I like intellectual reading. It's to my mind what fiber is to my body.

Grey Livingston

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngô Thế Vinh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2795 / 65
Cập nhật: 2015-08-03 19:53:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
rời đổ tối rừng bắt đầu khó đi dù đoạn đường chỉ còn dăm điếu thuốc. Người Tây phương ước lượng bằng giờ bay, người Thượng có thói quen tính khoảng cách bằng thời gian nhẩn nha hút xong một điếu thuốc, thứ thuốc rê đặc biệt cay nồng của họ. Để tránh mọi bất trắc, viên sĩ quan cho lệnh hạ trại với ý định tiến vào ấp mục tiêu khi trời vừa sáng. Bước sang ngày thứ ba của cuộc hành quân thuộc chiến dịch Đồng Tiến nhằm giải thoát và di tản đồng bào Thượng từ các hóc núi hẻo lánh đến bờ quốc lộ 21, một xa lộ tối tân không thua kém những con đường tốt nhất của Âu Mỹ. Cách đây ngót một trăm năm, nó chỉ là một con đường mòn thương mại dẫn những người Thượng xuống miền xuôi trao đổi buôn bán. Cũng chính bằng con đường mòn M'Drack này, vào đầu thế kỷ thứ XIX bác sĩ Yersin đã từ Nha Trang tiến sâu vào cao nguyên và tìm ra khu nghỉ mát Đà Lạt và sau đó những đoàn quân viễn chinh Pháp nối gót bác sĩ Yersin đánh chiếm cao nguyên và đã gặp sức kháng cự anh dũng của những người dân thiểu số. Cuối cùng phải nhờ sự chiêu dụ của các linh mục thừa sai, người Pháp mới bắt đầu vững chân ở cao nguyên và cũng tương tự sau này chính các vị mục sư như Denman giúp người Mỹ thiết lập những trại LLĐB đầu tiên trên đó.
“Trong số những vị tù trưởng nổi tiếng chống Pháp thì Y Knul dòng dõi dân Rhadé là tay cừ khôi nhất. Ngay cả bây giờ khi nhắc tới ông ta, các vị già cả bô lão của chúng tôi còn nhớ và kể lại những chiến công oanh liệt, tài săn voi thần tình và cả sức mạnh vô địch khiến mọi thổ dân phải thần phục và tôn xưng ông làm Chúa.”
Tên hướng dẫn người Thượng là Y Chơn, tốt nghiệp tiểu học nguyên là thông ngôn và là trung sĩ LLĐB Mỹ giải ngũ. Ngoài tiếng Pháp tiếng Mỹ hắn nói tiếng Việt thật sành sõi. Theo Y Chơn thì ngày mai chúng tôi sẽ tới một buôn Nueng thuộc sắc dân Djarai, dân ở đó còn giữ tục cà răng căng tai nên vẻ mặt trông dữ tợn nhưng bản chất hiền lành, sống cuộc đời thiếu thốn nhưng thật nhàn nhã chẳng lo gì tới ngày mai. Một năm họ chỉ đốt rừng làm rẫy vào mùa tháng Mười còn sau đó thì vào rừng kiếm mật ong vỏ quế và đan những đồ mây để đổi chác. Trong việc trao đổi với người miền xuôi, vì họ chưa biết xử dụng tiền bạc bằng giấy mà chỉ quý trọng những vật có hình thể nên họ thiệt thòi và bị lợi dụng khi buôn bán. Nói về cộng sản, không những người Thượng chán ghét mà họ còn khiếp sợ. Đã từng có những cán bộ cộng sản cũng cà răng, nói tiếng thổ ngữ sống trà trộn với người Thượng trong các buôn ấp nhưng cuối cùng đã thất bại chẳng lôi kéo được họ vì người Thượng thấy bị lợi dụng với những hứa hẹn hão huyền chẳng đưa họ tới đâu. Có tiếng gọi Y Chơn của viên sĩ quan trong máy, hắn vội vã bỏ đi. Trời đã xẩm tối, tôi ở lại loay hoay với những cành cây để móc xong chiếc võng. Và nỗi hoang mang lo sợ trong rừng sâu cũng giảm bớt vì những xông pha can đảm của đám lính. Vả lại tài nghệ của viên sĩ quan chỉ huy khiến tôi tin tưởng, hắn tốt nghiệp trường võ bị Đà Lạt, thấm nhuần lửa đạn mang đầy vẻ phong sương chiến đấu. Dù mới chỉ là một sĩ quan cấp uý nhưng với rất nhiều thành tích và huy chương. Lính thuộc cấp vừa sợ vừa mến phục hắn: ngoài tài đánh giặc, viên Trung uý còn nổi tiếng là một tay chịu chơi, một thanh niên hào hoa, sống với trận địa nhưng không phải là xa lạ với thế giới ăn chơi của Sài Gòn, hắn có thể nói tên những cô đào của sàn nhảy Baccara cũng dễ như khi đọc bản đồ quân sự rắc rối. Nói về chiến dịch Đồng Tiến nhằm định cư các đồng bào Thượng ra ven quốc lộ, viên Trung uý bảo:
“Gây oán là mình, gia ân là tụi nó. Mỹ nó thâm và đểu thế đấy ông nhà báo ạ. Xua dân đốt làng thì mình lãnh, còn công việc cứu trợ thì tụi nó giành lấy. Bất cứ cái gì không nên không phải là tụi nó oán chánh phủ trong khi chỉ biết một mực tri ân toà Đại sứ Mỹ. Anh cũng biết khi tụi nó cúp trợ cấp thì kế hoạch sụp đổ hết, chúng ta đã có kinh nghiệm đó từ những ấp chiến lược Thượng mấy năm trước.”
Risque contre risque, hắn bảo thế. Mình ở cái thế yếu không thể làm khác hơn. Giữa cộng sản và Mỹ, chúng ta chọn một kẻ thù ít nguy hiểm hơn nhưng không mang những ảo tưởng về nó. Và tôi không ngạc nhiên khi phải chứng kiến ở ngày thứ hai một xô sát giữa viên sĩ quan và tên cố vấn Mỹ. “Ông chỉ có thể cố vấn viện trợ chứ còn kinh nghiệm chiến trường các ông còn phải học hỏi lại tụi tôi”. Viên Trung uý đã trả lời như vậy trước sự hoạnh họe của tên cố vấn, cùng một lúc hắn ý thức rằng đơn vị không thể không cần cố vấn để yểm trợ và không vận. Sang đến ngày thứ tư, phần vì khó chịu sự thiếu hợp tác phần vì vất vả quá mức trong vấn đề di chuyển, Schmidt cáo bệnh rời khỏi đơn vị bằng chuyến trực thăng riêng của bộ Tư lệnh; khó khăn chờ chúng tôi ở những ngày tới.
Khi Y Chơn trở lại thì trăng đã lên cao, qua kẽ hở của những cành cây và khe lá, trăng rừng mang một vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa hùng vĩ. Tôi nghĩ tới cái nhạt nhẽo của những mảnh trăng treo nơi thành phố, nghĩ tới đám bạn hữu đang lặng lẽ sống ở đó. Tôi vừa sống với họ ở những hôm qua và lạc lõng trong rừng sâu hiện giờ, giữa hai cái hiện tại dường như có cả một khoảng cách.
"Anh chưa ngủ sao, có nghe thấy gì lạ không?"
Tôi không hiểu câu nói của Y Chơn, tôi cũng không nhận ra một âm thanh khác lạ nào ngoài cái không khí quen thuộc của rừng núi như vượn rúc cú kêu hay tiếng vỗ cánh khô khan của một giống chim lạ nào đó. Nơi dừng quân cách buôn bên kia một con suối, tiếng nước đổ từ một ghềnh cao và những cơn gió hút. Trong suốt mấy ngày di chuyển, tôi cũng chưa hề gặp dấu vết của thú dữ, trừ những loại rắn. Bom đạn và chiến cuộc xua đuổi khiến thú rừng ít hẳn đi mặc dầu trước kia những bộ lạc ở khu rừng này nổi tiếng về tài săn bắn.
"Không mà sao, Y Chơn?"
"Cũng không xa nhưng tại anh ở ngược chiều gió, đội thám sát về báo là dân làng đang đốt đuốc đánh trống khua cồng rộn rã. Đó là dấu hiệu bất thân thiện của thổ dân sửa soạn chống cự và ngăn khách. May là chúng ta chưa qua suối, không có dấu hiệu gì là họ sẽ tấn công nhưng vấn đề an ninh phải đặt ra cho đêm nay nghĩa là tất cả ở tình trạng ứng chiến. Tôi cũng mong là không có gì xảy ra cho tới ngày mai, nếu không nhiệm vụ của chúng ta trở nên khó khăn hơn nữa. Vả lại anh cũng biết là tiếng Djarai tôi nói được rất ít."
"Chắc trong buôn có mấy người biết tiếng Pháp?"
"Tôi cũng hy vọng là như vậy, nhưng điều cốt yếu là chúng ta phải kiên nhẫn tỏ thân thiện dù bị tấn công hay khiêu khích trước. Nợ máu thì lại gọi tới máu, tôi đã nói với ông Trung uý như thế."
Tiếng gọi của máu, đó là một trong những câu nói văn hoa của tướng Thuyết trong những bài tuỳ bút ông viết về cao nguyên; núi rừng đã nhiễm vào tâm hồn ông vẻ thi sĩ. Nhắc tới tướng Thuyết, Y Chơn bảo ông là nhà cai trị có bàn tay sắt bọc nhung, các tay tranh đấu nghe tên đều ngán ông ấy hết.
"Ông ấy chịu khó học các thổ ngữ Thượng mặc dầu rất giỏi về tiếng Pháp và trong bộ tham mưu không thiếu gì những thông ngôn."
"Nhưng làm thế nào để học tiếng Djarai khi mà họ chưa có chữ viết?"
Nghe tôi nói Y Chơn cười kể lại rằng không phải là chưa có mà người Thượng đã sơ ý đánh mất chữ viết của họ.
"Tục truyền rằng khi Đức Phật đi vào cao nguyên truyền giảng, đồ đệ theo ngài đông vô kể, người Thượng cũng đến nghe và được ngài dạy viết cho. Trong khi mọi người dùng lá cây khô để viết thì người Thượng giết trâu lột da để viết. Khi về tới nhà vì không chịu cất giấu kỹ nên khi chủ nhà ngủ say, nửa đêm con chó ngửi thấy mùi thịt liền ngậm miếng da mà ăn đi, từ đó người Thượng mất luôn cả chữ viết."
Giai thoại vì xao lãng ngủ say làm mất cả chữ viết gợi lại một quá khứ mất nước vì tật mê gái của nhà vua khiến người Thượng bơ vơ tới ngày nay. Nỗi mệt nhọc của một ngày cũng tan biến theo ý nghĩ đấu tranh bải hoải để chỉ sống với những tâm hồn giản dị và nỗi đe doạ hoang sơ của rừng núi. Những bếp lửa thổi cơm đã dập tắt còn ánh lên một chút than hồng heo hút. Tiếng côn trùng nỉ non, tiếng một con rắn huýt gió và từng chập những tiếng bước chân người đạp lên lá khô. Từ một gốc cây gần đâu đây, thoảng một giọng ca Huế gợi nhớ và buồn ảo não của người lính không rõ mặt mũi. Tôi nghĩ tới Nguyện, dòng sông Hương và khung cảnh sống của những ngày sắp tới. Người đàn bà truỵ lạc nhưng không thể đồng hoá với người khác; giữa nàng và đời sống vẫn có một bức tường ngăn cách. Tôi cô đơn khi xa nàng nhưng đồng thời sự gần gũi cuồng nhiệt của dục vọng chính là những phú run rẩy hấp hối của hạnh phúc. Sự cô đơn thật khủng khiếp khi thân thể bị lạm dụng cho mục đích khám phá cảm giác. Tôi hoàn toàn mất Nguyện ở những giây phút giãy dụa đó.
"Anh có nghe thấy gì không?"
Y Chơn hỏi tôi. Hình như gió trở nên mạnh và đổi chiều. Bóng trăng lung lay trên nền lá. Tiếng cồng tiếng trống nghe khoan nhặt và thoảng xa như một điệu nhạc tan trong sương, đầy vẻ man dại nhưng không có dấu hiệu hung dữ. Có thể lúc này các chiến sĩ Djarai đang nhảy múa bên ngọn lửa hồng, thúc trống đôn quân chờ đón những người khách lạ dừng bước từ bên kia con suối. Y Chơn bảo:
"Sự dừng bước bên ta được coi là dấu hiệu thân thiện cho ngày mai đi tới. Tốt nhất đừng có đổ máu vì chúng ta sẽ đụng phải những chiến sĩ Djarai quả cảm, sự thiệt hại đôi bên sẽ rất lớn. Họ là những tay thiện sạ nếu không là cung nỏ thì là súng, đủ thứ có thể là AK của Tiệp Khắc hoặc M16 tối tân nhất của Mỹ."
Chờ vấn xong một điếu thuốc rê rồi mồi lửa, Y Chơn bắt đầu tự cười mình nói châm biếm:
"Cái khoản như tôi không thể nào được họ chấp nhận làm chiến sĩ vì có một hàm răng họ coi giống như dã thú. Lẽ ra ở vào tuổi 14, tôi phải chịu tục cà răng như họ. Anh có biết không, họ coi đó là một biểu lộ dũng cảm và lòng can đảm, và nếu yếu bóng vía mà phải chứng kiến thì đó là một hành hạ thể xác thật khủng khiếp. Chỉ trong một ngày gã thiếu niên phải tự mình dùng đá mài hay dao rừng tiện tới xát chân cả hàm răng sau đó chỉ dùng một chút khói cỏ đốt trên lưỡi dao trít vào vết thương để cầm máu."
Cảm giác ghê rợn khi đọc những truyện của Jack London về lột da người cũng không làm tôi rùng mình bằng sự đau đớn hấp hối của những đầu dây thần kinh bị mòn mỏi chà xát. Sự mô tả của Y Chơn khiến tôi muốn kên răng và buốt cả óc. Không phải chỉ bởi quan niệm thẩm mỹ của người Thượng về một hàm răng giống dã thú mà là một chứa đựng triết lý lớn lao về sự đau khổ trên thân xác, họ đã vượt xa ác thú bằng một lựa chọn thử thách cũng như những Sa-môn trên bước đường tự hành xác. Y Chơn khuyên tôi nên ngủ để lấy sức cho cuộc hành trình cả ngày mai. Khi y bỏ đi, tôi cũng chui mình vào túi vải hưởng thụ một cách thấm thía cảm giác ấm áp của thú gối chăn giữa cái lạnh cắt da của rừng núi. Sự mỏi mệt dìm sâu tôi vào một giấc ngủ đầy mộng mị với bùng bình những tiếng trống phèng la từ một buôn ấp nào đó ở trên cao và đàng xa mãi bên kia ngọn suối.
Trời còn tối hơn đêm, đám lính tráng đã trở dậy lo cơm nước. Con trăng chìm sâu vào biển sương đục mờ mờ như sữa, những giọt sương từ lá nhỏ xuống má tê buốt. Cả chiếc túi ngủ cũng ướt đầm như trải qua một cơn mưa lớn. Những người lính thật khổ cực, không làm gì có một giờ giấc ăn ngủ cho đời sống, ăn thì toàn lương khô uống nước suối, sót ruột thì hái rau chuối lót lòng. Vậy mà họ vẫn ca hát với đời sống gần bên nỗi chết không rời.
Cũng như từ ba hôm, sáng nay tôi ngồi nhai một túi cơm khô nở mềm trong nước. Vị ngọt của từng miếng cơm pha chút xì dầu làm ngon miệng khiến tôi cảm tưởng có thể ngồi ăn mãi. Mấy người lính ngốn ngấu ăn sống hết cả rổ rau má thay cho sà lách. Cơm nước và lều trại dọn cuốn xong cũng chỉ vừa đúng năm giờ sáng. Tiểu đội tiền sát được lệnh khởi hành trước, chúng tôi chỉ bắt đầu di chuyển vào lúc bảy giờ sáng khi bình minh đã ló dạng. Tôi đến hỏi Y Chơn:
“Tại sao lại có dấu hiệu chống đối của thổ dân. Liệu có Thượng cộng trà trộn trong buôn đó không?”
“Nếu có cũng không có gì đáng kể, tụi nó rất tránh đụng độ như anh đã thấy. Còn sự chống đối theo tôi có nhiều lý do trong đó có sự sợ hãi trả thù của cộng sản. Người Thượng không ưa gì cộng sản nhưng rất sợ sự tàn bạo của họ. Chiến dịch Đồng Tiến sẽ sụp đổ nếu không gây được niềm tin là họ sẽ được chánh phủ hoàn toàn bảo vệ.”
“Thiện chiến và can đảm như vậy tại sao họ không tự chiến đấu mà lại chờ đợi ở chánh phủ?”
“Súng phun lửa và võ khí tối tân có thể thiêu cháy cả thân thể và lòng dũng cảm của họ, bởi vậy triết lý của họ là phải tồn tại trước đã.”
Y Chơn giúp tôi hiểu rằng đã qua rồi thời kỳ của cung nỏ, gậy tầm vông và áo vải, cũng qua rồi thời kỳ an toàn của rừng sâu và trận chiến tranh du kích. Tất cả đã biến thể và mang một kích thước mới. Mặt trời của buổi mai trên cao nguyên không rực rỡ nhưng cũng đủ ấm và làm tan những lớp sương đêm. Nắng rẻ quạt sau những thân cây, cảnh đẹp ước lệ của một buổi bình minh đầy tiếng chim ca hót. Tiểu đoàn chia làm ba cánh quân cách nhau vượt qua suối. Tôi tháp tùng bộ chỉ huy ở đạo quân đi giữa. Phải mất hơn hai giờ để vượt qua một đoạn rừng chưa đầy hai cây số. Tiểu đội thám sát điện về cho biết không có dấu hiệu kháng cự nào của đồng bào. Công việc còn lại chỉ là giải thích, canh giữ an ninh và cho khuân tải đồ đạc để di chuyển về hậu trạm, chờ phương tiện xe cộ chở tất cả ra vùng bìa của quốc lộ đã ấn định sẵn.
Khác với những chờ đợi căng thẳng của hôm qua, tôi không ngờ tình trạng có vẻ dễ dàng đến như vậy. Những người lính xúm vào phụ khiêng vác. Bên trong những ngôi nhà sàn thơ mộng, ngoài con dao và chiếc gùi, không còn gì thực sự đáng giá. Vị trưởng buôn nói tiếng Pháp cho biết thỉnh thoảng cộng sản có mò về xách nhiễu dân chúng nhưng khi nghe quân đội tới, chúng đào tâåu mất hết. Ông tỏ vẻ thân thiện và chấp nhận cuộc tản cư của chánh phủ. Mọi sự diễn ra tốt đẹp, tôi thu vào ống ảnh nhiều bức hình độc đáo. Mấy thiếu nữ Djarai ngực trần có vẻ đẹp của những bức tượng khỏe mạnh chứ không gợi dục như tranh vẽ của ông mục sư Denman. Vì không chịu bán, tôi cho gã thanh niên chiếc bật lửa để đổi lấy cây khèn bằng trúc mà tôi có ý định mang về tặng Davis. Bỗng có một tiếng thét khủng khiếp, thật là đau đớn, tiếp theo là những tràng súng nổ vang của những người lính có bổn phận canh gác. Cả khu rừng ầm ĩ những tiếng súng và tiêng hô xung phong. Tất cả nhanh nhẹn phân tán vào vị trí chiến đấu, bỏ trơ lại tôi với những người dân Thượng không biết gì nhưng cũng xanh xao sợ hãi. Tôi mất mọi phản ứng và hầu như tê liệt trong giây lát. Tôi vững tâm với tinh thần chiến đấu cuồng nhiệt của những người lính, hoả lực mở rộng ra khu rừng ngoài. Y Chơn bị trúng phải một mũi tên độc thật sâu nơi mắt trái, chắc thuốc ngấm làm hắn oằn oại rên la đau đớn. Y tá và cả viên sĩ quan trợ y đều xúm lại nhưng thật lính quýnh. Mũi tên được rút ra kéo theo dòng máu đỏ tươi, thân tên đầy nhựa đen và ngả sang màu tím thẫm. Schmidt đi rồi, không có viên cố vấn Mỹ khó mà gọi trực thăng di tản. Thuốc độc cực mạnh chạy vào máu chắc hắn sẽ không qua khỏi trước khi về đến hậu trạm.
Rồi mọi tiếng súng im bặt làm nổi bật cái vắng lặng thê lương của rừng núi. Đám lính tụ tập trở về kéo theo xác một người đàn ông Thượng, giỏ tên độc còn bên lưng, đầu bị đạn M16 xuyên nát không còn nhận ra được mặt mũi. Có lẽ để tránh phần trách nhiệm, vị trưởng buôn bảo hắn là Việt cộng. Sự thật ra sao cũng không biết nữa. Y Chơn được cứu chữa bằng lá thuốc, dù hy vọng qua hỏi hắn vẫn bị hư một mắt. Không chết, dầu sao hắn cũng may mắn. Mặt trời đứng bóng và đổ nắng. Say khói súng đám lính trở nên nặng tay và nóng nảy, họ nổi lửa đốt từng chiếc nhà sàn ngay trước những vẻ mặt đầy bơ vơ ngơ ngác. Khi ngọn lửa đỏ còn cháy hừng hực, họ xua người và vật rời xa khỏi chốn thôn bản, nơi chôn nhau cắt rốn.
Sau nhiều giờ phá mở đường, đoàn xe đưa đồng bào ấp Nueng từ hậu trạm ra đến khu định cư ven quốc lộ. Không xa khu định cư là trại binh Mỹ với một dàn đại pháo cao ngất trời. Tôi gặp lại ông bà mục sư Denman ở khu tiếp cư. Đến lúc này hình ảnh giết người của mũi tên độc với sức công phá dữ dội của những viên đạn M16 vẫn còn ám ảnh tôi mãi. Hình như tất cả thảm kịch và diễn trình tiến bộ văn minh nhân loại mấy ngàn năm thể hiện đầy đủ trên cái xác của gã đàn ông Thượng Djarai bị ném vào đống lửa hồng hôm đó.
Vòng Đai Xanh Vòng Đai Xanh - Ngô Thế Vinh Vòng Đai Xanh