Good as it is to inherit a library, it is better to collect one.

Augustine Birrell, Obiter Dicta, "Book Buying"

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1335 / 10
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 -
ình ảnh đầu tiên nhận được là chiếc đồng hồ treo trên tường. Mặt kính bóng láng, làm nhòe hơn nửa vòng chữ số. Từ số 7 đến 11 là rõ nét. Còn lại các chữ số khác biến mất. Tường nhíu mày cố tìm thêm, nhưng vô ích, chiếc đồng hồ mặt tròn vẫn trơ trơ mặt kính thả những tiếng “tích tắc” theo nhịp kim gió. Mấy giờ rồi và tại sao lại nằm đây, trong một căn phòng xa lạ. Anh cố nhớ lại bằng tất cả cố gắng. Từng hình ảnh chắp nối hiện về rời rạc. Bắt đầu bằng một cơn đau xé óc từ xương gò má trái. Cơn đau lan nhanh khi ngực nén lại, mắt tối sầm và thân thể như có một sức nặng khủng khiếp đè lên. Tường chơi vơi giữa cảm giác đau đớn và trí nhớ dật dờ. Chung quanh anh có tiếng lao xao, la hét của đám Mỹ đen bụi đời. Rồi những chớp xanh đỏ hiện trong trí. Rồi tiếng còi hụ của xe cứu thương. Rầm rĩ nhưng sắc bén, chui vào tai như sợi chỉ xuyên qua đầu, nhức buốt. Hình như Tường có gọi mẹ anh và tên Nhu lúc đó.
Bây giờ Tường nằm đây. Căn phòng rộng thênh thang. Một cái giường. Một bộ bàn ghế. Cái truyền hình treo lủng lẳng trên tường với hàng nút bấm đặt sát tay. Ðâu thế này? Sao lại ở đây, một nơi Tường chưa từng đến. Anh cố hình dung căn phòng quen thuộc với những bề bộn sẵn có. Tàn thuốc, phin lọc cà phê, sách vở, băng nhạc... Tất cả đều không còn, để thay vào là khung cảnh xa lạ này. Có cái gì thiếu thốn và mất mát vừa dấy lên trong Tường. Bàn tay phải đặt lên túi áo trái. Bức tượng cô bé bằng đồng thau biến đâu mất. Anh hốt hoảng cúi xuống. Màu xanh của bộ quần áo bệnh viện mặc trên người đập vào mắt, kéo Tường về thực tại để hiểu, để thấy rõ nơi chốn mình đang hiện diện.
Có tiếng động phía cửa. Một cô gái tóc vàng trong bộ quần áo điều dưỡng màu trắng bước vào. Sau cái cười khi gặp ánh mắt Tường, cô gái tóc vàng lặng lẽ đến cạnh giường. Trên tay bưng một ly sữa.
– Ông khỏe rồi chứ?
Tường định trả lời nhưng tiếng nói bị bít trong mồm. Hai cánh môi không mở được vì vết khâu bên trên hàm trái. Anh gật đầu. Cô gái tóc vàng cúi xuống, sửa lại chiếc gối sau ót Tường. Mùi thơm của nước hoa và da thịt cô ta xông vào mũi. Anh nhìn vào khoảng da thịt hở nơi cổ áo cô gái. Màu trắng của vùng ức và phần trên ngực phập phồng. Những lỗ chân lông lấm tấm, mờ nhạt, như không có. Tường nén thở, lồng ngực bị tức hơn. Cảm giác thích thú nổi lên, anh thôi nén thở, hít mạnh một hơi dài. Mùi thơm của nước hoa và da thịt cô gái như truyền nhanh trong thân thể. Cô gái tóc vàng nheo mắt, cười giễu cợt.
– Ông có thể uống sữa một mình được chứ?
Tường gật đầu. Má anh chạm vào cánh tay tròn lẳng của cô gái. Sự đụng chạm da thịt làm cơn đau của vết thương vừa mổ dịu đi. Lại thêm một ánh mắt giễu cợt nữa nhìn xuống. Tường muốn làm một hành động nào đó, một cử chỉ nào đó hoặc nói một câu gì đó mà chẳng được. Trời đất, đã như đống thịt chết mà vẫn còn vớ vẩn. Tường mỉm cười chế giễu mình trong đầu.
Cô gái tóc vàng đứng thẳng lên sau khi đặt ly sữa trên bàn. Bộ quần áo của Tường được đặt sát gối. Anh với tay mò vào túi áo. Những ngón tay chạm vào cô bé đồng thau làm anh mừng rỡ. Tường lôi mạnh, bộ quần áo rơi xuống đất. Cô gái tóc vàng có vẻ ngạc nhiên vì hành động này nhưng không nói thêm câu nào, chỉ lặng lẽ nhặt bộ quần áo lên, xếp lại và đặt vào chỗ cũ.
– Cần gì ông cứ bấm chuông.
Tường lại gật đầu, nhìn lên. Trong thế đứng sát giường, từ cái nhìn của anh, bộ ngực cô gái tóc vàng được nâng cao vút, đội lần vải trắng lên. Một lần nữa Tường lại mỉm cười trong đầu.
Cô gái tóc vàng nói thêm một câu chào rồi bỏ đi. Tường không nhìn theo cô ta. Bàn tay phải nắm chặt bức tượng cô bé đồng thau. Những ý tưởng cớt nhả vừa có đã biến mất. Bây giờ chỉ còn anh đối diện với chính mình, giữa khung cảnh xa lạ của một căn phòng bịnh viện.
Tường rướn mình, áp chặt lưng vào dãy song giường. Cảm giác ngột ngạt từ ngực và cơn đau từ vết thương trên mặt lại đến. Có chất nước mặn, nhờn nhờn ứa đầy trong mồm. Anh nuốt vội ngụm máu, đè cục nghẹn xuống lồng ngực. Ðã bớt ngộp thở nhưng cơn đau vẫn còn đeo đuổi. Hai bàn tay Tường nắm chặt. Bàn tay trái với những ngón tay bấm vào lòng tay gây cảm giác tê tê. Bàn tay phải bóp chặt bức tượng cô bé đồng thau. Dằn cơn đau xuống và đừng nghĩ đến. Anh tự nhủ, nhưng vô ích cơn đau vẫn hiện diện và bẻ gẫy ý nghĩ trốn lánh thực tại, lần vào trí Tường như lưỡi dao bén xuyên qua trái táo bở. Cơn đau đã len vào ý nghĩ.
Cái ngúc ngắc từ vết thương lan từng tia một theo nhịp đập của máu. Giật, thoáng đau như mũi kim châm vào da thịt rồi tỏa ra chung quanh cơn nhức buốt. Vùng thịt bên má trái co giật làm Tường khó chịu. Chống hai tay lên mặt nệm anh rướn người cao hơn. Chất nhờn mằn mặn pha giữa máu và nước bọt lại ứa ra đầy miệng. Tường nuốt chất nước đó khó khăn với cảm giác lờm lợm dâng lên từ cuống họng. Mũi Tường xông lên mùi tanh của máu. Tường làm lại động tác nén thở, rồi thở mạnh như đã làm lúc mùi thơm của cô gái tóc vàng xông vào mũi. Sự dễ chịu tưởng có không đến như anh tưởng, mà ngược lại, sự khó chịu lại tăng thêm. Từ cuống dạ trên có cuộn hơi dâng lên làm Tường muốn mửa một thứ gì đó ra khỏi thân thể. Cục nước nhờn pha giữa máu và nước bọt. Ngụm hơi tanh mùi máu... Tường không thể phân biệt được cái mình muốn nôn. Chỉ biết muốn thải ra ngoài một thứ gì cho thân thể nhẹ bớt.
Tường quặn người lại, phần bụng dưới uốn theo thân hình. Cái bụng trống rỗng không có gì để đưa lên khi lồng ngực vẫn thẳng băng và bị nén lại. Phải nôn ra bằng mọi giá. Anh đưa bàn tay phải đập vào lồng ngực bằng tất cả sức mạnh còn lại. Cú đấm như một sự đụng chạm nhỏ, không gây phản ứng gì khác lạ. Anh bất lực với chính anh. Thân thể buông xuôi như một xác chết.
Tường nhìn quanh và xót xa tìm thấy mình trong nỗi cô đơn. Hoàng, Vĩnh, Quán, thằng Mễ và cả Nhu nữa. Mỗi người đã và đang ở trong một thế sống. Nhưng đều sống với họ. Ba mươi sáu năm vừa qua anh đã sống với anh như họ đã sống với họ chưa? Hay chỉ bằng ý nghĩ trong đầu? Và còn lại đều là thứ bỏ đi... Bỏ đi! Tường chua chát nhẩm lại hai chữ đó khi hình dung đến những khuôn mặt thân quen.
Cặp kính trắng gọng vàng của Vĩnh. Nếp nhăn trên trán của Hoàng. Nét hiền lành của Loan. Ánh mắt tinh nghịch của Quán. Bàn tay bẩn thỉu với những ngón to, thô kệch của thằng Mễ. Dáng gầy gò của cô bé bằng đồng thau. Và Nhu... Nhu thế nào? Tường hốt hoảng vì sự trống rỗng trong đầu. Nhu. Nhu. Nhu... Tường lẩm nhẩm tên Nhu cả chục lần, đến độ tiếng “nhu” bình thường trở thành vô nghĩa, vẫn không thể hình dung được khuôn mặt và hình dáng của một người con gái mang tên Nhu. Ðôi mắt. Ðôi mắt thế nào? Anh nhớ lại cả trăm đôi mắt đã gặp trong đời, vẫn không có đôi mắt nào của Nhu, đôi mắt nào Tường gọi là mắt Nhu. Những đôi mắt đeo kính trắng gọng vàng như mắt Vĩnh. Những đôi mắt đuôi lá răm, nheo nheo nghịch ngợm như mắt Quán. Những đôi mắt có lông mày rậm xịt, dữ dằn như mắt Hoàng. Những đôi mắt hiền lành, thành thật như mắt Loan. Những đôi mắt lờ đờ, đục ngầu tia thèm muốn như mắt thằng Mễ. Những đôi mắt ấy ẩn hiện, xay tròn trong đầu và chụp giữ thật dễ dàng để nhìn ngắm, để... Nhưng mắt Nhu thế nào... Ðôi mắt ấy đã chìm vào vùng nào của bộ não này? Tường xoa nhẹ lên thái dương, bỏ ý tưởng đi tìm mắt Nhu trong trí. Anh quay sang một phần khác của thân thể Nhu để thử.
Nhưng vẫn không được. Mũi, miệng, hình dáng, bàn tay... Chẳng thể nào hình dung được từng nét riêng lẻ của Nhu. Hiển hiện chỉ toàn những mũi, những miệng, những hình dáng, những bàn tay của người khác. Nhu mất tăm trong anh rồi sao? Tường cố gắng sục tìm một hình ảnh nào đó còn sót lại trong đầu để gán cho người con gái tên Nhu. Những màu áo, những kiểu váy, những vệt kẻ chì vụng về. Ðủ thứ, đủ loại trôi về, nhưng bây giờ Tường không còn khẳng định được cái nào là của Nhu. Ðã mất tăm từ đầu và gây cho Tường ý niệm không có Nhu trong lần hình tưởng này. Ðiều này lớn dần trong các hình ảnh lẫn lộn. Và bây giờ Tường hiểu anh không thể gán cái của Nhu cho một hình ảnh nào được, dù đó chính là một mảnh hình ảnh của Nhu trở về.
Lại có tiếng động ở cửa. Tường ngước lên. Cô gái tóc vàng lúc nãy trở vào, trên tay là một ly nước và một gói giấy nhỏ. Hẳn là thuốc uống.
– Ông vẫn chưa uống sữa?
Tường lắc đầu.
– Ông thấy khỏe hơn chứ?
Tường gật đầu.
– Ông uống thuốc được chứ?
Tường lại gật đầu.
– Ông cần gì thêm? Tôi có thể giúp ông?
Tường đưa tay chỉ vào restroom. Cô gái tóc vàng đến cạnh anh, trong thái độ tự nhiên nâng Tường dậy bằng bàn tay có những móng tay sơn màu hồng nhạt. Và dìu Tường đi trong thế quàng qua lưng bằng cánh tay thon có những sợi lông măng xoăn tít, vàng chóe. Mùi hương của da thịt và nước hoa của cô ta vẫn xông vào mũi. Sự đụng chạm da thịt gần gũi hơn lần trước. Lưng Tường chạm vào đầu ngực nhọn của cô gái. Chẳng có cảm xúc gì là khoái cảm. Tường đang buồn tiểu. Cái cần bây giờ là thải được ra ngoài chất nước đang làm nặng bụng dưới. Còn sự đụng chạm! Mẹ kiếp! Có nghĩa lý gì một cảm xúc êm đềm trong lúc này.
Mở cánh cửa restroom, cô gái tóc vàng đưa Tường vào trong. Ngang qua tấm gương treo phía trên bồn rửa mặt, anh ngoái cổ ráng làm một cú soi gương.Trời đất! Tường khựng lại, lưng tựa mạnh vào ngực cô gái khi thấy thằng người trong gương hiện lên. Mặt xanh lét, tóc rối bù, hai con mắt lạc thần và một vệt máu khô bám ở mép môi trái. Tường đó sao? Kỳ cục quá vậy? Sao mà “ngộ” quá vậy cà! Tươi tỉnh lên một tí cha nội. Tường tự đùa với mình bằng một cái cười mỉm. Nhưng cái cười cũng méo xệch vì chỉ nhếch được nửa miệng bên phải. Nửa miệng bên trái lại nhói đau. Chắc khoảng da thịt của má trái bị kéo lên, chạm vào vết mổ vừa khâu, từ cái cười ráng.
– Ông có thể “làm” một mình chứ?
Cô gái tóc vàng hỏi khi đưa Tường đến trước bồn cầu. Anh gật đầu xoay sang cô ta tỏ ý cảm ơn vì câu hỏi cần thiết này. Ðến bây giờ Tường mới nhìn kỹ khuôn mặt của cô gái tóc vàng. Nếu cắt rời các phần của khuôn mặt ra thành từng mảnh thì chả có gì đáng nói. Mắt thường, miệng thường, mũi thường, cằm thường... Nghĩa là tất cả đều bình thường. Nhưng trời, phải cám ơn trời đất về việc này, đã sắp đặt cho khuôn mặt cô gái một vẻ dễ nhìn. Một khuôn mặt làm thích mắt người đối diện bằng nét hài hòa và duyên dáng. Tường nhìn đăm đăm vào khuôn mặt cô gái tóc vàng. Có một cái gì lạ lắm, thân lắm mà anh chưa nhận ra được.
Cô gái mỉm cười trước thái độ của Tường. Nụ cười làm vùng má bên phải hũm xuống. Một cái đồng tiền hiện lên, giống hệt... giống hệt. Phải rồi! Giống hệt Nhu. Trí nhớ anh ào về với khuôn mặt Nhu. Rõ ràng, đậm nét như đang trước mắt. Từng cử chỉ, từng thái độ đều hiển hiện trong trí. Không sót một điểm nào. Tường mừng rỡ vì đã tìm lại được Nhu.
– Ông không cần tôi giúp chứ?
Tường gật đầu chống tay trái vào tường. Cô gái buông anh ra, lùi lại mấy bước nhưng vẫn không ra khỏi phòng. Tường lúng túng vì sự có mặt của cô ta. Muốn nói nhưng không nói được. Anh ngần ngừ, kéo dài động tác vén chiếc áo bệnh nhân màu xanh, được may như một kiểu váy đàn bà, để cô gái tóc vàng hiểu ý và bước ra khỏi phòng. Nhưng cô ta vẫn đứng yên. Khuôn mặt của cô ta giống Nhu, nhưng không thể là Nhu, bởi thiếu sắc đỏ lan từ mép tai trái xuống má mỗi khi thẹn thùng.
° ° °
Tường tỉnh dậy sau một giấc ngủ mệt nhọc. Hẳn viên thuốc hình hạt dưa bé tí, màu xanh nhạt của cô gái tóc vàng đưa là thuốc an thần. Ðầu Tường nặng trĩu nhưng cơn đau đã dịu đi nhiều. Bây giờ trong mồm chỉ còn vài tia hơi nhức như kim đâm từ những vết khâu. Anh nheo mắt nhìn đồng hồ, ánh điện lấp nửa mặt kính không đáng ngại nữa vì hai cây kim chỉ giờ và phút đã quay về phía dãy chữ số trông thấy được. 11 giờ 35 phút. Kim ngắn chỉ phần trên của số 11. Kim dài chỉ phần dưới của số 7. Có lẽ chưa đến 11 giờ 35 phút. Có lẽ mới 11 giờ 34 phút hay 11 giờ 33 phút gì đó... Tường bật cười khi thấy mình vừa lẩn thẩn với những con số của thời gian trong sự thích thú của đứa trẻ mới tìm thấy một điều gì tưởng mất. Và tiếp tục trò chơi đó.
Mỗi nhịp là một nấc nhảy chứ không phải mỗi nhịp là một nấc quay như anh hằng tưởng. Chiếc kim giây nhảy từ giây này sang giây khác. Tách rời rõ rệt từng nấc thời gian, chứ không xâu liền một chuỗi. Ðiều đó hiển hiện trên mặt đồng hồ, trên mặt đời sống mà đâu ai ngờ! Ðiều khám phá trẻ con làm anh thích thú. Có những điều mình chợt nhớ là mình đã quên trong cuộc sống. Lụn vụn, tưởng không quan trọng nhưng biến thành hạnh phúc trong lần tình cờ tìm lại. Như Tường lúc này, hạnh phúc trong cơn đau và ý nghĩ trẻ thơ.
Tường nhìn quanh phòng trong tâm trạng bớt xa lạ. Màu sơn xanh nhạt đã dìu dịu không còn sắc xám bệnh hoạn như Tường đã tưởng. Các vật kê trong phòng cũng trở nên gần gũi hơn. Mặt bàn nổi vân màu nâu, ấm lại hơi người chứ không lạnh lẽo như lúc cô gái tóc vàng để bộ quần áo của Tường vào. Bốn chiếc ghế bọc nệm xanh nhìn mát mắt và ngay cả cái ti vi treo lủng lẳng trên tường cũng không chướng mắt nữa. Bệnh nhân nằm trên giường thì phải treo trước mặt chứ sao? Hợp lý quá đi chứ! Lại càng hợp lý hơn với hàng nút điều khiển nằm sát tay, cạnh song giường. Tường an tâm quan sát từng thứ một. Kéo chiếc mền ngang ngực, anh nhìn về phía cửa sổ. Khung cửa kín mít bởi lớp màn ngăn, từ chỗ Tường nằm không thể nào biết bên ngoài ra sao. Kín bưng như một bức tường. Anh nheo mắt cố tìm một khe hở. Nhưng vô ích. Cánh cửa sổ đã ngăn anh lại. Ngăn cả thời gian.
Tường quay về phía chiếc đồng hồ. 11 giờ 55 phút. Ðúng 11 giờ 55 phút nhưng là 11 giờ 55 phút của buổi tối hay 11 giờ 55 phút của buổi sáng? Làm sao phân biệt được đây? Bây giờ ngoài kia là buổi sáng với nắng, với cuộc sống náo nhiệt hay là đêm với khoảng tối và sự yên ắng. Tường muốn biết. Nhưng không được. Căn phòng bị tách ra thành một không gian, một thời gian riêng rẽ từ không gian chung và thời gian chung. Bốn bức tường và 11 giờ 55 phút. Chỉ thế cho Tường lúc này.
Anh đã nằm đây bao nhiêu lâu? Chỉ nhớ buổi tối thứ bảy, đã khuya, Tường lang thang giữa đám Mỹ đen bụi đời với chai rượu đầy ắp. Có tiếng cười giỡn của bọn điếm tụ tập gần ngã tư William và Fifth, ngay trước cửa một tiệm bán rượu vang đến chỗ bọn anh ngồi. Anh đã chia từng hớp rượu với những thằng đen bụi đời. Ngược lại bọn nó cũng cho Tường uống bia. Thứ bia rẻ tiền với các loại nhãn hiệu không thể nhớ. Bốn, năm hay sáu đứa gì đó. Ngồi vắt vẻo ở lan can của một căn nhà đã xụp hết phân nửa. Cười giỡn, hồn nhiên như những người bạn thân. Không có khoảng cách giữa đen và trắng chỗ này. Không còn sự phân chia Mẽo hay Mít ở đây. Chỉ uống và thỉnh thoảng hút vài điếu cần sa. Tường vẫn tìm đến bọn đen này những lúc rảnh và ngược lại, bọn nó cũng tìm anh lúc cần hoặc thích. Hệt như thằng Mễ đã tìm đến Tường mỗi khi hết tiền hay bị cảnh sát rượt. Anh thích và thích được vậy. Bọn đen cũng thích và thích được vậy. Thằng Mễ cũng thích và thích được vậy. Ðã có lần bọn Tường cùng đồng ý về điểm này.
Tường đã nằm đây bao nhiêu lâu? Chỉ nhớ bấy giờ đã có vài thằng đen say ngất, nằm vật xuống hè xi măng bẩn thỉu của căn nhà để ngủ. Còn lại anh và hai thằng nữa với chai rượu thứ hai vơi quá nửa. Tường không nhớ tên một thằng nào trong bọn này. Khi gặp, chỉ một tiếng “Eh! Men” là vui vẻ cặp tay nhau uống. Thoải mái như đang trần truồng ngâm vào bồn nước... Và bấy giờ, trong sự thoải mái đó, hai thằng đen và Tường nốc tiếp số rượu còn lại với đống “chip” mằn mặn. Một thằng cao, một thằng lùn. Ba đứa ngồi ba góc như ba cái đỉnh của một hình tam giác có cái tâm là chai rượu với gói “chip ”. Thằng lùn kể về mối tình với một con điếm đen đang hành nghề ở khúc đường Fourth. Chuyện hấp dẫn và gay cấn. Bắt đầu từ một lớp học của high school và kết thúc ở con đường William này. Thằng đen lùn bụi đời ở góc số 5 và con điếm hành nghề ở góc số 4. Tường có cười và nói. “Chuyện buồn quá là buồn.” Thằng đen lùn có vẻ mủi lòng, còn thằng đen cao tỉnh bơ, gục gặt cái đầu. “Không bằng chuyện của tao đâu.” Rồi nó bắt đầu kể. “Chuyện cũng bắt đầu từ high school nhưng con nhỏ đó da trắng hẳn hòi. Tất nhiên là có những màn bình thường như các chuyện tình Mỹ, và trắc trở như các mối tình đen, trắng thường gặp phải. Nhưng kết thúc khác hơn. Tao xiết cổ nó chết ngắt rồi vào tù. Vượt ngục và ở đây uống rượu với bọn mày.” Thằng đen cao cười khằng khặc đứng lên, tiến về gốc cây bên cạnh bảng “stop” đứng đái. Thằng đen lùn hỏi về chuyện tình của Tường. Anh lắc đầu. “Chuyện của tao dở lắm, không có gì để kể. Tao về.” Tường đứng dậy bỏ đi với hình ảnh của Nhu trong đầu. Rồi cơn đau vụt đến từ vết thương cũ. Tường nhận được cái đau như xé óc trước khi ngã xuống. Có tiếng la của bọn đen. Có tiếng còi của xe cứu thương.
Tường đã nằm đây bao nhiêu lâu? Chỉ biết mở mắt ra đã gặp hình ảnh cái đồng hồ giống hệt như đang thấy. Vậy là bao nhiêu lâu? Từ lúc ngã xuống đến lúc mở mắt là bao lâu? Từ lúc mở mắt đến bây giờ là bao lâu? Anh muốn biết và không muốn rơi vào sự quên lãng của chính mình.
Tường chống tay, lồm cồm bò ra khỏi giường. Bàn chân vừa chạm nền đá hoa đã run lẩy bẩy. Hơi lạnh thấm vào gan bàn chân, tỏa trong thân thể, dâng ngang đầu gối làm thành những cái giật nhẹ. Mẹ kiếp, run là ở chỗ này. Tường hít một hơi không khí, có ngụm máu pha nước bọt lại trôi xuống cổ. Anh nuốt vội, lần này không có cảm giác khó chịu. Anh thấy cơn run nhẹ đi và cúi xuống lôi bộ quần áo từ ngăn tủ dưới ra. Chiếc quần lót rơi xuống mặt xi măng. Tường đưa bàn chân trái cố làm một động tác quen thuộc của lúc khỏe mạnh là dùng hai ngón chân kẹp cái quần, hất lên rồi đưa tay bắt. Lần thứ nhất chiếc quần rơi xuống trước khi được hất lên. Lần thứ hai, chiếc quần vẫn rớt xuống, cái hất chân chưa đủ mạnh để đến tầm tay. Lần thứ ba chiếc quần máng vào ngón út. Bàn tay Tường nắm chặt. Vậy là xong, anh vẫn còn sức.
Tường tựa vào mép giường thay quần áo. Xong, vất chiếc váy màu xanh dành cho bệnh nhân lên giường, định bước ra chợt nhìn thấy ly sữa còn đặt trên bàn. Mẹ kiếp! Hơi đâu mà bỏ, phí của trời! Anh tự nhủ rồi với tay bưng ly sữa lên, uống từng ngụm nhỏ. Chất nước béo, nhạt và lờ lợ chui vào bao tử thật dễ chịu. Ðến bây giờ Tường mới biết là mình đang đói. Phía bụng dưới sôi lên những tiếng “ọc ọc” đầy khoái cảm theo từng ngụm sữa được nuốt vào. Anh nhâm nhi ly sữa một cách ngon lành như uống rượu. Cứ mỗi ngụm Tường thấy vị beo béo của sữa tươi lại một khác. Vị giác như được đổi mới. Tường chép miệng. Tường nuốt. Như lần đầu tiên biết được vị ngon của thứ nước uống bình thường tại Mỹ.
Ly sữa cạn dần, rồi đến ngụm cuối cùng. Tường ngậm thật lâu trong miệng, bên vùng má phải. Và nuốt từ từ bằng cách đẩy từng hớp sữa xuống. Mỗi hớp sữa trôi qua thực quản như một lớp gió mát tỏa trong thân thể. Hết lớp này đến lớp khác. Anh thấy mình khỏe hơn trong hớp cuối cùng.
Ðặt ly không trên bàn, Tường bước ra thong thả. Trước khi khép cửa, anh vặn khóa cẩn thận. Ngày mai hay lát nữa, cô gái tóc vàng sẽ hốt hoảng bấm chuông gọi bác sĩ trực vì cửa đóng. Rồi tất cả sẽ ngạc nhiên, dĩ nhiên có phần nào giận dữ và lo sợ vì thằng bịnh nhân họ lượm được giữa đám bụi đời đã biến mất, sau một lần mổ. Tường khoái chí giật mạnh cửa, một tiếng “cách” vang lên. Cánh cửa phòng đã được khóa như ý muốn, anh xoay mình bỏ đi bằng bước chân của một người không bịnh. Anh tin thế.
o O o
Nhật ký tháng ba.
Thứ ba của tuần lễ thứ tư.
Vậy là xong, chẳng ai biết tôi vừa nằm bệnh viện ra trừ Nhu. Ðêm ở bệnh viện về, tình cờ Nhu gọi phone và tôi khai thật. Ðúng ra chẳng cần ai biết bởi có quan trọng gì đâu? Vẫn còn sống là đủ rồi. Biết làm gì cho thêm phần phiền toái. Nhất là Nhu, tôi không muốn nàng lo lắng. Khoảng cách từ San Jose đến Sacramento, trong tình yêu, là quá đủ để nói chữ buồn cho người con gái. Ðàn ông, con trai như tôi nhiều lúc còn muốn đứt ruột huống chi là nàng. Biết thế, nhưng vừa nhận phone Nhu, tôi lại phun ra hết. Gần như là tả oán nữa chứ. Sau những câu nói, Nhu lo lắng thật sự. Lúc đó tôi không thể thấy mình trẻ con đến mức nào. Chỉ có tâm trạng nao nao, pha trộn giữa hạnh phúc và an ủi. Ðời sống quả là kỳ cục. Con người thường kiếm chỗ để núp, để níu mỗi khi ngã xuống. Dù việc đó có cần hay không cần cũng vậy. Cứ núp, cứ níu cái đã. Mọi việc tính sau, dù có phiền đến người khác cũng mặc. Tôi đã làm như vậy với Nhu. Và lạ lùng hơn nữa, tôi lại cảm thấy sung sướng khi nghe được giọng nói đầy lo lắng của Nhu.
Hạnh phúc có phải là việc mình làm khổ người mình yêu thương không?
o O o
Thứ năm của tuần lễ thứ tư.
Tôi đã đi vào chương hai của cuốn sách. Những ý nghĩ của bệnh viện đã được ghi lại, qua cuộc đời nhân vật chính. Ngay từ đầu, hắn đã mang hình tượng của tôi. Sự việc thật tình cờ, nhưng đã được làm. Hắn mang bản lý lịch giống hệt tôi. Nhưng một cuốn sách không phải viết ra để kể lại cuộc đời của người viết. Hắn chỉ có thể giống tôi về quá khứ. Chỉ thế, còn cuộc sống, tự hắn phải có cuộc sống riêng tư. Tôi muốn thế. Tôi muốn tạo một con người hệt như tôi, nhưng không phải là tôi, nghĩa là không phải một thằng bỏ đi hay một người cầm viết. Từ nay, tôi sẽ bắt đầu cuộc sống thứ hai. Cuộc sống của nhân vật tôi.
Sau lần nằm bệnh viện, hắn bước vào cuộc đời. Tại San Jose, cuối tháng ba năm 1988. Với con mắt của tôi.
o O o
Thứ sáu của tuần lễ thứ tư.
Tôi đã lầm. Những giòng chữ viết cho nhân vật chính, trong thời gian nằm bịnh viện, không phải của hắn. Ðó là ý nghĩ của tôi. Ðó là tâm trạng của tôi. Tất cả đã được tôi gán cho hắn. Tôi đang núp dưới bóng nhân vật của tôi. Ðiều này tôi hoàn toàn không muốn. Hắn chỉ là một con người có quá khứ giống hệt tôi. Chỉ thế! tôi không thể diễn tả cái tôi kiểu đó. Phải nhớ, hắn là một con người khác, đang sống tại thời điểm này. Tôi phải nhìn và ghi lại những gì đã thấy từ hắn để một cuộc đời được hình thành trên giấy. Một cuộc đời thật của một con người giống tôi nhưng không phải là tôi. Hãy nhớ kỹ điều này để tiếp tục. Tôi sẽ nhắc lại câu này trước khi ngồi vào bàn viết.
o O o
Thứ hai của tuần lễ thứ năm.
Hoàng đến, vẫn trong lối ăn mặc quen thuộc và thái độ bốc lửa, nó nói về buổi lễ tháng tư sắp được tổ chức. Tôi ậm ừ. Tôi nghe. Tôi lay out tờ báo. Tôi buồn ngủ.
Có nên cho nhân vật chính đi theo Hoàng vào buổi lễ tháng tư này không?
Bên Ngoài Cuộc Sống Bên Ngoài Cuộc Sống - Nguyễn Ý Thuần