If there's a book you really want to read but it hasn't been written yet, then you must write it.

Toni Morrison

 
 
 
 
 
Tác giả: Khuyết Danh
Thể loại: Kiếm Hiệp
Biên tập: Trần Bình
Upload bìa: Doc Co
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2264 / 26
Cập nhật: 2017-08-27 08:09:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
àm Đài Diệt Minh gạt đôi câu qua, thấy đó là một thiếu nữ thì quát rằng: “Gọi bậc trưởng bối của ngươi ra, đôi câu của ta không giết hạng trẻ con vô danh”.
Vân Lối vận kiếm như gió, đâm ra soạt soạt hai kiếm đến trước mặt y, Đàm Đài Diệt Minh giở đôi câu, vận đủ nội lực, đánh bật thanh kiếm của Vân Lối trở lại, quát rằng: “Ngươi muốn chết?”
Vân Lối không hề thối lui, lại đánh qua một chiêu Bạch Hồng Quán Nhật, Đàm Đài Diệt Minh xoay đôi câu, tựa như song long xuất hải cuốn thanh kiếm của Vân Lối vào giữa, Vân Lối xoay bàn tay, chui kiếm đột nhiên bật ngược ra, bay ra khỏi đôi câu. Đàm Đài Diệt Minh kêu ồ một tiếng, thế là câu trái đâm tới, câu phải kéo lại, dẫn thanh kiếm của Vân Lối ra ngoài, khiến cho nàng phải thối lùi ba bước. Vân Lối không đợi đối phương lấn tới, nàng lại phóng người lên, đâm kiếm, Đàm Đài Diệt Minh nhíu mày nói: “Ai dạy ngươi lối đánh thế này? Liều mạng như thế làm sao có thể đối phó với cường địch?”
Vân Lối nói: “Ta phải liều mạng với ngươi!”
Đàm Đài Diệt Minh nghĩ bụng, chờ ta khóa được kiếm của ngươi, xem ngươi có còn hung dữ nữa không rồi sẽ hỏi tại sao liều mạng với ta! Thế rồi đôi câu xoay ngược trở lại, cuộn kiếm của Vân Lối vào giữa. Nào ngờ Vân Lối rất lanh lẹ, đã bị thua thiệt lúc nãy, lần này thì không mắc lừa nữa, nàng giả vờ lỗ mãng, nhưng thực ra rất tinh tế, cổ tay trầm xuống, đột nhiên chém ngược lên.
Keng một tiếng, răng cưa trên câu trái của Đàm Đài Diệt Minh bị mẻ mất một răng. Đàm Đài Diệt Minh kêu lên: “Kiếm pháp hay!” Thế rồi đôi câu thừa thế rút ra, Vân Lối cảm thấy một luồng đại lực dồn tới, hổ khẩu tê rần, chỉ thấy câu quang loang loáng, đâm tới trước ngực mình, Vân Lối xoay kiếm gạt xuống, nhưng đã không kịp nữa, chợt nghe Đàm Đài Diệt Minh quát: “Ngươi là người thế nào với Huyền Cơ Dật Sĩ?”
Vân Lối nhân lúc y quát hỏi, thanh trường kiếm cuộn ngược trở lại, giải thế đánh của Đàm Đài Diệt Minh, quát rằng: “Ngươi không xứng hỏi tôn hiệu của sư tổ ta!”
Đàm Đài Diệt Minh cười ha hả, đôi câu đánh vun vút, buộc Vân Lối phải xoay chuyển theo, không thể nào tấn công được nữa. Vân Lối càng bại càng dữ, bị Đàm Đài Diệt Minh đẩy lùi đến ba bước, nhưng nàng cũng lao lên bốn bước. Đàm Đài Diệt Minh nói: “Sư phụ ngươi cũng chẳng phải là đối thủ của ta, ngươi có biết không?” Thật ra là Đàm Đài Diệt Minh đã nói khoái, công lực của y chỉ bằng Tạ Thiên Hoa, Phi Thiên Long Nữ. Vân Lối không màng đến, tiếp tục vận kiếm đánh lên, liên tục đánh ra những chiêu hiểm hóc, Đàm Đài Diệt Minh cứ bị nàng bám riết lấy thì sát cơ nổi lên, đôi câu mở ra, ngân quang nở rộ, tựa như hai con ngân xà vây chặt lấy Vân Lối, đánh được khoảng hơn hai mươi chiêu nữa thì Vân Lối đã đuối sức, chống đỡ không nổi, Đàm Đài Diệt Minh lúc này mới ra chiêu sát thủ, câu trái chặn lại, câu phải bổ xuống đỉnh đầu nàng, Vân Lối la lên: “Cha, con gái không thể báo thù được cho người rồi!” Thế rồi vận lực gạt lên, đã biết rõ lực của đối phương nặng đến ngàn cân, có đỡ cũng không nổi, không ngờ câu kiếm vừa chạm nhau, lực đạo của chiêu ấy không nặng như nàng tưởng tượng. Chỉ nghe Đàm Đài Diệt Minh quát rằng: “Này, nhà ngươi có phải là cháu gái của Vân Tĩnh không?”
Vân Lối rút kiếm lại, mắng rằng: “Tên gian tặc phản quốc, ngươi còn dám gọi tên của gia gia ta”.
Đàm Đài Diệt Minh đột nhiên cả giận, cười lạnh: “Dầu sao Đàm Đài Diệt Minh này cũng đã bị bọn ngươi sỉ vả, dù cho có lấy mạng ngươi thêm nữa cũng chẳng hề chi!” Thế rồi đôi câu xoáy tít, tiếp tục xông lên. Vân Lối tuy giỏi kiếm pháp, nhưng nào có thể đỡ được? Trong chớp mắt có lẽ sẽ chết dưới đôi câu của kẻ địch. Đang lúc kịch đấu, chợt nghe bọn lính Hồ kêu la vang trời ở bên dưới, chắc là Châu Kiện đã đại triển oai thần, thu được toàn thắng. Vân Lối chợt yên lòng, bỗng nghe tên Phiên vương kêu lên: “Đàm Đài tướng quân, đừng ham đánh, Kim Đao lão tặc đã đến!” Trong tiếng quát, Châu Kiện đã cầm đao xông tới, liên tục đánh ra ba chiêu liên hoàn Tam Dương Khai Thái, keng một tiếng, đôi câu bị gạt ra, chân phải quét xuống đất, lớn giọng mắng: “Hôm nay ta phải phanh thây tên gian tặc nhà ngươi ra muôn mảnh!”
Đàm Đài Diệt Minh vừa tiến lên đã né qua, y nghe thế thì cười lạnh, đôi câu lại đâm tới, nói rằng: “Được, ta phải xem ngươi có bản lĩnh gì!” Thế rồi đánh ra mấy chiêu gạt, đỡ, móc, cắt, chặn rồi buông giọng cười lớn: “Kim đao cái gì, theo ta thấy chẳng qua chỉ là một thanh sắt vụn”. Câu quang vừa lóe lên, keng một tiếng, đã vạch một lỗ lên sóng kim đao, Châu Kiện cả giận phóng lên, liên tục chém ra ba đao, Vân Lối cũng đâm ra hai nhát kiếm. Hay cho Đàm Đài Diệt Minh, câu trái chặn đao, câu phải chống kiếm chẳng hề nao núng, mặc cho Châu Kiện lực đạo nặng nề, Vân Lối nhẹ nhàng linh hoạt, đao kiếm cùng đánh tới, nhưng cũng không hề chặn được y. Ba người đều đã nổi sát cơ, đều xoay tít như bông vụ, đôi song long hộ thủ câu của Đàm Đài Diệt Minh múa tít nhẹ nhàng trong ánh đao bóng kiếm, toàn là công nhiêu thủ ít. Châu Kiện và Vân Lối đánh mãi không được, đều thất kinh nhủ rằng: “Từ lâu đã nghe kẻ này là đệ nhất dũng tướng của Ngõa Thích, quả nhiên lời đồn không ngoa. Nhân tài như thế này mà theo bọn người Hồ thật đáng tiếc”.
Chỉ nghe Phiên vương ấy lại thúc giục: “Đàm Đài tướng quân, thời cơ đã đến, đừng ham đánh nữa!”
Châu Kiện chợt nhủ “Bắt giặc trước hết phải bắt vua, mình cần gì phải khổ đấu với y?” Thế rồi cố gắng vung ra một đao, đẩy lùi Đàm Đài Diệt Minh ba bước, kêu lên: “Vân Lối hãy ứng phó vài chiêu”. Thế rồi nhảy vọt ra, một đao chém xuống tên Phiên vương ấy. Vân Lối nhanh nhạy vô cùng, nàng lập tức bù vào chỗ trống, thanh kiếm lại đâm nhanh tới, chiêu kiếm là một chiêu sát thủ tinh diệu, võ công của Đàm Đài Diệt Minh tuy hơn hẳn nàng, nhưng trong lúc gấp gáp thì cũng chỉ đành né tránh.
Phiên vương ấy thấy Châu Kiện chém tới một đao, vội vàng giở thanh yêu đao lên gạt ra, keng một tiếng, hai thanh đao chạm vào nhau, Châu Kiện thất kinh thầm nhủ: “Khí lực của tên Phiên vương này thật ghê gớm! Bị thương mà vẫn có thể chống đỡ được mình”. Hổ khẩu của Phiên vương ấy đã rách toạc, lại không thể nhảy vọt né tránh, cho nên hồn vía chẳng còn. Châu Kiện đánh liền ra ba nhát đao, đến khi nhát đao thứ ba thì Phiên vương ấy chịu đựng không nổi nữa, thanh yêu đao vụt khỏi tay, Châu Kiện lại xông tới chém xuống tên Phiên vương ấy. Tên Phiên vương kêu lên: “Mạng ta đã xong!” Thế rồi mặc cho cơn đau ở khớp gối, chỉ đành lăn người xuống đất. Châu Kiện chém hụt một đao, lại vung đao chém tiếp, chợt cảm thấy sau lưng có tiếng gió, trở tay gạt lại thì chỉ nghe keng một tiếng, chấn động đến nỗi mã bộ không còn vững nữa. Chỉ thấy Đàm Đài Diệt Minh đã phóng đôi câu về phía mình, hai tay không tóm lấy tên Phiên vương ấy, phóng người bỏ chạy.
Châu Kiện nào chịu bỏ qua, ông ta vội vàng vọt theo giơ đao chém xuống, Đàm Đài Diệt Minh một tay ôm tên Phiên vương, đột nhiên đánh ra một thế Phượng Hoàng Điểm Đầu, người hạ thấp xuống, chưởng phải quét ngang ra, chiêu này rất mạo hiểm, chiêu số của Châu Kiện tuy hiểm hóc nhưng rút đao không kịp, trong lúc nguy cấp chỉ đành rút cây đao vào trong. Chỉ nghe bốp một tiếng, cổ tay của Châu Kiện bị chưởng phong quét trúng, thanh kim đao rơi xuống đất, Đàm Đài Diệt Minh cũng trúng một đòn ngay ngực, đau đến nỗi tối sầm mặt mũi, nhưng chẳng hề kêu lên một tiếng, mà cõng tên Phiên vương chạy gấp.
Vân Lối bị y đẩy lùi trong vòng mười chiêu, thấy thúc tổ đã thất bại, vừa thẹn vừa giận, nàng phóng người đuổi theo, vung tay ném ra ba mảnh Mai Hoa Hồ Điệp tiêu. Đàm Đài Diệt Minh không thèm ngoái đầu lại, trở tay đón lấy, tóm hết toàn bộ ám khí, rồi ném lại, lực đạo rất kinh người, tiếng gió kêu lên xoèn xoẹt, Vân Lối cũng không dám tiếp, đành phải lách qua một bên. Chỉ thấy ba mảnh phi tiêu bắn vào một tảng đá bên đường, lửa bắn ra tung tóe, nhưng không hề rơi xuống mà đều cắm trên tảng đá. Vân Lối thất kinh, Đàm Đài Diệt Minh thì chạy nhanh như gió, đã vượt qua một góc núi. Vân Lối toan đuổi theo, chợt nghe ở sơn cốc phía đông có tiếng pháo nổ rung chuyển núi rừng, Châu Kiện kêu lên: “A Lối, đuổi theo không kịp nữa rồi”. Trong khoảnh khắc, chỉ nghe bốn hướng đều có tiếng pháo nổ vang lên, trong khoảnh khắc trời rung đất chuyển, Châu Kiện nhặt thanh kim đao, giơ ngang đao cười lớn: “Mặc cho bọn Thát tử suy tính kỹ càng, cuối cùng cũng rơi vào rọ của ta”.
Vân Lối đang định hỏi thì Châu Kiện đã vẫy tay nói: “Hãy mau giúp ta cứu người”.
Vân Lối ngạc nhiên theo ông ta xuống núi. Chỉ thấy thây người nằm khắp nơi, máu nhuộm sơn cốc, đó toàn là lính Hồ bị Châu Kiện giết, Vân Lối không dám nhìn thẳng, Châu Kiện gọi: “A Lối, con có mang theo thuốc kim sangg giải độc hay không?” Rồi quay đầu lại cười rằng: “A Lối, con sao thế? Nếu đã sợ thì làm sao báo thù?”
Vân Lối nói: “Liều mạng với kẻ giặc chẳng hề gì, nhưng thấy người chết không toàn thây thì con không nỡ lòng”.
Châu Kiện cười lớn nói: “Chiến trường cảnh tượng thê thảm hơn cũng có! Đến đây, đến đây, nhìn quen rồi sẽ chẳng thấy sợ nổi”.
Vân Lối bước tới, thấy Châu Kiện ôm một võ sĩ ăn mặc theo kiểu người Hán, trên lưng võ sĩ ấy có cắm một mũi tên dài, xem ra đã sâu vào quá nửa. Vân Lối nói: “Còn cứu được không?”
Châu Kiện nói: “Còn chút hơi thở, thử xem sẽ biết”.
Vân Lối nói: “Con có mang theo thuốc Kim sang giải độc, nhưng không biết có dùng được hay không?”
Châu Kiện nhận lấy bình thuốc, nhẹ nhàng rút mũi tên ra, chỉ thấy máu ứ màu đen theo mũi tên vọt ra, Châu Kiện nói: “Mũi tên này thật độc!” Thế rồi rải thuốc Kim sang lên, sau đó lại xoa bóp cho người bị thương một hồi, chỉ thấy kẻ bị thương ấy hơi hé mắt, nhưng hơi thở rất yếu ớt, vẫn chưa thể nói nên lời. Châu Kiện lắc đầu, Vân Lối hỏi: “Thế nào rồi?”
Châu Kiện bảo: “Đây là loại độc tiễn thấy máu chặn mạch của Mông Cổ, không có thuốc giải độc của bọn chúng thì không thể trị được. Nhưng nội công của người này đã có mấy thành hỏa hầu, cho nên có thể gắng gượng được cho đến lúc này. Thuốc giải của con và thuật xoa bóp của ta có thể giúp y tỉnh lại một lúc nhưng cũng không qua nổi ngày mai”.
Vân Lối buồn bã nói: “Dù sao cũng chết, chi bằng đừng cứu thì hơn, để y khỏi chịu đau đớn”.
Châu Kiện nói: “Người này thoát ra khỏi đất Hồ, bị bọn Thát tử đuổi theo, chắc là có bí mật trọng đại, nếu không giúp y nói ra, y chết không nhắm mắt”. Thế rồi lấy ra một cây nhân sâm Cao Li, dùng đao chặt thành hai khúc, bỏ vào trong miệng người này, sau đó nhẹ nhàng đặt y xuống đất, sâm Cao Li là thứ có thể bổ khí giữ mạng, xem ra Châu Kiện muốn dùng thứ này để giúp cho y có cơ hội hồi quang phản chiếu. Lúc này, chỉ nghe tiếng la hét chấn động trời đất ở xung quanh, tiếng pháo nổ đùng đùng nghe muốn rách tai. Châu Kiện cầm thanh đao lên cười rằng: “Không đến ngày mai, bọn Thát tử sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Vân Lối đã biết tại sao ta cướp quân hưởng của Nhạn Môn quan chưa?”
Vân Lối nghĩ ngợi một hồi, vỗ tay cười rằng: “Đúng là diệu kế, thúc tổ cướp quân hưởng, Tổng binh Nhạn Môn quan đương nhiên sẽ phải nghe lệnh của người. Bọn Thát tử hẹn y xuất binh, người bảo y án binh bất động, như thế người ở chỗ tối, kẻ địch ở chỗ sáng, kế hoạch hành quân đảo lộn, lần này đương nhiên là người đã đánh thắng!”
Châu Kiện rất đắc ý, cười rằng: “Đinh Đại Khả thật ra cũng không xấu lắm, nhưng chỉ là ham muốn công danh, triều đình bảo y càn quét sơn trại, binh lực của y không đủ, cho nên mới cấu kết với bọn Thát tử. Ta cướp quân hưởng của y, hỏi y chịu để bọn loạn binh chém chết hay là đối phó với bọn Thát tử. Y cân nhắc nặng nhẹ, chỉ đành nghe lời ta”. Nói đến đây thì đột nhiên không ngừng buông giọng cười.
Vân Lối hỏi: “Thúc tổ cười cái gì?”
Châu Kiện nói: “Trong văn thư hằng ngày Đinh Đại Khả ấy gọi ta là Kim Đao lão tặc, đến khi gặp mặt ta thì toàn gọi là lão thượng ti!”
Vân Lối không nhịn cười được, hỏi: “Trước khi y đến đây, có biết Kim Đao lão tặc chính là lão thượng ti của y không?”
Châu Kiện nói: “Y do một tay ta nâng đỡ, đã thấy bản lĩnh kim đao của ta, có lẽ đã đoán được đó là ta, song bình thường y giả vờ không biết mà thôi. Trước đây khi chạm mặt với quan quân, ta thường đeo mặt nạ mục đích là không muốn để quan quân biết ta mà thôi”.
Vân Lối nói: “Tại sao?”
Châu Kiện nói: “Nếu để bọn tiểu binh biết ta là Tổng binh của bọn chúng, có lẽ quá nửa sẽ theo ta. Nhạn Môn quan là nơi quan trọng ở biên cương, cần phải có quan quân phòng thủ. Cho nên ta chỉ chiêu nạp những kẻ nghèo khổ chứ không nhận quan quân”.
Vân Lối tuổi còn nhỏ, bình thường không hề nghĩ đến những chuyện này, đến khi nghe xong thì cảm thấy thúc tổ suy nghĩ sâu xa, bất giác ngẩn người ra. Chợt nghe Châu Kiện nói tiếp: “Hay lắm, tỉnh dậy rồi”.
Chỉ thấy người ấy xoay người, thều thào nói: “Các người là ai? Hãy mau đưa ta đến gặp Kim Đao trại chủ”.
Châu Kiện nói: “Ta chính là Kim Đao trại chủ”.
Người ấy nói: “Ông có biết cháu gái của Vân Tĩnh đang ở đâu không?”
Vân Lối thất kinh nói: “Ta chính là Vân Lối!”
Người ấy đột nhiên mở to mắt, nói: “Cô nương chính là Vân Lối, rất tốt, rất tốt! Vậy coi như ta chết cũng nhắm mắt. Ca ca của cô nương đang còn sống, giờ đây đang lên kinh khảo thí, cô nương hãy đi tìm y”.
Vân Lối thất kinh, nàng còn có một người anh, tên gọi Vân Trọng, lúc năm tuổi, cha của nàng là Vân Đăng đã gửi cho một người làm học trò. Chuyện này sau đó nàng vẫn nghe sư phụ nói. Té ra sư tổ của nàng là Huyền Cơ Dật Sĩ có năm đệ tử, ngoại trừ người cha Vân Đăng của mình, chưa học xong nghề đã đến đất Hồ cứu cha, bốn người còn lại đều học một bộ võ công của sư tổ. Triều Âm hòa thượng xếp hạng thứ hai, đã được truyền Phục Ma trượng pháp và Ngạnh công ngoại gia; Tạ Thiên Hoa xếp hàng thứ ba, Phi Thiên Long Nữ Diệp Doanh Doanh xếp hàng thứ tư, mỗi người đều học một môn kiếm thuật. Đại đồ đệ tên gọi Đổng Nhạc, được truyền cho Đại Lực Kim Cương thủ, Vân Trọng là đồ đệ của ông ta. Đổng Nhạc sau khi đến Mông Cổ thì lại đi Tây Tạng, đã mười mấy năm nay không nghe tin tức, Vân Trọng sống hay chết, không ai biết. Nay Vân Lối đột nhiên nghe tin của người anh chưa bao giờ gặp mặt này, không khỏi ngạc nhiên và vui mừng, vội vàng hỏi: “Ngươi là ai?”
Người ấy bảo: “Ta chính là sư huynh của đại ca cô nương”.
Vân Lối nói: “Ồ, vậy thì huynh cũng chính là sư huynh của tôi”.
Đang định hỏi tin tức của Vân Trọng, người ấy đã trợn ngược hai mắt, thều thào nói: “Còn có chuyện quan trọng hơn, bọn Thát tử định vây đánh sơn trại của các người, cắt đường nước của các người”.
Châu Kiện nói: “Điều này ta đã biết, huynh đài có nghe tiếng pháo nổ không?
Chúng ta đã đánh thắng”.
Người ấy nở nụ cười, giọng nói đứt quãng: “Bọn chúng định xuất binh đánh Minh triều, ông phải tìm cách báo cho Hoàng thượng. Ta... ta... có một bức thư trao cho ông. Hay lắm, ta gặp được các người, đã có thể ra đi”. Giọng nói càng lúc càng nhỏ, đến khi nói xong thì tim không còn đập nữa, nhưng mặt vẫn giữ nụ cười. Châu Kiện thở dài, rút bức thư rồi nhóm lửa lên, vừa nhìn đã nói: “Là thư của đại sư bá con”. Chữ viết trong bức thư không ngay ngắn, chắc là viết rất vội. Châu Kiện mở bức thư đọc rằng: “Kẻ nhà quê ở chốn núi rừng, gởi thân nơi đất Hồ, chỉ biết ngày đêm say sưa. Bình sinh không có gì đáng tiếc, chỉ tiếc là không có dịp gặp ngài”. Châu Kiện nghĩ thầm: “Đổng Nhạc quả thật có ý”. Thế rồi đọc tiếp: “Tiên sinh và tôi chưa bao giờ gặp nhau, nhưng nhờ vào Tạ Thiên Hoa hiền đệ, tôi mới biết tiên sinh hiệp khí hào phong, giang hồ đều kính ngưỡng, tiên sinh tuy chiếm núi tự lập, cự Hán chống Hồ, triều đình tuy khắc bạc vô ơn, thế nhưng tôi biết tiên sinh không muốn thấy người Hồ đánh xuống phía nam, Trung Nguyên trở thành đất của bọn Man Di”. Châu Kiện thầm nhủ: “Kẻ này quả thật là tri kỷ của mình”.
Châu Kiện lại đọc tiếp: “Từ sau khi vua Ngõa Thích Thoát Hoan chết đi, con của y nối ngôi, lúc đầu làm Thừa tướng, sau đó tự phong Quốc sư, nắm quân chính đại quyền, chỉnh đốn quân ngũ, ý đồ muốn chiếm Trung Nguyên, gần đây hạ chiếu cho dân chúng đóng góp lương thảo, ngày khởi binh không còn xa.
Tên tiểu đồ Vân Trọng nôn nóng báo thù cho cha, đã viết thư để lại rồi về Trung Nguyên, hắn còn trẻ hiểu biết nông cạn, nào biết quyền thần nắm quyền. Mong tiên sinh nhớ tình cố nhân, dạy dỗ cho Vân Trọng. Nghe nói Vân Đăng còn có một đứa con gái tên gọi Vân Lối, nếu tiên sinh biết tung tích của nó thì hãy báo cho nó biết còn có một người anh. Còn Thiên Hoa sư đệ hơn mười năm trước đã mất tích ở đất Hồ. Trên giang hồ đồn rằng, hắn đã bị Trương Tôn Châu hãm hại, có người bảo là bị nhốt ở đất Hồ, chắc là một tay khó vỗ nên kêu, không ai giúp đỡ. Xin chuyển lời với Triều Âm và Doanh muội mau chóng đến đất Hồ, mọi việc đều nhờ vào ông, xin đa tạ”.
Châu Kiện đọc xong bức thư, gấp thư lại thở dài. Vân Lối nói: “Đã như thế, con sẽ lên kinh tìm đại ca”.
Châu Kiện nhìn nàng, tựa như đang có điều gì suy nghĩ, sau đó mới nói: “Cũng được”.
Vân Lối nhìn sắc mặt của ông ta, cảm thấy rất kỳ lạ, Châu Kiện nói: “Ta nghe nói Thiên tử hiện nay hạ chiếu tìm kẻ có tài năng, cuộc tỉ võ mùa thu năm nay cho phép những người chưa có công danh, sau khi đã sơ khảo cũng được đến hiệu trường thi Võ trạng nguyên. Đại ca của con có lẽ là muốn tiến thân bằng con đường này, mượn binh lực của triều đình để báo thù cho gia gia. Nhưng giờ đây bọn quyền thần đang nắm quyền, có lẽ cũng chẳng làm được trò trống gì”. Nói đến đây, ngẩng đầu lên nhìn sao trời, chợt hỏi: “A Lối, con có đọc qua bức thư Lý Lăng gởi cho Tô Vũ hay không?”
Vì gia gia của nàng khi còn sống thường tự so với Tô Vũ, cho nên tử sau khi Vân Lối biết đọc sách, sư phụ đã dạy cho nàng bài văn này, cho nên gật đầu. Châu Kiện nói: “Lý Lăng năm xưa cầm quân chống Hồ, chỉ năm ngàn quân đánh với mười vạn quân, ban đầu đã thắng lợi, đuổi thẳng lên phía bắc. Sau đó vì kẻ địch quá đông đúc nên bị quân Hồ bắt giữ, nhưng nhà Hán đã giết hết cả nhà ông ta. Bởi vậy Lý Lăng mới không muốn trở về Hán nữa. Ông ta viết thư gởi cho Tô Vũ rằng: “Trên có mẹ già, dưới có vợ con vô tội, mình đang chịu ơn nước, ông về thì được vinh, tôi ở lại thì bị nhục!” những câu nói ấy thật bi thống. Hành vi của Lý Lăng có thể thông cảm, nhưng thực sự rất đáng buồn!”
Nói xong thì ngửa mặt thở dài, Vân Lối nói: “Thúc tổ, người lúc nào cũng chống cự binh Hồ, Lý Lăng làm sao có thể bì được người?”
Châu Kiện nói: “Khi con bảy tuổi, nghe chuyện của gia gia con, giờ đây ta cũng kể cho con nghe một câu chuyện. Năm xưa ta trấn thủ biên quan, đã đánh mấy mươi trận, mỗi trận đều thắng, ai ngờ Hoàng thượng nghe lời sàm tấu, đã bãi miễn chức quan của ta. Nhưng điều đó chẳng hề chi, còn gia gia của con thì có thể sánh với Tô Vũ, cảnh ngộ càng thảm hơn, cuối cùng cũng bị Hoàng thượng ban chết, đó là lẽ trời ư? Bởi vậy, năm xưa ta phẫn nộ ra khỏi biên quan. Lúc ấy vẫn chưa có lòng chiếm núi tự lập. Sau đó Thiên tử triều Minh cũng giống như Thiên tử triều Hán đối với Lý Lăng, giết chết cả nhà ta, may mà lão bộc trung thành đã cứu được đứa con nhỏ của ta, hắn chính là người đã dụ con lên núi”.
Vân Lối nước mắt dâng trào, nhìn Châu Kiện thấy sắc mặt nặng nề của Châu Kiện thì chẳng nói ra lời. Chỉ thấy Châu Kiện giơ đao chỉ về phía hai ngọn cờ đang bay phấp phới: “Nhưng kỳ hiệu của ta vẫn là Nhật Nguyệt kỳ!”
Vân Lối nhìn Nhật Nguyệt song kỳ đang tung bay song gió, một bên là mặt trời đỏ, một bên là mặt trăng cong, hợp lại chính là chữ Minh, thế rồi thầm nhủ trong lòng: “Té ra thúc tổ trở thành thảo khấu nhưng cũng không quên triều Minh”.
Châu Kiện nói: “Nếu con tìm được đại ca, bảo hắn không cần thi Võ trạng nguyên nữa. Hãy về với ta. Triều đình khắc bạc vô ơn, nhìn tấm gương của gia gia con còn chưa biết sợ ư?”
Vân Lối nói: “Thúc tổ nói đúng lắm”.
Châu Kiện gấp bức bỏ vào trong áo, lại nói tiếp: “Tam sư bá Tạ Thiên Hoa của con anh phong hiệp cốt, cũng là người ta rất khâm phục, nhớ lại mười năm trước, ông ta đã cùng với Triều Âm đại sư, một người nuôi con côi, một người báo thù. Nay Triều Âm đại sư đã nhờ sư muội của ông ta nuôi con thành người, nhưng chuyện Tạ Thiên Hoa báo thù vẫn mờ mịt, quả thật khiến cho người ta thương cảm”.
Vân Lối nói: “Con sẽ báo lại cho gia sư, bảo người và nhị sư bá cùng đến đất Hồ tìm tam sư bá”.
Châu Kiện nói: “Con chỉ có một mình làm sao đi hai hướng, thế này vậy, con hãy đi tìm đại ca của con, còn ta sẽ thông báo cho sư phụ của con”.
Vân Lối nói: “Vậy thì tốt còn gì bằng, ngày mai con sẽ lên đường”.
Châu Kiện mỉm cười nói: “Con hãy nán lại vài ngày. Luận về võ công ta không bằng con, nhưng có vài thứ con phải học ở ta”.
Đằng đông trời đã hửng sáng, tiếng pháo đã dần tắt, Châu Kiện và Vân Lối trở về đại trại, đến trưa thì bốn đường phục binh đã trở về núi, quả nhiên đã thu được toàn thắng, quân Mông Cổ bị đánh chẳng còn manh giáp, vô số người bị bắt làm tù binh. Châu Kiện hạ lệnh ban thưởng, bận rộn cả nửa ngày thì mọi việc mới xong, lúc này mới cười nói với Vân Lối rằng: “Con tuy võ nghệ cao cường, nhưng chẳng hiểu chuyện trên giang hồ, ta sẽ bảo Sơn Dân dạy cho con”.
Ba ngày trôi qua, Châu Sơn Dân giảng giải tường tận các bang phái những điều cầm kỵ trên giang hồ và những nhân vật đã nổi tiếng, các mối ân oán giữa các môn phái. Vân Lối rất thông minh, lại nhớ rất nhanh, học ba ngày thì đã nắm mọi chuyện trong tay. Châu Kiện sợ nàng không đủ kinh nghiệm, không quen nhiều người, thế rồi mới trao một đôi Nhật Nguyệt song kỳ cho Vân Lối: “Hai lộ anh hùng thủy bộ ở năm tỉnh phía bắc thấy kỳ hiệu này đều sẽ nhường mấy phần, nếu con gặp nguy hiểm thì hãy lấy kỳ hiệu này ra, song không nên tự tiện dùng nó”.
Vân Lối nhủ thầm: “Mình đi lại trên giang hồ là để rèn luyện kinh nghiệm, nếu dùng kỳ hiệu này thì còn có ý nghĩa gì nữa?” song nàng cũng nhận lấy.
Châu Kiện lại lấy ra vài bộ đồ nam tử và kim ngân châu báu rồi nói: “Thiếu nữ một mình đi vào chốn kinh sư sẽ khiến cho người ta để ý, con hãy thay bộ đồ này, rồi bỏ trâm cài, giữ lại châu báu để dùng trên đường”.
Vân Lối nghĩ cũng đúng, thế rồi thay bộ đồ, nhận lấy châu báu, bái biệt xuống núi.
Châu Kiện nói: “Sơn Dân, con hãy đưa Vân Lối một đoạn”.
Ra khỏi sơn trại, cả hai đổi khoái mã, đến trưa thì đã vượt qua Nhạn Môn quan, tới con đường lớn dẫn tới kinh sư. Vân Lối nói: “Thúc thúc hãy quay về”.
Châu Sơn Dân nhìn nàng thắm thiết rồi buồn bã nói: “Con phải quay về đấy!” nhưng vẫn cứ sánh vai đi cùng Vân Lối, luyến tiếc không rời. Vân Lối mỉm cười nói: “Thúc thúc, xin đa tạ người. Người hãy quay về thôi”.
Châu Sơn Dân đột nhiên đỏ mặt, cười rằng: “Thực ra ta cũng hơn muội vài tuổi, đời trước của chúng ta tuy là thâm giao, chẳng phải huynh đệ. Luận về tuổi tác, chúng ta hãy cứ xưng huynh gọi muội là hợp hơn”.
Vân Lối ngạc nhiên, nhớ lại mấy ngày trước, Châu Sơn Dân rất quan tâm đến nàng, trong lòng thầm nhủ: “Vị thúc thúc này rất tốt, nhưng nói chuyện có hơi ký quặc”. Vân Lối vẫn còn nhỏ tuổi, đâu có hiểu được dụng ý của y, thế rồi mỉm cười nói: “Người bảo tôi gọi người là thúc thúc sẽ già ư? Thôi được, sau này khi trở về, tôi sẽ bẩm cáo cho thúc tổ, đổi cách xưng hô là được”.
Châu Sơn Dân đỏ mặt, Vân Lối mỉm cười thúc ngựa phóng lên trên con đường cái quan, khi ngảnh đầu nhìn lại chỉ thấy Châu Sơn Dân đang đứng thẩn thờ nhìn theo.
Trên suốt quãng đường chẳng có chuyện gì xảy ra, ngày thứ ba thì đã đến Dương Phúc, đó là nơi rất phồn hoa. Khi mới vào thành, chỉ thấy toàn là quán rượu, Vân Lối đã thấy đói bụng, thầm nhủ: “Từ lâu đã nghe nói rượu Sơn Tây rất ngon, hôm nay phải uống một chén xem thử”. Thế rồi nàng bước vào một quán rượu, thấy bên ngoài cửa có cột một con ngựa trắng trông rất oai phong. Vân Lối đến gần xem, chợt thấy ở góc tường có ký hiệu của nhân vật giang hồ, Vân Lối nổi lòng tò mò, bước lên lầu, chỉ thấy có một thư sinh ngồi một mình uống rượu ở cửa sổ phía nam. Ở phía đông có hai hán tử thô hào, một người béo một người gầy, Vân Lối đứng một bên thấy rõ, hai người kia chỉ giả vờ uống rượu, nhưng chốc chốc lại lướt nhìn thư sinh. Thư sinh ấy ăn mặc rất sang trọng, tựa như là công tử nhà giàu, y uống rượu một mình, hết chén này đến chén nọ, người đã ngật ngưỡng, đột nhiên y cao giọng ngâm: “Trời sinh ta tài tất hữu dụng, ngàn vàng tiêu hết lại trở về. Nấu dê giết bò làm trò vui, rồi lại cùng cạn ba trăm chén”. Y ngồi nghiêng qua ngửa lại, lại uống cạn thêm một chén nữa. Vân Lối nghĩ bụng: “Tú tài này quả thật không biết thế gian hiểm ác, cường đạo đang dòm ngó một bên, nhưng lại cứ mãi uống rượu”.
Hán tử gầy ốm ngồi ở phía đông nói: “Uống cạn ba trăm chén, hay lắm! Huynh đệ, người khác uống được ba trăm chén, ba chén này sao huynh đệ không uống?”
Đồng bọn của y đứng dậy kêu: “Nói vậy, ngươi đã uống một chén mà bảo ta uống ba chén!”
Hán tử gầy ốm nói: “Ngươi to xác hơn ta đến ba lần, ta uống một chén, ngươi phải uống ba chén mới được”.
Hán tử béo tốt nói: “Vớ vẩn, ta không uống!”
Hán tử gầy ốm nói: “Ngươi có uống hay không?” Thế rồi bưng bình rượu lên rót, hán tử to béo nổi giận, đẩy mạnh một cái, rượu văng tung tóe, cả hai người lao vào nhau giằng co, trong chốc lát đã đẩy đến bên cạnh thư sinh ấy, thư sinh giận dữ quát: “Sao lại có lý này!” Chợt nghe keng một tiếng, hầu bao của thư sinh ấy rơi xuống đất, vài đỉnh vàng nhỏ và một xâu chuỗi ngọc trai rơi ra, xâu chuỗi ngọc trai ấy sáng chói, tuy giữa ban ngày nhưng cũng không thể nào che giấu được ánh sáng phát ra. Thư sinh ấy một chân đạp lên hầu bao, cúi xuống nhặt chuỗi ngọc trai và đỉnh vàng, kêu lên: “Các ngươi định ăn cướp?”
Hai hán tử ấy đột nhiên ngừng tay, quát: “Ai cướp của ngươi? Ngươi dám đổ thừa lão tử đánh ngươi đây!”
Khách khứa bên cạnh đều đứng dậy khuyên nhủ. Vân Lối thầm cười: “Hai hán tử này rõ ràng là cường đạo, giả vờ say rượu, cố ý làm rơi túi tiền của thư sinh ấy. Nhưng có mình ở đây, mình không thể để cho bọn chúng tung hoành”. Vân Lối biết thế, hai chưởng đẩy về phía trước, nói: “Sao các người lại gây sự như thế?” Thuận tay sờ vào, moi được ngân lượng của hai hán tử ấy, Vân Lối tay chân lanh lẹ, trong lúc ồn ào đã đánh cắp được ngân lượng mà chẳng ai biết. Hai hán tử ấy bị nàng đẩy, ngực đau nhói, thất kinh không dám lớn tiếng nữa, chỉ ấp úng nói: “Ai bảo hắn đổ thừa bọn ta đánh cắp?”
Người bên cạnh khuyên rằng: “Xong rồi. Các người đụng vào người ta là đã không đúng, hãy quay về uống rượu thì hơn”.
Thư sinh ấy giơ chén rượu lên nói: “Huynh đệ, huynh cũng uống một chén”.
Vân Lối nói: “Xin đa tạ”. Rồi nàng quay lại chỗ ngồi, xem thử hai tên hán tử ấy làm thế nào. Hai tên hán tử liếc mắt nhìn Vân Lối rồi nói: “Ông chủ, tính tiền!”
Tên gầy ốm móc ngân lượng ra nhưng chẳng hề thấy đâu, sắc mặt tái xanh; tên to béo thấy thế không xong, vội vàng sờ vào túi tiền của mình, cũng chẳng thấy ngân lượng đâu. Hai người đưa mắt nhìn nhau, nói chẳng nên lời. Hai người quả thực là bọn trộm cướp, bắt gà không được lại còn mất nắm thóc, biết rõ Vân Lối đã làm như thế nhưng không dám gây lớn chuyện. Ông chủ quán bước tới nói: “Cho xin một lượng ba tiền”.
Cả hai người đều lộ vẻ lúng túng, tay cứ sờ trong ngực áo, ông chủ nói: “Hai vị đại gia nể mặt, cho xin một lượng ba tiền”.
Hán tử gầy ốm lẩm bẩm: “Có được nợ không?”
Ông chủ biến sắc, cười lạnh: “Khách khứa đều muốn ghi nợ, bọn chúng tôi đớp gió mà sống được ư?”
Tên tửu bảo cũng quát: “Hai người có phải muốn gây sự ở đây không? Say rượu phải đánh nhau, gây sự với người khác rồi định ăn quịt ư? Không trả cũng được, nhưng phải lột đồ ra”.
Khách khứa trong quán cười ầm lên, đều bảo hai tên hán tử ấy không đúng, hai tên hán tử lúng túng chỉ đành cởi đồ. Tên tửu bảo nói: “Chỉ cởi hai chiếc áo vẫn chưa đủ”. Thế rồi đưa tay lột mũ của hai người xuống, nói: “Coi như bọn ta xui, cút mau, cút mau!”
Hai hán tử vội vã chuồn ra ngoài.
Vân Lối vui sướng lắm, một mình uống hai chén rượu, thấy thư sinh vẫn ngồi uống rượu, chợt nghĩ đến hai hán tử kia chẳng qua là kẻ thấp hèn trong đám cướp, bọn chúng bị thua thiệt, chắc chắn sẽ về báo lại với kẻ đầu đảng, nàng không sợ nhưng thư sinh kia có thể không giữ được của cải. Vì thế đứng lên kêu: “Ông chủ, tính tiền!” Nàng đã quyết định theo dõi hai tên trộm nọ.
Chủ quán thấy Vân Lối ăn mặc đẹp đẽ, tựa như một công tử nhà giàu, bước lại nói: “Cho xin một lượng hai tiền”.
Vân Lối sờ tay vào áo, nàng đã bỏ kim ngân châu báu Châu Kiện tặng cho mình vào trong một mảnh khăn tay, nhưng giờ đây chẳng thấy thì bất đồ thất kinh, nàng mò sang túi áo bên trái, mấy lượng bạc lúc nãy đã không còn nữa. Tuy trời đang lạnh, nhưng nàng vẫn toát mồ hôi. Lão chủ quán nhìn thấy Vân Lối ăn mặc đẹp đẽ, nhưng cũng chẳng giống hạng không có tiền, thế rồi nói với vẻ nghi hoặc: “Sao công tử tìm mãi mà chẳng lấy được tiền? Nguyên bảo hay kim đỉnh đều được cả, bổn tiệm sẽ đổi hộ cho công tử, chẳng lừa công tử đâu”.
Vân Lối càng lo hơn, nàng sợ mình sẽ bị lột quần áo xuống như hai tên lúc nãy. Lão chủ quán thấy nàng cứ tìm mãi, mặt dần dần đổi sắc, cười lạnh nói: “Đại gia, ngài sao thế?”
Thư sinh ấy đột nhiên lảo đảo bước tới, ngâm rằng: “Trong bốn biển đều là bằng hữu, ngàn vàng tiêu hết lại trở về. Tôi sẽ tính cho vị tiểu ca này”. Thế rồi lấy ra một đĩnh bạc nặng đến đến mười lượng ném cho lão chủ quán bảo: “Phần còn lại cứ giữ lấy”.
Lão chủ quán vui mừng ra mặt, luôn miệng cảm tạ. Vân Lối đỏ mặt, hạ giọng đáp tạ, thư sinh ấy nói: “Đáp tạ cái gì? Để tôi dạy cho huynh một bí quyết, lần sau khi uống rượu, huynh hãy mặc hai lớp áo, khi tính tiền cũng không cần phải sợ”.
Hơi thở của y đầy mùi rượu, y lảo đảo bước xuống lầu chẳng hề để ý đến Vân Lối. Vân Lối tức tối trong lòng, thầm nhủ: “Hay cho tên cuồng sinh chẳng biết lễ nghĩa, lúc nãy nếu không phải ta cứu ngươi, chỉ e người ta đã cướp đồ của ngươi mất”.
Vân Lối nhìn xung quanh, chẳng thấy có ai đáng ngờ, trong lòng bực bội, không ngờ lại gặp phải một kẻ nhanh tay hơn, cho nên bước ra khỏi tửu lầu, phóng lên lưng ngựa tiếp tục lên đường. Ra tới thành, chợt thấy thư sinh ấy đang ngồi trên một thớt ngựa trắng đi ở phía trước mặt. Vân Lối thầm nhủ: “Chả lẽ là tên thư sinh này, nhưng y có vẻ không giống!” Thế rồi thúc ngựa đuổi theo, chạy lên phía trước, đến gần thư sinh ấy lại vung roi giả vờ đánh ngựa, nhưng đầu roi lại đánh vào huyệt đạo yếu hại dưới hông thư sinh ấy.
Vân Lối đánh roi này thật sự là muốn thăm dò võ công của thư sinh ấy, nàng xỉa đầu roi vào người y, nếu thư sinh này biết võ công chắc chắn sẽ né tránh; nếu võ công cao hơn thì sẽ đưa tay gạt ra. Nào ngờ roi ấy vừa đánh ra, thư sinh kêu lên một tiếng nhưng không né tránh được, đầu roi móc vào áo của y, may mà Vân Lối đã ngầm thu kình, thế roi đánh ra tuy mạnh nhưng khi chạm vào áo thì không còn lực. Chỉ như thế thư sinh này cũng nghiêng ngả, suýt nữa ngã ngựa. Vân Lối cảm thấy ái ngại, nói: “Đã lỡ tay đánh trúng huynh đài, tôi xin bồi tội!”
Thư sinh ấy trợn mắt, ngạc nhiên kêu lên: “Lại là kẻ ăn quịt đấy à! Ngươi đừng tưởng ta có vài đồng bạc thì cứ bám lấy, tiền của ta để kết bạn, một kẻ đã ăn uống của người ta lại còn đánh người ta, ta không dám lãnh giáo!”
Vân Lối vừa bực bội vừa buồn cười nói: “Ngươi vẫn chưa tỉnh rượu ư?”
Thư sinh ấy ngâm: “Rút đao chém nước nước càng chảy, nâng chén tiêu sầu sầu càng sầu. Đời người chẳng có gì vừa ý, sáng sớm thức dậy sẽ tiêu tan. Ôi, ôi, ta không uống với ngươi, ta không uống với ngươi!”
Rồi y bật ngửa ngã về phía trước, Vân Lối chẳng biết ứng phó thế nào, đang định đỡ y thì đột nhiên thấy y kẹp mạnh hai chân, thớt ngựa trắng phóng như bay.
Thớt ngựa của Vân Lối vốn là loại chiến mã của Mông Cổ nhưng không thể nào đuổi theo kịp y. Vân Lối nhủ bụng “Người này không biết võ nghệ, nhưng thớt ngựa rất quý!”
Vì nàng đã mất ngân lượng cho nên trong lòng không vui, chỉ đành thúc ngực tiếp tục đi.
Đi được nửa ngày, ngẩng đầu lên nhìn thì mặt trời đã xuống núi, khói bốc lên xung quanh, nghĩ bụng phải vào nhà dân trú ngụ đỡ, trong túi lại không có tiền, chợt nghe tiếng ngựa hí, chỉ thấy trước mặt có một mảnh rừng, trong rừng có một tòa miếu, bên ngoài có thớt ngựa trắng đang cúi đầu gặm cỏ. Vân Lối nghĩ bụng: “Ồ, té ra y cũng ở đây. Hòa thượng trong miếu rất dễ chịu, chi bằng mình cứ nghỉ nhờ ở đây một đêm”.
Rồi buộc ngựa ở bên ngoài, đẩy cửa bước vào, chỉ thấy thư sinh ấy đang ngồi bên đống lửa, đang nướng khoai, vừa thấy Vân Lối bước vào thì ngâm rằng: “Đời người cứ mãi gặp nhau. Ôi, lại gặp ngươi nữa rồi”.
Vân Lối liếc y rồi nói: “Ngươi đã tỉnh rượu chưa?”
Thư sinh ấy nói: “Ta say lúc nào mà bảo tỉnh? Ta còn nhận ra ngươi là kẻ ăn quịt”.
Vân Lối nói: “Ngươi biết cái gì? Có kẻ trộm lấy châu báu của ngươi!”
Thư sinh ấy đứng bật dậy: “Cái gì? Kẻ trộm? Trong chùa chẳng có hòa thượng, kẻ trộm đến thì ta làm thế nào đây. Thôi, ta không ở đây nữa”.
Vân Lối vừa bực bội vừa buồn cười nói: “Ngươi còn đi đâu được? Ngươi vừa ra bên ngoài thì bọn chúng sẽ cướp của ngươi, lại không có ai cứu ngươi. Có ta ở đây, mười tên cướp cũng chẳng làm gì được”.
Thư sinh ấy mở to đôi mắt, đột nhiên bật cười rồi nói: “Ngươi có bản lĩnh như thế, tại sao còn ăn quịt của người ta?”
Vân Lối nói: “Ngân lượng của ta đã bị bọn trộm lấy cắp”.
Thư sinh ấy cười ngặt nghẽo, chỉ Vân Lối nói: “Mười tên cướp cũng chẳng sợ, thế nhưng lại bị đánh cắp ngân lượng. Ha ha, bản lĩnh nói khoác của ngươi chẳng kém gì bản lĩnh lừa ăn của ngươi!” Y toan đứng dậy bỏ đi nhưng lại ngồi xuống nói: “Ta không nghe lời nói dối của ngươi nữa, khắp nơi thanh bình, ở đâu mà lắm kẻ cướp với ăn trộm như thế?” Thế rồi lại tiếp tục nướng khoai.
Vân Lối bực bội nói: “Ngươi không tin cũng chẳng sao!”
Mùi thơm khoai nướng lan tỏa khắp nơi, Vân Lối chạy ngựa nửa ngày đã đói, nàng nuốt nước bọt, nhưng lại không hỏi xin thư sinh ấy. Đây là một ngôi chùa hoang, quả đúng là không có nhà sư, cho nên không tìm được thứ gì ăn cho đỡ đói. Thư sinh ấy cắn một miếng khoai, lắc đầu lẩm bẩm nói: “Hoàng tửu có thể say, không tửu cũng say; thịt cá tuy ngon, khoai nướng cũng ngon. Thơm lắm, thơm lắm!”
Vân Lối bực bội nhìn y rồi quay đầu đi. Thư sinh ấy nói: “Này, tên ăn quịt kia, cho ngươi một củ khoai”. Nói xong ném một củ khoai đã nướng chín tới, Vân Lối tức giận nói: “Ai ăn của ngươi!” Rồi nàng nuốt nước bọt ngồi xếp bằng ở dưới đất, chầm chậm giữ khí điều tức, khó khăn lắm mới dằn cơn đói xuống. Sau khi dưỡng khí điều tức, nàng chỉ cảm thấy toàn thân dễ chịu. Đến khi mở mắt ra, chỉ thấy thư sinh đó đã ngủ say, khoai nướng chín rải đầy ở dưới đất. Vân Lối liếm môi, toan đưa tay nhặt lấy củ khoai, nhưng chợt thấy thư sinh ấy xoay người, lại chìm vào giấc ngủ. Vân Lối bực dọc nhủ bụng: “Dù đêm nay ta có đói chết cũng không cần ăn của ngươi!”
Thư sinh ấy ngáy vang như sấm, Vân Lối muốn ngủ cũng không xong, đột nhiên nghĩ: “Tên thư sinh này ăn mặc sang trọng, trong người lại có của báu, tại sao ra ngoài lại không có người đi cùng, lại dám ở nơi chùa hoang, ăn loại khoai chẳng đáng đồng tiền tý nào? Chả lẽ y giả vờ không biết võ nghệ? Nhưng y lại không giống như thế!” Rồi nàng từ từ đứng dậy, toan lục soát người y, thư sinh ấy lại trở mình, Vân Lối nghĩ bụng “Nếu y tỉnh dậy thì sẽ cho rằng mình đánh cắp đồ của y!” Thế rồi nàng do dự, bước tới ba bước, rồi bước lùi ba bước. Chợt nghe bên ngoài có tiếng hú kỳ lạ, Vân Lối liếc nhìn thư sinh, thấy y ngủ say như chết, cười lạnh nói: “Vốn là ta không nên để ý đến ngươi, nhưng lại thấy ngươi đáng thương, được, ngươi đã gặp may, cô nương sẽ chặn kẻ cường đạo cho ngươi”. Thế rồi bước ra ngoài cửa, tung mình vọt lên một cây cao. Dưới ánh trăng mờ mờ, chỉ thấy có hai người bịt mặt bước tới, một người nói: “Ngươi thấy con ngựa trắng này, chắc là y ở đây”.
Một tên nói: “Nếu y không chịu thì sao?”
Tên kia bảo: “Nói không chừng chỉ đành lấy đầu y”.
Người lúc nãy lại bảo: “Cần gì phải như thế? Cho y một bài học là được”.
Vân Lối nghe thế thì lửa giận bốc lên, nghĩ bụng: “Kẻ cường đạo thật độc ác, cướp của còn muốn lấy mạng!”
Chợt nghe một người nói: “Trên cây có người!”
Vân Lối phóng hai mảnh phi tiêu xuống, hai kẻ bịt mặt vội vàng tránh qua. Vân Lối múa ra một vòng kiếm hoa, đánh ra một chiêu Bằng Bát Cửu Tiêu từ trên không đánh xuống, đâm về phía hai người, hai kẻ bịt mặt ấy một người cầm gậy sắt, một người cầm song câu, thấy kiếm đến thì gạt lên, lửa bắn ra tung tóe, nhưng cây gậy sắt đã bị mẻ mất một miếng, cây song câu cũng bị thanh kiếm kéo qua một bên. Vân Lối nhủ bụng: “Hai tên cường đạo này võ công cũng khá lắm!”
Hai kẻ bịt mặt càng thất kinh hơn, đang định quát hỏi thì Vân Lối đã đánh tới như mưa bão. Thanh kiếm của Vân Lối là một trong hai thanh bảo kiếm của Huyền Cơ Dật Sĩ, tên gọi Thanh minh, có thể chém gãy cả binh khí bình thường, cây gậy sắt lúc nãy tuy nặng nề, nhưng cũng không dám chạm vào thanh kiếm, nhưng kẻ sử dụng đôi câu thì thân thủ phi phàm, trong khi chống đỡ có cả công lẫn thủ, cho nên kiếm của Vân Lối không chạm được vào binh khí của y.
Vân Lối dùng thân pháp Phi Hoa Phát Điệp, xuyên qua lướt lại giữa đôi câu và gậy sắt, kiếm quang của nàng như một luồng điện dồn qua dồn lại, tựa như mưa bão, hai kẻ ấy đều bị nàng đẩy lùi. Nhưng cây gậy rất nặng nề, đôi câu linh hoạt, đầu đuôi tiếp ứng lẫn nhau, Vân Lối cũng chẳng làm gì được hai kẻ ấy. Đang lúc kịch đấu, Vân Lối đột nhiên nghiến răng, chém xéo thanh kiếm về phía tên cường đạo che mặt sử dụng đôi câu. Nhát kiếm này vừa dữ vừa nhanh, khiến cho kẻ địch không thể nào né tránh, đó chính là Thần chiêu đoạt mệnh của Phi Thiên Long Nữ. Vân Lối vốn không muốn lấy mạng của hai kẻ bịt mặt này, nhưng nếu không giết chết một người thì không thể thắng được cho nên mới buộc phải dùng tuyệt chiêu này.
Nào ngờ một kiếm chém ra, tên cường đạo sử dụng đôi câu trầm câu trái xuống, câu phải móc lên, cây Thanh Minh kiếm của Vân Lối suýt nữa bị y giật. Vân Lối thất kinh, Đàm Đài Diệt Minh đã dùng chiêu này, nàng vội vàng xoay người, mũi kiếm chuyển qua đâm về phía tên sử dụng gậy sắt, rồi người đảo ngược lại đánh về phía kẻ sử dụng đôi câu, nàng vung kiếm quát: “Các ngươi có phải là đệ tử của Đàm Đài Diệt Minh không?”
Kẻ sử dụng đôi câu trầm giọng quát: “Ngươi đã nhận ra lai lịch của ta, ngày này sang năm là ngày giỗ của ngươi!”
Rồi đôi câu đánh gấp tới, toàn là những chiêu số liều mạng. Vân Lối nổi giận, mắng rằng: “Bọn người Hồ lớn gan, dám lén lút vào biên quan, ngươi tưởng Trung thổ không có người ư?” Rồi thanh kiếm chỉ đông đánh tây, chỉ nam đánh bắc, không hề lưu tình. Luận về võ nghệ, Vân Lối phải hơn đệ tử của Đàm Đài Diệt Minh một bậc, nhưng một là vì kẻ địch có tên cầm gậy giúp đỡ, hai là vì Vân Lối đã đói rũ người, khí lực không đủ, đấu hơn trăm chiêu thì mồ hôi đầm đìa, dần dần yếu thế. Đôi câu càng đánh càng gấp, Vân Lối bị vây vào ở giữa, nguy cấp vô cùng. Lúc đó tên cầm gậy nói: “Kiếm pháp của tiểu tử này cũng khá lắm, ngươi hãy nhường cho ta đối phó với y!”
Kẻ cầm song câu trả lời rằng: “Được, nhường thì nhường. Nhưng lát nữa khi bắt người, ngươi phải nghe lời ta mới được”.
Hai người một hỏi một đáp tựa như đã chắc mẩm rằng Vân Lối sẽ chết dưới tay bọn chúng. Vân Lối nổi giận, đánh ra một chiêu Phi Bộc Lưu Tuyền đâm thẳng về phía tên cầm gậy, y vội vàng hất gậy lên đỡ, chỉ nghe ối chao một tiếng, bàn tay sụi xuống. Nhát kiếm này của Vân Lối rất nhanh chóng, một kiếm đã đâm trúng yết hầu, giết hết y ngay tại chỗ, tên cầm song câu thì hoảng hồn, Vân Lối lật tay chém ra một kiếm, rắc một tiếng, cây câu bên tay trái của y gãy thành hai đoạn. Kẻ sử dụng song câu phóng người bỏ chạy, Vân Lối vung tay lên, ba mảnh Mai Hoa Hồ Điệp tiêu bay thẳng vào sau lưng y, tưởng rằng sẽ đánh trúng, chợt nghe có tiếng tanh tách vang lên, Hồ Điệp tiêu đã không biết chạm phải thứ gì nên rơi xuống, trong chớp mắt kẻ địch đã chạy mất dạng.
Vân Lối thấy thế thì hoang mang, kiếm lúc nãy của mình tuy hiểm hóc, nhưng đoán rằng kẻ sử dụng gậy có thể chống đỡ nổi, thế nhưng trong lúc nguy cấp nhất, đối phương lại buông gậy xuống, tựa như có qủy thần sai khiến, mất mạng dưới mũi kiếm của mình. Vân Lối càng lúc càng ngạc nhiên, nàng nhủ bụng: “Chả lẽ có người âm thầm giúp đỡ mình? Nhưng ba mảnh hồ điệp phi tiêu tại sao lại rơi xuống, hay là có cao nhân âm thầm ra tay, vừa giúp mình, lại vừa giúp kẻ địch? Nghĩ lại thực sự không có lý tý nào”.
Vân Lối cúi đầu nhìn tên cường đạo đã chết, dùng kiếm vạch mặt nạ của y ra, quả nhiên đó là một người Hồ. Vân Lối vẫn còn nghi ngờ, y rõ ràng chẳng phải kẻ cường đạo cướp của bình thường. Vân Lối bạo dạn lục người y, ngoài mấy lượng bạc vụn và một bao lương khô, chẳng có gì hơn. Vân Lối cười rằng: “Ta đang cần thứ này”. Thế rồi ăn lương khô, cất bạc vào trong người. Chợt nghe trong rừng có tiếng lạ vang lên chỉ có hai kẻ bịt mặt phóng tới như bay, lớn giọng quát rằng: “Bằng hữu đồng đạo, có một bát nước thì mọi người cùng uống”. Ý muốn nói đôi bên đều là đồng đạo, ngươi đã cướp được của thì không thể chiếm riêng một mình, phải đem ra chia nhau. Vân Lối cả giận quát: “Được, các người có bao nhiêu người thì đều chia cả!” Nàng vốn muốn nói: “Đều nếm kiếm của bổn cô nương”. Nhưng nghĩ lại nên thôi. Hai kẻ cường đạo kia cười lớn nói: “Ha ha, thế mới là bằng hữu tốt, mọi người cùng chia”. Thế rồi bước tới chìa tay ra đòi.
Vân Lối cười lạnh, trở tay lại đánh ra một kiếm. Hai kẻ cường đạo ấy, một người sử dụng đơn đao, một người chỉ dùng tay không, Vân Lối đâm tới một kiếm, chỉ cảm thấy hơi gió thoáng lướt nhẹ qua, kẻ sử dụng tay không lộn người, lướt thẳng tới, chưởng trái phất ra tựa như chém tựa như chặn, đó chính là chiêu số của Đại Cầm Nã thủ. Vân Lối thất kinh, không dám sơ ý, mũi kiếm vừa điểm tới, đã quét xéo ra, kẻ sử dụng đơn đao kêu lên: “Đánh hay lắm!” Thế rồi chém tới một đao, thế đánh rất hung hăng, Vân Lối lại sử dụng bộ pháp Xuyên Hoa Nhiêu Thụ, nàng chém hụt một kiếm nên lách người, né tránh đòn Cầm Nã thủ của không bên trái, lại né tránh đơn đao của kẻ bên phải.
Hai kẻ này chẳng phải hạng tầm thường, nhưng kiếm pháp của Vân Lối rất tinh diệu, thân pháp lại nhanh, kiếm quang lại loang loáng bất định, cả hai tên đều cảm thấy đối phương tựa như chỉ tấn công mình. Đấu được ba mươi lăm chiêu, kẻ không sử dụng binh khí kêu lên: “Được, ngươi cứ chiếm giữ một mình cũng được, hãy để lại tên tuổi, chúng ta kết bằng hữu!”
Vân Lối tức giận nói: “Tội cướp của có thể tha, nhưng tội bán nước thì ta không thể bỏ qua, ai kết bằng hữu với ngươi!”
Thế rồi đánh ra một chiêu Phân Hoa Phất Liễu, kiếm thế tựa như đánh sang trái, tựa như đánh sang phải, một chiêu nhưng lại đâm hai người, khiến cho kẻ sử dụng đơn đao kêu ối chao một tiếng, cổ tay trúng một kiếm, thanh đơn đao rơi khỏi tay. Kẻ sử dụng đôi tay không thì lanh lẹ hơn, y thu người lại né tránh. Vân Lối đã sử dụng chiêu số liên hoàn, một kiếm đâm ra thì tiếp tục kiếm thứ hai, thế đánh của nàng liên miên không dứt tựa như rút tơ. Vân Lối cứ tưởng rằng hai kẻ này là cùng một phe với hai tên lúc nãy, cho nên không hề nương tay, chiêu kiếm lại đánh ra nhanh như điện chớp, mũi kiếm vừa chạm vào hậu tâm của kẻ địch, đột nhiên tách một tiếng, cổ tay tựa như bị kiến cắn, mũi kiếm trượt qua một bên, hai kẻ che mặt ấy vội vàng co dò phóng vào trong rừng.
Vân Lối tức giận nói: “Tên tiểu tặc nào đánh lén hãy bước ra đây!”
Xung quanh yên ắng chẳng có một bóng người, Vân Lối chờ một hồi, không thấy có người lên tiếng, nhìn lại cổ tay mình thì thấy đã nổi một hạt đỏ ửng như hạt đậu, nhớ lại mình đã trúng loại ám khí rất nhỏ, nàng định tìm dưới đất nhưng tìm mãi vẫn không ra. Vân Lối tuy thắng được hai trận, nhưng đã bị người ta bỡn cợt, trong lòng không vui, nàng tiu nghỉu trở vào trong chùa, chợt thấy thư sinh ấy vẫn ngủ vùi như chết, Vân Lối gọi: “Này, ngươi ngủ thật ngon đấy nhỉ!”
Thư sinh ấy trở người, miệng nói lầm rầm mấy câu, Vân Lối kêu lên: “Cường đạo đến!”
Thư sinh ấy giật mình ngồi dậy, ngâm rằng: “Mộng lớn nào ai biết, bình sinh mỗi mình ta hay”.
Vân Lối cười lạnh nói: “Ngươi biết cái gì? Cường đạo đã đến!”
Thư sinh ấy dụi mắt nói: “Nửa đêm canh ba còn quấy rối giấc mộng của người khác! Sao tiểu ca nhà ngươi cứ quấy rối ta mãi thế?” Y chẳng hề tin lời Vân Lối mà còn trách cứ. Vân Lối tức giận nói: “Không tin ngươi hãy ra ngoài xem thử, kẻ cường đạo đã đến!”
Thư sinh ấy vươn vai, chợt cười nói: “Chúng đã đến nhưng cũng chẳng chuyện gì xảy ra, ngươi đánh thức ta làm gì?”
Vân Lối bực dọc lạnh lùng nói: “Ta đã đuổi bọn chúng đi”.
Thư sinh ấy nói: “Thật không? Hay lắm, hay lắm, ngươi ăn một củ khoai trước. Lần này ngươi không phải vô công mà nhận lộc, ta không nói ngươi ăn quịt nữa!” Thế rồi y ném tới một củ khoai, Vân Lối cả giận, vỗ bay củ khoái ấy ra nói: “Ai đùa với ngươi, này ta hỏi ngươi, ngươi tên họ là gì, từ đâu tới?”
Thư sinh ấy trừng mắt, đột nhiên tỏ vẻ nghênh ngang phách lối, chỉ tay quát: “Này, ta hỏi ngươi, ngươi tên họ là gì, từ đâu tới?”
Vân Lối tức giận nói: “Cái gì?”
Thư sinh ấy cười lạnh rằng: “Ngươi có thể thẩm vấn ta, sao ta không thể? Chả lẽ ngươi là quan, chuyên thẩm vấn người khác hay sao?”
Vân Lối chùn bước, thư sinh ấy quả thật ngang ngược, nàng thầm nhủ: “Sao ta có thể nói lai lịch của mình cho ngươi biết?” Chỉ thấy thư sinh ấy lướt nhìn mình, tỏ vẻ nghênh ngang, khiến cho nàng dở khóc dở cười. Vân Lối chợt nghĩ, mình không thể nói lai lịch cho y biết, vậy có lẽ y cũng không thể nói lai lịch cho mình biết. Điều mình không muốn vậy, sao cứ ép người ta? Hai người Hồ ấy từ ngàn dặm đuổi đến đây, chả lẽ y cũng giống như gia gia của mình, là người Hán thoát khỏi từ cõi Mông Cổ?”
Nghĩ như thế, bất giác nổi lòng kính trọng thư sinh ấy, nhưng liếc nhìn thấy y đang ra vẻ nghênh ngang, lại cảm thấy bực bội. Nghĩ một lát, nàng lấy ra đôi Nhật Nguyệt song kỳ của Châu Kiện, ném tới rồi nói: “Ta cho ngươi có này, ta không đi cùng đường với ngươi nữa”.
Thư sinh ấy liếc nhìn lá cờ rồi nói: “Ta không phải kép hát, cần gì đến hai lá cờ của ngươi?”
Vân Lối nói: “Ngươi một mình đi đường rất nguy hiểm, có hai lá cờ này, kẻ cường đạo không dám đụng đến ngươi”.
Thư sinh ấy nói: “Cái gì, hai lá cờ này là thánh chỉ?”
Vân Lối cười rằng: “Chỉ e còn hơn cả thánh chỉ! Đây chính là Nhật Nguyệt song kỳ của Kim Đao trại chủ, ngươi từ miền bắc đến, chả lẽ chưa từng nghe? Kim Đao trại chủ tương đương với Minh chủ cường đạo ở miền bắc, hào kiệt lục lâm ai mà không nể ông ta mấy phần”.
Vân Lối tặng y Nhật Nguyệt song kỳ là có ý tốt, không ngờ thư sinh ấy biến sắc, cầm hai lá cờ, đột nhiên cười lạnh nói: “Đại trượng phu đứng ở trên đời, sao có thể nhờ vả kẻ cướp? Ngươi đã đọc sách Khổng Mạnh chưa?” Thế rồi xé rách mảnh Nhật Nguyệt song kỳ!
Vân Lối giận đến nỗi mặt tái xanh, nàng quát rằng: “Kim Đao trại chủ uy chấn cả Hồ lẫn Hán, là một anh hùng đội trời đạp đất, sao ngươi có thể phỉ báng được!” Thế rồi vung tay tát cho y một bạt tai, nhưng chợt thấy bộ mặt của y trắng như ngọc, nên nghĩ bụng: “Nếu để lại năm dấu tay trên mặt y thì thật khó coi!” Thế rồi rụt tay lại tức giận nói: “Ta mặc kệ tên hủ nho nhà ngươi, ta tha cho ngươi một lần. Từ rày về sau ngươi bị kẻ cướp truy sát, ta cũng mặc ngươi!” Thế rồi đột nhiên xoay người, lướt ra khỏi cửa, nàng vốn có ý tốt mà lại rước thêm nỗi bực bội vào người, trong lòng rất không vui, nên cũng chẳng muốn nhìn lại thư sinh ấy. Thư sinh thấy Vân Lối xông ra cửa, y chậm rãi đứng dậy, vốn định lên tiếng gọi nhưng đột nhiên lại cười lạnh, không thèm kêu nữa. Vân Lối thúc ngựa ra khỏi rừng, đang đi chợt nghe một tiếng tách lướt qua đỉnh đầu, Vân Lối vung cây roi ngựa lên quát: “Tên tiểu tặc dám ám toán, có giỏi hãy ra đây!” Chợt thấy trên đầu vang lên một tiếng bốp, Vân Lối kéo đầu ngựa tránh qua một bên, chỉ thấy một cành cây rơi xuống, trên cành cây là một tay nải nhỏ nhắn. Vân Lối thất kinh, đó chính là đồ của mình, nàng vội vàng mở ra xem, chỉ thấy kim ngân châu báu Châu Kiện đã tặng cho nàng đều ở trong tay nải, cả mấy lượng bạc lẻ nàng đã đánh cắp cũng ở trong đó. Vân Lối vội vàng phóng lên khỏi lưng ngựa, lướt lên cành cây đưa mắt nhìn xung quanh, nhưng chẳng thấy có ai cả. Vân Lối thở dài nói: “Quả thật ngoài trời có trời, không ngờ ở nơi này lại gặp phải cao thủ”. Thế là nàng tiếp tục vỗ ngựa phóng đi, lúc này trời đã hửng sáng.
Vân Lối vỗ ngựa lên đường tiếp tục đi thẳng về phía tây. Chỉ thấy người ngựa trên đường đi không ngớt, ai nấy đều ra dáng võ phu, vừa nhìn thì đã biết là hảo hán của tam sơn ngũ nhạc.
Vân Lối chợt nhớ đến bài học giang hồ mà Châu Sơn Dân đã dạy cho nàng, nhủ bụng: “Nhìn cảnh tượng này, tựa như không phải là đại lễ của bang hội mà là đại hội võ lâm”.
Những người ấy thúc ngựa lướt qua Vân Lối, chẳng ai thèm để ý đến nàng. Vân Lối đi một hồi thì đói bụng, bước vào quán trà bên đường, ăn bừa một cái bánh bao, nói đùa với người chủ quán: “Chắc hôm nay buôn bán rất khá, người đi đường rất nhiều”.
Chủ quán trà cười rằng: “Khách quan, ngài chẳng phải đến Hắc Thạch trang ư?
Vân Lối nói: “Hắc Thạch trang là gì?”
Chủ quán trà ấy mới nói: “Khách quan chắc là ở nơi khác đến, hôm nay Thạch đại gia mừng đại thọ, rất nhiều bằng hữu đều đến chúc thọ cho ông ta”.
Vân Lối nảy ra một ý, hỏi rằng: “Có phải đó là Oanh Thiên Lôi Thạch Anh không?”
Chủ quán tỏ vẻ cung kính nói: “Té ra ngài cũng là bằng hữu của Thạch đại gia”.
Vân Lối nói: “Thạch lão anh hùng ai mà không biết, tôi tuy là người ở nơi khác nhưng cũng nghe đến tên tuổi của ông ta”.
Chủ quán trà lại bảo: “Đúng thế, Thạch đại gia kết giao rộng rãi, người ở các nơi, dù quen hay không quen, đến gia trang của ông ta đều được tiếp đãi như nhau”.
Vân Lối đã nghe Châu Sơn Dân nói, Thạch Anh uy chấn võ lâm nhờ bộ Nhiếp Vân kiếm và Phi Hoàn thạch, Nhiếp Vân kiếm cố nhiên là nhất tuyệt trong chốn võ lâm, nhưng thủ pháp phóng ám khí Phi Hoàn thạch cũng rất kinh người, người bị trúng cứ giống như bị đạn nổ, cho nên ông ta có ngoại hiệu là Oanh Thiên Lôi. Thạch Anh không những võ công cao cường mà còn là người hào hiệp, nhưng tính tình có hơi kỳ quặc. Vân Lối nghĩ bụng: “Té ra người này sống ở ngoài thành Phúc Dương, chi bằng mình cũng đến bái thọ. Anh hùng trong tam sơn ngũ nhạc đều đã kéo đến đây, cao thủ đã bỡn cợt mình có lẽ trong số ấy, mình không nên bỏ qua cơ hội này”. Thế là đã quyết định, nàng mượn chủ quán giấy bút, viết một tờ thiệp chúc mừng, cười rằng: “Tôi không hề biết hôm nay ông ta chúc thọ, quả thực đây là dịp may”. Sau khi hỏi đường đến Hắc Thạch trang, trả tiền trà thì nàng nhảy lên lưng ngựa phóng thẳng về phía ấy.
Trong Hắc Thạch trang khách khứa đông như mây, tên nô bộc nhận quà nhìn thiệp chúc mừng, cũng chẳng thèm hỏi đến, liền bảo người đón khách rước vào trong đại hoa viên, khi Vân Lối đến, đã có hàng trăm bàn tiệc, đã đến lúc vào tiệc. Vân Lối được xếp cho ngồi ở một góc, ngồi cùng bàn đều là người lạ. Chỉ nghe họ bàn tán xì xào. Một người nói: “Hôm nay Thạch lão anh hùng không những làm đại thọ mà nghe nói cũng tuyển nghĩa tế”.
Một người nói: “Ông ta có lẽ cũng sẽ đau đầu lắm, Sa trại chủ, Hàn đảo chủ, Lâm trang chủ đều cùng cầu hôn cho con trai, lần này không biết phải ứng phó thế nào?”
Một người nói: “Oanh Thiên Lôi tự có cách đâu cần chúng ta phải lo lắng cho ông”. Thế rồi chỉ tay nói: “Các người nhìn kìa!”
Vân Lối ngẩng đầu lên nhìn, chỉ thấy trong vườn đã dựng một đại lôi đài, cao khoảng hai trượng. Người ấy cười rằng: “Nghe nói Oanh Thiên Lôi rất hào sảng, nay đã dùng võ chọn chồng cho con, ai có thể đánh hơn con gái của ông ta thì sẽ trở thành nghĩa tế của ông ta, không hề có ngoại lệ, cả ba nhà đều chẳng nói năng được gì”.
Những người khác thì cười rằng: “Sẽ có trò vui xem”.
Vân Lối cười thầm: “Trên thiên hạ lại có cách chọn nghĩa tế như thế này, vạn nhất chọn phải một tên mặt rỗ thì há chẳng phải thiệt thòi cho con gái của mình hay sao!”
Mặt trời dần dần ngả về tây, chợt nghe tiếng chúc mừng vang lên, Vân Lối kiễng chân nhìn, chỉ thấy một ông già mặt đỏ, dắt theo một thiếu nữ bước ra, thiếu nữ ấy trông rất xinh đẹp, mặt tựa phù dung, chân mày thanh mảnh, Vân Lối chen lên phía trước xem, chỉ thấy mặt nàng đầy vẻ tự tin, chẳng hề hổ thẹn trước đám đông.
Đó chính là:
Trước tiệc nổi kiếm khí, hiệp nữ gặp kỳ nam.
Muốn biết sau đó thế nào, hồi sau sẽ phân giải.
Bình Tung Hiệp Ảnh Lục Bình Tung Hiệp Ảnh Lục - Khuyết Danh Bình Tung Hiệp Ảnh Lục