God be thanked for books! they are the voices of the distant and the dead, and make us heirs of the spiritual life of past ages.

W.E. Channing

 
 
 
 
 
Tác giả: Danielle Steel
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Văn Hòa
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Tran Hieu Phong
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1371 / 30
Cập nhật: 2017-04-04 13:31:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ọ đến Portofino lúc bốn giờ chiều, khi các cửa hàng vừa mở cửa lại sau bữa trưa. Họ phải thả neo ngoài cảng, vì nước trong cảng cạn. Adam, Gray, Charlie sau khi thức dậy liền bơi lội một lúc. Đến sáu giờ, một số du thuyền lớn khác vào cảng, không khí lễ hội diễn ra quanh họ. Nắng chiều vàng nhạt, đẹp rực rơ. Đến giờ ăn tối, không ai muốn rời khỏi thuyền, nhưng họ nghĩ không thể không đi. Họ vui vẻ, thoải mái trước khung cảnh trước mắt, thức ăn trên du thuyền của Charlie rất ngon lành và các tiệm ăn trong thành phố cũng rất tuyệt. Tất cả mọi sinh hoạt đều tập trung ở bến cẳng, ở vùng phụ cận và các vách núi, nhìn xuống các thuyền bè đẹp lộng lẫy. Giáo đường San Giorgio và khách sạn Splendido nằm trên đỉnh các ngọn đồi riêng biệt ở hai bên cảng.
- Lạy Chúa, tôi khoái ở đây quá! - Adam nói. Anh cười sung sướng, nhìn những hoạt động đang diễn ra chung quanh anh. Một nhóm phụ nữ mặc đồ tắm sơ sài từ chiếc thuyền bên cạnh nhảy xuống nước. Gray lấy tập giấy ra vẽ, còn Charlie ngồi trên boong hút thuốc, nhìn quanh sung sướng. Đây là bến cảng trên đất Ý mà chàng thích nhất, chàng sung sướng ở lại đây lâu chừng nào họ muốn. Chàng không vội đi chỗ khác. Chàng thích cảng này nhất, hơn cả những cảng ở Pháp. Đây là nơi dễ tránh các phóng viên nhiếp ảnh hơn ở St. Tropez, và là nơi đi giữa đám đông thoải mái trong thành phố. Ở đây có thể vào ra các phòng trà ca nhạc, các quán rượu một cách dễ dàng. Vùng quanh Portofino có nhiều nơi tham quan, nhiều khung cảnh tươi vui, xinh đẹp điển hình cho nước Ý. Charlie thích nơi đây, cũng như hai bạn của chàng.
Ba người mặc quần jeans, áo thun khi đi ăn tối trong thành phố. Họ đã giữ trước bàn ăn ở một quán ăn tươm tất gần quãng trường. Trong những năm trước, họ đã đến ăn ở đây nhiều lần. Khi họ đi vào, các tiếp viên nhận ra họ ngay và biết rất rõ chiếc Blue Moon. Các tiếp viên dành cho ba người chiếc bàn ngoài trời, để họ có thể nhìn người qua lại. Họ gọi mì sợi, hải sản và một chai vang Ý hảo hạng. Gray đang nói về lối kiến trúc địa phương thì một giọng nữ từ bàn bên cạnh nhẹ nhàng lên tiếng cắt ngang lời ông:
- Thế kỷ mười hai. - Bà ta nói để đính chính lời ông. Ông nói với các bạn rằng tòa lâu đài Castello ở San Giorgio đã được xây cất vào thế kỷ mười bốn, nên khi nghe tiếng cải chính, ông liền quay qua nhìn người nói là ai. Người nói là một phụ nữ cao, có vẻ kỳ lạ đang ngồi ở bàn bên cạnh. Bà mặc áo thun đỏ, đi xăng đan, mặc váy dài rộng bằng vải trắng. Tóc bà đen, thắt chân rết rất dài thả xuống phía sau. Mắt bà màu lục và nước da màu kem. Khi ông nhìn bà, bà cười lại - Xin lỗi, - Bà nói, - tôi có vẻ thô lỗ khi nói thế. Nhưng tôi biết chắc lâu đài này xây vào thế kỷ mười hai, chứ không phải mười bốn. Tôi đồng ý với ông, đấy là kiến trúc rất đẹp của Ý, và nếu ai hỏi ý kiến tôi, tôi xin nói đấy là kiến trúc đẹp nhất châu Âu. Lâu đài đã được tân trang vào thế kỷ mười sáu, nhưng xây dựng từ đầu thế kỷ mười hai. - Bà lặp lại và cười thật tươi - Nhà thờ ở San Giorgio cũng được xây thế kỷ mười hai. - Bà nhìn sơn vấy bẩn trên áo ông, liền nghĩ ông là họa sĩ. Bà đã cải chính thông tin về thời gian xây lâu đài, nhưng không có vẻ gì là cao ngạo, huyênh hoang, và xin lỗi vui vẻ vì đã xen vào câu chuyện của những người ngồi bên cạnh.
- Bà là nhà sử học về nghệ thuật à? - Gray hỏi, vẻ hiếu kỳ. Trông bà ta rất hấp dẫn, nhưng không còn trẻ, không hội đủ các tiêu chuẩn của Charlie hay của Gray. Bà có vẻ quãng 45 tuổi, có thể trẻ hơn một chút, đang ngồi cùng bàn với nhiều người châu Âu, họ đang nói tiếng Ý và tiếng Pháp. Bà nói thông thạo hai thứ tiếng đó với họ.
- Không - Bà ta đáp - Tôi chỉ là người kinh doanh về nghệ thuật, hằng năm thường đến đây có việc. Tôi có phòng trưng bày ở New York. - Gray nhìn kỹ và nhận ra bà ta. Bà là Sylvia Reynolds, nổi tiếng trong giới kinh doanh nghệ thuật ở New York. Bà đã giới thiệu với công chúng một số họa sĩ đương đại, bây giờ số này đã có tiếng tăm. Hầu hết những tác phẩm bà bán là những tác phẩm đi tiên phong, rất khác với các tác phẩm của Gray. Trước đây ông chưa gặp bà, nhưng đã đọc nhiều bài viết về bà, nên bây giờ gặp bà ông rất ấn tượng. Bà nhìn ông, nhìn hai người bạn của ông, rồi cười thân ái. Bà có vẻ tràn đầy sức sống, vui vẻ, yêu đời. Bà đeo rất nhiều vòng tay màu bạc và ngọc lam, nhìn cách trang sức của bà, người ta biết bà là người rất hợp thời - Ông là họa sĩ phải không? Hay do ông sơn nhà mà vấy sơn lên áo? - Bà ta e ngại hỏi.
- Có lẽ cả hai. - Gray cười đáp, và đưa tay bắt - Tôi là Gray Hawk. - Ông giới thiệu những người khác, bà cười vui vẻ với họ rồi quay lại với Gray. Nghe tên ông; bà nhớ ngay.
- Tôi thích tác phẩm của ông - Bà nói, giọng tán dương chân thành - Tôi xin lỗi vì đã cắt ngang lời ông. Ông ở tại khách sạn splendido phải không? - Bà hỏi, tạm thời bà lơ bạn bè ngồi cùng. Trong số người đi cùng bà có nhiều phụ nữ rất hấp dẫn, và một số đàn ông dễ mến. Có một cô gái đang nói chuyện bằng tiếng Pháp với người đàn ông ngồi bên cạnh. Khi họ mới ngồi vào bàn, Adam đã chú ý đến cô gái này, anh không biết người đàn ông ngồi bên cạnh là chồng hay bố cô ta. Cô ta có vẻ đủ điều kiện so với chỉ tiêu của anh, hai người này trong nhóm rõ ràng là người Pháp. Sylvia có vẻ là người Mỹ duy nhất trong nhóm, và bà ta không có vẻ gì bận tâm về điều đó. Bà hình như nói thông thạo cả ba thứ tiếng Pháp, Ý và Anh.
- Không, chúng tôi ở trên du thuyền. - Gray đáp.
- Ông quá may mắn. Chắc là một trong những chiếc thuyền lớn phải không? - Bà nói, giọng trêu chọc. Thực ra bà không có ý gì xấu, và mới đầu Gray không đáp, ông chỉ gật đầu. Ông nghĩ rằng bà nói đùa cho vui và ông không muốn phô trương. Bà có vẻ dễ thương, mặc dù bà là người có tiếng tăm, thành công trong nghề, nhưng bà không có vẻ khoe khoang.
- Thực ra, chúng tôi chèo thuyền từ Pháp đến, và tối nay chúng tôi sẽ căng lều trên bãi biển để ngủ - Charlie nói khôi hài một cách dễ thương, còn Sylvia cười - Bạn tôi xấu hổ không nói cho bà biết đấy thôi. Chúng tôi cố vét túi để ăn tối, nhưng không có đủ tiền để ngủ khách sạn. Chuyện ở trên thuyền chắc gây ấn tượng mạnh cho bà. Khi nào gặp phụ nữ đẹp, anh ấy thường nới dối thế đấy. - Bà cười với chàng, và những người khác cười theo.
- Trong trường hợp này, tôi là người được khen. Tôi nghĩ có những nơi cắm trại tệ hơn Portofino này. Có phải ba người cùng đi với nhau không? - Bà hỏi Charlie, thấy tò mò trước ba người đàn ông đẹp trai, phong độ. Gray đúng là họa sĩ, với Adam, bà nghĩ anh giống như diễn viên, còn Charlie giống như chủ ngân hàng vậy. Bà thích đoán người ta làm gì. Bà đã đoán không sai sự thật mấy. Trông Adam có nét của một diễn viên, Charlie có vẻ cực kỳ đứng đắn, dù chàng mặc áo thun, quần jeans và đi giày đế mềm Hermès không mang tất. Bà thấy ba người này không giống những tay chơi bời trác táng. Họ có dáng dấp chứng tỏ mình là những người đáng quý trong xã hội. Bà thấy Gray dễ gần nhất, vì ông là người mở đầu câu chuyện. Bà lắng nghe câu chuyện họ nói với nhau, và thích những gì họ nói về kiến trúc và nghệ thuật địa ở đây. Ngoài sai sót về niên đại xây cất lâu đài, còn lại những gì ông nói đều chính xác, hấp dẫn. Rõ ràng ông biết nhiều về nghệ thuật.
Những người đi ăn tối với bà trả tiền và chuẩn bị ra về, cả nhóm đứng dậy. Sylvia đứng lên theo họ, khi bà ra khỏi bàn, những người bạn Mỹ mới của bà nhận thấy cặp chân của bà rất đẹp. Rồi ba người bạn nhìn vào đám người đã ngồi cùng bàn với bà, Sylvia bèn lịch sự giới thiệu họ với nhau như thể bà đã biết Gray và các bạn của ông từ lâu.
- Bà về khách sạn à? - Adam hỏi Sylvia. Cô gái người Pháp nhìn anh, anh nghĩ người đàn ông nói chuyện với cô là bố, vì cô ta có vẻ để ý tới Adam.
- Chúng tôi đi bộ chơi một vòng rồi mới về. Rủi thay là các gian hàng mở cửa đến 11 giờ thôi. Hàng năm khi tôi đến đây, tôi tốn tiền mua sắm quá nhiều. Tôi không thể nhịn không mua được. - Sylvia đáp.
- Lát nữa mời bà uống một ly cho vui được không? - Gray hỏi, ông đã lấy hết can đảm để nói. Ông không chạy theo bà, nhưng ông thích có người bạn mới như bà. Bà cởi mở, nhiệt tình và ông muốn nói chuyện với bà về nghệ thuật.
- Tại sao các anh không đến khách sạn Splendido? - Bà đề nghi - Chúng tôi sẽ ngồi ở quầy rượu chơi đến nửa đêm.
- Chúng tôi sẽ đến đấy. - Charles đáp. Sau đó Sylvia đi nhanh cho kịp nhóm bạn.
- Mê rồi! - Adam nói khi bà đã đi xa không nghe được. Gray lắc đầu.
- Tôi không nghĩ vậy. Bà ấy chỉ thích nói chuyện về nghệ thuật. - Gray đính chính. Adam lắc đầu.
- Không phải anh mê... mà tôi mê. Anh không thấy cô gái Pháp ngồi ở bàn bên kia à? Cô ta đi với ông già ngớ ngẩn mà lúc đầu tôi tưởng là chồng cô ta, nhưng bây giờ lại nghĩ không phải. Cô ta nhìn tôi với cặp mắt nảy lửa.
- Ôi lạy Chúa! - Gray thốt lên, tròn xoe mắt - Tối qua anh mới vui vẻ xong nên bị họ ám ảnh rồi!
- Phải, đúng thế. Cô ta rất đẹp.
- Sylvia Reynolds à? - Gray ngạc nhiên hỏi, bà ta không thuộc loại người mà Adam thích. Bà ta lớn gấp đôi tuổi những người mà anh thường cặp. Bà hợp với Gray hơn, nhưng ông không quan tâm đến chuyện tình cảm, mà chỉ muốn nói chuyện với bà về nghệ thuật. Bà là người có danh tiếng trong giới nghệ thuật ở New York. Charlie mới đầu nói chàng không nhận ra bà, nhưng bây giờ thì đã biết bà là ai.
- Không, cô trẻ kia - Adam chỉnh lại - Cô ta thật đẹp, giống như vũ công ba lê, nhưng ở châu Âu thật khó nói. Một lần tôi gặp một cô gái đẹp, dễ thương, hóa ra cô ta là sinh viên y khoa, sinh viên luật hay gì gì đó.
- Này, anh phải có thái độ nghiêm túc đấy nhé. Có thể cô ta là con gái của Sylvia, anh phải coi chừng - Nhưng chuyện này vẫn không ngăn chặn được Adam. Khi gặp phụ nữ, anh không sợ điều gì, nghĩa là không có lương tâm hay cảm thấy hối hận gì hết. Anh nghĩ mọi người đều là đối tượng để anh vui đùa, trừ phi họ có gia đình. Anh đã vạch đường ranh giới rõ ràng, không bao giờ vượt qua đường ranh giới đó.
Như mọi người trong hải cảng nhỏ, sau bữa ăn tối họ đi quanh quãng trường và các gian hàng, đến gần nửa đêm, họ mới từ hải cảng đi lên khách sạn. Như Sylvia đã nói trước, cả nhóm của bà đang ngồi nơi quầy rượu. Họ cười, nói chuyện, hút thuốc và khi thấy ba người đàn ông đi vào, bà vẫy tay chào, cười sung sướng. Bà lại giới thiệu các bạn của mình và Adam thấy cái ghế bên cạnh cô gái trẻ đẹp trống, anh hỏi mình có thể ngồi vào đó được không. Cô ta cười, chỉ tay mời anh. Cô ta nói với anh bằng tiếng Anh rất giỏi, nhưng anh thấy có giọng Pháp trong đó. Sylvia nói với Adam rằng cô ta là cháu gái bà. Charlie ngồi giữa hai người đàn ông, một là người Ý và một là người Pháp. Sau đó, họ bàn về cính trị ở Mỹ và tình hình Trung Đông. Đây là chuyện thời thượng ở châu Âu, họ đi thẳng vào vấn đề, không úp mở, người nào cũng bày tỏ ý kiến của mình rất hăng say. Charlie thích những câu như thế này, còn Gray và Sylvia nói về nghệ thuật. Thì ra bà đã học kiến trúc, sống ở Paris hai mươi năm. Bà kết hôn với một người Pháp, nhưng họ ly dị mười năm rồi.
- Khi chúng tôi ly dị, tôi không biết làm gì, không biết ở đâu. Ông ấy là họa sĩ và tôi nghèo rớt mồng tơi. Tôi muốn về nhà, nhưng nhận ra mình không có nhà để về. Tôi lớn lên ở Cleveland, khi ấy bố mẹ tôi đều đã qua đời, và tôi không sống ở đấy từ khi học trung học, cho nên tôi đem hai con về New York. Tôi xin việc làm tại phòng trưng bày nghệ thuật ở SoHo, rồi đến khi có điều kiện, tôi mở phòng trưng bày với ít tiền, đơn sơ và tôi rất ngạc nhiên khi thấy phòng trưng bày có kết quả tốt đẹp. Từ ngày ấy đến nay đã mười năm, tôi vẫn quản lý phòng trưng bày ở đấy. Con gái tôi học ở Florence, con trai đang học cao học ở Oxford. Bây giờ tôi tự hỏi không biết công việc của tôi ở New York ra sao - Bà thở mạnh rồi cười với ông - Kể cho tôi nghe công việc của ông đi.
Ông kể cho bà nghe công việc của mình trong mười năm qua và những động cơ thúc đẩy ông làm việc. Khi ông nói với bà về sự ảnh hưởng của đời sống lên tác phẩm, bà hiểu rõ ý đồ sáng tác của ông. Bà thấy ý đồ ấy rất ý nghĩa, nhưng tác phẩm của ông không phải loại tác phẩm mà bà thường trưng bày. Tuy nhiên, bà rất kính trọng và khâm phục tài năng của ông. Bà đã được xem các tác phẩm của ông từ nhiều năm trước. Ông nói hiện giờ ông đã thay đổi bút pháp rất nhiều, nhưng bà vẫn rất ấn tượng về những tác phẩm trước đây của ông. Họ phát hiện ra rằng khi ông làm việc ở Paris, hai người chỉ sống cách nhau mấy khu phố. Bà nói một cách thản nhiên rằng bà đã 49 tuổi, mặc dù bề ngoài trông bà như mới 42. Bà có vẻ rất thân mật và là người sống tình cảm. Bà không có vẻ là người Mỹ, hay là người Pháp, nhưng với mái tóc chải ra sau và cặp mắt xanh lục, to, trông bà rất giống như người ngoại quốc. Bà có phong thái rất tự nhiên, thoải mái của người có tiếng tăm. Bà thích vẽ, nhưng nói rằng mình vẽ không đẹp. Bà chỉ vẽ cho vui thôi. Bà rất yêu nghệ thuật và kính trọng sâu sắc người làm nghệ thuật.
Họ ngồi với nhau đến gần ba giờ sáng, sau đó ba người ở trên du thuyền Blue Moon mới đứng dậy.
- Chúng tôi phải về. - Charlie nói. Mọi người đã hưởng một đêm vui vẻ. Chàng nói chuyện với những người đàn ông khác nhiều giờ. Gray và Sylvia mải miết nói chuyện cả đêm, còn Adam thì, mặc dù cô cháu của Sylvia xinh đẹp nhưng anh lại quay qua say sưa nói chuyện với một luật sư ở Rome. Anh bàn luận về luật với ông ta hăng hái đến nỗi quên cả chuyện ve vãn cô cháu của Sylvia. Buổi tối rất vui và mọi người đều sôi nổi, nhưng các vị ở du thuyền đành phải đứng dậy để chào khách ra về.
- Ngày mai mời quý vị đến du thuyền chơi. Quý vị thấy thế nào ạ? - Charlie mời và mọi người cười, gật đầu.
- Tất cả chúng ta lên chiếc thuyền chèo, có đủ chỗ không? - Sylvia đùa - Chắc chúng ta phải thay phiên nhau mà lên.
- Ngày mai tôi sẽ nghĩ ra cách để tất cả lên thuyền một lần, - Charlie đáp - chúng tôi sẽ đón quý vị ở hải cảng lúc 11 giờ. - Chàng viết số điện thoại trên thuyền đưa cho Sylvia, phòng khi có chuyện gì thay đổi. Mấy phút sau, những người mới quen chia tay nhau, ba người đàn ông đi bộ xuống đồi, đến chiếc tàu nhỏ đợi họ ở cảng, lòng họ hả hê vui sướng. Họ thích đi chơi với nhau như thế này. Họ đã đến những nơi vui vẻ, đã gặp những người đáng mến. Họ đồng ý với nhau rằng buổi tối nay nói chuyện với nhóm bạn mới gặp là một trong những tối vui nhất của họ.
- Sylvia quả là một người tuyệt vời. - Gray lên tiếng, và Adam cười.
- Này, tôi nghĩ anh không mê bà ấy. - Adam nói. Chiếc tàu nhỏ đang đợi họ ở bến cảng, có hai thủy thủ đứng bên cạnh tàu. Khi nào Charlie và các bạn đi du thuyền, họ phải túc trực luôn để phục vụ.
- Tại sao anh nghĩ tôi không mê bà ta? - Gray hỏi, vẻ thích thú - Thực vậy, tôi không mê, nhưng tôi thích suy nghĩ của bà ấy. Tôi rất thích nói chuyện với bà ấy. Sylvia rất thành thật, mẫn cảm về không khí nghệ thuật ở New York. Bà ấy là kiểu người nhạy cảm, hiểu biết rộng.
- Tôi biết. Tôi thấy rõ điều ấy trong khi anh nói chuyện với bà ta. Và tôi biết anh không mê bà ta, vì bà ta không phải người điên. Trông bà ta bình thường như mọi người. Không ai hăm dọa bà ta, bà ta cũng không có vẻ như đã bị ai đấy lạm dụng, phải dùng thuốc trị bệnh thần kinh rối loạn. Tôi nghĩ anh có cơ hội để gặp được người đang rối loạn tâm thần Gray à. - Adam đùa. Sylvia không có gì giống như người phụ nữ mà Gray thường gắn bó với họ. Bà hoàn toàn tỉnh táo, sống lành mạnh và rất nghị lực.
Charlie thản nhiên nói:
- Anh hãy nhớ là có nhiều chuyện kỳ diệu xảy ra ở Portofino vì đây là nơi lãng mạn.
- Không lãng mạn như thế đâu, - Adam đáp lại - trừ phi ngày mai bà ta nổi điên lúc 11 giờ.
- Tôi nghĩ anh ấy đúng. - Gray nói, giọng thành thật.
- Tôi có tật hay thương những người phụ nữ cần giúp đỡ. Khi chồng bà ấy bỏ bà để theo người khác, bà dẫn con về New York không một đồng xu dính túi. Hai năm sau, bà ấy điều hành một phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và bây giờ nó là một trong những phòng trưng bày thành công nhất ở New York. Phụ nữ như bà ấy không cần được cứu giúp. - Ông biết rõ như thế, và các bạn ông cũng vậy, nhưng Charlie vẫn hy vọng.
- Trường hợp như yậy có thể thay đổi một cách đáng mừng. - Charlie nói rồi cười với ông.
- Tôi muốn làm bạn với bà ấy hơn. - Gray đáp - Tình bạn thường kéo dài lâu hơn. - Charlie và Adam đều đồng ý như vậy. Họ về đến thuyền, chúc nhau ngủ ngon rồi ai về phòng nấy. Họ đã hưởng một đêm tuyệt vời.
Sáng hôm sau, khi ba người bạn vừa ăn sáng xong, cả nhóm bạn mới đều lên thuyền. Charlie đưa họ đi thăm chiếc du thuyền một vòng, sau đó thuyền nổ máy chạy ra khơi. Tất cả đều rất ấn tượng. Chiếc du thuyền rất tuyệt.
Khi Sylvia uống Bloody Marys mới khui với Gray, bà cười nói với ông:
- Charlie cho tôi biết mỗi năm các anh đều đi du lịch với nhau một tháng. Thật là một điều tuyệt vời.
Gray nghĩ rằng nói chuyện với Sylvia rất vui, nên ông muốn tỉnh táo. Không ai trong số họ có máu nghiện rượu, nhưng khi họ đi trên thuyền, vì quá vui nên thường uống nhiều, như trẻ vị thành niên trốn khỏi bố mẹ đi chơi vậy. Nói chuyện với Sylvia, ông phải tỏ ra mình là người lớn, chững chạc. Bà là người thông minh, sắc sảo, nên công việc trên hết mà ông phải thực hiện, là không để mình say khi nói chuyện với bà. Khi thuyền đã ngừng lại và thả neo ngoài khơi, hai người say sưa nói về nghệ thuật vẽ tranh trên tường ở Ý.
Sau đó mọi người đều mặc đồ tắm, nhảy xuống nước. Họ bơi lội vui đùa như trẻ con, hai người bạn của Sylvia trượt nước, Gray thấy Adam ngồi trên canô kéo ván trượt với cô cháu của Sylvia ở phía sau anh.
Họ bơi lội, vui chơi cho đến gần hai giờ chiều, sau đó nhân viên trên thuyền dọn bữa ăn gồm hải sản và mì sợi trông rất ngon lành cho họ. Họ ăn và uống rượu vang Ý. Đến bốn giờ, họ vẫn còn ngồi nói chuyện hăng hái. Adam buộc lòng phải lịch sự với cháu của Sylvia, vì cô ta đang học khóa học chính trị ở Paris, và có kế hoạch sẽ theo học thạc sĩ. Giống như dì mình, cô ta không phải loại người vui chơi hời hợt. Bố cô ta là Bộ trưởng văn hóa, còn mẹ là bác sĩ phẫu thuật ngực. Cả hai anh trai là bác sĩ, cô nói năm thứ tiếng và tính sẽ học luật sau khi đã lấy bằng thạc sĩ về chính trị. Cô ta định theo nghề chính trị. Cô không phải là loại người muốn anh trả tiền cho các đồ cấy ghép trong cơ thế. Cô muốn nói chuyện lịch sự với anh, cho nên Adam kinh ngạc vô cùng. Anh không quen với những phụ nữ bằng tuổi cô mà thẳng thắn, nghiêm túc, luôn luôn nói về chuyện học hành. Charlie cười anh khi chàng đi ngang qua họ: cô đang bàn thảo về thị trường tiền tệ ngoại quốc, Adam có vẻ căng thẳng. Sau đó, anh thú nhận rằng cô ta đã làm cho anh nhiều lúc muốn đứng tim. Mặc dù tuổi còn nhỏ, nhưng anh không địch nổi với cô.
Sylvia và Gray thảo luận về nghệ thuật suốt cả buổi chiều, và họ tỏ ra rất sung sướng. Họ thảo luận từ giai đoạn lịch sử này đến giai đoạn khác, họ cho rằng chính trị và nghệ thuật luôn song hành nhau. Charlie nhìn họ với vẻ sung sướng, chàng dặn nhân viên trên thuyền phải làm cho họ cảm thấy ở đây như ở nhà mình. Khách của chàng có đủ thứ cần dùng.
Ngày hôm đó quá đẹp, đến nỗi họ quyết định ở lại ăn tối trên thuyền khi được Charlie mời. Đến gần 12 giờ khuya họ mới cho thuyền nổ máy chạy từ từ vào cảng. Trên đường về, họ dừng lại tắm, bơi lội dưới ánh trăng một lát. Khi ấy, Gray và Sylvia ngừng nói chuyện về nghệ thuật, cùng tắm cho vui. Bà bơi rất giỏi, có vẻ là một người đa năng, nghệ thuật cũng giỏi mà vận động viên cũng cừ, Gray chưa bao giờ gặp phụ nữ nào như bà. Khi họ bơi về thuyền, bỗng ông ước ao thể xác mình mạnh khỏe hơn thế này. Ông thường không nghĩ nhiều đến sức vóc. Khi họ về đến thuyền, bà rất tự nhiên, không thở gấp vì mệt. Với tuổi bà mà mặc bikini trông vẫn còn hấp dẫn, nhưng bà không khêu gợi ông, khác với cô cháu gái, cô ta ve vãn Adam rất ác liệt. Dì cô không có ý kiến gì, vì bà nghĩ rằng cháu mình là người lớn, có thể tự do muốn làm gì thì làm. Sylvia không phải người có thói quen điều khiển cuộc sống của người khác. Cháu bà tự mình lo liệu lấy đời mình.
Trước khi họ ra về; Sylvia hỏi Gray sáng mai có đi đến San Giorgio với bà được không. Trước đây bà thường đến đấy, vì cứ thích xem lại mãi. Bà nói mỗi lần đến đấy là bà phát hiện có điều mới lạ. Ông nhận lời ngay, hẹn gặp bà ở cảng. Bà không có gì ngại ngùng khi mời ông, vì đây là mối liên kết giữa hai người yêu nghệ thuật với nhau. Bà nói ngày kia họ sẽ ra về, nên Gray mừng vì có cơ hội gặp lại bà.
Sau khi nhóm người về, Charlie nói với Adam và Gray:
- Họ dễ thương quá. - Hai bạn chàng cũng đồng ý. Ngày hôm nay trôi qua rất tuyệt vời. Họ cùng bơi lội ăn uống vui vẻ - Tôi nhận thấy cô cháu của Sylvia không tham gia vui chơi buổi tối. Có phải anh đã giữ độc quyền cô ta rồi phải không? - Charlie trêu anh. Adam có vẻ buồn rầu.
- Tôi nghĩ mình không đủ sức để giữ riêng cô ấy. Cô ấy biến việc học của tôi ở Harvard thành kiến thức ở trung học. Tôi cảm thấy mình ngu ngơ trước cô ấy. Tôi quên đặt cho cô biệt hiệu là gì, và khi nghĩ đến chuyện đó, tôi quá mệt mỏi. Cô đã vượt xa hẳn những người tôi quen biết. Có lẽ cô ta nên cặp bồ với một trong những vị giáo sư luật ở Harard của tôi, chứ không nên cặp kè với tôi. - Buồn cười thay là cô ta nhắc anh nhớ đến Rachel khi họ còn trẻ, khi ấy chị cực kỳ thông minh, tốt nghiệp trường luật ở Harvard, và việc này làm cho anh sợ. Anh quyết định không theo đuổi cô ta nữa, vì cảm thấy việc theo đuổi cô quá mệt, cô hỏi anh nhiều việc quá, và anh đã quên từ lâu phân nửa điều mà cô hỏi. Cô ta thi tài về mặt trí óc với anh cả ngày lẫn đêm, anh thích việc ấy, thấy đây là cơ hội thử thách cho anh, nhưng cuối cùng anh cảm thấy mệt mỏi, già nua, nên không muốn làm việc ấy nữa. Mua cho các cô đồ cấy ghép cơ thể và sửa mũi mới cho họ dễ dàng hơn là vật lộn với trí óc của họ. Việc này làm cho anh cảm thấy mình thấp kém cô ta, khiến anh thấy mình sa sút, và điều này không phải là loại thuốc kích dục cho anh. Anh không như Gray, ông thích đàm đạo với dì cô ta, cảm thấy được trau dồi thêm kiến thức, học hỏi thêm nhiều điều mới lạ nơi bà. Sylvia hiểu biết rộng về nhiều vấn đề, nhưng nghệ thuật là chính, bà rất đam mê nghệ thuật, cũng như ông vậy. Nhưng Gray không muốn làm tình với bà, mặc dù ông thấy bà đẹp và hấp dẫn. Ông chỉ muốn tìm hiểu bà nhiều hơn, chỉ muốn nói chuyện với bà, lâu bao nhiêu cũng được. Ông sung sướng vì họ đã gặp nhau.
Ba người bạn chia sẻ ly rượu vang cuối cùng trên boong, rồi hút xì gà và về phòng. Họ sung sướng thoải mái sau một ngày vui thú trên du thuyền. Họ không có kế hoạch ngày mai, nên Adam và Charlie nói mình sẽ ngủ dậy trễ. Gray nôn nao muốn gặp lại Sylvia để đi thăm nhà thờ. Khi họ đi xuống phòng mình, ông đã nói cho Charlie nghe việc này, chàng tỏ ra rất thích thú. Chàng biết Gray sống đơn độc, nên chàng nghĩ rằng Sylvia sẽ là người bạn tốt cho ông và là người có ích cho ông về mặt kiến thức. Ông đã phấn đấu nhiều với hội họa, nên Charlie hy vọng đây là dịp may cho ông, hy vọng Sylvia sẽ giới thiệu ông với giới am hiểu nghệ thuật ở New York. Có thể bà không đi đến hôn nhân với ông, hay là người làm cho ông mê mẩn, nhưng biết đâu bà sẽ là người bạn tuyệt vời của ông. Ông thích nói chuyện với bà. Bà có văn hóa, hiểu biết rộng, không ngạo mạn kiêu căng. Gray nghĩ Sylvia là người dễ thương, ông ngạc nhiên vì bà không thân thiện với người đàn ông nào trong nhóm. Bà là kiểu phụ nữ mà nhiều đàn ông ưa thích đến mê mẩn, nhất là người châu Âu. Mặc dù bà lớn hơn những phụ nữ đi chơi với Charlie đến mười lăm tuổi, nhưng chỉ lớn hơn chàng có ba tuổi. Chàng nghĩ cuộc đời thật bất công, nhất là ở Hoa Kỳ. Phụ nữ ở lứa tuổi thập niên hai mươi và thập niên ba mươi được xem là tuổi trẻ ưu tú, được trọng vọng. Người phụ nữ ở tuổi của Sylvia mà là chuyên gia có rất ít người thích, và chỉ có người đàn ông nào không sợ sự uyên bác của bà ta mới dám đến gần. Phụ nữ đi chơi với Adam thường được xem là có nhiều ước muốn hơn những phụ nữ giàu kiến thức như Sylvia. Charlie biết ở New York có nhiều phụ nữ như bà, họ rất thông minh, khéo léo, thành công trong nghề nghiệp, nhưng cuối cùng chỉ sống cô đơn. Tuy nhiên, chàng lại nghĩ rằng có người đàn ông nào đó đang đợi Sylvia ở New York, ở Paris hay ở đâu đó. Nhưng chàng không tin chắc như vậy. Ở bà có điều gì đó báo cho người ta biết rằng bà độc lập, không gắn bó với ai và thích lối sống như thế. Cuộc sống như vậy không làm cho bà bối rối và rõ ràng bà không tìm cách ăn nằm với ai. Tối hôm trước, khi Charlie hút xì gà với Gray, chàng đã có ý kiến như vậy về Sylvia.
Sáng hôm sau, khi họ lên đồi thăm nhà thờ ở San Giorgio, Gray thấy ý kiến của Charlie về Sylvia rất đúng.
- Bà không lấy chồng à? - Gray thận trọng hỏi. Ông rất hiếu kỳ về bà, cũng như rất ngạc nhiên khi thấy bà biết nhiều về nhà thờ này. Bà thật hấp dẫn, ông muốn làm bạn với bà.
- Không, tôi đã có chồng một lần rồi - Bà đáp - Khi lấy chồng, tôi rất thích, nhưng tôi nghĩ chắc mình không thể lấy chồng lại. Thỉnh thoảng tôi nghĩ mình thích sự tận tụy và nếp sống chính đáng hơn là thích có chồng. Chồng tôi là họa sĩ, ông ta thông minh hơn ai hết. Ông ta rất thích nói về mình cũng như muốn mọi người khen mình. Tôi mến yêu ông ta, giống như ông ta yêu tôi vậy. - Bà không gay gắt, mà chỉ nói như trình bày một sự việc; Gray nghe giọng bà. Ông hiểu như vậy - Con cái, hay tôi, hay bất kỳ ai cũng chỉ là phương tiện cho ông ta. Ông ta yêu mình hơn ai hết. Sau một thời gian, việc này thành ra cũ rích. Nhưng nếu ông ta không bỏ tôi để theo người khác, thì chắc tôi vẫn còn làm vợ ông ta. Khi bỏ tôi, ông ta đã 55 tuổi, còn tôi 39 và theo tôi thì ông ta đã đi quá trớn. Ông ta theo một cô gái mới có 19 tuổi. Họ lấy nhau và có ba con trong ba năm liền, rồi ông ta cũng bỏ cô ấy. Ít ra tôi đã lấy ông ta lâu hơn cô ấy. Tôi lấy ông ta 12 năm, còn cô ấy chỉ có bốn năm.
- Chắc lần này ông ta bỏ cô ấy để lấy cô gái 12 tuổi, phải không? - Gray hỏi, thấy giận cho bà. Ông nghĩ đến chuyện ông ta bỏ bà khiến bà phải đi New York với hai con, không một đồng xu dính túi, không có sự giúp đỡ của ai mà không tức giận con người thối tha ấy.
- Không, người vợ thứ ba của ông ta 22 tuổi. Đối với ông ta thế là già. Khi tôi lấy ông ta, tôi mới 19 tuổi, là sinh viên hội họa ở Paris. Hai người vợ sau đều là người mẫu.
- Ông ta có thăm con bà không?
Bà ngần ngừ một lát rồi lắc đầu. Câu trả lời có vẻ đau đớn cho bà:
- Ông ta chết năm ngoái. Ông ta chết đi để lại cho con tôi nhiều chuyện không giải quyết được, như vấn đề chúng có quan trọng đối với ông ta không. Và tôi cũng buồn trước cái chết của ông ta. Tôi yêu ông ta, nhưng với những người tự yêu mình, thì chuyện người khác yêu họ là dĩ nhiên. Cuối cùng, người duy nhất mà họ thương yêu là chính họ. Họ không bao giờ thương yêu ai hết. - Bà đã nói lên một thực tế phũ phàng. Giọng bà tuy buồn nhưng không gay gát.
- Tôi biết có nhiều phụ nữ như thế. - Ông không nói cho bà biết mức độ bệnh hoạn của họ mà ông đã chịu đựng trong chuyện tình ái. Ông không thể nói ra được, có lẽ bà sẽ cười ông như mọi người khác vậy. Sự bệnh hoạn trong đời sống gia đình trước đây đã quá quen thuộc với ông - Bà không muốn lấy chồng lại ư? - Ông nghĩ mình quá tò mò, nhưng có cảm giác bà không quan tâm đến. Bà rất thành thật và cởi mở, ông khâm phục bà về chuyện này. Người ta có cảm giác bà không có chuyện bí mật đen tối, không có chương trình ám muội, đầu óc không bối rối về chuyện bà đã nghĩ gì, muốn gì hay tin gì. Nhưng có lẽ bà cũng không thể tránh khỏi có nhưng vết thương lòng. Nhưng người đứng tuổi đều có vết thương lòng, không ngoại trừ ai.
- Không. Tôi không muốn lấy chồng lại. Tôi đã lớn tuổi, tôi thấy việc này không quan trọng. Tôi không muốn có thêm con, ngay cả con của tôi cũng không. Tôi cũng không muốn quan tâm đến con của người khác. Hôn nhân là một thể chế đáng kính, tôi tin tưởng vào nó. Nhưng tôi không biết có còn tin vào thể chế này nữa không. Có lẽ không. Tôi nghĩ có lẽ tôi không muốn có hôn nhân nữa. Sau khi ly dị chồng, tôi đã sống với một người đàn ông suốt sáu năm. Ông ta là một người rất đặc biệt, một họa sĩ có tài, một điêu khắc gia. Ông ta bị chứng trầm cảm nặng và không chịu uống thuốc. Cơ bản là ông ta nghiện rượu, sống cuộc đời bê bối. Tôi yêu ông ta, nhưng không thể lấy ông ta. Tôi không thể nói cho anh biết lý do tại sao. - Bà nói xong bèn im lặng, còn ông nhìn vào mặt bà. Mặt bà có vẻ đau khổ, ông muốn biết cái gì đã làm cho bà đau khổ. Ông nghĩ rằng cần hỏi thêm để biết về bà hơn.
- Bà bỏ ông ta ư? - Ông thận trọng hỏi. Khi ấy họ đã gần đến nhà thờ.
- Không, tôi không bỏ ông ta. Có lẽ tôi nên bỏ mới đúng. Nếu khi ấy tôi bỏ đi, có lẽ ông ta sẽ thôi uống rượu, hay sẽ uống thuốc độc, hay có lẽ không. Khó nói. - Bà có vẻ bình thản và buồn, như thể bà đã chấp nhận chuyện bi đát ấy, chấp nhận sự mất mát đương nhiên ấy.
- Ông ta bỏ bà à? - Gray không tin có người làm thế với bà lần thứ hai. Nhưng ở đời có nhiều người rất kỳ lạ, họ bỏ mất cơ hội, phá hỏng mình và hủy hoại cuộc sống. Người ta không làm sao cứu vãn được điều đó. Trải qua nhiều năm, ông đã có kinh nghiệm về chuyện này.
- Không, ông ta tự sát, - Sylvia thản nhiên đáp - cách đây ba năm. Tôi phải mất một thời gian dài mới nguôi ngoai và chấp nhận chuyện đã xảy ra. Rồi năm ngoái, Jean Marie, bố của các con tôi chết, tôi lại thấy rất buồn. Nhưng chuyện đã xảy ra. Tôi không thể thay đổi được, dù tôi yêu ông ta đến mấy. Tôi và ông ta không thể làm khổ nhau thêm nữa. Việc ông ta chết đi làm cho tôi không được yên ổn trong lòng. - Nhưng ông thấy giọng bà có vẻ yên ổn. Bà đã chịu đựng nhiều cảnh đời khổ sở, nhưng cuối cùng đã vượt qua được những khó khăn đó. Nhìn bà, ông nghĩ rằng bà là người có quyết tâm vượt qua mọi thử thách. Ông muốn quàng tay quanh vai bà, ôm ghì lấy bà, nhưng ông chưa hiểu bà đủ rõ để làm thế. Ông không muốn can thiệp vào sự buồn phiền của bà. Ông không có quyền làm thế.
- Tôi rất buồn. - Ông nói nhỏ, giọng chan chứa tình cảm. Ông từng sống với những phụ nữ loạn thần kinh, cuộc tình của họ thường trở thành một bi kịch, cho nên chuyện của bà là bi kịch giống như thế. Nhưng bà không để cho nó hủy hoại đời mình. Trái lại, bà đã rút kinh nghiệm từ đó và trưởng thành.
- Cám ơn ông. - Bà cười với ông rồi họ đi vào nhà thờ. Họ ngồi yên lặng một hồi lâu, rồi đi quanh nhà thờ, từ trong ra ngoài. Đây là một kiến trúc đẹp từ thế kỷ mười hai, bà chỉ cho ông thấy những điều mà trước đây ông không thấy, mặc dù ông đã đến đây nhiều lần. Họ quan sát thêm hai giờ nữa rồi xuống đồi, trở lại bến cảng.
- Các con bà như thế nào? - Ông hiếu kỳ hỏi. Nghĩ đến chuyện bà làm mẹ, ông thấy hay hay, vì bà có vẻ rất độc lập và hết mình vì con. Dù sao ông cũng tin bà là một người mẹ tốt. Ông nghĩ thế vì bà là bạn của ông.
- Thông minh và dễ thương. - Bà đáp, giọng tự hào, khiến cho ông cười - Con gái tôi là họa sĩ đang học ở Florence. Con trai tôi đang nghiên cứu về lịch sử Hy Lạp. Nhìn chung, chung giống bố, nhưng ơn Chúa là nó có tấm lòng bác ái. Con gái tôi thừa hưởng tài năng của bố, nhưng không có tính kiêu căng như bố, nó rất giống tôi. Nó có thể điều hành công việc nghệ thuật khắp nơi và có lẽ nó sẽ làm. Tôi hy vọng ngày nào đó nó sẽ tiếp nhận phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của tôi, nhưng không chắc nó có chịu làm không. Nó có cuộc sống độc lập. Sau khi đã nuôi dạy hai con khôn lớn, tôi rất tin vào yếu tố di truyền trong người. Tôi không tin việc bố mẹ muốn làm cho con cái khác với bản tính của nó, muốn gây ảnh hưởng lên nó.
Họ dừng chân trước một tiệm cà phê nhỏ, ông mời bà vào uống tách cà phê. Họ ngồi vào bàn, và bà hỏi ông:
- Còn ông thì sao? Tại sao ông không có vợ con?
- Như bà vừa nói đấy. Vì di truyền. Tôi là con nuôi, không biết bố mẹ sinh ra tôi là ai, nên không nghĩ đến chuyện sinh con đẻ cái làm gì. Tôi thấy chuyện ấy quá khủng khiếp. Nếu tổ tiên tôi là sát nhân thì sao? Như vậy là tôi sẽ truyền gánh nặng cho người khác phải không? Vả lại khi còn nhỏ, đời tôi không bình thường. Tôi cứ nghĩ rằng tuổi thơ của tôi đầy rẫy những chuyện đáng nguyền rủa. - Rồi ông kể cho bà nghe một ít về thời thơ ấu của mình khi ông ở Ấn Độ, Nepal, vùng Caribê, Brazil, sông Amazon. Ông đã sống khắp thế giới với bố mẹ nuôi hành động tùy hứng, nghiện ngập ma túy và cuối cùng về chầu trời. Chỉ hai tách cà phê sữa nóng mà ông đã nói đến nhiều chuyện, nhưng ông đã nói rất thành thật và bà say mê nghe.
- Này, như vậy là tổ tiên ông có người làm họa sĩ rất có tài. Ông truyền lại tính di truyền ấy cho con cháu không phải là điều bậy đâu.
- Nhưng Chúa mới biết con cái sẽ tiếp thu yếu tố di truyền của ai. Tôi biết rất nhiều người điên loạn, như bố mẹ tôi và hầu hết dan díu với tôi. Tôi không muốn có con với những người phụ nữ ấy. - Ông rất thành thật với bà, cũng như bà đã thành thật với ông.
- Tệ như vậy ư? - Bà cười. Chuyện ông nói không có gì làm cho bà khiếp sợ. Bà chỉ thấy thương xót cho ông thôi. Ông có cuộc sống khó khăn khi còn nhỏ. Và từ đó ông đã biến những khó khăn này trở thành phức tạp thêm. Nhưng việc sinh ra trên đời thì không phải do ông chọn, đây là số phận đã an bài cho ông như thế.
- Tệ nhiều. - Ông cười - Tôi đã làm nhiều việc để cứu giúp người đời. Chúa mới biết lý do. Tôi nghĩ đây là sứ mạng đời tôi, để chuộc những tội lỗi của mình.
- Tôi cũng thường nghĩ như vậy. Ông bạn điêu khắc của tôi cũng ở vào trường hợp như thế. Tôi muốn làm đủ mọi thứ chính đáng cho ông ấy, chỉnh đốn mọi việc, nhưng cuối cùng tôi không làm được. Mình không thể làm cho ai hết. - Giống ông, bà biết việc ấy rất khó - Điều lý thú là khi người ta đối xử không tốt với mình, mình lại hết lòng chăm lo cho họ, nhận lấy tội lỗi của họ. Tôi không hiểu nổi việc này, nhưng vẫn cứ làm. - Bà nói. Rõ ràng bà đã suy nghĩ rốt ráo về vấn đề này.
- Tôi bắt đầu thấy chuyện này rất vô lý. - Ông đáp với vẻ ân hận. Tất cả những người phụ nữ đã kinh qua trong đời ông đều bệnh hoạn, bất lực, thế mà ông đã giúp đỡ họ, rồi khi họ trở lại bình thường, hầu hết đều bỏ ông đi theo người khác. Trường hợp của Sylvia cũng gần giống như thế, nhưng bà có vẻ bình thản.
- Ông có chữa trị với bác sĩ thần kinh nào không? - Bà thẳng thắn hỏi như trước đó bà hỏi ông đã đến Ý chưa. Ông lắc đầu.
- Không. Tôi đọc sách để tự chữa thôi và tôi rất tỉnh trí. Tôi đã trả tiền cho bác sĩ trị liệu chữa trị cho những người phụ nữ mà tôi đã dan díu hàng triệu giờ. Tôi không nghĩ đến chuyện chữa trị cho tôi. Tôi nghĩ là tôi khỏe, họ mới diên. Có lẽ đây là biện pháp để dung hòa. Chắc có lúc bà tự hỏi tại sao mình lại dan díu với những người như thế. Mình không lợi lộc gì hết. Họ là những người quá điên loạn. - Ông cười và bà cười theo. Bà đã đi đến kết luận như thế, cho nên khi người điêu khắc tự vẫn chết, bà không quan hệ tình dục với ai nữa.
Bà đã mất cả năm để ổn định tinh thần, cần mẫn trong việc trị liệu tâm thần. Trong sáu tháng qua, bà đã hẹn hò đi chơi với vài người, có lần với một họa sĩ trẻ, nhưng anh ta là đồ ôn con hư hỏng và hai lần đi chơi với những người đàn ông lớn hơn bà đến hai mươi tuổi. Nhưng sau những lần hẹn hò đó, bà thấy mình đã đi quá trớn, sự cách biệt nhau đến hai mươi tuổi thật kinh khủng. Đàn ông ở tuổi bà thường thích các cô trẻ hơn bà. Bây giờ bà nghĩ tốt hơn là nên tránh xa những cuộc hẹn hò như thế. Các con bà đều ở xa, bà còn trẻ nên không thể từ bỏ những cuộc vui cuối tuần. Nhưng bà và vị chuyên gia trị liệu đang nghiên cứu tìm ra một biện pháp khả dĩ không cần ai sống với mình, và bà muốn được yên ổn với biện pháp này. Bà không muốn người nào làm cho mình thất vọng nữa. Quan hệ với ai đó có vẻ quá phiền phức, mà sống cô độc lại quá buồn. Bà đang ở bước ngoặc của cuộc đời, không trẻ mà cũng không già. Bà thấy mình quá già không thể kết tóc se tơ với một người đàn ông không ra gì, hay với một người quá khó khăn. Nhưng bà lại quá trẻ không thể chấp nhận cuộc sống đơn côi đến hết đời. Nhưng bây giờ bà nhận ra rằng việc sống một mình có thể xảy ra. Cuộc sống cô độc có phần làm cho bà khiếp sợ, nhưng bà cũng khiếp sợ trước cảnh sẽ xảy ra chuyện bi đát hay đổ vỡ khi sống với ai đấy. Bà muốn sống một mình một cõi, cho nên đời bà không có bóng dáng đàn ông, bà thường đi du lịch với bạn bè. Bà nói với Gray một cách thản nhiên, cố không tỏ ra bi lụy, thất vọng hay bối rối. Bà là người hiểu rõ đời mình, có khả năng xử lý cuộc sổng hợp lý. Ông nghe bà nói, ngồi trầm ngâm suy nghĩ một hồi lâu, rồi lắc đầu.
Bà hỏi:
- Chuyện như thế có vẻ khủng khiếp quá, hay có vẻ hơi điên phải, không? Thỉnh thoảng tôi tự hỏi mình như thế. - Bà rất thành thật với ông, kể hết cả chuyện hay cũng như chuyện dở của mình cho ông nghe, khiến ông quá đỗi kinh ngạc, ông không hề thấy ai như bà, cả đàn bà lẫn đàn ông, ông muốn biết nhiều, nhiều hơn nữa.
- Không, không có gì khủng khiếp hết. Chuyện có vẻ buồn, nhưng thật. Bà có vẻ rất lành mạnh đối với tôi. Dĩ nhiên lành mạnh hơn tôi nhiều. Bà đừng hỏi tôi về những người phụ nữ mà tôi đã đi chơi với họ, bây giờ chắc họ ở trong các viện tâm thần đâu đó rồi, nơi họ từng ở khi tôi gặp họ. Tôi không biết cái gì đã làm cho tôi đùa với Chúa, muốn thay đổi số phận trên vai họ, hầu hết họ tự chuốc lấy số phận đáng buồn ấy. Tôi không biết tại sao tôi nghĩ tôi đáng tội bị tra tấn, nhưng chuyện ấy đã hết vui từ lâu rồi. Tôi không thể làm việc ấy nữa, tôi muốn sống cô đơn. - Ông nói thật lòng mình, nhất là sau khi đã nghe bà nói thật với ông. Sống cô đơn tốt hơn sống với những người điên nhiều. Sống cô đơn buồn thật đấy, nhưng ít ra nó lành mạnh. Ông khâm phục bà vì bà đã làm thế. Ông muốn học tập và làm theo gương bà. Khi nghe bà nói, ông không biết nên muốn bà làm vợ hay chỉ là bạn thôi. Vai trò nào cũng có vẻ tốt cho ông. Nhìn bà, ông thấy bà đẹp, nhưng trên hết ông quý trọng tình bạn của bà.
- Có lẽ khi về New York, chúng ta đi xem phim một hôm cho vui. - Ông dè dặt đề nghị.
- Tôi thích thế - Bà đáp - Nhưng xin báo cho ông biết là tôi chỉ thích xem những phim nghiêm túc. Con tôi không thích đi cùng tôi. Tôi ghét phim nước ngoài, ghét những phim nghệ thuật, phim sex, bạo lực, có kết cục buồn hay tình tiết vu vơ. Tôi thích những phim dễ hiểu được, có hậu, làm tôi cười hay khóc và mất ngủ. Nếu khi ra về ông hỏi phim có ý nghĩa gì, thì xin ông mời người khác, chứ đừng mời tôi.
- Tuyệt! Chúng ta sẽ xem những phim cũ chiếu lại như phim I love Lucy và xem phim của Disney. Bà đem ngô rang, tôi sẽ mua vé xem phim.
- Nhất trí rồi đấy nhé. - Bà cười sung sướng, ông đưa bà về khách sạn, và khi từ giã, ông ôm ghì bà, cám ơn bà đã đi chơi với ông suốt cả buổi sáng tuyệt vời.
- Ngày mai bà về thật à? - Ông hỏi, vẻ lo lắng. Ông muốn gặp lại bà trước khi cả hai rời khỏi Portofino. Nếu không họ sẽ gặp lại nhau ở New York. Ông đợi khi trở về sẽ gọi cho bà. Ông chưa bao giờ gặp người phụ nữ nào như bà, không gặp được người nào mà ông muốn nói chuyện nhiều như thế này. Ông đã quá bận công việc cứu giúp phụ nữ, nên không bận tâm tìm một người có thể làm bạn với mình. Và Sylvia Reynolds là người đó. Đến 50 tuổi ông mới gặp được bà. Chuyện này có vẻ điên khùng, nhưng ông cảm thấy như thể mình đã tìm được người trong mộng. Nếu ông nói cho bà nghe ý nghĩ này, không biết bà sẽ nói sao. Có lẽ bà sẽ chạy thật nhanh để gọi cảnh sát mất. Ông phân vân không biết mình có bị bắt vì tội đã đi chơi với người mất trí hay không, hay bị cho là đồ điên như họ không. Sylvia không điên, bà đẹp, thông minh, yếu đuối, chân thật và thực tế.
- Ngày mai chúng tôi sẽ đi. - Bà đáp. Bà cũng buồn khi xa ông, lòng cảm thấy bồn chồn. Mặc dù bà nói với vị bác sĩ chuyên khoa về thần kinh chữa cho mình rằng bà sẵn sàng gặp người nào đấy, thế mà bây giờ khi gặp bà lại muốn trốn chạy, vì sợ đau khổ lại. Nhưng bà muốn gặp ông lần nữa trước khi bỏ chạy. Có sự giằng co kỳ lạ đang diễn ra trong óc bà, khiến bà nhìn ông nhoẻn miệng cười.
- Chúng tôi sẽ đi Sardinia để nghỉ cuối tuần, rồi tôi phải đi Paris để gặp vài họa sĩ. Sau đó, tôi sẽ ở chơi một tuần với con ở Sicily. Tôi sẽ về New York trong vòng hai tuần nữa.
- Còn tôi sẽ về đấy trong vòng ba tuần nữa. - Ông đáp rồi nhìn bà, cười vui vẻ. Tôi nghĩ cuối tuần này chúng tôi sẽ đến Sardinia. Đấy là nơi chúng tôi đến sau khi ở đây.
- Ngay sau khi bà rời khỏi Portofino, ông cũng muốn ra đi, nếu Charlie và Adam bằng lòng.
- Trời, thế thì chúng ta gặp may rồi - Bà nói, cười với ông, cảm thấy trẻ lại - Tại sao tối nay ba người các ông không đến ăn tối với chúng tôi ở cảng? Có mì sợi ngon và rượu vang dở, không phải loại rượu vang mà ông và mọi người thường dùng đâu.
- Đừng quá quan trọng việc này. Nếu bà đến ăn tối tại nhà tôi, tôi sẽ dọn cho bà rượu mạnh rẻ tiền mà tôi thường dùng.
- Tôi sẽ đem rượu vang đến - Bà cười toe toét - Ông nấu đấy nhé, tôi không làm bếp được đâu.
- Tốt. Quá tuyệt khi biết bà không làm được vài thứ.
- Tôi được xếp vào danh sách đầu bếp loại hai, có thể làm được món mì sợi, tacô, bơritô, gula, thịt lát, xà lách, bơ đậu phụng, thạch, bánh nướng, chả trứng, macarôni và pho mát. Hết.
- Tôi thích bánh nướng nhưng thường nướng cháy, không ai ăn được. - Bà cười, và ông cười trước viễn cảnh sẽ nấu cho bà ăn.
- Tuyệt. Phim I Love Lucy và bánh nướng. Bà thích ăn tráng miệng kem gì? Kem socola hay vani?
- Kem socola bạc hà có rắc dâu tây hay chuối lát lên trên. - Bà đáp. Bà rất thích nói chuyện với ông. Gần gũi ông đáng sợ thật, nhưng dễ chịu. Chuyến xe đời lại quay. Từ lâu bà không ngồi trên xe, nên cảm thấy nhớ nhung bâng quơ. Cũng từ lâu bà không giao du với người đàn ông nào cả, cho đến khi gặp ông.
- Ôi, lạy Chúa Jesus. Bà làm được kem lạnh. Thế kem của Rocky Road thì sao?
- Tôi sẽ đem kem lạnh và rượu vang đến, nếu ông không làm được loại kem như thế.
- Và đừng quên mang bắp rang đấy nhé! - Ông nhắc. Bắp rang không sang trọng gì, nhưng ông cho là ngon. Bất cứ cái gì ông đã làm với bà đều tuyệt, như là chuyện đi San Giorgio hôm ấy. - Bữa ăn tối bắt đầu giờ nào? - Ông hỏi khi ôm ghì bà. Cái ôm ghì với ý nghĩa tình bạn, không có gì làm cho bà lo sợ, và bữa ăn sau này tại nhà ông cũng thế, chẳng có gì đáng ngại giữa hai người. Chuyện giữa họ ra sao sẽ hạ hồi phân giải. Nếu hai người thấy thích nhau, họ sẽ xích lại gần nhau và ông hy vọng như thế.
- Chín giờ ba mươi, tại quán Da Puny. Hẹn gặp lại ông. - Bà cười, vẫy tay chào, rồi đi vào khách sạn. Ông đi xuống cảng, bước đi nhún nhảy, đến chiếc tàu nhỏ và người thủy thủ đang đợi ông. Ông cười trên đường về lại du thuyền, và khi Charlie thấy ông, ông vẫn còn cười. Khi ấy đã một giờ, mọi người đang đợi ông về để ăn trưa.
Charlie nhìn ông bạn già và nói với vẻ tinh nghịch:
- Lâu rồi anh mới đi nhà thờ với người phụ nữ mới quen. Anh có đề nghị gì phải không?
- Tôi muốn đề nghị, nhưng không dám. Vả lại, bà ấy có hai con, mà anh biết rồi, tôi ghét con cái. - Charlie cười, không xem lời ông là bất di bất dịch.
- Họ lớn rồi, không phải con nít đâu. Vả lại, bà ấy ở New York, còn họ ở Ý và Anh. Tôi nghĩ anh sẽ bình an thôi.
- Đứng, có lẽ thế. Nhưng dù tuổi nào thì con vẫn là con. - Ông không thích không khí gia đình, Charlie biết thế. Gray báo cho hai người biết bà mời họ đến ăn tối tại cảng, hai người rất háo hức trước tin này. Adam nhìn ông chăm chú hơn cả Charlie.
- Hai người đã có chuyện gì với nhau chưa? - Adam hỏi, vẻ nghi ngờ. Gray giả vờ vui sướng, ông chưa muốn nói rõ sự thật cho họ biết. Không có gì xảy ra cả. Ông chỉ thích bà, hy vọng bà thích lại ông. Chưa có gì để nói cả.
- Ước gì có chuyện. Bà ấy có cặp chân đẹp, nhưng theo chỗ tôi thấy thì bà ấy có tật xấu rất tai hại.
- Tật gì thế? - Charlie hiếu kỳ hỏi. Tật xấu của phụ nữ thường mê hoặc ông. Ông bị những tật ấy ám ảnh.
- Bà ấy tỉnh táo, lành mạnh. Tôi nghĩ bà ấy không phải là loại người tôi thích.
- Đúng. Tôi cũng nghĩ thế. - Adam đồng ý đáp.
Gray nói cho hai bạn biết nhóm người kia sẽ đi Sardinia vào ngày mai. Các bạn ông rất muốn đi theo họ. Portofino vui thật đấy, nhưng nếu không có nhóm người kia ở đây, họ thấy bớt vui. Charlie bèn đề nghị tối nay khi ăn tối xong họ sẽ lên đường, đi suốt đêm. Nếu họ đi lúc mười hai giờ khuya, thì sẽ đến Sardinia vào tối mai, đúng giờ ăn tối. Gặp lại nhóm bạn tại Portofino sẽ rất thú, và họ sẽ cùng vui chơi vào dịp cuối tuần với nhau. Nếu Adam đổi ý, anh có thể tán tỉnh cháu của Sylvia lại. Nhưng dù không tán tỉnh cô ta, thì họ vui chơi với nhóm người kia cũng tuyệt chán.
Charlie nói cho thuyền trưởng biết kế hoạch của họ, ông ta liền chuẩn bị mọi thứ để lên đường. Hành khách thường khoái đi đêm trên mặt biển, nhưng thủy thủ thì buồn. Tuy nhiên họ thường làm thế rồi. Thuyền trưởng nói ông ta sẽ ngủ trong khi Charlie và khách đi ăn tối trên bờ, và khi nào khách về thuyền, ông sẽ dậy. Họ sẽ đến Sardinia vào ngày mai đúng giờ ăn tối.
Đêm đó, khi ăn tối Gray nói cho Sylvia nghe kế hoạch của bạn ông. Bà cười, phân vân không biết ông nói sao với các bạn. Bà cảm thấy hơi luống cuống khi thấy mình bị ông thu hút. Từ lâu, bà không có cảm giác như vậy, nhưng bà không nói với Gray về tình cảm của mình đối với ông. Bà nghĩ rằng tình cảm giữa hai người tương ứng nhau, nghĩa là ông cũng thích bà. Bà cảm thấy dường như mình trẻ lại.
Họ rất vui trong bữa ăn tối. Sylvia ngồi đối diện với Gray nơi bàn ăn; nhưng dù nói gì hay làm gì, bà cũng có cảm giác ông ngồi bên cạnh mình. Khi họ chia tay ra về, bà hôn lên hai má ông và các bạn, bà hẹn ngày hôm sau sẽ gặp lại họ trong bữa ăn tối ở quán Yacht Club tại Porto Cervo. Khi họ ra về, Gray quay lại nhìn bà lần cuối, nhưng bà không nhìn lại ông. Bà đang nói gì đấy với cô cháu gái khi họ dừng lại mua thạch ở quãng trường, và Gray nhận thấy thân hình Sylvia rất tuyệt. Và trí óc bà cũng tuyệt. Ông không biết nên thích cái gì đây.
Khi họ bước vào chiếc tàu nhỏ để về du thuyền, Adam nói:
- Bà ấy thích anh đấy Gray. - Charlie nói.
- Tôi cũng thích bà ấy. - Gray tự nhiên đáp. Ông ngồi xuống nhìn chiếc Blue Moon ở đằng xa đang đợi họ.
- Tôi muốn nói bà ta thích anh thật. Nghĩa là bà ta muốn ngủ với anh.
- Bà ta không phải loại phụ nữ ấy. - Gray đáp, mặt lạnh như tiền, ông muốn bảo vệ Sylvia, bác bỏ lời Adam nói. Ông thấy nói thế thật bất kính với bà.
- Đừng nói với tôi như thế. Bà ấy đẹp, phải ngủ với người khác thôi. Có lẽ bà ấy sẽ ngủ với anh. Hay anh cho bà ấy quá già?
Gray suy nghĩ và lắc đầu.
- Bà ấy không già. Tôi nói rồi, bà ấy quá lành mạnh.
- Đúng, tôi thấy vậy. Nhưng phụ nữ lành mạnh cũng thích ngủ với đàn ông.
- Tôi sẽ nhớ lời anh, để phòng khi tôi gặp người khác. - Gray đáp rồi cười với Charlie. Chàng đang nhìn chăm chú. Chàng tự hỏi không biết giữa hai người có gì không.
- Đừng lo, anh sẽ không gặp người khác đâu. - Adam cười to. Ba người bạn lên du thuyền, Charlie rót cho mỗi người một ly whisky trước khi họ đi ngủ. Họ ngồi dưới trăng phía sau boong, còn thủy thủ đoàn nhổ neo lên đường. Gray nhìn ánh trăng nhảy nhót trên mặt nước, nghĩ đến Sylvia ở trong phòng khách sạn, ông ước chi mình ở đấy với bà. Ông không tin mình sẽ được cái may mắn đó, không hy vọng có chuyện như thế xảy ra cho ông. Nhưng có lẽ ngày nào đó sẽ có. Trước hết, họ đã hẹn nhau ăn bánh nướng và kem lạnh ở New York, Rồi ai biết chuyện gì sẽ xảy ra? Trước đó, họ có ngày nghỉ cuối tuần ở Sardinia. Từ lâu, ông mới cảm thấy mình như còn trai trẻ. Chàng trai 50 tuổi với cô gái rất đẹp 49 tuổi.
Ba Chàng Độc Thân Ba Chàng Độc Thân - Danielle Steel Ba Chàng Độc Thân