Tôi không thể cho bạn một công thức thành công, nhưng tôi có thể cho bạn một công thức cho sự thất bại, đó là: cố gắng làm vừa lòng mọi người.

Herbert Bayard Swope

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 141 / 13
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
hững cây bàng đỏ như đốt đuốc cũng không thể sưởi ấm được không gian. Càng chiều gió càng hun hút. Ngọn gió từ Ô Đồng Lầm thốc lên, qua ga Hàng Cỏ lúc này đã vãn khách, vắng teo, ngoặt vào cái phố nhỏ, quét lá me lá sấu trên đường, trên mái nhà, gieo điệu nhạc buồn tanh khô xác. Bây giờ cũng là lúc tan tầm. Đường phố bắt đầu đen bóng người. Nhưng trừ số ít công chức cao cấp đi xe đạp, xe xích lô, thảng hoặc cũng có ông có xe hơi riêng đưa đón, còn thì hầu hết viên chức, thợ thuyền đều là dân cuốc bộ, đếm gạch vỉa hè.
Cái đám thợ thuyền, viên chức hết giờ làm từ các hãng Avia, Rơnôn, nhà in Tôpanh, nhà hàng Gôđa, nhà dầu Shell... Tản ra các phố nhỏ, về tới cuối phố Sinh Từ thì cũng chỉ còn dăm bẩy người, dăm bẩy cái bóng áo tơi, áo bạt, nón mê, xo xúi, đi như chạy trốn ngọn gió. Mới chớm đông mà đã rét. Trốn cái rét, người ta hấp tấp, vội vàng chui lủi vào các ngõ ngách ở cuối con phố, những xóm nhà lá nghèo nàn mới dựng, cạnh những bãi rác sặc mùi xú uế. Vả, vào lúc này còn việc gì mà ở ngoài phố! Chiến tranh đang vào hồi quyết liệt. Năm một ngàn chín trăm bốn tám sắp qua. Càng về những ngày áp tết, Tây culít [1] càng hoạt động dữ. Và cũng đang là mùa khô. Hà Nội, cái căn cứ lớn trong vùng tạm chiếm của Tây, lúc nào cũng ầm ào những đoàn xe chở đầy binh lính, vũ khí, đi đi về về. Chiến sự ở ngoài kia, trên Phú Thọ, dưới Ninh Bình, chiến sự có thể ở ngay trên đường phố này.
[1] Police (tiếng Pháp): Từ dùng để chỉ nhân viên cảnh sát thời Pháp thuộc
Tuy vậy, thành phố vẫn là đô thị của sự làm ăn, buôn bán đang kỳ hồi phục. Chiến tranh hối thúc các ngành nghề, mở mang, giục giã riết róng những đòi hỏi gắt gao của lính tráng. So với ngày toàn quốc kháng chiến, cuối năm một ngàn chín trăm bốn sáu, giờ Hà Nội đã thêm nhiều điều mới mẻ. Điện đường nhiều hơn và đèn ống nêông đã được dùng phổ biến, đem lại vẻ hoa lệ hào nhoáng cho phố phường lúc đêm buông.
Quả thật, ở những phố Tây và khu vực quanh Bờ, trung tâm buôn bán, những phố nhỏ loanh quanh như bàn cờ, nơi tập trung nhiều rạp hát, rạp chiếu bóng, lúc này người chen người, dưới ánh sáng rực rỡ của những những dòng chữ điện tử tung lên không trung để quảng cáo cho thuốc lá, nước hoa, phấn sáp, tơ lụa, mặt người hồ hởi mà bỗng nhợt thếch đi như mặt nạ hề tuồng. Chưa ở đâu mật độ các quán bar, các hàng giải khát, các tiệm ăn mọc lên dày đặc như ở đây. Ở đây, tiếng người the thé giật lên, rống lên, chen lấn với nhạc suynh, tănggô, bôxtông sướt mướt, thướt tha và tiếng đàn hạ uy di lả lướt, phá rã nền nếp thanh lịch êm đềm vốn có, nhưng lại thích hợp vô cùng với các chú lính Tây, lính Lê Dương rạch mặt, lính dù, commăngđô lúc này đã đổ ra khỏi doanh trại, gấp gáp tận hưởng cuộc sống khoái lạc sôi cuồng.
Vầng sáng ăn chơi ở những khu phố ấy hắt về tận cuối phố Sinh Từ. Ở đây, tắt điện. Nhờ vậy, ông Thân dắt cái xe đạp Sămpionna đứt xích đi trên hè phố vẫn nhìn thấy những miệng cống, đường rãnh để tránh né.
Đã định qua đường, ông Thân bỗng dừng lại.
Bất ngờ, từ đường hàng bột một đoàn xe háptrắc nổ máy rầm rầm, rẽ lối ngoặt vào. Cái phố đang yên tĩnh bỗng như có động đất. Quả thật đất có rùng rung như sóng chuyển. Và những khối sắt thép xanh đen lầm lũi giống những con quái vật đã gây kinh động cả phố phường. Người rạt hết lên vỉa hè. Xe bò, xe tay nép cả vào dệ đường. Chuyến tầu điện đi hà đông dừng khựng, trố con mắt đèn độc nhất nhìn chúng vừa hậm hực, vừa sợ hãi.
Tuy vậy, đoàn háptrác tuần tra chỉ có dăm chiếc nên chúng cũng chỉ khua động, làm mất cái mạch lạc của nhịp sống có ít phút. Khi chiếc xe cuối cùng đã đã qua khỏi nhà in Minh Sang ở giữa phố, ông Thân liền dắt xe, qua đường.
Chiếc xe không chắn bùn, chắn xích lăn lọc xọc vào ngõ, cái ngõ sâu hút tá túc đa phần là dân lao động, thợ thuyền, những kẻ bán sức độ nhật và người buôn thúng bán bưng, nghề ngỗng linh tinh. Vào ngõ rồi, chiếc xe còn ngoặt ngoẹo vài lần nữa. Thoạt tiên nó đi qua căn buồng xép của ông Tứ buôn đồ cổ, kế đó là ông Năm chữa xe đạp, bà Hùy bún ốc, ông Quảng cai xe, rồi đến mấy gia đình chồng đạp xích lô, vợ chạy chợ, nhà nào cũng lúc nhúc con cái, chật chội và bẩn thỉu.
Ông Thân ngoại bốn mươi, cao gầy, da bánh mật, mặc áo vét, quần kaki, chân đi giầy ba ta trắng, dáng con nhà thể thao. Ông làm thợ sửa chữa máy ở hãng Avia. Ngày nào cũng như ngày nào, vào quãng này, tức lúc thành phố lên đèn, ông Thân mới về nhà. Vợ mất vì đạn giặc đúng cái đêm 19 tháng 12 năm 1946 khởi đầu cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, người đàn ông góa vợ này thành không còn bận bịu việc gia đình. Phần khác, sau giờ làm, ông còn ở lại dậy anh em trong hãng tập đá bóng, tập đua xe đạp, nhất là tập quyền anh. Ông Thân vốn là võ sĩ quyền anh đã nổi tiếng một thời.
Ngoặt đi ngoặt lại mãi, cuối cùng chiếc xe đạp mới vào tới cái sân nhỏ đất đen như than, lõng thõng những giây phơi quần áo. Giữa sân, lù lù một chiếc xích lô, ngự trong lòng xe là một người đàn ông đầu ngửa, cằm hếch như ở tư thế cạo râu, đang ngáy rền rền.
Nghe tiếng bánh xe lăn lọc xọc, người đàn ông nọ liền tỉnh giấc và nhổm dậy, reo khàn khàn:
— Bác Thân! Bác Thân đấy ạ?
Ông Thân dừng bước:
— Bác Nhự, đêm nay bác chưa đi làm à?
— Bác Thân! Bác có tin mừng đấy, bác ơi!
Vừa lúc phía cuối cái sân chung của các hộ, có tiếng vòi xối nước xòe xòe và một người đàn bà vừa ngắt đoạn tiếng mắng con, đã quay ra, lảnh lót:
— Mừng bằng bắt được vàng rồi, bác Thân ơi!
Ông Thân thấy ngực mình như bị bóp mạnh. Ông có tin mừng! Nhưng mà tin mừng gì thế nhỉ? Chẳng lẽ là... Đứng lại ở trước căn buồng cuối cùng của dẫy nhà, ông đứng lặng.
Cửa căn buồng gia đình ông vẫn đóng kín. Mọi khi thì Cường, con trai út của ông ra tận ngõ đón ông kia. Hôm nay, chắc là Cường đi học chưa về? Vậy trong nhà lúc này còn có ai? Và sao lại mừng, lại mừng như bắt được vàng? Hay là Nhân đã về? Chẳng lẽ là Nhân đã về thật rồi ư?
— Ba!
Hai cánh cửa gỗ vừa bung mở cùng với tiếng reo gọi của một thiếu niên. Và dẫu là đã dự đoán, ông Thân vẫn bị bất ngờ khi nhận ra cậu con trai thứ hai của mình, một vóc hình thiếu niên rắn rỏi và quen thuộc từ gương mặt tròn trịa với hai con mắt thâm trầm, nổi lên trong ánh điện ấm áp của căn buồng.
— Nhân! Nhân, con!
— Ba, ba... Con đây. Con là Nhân đây.
Xô ngay qua khuôn cửa, đáng lẽ ôm chầm lấy Nhân thì ông Thân sững lại. Hai bàn tay ông run rẩy như lên cơn sốt. Định đưa lên xoa đầu con, nhưng nghĩ thế nào ông lại rụt tay lại, lật bật mở mấy cái khuy áo khoác. Rồi sau khi treo cái mũ nan lên mắc áo, ông mới lui lại một bước và đứng đờ nhìn con. Nhân đứng đó, nét quen chen nét lạ. Thoát một hơi thở thật dài, hai vai thõng hẳn xuống, ông có cảm giác như đang ở trong chiêm bao.
Thế là Nhân, con trai thứ hai của ông đã trở về, trở về sau hai năm trời như biến vào vô tăm tích!
o O o
Ông Thân làm thợ ở hãng Avia từ năm mười sáu tuổi. Nay ông đã có ba con trai. Bốn bố con trong cái gia đình thợ này rất nghèo, nhưng may thay, họ được ông trời phú cho sự giầu có vô cùng quý báu, ấy là cái sức khỏe; hơn nữa, những thiên bẩm về thể thao.
Nhìn về xa hơn, đấy là một dòng họ khỏe. Tổ tiên họ có nhiều người đỗ tiến sĩ võ, được thăng hàm quan võ trong các triều đình phong kiến, đã từng lập nhiều công trạng trong việc giúp dân, giúp nước tiễu trừ giặc giã, yêu quái. Ông nội ông Thân nổi danh là đô vật hàng tổng, bảy mươi tuổi ngày hội làng giật giải quán quân ăn hết hai cân mỡ lá sống và chục cái bánh đa, chín mươi tuổi chưa rụng một cái răng, gánh hai bó lúa mỗi bó buộc cái lạt bằng cả cây tre non.
Phiêu dạt từ đất Nam Định lên Hà Nội từ khi tóc còn để trái đào, nhưng kể từ lúc vào tuổi thiếu niên cho tới khi đi làm thợ, ông Thân chẳng bao giờ thôi mê thể thao. Nghèo, nhưng mỗi tháng cũng bớt hai hào đóng cho câu lạc bộ quyền anh, để ngày ngày được vào đó tập luyện. Xà đơn, xà kép, nhẩy cao, nhẩy xa, đá bóng, chạy đường trường, chạy tốc độ, đánh bốc, đua xe. Nhất là môn đánh bốc và môn xe đua, hai môn mới bắt đầu thịnh hành, sau khi từ châu Âu du nhập vào nước ta. Cả hai môn, chẳng bao lâu ông đều nổi tiếng. Đua xe thì đua vòng chảo, đua đường trường, chiếc xe đơn sơ, vành nông, lốp không gờ, không tanh, săm xe như cái ruột mèo, thế mà vẫn cứ hơn đứt những chiếc xe sang trọng, xe thửa của mấy anh nhà giầu. Năm 1931, ông dẫn một đoàn cuarơ [2] làm một chuyến du lịch bằng xe đạp lên ải Nam Quan, rồi từ đó ngày đi, đêm nghỉ, vào tận Sài Gòn, gặp gỡ, thắt chặt mối dây thân ái với các cuarơ Nam Kỳ. Ông Thân còn là cầu thủ của đội bóng đá chuyên nghiệp của thành phố, là võ sĩ quyền anh nổi tiếng từ năm ba mươi của thế kỷ.
[2] Coureur (tiếng Pháp): Người đua xe đạp
Mấy người con trai, xem ra cũng muốn nối nghiệp cha. Dư, con cả của ông, năm 1945 vào Nam Kỳ dự cuộc đua Sài Gòn - Nam Vang. Cách mạng tháng Tám, rồi tiếp đến cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ bùng nổ, hiện Dư vẫn ở lại trong đó. Nhân là con thứ hai của ông Thân, học trò đệ thất trường Chu Văn An, cũng yêu thể thao, mặc dầu vóc hình thoạt vào tuổi thiếu niên, không có cái vẻ cao lớn, to phộp như chú Cường, con út.
Trong ba đứa con, ông Thân thương Nhân nhất. Có lẽ vì thấy Nhân từ bé bản tính hiền lành nhu thuận. Càng thương hơn từ khi Nhân thất lạc. Ông Thân tham gia Ủy ban công nhân cứu quốc sau ngày cách mạng tháng Tám năm 1945. Đêm kháng chiến bùng nổ, ông bị mất liên lạc với tổ chức. Mấy hôm sau, đi tìm vợ mới biết bà đã bị đạn lạc chết trên đường tản cư, còn Nhân thì biệt tăm, không thấy trở về. Ông Thân lặn lội đi tìm Nhân. Bà Nhự hàng xóm bán cá ở chợ Đồng Xuân cũng dò dậm hỏi han mọi chỗ hộ ông. Người bảo có thấy Nhân ở Liên khu I, thấy Nhân làm liên lạc cho bộ đội.
Rồi Nhân rút theo Trung đoàn Thủ đô ra ngoài vùng tự do. Lại có tin Nhân đã chết.
Hai năm qua, nỗi xót thương con như cào xé lòng cha. Ông Thân buồn. Đã mất người vợ thân yêu, nay đứa con lại không biết bơ vơ chân trời góc bể nào.
Nay thì Nhân đã về. Nhân yếu ớt mảnh khảnh, hay bị bọn bạn lớn hung hãn bắt nạt. Nhân học hành thông minh nhưng ốm đau, quặt quẹo từ nhỏ, lúc mười ba tuổi còn gầy yếu, hai chân cò hương ống sậy, đã về. Về, sau gần hai năm trời bặt vô âm tín.
Giờ thì Nhân bằng xương bằng thịt đã về đây rồi!
Nhân đã về với vóc hình, gương mặt, khí chất nét quen chen nét lạ. Nét quen là hai con mắt gan lì, hơi ngước lên như thói quen của võ sĩ đánh bốc. Và nét lạ thì phảng phất ở mỗi chi tiết trong vóc hình và trong cảm quan tổng hòa tỏa ra từ cốt cách Nhân. Vượt qua tuổi mười lăm, Nhân đã là một thiếu niên hoàn thiện thể chất; Nhân cao vượt lên, vai rộng ra, da mặt như thoa một lớp nước mật, rắn rỏi đầy vẻ tự tin, chững chạc, đàng hoàng. Nhân là sự tạo tác của cuộc sống trong những ngày chiến tranh, trong lao động vất vả và lưu lạc vừa qua.
Như muốn lưu giữ lại cho riêng mình cảm xúc bồi hồi phút gặp con, ông Thân đứng dậy, nhẹ nhàng khép hai cánh cửa.
— Úi!
Bật kêu một tiếng, ông Thân vội né một bên. Cường, con út ông, to phục phịch, tay xách một cặp lồng phở vừa đâm sầm vào nhà.
— Con mua phở cho anh Nhân. Còn cơm nguội, ba ạ.
Ngồi xuống cạnh phản, ông Thân âu yếm nhìn Cường đang vừa xuýt xoa vừa đặt cặp lồng phở xuống cạnh Nhân, miệng liến thoắng kể rằng, đêm qua nằm mê thấy anh Nhân về, rồi anh Tùng đến chơi, mấy anh em đèo xe đạp nhau lên Hồ Tây.
— Ăn đi, con.
Ông Thân khe khẽ bảo Nhân. Cường bê nồi cơm nguội đến cạnh tấm phản:
— Anh Nhân này, anh còn nhớ phở gánh ông còm ở hàng đồng không? Ông ấy đi bộ đội, nghe nói thế, nhưng mới trở về hồi tháng trước. Có khi ông ấy...
Nhân xúc cơm nguội, đổ vào cặp lồng phở, trộn đều. Mùi hành, mùi thịt, mùi nước dùng bốc lên ngào ngạt, nức mũi. Con trai Hà Nội anh nào mà chả thích món phở trộn cơm nguội!
— Trời, trông giống thằng Dư như đúc, bác Thân nhỉ.
Ngoài cửa, hắt vào giọng một người đàn bà. Ông Thân ngoảnh ra, tươi tỉnh:
— Bác vào chơi, bác Nhự.
Người đàn bà trạc ba mươi lăm, mặt tròn, người đậm, bước vào, vuốt quét trầu hai bên mép, ngồi xuống rìa tấm phản. Đó là bà vợ ông Nhự xích lô. Bà bán cá ở chợ Đồng Xuân, vốn người mau mắn, tính tình xốc nổi, nhưng giầu tình nghĩa xóm giềng.
— Ông Nhự, ông vào xem thằng Nhân đây này. Xem có lẻo khoẻo cò hương nữa không nào!
Người đàn bà cười, nhô hai cái lưỡng quyền cao, óng mượt. Ông Nhự, người ngồi trên cái xích lô lúc nãy, bước vào, giọng ồ ồ:
— Tôi đang đạp xe ở Ô Cầu Rền thì thấy cậu ấy đi lùi lũi. Vội đuổi theo; đến chợ đuổi thì mới dám gọi: “Nhân! Có phải Nhân đấy không?” cu cậu mừng quýnh, nhẩy ngay lên xe.
— À, ra là thế! - Ông Thân ngửng lên.
Ông Nhự cười hà hà:
— Hổ phụ sinh hổ tử rồi đấy, bác Thân ạ.
Cường ngước lên, mắt lóng lánh kiêu hãnh. Bà Nhự nghiêng xuống:
— Thế hồi ấy... Cháu đi những đâu, Nhân?
Nhân đặt cái cặp lồng không xuống. Chưa mùi mẽo gì so với sức ăn. Nhưng tắc lẻm một tiếng, Nhân ngượng nghịu gãi gãi gáy:
— Dạ! Cháu làm liên lạc cho các anh Vệ quốc đoàn ở Liên khu I rồi theo các anh ấy rút ra khỏi Hà Nội thì bị lạc. Đêm tối, chẳng biết đường đi thế nào, cháu cứ theo mấy bà đi chợ, hôm sau hỏi ra thì đã sang đất Nam Định. Ở đây, cháu được gia đình một bác nông dân nuôi. Cháu chăn trâu, cắt cỏ, xay lúa, giã gạo... Được hơn một năm, đúng lúc cháu đang định tìm đường về quê nội cháu thì gặp một trận Tây đi càn. Thế là cháu bị chúng nó bắt. Chúng nó đưa cháu về... Tới đuôi cá thì cháu trốn.
— Khe khẽ chứ, cậu.
Ông Nhự thì thào. Bà Nhự bô bô:
— Việc gì mà phải khe khẽ! à, cậu Nhân, có phải cậu bị Tây nó đưa về cùng cái đám người giờ còn nằm ở Nhà cầm đồ Vạn Bảo đó không?
— Cháu không biết ạ.
— Thế thì đúng rồi - Người đàn bà đứng dậy, lau chau - Tôi đi qua Nhà cầm đồ Vạn Bảo, thấy có đến mấy chục các ông các bà từ đâu về đang nằm ngồi ngả ngốn ở đó. Thấy cả cái nhà ông gì hay đến đây chơi bác Thân. Cao cao, gầy gầy, rắn rỏi. Cũng là hay đấu võ...
Ông Thân nhăn nhăn trán:
— Bác Vĩnh Nguyên à?
— Đúng rồi!
— Có phải cái ông đánh ngã cái thằng võ sĩ Lê Dương béo hú tên là Saphe không? - Ông Nhự hỏi.
— Thì chả ông ấy còn ai! Bà Nhự đáp.
— Võ sĩ có hạng đấy!
— Trông ông ấy bây giờ xác xơ xo xúi lắm!
— Võ sĩ ăn nhau là ở cái sức bền, cái nhanh trí, cái gan lì. Chứ đâu phải ở cái mẽ bề ngoài!
Ông Nhự lý sự. Bà Nhự toe toe:
— Tôi thì tôi chỉ thích cái đận ông Thân lên vũ đài đấm nhau với cái thằng culít Tây râu xồm. Tên nó là Đờ Gátxơ nhỉ? Cha con đẻ ra mẹ nó chứ! Cứ tưởng nó chết đâm chết chém, chết đường chết chợ ở đâu rồi. Ai ngờ mấy hôm nay lại thấy cái thằng Tây ăn mắm tôm, Tây giả cầy ấy, cầm dùi cui đứng lù lù ở cổng chợ. Mà cái thằng con cũng lấc láo y như bố nó. Hôm qua, vừa xuống tầu điện, gặp nó, chẳng vì cơn cớ gì mà nó cũng vung chân đá đổ một bên quang gánh của mình...
Ngoài sân chợt lao xao tiếng người. Ông Thân, vợ chồng ông Nhự quay ra. Mấy người hàng xóm quen lệ đến cái sân nhỏ chung của mấy căn hộ, thắp đèn vừa chơi cờ, vừa luận bàn thời thế, cất tiếng gọi ông Nhự.
Cường rửa cái cặp lồng xong, quay vào. Nhân nằm ngả trên cánh phản, ngước nhìn cái giá sách và đôi găng da của cha to phộp treo trên tường.
— Cường à, các bạn anh giờ thế nào rồi?
— Có anh Tùng vẫn hay đến chơi và hỏi thăm anh luôn.
— Vẫn đi học chứ?
— Em ấy à? Em học ở trường Thăng Long. Còn anh Tùng vẫn học ở Chu Văn An. Anh ạ, bọn trẻ con Tây ở trường Anbe Sarô hồi này nhắng nhít lắm. Chúng em chọi nhau với chúng nó luôn đấy.
Nhân hơi nhổm đậy. Vừa định nói thì Cường đã đón trước ý anh trai, cúi xuống:
— Anh ngủ đi, em đi báo tin anh về cho anh Tùng biết nhé.
Nhân duỗi thẳng tay chân, lim dim mắt. Nghe thấy tiếng Cường hì hụi bơm xe, tiếng bánh xe lăn qua cái sân có đám các ông hàng xóm đang chơi cờ tướng; thi thoảng lại lọt vào căn buồng một lời bàn về thế sự:
— Xe háptrác đêm hôm nay nó quần ở đâu mà dữ thế?
— Ôi dà, hai tuần mà đã phải tuyên bố bỏ ngỏ thành Pari cho Hítle thì còn cóc gì là nước đại Pháp nữa mà còn hung với chả hăng!
Võ Sĩ Lên Đài Võ Sĩ Lên Đài - Ma Văn Kháng Võ Sĩ Lên Đài