Số lần đọc/download: 1344 / 24
Cập nhật: 2016-06-02 02:55:56 +0700
Chương 3
M
ọi việc ở lò mổ heo xáo tung lên tất cả bắt đầu từ lúc thằng vai u thịt bắp mồ hôi dầu xuất hiện. Tôi ghét. Tôi ghen tị. Tôi gọi nó là thằng Vai U. Thằng Vai U cao một mét bảy tư. Vồng ngực xếp đầy thịt rắn chắc như ngực thần Hecquyn. Bắp đùi dế của cầu thủ bóng đá. Và đôi bàn tay rắn cứng quẳng liên tục những con lợn gần một tạ lên sàn xi-măng không biết mệt. Vai U bế nàng Ánh Trăng Xanh nhẹ nhàng như thằng tôi cầm bó hoa lay ơn trong ngày sinh nhật. Thằng này vận động viên ném đĩa biên chế ở Trung tâm thể dục thể thao. Hơi đần độn, chỉ được cái khỏe mạnh, cường tráng. “Đầu óc ngu si tứ chi phát triển”, văn chương không đọc, phim truyện, sân khấu không xem, truyền hình không ngó. Ban ngày tập luyện, tối ngủ khò, đêm về sáng đến lò mổ heo làm thêm kiếm tiền ăn học.
Lúc thằng này mới bước vào sân lò mổ đã vênh vênh cái mặt, mũi khịt khịt. Một anh thợ mổ đang mài dao, ngước mặt, hỏi:
- Khiếp mùi phân heo a?
- Không. Tôi thấy âm u, lạnh lẽo quá.
Anh thợ lò mổ ngửa mặt cười sằng sặc, rồi bảo:
- Thằng cha này nói lạ. Lò mổ heo, lúc nào khí sát sinh chả bốc lên ngùn ngụt.
- Tôi không nói dóc đâu. Âm khí cuồn cuộn đấy. Tôi sẽ làm cho cái lò mổ này sôi lên sùng sục.
Thằng Vai U ngạo mạn. Nó sẽ làm được gì trong cái lò mổ heo này? Cùng lắm là khiêng lợn, cạo lông, tuồn lòng. Vậy mà, nhãn tiền hiểm họa là khi thằng Vai U nhìn bà chủ đăm đắm. Ánh mắt đàn ông vâm váp hút hồn người đàn bà trẻ óng ả. Mặt bà chủ đờ đẫn, bối rối trước thằng Vai U bắp thịt cuồn cuộn. Thằng này liền giả tảng không biết những xáo động trong lòng nàng. Giá như ông chủ lò mổ về bắt gặp cảnh tượng này nhỉ? Thằng Vai U sẽ bị đuổi việc ngay tức khắc. Lúc đó, tôi chỉ muốn lao đến nhảy vào giữa hai người, tách họ ra thật xa, chẳng hạn như thằng trai nhảy ra tận rừng rú mỏm địa đầu Lũng Cú, còn nàng sống tận chót Mũi Cà Mau.
Con ô sin sang gọi tôi chỉnh dây đàn cho bà chủ. Con này ghê thật. Nó dám thuật lại những gì nó nhìn thấy trên da thịt người đẹp để đánh vào lòng trắc ẩn của tôi, đánh vào sự bất lực tuyệt vọng của tôi. Cứ như bảo rằng: “Đàn ông như anh hèn lắm. Nhìn thấy cái sự sỗ sàng mà cứ gương cộ mắt nhìn”. Cái mặt con bé giúp việc này câng câng, hờn dỗi:
- Lúc này, đang cần người giúp bà chủ thoát khỏi tình cảnh này. Anh không ra tay thì có người khác đấy.
Tôi cười gượng, khuôn miệng méo mó và thảm hại:
- Ai làm nổi anh hùng cứu mỹ nhân giữa đám thợ mổ heo thô lậu này?
- Em chỉ biết thằng Vai U nghe anh đàn xong, biểu: Cái trò tán gái rẻ tiền quá. Nhạc với nhẽo thì làm nên nông nỗi gì. Thằng ấy biểu anh: Chẳng hiểu đếch gì đàn bà.
Tôi tím bầm mặt, nhưng vẫn cố gượng cười.
Tôi lò dò sang. Nàng bảo:
- Em cảm ơn anh, mỗi ngày đều tặng em một bông hoa.
Những bông hoa ấy tôi nhờ con ô sin mua giùm. Cứ mỗi ngày nó mang hộ tôi đến tặng nàng một bông hồng trắng. Nắng cũng như mưa, ngày nào nó cũng làm tròn phận sự và ông chủ hoàn toàn không biết, cứ ngỡ hoa nhà mình do vợ bảo con giúp việc mua.
- Anh sẽ tặng hoa em suốt đời.
- Nhưng em cần cái khác cơ.
Nói rồi nàng khóc. Nàng vạch áo chìa eo, ngực, kéo tụt quần hở mông, đùi. Những vết cào xước, vết răng cắn bầm tím vẫn còn in trên làn da trắng nõn. Tôi không lạ gì những vết bầm tím này. Tối hôm trước, ông chủ đi miền Tây ký hợp đồng thu mua heo, nàng xé rào sang với tôi. Đêm thanh vắng. Nàng khỏa thân. Và dâng hiến. Nuột nà. Căng mẩy. Trinh nguyên. Những vết bầm tím dù đã hơi mờ nhưng cũng làm nhói lòng tôi. Đúng lúc tôi rạo rực, cuồng mê nhất thì tiếng heo éc...éc... tru rống lên như bị chọc tiết. Mất hứng. Người bải hoải, rũ như tàu lá chuối non nhúng nước sôi. Chim nhẽo nhèo, nhũn như con đỉa. Nàng tức tưởi khóc. Những giọt nước mắt tủi phận, ai oán, tiếc nuối bởi khát vọng ái ân cháy bỏng không thành. Tôi đã mặc áo lại cho nàng. Tôi xót xa. Ái ngại. Tôi đụng phải vết bầm nơi cánh tay trần đang xỏ ống áo. Nàng rụt tay lại kêu đau. Tôi nhìn nàng ai oán:
- Tiên sư thằng chồng em bệnh hoạn.
- Đừng anh. Tuy thế, nhưng ảnh hết lòng yêu em.
- Nên em cứ định sống mãi trong địa ngục trần gian ấy?
- Thì biết tính sao? Hay anh với em bỏ trốn khỏi nơi này đi.
Bỏ trốn! Tôi thuỗn mặt ra. Tôi là nghệ sĩ biểu diễn dương cầm thất nghiệp. Nhạc giao hưởng không nuôi nổi tôi, huống chi nuôi thêm người nữa. Giàu thì sang. Nghèo thì hèn. Tôi đang nghèo. Chưa kiếm được cái cần câu cơm. Lò mổ heo với tiếng heo rống eng éc không cần nhạc giao hưởng.
Tôi bảo:
- Anh là thân ốc chẳng lo nổi mình ốc sao mang cọc cho rêu...
- Đừng nghĩ phải cưu mang em - Nàng âu sầu, thở dài - Em không cần những bông hoa của anh nữa. Anh là đồ hèn.
Nàng mắng tôi rồi quay ngoắt bước về nhà.
Tôi bế tắc. Tôi buồn bã. Tôi nhớ đến thằng Vai U cứ như bóng ma lẩn khuất trong lò mổ heo. Tôi vớ cây đàn ghi-ta trên vách, bập bùng so dây. Tôi chơi lại bản Sonata Ánh trăng trong tâm thế buồn mênh mang xa vắng.
Thằng Vai U đứng ở sân nói chõ qua cửa sổ:
- Tiếng đàn của anh mềm yếu, lả lướt quá. Ích tóp gì!
- Giàu có như ông chủ lò mổ heo thì ích tóp à? Thằng Vai U cười khẩy:
- Tiền không phải là tất cả, nhá. Cả anh, cả gã chủ lò mổ đều là những thằng đàn ông vô tích sự.
Tôi phớt lờ, không trả lời, càng đánh đàn càng tức nghẹn cổ. Thằng Vai U nhún vai, bỏ vào lò mổ.
Tôi ngồi bệt ở nhà, chơi đàn liền ba ngày thì ông chủ lò mổ về. Mặt ông đỏ từng bừng, chắc là uống rượu quá chén. Nghe tôi đờn xót xa quá, ông bảo:
- Cái giống nhạc nhẽo chú em đờn, nghe nẫu ruột. Nó hợp với hoa và con gái đẹp. Nhưng mà chú cũng là người lưỡng lự, không quyết đoán. Người như chú em thì thiệt thòi suốt đời. Miếng ăn ngon đến miệng lại tuột đi. Chú em là thằng hèn. Tui còn hèn hơn.
Tôi giật thót mình. Có phải ông chủ đã linh cảm thấy sự hiểm nguy đang rình rập và lo ngại bởi cái mặt nhơn nhơn của thằng Vai U xuất hiện? Có phải ông chủ đã biết những bông hoa mỗi sáng tôi tặng nàng Ánh Trăng Xanh? Có phải ông chủ biết người vợ trẻ đã xé rào sang với tôi? Nhìn tôi đăm đăm, cái nhìn như mách bảo đã nhòm thấy hết lục phủ ngũ tạng của tôi. Ông âu sầu, bảo:
- Buồn. Buồn. Tui cứ sáu câu vọng cổ tui mần, chứ không ẻo lả đờn như chú em.
- Sao ông còn bắt vợ đàn bản nhạc ấy mỗi khi ông cầm chày sát sinh?
- Nó là nghi lễ, nó là nỗi bức xúc lòng tôi không được giải thoát mừ. Với lại, để tạo cho chú em một ấn tượng mạnh, thêm vốn sống mà viết. Chú em có thể viết được một bản giao hưởng thật hay về số phận con người.
Nói xong, ông chủ cao hứng hát luôn sáu câu vọng cổ và đổ liền một mạch, không ngắt hơi, nghe buồn não nề: Cái em cần thời anh hổng có. Cái anh có thời em hổng cần... Em ở bên anh đêm dài ngày ngắn như đôi đũa lệch vênh so so mãi chẳng... vừa. Tằng tằng... tăng tăng... tăng tằng tăng... tằng.
Ông chủ bảo:
- Lò mổ heo nhà tui phải là một môi trường văn hóa nghệ thuật. Sẽ có cả cải lương, bài chòi, chèo, quan họ, nhưng cũng có nhạc cổ điển. Tiếng nhạc sẽ đầy ắp từ trang trại nuôi heo vào trong phòng ngủ của tui đến tận lò sát sinh. Vợ tui sẽ đắm chìm trong âm nhạc, nàng sẽ không bao giờ xa tui. Bây giờ tui học sẽ Lã Bất Vi và Mạnh Thường Quân đãi khách. Cứ hàn nho, sĩ tử, nghệ sĩ nào thất cơ lỡ vận thì đến đây tui nuôi tuốt. Chú em đồng ý thời dọn sang nhà tui đi. Chỉ mong họ và chú em sáng tác được những tác phẩm lớn cho đời.
Tự nhiên tôi thấy tôi hèn quá. Nhạc sĩ mà hèn thì sáng tác sao nổi? Rồi sẽ đến lúc sáng tác èo uột, nịnh hót, vô hồn và cân chỉnh âm đàn vốn là sở trường cũng không làm nổi. Người đàn bà đẹp, mầu mỡ cũng y như là cây xanh tươi tốt. Cây xanh tươi tốt không được chăm sóc, tưới nhuần thì cây héo hon.