Never lend books, for no one ever returns them; the only books I have in my library are books that other folks have lent me.

Anatole France

 
 
 
 
 
Tác giả: Luigi Pirandello
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Quỳnh Dung
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 21
Cập nhật: 2020-11-02 22:25:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
IỀU KHÔNG NÓI TRẮNG RA
Xara Acgienta, biệt danh là Tarara, vừa được dẫn đến ngồi vào chiếc ghế dài dành cho bị can, cách phần còn lại của phòng xử án bằng một hàng rào cao, thì việc đầu tiên của anh là móc trong túi ra chiến khăn to mầu đỏ in hoa vàng cẩn thận trải xuống chỗ ngồi để khỏi làm bẩn bộ comlê chỉ để mặc ngày lễ ngày Tết bằng vải len thô mầu tím xẫm. Cả bộ comlê lẫn chiếc khăn đều mới toanh.
Ngồi thoải mái xong, Xara mới quay đầu nhìn đám nông dân đang chen chúc đằng sau hàng rào, ở phần bên kia của phòng xử án, dành cho nhân dân đến xem xử. Anh mỉm cười. Bộ mặt xưa nay vẫn râu ria tua tủa hôm nay được cạo nhẵn nhụi khiến anh giống như một chú khỉ. Tai anh đeo khuyên vàng.
Từ chỗ đám nông dân tỏa ra mùi phân ngựa, mùi mồ hôi, mùi cừu nồng nặc.
Một chị phụ nữ mặc đồ đen, quàng khăn len kéo xuống tận lông mày, nhìn thấy bị can chị hoảng sợ thét lên. Trong khi đó thì bản thân bị can lại vui vẻ ngắm từ trong cái lồng kia ra, khi thì giơ cao bàn tay sần sùi do lao động nặng nhọc, khi thì hất đầu sang trái rồi sang phải, không chỉ để ra dấu chào mà còn ra dấu cảm ơn những bạn bè cùng làm. Thậm chí anh còn tỏ vẻ như thông cảm với họ nữa.
Sau bao nhiêu tháng trời tạm giam, buổi xử án hôm nay đối với anh là một ngày hội. Bởi vậy anh mới ăn mặc như đi lễ ngày chủ nhật. Vì nghèo, Tarara không có tiền thuê luật sư, mà đành bằng lòng với thầy cãi do tòa chỉ định. Nhưng còn những gì thuộc phạm vi của riêng anh thì Tarara rất chu đáo: áo quần sạch sẽ, râu ria cạo sạch, tóc chải rẽ ràng:
Sau phần thủ tục và sau phần công bố thành phần xét xử, chủ tọa phiên tòa ra lệnh cho bị can đứng dậy.
- Tên anh?
- Tarara.
- Đấy là biệt danh. Tên thật kia?
- Xin Tòa tha lỗi. Tên tôi là Acgienta. Xara Acgienta, thưa tòa. Nhưng mọi người đều gọi tôi là Tarara.
- Thôi được. Bao nhiêu tuổi?
- Thưa Tòa, tôi không biết ạ.
- Sao lại không biết?
Tarara nhún vai rồi nhăn mặt như để mọi người hiểu rằng, việc tính tuổi đối với anh bao giờ cũng là việc làm xấu thói hoặc ít nhất cũng vô nghĩa. Nhưng anh vẫn nói thêm:
- Thưa Tòa tôi là người nhà quê. Ai lại đi tính tuổi.
Dưới hàng ghế người nghe có tiếng cười rộ. Chủ tọa phiên tòa cúi xuống những giấy tờ đặt mở rộng trước mặt Ngài.
- Anh sinh năm một ngày tám trăm bảy mươi ba. Nghĩa là năm nay anh ba mươi chín tuổi.
Tarara giơ cả hai tay lên trời, vẻ nhịn nhục:
- Thưa tòa, vâng.
Để khỏi làm công chúng ngồi xem bên dưới rộ lên những đợt cười mới, ngài chủ tọa vội vã đưa ra những câu hỏi khác rồi lại tự trả lời lấy:
- Đúng không? Đúng.
Khi đã hỏi xong, Ngài nói:
- Anh ngồi xuống. Bây giờ ông thư ký phiên tòa tuyên đọc bản luận tội.
Ông thư ký bắt đầu đọc, nhưng mới được một đoạn, ông ta phải dừng lại, bởi vì mùi khăm khẳm nồng nặc của gian phòng xử án khiến các vị thẩm phán nhức đầu. Lính gác được lệnh mở các cửa.
Và bây giờ thì mọi người đều thấy rõ sự ưu việc không thể chối cãi được của bị cáo trước những vị ngồi xử án.
Ngồi oai vệ trên tấm khăn đỏ chói. Tarara không hề ngửi thấy cái mùi ấy, bởi vì anh đã quá quen với nó. Anh chỉ khẽ mỉm cười. Anh không cảm thấy cái nóng ngột ngạt, mặc dù đánh cả một bộ comlê len mầu tím thẫm. Anh cũng không hề thấy khó chịu với đàn ruồi đang quấy rối các vị thẩm phán, ngài biện lý của đức Vua, các vị luật sư, những người lính gác và thậm chí cả mấy anh chàng pháp thủ hoa chân múa tay để xua chúng đi. Ruồi bậu kín hai cánh tay anh, vo ve bên tai anh, bậu cả vào trán, vào môi, vào mắt. Tarara không cảm thấy khó chịu, không thèm đuổi chúng đi mà vẫn tủm tỉm cười.
Viên luật sư trẻ tuổi được Tòa chỉ định, đã quả quyết từ trước với bị cáo rằng tội anh nhẹ thôi, vì anh giết vợ thật nhưng việc chị ta phản bội chồng đã có đủ bằng chứng.
Vẻ mặt hồn nhiên và thơ ngây giống như một con vật không biết suy nghĩ, Tarara lúc nào cũng bình thản. Không hề có bóng dáng của nỗi hối hận, lương tâm cắn dứt nào hết. Anh hoàn toàn không hiểu được, tại sao người ta lại bắt anh phải nhận tội, khi cái sự việc ấy chẳng liên quan đến bất cứ ai trên cõi đời này ngoài cá nhân anh. Anh coi luật pháp chỉ là một điều tất yếu chẳng vui vẻ gì. Trong công việc làm ăn sinh sống thì có chuyện mất mùa, còn trong cuộc đời thì có chuyện luật pháp. Cũng y hệt nhau thôi!
Tòa án với tất cả vẻ trịnh trọng của nó: những hàng ghế nặng nề, những chiếc mũ quan tòa, những chiếc áo thụng, những trang sức phù phiếm đối với Tarara chỉ là một cái trò giống như việc khánh thành xưởng xay bột bằng máy hơi nước năm ngoái. Cách đây đúng một năm Tarara cùng với một đám vô công rồi nghề đứng xem cái máy kỳ quặc ấy với đủ thứ bánh xe lớn nhỏ, đủ thứ thanh sắt dài ngắn với những tấm kim loại đủ kiểu, anh cảm thấy trong lòng một nỗi ngạc nhiên kèm theo nghi hoặc. Mọi người đem hạt mì của mình đến đổ vào máy, nhưng ai dám quả quyết rằng số bột chảy từ máy ra mà mình nhận lại chính là bột của đúng thứ hạt mình đã đem đến, chứ không phải số hạt của người khác? Thôi thì cũng đành nhắm mắt bỏ qua, nhận số bột cái máy trả lại cho mình vậy.
Bây giờ cũng tựa như thế, Tarara cũng nghi hoặc và nhẫn nhục giao phó số phận của anh cho cái máy luật pháp.
Anh chỉ biết rõ một điều là anh đã bổ một rìu vỡ đôi cái sọ của vợ. Đầu đuôi câu chuyện như thế này. Tarara tuần nào cũng đi làm thuê cho những gia đình ở gần thị trấn Môngtapéctô suốt từ thứ hai đến thứ bảy. Thứ bảy hôm ấy anh về đến nhà, người ướt đẫm mồ hôi và lấm lem bùn đất, thì nghe được chuyện xô xát dữ dội vừa mới xảy ra trong làng Accô đi Xpôtô, tức là nơi anh ở.
Trước đây vài tiếng đồng hồ, vợ anh bị bắt quả tang đang ngủ với ngài sĩ quan kỵ binh Agatinô Phiorica. Bà Graxiela, vợ ngài sĩ quan, hai tay đầy vòng và nhẫn, má đỏ hây hây, mặt trát bự phấn giống như con lừa chở bột, đích thân dẫn hai cảnh binh do ngài cảnh sát trưởng Xpanô chỉ huy đến tận xóm Accô đi Xpôtô để ba vị quan chức này chứng kiến vụ ngoại tình là xảy ra thật.
Hàng xóm của Tarara không thể giấu anh nỗi bất hạnh, bởi vì chị vợ anh cùng với ngài sĩ quan đã bị cảnh sát giữ lại ngoài đồn suốt đêm hôm đó. Sáng hôm sau, chị ta vừa mới về đến cửa thì Tarara nhảy bổ đến. Hàng xóm chưa kịp ngăn thì anh đã bổ vỡ đôi cái sọ của vợ rồi.
Ông thư ký phiên tòa đang lắp bắp những gì có trời hiểu.
Khi thư ký đọc xong, ngài chủ tọa phiên tòa lại ra lệnh cho bị cáo đứng lên và trả lời tiếp những câu hỏi khác.
- Bị cáo Acgienta, anh hiểu anh bị buộc về tội gì chứ?
Tarara chỉ khẽ đụng đậy bàn tay và vẫn với nụ cười quen thuộc đáp:
- Thưa tòa, thú thật tôi nghe không được rõ lắm.
Ngài chủ tọa phiên tòa giận dữ mắng:
- Anh bị kết tội là sáng ngày mồng mười tháng mười hai năm một ngàn chín trăm mười một đã dùng rìu giết chết chị Rêxaria Phêminela, vợ anh. Anh sẽ cãi lại thế nào? Quay mặt về phía các ngài thẩm phán và nói cho rành rọt, kính cẩn với Tòa.
Tarara đặt bàn tay lên ngực ý để nói rằng anh không hề có ý nghĩ thiếu tôn kính với Tòa. Công chúng ngồi xem vốn đã được khởi đầu thú vị và vui vẻ lúc này rất muốn được cười câu trả lời của bị can. Tarara nhìn thấy thế, anh hơi ngượng nghịu chưa đáp.
- Anh trả lời Tòa đi! - Ngài chủ tọa phiên tòa giục. - Anh hãy thưa với các vị thẩm phán những gì anh cần nói.
Tarara nhún vai rồi quyết định nói:
- Thưa Tòa, các ngài đều học thức cao và những gì ghi trong giấy tờ, các ngài đều đọc được cả. Thưa Tòa, tôi chỉ là đứa thất học. Nhưng nếu trong những giấy tờ kia có ghi tôi giết vợ thì cũng có nghĩa là đúng như thế. Tôi chẳng có gì để nói thêm nữa.
Đến lúc này thì chính ngài chủ tọa phiên tòa cũng không nhịn được cười.
- Chẳng có gì để nói thêm nữa à? Không đâu, anh bạn thân mến ạ, có điều cần phải nói đấy…
- Thưa Tòa, tôi chỉ định nói rằng. - Tarara lại đặt bàn tay lên chỗ trái tim giảng giải. - Rằng tôi đã giết vợ, có vậy thôi. Tôi đã giết nó, đúng thế, thưa Tòa, thưa các vị thẩm phán, tôi đã giết bằng chính hai bàn tay này, bởi vì tôi không thể không giết nó. Có vậy thôi ạ.
- Tôi yêu cầu các vị giữ trật tự cho! Không ai cười nữa! - Ngài chủ tọa phiên tòa nổi cáu, rung chuông liên tiếp. - Các vị quên đang ở đâu à? Đây là phòng xử án. Tòa đang xử một kẻ sát nhân. Nếu các vị còn cười tôi yêu cầu tất cả ra ngoài hết. Thưa các vị thẩm phán, còn các vị, tôi cũng xấu hổ thay cho các vị, vì tôi bắt buộc phải nhắc các vị tôn trọng không khí nghiêm túc của việc xét xử?
Rồi cau mày giận dữ, ngài chủ tọa quay về phía bị can:
- Anh vừa bảo không thể không giết được, nghĩa là sao?
Gian phòng trở lại im lặng. Tarara ngượng nghịu nói:
- Thưa Tòa, ý tôi muốn nói rằng tôi không có lỗi trong chuyện này.
- Sao lại không có lỗi?
Đến đây viên luật sư trẻ tuổi, do Tòa chỉ định không nhịn được, cảm thấy bổn phận của mình là phải đứng lên phản đối giọng nói gay gắt của ngài chủ tọa.
- Xin lỗi, thưa ngài chủ tọa phiên tòa. Ngài làm như thế sẽ làm bị can bối rối! Tôi cảm thấy anh ta nói rằng không có lỗi là nói đúng, bởi vì kẻ có lỗi là chị vợ anh ta, chị đã phản bội chồng đi lại với ông sĩ quan kỵ binh Phiorica. Điều này đã rõ ràng.
- Xin lỗi ông luật sư, nhưng tôi yêu cầu ông không cản trở công việc của những người xét xử! - Ngài chủ tọa giận dữ ngắt lời viên luật sư. - Hãy để bị can phát biểu. Tarara, anh nói tiếp đi. Anh đồng ý với ý kiến người bào chữa của anh không?
Lúc đầu Tarara lắc đầu, sau đó anh nói rõ thêm:
- Thưa Tòa không ạ. Con vợ bất hạnh của tôi cũng không có tội. Chỉ mỗi một người có tội… chính là bà vợ ngài sĩ quan Phiôrica. Bà cứ nhất định không chịu để mặc cho cái chuyện kia diễn ra thầm kín, như trước đó vẫn diễn ra. Thưa Tòa, bà tay gây chuyện om sòm làm cái gì ở bên cạnh nhà tôi ở như vậy? Thưa Tòa, bà ta làm ầm ĩ đến nỗi những hòn đá lát trên đường cũng phải xấu hổ khi nhìn thấy ngài sĩ quan đáng kính - mà tất cả dân làng chúng tôi đều nhìn ngài xưa nay như thế - vậy mà lúc ấy ngài chỉ có mỗi chiếc áo lót trên người, cởi truồng, nằm trong túp lều rách của một con mụ nhà quê bẩn thỉu. Thưa Tòa, chỉ có Chúa mới biết chúng tôi nghèo khổ đã phải vất vả như thế nào, nhẫn nhục đến đâu để có được miếng bánh mì.
Trong khi Tarara nói tất cả những điều ấy bằng giọng run run vì xúc động, cặp mắt nhòa lệ, hai bàn tay co quắp ôm lấy ngực, thì dưới hàng ghế khán giả, tiếng cười rộ lên. Người ta cười không thể ghìm lại được, nhiều người ôm bụng lăn ra đất mà cười. Nhưng ngay cả trong tiếng cười ấy, ngài chủ tọa phiên tòa cũng vẫn nhận ra được chiều hướng mới của cuộc xét xử do bị can tạo nên. Viên luật sư trẻ tuổi cũng hiểu ra được như thế. Anh thấy rằng toàn bộ kế hoạch bào chữa cho bị can do anh công phu chuẩn bị lúc này tan ra thành mây khói. Anh quay sang nhìn bị can và ra hiệu cho bị can ngừng lại.
Nhưng muộn mất rồi. Ngài chủ tọa phiên tòa giận dữ rung chuông, hỏi bị can:
- Nghĩa là anh thú nhận có biết từ trước chuyện vụng trộm của vợ anh với ngài sĩ quan Phiôrica?
- Thưa ngài chủ tọa, - viên luật sư trẻ tuổi chồm dậy nói chen vào. - Xin lỗi, nhưng tôi… nhưng tôi…
- Tôi làm sao? - Ngài chủ tọa phiên tòa thét lên ngắt lời luật sư. - Tôi đang cần làm rõ thêm một điều.
- Tôi phản đối cách hỏi của ngài, thưa ngài chủ tọa.
- Ông không có quyền phản đối, thưa ông luật sư. Người điều khiển cuộc thẩm vấn là tôi!
- Nếu như vậy tôi xin trao trả nhiệm vụ bào chữa
- Tùy ông… Nhưng ông nói nghiêm chỉnh đấy chứ? Bởi vì chính bản thân bị can đã thú nhận.
- Không, xin lỗi. Thưa ngài chủ tọa! Bị can chưa hề thú nhận gì hết. Anh ta chỉ mới nói rằng, theo ý kiến anh ta người có lỗi là bà Phiôrica đã gây chuyện đánh ghen om sòm bên cạnh nhà anh ta.
- Cứ cho là như thế! Nhưng ông lấy lý do gì mà cản trở tôi trong việc thẩm vấn bị can? Tôi muốn hỏi xem anh ta có biết từ trước việc chị vợ anh ta dan díu với ngài sĩ quan hay không?
Trong lúc ấy, rất nhiều người ngồi xem phiên tòa gào lên và làm dấu ra hiệu cho Tarara đừng nói kiểu vừa rồi nữa. Ngài chủ tọa lại nổi nóng và quát yêu cầu mọi người trật tự, dọa nếu không sẽ đuổi tất cả ra ngoài.
- Bị cáo Acgienta, hãy trả lời Tòa, anh đã biết từ trước là vợ anh vẫn dan díu với ngài sĩ quan phải không?
Hoang mang, bối rối, Tarara liếc nhìn viên luật sư rồi đưa mắt bao quát phòng khán giả. Cuối cùng anh lẩm bẩm tự hỏi:
- Tôi phải trả lời là không hay sao?
- Ngu lắm! - Một ông già nông dân ngồi hàng ghế cuối cùng gào lên.
Viên luật sư trẻ tuổi đấm mạnh xuống ghế giận dữ rồi đứng lên, ngồi sang chỗ khác.
- Anh phải khai thật, và như thế chỉ có lợi cho anh! - Ngài chủ tọa phiên tòa hướng về phía Tarara.
- Thưa Tòa, tôi nói trắng ra sự thật, - Tarara lên tiếng là lần này anh đặt cả hai bàn tay lên ngực. Sự thật là thế này: mọi sự vẫn diễn ra và tôi để yên, coi như không biết. Bởi vì đúng là như thế, thưa các ngài thẩm phán. Quan hệ dấm dúi giữa vợ tôi và ngài sĩ quan không ai biết cho nên chẳng ai dám nói vào mặt tôi. Thưa các ngài thẩm phán, tôi nói điều ấy bởi vì tôi chỉ là một thằng nhà quê dốt nát. Một kẻ nghèo khổ như tôi, suốt tuần, từ mờ sáng thứ hai đến tối mịt thứ bảy đổ mồ hôi trên đồng ruộng thì còn hiểu biết được cái gì kia chứ? Chuyện vợ phản bội là chuyện mấy ai tránh được? Tất nhiên nếu có ai ra ngoài đồng, chỗ tôi làm, nói vào tai tôi rằng: “Tarara, con vợ anh ở nhà tằng tịu với ông sĩ quan Phiôrica” thì tôi không thể có cách nào khác là vớ lấy cái rìu chạy về nhà bổ vào đầu nó một nhát. Nhưng thưa Tòa, không ai đến bảo với tôi như thế. Còn tôi thì mỗi khi có dịp về thăm nhà giữa tuần, tôi đều cẩn thận nhờ người báo trước cho vợ tôi. Thưa Tòa, tôi nói thế để chứng tỏ rằng tôi không định làm phiền ai hết. Đàn ông là đàn ông, thưa Tòa, và đàn bà là đàn bà. Điều đó là rõ ràng. Anh đàn ông nào cũng cần hiểu rằng đàn bà bản tính là như thế. Không thể nào không phản bội chồng được. Kể cả khi chị ta ở liền bên cạnh chồng, ý tôi muốn nói là kể cả khi anh chồng không vắng nhà suốt cả tuần như tôi. Thế nhưng phận sự người đàn bà là phải giữ tiếng cho chồng, đừng để kẻ nào giễu cợt, chê trách chồng. Thưa Tòa, thưa các vị thẩm phán, có những thứ, thưa các ngài thẩm phán kính mến, có những thứ làm nhục anh chồng hơn là những lời đồn đại, đấy là khi sự việc hiển nhiên khiến anh ta không thể nhịn được và cũng không được phép nhịn. Thưa Tòa, thưa các vị thẩm phán, tôi xin thề rằng vợ tôi xưa nay vẫn tôn trọng tôi, vẫn giữ cho tôi không bị mang tiếng, mặc dù cả đời chưa bao giờ tôi làm rụng một sợi tóc của nó. Các ông các bà hàng xóm của tôi có thể chứng nhận cho tôi chuyện ấy. Nhưng thưa các vị, thật bất hạnh cho tôi, bà vợ ngài sĩ quan ấy lại chạy đến và gây chuyện om sòm… Thưa các vị, nếu như các vị cho đòi bà ta đến đây, tôi xin có lời với bà ấy! Thưa các vị, đúng những bà lắm mồm là thứ đáng sợ hơn mọi thứ! Giá như tôi được gặp, tôi sẽ bảo bà ấy rằng: “Nếu như ông nhà tằng tịu với một mụ đàn bà đã có chồng nào đó, thì bà muốn làm om sòm thế nào tùy bà, tôi không có ý kiến gì. Nhưng tại sao bà lại lôi tôi vào cuộc, tôi vốn là kẻ thích yên ổn. Không bao giờ tôi thích dính mũi vào chuyện người khác. Tôi thích sống mà không nghe thấy gì hết, không nhìn thấy gì hết, chỉ cắm đầu suốt từ mờ sáng đến tối khuya, hết ngày này sang ngày khác, hết tuần này sang tuần khác để kiếm miếng bánh mì…”. Giá như có bà ấy ở đây tôi sẽ nói với bà ấy rằng: “Đối với bà chuyện kia chỉ là trò đùa giỡn. Bà đánh ghen, làm ầm ĩ thực ra cũng chỉ để giải sầu. Chỉ hai ngày sau bà lại bỏ qua và lại hòa thuận với ông nhà như chưa có chuyện gì xảy ra hết. Bà không hề nghĩ đến chuyện bà làm cho một thằng chồng phải dính vào. Bà không hề nghĩ rằng một thằng chồng khi kẻ khác cười vào mặt tất phải giữ thể diện và phải tiến hành một biện pháp nào chứ. Giá như bà đến gặp riêng tôi, báo cho tôi biết việc ông nhà đi lại lén lút với vợ tôi, thì tôi sẽ bảo bà ta rằng: “Ôi dào! Đàn ông chúng tôi từ khi lọt lòng mẹ đều có tính thích đi săn rồi! Bà quan tâm làm gì đến một con mụ nhà quê bẩn thỉu? Ông sĩ quan chồng bà đã quen ăn thứ bánh mì trắng bột mịn mua ở Pháp, thì thỉnh thoảng ông có thích sài thứ bánh mì đen thô thiển, bột to lổn nhổn cho lạ miệng cũng chẳng đáng để bà để bụng!”. Tôi sẽ nói với bà ta như thế, thưa các vị thẩm phán. Và khi ấy chắc chắn bà ta sẽ nghe ra và chẳng xảy ra cái chuyện vừa rồi. Cho nên tất cả chỉ do lỗi của bà vợ ông sĩ quan.
Ngài chủ tọa phiên tòa lại phải rung chuông, và lần này phải rung dữ dội một lúc lâu mới dẹp yên được công chúng. Họ đón bài diễn văn thú tội của Tarara bằng những tiếng gào thét và những tiếng cười điên cuồng.
- Nghĩa là anh đã thú nhận tội lỗi? Ngài chủ tọa hỏi bị can.
Anh chàng Tarara thở hổn hển, lắc đầu:
- Thưa Tòa, không đâu ạ. Tôi có thú tội gì đâu ạ. Tôi chỉ nói trắng ra sự thật, thưa Ngài.
Vì cái sự nói trắng ra sự thật ấy, Tarara lĩnh án mười ba năm tù.
Anh Chồng Của Vợ Tôi Anh Chồng Của Vợ Tôi - Luigi Pirandello Anh Chồng Của Vợ Tôi