Nếu bạn cứ chằm chằm nhìn vào mặt xấu của một ai đó sẽ làm anh ta càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích anh ta vươn tới những điều hay mà anh ta có thể, chắc chắn anh ta sẽ làm được.

Johann Goethe

 
 
 
 
 
Tác giả: Graham Green
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Hà Hùng
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1302 / 27
Cập nhật: 2017-12-18 08:35:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1: Bến Cảng
Ông Tench ra khỏi nhà dưới ánh nắng chói chang xứ Mễ tây cơ và trong làn bụi trắng để đi tìm ống ê te. Từ trên mái nhà, một vài con diều hâu dáng đói khát nhìn ông với những đôi mắt hờ hững: ông chưa phải là xác chết. Một chút tức giận nổi lên trong người ông, ông lấy tay gỡ vài cục đá trên đường và ném yếu ớt vào những con chim. Một hai con đập cánh bay lượn lờ trên thành phố, nó bay vòng trên công trường bé xíu, trên tượng bán thân của vị cựu tổng thống, cựu tướng lãnh, cựu nhân sĩ, trên hai cái quầy bán nước khoáng rồi bay tít ra song, ra biển. Nó không có gì để ăn: bên kia sông, cá mập đã lo thu dọn những xác chết. Ông Tench băng qua quảng trường.
Ông chào một người cầm súng ngồi dựa lưng vào tường trong chút bóng râm. Nhưng không giống như bên Anh quốc, người đó không trả lời, chỉ nhìn ông Tench chăm chăm bằng một con mắt nghi ngại như thể ông ta chưa bao giờ có quan hệ gì với người ngoại quốc nầy, như thể ông Tench chưa bịt vàng cho hai răng cấm của ông ta. Ông Tench tiếp tục đi qua nhà thờ cũ, qua Kho bạc rồi ra cảng. Đến nửa đường, ông tự hỏi mình ra đây làm gì? Một ly nước khoáng? Đó là tất cả những gì người ta có thể tìm thấy ở đây, trong cái xứ sở mà cái gì cũng cấm, à mà còn có bia nửa, nhưng đó là độc quyền của nhà nước và rất đắt; người ta chỉ có thể uống vào những dịp quan trọng.Một cảm giác buồn nôn quặn ruột ông Tench. Không, ông không ra đây để mua nước khoáng. A vâng, lọ ê te, chắc chắn thế…Tàu đã cập bến. Ông đã nghe tiếng còi tàu sau bữa trưa, khi ông đang nằm dài trên giường. Ông đi ngang trước nhà ông thợ hớt tóc, nhà của hai nha sĩ, vượt qua nhà hải quan, kho hàng và ra bến sông.
Giữa những đồn điền trồng chuối, con sông lặng lờ trôi ra biển. Tàu General Obregon đang neo đậu trên bến cảng và người ta đang bốc bia…Đã được hơn một trăm thùng chất trên bến cảng. Ông Tench nấp mình trong bóng râm của toà nhà hải quan và tự hỏi:” Ta đến đây làm gì nhỉ?” Dưới sức nóng, cái đầu ông trống rỗng. Ông lại nhổ nước bọt và buồn bã nhìn mặt trời. Rồi ông ngồi xuống một cái thùng gổ để đợi. Không biết làm gì. Không có ai đến nhà ông trước năm giờ.
Tàu General Obregon dài chừng ba mươi mét. Thành tàu đã hư hao, có duy nhất một xuồng cứu sinh, một cái chuông treo bằng một sợi thừng mục nát; đằng trước, một ngọn đèn dầu; nhưng nó có vẻ như còn có thể đương đầu với Đại Tây Dương thêm được hai ba năm nữa nếu nó không chìm trong vịnh khi có gió bão từ phía bắc đến. Điều đó không quan trọng gì. Người ta tự trấn an khi mua vé. Giữa đám gia cầm bị cột chân, năm sáu hành khách đang dựa vào thành tàu nhìn bến cảng: nhà kho, con đường không một bóng người, nhà của các nha sĩ và ông thợ hớt tóc.
Ông Tench nghe tiếng nghiến của bao súng lục phía sau mình và ông quay nhìn lại. Một nhân viên hải quan nhìn ông một cách tức giận. Ông ta nói gì đó mà ông Tench không hiểu.
Anh nói gì? Ông Tench hỏi.
• Răng tôi đâu? Nhân viên hải quan ấp úng.
• A! răng của anh, vâng răng của anh.
Anh nhân viên không có răng, vì thế khó hiểu ông ta đang nói gì. Ông Tench đã nhổ hết răng của anh ta. Ông lại ợ hơi. Có cái gì không ổn, sán, kiết lỵ….?
“ Khuôn răng của ông gần xong rồi,chiều nay ông sẽ có” Lời hứa phi lý. Dĩ nhiên, hoàn toàn phi lý, nhưng người ta sống như thế đó, luôn hẹn lần hẹn lữa. Anh nhân viên hài lòng; có lẽ rồi anh ta cũng quên, tóm lại, anh ta làm được gì nào? Đằng nào tiền cũng đã trả đủ. Đối với ông Tench, cuộc đời là thế đó: nóng nực, quên, hẹn qua ngày mai, yêu cầu trả đủ tiền nếu có thể và rồi, sao? Ông nhìn làn nước sông trôi lặng lờ: phía cửa sông, vây một con cá mập nổi lên như kính tiềm vọng. Qua năm tháng, nhiều con tàu đã chìm ở đây, góp phần chống đỡ đôi bờ sông, những cái ống khói nghiêng nhô lên như những nòng súng hướng đến một mục tiêu nào đó phía xa, sau những vườn chuối và đầm lầy.
Ông Tench tự nhủ:“ Lọ ê te, chút nữa thì quên mất”. Ông buồn bã đếm những chai bia Moctuzema. Một trăm bốn chục thùng. Mười hai lần một trăm bốn mươi: miệng ông khô lại: mười hai nhân bốn mươi tám. Ông nói cao giọng bằng tiếng Anh:” Chúa ơi, cô nàng xinh quá!” Một ngàn hai, một ngàn sáu trăm tám mươi: ông khạc xuống đất và lơ đãng nhìn cô gái đẹp đứng trước mũi tàu General Obregon…Dáng thanh mảnh (những em ở đây thì thường phục phịch), mắt đen và nhất thiết không thể thiếu một cái răng vàng lấp lánh, một chút tươi mát, trẻ trung…một ngàn sáu trăm tám mươi chai, mổi chai một peso.
Ai đó nói với ông bằng tiếng Anh:
“Ông nói gì?”
Ông Tench đột nhiên quay lại.
“Ông là người Anh?” nhưng nhìn khuôn mặt tròn, má trũng với hàm râu tua tủa, ông ta chỉnh lại câu hỏi của mình:
“Ông nói tiếng Anh?”
- Vâng. Người kia đáp. Ông ta như một cái bóng, nhỏ người, mặc áo quần thành thị màu sẫm, cũ mèm. Tay xách vali nhỏ, một cuốn sách cắp dưới nách lòi ra một phần tranh vẽ, một màn âu yếm,màu sặc sỡ.
“ Xin lỗi. Tôi tưởng lúc nảy ông nói với tôi »
Hai mắt hơi xếch. Người khách lạ làm cho ta nghĩ rằng ông ta vừa mới liên hoan sinh nhật một mình.
Ông Tench hắng giọng và khạc đàm.
“ Tôi đã nói gì thế?”
Ông ta không nhớ gì cả.
-Tôi nghe: Chúa ơi, đẹp quá!
- Ơ, tôi nói gì mới được chứ?”
Ông ta nhìn lên trời. Một con diều hâu đang bay lượn như một quan sát viên.
« Gì nào? A phải rồi, có lẽ là cô gái! Ở đây không mấy khi có gái đẹp như thế. Một năm mới có một hai cô đáng để nhìn.
• Cô ta rất trẻ.
• Ô! tôi không có hậu ý gì cả, ông Tench nói cách uể oải. Mình được phép nhìn mà. Tôi sống ở đây một mình mười lăm năm rồi đó.
• Ở đây sao?
• Ở đây hay trong vùng lân cận nầy?
Họ để thời gian trôi qua trong im lặng; bóng nhà hải quan đã dài thêm vài tấc; con diều hầu như đứng im trên không, đen như cái kim một chiếc đồng hồ.
• Đi tàu thuỷ đến đây à?
• Không.
• Ra đi bằng tàu à? »
Người khách nhỏ bé lẩn tránh câu trả lời,rồi hình như ông ta cũng muốn biện minh: « Tôi chỉ ngắm nó thôi, tôi nghĩ là nó sắp rời bến nhỉ? »
• Đi Veracruz trong vài giờ nữa, ông Tench giải thích.
• Không ngừng ở đâu à?
• Biết ngừng ở đâu được nữa? »
Ông nói thêm:
« Ông đến đây bằng gì? »
Người khách lạ đáp gọn lỏn:
« Bằng xuồng.
• Anh có đồn điền à?
• Không.
• Thật thú vị được nghe nói tiếng Anh, ông Tench nói, nhưng anh học tiếng Anh ở bên Mỹ. »
Người lạ gật đầu.Xem ra anh ta ít lời.
« A, tôi sẽ đổi tất cả mọi thứ tôi có để được ở đó trong lúc nầy! »
Ông ta lại trầm giọng, vẻ lo lắng:
« Anh có gì uống không? Trong vali anh đó? Những người bên đó, nhiều khi…Tôi có biết một hai người…Như thuốc ấy mà.
• Tôi chỉ có thuốc, người kia nói.
• Thuốc tây?
Hai con mắt đầy gân máu nhìn lấm lét ông Tench.
“Ông có thể xem tôi là thầy lang băm.
• Ồ, ai cũng phải sống mà.
• Anh đi tàu?
• Không, tôi đến bến cảng để... để... à, mà có gì quan trọng đâu.
Ông Tench đặt tay lên bụng và nói:” Ông có thuốc chống... à! mẹ, tôi không biết chống cái gì nữa. Bệnh của tôi, đó là cái thành phố chết tiệt nầy. Ông không chữa cho tôi được đâu. Không ai chữa được.
• Ông muốn quay về nhà à?
• Nhà tôi? Ông Tench nói. Đây là nhà tôi. Ông có thấy tỷ giá đồng pesô ở Mễ không? Bốn đồng một đô la. Ôi, lạy Chúa tôi, cầu cho chúng con.
• Anh công giáo à?
• Không, không, đó chỉ là một cách nói. Tôi không tin những cái nhảm nhí đó.” Ông lại nói thêm” Nóng quá”.
• Tôi nghĩ là ta nên kiếm một nơi nào ngồi một chút.
• Về nhà tôi, ông Tench nói, tôi có hai cái võng. Tàu chưa đi đâu. Nếu ông muốn xem nó khởi hành,còn lâu.
• Tôi muốn gặp một người, người khách lạ nói, tôi muốn gặp người có tên Lopez.
• Lopez à? Bị bắn cánh đây vài tuần rồi” ông Tench nói
• Chết rồi sao?
• Anh biết ở đây thế nào rồi. Bạn à?
• Không, không. Bạn của một người bạn.
• A! vậy sao. Ông Tench nói. Ông khạc một bãi đờm về phía ánh nắng.” Nghe nói là anh ta đã giúp…Ồ, những người không được lòng….trốn thoát. Vợ anh ta hiện nay sống với tay cảnh sát trưởng.
• Vợ à? Anh ta lấy vợ rồi sao?
• Không, không, ý tôi muốn nói cái cô ở chung với anh ta đó.
• Ông Tench ngạc nhiên khi thấy vẻ mặt của người khách lạ. Ông lặp lại: « Ôi, như thế đấy. »
• Mắt ông khách nhìn chăm chăm chiếc General Obregon.
• «Một cô gái đẹp. Dĩ nhiên, trong hai năm nữa, cô ta cũng sẽ giống như những mụ ở đây, phục phịch, khờ khạo. Ôi, Chúa ơi, tôi muốn uống một ly rượu. Ora pro nobis.
• Tôi có một ít cô nhác, người khách lạ nói.
Ông Tench đột nhiên quay lại.
• Ở đâu?
Người đàn ông có khuôn mặt hóp đưa tay lên hông như thể để chứng minh. Ông Tench cầm tay anh ta.
• Coi chừng, không phải ở đây.
Ông nhìn vào khoảng bóng râm.Một lính gác đang ngồi ngủ, súng để bên cạnh.
• Về nhà tôi, ông Tench khẩn khoản.
• Nhưng tôi muốn xem chiếc tàu khởi hành, người khách ngập ngừng.
• Ối dào, phải vài tiếng nữa nó mới khởi hành, ông Tench đoan chắc.
• Vài tiếng nữa sao? Anh có chắc không? Đứng đây nóng quá.
• Về nhà tôi đi.
“Nhà tôi”, người ta dùng từ nầy để chỉ bốn bức tường trong đó người ta ngủ. Ông ta thực ra chưa bao giờ có nhà. Ông ta đi ngang qua khoảng sân chói nắng nơi có bức tượng bán thân của ông tướng đang trở màu xanh vì đóng rêu, bên cạnh những quầy nước khoáng, dưới bóng mấy cây dừa. Một tấm bưu thiếp trên một đống bưu thiếp: khi xóc nó lên, người ta thấy Nottingham, khu ngoại ô nơi ông sinh ra, một thời gian ngắn ở Southend. Cha ông ta là nha sĩ. Kỷ niệm xa xưa nhất của ông Tench là từ ngày ông ta tìm thấy trong giỏ đựng giấy một hàm răng giả: cái miệng bằng đất sét không răng. Ông ta đã xem đó là món đồ chơi yêu thích của mình, người ta đã dụ dỗ cho ông quên nó đi với một bộ cơ khí, nhưng ông không chịu. Số mệnh đã lên tiếng. Thời thơ ấu, có những lúc cánh cửa mở ra cho tương lai đi vào. Cái hải cảng nóng ẩm nầy với những con diều hâu đã nằm sẵn dưới đáy sọt giấy: chính ông ta đã kéo chúng lên. Hạnh phúc cho chúng ta vì ta không phân biệt được những cái khốn nạn, tủi nhục rải rác trong tuổi thơ của chúng ta, trong các ngăn tủ, trên những giá sách, khắp nơi.
Những con đường không được lót gạch: mùa mưa, khắp làng ( thực ra đây chỉ là một ngôi làng) chìm trong bùn. Nhưng ngày hôm đó, đất dưới chân cứng như đá. Hai người đàn ông đi qua trước tiệm hớt tóc và nhà mấy ông nha sĩ: mấy con diều hâu đã đậu lên mái nhà như là gia cầm; chúng tìm những con ký sinh trùng dưới đôi cánh thô lỗ và bụi bặm. Ông Tench nói:”Xin lỗi”, và dừng lại trước một căn nhà một tầng bằng gỗ nhỏ, có mái hiên và một cái võng. Cái nhà lớn hơn những nhà bên cạnh chút xíu, dọc theo con đường dẫn xuống và mất hút trong đầm lầy cách đó hai trăm mét. Ông Tench nói giọng sôi nổi: “Ông có muốn xem cơ ngơi một chút không? Không tự hào, nhưng tôi dám nói tôi là nha sĩ tốt nhất trong vùng. Nhà được đấy chứ?”
Niềm kiêu hãnh lung linh trong giọng nói của ông.
Ông ta vào trước, khoá cửa cẩn thận; đi qua phòng ăn có hai cái ghế xích đu đặt hai bên bàn, một ngọn đèn đầu, vài tờ báo Mỹ cũ,một cái tủ.
“Tôi sẽ mang ly ra, ông nói, nhưng trước hết để tôi cho ông xem…Ông là người có học….”
Phòng nha sĩ hướng ra khoảng sân trong đó có mấy con ngỗng dơ dáy đang đi đủng đỉnh. Một máy khoan đạp bằng chân, một ghế nha sĩ bọc vải đỏ chói, một tủ kính bên trong những dụng cụ vất bừa bãi. Một cái kẹp ngâm trong ly nước, đèn cồn hư chông chênh trong góc, những cục bông gòn khắp các ngăn tủ.
“ Rất tốt” người khách lạ nói.
• Không tệ lắm cho vùng này phải không?
Ông Tench nói.” Ông không tưởng nổi những khó khăn của chúng tôi ở đây”. Ông nói thêm chua chát:”Cái máy khoan nầy được sản xuất bên Nhật. Tôi mới nhận về có một tháng nhưng nó đã bắt đầu hư.Nhưng tôi không có điều kiện để mua máy Mỹ.
• Cửa sổ của anh đẹp quá, người lạ nói.
Một tấm kiếng màu đã được gắn vào: qua khung sắt gắn kính,Mẹ đồng trinh nhìn ra đàn ngỗng trên sân.
“ Tôi mua lại nó khi người ta cướp phá nhà thờ.Phòng nha sĩ không có kính màu là không được.Không văn minh. Bên quê tôi, tôi muốn nói bên Anh, kính màu thường trình bày chàng kỵ sĩ vui tính, tôi không biết tại sao…hay bông hồng Tudor. Nhưng, không nên khó tính quá!”
Ông ta mở cửa và nói:
“Xưởng làm việc của tôi”
Cái đầu tiên người ta thấy là một cái giường có giăng mùng. Ông Tench nói thêm:” Anh thấy đấy, tôi không thiếu chổ”.
Một cái bình đựng nước uống, một cái thau đặt trên ghế dài bên cạnh có cái đựng xà bông; phía bên kia, đèn xì, khay đầy cát,kẹp, một cái lò nhỏ.
“ Tôi làm khuôn với cát, ông Tench nói, đó là tất cả những gì tôi có thể tìm thấy ở đây
Ông nhặt trên bàn cái khuôn hàm dưới.: Không luôn luôn chính xác, dĩ nhiên, và họ than phiền”
Ông đặt cái khuôn xuống và hất đầu chỉ một vật đặt trên bàn giống như một cuộn dây hay ruột non, có gắn mấy cái van cao su.
“ Vết nứt bẩm sinh, ông giải thích, đây là lần đầu tôi thử. Phương pháp Kingsley. Tôi tin là tôi sẽ không thành công.Nhưng cũng phải thử để bắt nhịp với thời đại.”
Miệng ông mở lớn, cái nhìn trở nên bất định; trong căn phòng nhỏ nầy, không khí thật nóng nực. Người khách đứng đó như mất dạng trong một hang động, giữa những vật hoá thạch và những dụng cụ thuộc về một thời đại mà ông ta hầu như không biết.
“ Nào, chúng ta ngồi chứ?”người khách lạ nói.
Ông Tench nhìn ông ta không hậu ý.
“ Chúng ta mở chai cô nhác chứ?
• Ồ vâng, cô nhác.
• Ông Tenhc lấy ra hai cái ly trong hộc bàn; chùi cẩn thận để xoá đi những vết bụi.
Rồi hai người ra ngồi trên xích đu trong phòng bên cạnh. Ông Tench rót rượu.
“ Không thêm nước sao? người khách lạ nói.
• Ối dào,không tin tưởng được nước ở đây, ông Tench nói.
• Ông đặt tay lên bụng và uống một hơi dài.
“ Trông ông cũng không được khoẻ lắm, ông ta nói thêm. Và nhìn chăm chú người khách lạ: “ Răng ông”.Một răng nanh đã ra đi, cái răng cửa bị sâu và đóng cao vàng khè. “Ông phải lo chữa răng đi.
- Để làm gì? người khách lạ trả lời.
Ông ta dè dặt nhìn một chút ít rượu còn lại trong ly như thể nhìn con vật mà ta che chở nhưng không tin cậy. Khuôn mặt xanh xao, thân thể không được chăm sóc, ông ta có vẻ như một con người không quan trọng mà sức khoẻ xấu hay sự lo âu đã vắt kiệt sức. Ông ngồi ghé mép ghế, cái vali nhỏ đặt trên đầu gối, cầm ly rượu mà ông ta nhấp từng chút một với sự trìu mến lẫn ăn năn.
“ Uống đi, ông Tench vồn vã (đâu phải rượu của ông ta). Nó tốt cho anh đấy”.
Bộ áo quần đen, hai vai xuôi gợi nhớ đến hình dạng cái quan tài; và cái chết cũng đã ngự trị trong miệng đầy răng hư của ông ta. Ông Tench rót thêm một ly nữa.
“Ở đây người ta cảm thấy rất cô đơn. Thật là vui khi được nói tiếng Anh với ai đó, dù là người lạ. Tôi không biết ông có muốn xem hình con tôi không?”
Ông ta rút từ trong bóp ra một tấm hình đã vàng ố và chìa cho người khách. Trong hình, hai đứa con trai đang tranh nhau một cái bình tưới trong một khu vườn nhỏ.
“Dĩ nhiên, hình nầy chụp sáu năm rồi.
• Bây giờ chúng đã là đàn ông rồi.
• Một đứa chết rồi.
• A! người khách thốt lên, nhưng trong một xứ Kitô giáo chứ?”.
Ông ta uống một ngụm rượu và nhìn ông Tench cười gượng gạo.
• “ Vâng, dĩ nhiên rồi” Ông Tenhc ngạc nhiên trả lời, khạc đàm rồi nói tiếp:” Thú thật, với tôi, điều đó không nghĩa lý gì”.
Ông khách lại chìm trong im lặng và ý nghĩ ông biến đâu mất, cái miệng hé mở vẫn thế, khuôn mặt tái đi cho đến khi ông thấy đau nơi dạ dày làm ông quay lại với thực tại; ông ta rót thêm chút rượu.
“ Xem nào, chúng ta đang nói gì nào?...Mấy đứa nhỏ…a! Đúng rồi,mấy đứa nhỏ! Lạ thật…Anh biết không, ký ức của tôi về cái bình tưới rõ hơn nhiều so với mấy đứa trẻ. Nó màu xanh, tôi đã mua nó giá ba bảng, mười một hào và ba xu; tôi có thể không ngần ngại đưa ông đến cửa hàng tôi đã mua nó. Còn mấy thằng nhóc thì…” Ông ta nhìn chăm chăm cái ly dưới đáy như thể dưới đáy ly ông ta tìm lại được quá khứ. “ Tất cả những gì mà tôi nhớ là chúng hay khóc.
• Có khi nào ông nhận được tin nhà không?
• À, tôi quyết định không viết thư từ khi đến đây. Để làm gì? Tôi không gởi tiền về được. Tôi cũng không ngạc nhiên nếu vợ tôi lấy chồng khác. Mẹ bà ta sẽ thúc ép, con mụ già: bà ta chưa bao giờ có chút cảm tình nào với tôi.
• Kinh khủng,người khách lạ trầm giọng.
Ông Tench ngạc nhiên nhìn ông khách, ông ta ngồi đó như một dấu chấm hỏi, sẳn sàng ra đi, sẳn sàng ở lại, ngồi ghé lên mặt ghế. Bộ râu ba ngày chưa cạo tạo cho người khác cảm tưởng không tin cậy: một gả mà người ta có thể yêu cầu làm bất cứ việc gì. Ông ta nói thêm:” Tôi muốn nói chuyện thế giới. Cách mà mọi việc đã xảy ra.
• Cạn ly đi.
Ông khách uống từng ngụm nhỏ. Trái cấm.
“ Anh còn nhớ thành phố nầy trước đây chứ...trước khi bọn áo đỏ đến đó?
• Có thể.
• Hồi đó thật sung sướng!
• A! vậy sao? Không để ý.
• Người ta ít ra cũng còn có...Chúa.
• Điều đó cũng không thay đổi gì cả!”
Ông Tench rót thêm một ly khác.
“Đây luôn là một nơi tồi tệ. Một sa mạc. Chúa ơi! Người bên xứ tôi nói về cái đẹp, cái nên thơ.Tôi,tôi tự bảo: Năm năm thôi rồi biến. Nhưng ở đây có nhiều việc làm. Răng vàng. Nhưng rồi đồng pesô mất giá. Và bây giờ, tôi không đi được nữa rồi. Một ngày nào đó tôi sẽ thoát khỏi nơi nầy. Tôi sẽ về hưu. Tôi sẽ về nhà. Sống bình thường như mọi người có học. Tất cả những cái này (ông khoát tay một vòng quanh phòng),tôi sẽ quên hết. Vâng, sẽ không lâu đâu.Tôi là người lạc quan » Ông Tench kết luận.
Đột nhiên người khách hỏi:
• Từ đây đi Veracruz, đi mất mấy tiếng?
• Ai?
• Tàu thuỷ
Ông Tench trả lời: « Từ đây có thể đến đó trong hai mươi bốn giờ. Khách sạn Diligencia, một khách sạn tốt. Rồi hộp đêm, nhảy nhót, thành phố vui vẻ.
• Ông làm như nó gần lắm. Còn vé thì sao? Giá bao nhiêu?’
• Cái đó phải hỏi Lopez, ông Tench trả lời, ông ta là đại lý.
• Nhưng Lopez…
• À vâng, phải rồi. Tôi quên mất, bị bắn rồi.
• Có tiếng gỏ cửa. Người khách giấu cái vali xuống dưới ghế và ông Tench cẩn thận tiến đến bên cửa sổ.
« Bao giờ cũng phải cẩn thận. Các nha sĩ ( xứng đáng với tên gọi đó) đều có kẻ thù.
Một giọng nhỏ nhẹ cầu khẩn: « Bạn »
Ông Tench mở cửa. Đột nhiên, ánh mặt trời chiếu vào phòng như một thanh kim loại nung nóng.
Một thằng bé đứng trước cửa.Nó kiếm một thầy thuốc. Nó đội cái nón lớn che khuất đôi mắt màu hạt dẽ.Phía sau nó,hai con lừa dậm vó trên nền đất nóng và cứng. Ông Tench giải thích ông là nha sĩ, không phải bác sĩ…Thằng bé đoan chắc là mới có một thầy thuốc đến đây: bà già bị sốt và không muốn di chuyển. Mẹ nó ốm.
Một ký ức mơ hồ hiện lên trong trí ông Tench. Ông nói như thể mới phát hiện ra:
• Nhưng anh là thầy thuốc mà,phải không?
• Không, không, tôi còn phải lên tàu.
• Tôi nghĩ rằng…
• Tôi đã đổi ý.
• Anh biết rồi, tàu chưa đi đâu. Họ không bao giờ đúng giờ.
Ông hỏi thằng bé có phải đi xa không. Nó đáp sáu dặm.
“ Xa quá, ông Tench nói, thôi đi đi. Kiếm người khác.”
Ông ta lại nói thêm với người khách:
“ Tiếng đồn nhanh thật.Chắc là mọi người đều đã biết ông ở đây.
• Tôi không được việc gì đâu” người khách phân bua giọng lo âu.
Hình như ông ta hỏi ý kiến ông Tench.
• Đi đi, ông Tench la lên.
Cậu bé vẫn đứng yên.Dưới ánh mặt trời chói chang, nó nhìn vào trong phòng chờ đợi với sự kiên nhẫn vô bờ bến. Nó giải thích là mẹ nó ốm nặng sắp chết. Đôi mắt nâu không biểu lộ cảm xúc nào: Nó chỉ kể lại một sự việc. Người ta sinh ra, cha mẹ chết,già đi,rồi mình cũng chết.
“ Nếu bà ta sắp chết, ông Tench nói, đâu cần gì làm phiền thầy thuốc.”
Nhưng người khách lạ đã đứng lên: ông đã nghe một tiếng gọi, dù không muốn, ông cũng không thể làm ngơ.
• Lúc nào cũng vậy cả, ông ta buồn buồn nói. Luôn luôn.
• Anh sẽ không kịp chuyến tàu.
• Tôi sẽ lỡ chuyến tàu nầy. Số tôi là số lỡ tàu. »
Ông ta run lên vì tức giận. Đưa rượu cho tôi. »
Ông uống một ngụm lớn, mắt nhìn thằng bé bất động,con đường loá nắng, những con diều hâu như những chấm đen trên bầu trời.
« Nhưng nếu bà ta sắp chết…., ông Tench nói.
• Tôi biết họ. Bà ta cũng như anh và tôi thôi.
• Ông sẽ không làm gì được.
Thằng bé nhìn hai người, xem như cuộc tranh luận không liên quan gì đến nó. Cuộc tranh luận tiếp tục với một ngôn ngữ mà nó không hiểu. Nó đợi ông thầy thuốc quyết định.
« Làm sao anh biết được điều đó, người khách lạ nói, Mọi người đều nói đi nói lại:không được việc gì. » Rượu đang tác động, ông nói thêm giọng chua chát: « Hình như tôi nghe họ nói điều đó trên khắp thế giới! »
• Dù sao thì cũng sẽ có chuyến tàu khác trong mười lăm ngày nữa, ông Tench nói. Hay ba tuần. Ông có thể trốn đi. Vốn liếng của ông đâu có đầu tư ở đây. »
Ông ta nghĩ đến món tiền đầu tư của mình: cái máy khoan Nhật,cái ghế nha sĩ, đèn cồn,kẹp và cái bếp nhỏ để đúc răng vàng- những cái ông có trong xứ nầy.
« Đi thôi, người khách lạ nói với thằng bé. Ông ta quay lại cảm ơn ông Tench đã cho ông nghỉ ngơi một lúc, trong bóng râm. Ông ta có vẻ hơi khách khí, cái khách khí của những người hay ngại, nhưng cũng không từ chối. Có lẽ ông ta không thích cưỡi lừa. Ông ta lại nói thêm như thói quen: « Tôi sẽ cầu nguyện cho ông ».
- Cảm ơn, ông Tench đáp.
Người đàn ông lên lừa và đi với thằng bé. Họ chậm chạp tiến lên trong vùng sáng trần trụi, hướng về phía khu đầm lầy. Chính từ đó, sáng nay ông khách đã đi đến đây để xem chiếc General Obregon: bây giờ ông ta quay lại đường cũ. Ông hơi nghiêng ngã trên lưng con lừa,hiệu quả của rượu cô nhác. Một lúc sau, ông chỉ còn là một cái bong nhỏ nhoi mờ nhạt cuối đường.
“ Nói chuyện với người ngoài nhiều lúc cũng thú vị” Ông Tench nghĩ. Ông đi vào phòng, khoá cửa ( ai biết sao). Ông cảm thấy cô đơn,trống rỗng. Nhưng ông cũng quen với bóng mình trong gương. Ông ngồi xuống trên ghế xích đu,lắc lư nhè nhẹ tạo ra làn khí mát ít ỏi. Một hàng kiến chạy ngang qua phòng đến chổ người khách lạ đã để rơi vãi một vài giọt rượu: rồi chúng tụ lại thành vòng quanh đó, đi về trật tự và biến mất vào khe tường đối diện. Trên bến cảng, hai tiếng còi từ tàu General Obregon ngân lên, ông Tench tự hỏi tại sao thế.
Người khách lạ bỏ quên một cuốn sách đặt dưới ghế.Trên bìa,có một phụ nữ ăn mặc theo kiểu những năm 1900, đang gào khóc trên nền trải thảm; cô ta đang ôm chặt cái chân mang giày bóng lộn, nhọn hoắt. Đứng, người đàn ông có bộ ria mép nhìn người đàn bà vẻ khinh khỉnh. Cuốn sách có tựa “ La Eterna Martir”. Một lúc sau, ông Tench nhặt lên xem.Khi ông mở ra, ông ngạc nhiên vì những gì viết trong sách không liên quan gì đến hình bìa: tiếng La tinh. Ông Tench nghĩ ngợi. Ông khép sách lại và mang vào trong xưởng. Không nên đốt sách,nhưng tốt hơn là dấu đi,ai biết...sách này nói gì. Ông ta đặt sách lên cái lò dùng để nấu vàng. Rồi ông ta đứng một lúc bên bàn làm việc, miệng há ra; ông ta vừa mới sực nhớ ông đi ra cảng để làm gì: lọ ê te mà người ta gởi cho ông bằng tàu General Obregon. Một hồi còi khác từ trên sông vọng lại và ông Tench lao vội ra, quên cả đội mũ. Ông ta đã xác quyết là tàu sẽ không đi trước cuối buổi sáng, nhưng làm sao tin được những người nầy: họ bất thường ngay cả trong cái bất thường của họ. Khi ông chạy đến cảng, con tàu đã xa bờ ba mét, rẽ sóng ra biển. Ông Tench gọi lớn nhưng vô ích. Không có lọ ê te trên cảng. Ông la thêm một lần nữa rồi bỏ mặc:thật ra có quan trọng quái gì đâu. Thêm một chút đau đớn trong cái phần thế giới bị lảng quên nầy thôi.
Trên boong tàu General Obregon, một làn gió nhẹ thổi qua: những đồn điền trồng chuối hai bên bờ, vài cột an ten trên mô đất cao, bến cảng lùi xa. Nhìn lại phía sau, người ta không nhớ là bến cảng có hiện hữu hay không. Trước mũi tàu, Đại tây dương trải rộng với những con sóng xám và tròn làm nhấp nhô thân tàu; mấy con ngỗng bị cột chân hơi chao qua chao lại trên boong. Thuyền trưởng đứng trên cabin,một cây tăm cài trên tóc. Đất liền xa dần và đêm đột ngột buông xuống từ vòm trời đầy sao sáng. Phía mũi tàu, một ngọn đèn dầu leo lét, và cô gái cất tiếng hát một bài tình ca trong đó kể chuyện một bông hồng nhuốm máu người yêu dấu. Cảm giác tự do, khoáng đạt ngự trị trên vùng vịnh xứ nhiệt đới, những bờ biển thấp chìm sâu vào bóng tối. “ Tôi hạnh phúc, người con gái tự nhủ, mà không biết tại sao mình hạnh phúc”
Phía ngược lại, rất xa, những con lừa bước đi khó nhọc trong bóng tối. Hiệu quả của rượu đã hết từ lâu, và trên con đường lầy lội, mà trong mùa mưa thì không thể đi được, người khách lạ còn mang theo trong đầu tiếng còi của con tàu General Obregon. Ông biết điều đó có nghĩa gì:Con tàu đã đúng giờ. Tự nhiên ông thấy ghét thằng bé dẫn đường, người đàn bà đang bệnh, ông ta không xứng đáng với cái gì ông đang mang trong mình. Mùi ẩm ướt xông lên chung quanh ông; có thể nói, lửa đã không hong khô được phần đất nầy của thế giới khi trái đất được đưa vào quay cuồng trong vũ trụ; nó đã không thu hết hơi nước và mây trong vùng nầy. Lắc lư theo nhịp chân con lừa, người khách lạ bắt đầu cầu nguyện giọng nhựa rượu:”Xin cho họ bắt con sớm...Bắt con đi...” Ông đã tìm cách trốn thoát,nhưng, như một tù trưởng vùng tây Phi, ông ta là nô lệ của bộ lạc mình và không thể, kể cả nằm ngủ, vì sợ gió nổi lên.
Vinh Quang Và Quyền Năng Vinh Quang Và Quyền Năng - Graham Green Vinh Quang Và Quyền Năng