người đã tặng nó cho tôi trước lúc tử thần đưa đi là Robert Ross. Hầu như tôi đã quên hẳn tên cha mẹ đã đặt cho tôi. Người ta dễ dàng quên khuấy đi biết bao nhiêu điều khi cuộc sống đang gặp nguy hiểm.
Tại Ellis Island tôi gặp một người Thổ đã từng ở tại Mỹ mười năm trước. Tôi không rõ vì duyên cớ gì người ta không cho phép anh chàng người Thổ này ở lại Hợp chủng quốc lần nữa. Hỏi thì không tiện. Tôi còn nhớ nhiều lần đã xảy ra chuyện người ta đuổi người này người khác ra khỏi địa hạt cai quản của mình chỉ vì những người này không thích hợp với một điểm nào đó trong bản quy chế mà thôi.
Anh chàng người gốc Thổ trao cho tôi địa chỉ của một người Nga tại New York mà anh ta đã kết bạn từ lâu lắm rồi. Đáng tiếc anh chàng Thổ Nhĩ Kì này cũng không còn rõ người bạn Nga kia đã chết hay còn sống. Nhưng khi người ta cho phép tôi đi khỏi Ellis Island, tôi liền lên đường tìm tới địa chỉ ông bạn Nga kia luôn. Hành động của tôi rất dễ hiểu thôi. Tôi luôn sống như cỏ cây suốt bao năm tháng. Những ai buộc phải chấp nhận một cuộc sống phiêu bạt thì họ không còn trông cậy vào điều gì khác ngoài sự tình cờ, rủi may. Điều tình cờ, rủi may kia càng có vẻ bất hợp lí bao nhiêu, họ lại càng cảm thấy nó tự nhiên bấy nhiêu. Và trong thời buổi nhiễu nhương, tao loạn này, cái thường ngày chả phải đôi khi trở thành chuyện huyền thoại đó sao? Một câu chuyện huyền thoại không lấy gì làm vui vẻ lắm đâu, nhưng cũng thật lạ, cái kết cục của nó thường lại đẹp mê, may mắn hơn rất nhiều điều mà ta trông đợi.
Ông bạn người Nga làm việc tại một khách sạn xoàng xĩnh cách Broadway không xa. Tên ông ta là Melikov. Ông ta nói được tiếng Đức và thế là ông ta hiểu tôi ngay. Ông ta biết tôi đang cần điều gì hơn tất cả: nơi nương náu và công việc làm. Nơi nương náu tìm ra không khó: ông người Nga còn một chiếc giường thừa và ông ta sẽ kê thêm vào trong gian buồng của mình. Nhưng với tấm giấy phép cư trú tạm thời như cấp cho khách du lịch quả là khó tìm nổi một công việc. Người ta yêu cầu nhiều thứ giấy tờ nữa - chủ yếu là giấy cho phép nhập cảnh với hạn ngạch của người lưu vong hẳn hoi. Có nghĩa là tôi không thể nào tìm ra được việc làm hợp pháp. Y hệt bên châu Âu, nhưng điều này cũng chẳng khiến tôi sầu não, buồn rầu lắm. Trong túi tôi vẫn còn một ít tiền.
– Anh bạn sẽ sống bằng gì đây? Anh bạn đã nghĩ về khoản này chưa? - Melikov hỏi.
– Khoảng thời gian cuối cùng khi ở Pháp tôi làm ở một cửa hàng bán những bức tranh còn chưa rõ xuất xứ và những thứ hàng giả cổ.
– Anh có biết nhiều về lĩnh vực này không?
– Cũng tàm tạm.
– Anh trau dồi những hiểu biết đó ở đâu?
– Tôi đã ở bảo tàng Brussels hai năm liền.
– Anh làm việc ở đó hay sao? - Melikov ngạc nhiên hỏi lại.
– Không. Tôi ẩn náu ở đó. - Tôi đáp.
– Tránh bọn Đức à?
– Đúng thế. Bọn chúng chiếm đóng nước Bỉ.
– Những hai năm cơ à? - Melikov lại sửng sốt hỏi. - Thế chúng không phát hiện ra anh sao?
– Không. Chúng tóm được người che giấu tôi.
Melikov ngước nhìn tôi:
– Còn anh chuồn được à?
– Phải.
– Thế người kia ra sao?
– Như tất cả những ai bị bọn chúng bắt. Chúng đưa ông ta đến trại tập trung.
– Ông ta cũng là người Đức?
– Ông ấy là người Bỉ. Giám đốc viện bảo tàng.
Melikov gật gù.
– Làm cách nào mà anh lẩn trốn ở đấy lâu đến thế được? - Sau một lát im lặng, Melikov lại hỏi. - Chẳng lẽ viện bảo tàng không có khách đến tham quan sao?
– Tất nhiên là có chứ. Ban ngày tôi ngồi như bị cầm tù dưới tầng hầm chứa đồ. Tối đến ông giám đốc tìm xuống, mang cho tôi đồ ăn và khi trời tối ông ta thả tôi ra khỏi nơi ẩn náu. Tôi không đi đâu xa khỏi bảo tàng, nhưng tôi có thể lên khỏi tầng hầm. Tất nhiên là không được châm lửa hút thuốc hoặc rọi đèn rồi.
– Thế những người làm việc trong bảo tàng không biết gì sất à?
– Không. Dưới tầng hầm không có một chiếc cửa sổ nào cả. Còn khi có ai đi xuống hầm tôi ngồi im như thóc. Tôi chỉ sợ nhất là mình sẽ hắt hơi không đúng lúc.
– Vì mấy cái hắt hơi ấy mà anh bị lộ sao?
– Không phải. Một kẻ nào đó đã để ý thấy ông giám đốc thường ngồi lì quá lâu trong viện hoặc trở về viện lúc sập tối.
– Rõ rồi, - Melikov nói. - Ở dưới hầm anh có thể đọc sách được không?
– Chỉ vào mùa hè hoặc những đêm có trăng thôi.
– Đêm đến anh được phép đi dạo trong bảo tàng và xem tranh chứ?
– Vâng, nhưng chỉ khi còn nhìn rõ.
Melikov cười và đột nhiên hỏi tôi:
– Anh muốn ăn chút gì không?
– Có. - Tôi nói. - Tôi đang đói cồn cào đây.
– Tôi cũng nghĩ như vậy. Khi con người ta được hưởng chút tự do, lập tức anh ta cảm thấy muốn ăn như chó đói. Ta ra hiệu thuốc đi.
– Hiệu thuốc?
– Phải. Ta hãy tới hiệu thuốc. Đây là một trong những nét đặc biệt của Hợp chủng quốc. Tại hiệu thuốc người ta vừa mua aspirin vừa nhấm nháp đồ ăn.
– Anh làm gì suốt từ sáng đến tối ở viện bảo tàng để khỏi phát điên? - Melikov hỏi.
Tôi đưa mắt lướt nhìn hiệu thuốc: cạnh quầy bán thức ăn người ta đang vội vã nhai, mắt lơ đãng ngắm những tấm biển quảng cáo và các lọ thuốc.
– Chúng ta ăn gì bây giờ? - Tôi cất tiếng hỏi.
– Thịt băm viên. Món ăn này và món xúc xích nữa là thứ người Mỹ ưa thích nhất. Món bít tết thì không hợp với túi tiền hạng bình dân.
– Ông hỏi tôi làm gì suốt ngày ở viện bảo tàng à? Tôi ngồi đợi khi trời sập tối. Và đương nhiên là tôi luôn tránh nghĩ tới những mối hiểm nguy đang đe dọa tôi. Nếu không thì tôi sẽ bị điên ngay. Tiện thể cũng cần nói luôn điều này: tôi đã có mấy năm để tích lũy kinh nghiệm về việc lẩn trốn rồi. Một năm ở ngay tại nước Đức. Tôi không cho phép mình được nghĩ là tôi đã phạm một sơ suất nào đó. Sự ăn năn còn cắn xé lòng dạ ghê gớm hơn cả axít mạnh. Từng học tiếng Pháp nên tôi tự ra bài vở cho mình. Thời gian sau nữa thì đêm đêm tôi lang thang trong viện bảo tàng, ngắm các bức tranh và ghi nhớ lại trong đầu các bức tranh ấy. Chẳng bao lâu sau tôi đã biết được tất cả các bức tranh có ở đấy. Rồi ban ngày ở nơi tối như hũ nút kia, tôi thầm phục hiện lại bộ sưu tập trong đầu. Tôi sắp xếp lại chúng theo một hệ thống, đôi khi tôi đã bỏ rất nhiều thì giờ cho một bức tranh. Nhiều lúc chán nản tôi đã bỏ dở, song rồi tôi lại bắt đầu tất cả từ đầu. Giả như tôi chỉ có một mục đích ngắm tranh để mà ngắm tranh thôi, có lẽ tôi đã quỵ ngã rồi. Nhưng tôi đã tự đặt ra kiểu như bài luyện tập cho trí nhớ, vì thế mọi việc trôi chảy. Thế là tôi không cảm thấy bế tắc nữa mà lúc nào cũng như người vượt núi, leo hết bình độ này tới bình độ khác, ông có hiểu không?
– Hiểu, nghĩa là anh không bao giờ để cho mình được nhàn rỗi, - Melikov nói. - Anh có mục đích sống, điều đó đã cứu giúp anh.
– Suốt cả mùa hè tôi nghiên cứu tranh của Cézanne và một số bức tranh của Degas. Lẽ tất nhiên đó là những bức tranh hiện lên trong trí tưởng tượng và tôi cũng chỉ đánh giá chúng trong trí tưởng tượng mà thôi. Nhưng dẫu sao thì cũng là đánh giá. Và điều này khiến chúng trở thành một thử thách. Tôi học cách nhớ thuộc lòng màu sắc và cấu trúc của các bức tranh, tuy tôi không được nhìn thấy các màu sắc dưới ánh sáng ban ngày. Hoàn toàn là Cézanne dưới ánh trăng và Degas trong màn đêm. Tôi đã ghi nhớ, đã so sánh các bức tranh ấy trong cảnh tranh tối tranh sáng như vậy. Ít lâu sau tôi tìm thấy trong thư viện những cuốn sách viết về nghệ thuật. Ngồi sát bậu cửa sổ tôi ngốn ngấu đọc. Thật là một thế giới hư ảo nhưng dẫu sao cũng vẫn là một thế giới.
– Chả lẽ bảo tàng không có người canh gác sao?
– Ban ngày thôi. Ban đêm họ khóa tất cả cửa lại. Thật là một diễm phúc cho tôi.
– Và không diễm phúc cho người đã mang đồ ăn xuống hầm cho anh.
– Đúng là nỗi bất hạnh cho ông giám đốc viện bảo tàng! - Tôi nhìn Melikov, bình thản nói. Tôi hiểu rằng những lời nói của ông người Nga không ẩn ý xấu. Ông ta không phán xét tôi. Đơn giản là ông ta chỉ bình luận về một sự việc.
– Anh đừng hi vọng sẽ kiếm được chân rửa bát chén, dù là tạm thời. Đó là thứ lãng mạn viển vông. Kể từ khi có các công đoàn, cơ hội ấy không còn nữa đâu. Anh có thể chống chọi để không chết đói chừng bao lâu?
– Hoàn toàn không lâu đâu. Bữa sáng này phải trả bao nhiêu?
– Một đô la rưỡi. Từ khi chiến tranh bắt đầu mọi thứ ở đây đều đắt lên.
– Chiến tranh? - Tôi nói. - Ở bên này đang xảy ra cuộc chiến tranh nào?
– Chiến tranh đang xảy ra, - Melikov khẳng định, - và điều đó mang lại may mắn cho các anh đấy. Người ta đang cần người. Không còn kẻ thất nghiệp nữa. Anh sẽ tìm được công việc dễ dàng hơn.
– Nhưng ba tháng nữa tôi buộc phải rời khỏi nơi này rồi.
Nheo nheo mắt, Melikov mỉm cười.
– Mỹ là một xứ sở mênh mông. Và cuộc chiến lại đã bắt đầu. Một sự may mắn nữa cho các anh đấy. Anh sinh trưởng ở đâu?
– Theo như trong chứng minh thư thì ở Hamburg, thực ra tôi sinh ở Hanover.
– Chẳng vì quê anh ở nơi này hay nơi khác mà anh bị đe dọa sẽ phải đi khỏi nơi đây. Nhưng anh có thể bị đưa vào trại tập trung dành cho những người bị cầm giữ.
– Tôi đã từng ở một trại tập trung như vậy. Tại Pháp. - Tôi nhún vai nói.
– Rồi anh chạy trốn à?
– Nói đúng hơn tôi lặng lẽ ra đi. Sau khi nước Pháp thất bại, tình trạng hỗn loạn chung đã bắt đầu.
Melikov gật đầu.
– Tôi cũng đã từng sống ở Pháp, trong sự hỗn loạn chung của một chiến thắng tưởng tượng. Năm 1918. Tôi đến từ Nga, qua ngả Phần Lan và Đức. Trong đợt sóng di cư đầu tiên. Chúng ta uống một chút vodka nhé?
– Tôi đã luyện được thói quen từ bỏ rượu chè, - tôi đáp. - Nhiều lần vì rượu tôi đã phải đánh giá lại sức vóc của mình. Có hai lần rượu chè đã đưa tôi tới những kết quả thật thảm thê… tới khám tù nhung nhúc rận rệp.
– Ở Tây Ban Nha à?
– Ở Bắc Phi.
– Dẫu sao thì cũng cứ liều thêm một lần thứ ba. Các gian khám giam tù nhân ở đây rất sạch sẽ. Rượu tôi đã tích sẵn ở khách sạn. Anh mà vào tù thì không ai thí cho anh lấy một giọt đâu… Anh là một con người lãng mạn chứ? - Melikov hỏi tôi.
– Đối với tôi thì sự lãng mạn là một thứ xa xỉ không được phép. Cảnh sát tóm cổ những anh chàng lãng mạn dễ hơn những người khác.
– Về bọn cảnh sát ấy thì trong vài tháng tới anh không phải bận tâm làm gì.
– Đúng thế. Nhưng dẫu sao tôi cũng khó quen ngay với hoàn cảnh mới này.
Hai chúng tôi trở về căn phòng của ông người Nga tại khách sạn. Nhưng chỉ một lát sau tôi cảm thấy không tài nào chịu đựng được nữa. Tôi không muốn uống rượu, không muốn ngồi lại giữa chiếc ghế bọc nhung đã sờn rách, và gian phòng của Melikov thì bé tí xíu. Tôi muốn được phóng ra phố. Người ta đã giam hãm tôi quá lâu rồi. Ellis Island, dù thoải mái thế nào đi nữa, thì chung quy vẫn là một nhà tù. Melikov cho rằng trong ba tháng tới tôi không việc gì phải sợ hãi bọn cảnh sát vẫn ám ảnh trong đầu tôi. Ba tháng - một thời hạn thật đáng kể.
– Tôi có thể dạo chơi trong bao lâu?
– Tùy anh muốn.
– Khi nào ông đi ngủ?
Melikov vẫy tay vẻ phớt đời.
– Không trước lúc trời hửng sáng. Tôi có công việc của tôi. Anh muốn kiếm một ả gà mái không? Ở New York, việc này không dễ dàng như Paris đâu. Cũng phải liều lĩnh một chút đấy.
– Không. Tôi chỉ muốn đi dạo loanh quanh phố xá một chút thôi.
– Tìm gà mái ở ngay khách sạn này dễ hơn nhiều.
– Tôi không cần.
Tôi lang thang dạo gót qua những phố xá không tên tuổi như một kẻ nhàn tản. Những luồng khói nhạt của các đường phố ngùn ngụt bốc lên tận trời. Một khối lửa vào ban đêm, còn ban ngày lại là một đám mây trắng - đó chẳng phải là con đường trên sa mạc mà Chúa trời đã chỉ ra cho cái làn sóng đầu tiên của những người bị trục xuất, những kẻ phải di tản sao? Tôi đi xuyên qua cơn bão tố của những lời trò chuyện, những âm thanh, những tiếng cười, tiếng gào la gõ boong boong vào màng nhĩ, tôi nghe tiếng còi xe mà không hiểu ý nghĩa của nó. Sau khi bị nhận chìm trong màn đêm ở châu Âu, ai ở đây đối với tôi cũng là thần Prometheus: kia, một chàng trai đầm đìa mồ hôi trong luồng ánh sáng từ đèn điện đang thò tay ra khỏi cánh cửa của một quầy hàng, bàn tay anh ta vắt kín khăn tay và khăn ăn, van vỉ chào mời người đi đường mua hàng cho anh ta; kia một bác đầu bếp đang rán một con gà trên chiếc chảo lớn, xung quanh bác ta những tàn than củi bay tứ tung, dường như bác không còn là một con người nữa mà một vị thần trong truyện cổ tích. Tôi không thông hiểu tiếng nói ở đây, chính vì lẽ đó mọi người lướt qua trước mắt tôi như trong một màn kịch câm… Tôi cảm thấy như tất cả bọn họ đang biểu diễn trên sân khấu và trước mắt tôi không phải là bác đầu bếp, không phải là những người chào hàng, bán hàng mà là những con rối đang sắm vai trong một vở kịch kì bí. Chỉ mình tôi là không tham gia trong vở kịch kia mà chỉ đứng đó đoán ngầm ý nghĩa chung của nó. Tôi ở giữa đám đông nhưng lại cảm nhận rõ ràng mình là kẻ xa lạ, không liên quan gắn bó gì với đám người đông đúc, nhộn nhạo kia. Giữa tôi và họ không phải bị ngăn cách bởi một bức tường kính, một khoảng cách, một sự thù địch hoặc sự lạ lẫm mà là một điều gì đó không thể nắm bắt được. Cái “điều gì đó” kia chỉ can hệ tới một mình tôi và đâm chồi mọc rễ trong bản thân tôi. Tôi mù mờ hiểu ra cái khoảnh khắc này có một không hai, nó không bao giờ tái diễn nữa - ngay ngày mai thôi cái cảm giác đang xâm chiếm tôi lúc này sẽ nhòa nhợt, yếu ớt đi nhiều. Không phải những người đang ở xung quanh tôi kia sẽ trở nên gần gụi với tôi hơn mà chính là ngược lại. Từ ngày mai tôi sẽ bắt đầu cuộc đấu tranh để sinh tồn, tôi sẽ bò dán sát bụng dưới đất, tôi sẽ nhượng bộ, dối trá để vượt qua mọi nỗi cay đắng, khổ đau, vốn là thứ tạo nên chất đời thường của chúng ta hôm nay. Dẫu sao đêm hôm nay đối với tôi cái thành phố này vẫn còn giữ được bộ mặt bí ẩn.
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường