Số lần đọc/download: 131 / 20
Cập nhật: 2020-06-24 21:50:40 +0700
Chương 2
T
hế là mùa hạ thứ ba ta xa Tổ quốc”. Một đêm ngắm nhìn sao trời, tôi đã thì thầm. Từ ngày tôi yêu Hùng thì mùa hạ trở thành mùa rung vang và rạo rực nhất trong tôi. Mỗi một vòm cây dưới trưa, mỗi một chùm phượng đỏ chói, mỗi một tiếng ve và mỗi một ngọn gió Hồ Tây đã thấm đẫm trong tâm hồn tôi.
Tôi nhớ mùa hạ đầu tiên đi chơi với anh. Đó cũng là kỳ nghỉ hè đầu tiên của tôi ở trường đại học. Mãi về sau tôi không sao lý giải được rành mạch rằng tại sao tôi lại đi theo anh như thế. Tôi đã biết anh từ mấy năm trước khi tôi đến nhà Hương, bạn học cùng lớp và là em gái anh. Những lúc có bài khó, chúng tôi đều nhờ anh giảng. Tôi quý anh và rất trọng tài học của anh. Những ngày đó thật vô tư. Nhiều buổi chiều học xong, chúng tôi bắt anh đi trèo sấu, hoặc bắt anh chiêu đãi kem que. Trong ký ức tôi, tôi còn nhớ tôi coi anh như người anh trai của mình. Sau đó anh nhập ngũ. Những ngày đó đến nhà Hương, cứ bước vào đến cổng, tôi chợt thấy như hẫng hụt. Tôi không còn được trêu chọc anh nữa. Tính nết tôi thay đổi. Nhiều lúc ngồi học, tôi nghĩ về anh, Hương phát hiện ra sự thay đổi của tôi, nó đe:
- Cô khác lắm rồi đấy, công chúa ạ!
- Chẳng có gì khác cả - Tôi cãi - Cậu nhầm rồi đấy.
- Tôi không phải loại người đần độn đâu. Liệu mà học. Cô mà trượt thì tôi cũng chết theo với mẹ cô đấy.
Nhưng chỉ ngay sau đó, nó lại thì thầm:
- Này, “cậu bé” nào bắt hồn mày đấy?
- Chẳng có cô, cậu nào cả.
- Đừng có mà giấu tao. Thôi được, cô cứ việc giữ lấy “lâu đài bí mật” của cô - Nó vùng vằng.
Khi nó bỏ ra ngoài sân, tôi im lặng và mỉm cười một mình. Tôi tự hỏi: “Mình yêu anh ấy rồi sao?”, nhưng sau đó tôi lại hoảng hốt: “Chết thật, mình còn trẻ con thế này mà..”. Rồi tôi cố gạt đi ý nghĩ của tôi về anh. Nhưng cứ bước vào nhà anh thì tôi lại thấy nhớ anh vô hạn.
Thế rồi anh đi mãi. Cho đến mùa hè đầu tiên của tôi ở trường đại học, anh về phép. Buổi chiều ấy tôi đến nhà Hương. Vừa đến cửa, gặp anh, tôi sững người kêu lên:
- Anh Hùng!
Anh cười nhìn tôi. Anh vẫn thế, rất ít nói, chỉ cười. Tôi thấy người nóng bừng. Tôi lúng túng không hỏi xem anh về lúc nào mà lại hỏi Hương:
- Hương đâu anh?
- Cô học sinh này lạ thật - Anh cười và nói - Thầy giáo về phép chẳng hỏi thăm gì cả, mà lại đi hỏi người khác.
Ngày anh còn ở nhà, chúng tôi cứ đùa gọi anh là thầy giáo.
- Nói vui vậy thôi. Vào nhà đi Phụng, Hương nó về quê với mẹ anh từ hôm qua rồi. Trong quê có giỗ.
Tôi lúng túng bước vào nhà. Anh pha nước mời tôi:
- Em chiêu đãi anh đi chứ. Vào được đại học là do công thầy mà cứ làm ngơ.
- Anh về khi nào? - Tôi khẽ hỏi anh. Tôi vốn là một cô gái táo tợn. Vậy mà trước anh, tôi vụng về đến thế.
- Anh về được ba ngày rồi.
- Anh về nghỉ phép à?
- Anh nghỉ mấy ngày rồi đi vào trong kia.
- Thế hả anh? - Tôi sửng sốt hỏi.
- Vậy là chậm hơn bạn anh đấy. Chúng nó có lẽ vào đến chiến trường rồi, thích thật - Anh ngừng nói. Một lát sau anh hỏi tôi - Sao em không viết thư cho anh?
- Anh có viết cho em chữ nào đâu - Tôi cãi.
- Anh viết chung cho em và Hương chứ còn gì.
- Ứ. Thế mà cũng gọi...
- Anh nhớ Hương và em lắm - Anh nói và nhìn thẳng vào mắt tôi.
- Vì bọn em hay bắt anh trèo sấu chứ gì?
Anh mỉm cười lắc đầu.
- Bác trai đâu anh?
- Bố anh đi khu Bốn.
- Anh về có gặp bác không?
- Bố anh đi trước đó một ngày.
- Thế mà em không biết. Cuối năm học bọn em cứ rối cả lên. Tổ chức liên hoan này, viết lưu niệm này, tiễn một số bạn con trai cùng lớp nhập ngũ, vui lắm. Con gái chán thật, chẳng được đi đâu cả.
- Em ở lại ăn cơm với anh nhé. Anh ăn một mình buồn lắm.
Tôi không nói gì. Tôi chỉ thích được ngồi nghe anh nói. Anh đứng dậy đưa giỏ và tiền nói tôi đi chợ. Tôi đạp xe đi chợ. Khi xách giỏ bước xuống bếp, tôi chợt cảm thấy tôi như một người đã khác. Ngôi nhà của anh sao thân quen với tôi đến thế, từng chiếc ghế, những chiếc xoong nhôm, bể nước.
Tôi búi gọn tóc và bắt tay vào làm thức ăn. Anh đứng tựa cửa, lặng lẽ nhìn tôi. Tôi cảm thấy tiếng ve trong những vòm sấu trước cửa nhà anh đang hát một điệu hát lạ. Hình như có một cái gì đó trong tiếng ve kia âm vang lạ lùng. Tôi chợt thấy tôi tất bật và trầm xuống như một người nội trợ của ngôi nhà này. Tôi thấy ngọn lửa trong bếp như đã quen thuộc với tôi từ xưa và sẽ cùng tôi mãi mãi.
Tôi dọn cơm lên bàn và mời anh ngồi ăn cơm. Anh và tôi ngồi đối diện nhau. Đó không phải là bữa cơm đầu tiên tôi ngồi cùng anh. Nhưng bữa cơm chiều ấy chỉ có tôi và anh. Tôi lặng lẽ nhìn anh ăn.
- Em ăn đi chứ. Cứ ngồi vậy, anh ăn hết cho mà xem.
- Em không đói lắm.
- Gớm nhỉ, sinh viên rồi có khác. Họ ăn uống cũng khác đi - Anh đùa tôi.
Ăn cơm xong, anh rủ tôi đi chơi Hồ Tây. Tôi lặng lẽ đi theo anh. Thành phố đã lên đèn, nhưng từ những vòm cây bên đường, tiếng ve vẫn ran ran.
Hình như từ lúc gặp anh, tôi không làm chủ được mình nữa. Anh nói gì, tôi làm theo anh như thế. Chúng tôi ngồi xuống bãi cỏ ven hồ. Những ngọn gió phóng túng cứ từng đợt, từng đợt như sóng tràn đến phủ kín chúng tôi.
- Em biết Hồ Tây giá trị nhất là cái gì không?
- Em không biết.
- Gió. Gió đấy. Mỗi một đợt gió như xóa sạch mọi nghi ngờ, mệt mỏi trong người.
- Anh cứ như nhà văn ấy - Tôi nói.
- Anh cảm thấy như thế nhiều lần rồi thì anh nói. Thứ anh mà lại như nhà văn. Thế em có biết Hồ Tây về đêm đẹp nhất gì không?
Anh hỏi và thú vị nhìn tôi. Nếu người khác hỏi thì tôi sẽ tìm mọi cách để trả lời, nhưng ngồi bên anh tôi không còn tâm trí đâu mà nghĩ được nữa. Tôi quay mặt về phía anh lắc đầu.
- Đẹp nhất là những ngọn đèn ven hồ.
Sau câu nói ấy chúng tôi im lặng. Cả hai nhìn về phía bờ xa có những quầng sáng đèn mờ ảo. Chúng tôi cứ ngồi như thế rất lâu, đắm chìm trong gió đêm mát rượi và rộng lớn.
- Về đi anh, không mẹ em mong.
Anh không nói gì, đứng dậy. Anh đèo tôi về nhà anh để lấy xe đạp của tôi. Khu phố anh mất điện tối om. Anh loay hoay mãi mới mở được cửa.
- Vào nhà đi Phụng, để anh đi tìm diêm.
Tôi bước vào ngôi nhà của anh tối om.
- Đưa tay đây anh dắt - Anh nói và đưa tay về phía tôi. Tôi như bị thôi miên. Tôi đưa tay ra và chạm tay anh. Anh nắm chặt lấy bàn tay tôi và bỗng kéo mạnh tôi vào lòng anh. Anh vòng tay ôm ghì lấy tôi.
- Ôi - Tôi nhớ, tôi chỉ kêu lên được như thế, và ngay sau đó, tôi như bị ngất đi trong vòng tay của anh.
Sau này gặp anh ở Trường Sơn, tôi vẫn nói với anh:
- Đêm ấy anh làm em sợ đến chết đi được.
Cũng sau đêm ấy, cứ mỗi lần nghĩ đến giờ phút đó, tôi như người bị bệnh huyết áp cao, hai thái dương căng nhức và tưởng như tắc thở.
Anh ôm siết tôi vào lòng và hôn lên tóc tôi.
- Phụng ơi!
- Dạ.
- Anh yêu em.
- Cái Hương nó biết nó sẽ mắng em mất mặt cho mà xem.
- Sao lại mắng? Nó biết anh yêu em, nó sung sướng lắm đấy.
Anh nói và hôn lên đôi môi của tôi. Tôi hoảng sợ mím chặt môi lại. Anh bế xốc tôi lên và loạng choạng bước đi trong bóng tối ra phía sân sau.
- Anh thắp đèn lên đi! - Tôi thì thào.
- Mặc kệ, không phải thắp.
- Hàng xóm họ thấy tối đèn, họ nghi... thì chết.
- Họ muốn nghĩ thế nào mặc họ - Anh nói và ôm siết tôi vào.
Ngoài sân sau, anh ngồi trên đống gạch nhỏ được xếp gọn. Tôi nằm ngoan ngoãn trong lòng anh.
- Bao giờ anh đi?
- Năm ngày nữa.
- Anh lên đơn vị xin nghỉ thêm mấy ngày nữa.
- Không được đâu - Anh nói khẽ.
- Em không muốn anh đi đâu cả. Em không cho anh đi.
- Em nói chuyện buồn cười thật. Anh đi rồi anh lại về.
- Anh cho em đi theo, anh nhé.
- Em đi sao được. Em phải học chứ. Vả lại, ai người ta cho trẻ con đi - Anh nói và cười.
Những ngày sau, đêm nào tôi cũng đi chơi với anh. Những buổi chiều đó, tôi đến, anh vẫn trèo sấu cho tôi và Hương. Sát ngày anh đi, tôi chuẩn bị gấp gáp cho anh những gì tôi nghĩ ra được. Mấy chiếc khăn tay, mấy hộp diêm, mấy bao thuốc lá tôi mua tiêu chuẩn của bố tôi, mấy hộp dầu cao.
Sáng hôm tôi tiễn anh ra bến xe cùng Hương, khi anh lên xe, tôi khóc. Tôi không còn thấy ngượng ngùng vì Hương đứng cạnh tôi.
- Anh ơi! - Tôi gọi run rẩy - Anh đi bao giờ anh về... Em đợi anh...
Thế rồi, sau hai năm tôi đi theo anh thật. Tôi viết đơn đến lần thứ ba thì được chấp nhận. Ngày tôi đi, mẹ tôi khóc. Tôi cũng khóc. Tôi đi vì không khí lên đường của tuổi trẻ Thủ đô ngày ấy và vì tôi nhớ anh. Tôi muốn tự mình tìm anh. Tôi cứ tin rằng tôi sẽ gặp anh ở mặt trận.
Nhưng phải hai năm sau tôi mới được gặp anh. Đó là chuyện vô cùng hiếm trong chiến tranh. Thật lạ, tôi không gặp một người bạn cũ ở mặt trận, mà tôi lại chỉ gặp riêng anh.
Đúng vào đêm tôi được đơn vị cử đi nhận nhiệm vụ mới. Tôi phải đến binh trạm 412 rồi từ đó, có người đón tôi đưa đi tiếp. Từ đơn vị tôi về đó cũng phải đi bộ mất khoảng sáu tiếng đường rừng. Khi đêm xuống thì tôi lên đường. Đi được một phần tư đường thì tôi nhập vào một tổ công tác của binh trạm 412. Họ cũng đi công tác xa và đang trên đường trở về.
Mưa tạnh từ chiều nhưng con đường còn hết sức lầy lội. Chúng tôi dò dẫm trong đêm. Thỉnh thoảng, đồng chí trưởng đoàn công tác của binh trạm lại hỏi khẽ:
- Đồng chí nữ có đi được không? Hay ta nghỉ một phút?
- Dạ, được - Tôi lí nhí đáp và cố bám sát họ.
Bỗng tôi trượt chân ngã. Một người trong nhóm nhanh nhẹn tách ra khỏi hàng, bước đến chỗ tôi và đỡ tôi dậy.
- Chị để tôi mang ba lô giúp.
Tôi sững người vì giọng nói quá quen. Đêm tối quá, tôi không thể nào nhìn rõ mặt anh. Tim tôi đập thình thịch. Thấy tôi im lặng, anh lo lắng hỏi:
- Hình như chị bị đau phải không? Tôi có dầu cao đây. Chị xoa đi, kẻo đi một đoạn nữa là sưng vù lên đấy.
- Không, không - Tôi luống cuống đáp - Xin lỗi, giọng anh quen quá... Đúng rồi, có phải anh Hùng không?
Tôi nói như không kịp thở. Anh không nói gì, im lặng. Tôi nhận thấy bóng anh run lên.
- Phụng! - Anh kêu lên, giọng lạc đi - Hùng đây...
- Anh ơi! - Tôi kêu lên và lao vào anh. Anh ôm ghì lấy tôi. Tôi thấy anh thở hổn hển.
- Anh nghe giọng em từ đầu... nhưng anh không dám nghĩ... là em.
Nghe anh nói, tôi òa khóc. Anh trưởng đoàn của anh bước lại gần phía sau anh và hỏi:
- Người quen hả Hùng?
Anh từ từ buông tôi ra và quay lại:
- Báo cáo đồng chí, đây là Phụng...
- Trời ơi! Phụng đấy hả?
- Bấm đèn pin lên để nhận mặt nhau đi nào.
- Bật đèn lên đi! Sợ quái gì...
Tôi cứ đứng khóc trong niềm hân hoan của đồng đội anh.
Khi về đến binh trạm thì trời gần sáng. Anh và bạn bè anh tất tưởi lo đi kiếm một cái gì đó để chiêu đãi tôi.
Sau bữa ăn, chúng tôi không ngủ. Anh dẫn tôi ra một bờ suối gần dãy lán của binh trạm. Chúng tôi ngồi dưới gốc một cây si dại, rễ trùm kín gốc.
- Em đi tìm anh mãi - Tôi nói thổn thức.
- Em có nhận được lá thư nào của anh không?
- Có. Thời gian đầu. Còn sau này thì không. Em nhớ anh quá và em viết đơn nhập ngũ.
- Thật là may mắn, chứ làm sao mà tìm được.
- Dù biết là vô cùng khó, nhưng em cảm thấy nhất định em sẽ gặp được. Nếu em cứ đi học và đợi anh trở về thì em không chịu được... Em sợ lắm.
- Anh sẽ về chứ, anh không chết được đâu.
- Chiến tranh chứ có phải bài toán thi cuối cấp đâu mà anh tin vào đáp số của anh.
- Nhưng sự trở về của anh là có đáp số, đó là em, đó là tình yêu của em, anh phải trở về để cưới em.
Nghe anh nói, tôi gục đầu vào ngực anh mà khóc.
- Tiếng Anh của em thế nào rồi? Có gọi được mấy thằng Mỹ bỏ súng không?
Anh hỏi và cười. Cái cười của anh vẫn như ngày xưa.
- Vì em biết tiếng Anh, nên họ yêu cầu em đi nhận nhiệm vụ mới. Nhưng em cũng chưa biết là nhiệm vụ gì.
Rồi tôi ríu rít kể chuyện về gia đình của anh, và chuyện Hà Nội cho anh nghe. Cuối cùng tôi hỏi anh:
- Bao giờ thì chiến tranh kết thúc hở anh?
- Anh không biết. Nhưng rồi nó phải kết thúc.
- Em muốn chiến tranh kết thúc để em được trở về nấu cơm và giặt quần áo cho anh, như buổi chiều đầu tiên em yêu anh ấy.
- Chúng ta sẽ kết thúc chiến tranh. Chúng mình và đồng đội chúng mình sẽ trở về. Anh sẽ lại trèo sấu cho em.
Suốt những ngày gần tôi, hễ cứ rời công việc là anh lại đưa tôi đi chơi trong rừng. Cứ sau mỗi bước đi, chúng tôi lại đứng lại bên nhau. Tôi cứ muốn đi mãi trong rừng với anh cho đến một lúc nào đó không thể đi được nữa và chúng tôi sẽ nằm xuống thảm lá khô và ngủ bên nhau như hai đứa trẻ bị lạc mẹ.