To love is to admire with the heart:

to admire is to love with the mind.

Theophile Gautier

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Mike Nguyen
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1294 / 21
Cập nhật: 2015-07-15 09:41:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
hiếc pháo đài, theo danh từ của các anh chiến sĩ thường gọi là chiếc "lô-cốt" (blockhaus) nằm ẩn trên một địa thế rất kín đáo. Nếu không có ánh đèn bên trong lọt qua lỗ châu mai, Khôi Việt đã tưởng nhầm đó là một khối đá bên sườn núi.
Nấp trong bụi rậm, Khôi Việt im lặng quan sát. Cả hai đều nghĩ: Trong lô-cốt có người! Nhưng ai làm gì trong ấy, giữa đêm hôm khuya khoắt như thế nầy? Chắc hẳn chúng đã lợi dụng chiếc lô-cốt bỏ không đã lâu ngày này làm sào huyệt.
Ánh sáng chập chờn bên trong lô-cốt chắc do một ngọn đèn dầu hay nến nên ngọn lửa lay động luôn luôn… Đột nhiên ánh sáng bập bùng ấy phụt tắt.
Cánh cửa sắt của lô-cốt chuyển động, quay ken két trên bản lề rỉ sét. Một bóng đen ở trong bước ra. Khôi cố giương mắt nhìn, nhưng không nhận ra được bóng dáng đích thực của hắn. Bóng đen không giống người thường. Nó có vẻ to lớn, dị hình như một quái vật. Đôi bạn nhìn nhau bủn rủn tưởng như đang trải qua một cơn ác mộng. Một bóng đen nữa lướt trên mặt đất… Khôi nhận ra đó là một bóng chó. Nhưng không phải bóng chó đã dẫn đường cho viên đội thương chánh đã đi qua cửa lều của Khôi Việt trước đây.
Nhận xét ấy làm Khôi quan sát lại bóng dị hình đang đi trước con chó. Quả nhiên bóng đó không phải là viên đội thương chánh vừa rồi.
Chợt một tia sáng thoáng qua trí óc Khôi. Anh bừng tỉnh như vừa đột ngột tìm ra được giải đáp của một bài toán khó. Bóng đen ma quái vừa trong lô-cốt đi ra không phải một người, mà là hai: người nọ vác người kia trên vai! Nhìn kỹ Khôi thấy điều mình vừa khám phá ra quả không sai. Người thứ nhất lom khom, trên cặp giò ngắn; người thứ hai rũ liệt, hai tay buông thõng, đầu lắc lư, toàn thân đè nặng trên vai người kia.
Khôi còn nhận ra điều này, vì phải vác nặng, người kia không có thì giờ quay lại để đóng cửa sắt nặng nề của lô-cốt. Hắn khệnh khạng bước đi, con chó theo sát bên cạnh và biến dần vào lớp sương trắng đục của đêm khuya. Theo rõi bóng hắn trước khi khuất hẳn, Khôi kịp nhận ra kẻ hắn vác trên vai đã ngất xỉu. Ngang lưng người bị ngất có thắt chiếc dây da to bản, thứ dây lưng đeo bao súng của người đội viên thương chánh, anh đã thấy khi ông ta đi ngang trước cửa lều.
Thôi đúng rồi…Đúng là viên đội thương chánh bị gã kia vác đi! Nhưng hắn đem ông ta đi đâu? Và tại sao ông ta lại bị ngất đi như thế? Khôi tự đặt ra bao nhiêu câu hỏi, và nóng muốn biết gã đàn ông kia là ai. Trong đêm tối, gã chỉ là một bóng đen khó lòng nhận ra được…
Việt không có phản ứng gì. Anh ngồi nấp trong bụi cây, yên lặng chờ đợi…
Khôi nhảy ra khỏi bụi, kéo theo bạn ra. Việt khẽ hỏi:
- Cậu tính thế nào?
Khôi sẵn sàng lao mình vào cuộc mạo hiểm, thản nhiên bảo bạn:
- Cậu thấy chưa, tớ đã bảo thế nào chúng mình cũng gặp chuyện lạ mà…
Việt gật đầu, không hào hứng mấy:
- Thấy chứ sao không! Nhưng tớ hỏi cậu định làm gì bây giờ?
- Đi theo bóng đen vừa rồi!
- Điên! Tụi mình sẽ bị lộ ngay. Với lại mình có liên can gì vào vụ này…
- Nhưng còn người đội viên thương chánh, như chúng ta vừa thấy đó, ông ta bị tên kia vác đi, không biết là đi đâu… có lẽ tính mạng ông ta sẽ nguy, họ sẽ tra khảo, thủ tiêu ông ấy không chừng…
Việt thở dài:
- Chúng mình chỉ có hai đứa, làm gì được…
- Mình chỉ cần đừng để chúng tóm được thôi. Sợ gì! Cậu vốn là con người thông minh mà…
Việt cắt ngang:
- Vì thế nên tớ càng không muốn liều mình trong câu chuyện mờ ám này…
Tuy nói thế, song Việt biết không cản nổi ý định của bạn. Khôi dám hành động một mình lắm, nếu Việt thoái thác. Chừng ấy Việt còn bồn chồn áy náy hơn. Nhìn chiếc lô-cốt chợt Việt nảy ra một ý kiến. Anh bảo bạn:
- Hay chúng ta vào dò xét trong lô-cốt?
- Nhỡ đụng nhầm bọn đồng loã của gã kia ở trong ấy thì tụi mình có chầu ăn đòn!
-Tớ chắc trong ấy kkhông còn ai. Nếu có người, mình đã nghe thấy tiếng động.
- Thử nghe ngóng xem sao đã.
Im lặng. Chỉ nghe có tiếng gió lướt nhẹ trên đám cỏ lau… Khôi Việt thận trọng tiến lại gần chiếc lô-cốt. Cả hai đều hiểu sự quan trọng của việc mình làm. Họ tiến tới cửa sổ lô-cốt. Cánh cửa nặng, dầy, vít toàn bằng đinh "bù loong". Sờ soạng trên cánh cửa, Việt rỉ tai bạn:
- Cửa sắt, Khôi ạ.
- Ừ. Cẩn thận nhé. Nó kêu đấy…
- Cái gì kêu?
- Cánh cửa!
Khôi lách tay vào khe cửa, dùng sức đẩy từ từ. Cánh cửa nặng nề hé mở… Một hơi nồng nặc, ngai ngái mùi thuốc lá, mùi rượu, với nhiều hương vị khác nhau thốc vào mặt hai người.
- Đèn đâu Việt?
- Đây. Bật lên à?
- Ừ. Trong này không có người.
Việt ấn nút chiếc đèn bấm. Tia sáng từ tay Việt chiếu lên một vách tường sù sì bằng xi-măng trộn sỏi. Dưới sàn cũng đúc bằng xi-măng nhưng đất bụi phủ đầy. Đây là một thứ phòng hẹp, thực kiên cố và trống rỗng. Việt cầm đèn tiến lên trước. Ánh đèn của anh vấp vào một vật nằm dưới đất. Anh lùi lại kinh hoảng…
Cách Việt vài bước, một xác chó bê bết máu nằm co quắp. Việt lia ánh đèn soi tứ phía. Trên sàn những vết máu lẫn lộn với vết chân người.
Xác chó vẫn nằm bất động. Nó chết rồi.
Việt tiến thêm vài bước nữa. Chiếc đèn run rẩy trong tay Việt, làm tia sáng chiếu lằng nhằng trên vách tường trước mặt. Cả hai cúi xuống xem xét xác con chó. Cổ và ngực nó bị rách nát. Nhiều vết thương cào sâu khắp mình, và ngay mõm nó, Khôi còn nhận thấy những vết nanh rất sâu: cuộc xung đột giữa hai con vật, hẳn là khủng khiếp.
Việt lẩm bẩm:
- Ghê quá! Con chó này gần như bị đối thủ muốn xé xác ăn thịt.
Khôi nói:
- Thôi để nó đấy. Tụi mình ngó quanh một lượt rồi chuồn…
Đôi bạn đưa mắt nhìn. Có chiếc đèn bão dặt ở một góc tường. Chiếc đèn này chắc hẳn vừa được đốt sáng khi nãy trong lô-cốt. Khôi chợt để ý đến một vật dựng gần chiếc đèn. Anh dằng lấy chiếc đèn bấm trên tay Việt chiếu thẳng vào vật ấy. Ánh đèn chiếu sáng một chiếc gậy, thứ gậy bằng cây rắn chắc, nổi cục và nhẵn bóng của những người sơn cước thường dùng. Chiếc gậy này trong tay người miền núi, có thể dùng vào đủ mọi việc: vừa để chống khi leo núi, giết dã thú khi có dịp, hoặc đánh gẫy những bụi cây để dọn quang lối đi v.v…
Việt nhìn theo tay bạn hỏi:
- Cái gì nom như một chiếc gậy…
- Đúng là chiếc gậy… Khôi đáp. Và cậu có biết chiếc gậy này vừa được làm gì không? Để đánh gục viên đội thương chánh đấy…
- Chắc không?
- Chắc, vì rất dễ hiểu: Con chó nằm kia – Khôi chỉ xác chết của con vật – đã đánh hơi thấy gì đó và dẫn người đội thương chánh đến cái lô-cốt này. Đúng lúc ấy thì con chó kia, con mà tụi mình thấy ở đây ra khi nãy nhảy vào cắn xé con này. Chủ nó nấp đâu đấy, liền giáng cho viên đội một gậy khiến ông này chỉ kịp rống lên một tiếng là quị.
Khôi nhắc chiếc gậy soi vào ánh đèn. Cả hai đều thấy trên đầu gậy có dính mấy sợi như sợi tóc.
Khôi xanh mặt lẩm bẩm:
- Bị một cú gậy này vào đầu chắc chết quá.
Nhưng Việt nhận xét:
- Theo tớ thì mấy sợi dính ở đầu gậy không phải tóc người. Vì tóc người dài hơn. Với lại bị cú gậy này phang vào đầu ắt phải phun máu, mà ở ngoài cửa ra vào mình không thấy có vết máu nào ngoài những vết chân.
Khôi gật đầu:
- Cậu có lý, không phải tóc người thật…Như vậy có lẽ là lông của con chó…
Trở lại chỗ xác con chó, Khôi nâng đầu nó lên. Trên trán con vật quả có một vết thương lộ rõ xương sọ…
Trong bầu không khí u uất của lô-cốt, đôi bạn nín lặng vì lo sợ. Việt cố gắng cất tiếng:
- Cậu tính sao bây giờ? Tụi mình đã đoán được phần nào sự việc xảy ra rồi… Vậy còn ở đây làm gì? Chuồn đi thôi…
- Tớ cũng chưa biết phải làm gì, nhưng còn viên đội thương chánh… tớ sợ ông ta bị chúng đem đi thủ tiêu mất…
- Có thể… Mà hai đứa mình làm sao cứu được ông ta…
- Phải tìm cách chứ!
- Cách nào? Rủi mình lọt vào tay họ, thì rồi ai cứu mình đây? Liệu mình có tự thoát được không?
- Dĩ nhiên mình sẽ gặp nhiều bất trắc, nguy hiểm. Nhưng trước một sinh mạng đang lâm nguy mà mình bỏ mặc, thử hỏi lương tâm mình có để yên cho mình không? Việt ạ, cậu có lý một phần nào khi không muốn liên can vào vụ này, nhưng bây giờ trót rồi, mình đành phải tìm cách nào cứu cho được người bị lâm nạn. Như thế lương tâm mình mới khỏi cắn rứt…
Việt đáp:
- Được rồi, tớ bằng lòng theo cậu…
Khôi hài lòng, thân mật vỗ lên vai bạn. Trước mối nguy hiểm phải đương đầu họ đều sát cánh bên nhau.
Khôi bàn:
- Trước hết, mình hãy xem kỹ ở đây đã…
Ánh đèn quét một vòng lên bốn vách tường… và bỗng mất hút vào một ngách hẹp. Khôi, Việt lần mò tới đó. Cửa ngách rất thấp phải cúi mình mới lách mình vào được. Ngách này thông sang một buồng khác chật hơn. Mùi thuốc lá lẫn những mùi lạ khác hoà thành một mùi nồng nặc khó tả. Khôi chiếu ngược ánh đèn. Sát vách tường, những bao vải, những thùng gỗ chồng chất lên nhau, cao sát tới trần.
Khôi khẽ reo:
- Trời toàn hàng lậu… Kho hàng này chắc bộn của đấy Việt ạ.
Việt sờ vào một bao bằng gai toan tìm cách mở xem. Khôi vôi ngăn lại:
- Đừng! Mình không nên để lại dấu vết gì ở đây cả. Nếu cậu mở ra rồi buộc lại không đúng như họ đã buộc, tất họ sẽ nghi ngờ và rồi cuộc dò xét của mình sẽ khó khăn hơn.
Việt gật đầu tán thành. Khôi tiếp:
- Với lại, những thứ hàng lậu này sẽ là "món bở" của nha thương chánh. Không rõ họ đã khám phá ra chưa…Chắc là chưa… Nếu không họ đã tịch thu hết rồi…
Chợt Việt reo lên:
- Ồ, coi này Khôi, chiếu đèn lại đây xem…
- Gì thế?
- Tớ vừa thấy cái này… bỏ dưới đất. Sờ thử hãy còn ẩm.
Dưới ánh đèn bấm, hai anh em thấy một chiếc đai căng phồng hai túi vải. Chất vải gai còn ướt sũng sương đêm.
Khôi nói:
- Tớ ngửi thấy toàn mùi y dược cậu ạ…
- Ừ, mùi thuốc tây. Hai túi này mới đem tới đây tối nay thôi -- Việt vỗ tay vào trán – À, thôi tớ hiểu rồi… con chó… Họ đã buộc cái đai đựng đầy thuốc này ngang lưng con chó, và chính nó chuyển vận vào đây…
- Xuỵt, im…
Khôi bật người lên nghe ngóng:
- Có người đến!
Đôi bạn bỗng cuống cuồng như hai con chuột bị mắc trong rọ.
Khôi thở vào tai bạn:
- Tắt đèn đi.
Việt lúng túng không sao điều khiển được chiếc nút hãm.
Khôi dục:
- Đã bảo tắt đèn đi mà!
Có tiếng động chân nhịp bước ở bên ngoài, đang tiến lại gần lô-cốt.
Việt càng luống cuống hơn:
- Tớ tắt không được. Đây, cậu tắt đi vậy…
Tia đèn bấm vạch lung tung trên trần, xuống đất, nhảy múa điên dại một hồi rồi mới chịu tắt. Căn phòng hẹp tối như bưng.
Trong tối, tiếng động chân nghe càng rõ. Đôi bạn nhận ra được tiếng chân đang lê bước trên con đường mòn, lối đi vào lô-cốt.
Khôi dục bạn:
- Kiếm chỗ nấp mau.
Vừa nói anh vừa nhìn vào khoảng tối mịt mùng. Nhưng bóng tối ở đây không giúp ích gì được, chỉ một đốm lửa loé lên là hai anh em sẽ lộ hình tích. Khôi đặt tay vào những bao hàng chồng chất bên góc tường. Anh thầm reo:
- Thoát rồi.
Và anh bảo Việt:
- Trèo lên! Trèo lên mau!
Việt bấu chặt tay vào các bao hàng cố gắng dướn người lên. Khôi đẩy phía dưới, chợt nghe Việt kêu:
- Ối!
- Xuỵt, gì thế?
- Tớ cụng đầu vô trần!
- Nằm xuống đi, và đưa tay kéo tớ lên.
Leo lên được rồi, cả hai nằm nép giữa những bao hàng. Cơn hoảng hốt của họ tan dần, vì nấp sau các bao hàng họ thấy yên tâm được phần nào.
Vừa lúc ấy chiếc cửa sắt rền rĩ trên bản lề, rồi có tiếng chân bước vào… một que diêm được quẹt lên… Tiếp đến những tiếng va chạm lỉnh kỉnh.
Khôi ló đầu nhìn xuống, chiếc đèn bão vừa được người mới vào thắp sáng. Bóng hắn hiện ra trong ánh đèn leo lét. Khôi không thể thấy gì hơn ngoài cái bóng của hắn, của một gã đàn ông. Anh muốn rời chỗ nấp để được thấy rõ hắn hơn nhưng chỉ mới hơi nhổm mình anh đã bị Việt ấn xuống. Gã cúi xuống nắm lấy chân con chó kéo ra cửa. Xác chó chắc cũng khá nặng, nên bóng hắn bật ngửa ra đằng sau và tiếng kéo lê nghe lệt sệt. Mấy phút sau hắn lại trở vào, tay xách một sô nước. Hắn lùi sát vào cuối phòng rồi hắt mạnh sô nước xuống sàn. Nước bắn tung toé cuốn hết những vết lông vết máu ra cửa.
Làm xong công việc ấy hắn có vẻ hài lòng và không buồn nhìn lại chung quanh, hắn xách sô, xách đèn đi ra.
Nằm bên trong, Khôi Việt nghe tiếng chiếc cửa sắt đóng ập lại và tiếng khoá xoay ngoài ổ.
Khôi thở ra nhẹ nhõm. Nhưng Việt, Việt bỗng rên bên tai bạn:
- Chết cha! Tụi mình bị nhốt trong này rồi!!...
Bên Đường Biên Giới Bên Đường Biên Giới - Nguyễn Trường Sơn Bên Đường Biên Giới