Let your bookcases and your shelves be your gardens and your pleasure-grounds. Pluck the fruit that grows therein, gather the roses, the spices, and the myrrh.

Judah Ibn Tibbon

 
 
 
 
 
Tác giả: Khánh Mỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6716 / 25
Cập nhật: 2015-02-25 16:08:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 -
ưa làm trắng xóa mặt đường. Chưa tới bảy giờ mà trời đã tối sầm, u ám. Vừa giữ tay lái Văn vừa lục túi áo tìm gói thuốc lá. Mưa Đà Lạt buồn tẻ thật, những cơn mưa dầm dề làm nản lòng bất cứ ai muốn ngắm nhìn khung cảnh đẹp của phố núi này. Rít một hơi khói thuốc Văn lắc đầu. Nghĩ đến Như Phượng, anh lại cảm thấy bực bội với những lời của cô khi nãy.
Trước Như Phượng, anh cũng có quen biết vài cô gái, nhưng chỉ chừng một vài tháng phát hiện rằng không hợp tính nhau. Còn với Như Phượng, anh quen biết cô hơn một năm rồi, thậm chí anh còn định đưa cô về ra mắt người nhà vào dịp sinh nhật của nội cuối tuần sau. Văn lắc đầu thở hắt ra. Nếu cô đòi đi tu nghiệp thì chuyện ra mắt kia khó mà thực hiện được rồi.
Vẫn chạy chậm để đổ đèo. Trời tối quá, anh phải pha đèn liên tục và phải căng mắt ra nhìn đường. Xuống được lưng chừng đèo, Văn ngạc nhiên khi thấy xa xa dường như có một bóng người bên vệ đường rối rít vẫy tay.
"Tai nạn chắc", anh tự nhủ khi đạp chân thắng. Rà xe đến gần, Văn nhăn mặt nhận ra cái vẫy tay kia chỉ là dấu hiệu xin đi nhờ xe. Anh cho xe lướt qua luôn. Ai lại xin quá giang ở đây được nhỉ. Bậy thật! Nhưng rồi đột nhiên có một điều gì đó làm anh khựng người kinh ngạc. Màu áo người đó mặc là một cái áo đỏ sọc trắng khó lẫn dù đứng trong mưa. Văn đạp thắng lần nữa, ngập ngừng một phút rồi de xe trở lại một cách thận trọng.
Đúng là cô ta, cô gái Sài Gòn bỏ nhà đi bụi trong chiếc áo gió đỏ sọc trắng. Thấy xe ngừng, cô gái mừng rỡ chạy đến. Văn chồm người qua mở cửa xe:
- Lại cũng là cô à?
Nét mặt cô gái còn kinh ngạc hơn khi nhận ra người ngồi sau tay lái là ai.
Văn ra hiệu với câu nói lớn:
- Vào xe đi.
Không đợi mời lần thứ hai, cô gái chui ngay vào xe, tay run rẩy gài dây an toàn quanh mình. Có lẽ đã đứng khá lâu trong mưa, nên dù áo gió có nón che, cô gái vẫn ướt mèm tóc tai mặt mũi, môi tím tái và gương mặt trắng đến nhợt nhạt. Văn đưa cho cô hộp khăn giấy, cô gái gật đầu không nói nổi lời cám ơn. Hàm răng đánh lộp cộp, tay cô lóng ngóng dùng mớ khăn giấy lau gương mặt lạnh ướt nước mưa.
Văn cho xe chạy chầm chậm, anh lắc đầu:
- Tôi có khăn sạch, nhưng khổ nỗi lại để trong cốp xe mất rồi.
Co ro trên ghế, cô gái khó nhọc lên tiếng:
- Tôi... không sao... Cám ơn anh.
Cơn lạnh run làm câu nói của cô lào khào đớt đát thật khó nghe. Văn ngập ngừng rồi như không chịu nổi khi thấy cô gái lạnh run dữ quá, anh đành đưa điếu thuốc trên tay cho cô:
- Cô hút một chút đi vậy. Đừng hít ngay vào mũi, khói xộc vào nồng cô chịu không quen đâu, từ từ thôi.
Bàn tay cô gái ướt và lạnh ngắt chạm vào tay anh khi cầm điếu thuốc, cô làm theo sự hướng dẫn của anh, một vài lần sặc nữa mới quen được với khói thuốc.
- Đỡ chưa? - Văn hỏi.
Cô gái gật đầu tuy đôi mắt thao láo ngơ ngác, nét mặt vẫn trắng bệch đến tội nghiệp, Văn ngẫm nghĩ rồi anh vỗ trán:
- Quên mất, có một thứ sẽ làm cô ấm ngay mà tôi không nhớ ra. Trong hộc xe của tôi co...
Anh định chồm lên mở cái hộc trước mặt cô, nhưng ánh đèn xe ngược chiều làm anh không dám bỏ rơi tay lái. Cô gái dụi luôn điếu thuốc vừa tắt ngấm vì ướt nước rồi thay anh mở cái ngăn nhỏ trước mặt ra. Trời tối quá, cô với tay bật luôn cái đèn trên cao để dễ nhìn. Chỉ có vài cuốn băng nhạc, lẫn với mấy chai Whisky nhỏ xíu nằm trong góc hộc. Cô ngạc nhiên nhìn anh.
Văn gật đầu:
- Là mấy cái chai bé tí đó. Mở uống một ngụm đi, cô sẽ ấm một chút.
Cô gái ngần ngừ nhưng cũng nghe lời anh, mở niêm chai rượu bé tí nằm ngoài cùng và hớp môt ngụm. Ngụm rượu nồng đi thẳng xuống cổ họng làm cô gái trợn mắt bụm miệng như muốn sặc. Nhưng bù lại, khi vội nuốt ngụm rượu ấy rồi, sức cay nồng của nó đến từng mạch máu làm cơ thể cô như có ngọn lửa bừng truyền dẫn cái lạnh thấu xương nãy giờ tạm bị đẩy lùi.
- Thêm một hớp nữa đi, tôi nghĩ cô cần phải uống ít nhất là nửa cái chai đó mới bớt lạnh. - Văn nói.
Cô gái nghe lời anh, nâng ly lên môi uống thêm một hai ngụm nhỏ nữa. Mắt nhìn đường để đi hết những cua cuối của con đường đèo, nhưng Văn vẫn không quên tình hình cô gái bên cạnh, anh hỏi:
- Sao? Công hiệu chứ hả?
Cuối cùng, cô gái cũng nở được một nụ cười. Câu trả lời đã rõ ràng, dễ nghe hơn:
- Công... công hiệu lắm, cám ơn anh.
Văn cũng mỉm cười:
- Thay vì cám ơn tôi, cô khoan đậy nắp chai lại, cho tôi ké một hớp được không?
- À, xin lỗi.
Cô gái vội vàng mở nắp chai và đưa cho anh. Văn tợp một ngụm nhỏ rồi giơ chai ra nheo mắt nhìn cho rõ. Anh lắc đầu cười:
- Cô lấy ngay thứ Whisky nặng nhất mà, hèn gì không suýt sặc. Nhưng cũng hay, thứ này thì lại càng công hiệu cho cơn lạnh của cô.
Đưa chai rượu cho cô cất vào ngăn, anh nói:
- Tắt luôn đèn trong xe đi, tôi không thích thứ ánh sáng đó đâu.
- Xin lỗi. - Cô gái nói trong khi với tay tắt đèn.
Đã xuống xong một đường đèo, Văn liếc nhìn qua cô. Nếu theo như sắc mặt mà nhận định thì có lẽ cô ta đã đỡ hơn rồi. Không còn run rẩy lập cập như khi nãy nữa.
Anh ngẫm nghĩ rồi chợt hỏi:
- Sao cô lại đứng giữa đường xin chờ xe vậy?
Cô gái húng hắng ho và đáp:
- Lời anh nói hôm qua cũng đúng. Đà Lạt mùa mưa khó kiếm việc quá, tôi định quá giang xe trở xuống dưới may ra có thể sống được.
- Tôi muốn hỏi là sao cô lại đứng giữa đường kia? Lại lưng chừng đèo nữa, bộ cô muốn hù thiên hạ chết sao?
Cô gái lựng khựng:
- Đó là tại.. hồi chiều nay tôi có xin quá giang một chiếc xe tải về miền Trung.
Văn ngạc nhiên:
- Về miền Trung? Vậy tại sao cô lại xuống ở đèo?
Cô gái ấp úng giải thích:
- Họ... tại họ không tốt, tôi cự lại nên họ xuống lưng chừng đèo thì đuổi tôi xuống.
Xoa hai tay vào nhau như để ủ ấm hơn, cô khàn giọng:
- Tôi phải vừa đi bộ từ từ vừa vẫy tay xin đi nhờ xe, có nhiều chiếc xe đi qua, nhưng vẫn không có ai dừng lại. Tôi đứng ở đó đã lâu lắm rồi. Nếu không có anh, tôi không biết mình có phải chết cóng trên đó không nữa.
Văn cau mày. Lại chuyện ăn hiếp mấy cô gái đơn thân quá giang xe đây mà. Cô gái Sài Gòn bụi đời này thật xúi quẩy.
Anh hắng giọng hỏi:
- Cô có nhìn được số xe của họ không?
Cô gái lắc đầu:
- Không. Hồi chiều trời mưa quá, vả lại tôi chỉ xin đi nhờ, có được xe cho đi nhờ là mừng lắm rồi, đâu nghĩ đến chuyện nhìn số xe người ta làm gì.
- Họ có mấy người vậy? Mấy người trên cái xe tải đó?
Cô cụp mắt:
- Ba người. Một người phía sau canh hàng, còn chủ hàng với tài xế ngồi băng trước. Tôi cũng được ngồi băng trước.
Anh ngẫm nghĩ một lúc rồi nhíu mày:
- Họ thật sự.. định làm bậy với cô à?
Cô gái bậm môi gật đầu. Văn cười nhạt:
- Không nói quá đó chứ. Họ có hai ba người làm sao cô cự lại được?
Cô gái ngập ngừng rút trong túi áo ra một con dao bấm nhỏ:
- Tôi... có cái này nên họ không dám làm bậy.
Văn trố mắt liếc nhìn con dao rồi nhìn sững cô gái. Trời đất! Một con dao? Thật đúng là anh đã gặp dân bụi đời chuyên nghiệp rồi. Đi quá giang xe mà còn thủ một con dao bấm sao? Dân xã hội đen à?
Cô gái chừng như hiểu suy nghĩ của anh, nên nhét ngay con dao vào túi xách dưới chân, vội vàng phân trần:
- Anh đừng lo, tại... tại tôi sợ trước mấy cảnh đó, nên người ta chỉ tôi mua nó rồi giữ để phòng thân thôi. Tôi không có ý muốn hại ai đâu. Tôi đi một mình cũng sợ mà.
Văn im lặng. Anh vừa nhận ra dường như mình đã không để ý đến những nguyên tắc tối quan trọng khi đi xa. Xưa nay tuy không quá ích kỷ, nhưng anh có bao giờ cho ai đi nhờ xe đâu, nhất là kiểu nhờ xe giữa đường trong đêm tối như vậy. Anh thầm lắc đầu. Nếu không phải ánh đèn pha ngay vào màu áo đỏ có sọc, nếu không phải cái màu áo quen mắt cho anh một ấn tượng tội nghiệp hôm qua thì anh đã không vướng lần nữa vào cô gái bụi đời chưa biết họ tên, chưa biết lai lịch này rồi. Chưa kịp biết cô là ai, nhưng bây giờ thì anh đã biết cô có một con dao bấm sáng loáng trong tay. Có bất ngờ không?
Cô gái bối rối nhìn nét mặt anh:
- Anh... ngại tôi à? Nếu không tiện thì... - Cô thở dài - Thôi thì anh có thể bỏ tôi xuống thị xã Bảo Lộc, tôi ở đó tạm môt. đêm, sáng mai xin quá giang xe người ta cũng được. Tôi biết anh rất tốt, nhưng khổ nỗi không thể chứng minh cho anh hiểu tôi cũng là người lương thiện.
Văn nhìn thoáng qua cô gái, anh lắc đầu điềm tĩnh trở lại:
- Thôi, không sao đâu. Tôi đưa cô đi cũng được thôi.
Cô gái mừng rỡ nhìn anh:
- Anh tin tôi à?
Văn nhún vai:
- Không vậy thì sao? Thật ra, nếu tính luôn hôm qua, thì tôi với cô cũng có quen biết một chút xíu, chạy đường trường có bạn đồng hành cũng tốt mà.
Mặt cô gái đã tươi tỉnh trở lại. Văn liếc qua cô rồi hỏi:
- Cô định quá giang xuống đâu?
- Dạ đâu cũng đưọc, chỉ mong đừng ở Sài Gòn thôi.
Văn bật cười:
- Vậy là khó cho tôi rồi, vì tôi lại về Sài Gòn đây.
Cô gái giật mình nhìn anh:
- Anh về Sài Gòn thật à? Anh là dân Sài Gòn sao?
Văn nhướng mày:
- Vậy thì đã sao?
Cô gái suy tính nhanh rồi nói:
- Vậy có lẽ tôi sẽ xin anh cho xuống ở ngoài xa lộ.
Văn cau mày:
- Làm gì mà cô sợ Sài Gòn dữ vậy?
- Không phải sợ nhưng mà... tôi không muốn về đó, hiện thời là vậy.
Văn nhún vai lặng thinh. Cô gái thật rắc rối. Đã rời Đà Lạt về lại vùng đất quen thuộc của mình là tốt nhất sao cứ lại muốn loanh quanh nơi khác vậy không biết.
- Cô tên gì?
Cô gái hơi ngạc nhiên nhìn anh, nhưng cũng chịu trả lời:
- Thiên Ân. Tôi tên Thiên Ân.
Văn gật gù:
- Thiên Ân? Tên đẹp đó chứ. Chắc cô con một?
Thiên Ân tròn mắt:
- Sao anh biết?
Văn cười:
- Gia đình hiếm muộn thường đặt những cái tên đầy yêu thương đối với đứa con ao ước của mình.
Anh nhìn qua cô:
- Cho nên từ tên cô cũng có thể hiểu là gia đình cô yêu quý sự ra đời của cô lắm. Đừng làm gì buồn lòng cha mẹ mình, tôi nghĩ cô nên trở về Sài Gòn là tốt hơn hết.
Thiên Ân cụp mắt buồn rầu:
- Anh không hiểu gì đâu.
Văn đành lặng thinh. Chuyện gì khiến cô gái trẻ này cứ quyết chí bỏ nhà đi bụi vậy không biết, anh đã thử thuyết phục cô mấy lần rồi nhưng dường như chả lần nào có hiệu quả. Mưa càng lúc càng ào ạt, trắng xóa cả ánh đèn xe rọi sáng trong đêm. Văn cho xe gạt nước liên tục nhưng vẫn khó mà thấy được rõ trong đêm đen.
Ngồi cạnh thấy anh che miệng ngáp mấy lượt, Thiên Ân ngập ngừng lên tiếng:
- Anh... mệt lắm à?
Văn vuốt tóc ngược ra sau:
- Ừ, cũng khá mệt.
- Tôi giúp gì được cho anh không?
- Giúp gì? - Anh nhướng mắt.
Cô ngần ngừ rồi nói đại theo ý mình:
- Tôi... Đường đèo thì tôi không dám, nhưng nếu xuống đường bằng anh để tôi lái giúp một đoạn cho.
Văn ngạc nhiên hỏi gấp:
- Cô vừa nói cái gì?
Thiên Ân e dè giải thích:
- Tại tôi thấy anh mệt nhọc quá. Nếu tôi giúp anh một đoạn thì anh có thể chợp mắt được một tí.
Văn quay nhìn cô:
- Cô biết lái xe sao?
Thiên Ân lúng túng với ánh mắt của anh:
- Xe khác thì tôi không quen, nhưng xe của anh thì trước đây tôi từng tập lái thử vài đoạn.
Văn nheo mắt:
- Cô bao nhiêu tuổi?
Thiên Ân rụt rè:
- Mười tám. Tôi chưa có bằng lái thật nhưng tôi có thể lái chiếc xe này một đoạn đường bằng thật mà. Trong đêm ít xe và cũng đâu có cảnh sát, tôi chạy chậm là được rồi.
Văn không tin lời cô nhưng nhớ đến sự rành rẽ khi bật đèn và quàng dây an toàn như một quán tính của cô thì anh lại ngờ ngợ.
- Có... được không - Thiên Ân hỏi nhỏ lần nữa.
Anh lắc đầu gạt đi:
- Đừng đùa. Tôi chạy được, khỏi lo cho tôi. Nếu sợ tôi buồn ngủ thì cô kiếm chuyện gì để nói cho vui là được rồi.
Liếc dáng ngồi của cô, anh cười chế giễu:
- Nhìn dáng cô hôm qua đến nay có vẻ cũng chả ham sống lắm. Giao tay lái cho cô bộ không ớn chuyện cô kéo tôi theo hay sao làm gì mà còn tinh thần chợp mắt được.
Thấy anh nói vậy, Thiên Ân đành làm thinh. Thật sự mà nói anh cho cô quá giang cũng đã là tốt bụng lắm rồi, làm gì mà có chuyện cho một cô gái lang thang như cô cầm lái chiếc xe của mình. Anh cảnh giác như vậy cũng phải thôi. Chỉ có điều cô áy náy vì thấy anh mệt mỏi trong khi cô lại vô dụng chả giúp gì được. Bắt đầu đổ thêm môt đèo nữa, mưa không còn nhưng sương mù lại giăng đầy trước đầu xe làm con đường như trong truyền thuyết liêu trai vậy.
Văn pha đèn liên tục để chầm chậm đổ đèo. Anh cảm thấy chỉ có mình là cố căng mắt nhìn đường, nhìn vách núi để phân định đường, cô gái bên cạnh anh thì khoanh tay ngồi im. Cứ như là cô ta không sợ chết, không sợ tai nạn với chuyến xuống đèo trong đêm mưa gió nguy hiểm này vậy. Văn chợt mỉm cười, nhớ đến những chuyện liêu trai của Bồ Tùng Linh xưa kia. Cô gái cạnh anh chẳng biết đích xác thân phận thế nào anh cũng gan dữ mới cho cô lên xe. Biết đâu đây là một con hồ ly nhí còn sót lại từ mấy ngàn năm trước nay hiện ra để trêu ghẹo anh thì sao?
Văn bật cười với sự liên tưởng của mình. Tiếng cười của anh làm Thiên Ân ngạc nhiên. Cô hỏi:
- Gì anh cười dữ vậy?
Văn lắc đầu:
- Không có gì. Tôi nghĩ đến một chuyện vui vui thôi.
Thiên Ân ngồi yên một lúc có lẽ cũng buồn, cô rụt rè đề nghị:
- Tôi mở nhạc một chút có được không?
Văn cười:
- Được, nhưng chờ tôi xuống đèo đã. Nhiều sương mù quá, tôi sợ không nhận ra kịp ánh đèn đi lên. Nếu nhìn không ra thì cũng nghe họ bấm kèn.
Thiên Ân gật đầu hiểu ra. Cô khoanh tay lại, dựa vào ghế nhìn thẳng về phía trước. Khó khăn hồi hộp một chút, nhưng rồi Văn cũng qua được đoạn đèo ngập sương mù. Anh hắng giọng khi đã cho xe trôi xuống đoạn đường bằng phẳng:
- Mở nhạc được rồi đó.
Thiên Ân nhổm dậy lựa băng. Băng nào cô cũng bỏ vào, nhưng chỉ nghe được một hai bài lại đổi băng khác. Văn ngạc nhiên hỏi:
- Làm gì mà như trạm kiểm duyệt băng vậy? Nhạc đó không thích à?
Thiên Ân ngượng nghịu:
- Mấy cuộn băng này nhạc ồn quá.
Văn phì cười:
- Trời đất, nhạc trên xe cho một tài xế ít có thời gian ngủ như tôi thì phải ồn ào rồi, nếu êm dịu thì hai mắt tôi cũng díp lại lấy ai chạy xe. Thôi đừng nghe nhạc nữa cho ồn ào. Sao cô không ngả ghế ra ngủ một tí đi. Không buồn ngủ à?
Thiên Ân nhỏ nhẹ:
- Tôi uống chút rượu vào hình như lại càng buồn ngủ, nhưng anh đừng lo tôi sẽ ráng không ngủ. Ba tôi nói ngồi cạnh tài xế, nhất là tài xế chạy đường trường thì tốt nhất là đừng có ngủ vì như vậy sẽ làm người ta buồn ngủ theo.
Văn buồn cười:
- Vậy nếu không ngủ thì cô cũng nên tìm chuyện gì nói đi, cứ làm thinh thì tôi cũng buồn ngủ thôi. Cho cô biết sáng nay tôi dậy rất sớm, làm việc suốt cho đến chiều tối, tôi không hề chợp mắt được chút nào, nên thành thật mà nói bây giờ tôi mệt ghê lắm.
Thiên Ân ngần ngừ:
- Nói chuyện à? Tôi biết nói gì bây giờ?
- Gì cũng được mà.
Thiên Ân im lặng một luc rồi chợt lên tiếng:
- À, tôi chưa biêt tên anh, phải không?
Văn ngẩn người:
- Ừ, tôi cũng quên mất, hỏi tên cô rồi mà lại quên nói tên mình. Tôi tên Văn, Nguyễn Nam Văn. Cô gọi tôi là Văn được rồi.
Thiên Ân mỉm cười:
- Tên anh cũng rất hay, cái tên đó không cho tôi đóan được anh có phải là con một hay không, nhưng tôi nghĩ nếu anh có người em trai tên Bắc Võ nữa thì ngộ lắm.
Văn bật cười:
- Chà, cô cũng biết đùa nữa à. Tôi tuy không có em trai tên Bắc Võ nhưng lại có một đứa em gái rất dễ thương, nó tên là Thúy Vũ.
Thiên Ân tròn mắt trầm trồ:
- Cái tên này đẹp quá. Thúy Vũ, Nguyễn Thúy Vũ, đẹp thật chứ.
Văn sửa lại:
- Không phải Nguyễn Thúy Vũ mà là Dương Thúy Vũ. Con bé là em cùng mẹ khác cha với tôi.
- Nhưng sống chung với anh chứ? - Thiên Ân tò mò.
Anh lắc đầu:
- Không, nó sống với mẹ và dượng tôi. Còn tôi lại sống bên nội. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng có dịp gặp nó. Anh em tôi rất thân.
- Vậy Thúy Vũ bao nhiêu tuổi rồi anh Văn? Có bằng tuổi tôi không?
Văn cười lắc đầu:
- Không đâu, nó còn nhỏ lắm, chỉ mới mười hai tuổi.
Thiên Ân ngạc nhiên:
- Chỉ mới mười hai à? Em gái anh nhỏ vậy sao? Vậy là anh tha hồ mà chiều em rồi.
Văn gật đầu:
- Ừ, mẹ tôi tái giá khi tôi đã vào trung học, biết mình có một đứa em gái thì cũng thích, nó có hay nhõng nhẽo nhưng cũng ngoan lắm.
Thiên Ân nghe với đôi chút ngưỡng mộ:
- Anh cũng hạnh phúc thật, một anh trai, một em gái vậy vui lắm chứ. Vui hơn nhà tôi là cái chắc, tôi chỉ có một mình thôi. Những khi không có ba tôi ở nhà, thì buồn lắm.
Văn gật gù mỉm cười. Thiên Ân hỏi qua chuyện khách:
- Vụ mua bán của anh ở Đà Lạt sao rồi?
Văn nhún vai:
- Chẳng đâu vào đâu, tôi bỏ luôn không mua nữa.
Thiên Ân không giấu nổi tò mò:
- Anh... mua cái gì vậy? Bây giờ không mua nữa thì nói tôi nghe có được không?
Văn cười:
- Cô biết Hương Xưa chứ?
- Sở trà Hương Xưa?
- Ừ, là nó đó. Tôi định mua nó.
Thiên Ân nhìn anh kinh ngạc:
- Ý anh nói là... mua lại cái sở trà Hương Xưa?
Văn nhún vai:
- "Định" thôi, vì rốt cuộc không mua được.
Thiên Ân lẩm bẩm:
- Khó tin thật, anh đi lên đây có một mình lại định mua một cái sở trà to nhất nhì tỉnh này.
Văn cười:
- Tôi chỉ là đi bàn chuyện sang nhượng thôi. Nếu được thì thủ tục mua bán sẽ phải hẹn lại sau cho chu tất chứ.
Thiên Ân lặng im một chút rồi hỏi lại:
- Rồi sao anh lại không mua được? Họ không chịu bán à?
Văn chắc lưỡi:
- Không phải là không chịu bán, nhưng gia đình họ đông người, cứ mỗi người một ý chèo kéo dùng dằng hoài, tôi phát bực nên bỏ về.
- Anh mua sở trà đó cho anh à? Anh muốn làm trà?
Văn lắc đầu:
- Không phải. Công ty của tôi là dạng tập đoàn chuyên điều hành quản lý những công ty chi nhánh. Có dịp chúng tôi cũng mua lại các công ty nhỏ, hoặc cơ sở đang làm ăn lỗ lãi, như Hương Xưa để khuếch trương việc kinh doanh buôn bán.
Thiên Ân ngắt lời:
- Tôi biết rồi. Mua được các công ty nhỏ đó, công ty anh sẽ thêm vốn vào đầu tư hoặc gọi vốn nước ngoài, gọi vốn cổ đông, sau đó quản lý để cho công ty ấy trở lại vững mạnh trên thị trường.
Văn ngạc nhiên nhìn cô:
- Chà, cô thông minh dữ vậy? Tôi không tin là mười tám tuổi mà cô học xong khóa Thương mại Kinh tế nào đâu.
Thiên Ân nén tiếng thở dài:
- Tôi chưa tốt nghiệp trung học. Nhưng... chuyện mua bán công ty kia có lẽ tôi cũng biết qua sơ sơ.
Văn chỉ cười không tin. Nhưng Thiên Ân thì lặng lẽ buồn rầu vì điều cô nói là sự thật. Chẳng những biết sơ sơ, thậm chí cô đã từng đối diện với nó nữa kìa. Công ty của ba khi không còn giám đốc đã xảy đến vô số những rắc rối khó khăn. Chỉ hơn tháng sau ngày ba mất, chú Tâm, người phó giám đốc của ba cô trải trước mặt cô vô số những giấy tờ hóa đơn, giấy thúc nợ, thu đòi bồi thường hợp đồng...
Chú tâm phân tích tình thế khó khăn trước mắt rồi kết luận thật rõ ràng là chỉ còn một cách cuối cùng để cứu vãng tình thế, đó là cô phải thay ba mình sang nhượng lại công ty. Thiên Ân không rành về pháp lý và cả về quản lý kinh tế, lại thêm phần lơ ngơ mất hồn vì sự mất mát người thân duy nhất của mình nên đành phải nghe theo lời chỉ vẽ của chú ấy. Những cuôc họp về sang nhượng kia, cô chỉ biết khóc thầm và ngồi ngây ngô cố lắng nghe nhưng không hiểu được gì nhiều. Công ty của ba, tâm huyết của ba vậy mà cô cũng không gồng gánh được để cuối cùng rồi cũng phải nhắm mắt ký càn.
Thấy cô có vẻ lặng lẽ, Văn hắng giọng hỏi:
- Sao? Không hỏi chuyện gì nữa à?
Thiên Ân ngẩng lên:
- Tôi chẳng biết nói chuyện gì nữa.
- Kể chuyện về cô xem. Cô bỏ lên Đà Lạt rồi đi những đâu, làm những việc gì?
Thiên Ân nhìn mông lung ra ngoài cửa xe, màn đêm phủ cảnh vật thành những khối to đen chạy vụt qua hay bên xe.
- Đúng ra là tôi đến nhà người chú họ nhưng không sống được ở đó, tôi quá giang một xe thu mua hàng bông từ thành phố lên Đà Lạt.
Cô nhìn anh cười nhẹ:
- Xe đó có ghé qua Hương Xưa, tôi cũng muốn xin việc ở đó, nhưng bị từ chối. Bây giờ tôi mới biết là họ cũng đang lao đao vì lỗ lãi, chứ lúc ấy cứ tưởng họ chê tôi dân thành phố không đủ sức để làm việc.
- Rồi sau đó thì sao?
- Tôi vào luôn thành phố. Xin được một chỗ giúp việc bưng bê cho một quán tả pí lù, nhưng... do tôi vụng về nên họ mướn chưa hết tháng, đã cho tôi nghỉ, tôi lại xin bán phụ một gian hàng bán đồ lưu niệm ngoài chợ.
Cô mỉm cười:
- Bà chủ cũng tốt lắm, tin tưởng nên cho tôi ở luôn đó, bà còn chỉ cho tôi đan áo, đan khăn choàng, tôi đã làm ở đó mấy tháng rồi.
- Vậy sao cô lại mất chỗ làm đó? - Văn hỏi.
- Không phải tại tôi đâu. Tại mùa này không còn khách du lịch nên phải tạm đóng cửa gian hàng thôi.
Văn lắc đầu mỉm cười. Cô gái này cũng khốn khổ dữ trong mấy tháng qua, vậy mà vẫn chưa chịu quay về nhà nữa. Văn nghĩ đến cô gái tên Thiên Ân rồi liên tưởng đến đứa em gái cùng mẹ khác cha với mình. Không hiểu tại sao dạo này đám con nít choai choai bỏ nhà đi bụi nhiều quá, cô gái này chỉ lớn hơn em gái anh có năm sáu tuổi, không biết khi Thúy Vũ lớn lên nó có nhiễm cái bệnh phiêu lưu kiểu này không.
Mải suy nghĩ đến khi anh quay lại định hỏi chuyện thì đã thấy cô gái co người ngủ gục trên ghế. Văn thấy tội nghiệp, anh thôi không đánh thức cô nữa. Màn đêm buông trùm khắp nơi, Văn vừa giữ tay lái vừa che miệng ngáp dài, anh cố giữ cho mình tỉnh táo, nhưng hai mắt cứ nặng trĩu. Anh muốn mở nhạc để đỡ vắng lặng, nhưng lại em âm thanh ồn ào đánh thức cô gái tội nghiệp bên cạnh, cô cũng chỉ vừa chợp mắt có một tí thôi, cứ để cô ngủ ngon vậy.
Xe vẫn lao đi trong bóng đêm với Văn nửa tỉnh nửa gà gật sau tay lái. Qua một khúc quanh, bất chợt một con thú nhỏ từ trong bụi xồ ra, Văn hốt hoảng đạp thắng thật nhanh và ngoặt tay lái né tránh như phản xạ tự nhiên. Tiếng bánh xe rít lên trong đêm vắng nghe ghê rợn, chiếc xe nghiêng ngả rồi lao chúi xuống vệ đường. Cùng với âm thanh va đập thật lớn của thanh cản xe phía trước vào một mô đá bên đường, xe hộc thêm một tiếng rồi chết máy.
Bình Yên Khung Trời Nhỏ Bình Yên Khung Trời Nhỏ - Khánh Mỹ Bình Yên Khung Trời Nhỏ