Những ai dám làm, sẽ thắng.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2293 / 76
Cập nhật: 2015-07-10 14:35:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
gười đại úy bộ đội trẻ xem đồng hồ đeo tay, ngẩng lên nói với tôi, ngồi đối diện bàn làm việc của anh:
- Trời sáng rồi, như vậy là chúng ta đã làm việc với nhau suốt một đêm.
Tôi vừa mệt mỏi vừa chán nản:
- Bây giờ ông bắt tôi chứ?
Người đại úy trẻ, phường trưởng phường Tân Định cười, lộ hàm răng trắng bóng dưới ánh đèn:
- Đúng ra theo lệnh và căn cứ vào lời tố cáo của vợ anh, tôi có thể bắt giữ anh để điều tra, vì bây giờ đang thời gian quân quản. Quân đội được toàn quyền để gìn giữ an ninh trật tự trong thành phố. Nhưng thôi, sau một đêm làm việc với anh, tôi hiểu, tôi tha anh. Anh nên ra khỏi đây ngay và đi khỏi khu phố này, như thế tốt hơn. Tôi không còn trách nhiệm về anh nữa.
- Vợ con tôi?
Người đại úy trẻ nhìn thẳng vào mặt tôi, có vẻ bực mình, gắt khẽ:
- Anh nhiều tình cảm và lẩm cẩm quá, đúng là nhà văn, anh đã rõ vợ anh cạn tàu ráo máng với anh rồi mà. Đi ngay đi kẻo hối không kịp.
Tôi vẫn còn ấm ức:
- Đã đành, nhưng còn hai đứa con gái nhỏ của tôi...
Người đại úy nhún vai trả lời:
- Can đảm lên, một việc làm cuối cùng tôi giúp được anh là cắt tên anh khỏi sổ gia đình để anh về một nơi khác. Chẳng hạn nhà mẹ anh đang ở, như anh đã nói với tôi hồi đêm. Bây giờ tôi viết cho anh tờ giấy, đóng mộc ký tên về trình diện địa phương. Mẹ anh không lẽ không lo cho anh vào nhà.
- Vâng, tôi xin nghe lời ông, cám ơn đại úy.
Tôi gấp gọn tờ giấy bỏ túi, ra khỏi phường quân quản. Trời đã sáng rõ, tôi ngước mặt nhìn trời buổi sớm mai. Những con chim én đan đường bay ngang dọc trên trời thành phố. Bây giờ là những ngày đầu giải phóng. Tháng đầu tiên hay tháng thứ hai gì đó. Tôi chẳng còn để ý gì đến thời gian. Một đời sống lao đao của tất cả mọi người thị dân trong thành phố. Những người như tôi, bỗng dưng mất việc làm, bỗng dưng hẫng hụt hoặc quị ngã. Nếu mình không còn can đảm chịu đựng vết thương này, mình cũng quị ngã luôn không bao giờ đứng dấy được nữa. Không, không thể như thế được, còn hai con gái của bố. Các con còn nhỏ quá. Vợ tôi sao nàng lại nỡ tệ hại với tôi quá thế này. Trong hoàn cảnh này nhiều đôi vợ chồng có sự rạn nứt với nhau từ trước còn cố hàn gắn để cùng lo cho những đứa con, lo cho tương lai gia đình. Tôi không ở vào trong trường hợp ấy mà chỉ có sự tệ hại ném vào mặt, sự rủa xả cay nghiệt. Tôi là người chồng sa cơ nhận thêm cái đạp ân huệ. Tôi lẩn thẩn nói và lẩn thẩn nghĩ ngợi, chẳng biết ma đưa lối quỷ dẫn đường tôi lại đi qua nhà mình. Cửa sắt đóng im ỉm. Trời còn sớm quá. Nhưng tôi biết rõ trong căn nhà ấy không có con tôi nằm ngủ, chúng đã bị tống khứ đi đâu mà tôi không biết. Căn nhà giờ đây chỉ có vợ tôi cùng đám bà con anh em tập kết trở về. Ngôi nhà này và những đồ đạc đối với họ quá tiện nghi và quí giá. Một đời họ chưa từng thấy, được thụ hưởng. Họ bám ấy những thứ chiến lợi phẩm, khi họ là kẻ chiến thắng. Riêng tôi đau thắt ruột. Tôi đã mất tất cả, tay trắng trần truồng như thuở sơ sinh.
“Tôi không hề biết vợ tôi là con cái liệt sĩ, cũng không biết bà ta có anh em bà con với rất nhiều người cách mạng. Ngày tôi lấy vợ, tôi chỉ biết nàng mồ côi, mẹ nàng bệnh chết, hiểu sâu sa thêm chút nữa thì bố nàng bị Tây giết...”
Tôi đã khai với người đại úy phường trưởng hồi đêm như thế
“ Sau ngày giải phóng, dép râu và mũ cối vào đầy nhà, tất cả những người đó đều là bà con cật ruột với vợ tôi. Họ nói sẵn sàng mở rộng vòng tay cứu vớt những người bà con ở miền Nam lầm đường lạc lối, họ xâm nhập vào gia đình, xía vào tất cả mọi chuyện riêng tư, sẵn sàng đấu tranh và căm thù thay cho người khác. Đó là điều cấm kỵ từ trước đến nay không hề có và không thể có được ở miền Nam. Nhưng bây giờ là sự đương nhiên bị áp đặt gọi là tình nghĩa được khoác cho cái từ là đạo đức cách mạng.
Một cậu em họ vợ tôi nằm ăn dầm ở dề nhà tôi “tự nhiên như người Hà nội”. Nghiên cứu, ghi chép cả một tủ sách vĩ đại trong nhà. Trong đó có cả mấy chục tác phẩm của tôi đã xuất bản và của bạn bè đồng nghiệp viết trong nhiều năm. Cậu ta nói, cậu là người tập tành làm văn hóa cần nghiên cứu làm luận án tiến sĩ văn hóa miền Nam thời tạm chiếm.
Ngày nhà nước phát động phong trào diệt văn hóa đồi trụy, phản động, tủ sách nhà tôi bị dọn sạch, lớp bị lấy đi. Lớp bị thiêu hủy. Chiến dịch ấy vẫn chưa chấm dứt.
Sau này một số tác phẩm của của tôi và bạn bè thấy trưng bầy chung với súng đạn, xe tăng, máy chém ở nhà trưng bày Tội Ác Mỹ Ngụy. Cũng thời gian đó, đại tác phẩm “Vạch mặt những tên biệt kích văn nghệ”, luận án dọn thi bằng luận án tiến sĩ của cậu em vợ tôi ra đời. Trong đó có nhiều tác phẩm mang tên tôi và bạn bè làm nghề viết văn ở miền Nam. Tác phẩm bị mổ xẻ, vạch vòi, thẩm tra và giống như lời lấy khẩu cung tội phạm. Ngài tiến sĩ được phong vị giáo sư. Đơn giản thế thôi, như một quả đạn pháo kích rơi nổ vào giữa đám máu thịt bầy hầy.
Chiều hôm qua tại căn nhà của tôi, bên họ họp đại gia đình cách mạng để xử tôi về tội ăn cắp tiền bạc. Hai đứa con tôi không biết được mang đi đâu để tránh nhục nhã vì bố. Ngoài vụ xử tôi về tội trộm cắp tài sản, tiền bạc còn kèm theo lá đơn ly dị, mà tôi phải ký tên chấp thuận để người thân của họ thoát khỏi “nanh vuốt” thằng chồng Ngụy khốn kiếp, phản động.
Những chiếc dép râu đầy nhà, họ ngồi chồm hổm ngay trên ghế salon của tôi. Mồm bà chị ruột của vợ tôi lúc thì bô lô ba loa, khi thì như thổi kèn xung phong, động viên em gái:
- Dũng cảm lên em, không thể như thế này được. Chị biết em đã phải sống bao nhiêu năm trong nanh vuốt gia đình kiểu này. Bây giờ là lúc em được giải phóng, đừng khóc em. Tội nghiệp em gái tôi quá đau khổ. Dũng cảm lên! Hãy dũng cảm lên!
Tôi nghe tiếng “sát” vang lên trong đầu mình. Đang đau khổ, suýt nữa tôi bật phì cười. Cuối cùng tôi cũng nói được mấy câu
- Tôi rất ngạc nhiên vì tôi bị khép tội ăn cắp tài sản của chính tôi tạo ra. Tôi cư ngụ bất hợp pháp trên căn nhà tôi làm chủ. Tải sao tôi phải xa lìa những đứa con tôi, chúng không tội tình gì. Tôi không ký gì hết.
- Ngoan cố.
Buổi tối tôi bị đưa ra phường quân quản phân xử tiếp. Người đại úy quân quản trẻ có quyền tiền trảm hậu tấu ngồi nghe và xử tôi suốt đêm. Anh ta dễ chịu nghe tôi kể lại hoàn cảnh của mình. Anh bị tôi khuất phục chăng? Không, tôi nhận thấy anh vẫn là một con người biết nghe lý phải trái, một chiến sĩ thẳng thắn, kiên cường, có lý tưởng rõ ràng phân minh. Biết mình đang làm gì. Quyết định cuối cùng trong quyền hạn của anh ta là thả tôi khi trời rạng đông. Tôi nhớ câu cuối cùng của anh:
- Chuyện như thế này xảy ra ở Hà Nội nhiều lắm hồi năm tư (54).
Trời sáng rõ, đèn đường tắt. Cờ bay đỏ phố, đỏ nhà. Những khẩu hiệu chiến thắng giăng mắc đầy đường, tường nhà, phố chợ. Những em nhỏ mang băng tay đỏ, áo bà ba, “mốt” mang dép râu, nối vòng tay lớn nhảy múa bập bẹ hát hỏng rồi làm lại trật tự lòng lề đường. Không còn bóng dáng những tà áo dài trắng nữ sinh tha thướt nữa. Một số em khác nỗ lực truy tìm văn hóa đồi trụy. Đám trẻ xộc vào nhà người ta khuân ra ngoài lề đường từng đống sách báo. Nổi lửa đốt khói lên ngút trời.
Một ông lớn tuổi đầu hói mang kính cận dầy cộm chạy ra la giằng lại cuốn sách đóng bìa da to vĩ đại:
- Các cháu ơi cho bác xin, đây là quyển Bách Khoa Từ điển tiếng Tây. Không phải văn hóa đồi trụy.
Chú nhóc miệng còn hôi sữa giằng lại cuốn sách, ném luôn vào thùng phuy đang bốc lửa:
- Đốt hết, đốt hết, sách là đốt. Lệnh trên như vậy.
Ông già ôm mặt khóc bên lề đường. Tôi quay mặt nhìn đi chỗ khác, tôi biết ông cụ. Giáo sư đại học luật, Vũ Đăng Dung. Tiến sĩ luật công pháp quốc tế. Ông cụ ở đường bên cạnh nhà tôi, đường Đinh Công Tráng, con đường nổi tiếng bán bánh xèo.
Bây giờ tôi đi đâu? Về đâu? Không cấn biết, hãy cứ rong chơi một ngày trước khi về với mẹ, nơi trú ẩn cuối cùng. Tôi có độc nhất bộ quần áo mặc trên người. Một đôi dép Nhật dưới chân. Tôi cuốc bộ trên rác rưởi, tro tàn của những đống sách bị thiêu hủy, giữa chợ trời bày bán những tàn dư Mỹ Ngụy. Những con người bị ném ra ngoài lề đường bất đắc dĩ. Những hàng quán cà phê rặt những mặt thị dân, giữa đồ cổ, khẩu hiệu và những tiếng đồng chí. Những chiếc xe Molotova chở đầy bộ đội võ trang. Đến ngày hôm nay thì xe đạp chạy nhiều hơn trong thành phố. Thành phố như mở hội, hội hổ lốn, như những đồ ăn thừa sau ngày giỗ tết nấu tổng hợp trong một cái nồi đồng móp méo.
Nóc tháp chuông nhà thờ Tân Định cao vút, cây thánh giá mảnh mai vẫn vươn lên trời cao, một cụm mây trắng trôi qua, cây thánh giá như cố níu lấy đám mây, nhưng mây vẫn vô tình trôi đi.
Trước cửa trường Thiên Phước bên cạnh nhà thờ, một xe nước mía đang ép. Bà sơ gầy còm đánh đu trên bánh xe quay ép mía. Bà ta mặc áo cánh, quần thâm, nhưng trên đầu vẫn còn chít cái khăn nữ tu sĩ màu xám. Trước đây ngôi trường này nuôi dạy trẻ mồ côi do giáo hội và cơ quan Caritas đồng tài trợ. Không biết bây giờ thế nào. Nhưng tôi vẵn nghe tiếng trẻ nhỏ reo cười sau bức tường cao. Hàng phượng vĩ vẫn nở hoa đỏ thắm trong sân trường. Trời đã vào hè. Ôi hai con gái yêu của bố. Bây giờ các con ở đâu? Từ Quyên? Lộng Ngọc?
Nắng đã lên, tôi đi về phía mặt trời mọc, bóng tôi đổ dài trên lề đường. Rạp chiếu bóng viết quảng cáo phim: “Năm người từ trên trời rơi xuống”. Rạp hát mở nhạc tưng bừng nhưng vẫn vắng hoe. Tôi thấy có “Ba người từ trong rạp đi ra”. Những phim chiếu có tính cách tuyên truyền. Nhạc mời gọi khách xem hát cũng có tính cách tuyên truyền. Rạp hát nào cũng vậy cả. Tôi nghe lẫn trong những âm thanh có tiếng loa phóng thanh, tiếng chửi bới bọn văn Ngụy bồi bút, biệt kích có cả tên tôi ở phía đầu đường nhà tôi. Hẳn là có nhiều người hài lòng, trong đó có vợ tôi và những người họ hàng nhà vợ. Riêng tôi thì trơ trẽn, chẳng buồn gì cả mà nghĩ là mình được phong thánh. Một hôm Duyên Anh nói với tôi con anh ta đi học bị bạn bè chửi lên đầu vì là con thằng nhà văn Ngụy tên là Duyên Anh. Nó khóc vì bị nhục. Duyên Anh khuyên con nên chửi bố nó nhiều hơn, vì chính nó đủ tư cách nhất chửi bố. Tôi thua Duyên Anh một điểm. Tính nó thế đấy, chuyện gì cũng bỡn cợt được.
Trên khắp các ngả đường vẫn có những anh bộ đội đứng gác. Họ sẵn sàng can thiệp ngay khi có sự cố, bất cứ qua hình thức nào. Họ coi hiền lành, nhưng cũng dữ dội, cương quyết khi ra tay. Ấy vậy mà nhiều chuyện vẫn cử xảy ra, có kẻ đói, chán đời, không thiết sống. Làm ra một vụ cướp giật, hành hung ai đó để lãnh đạn chơi. Liều lĩnh một cách vô thức như con thiêu thân. Bộ đội đứng gác mặc quân phục xanh vải Nam Định, đội mũ cối, mang dép râu, có người đội mũ tai bèo. Cánh tay mang băng đỏ, học ó nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự cho thành phố Sài Gòn nay mang tên Bác.
Tôi bỗng rùng mình khi nghĩ đến suốt đêm qua khi mình đã đối diện trước một người có súng đạn và đầy quyền lực. Tôi chỉ có duy nhất may mắn là đã ngồi trước một con người.
Những bước chân mệt mỏi của tôi trở nên mệt mỏi, lao đao, chệnh choạng.
- Ếp! Ếp! Ếp!
Một chiếc xe đạp sau lưng thúc vào đít làm tôi ngã lăn kềnh. Đà té làm tôi xô vào một người, văng cả kính trắng. Anh ta đỡ tôi, nhặt cái kính trắng đưa lại cho tôi. Người đi xe đạp đụng tôi nhảy xuống, anh ta mặc áo ca rô đỏ, quần tây sắn móng lợn, đeo kính râm màu xanh ve chai, đầu đội mũ cối và đi dép râu. Anh ta xừng xộ:
- Đi đâu vô ý thế, mắt để đâu, tai đâu, người ta đã ếp ếp mà không biết đường tránh, ông chẹt cho thì “củ tỏi”. Thật “nà! ”…
Tôi quay sang nhìn người lạ bằng đôi mắt vừa mệt mỏi, vừa quái dị. Người lạ càng sừng sộ:
- “Nại” còn giương mắt “nên” mà nhìn sao, ông “nại” nã cho một viên bây giờ. Rõ thật “nà” không còn biết thế nào “nà” văn minh văn hóa nữa.
Người đỡ tôi cười, chỉ tôi:
- Xin lỗi đồng chí, đây là người quen của tôi có bệnh câm điếc, mù dở nên không biết. Đồng chí tha lỗi cho…
- Ai đồng chí với nhà anh, thôi được, nếu thế thì ông tha cho.
Anh ta đứng một chân lên pê đan xe đạp, đẩy xe chạy có đà rồi nhún người nhẩy vắt lên yên xe đạp đi. Miệng kêu ếp ếp cùng đường.
Tôi đeo lại cái kính trắng. Tôi nhận ra người đỡ mình là người quen, đang cười rũ rượi coi rất khỉ:
- Sao Biển đó phải không?
- Chính ta đây, sao mày gầy quá vậy?
- Mày cũng vậy, hình như tất cả chúng ta gầy đi rất nhiều. Tao tưởng mày đã đi trước ngày 30 tháng 4 rồi.
- Gia đình tao đông quá, không một tàu di tản nào chứa hết. Nhưng thôi, không quan trọng. Buổi sáng đẹp thế này chúng ta nên đi uống cà phê. Đầu đường kia là quán cà phê của em ca sĩ Nao Nao mới mở, mình đến uống ủng hộ.
Sao Biển là người bạn làm báo với tôi, bây giờ anh chung phận thất nghiệp với tôi. Nhà anh ở đường Lý Trần Quán, gần nhà tôi. Tôi hỏi Sao Biển:
- Cái xe vespa của mày đâu rồi?
- Tao cũng muốn hỏi mày cái xe hơi hiệu Austin của mày đâu? Mày cũng có cái Vespa, Honda, Mobylette và xế guồng hiệu Lucia nữa kia mà.
Tôi không trả lời vì không thể trả lời được. Sao Biển tiếp:
- Tao phải bán dần đồ nhà đi ăn, vợ con tao đông quá, hôm qua tao bám cái radio chưa lấy tiền, còn gửi thằng đàm ngồi chợ trời ngoài kia. Hôm nay tao bán cái đèn Pin, hai cục pin của ta hết điện nên nó chê. Đi uống cà phê đã, tao còn mấy điếu thuốc lá Quân Tiếp Vụ, thuốc mốc rồi nhưng vẫn “phê” ra phết. Sau đó tao có cái hẹn với một thằng Tàu bụng bự bán con Bokassa. Cú áp phe này trúng là tao ăn lớn.
- Mày bán chó à?
Sao Biển trợn mắt:
- Sao lại chó, con Bokassa nhà tao mày không biết sao, con nhỏ lai Phi châu, Sénégalaire ấy mà, con nuôi của bà mẹ vợ tao. Bán được nó là món lời lớn, nó là con lai nên được coi là ngoại kiều. Thằng Ba Tàu làm hôn thú với nó thì được theo vợ ra nước ngoài. Mày không biết dịch vụ béo bở ấy sao, bây giờ đang nở rộ, tao có cây nhà lá vườn tội gì không đem bán…
Tôi nhớ ra con nhỏ lai da đen ở nhà Sao Biển. Mà hắn ta phong cho cái tên nghe rất kêu là công chúa Bokassa, con gái hoàng đế Bokassa ở Phi châu, xứ giàu kim cương hồng ngọc nhất thế giới. Tôi nói:
- Mày ác quá, tao biết con ấy có thằng nhân tình là Minh Sẹo mà…
- Chính là tao làm chuyện phúc đức. Thằng Minh Sẹo bị bệnh điên nằm nhà thương rồi, con Bokassa phải cứu bồ, nó làm hôn thú với thằng Ba Tàu lấy tiền để cứu bồ nó. Tình nghĩa ghê đi ấy chứ, tao phải thuyết phục mãi đấy. Dĩ nhiên là ta có ăn hoa hồng. Không có thì cả hai đứa chết chùm.
Quái gở, thằng cha này luôn luôn có người đòn chơi rất lạ ít thấy trên cõi đời ô trọc này. Tôi vui lây với bạn:
- Cảm động như nàng Kiều của Nguyễn Du.
- Mày có thể viết tiểu thuyết được đó, lấy được rất nhiều nước mắt…
- Còn viết lách mẹ gì nữa, mày không thấy tao bị chửi đó sao. Cái loa ở ngay đầu đường nhà mày.
- Dũng cảm lên, mày đang được phong thánh.
Ý nghĩ đểu cáng ấy sai giống tôi thế. Phải có một sự thần giao cách cảm theo khoa học huyền bí. Thì ra hai thằng tôi cùng môn phái.
Quán cà phê của em gái ca sĩ Nao Nao ở góc đường, chỏng trơ vài chiếc bàn và mươi cái ghế đẩu, che bạt ni lông xanh đỏ. Quán mang tên là “Cõi Tạm”. Em gái Nao Nao vẫn son phấn, mặc quần ống loe, áo hoa tay bồng. Em cười toe toét mời chào:
- Mời hai anh vào uống cà phê, kìa có cả đàn anh nhà văn thụy Long. Miệng Sao Biển tía lia:
- Cho anh hai anh hai cà phê đen đặc biệt, nhớ đừng pha cà phê bắp rang.
- Được thôi, nhưng bán cà phê thôi chứ không cho.
- Biết rồi, anh mà xin em thì xin cho đáng chứ ly cà phê đáng vào đâu.
Em ca sĩ Nao Nao háy mắt:
- Xin gì nào?
- Một quả văn nghệ thôi.
- Nỡm, chết vì cái mồm bây giờ.
- Thằng chồng sĩ quan của em đi học tập rồi phải không?
- Ảnh mới đi trình diện mấy ngày hôm nay, các anh là may mắn thôi.
Mùi cà phê bốc khói thơm, phin chảy chậm. Nao Nao mang ra thêm một điếu thuốc lá thơm tặng cho tôi:
- Em tặng anh hút cho thơm râu.
Sao Biển la lên:
- Còn anh nữa, sao em lại có của ngon vật lạ thế này, em bên trọng bên khinh rồi.
Tôi châm điếu thuốc, nói với Sao Biền:
- Mình hút chung điếu thuốc này được rồi, cám ơn em gái.
Nao Nao nói chữa:
- Còn một điếu hôm trước em tiễn chồng lên đường, tụi em vào nhà hàng quốc doanh Continental uống cà phê sữa mới mua kèm được bốn điếu thuốc. Em buồn nên đốt hết ba điếu rồi. Chồng em hẹn một tháng sau sẽ về, như hạ sĩ quan chỉ ba ngày.
Nhưng sau này tôi biết, cái hẹn đó đã kéo dài nhiều năm tháng, mươi mười lăm năm là chuyện thường. Bao nhiêu gia đình. Bao nhiêu cặp vợ chồng tan nát vì thời gian. Như người anh hùng Ulysse trong thần thoại Hy Lạp đã lạc đường về… suýt nữa thì bị quên lãng theo thời gian nếu không có thi sĩ Homère cất lên lời ca huyền thoại thành Troise.
Chất khói và hương cà phê đê mê.
Quán Cõi Tạm có thêm vài người khách. Chợ trời bày bán đầy lề đường. Một anh chàng cầm chiếc đồng hồ đeo tay nhá nhá mấy khách cán bộ, bộ đội đi qua:
- Đồng hồ tối tân,biết bơi, mười hai trụ đèn, không người lái, hai cửa sổ. Xem hàng đi đồng chí. Cái đồng hồ này đáng giá cả một gai tài, nhưng bây giờ chỉ bán ủng hộ, giá rẻ mạt. Cứ trả giá, thuận mua vừa bán. Có lời chúc mừng đồng chí nào làm chủ gai tài này.
Tôi quay lại hỏi ca sĩ Nao Nao cho có chuyện:
- Em không đi hát nữa sao?
Cô ca sĩ cười:
- Ai cho hát, những ca sĩ Hà Nội vào người ta hú chứ có phải hát đâu. Em thì không biết hú. Em nghe nói chị Thái Thanh đi bán xôi ở vườn hoa công lý, anh Hoài Bắc đi bán đồng hồ, đài ở chợ trời Sài Gòn. Thế là cả ban hợp ca Thăng Long xuống đường. Tất cả chúng ta đều phải xuống đường kiếm sống. Người ta nói các nhà giáo bây giờ “mất dậy” nên “vô lương”. Các văn nghệ sĩ như các anh sẽ ra sao?
Tôi chép miệng đùa:
- Em có nhìn thấy những đống sách báo bị đốt kia không? Có lẽ các anh sẽ cháy theo luôn. Người anh mới ngún khói, chưa bốc lửa, chỉ cần thêm một giọt dầu, vèo… thế là xong.
Câu nói rơi rớt lại nỗi buồn. Sao Biển đánh tan ngay nỗi buồn ấy bằng câu pha trò:
- Này em gái, bỏ ngay cái quần ống loe đi nhé, bị bắt đấy.
- Anh chỉ nói tầm bậy!
- Không tầm bậy đâu, anh thề, chuyện mới xảy ra ở Cầu Kiệu chiều hôm qua thôi.
Mọi người ngóng ngóng nghe, kể cả khách mới vào quán. Giọng Sao Biển như thật:
- Chiếu hôm ở dốc cầu Kiệu sang Phú Nhuận, có một cô bé mặc quần ống loe màu tím đi qua cầu. Một tổ bảo vệ văn minh văn hóa đứng gác ở đầu cầu chặn cô bé lại, cô bé được “giáo dục” cẩn thận. Cuối cùng là bị xử phạt nghiêm khắc.
Sao biển ngưng kể nhìn mọi người. Tất cả đều chăm chú, anh tiếp:
- Một người cầm sẵn cái kéo, kê vào ống quần xẻ một đường dọc lên tận háng cô ta, và ống quần bên kia cũng bị như vậy.
Mọi người ồ lên một tiếng. Sao Biển tỉnh queo kể tiếp:
- Cô gái đứng im, mặt bình tĩnh dễ sợ, xong xuôi cô ta hỏi một câu: ”Xong chưa? ” –“Rồi cho mà nhớ đời nhé”. Người con gái nói: ”Nhớ chứ, coi này, nhà anh cũng phải nhớ luôn! ”. Người con gái tụt ngay quần ra chòng vào đầu anh cầm kéo: ”Tất cả chúng mày phải nhớ hết”. Bây giờ cô gái cởi truồng nồng nỗng đi xuống dốc cầu. Nói là cởi truồng thì hơi quá đáng, chỉ còn trần xì một cái quấn lót. Tôi từng nổi tiếng là thằng phét lác, nhưng chuyện này ai muốn tin thì tin, không tin thì thôi. Sợ bị văng miểng thì đi chỗ khác chơi, nhớ trả tiền cho em gái Nao Nao rồi hãy đi. Mình lá rách đùm lá nát mí nhau.
Em gái Nao Nao cười bò lăn, em nói: “Em chẳng tin đâu, nhưng buồn cười quá! ”. Mọi người vừa buồn cười vừa bàn tán chuyện thật giả. Tôi cho là hắn ta ngứa nghề nhặt tin “xe cán chó, chó cán xe”.
Em gái Nao Nao cũng ngứa nghề vừa pha cà phê vừa cất tiếng hát. Em hát bài: ”Nếu em không là người yêu của lính”. Bản nhạc sống không micro như ở sàn nhảy, nhà hàng hay sân khấu ngày nào, dĩ nhiên không cả kỹ thuật âm thanh cũng làm cho khách uống cà phê buồn gục mặt.
Ngoài đường vỉa hè có một anh chụp hình rong mồm oang oang tán một anh cán bộ. Đúng là anh cán bộ chẹt xe tôi hồi sáng:
- Chụp một tấm ảnh đi đồng chí, chụp ảnh lấy liền sau ba mươi giây bằng máy ảnh tối tân khoa học có tên là Polaroid. Ba mươi giây xong một tấm ảnh in bằng giấy ảnh Liên Xô vĩ đại, cỡ 9x12, chỉ còn một ít phim đặc biệt, chụp ngay đi kẻo hết. Xem nào, tôi là nhà điện ảnh lớn tốt nghiệp Tiệp Khắc, có thể đạo diễn cho đồng chí chụp cả bộ “Đạp -Đổng - Đài”,
Anh cán bộ Ếp Ếp hét lên:
- Nghĩa “nà” thế “lào”?
- Dạ nghĩa là chụp cho đồng chí đủ bộ, trong ảnh có cả hình xe đạp, đồng hồ đeo tay, đài nghe phát thanh đeo ở bên nách. Chụp đi đồng chí gửi về Hà nội làm kỷ niệm, đồng chí đi giải phóng miền Nam giàu sang thế đấy.
- Bao lâu thì lấy ảnh được?
- Chỉ ba mươi giây như tối đã cam kết.
- Nói “náo”, “nàm” như người ta không biết gì cả, cả đời không nhìn thấy cái máy chụp ảnh. Này đừng có bịp thằng này, Hà Nội thiếu gì máy ảnh.
- Tôi nói thật mà đồng chí, nếu nói láo thì cứ bắn tôi đi.
- Thôi được, “náo” thì nhà anh chết. Phải có ảnh mới giả tiền.
- Một ngàn đồng Ngụy một tấm.
- Tiền bao nhiêu cũng được, tao mới đổi tiền Hà Nội được một mớ. Một cái ảnh một đồng bạc chứ mấy, đáng nhẽ ra chỉ một vài hào thôi. Thôi được, “guai Hà Nội” hào hoa phong nhã mà…
Sao Biển bưng miệng cười:
- Mẹ kiếp, nó nói “giai Hà Nội” mà ngọng líu tíu tìu…
Tôi vui lây với cái vui của bạn:
- Tao câm điếc, mủ giở nên chả biết gì hết.
Sao Biển vừa uống cà phê vừa quan sát anh thợ ảnh đạo diễn cho anh cán bộ “ếp ếp” chụp pô hình “đạp-đổng-đài”. Anh thợ ảnh miệng tía lia:
- Được rồi, xe đạp dựng trước, vén bên tay áo đeo đổng lên, nghiêng người một chút cho nhìn rõ cái đài đeo bên mình, nhìn thẳng vào máy này, đứng nghiêm trang như thế… Tươi lên nào! Toét miệng cười toe đi… Xong rồi.
Máy bấm tách một cái. Anh thợ chụp ảnh nhẩy ngay vào, giấu người sau gốc cây rút tấm hình trong máy ra, nhưng anh ta không đưa ngay cho khách hàng:
- Xong rồi, đẹp lắm! Anh cán bộ đưa tay ra:
- Đưa xem nào?
- Đưa tiền đây thì đưa ảnh, tiền trao cháo múc!
- Ô hay “nàm” gì mà “chắc nép” thế, đẹp thì trả tiền “niền”.
Anh thợ chụp hình xua tay:
- Không đưa, đưa tiền đã, đây là vấn đề nghệ thuật, không phải hàng tôm hàng cá. Anh xem rồi lại làm bộ chê ỏng chê eo rồi đòi bớt xén thì sao.
Anh cán bộ đành xì tiền ra, anh ta cầm lấy tấm hình, mấy người tò mò ghé mắt xem trầm trồ khen đẹp mà oai ghê. Anh cán bộ còn chê:
- Chưa được, anh phó nhòm này, sao miệng tôi còn méo, thế “nà” nghiệp vụ anh chưa cao.
- Khó gì, chụp một pô nữa, tôi gò lại cái miệng cho. Tôi cứ tưởng đồng chí dùng cái môi che răng sún chứ.
- Bố “náo”, Chụp “nại” cái khác. Chụp năm cái, tôi chỉ “nấy” một cái đẹp nhất. Trả tiền đủ, tôi là tay chơi ảnh mà.
- Xin chiều lòng quý khách, nào xin mời, đứng lại tư thế cũ.
Anh cán bộ kêu thất thanh:
- Ô hay, cái xe đạp của tôi đâu rồi?
Anh thợ ảnh cũng la lên:
- Người anh em nào đùa giai, đưa lại chiếc xế cho đồng chí cán bộ đi, để cán bộ còn chụp ảnh chứ. Ai thấy làm ơn mách bảo giùm.
Một người nói:
- Tôi vừa thấy một người dắt đi, tôi lại tưởng xe của anh ta…
- Thôi đúng tên vồ xế chính hiệu rồi.
Anh cán bộ rối tinh lên, mặt như chàm đổ:
- “Náo” thật, náo thật, quân này ăn cắp như ranh. Ông mà túm được thì chết với ông, ai thấy nó chạy đường nào thì báo cáo đi.
Người chỉ đường này, kẻ chỉ đường kia cứ líu tìu cả lên. Anh cán bộ đùng đùng nổi giận:
- Á à, chúng mày đồng “nõa” với nhau cả, che mắt ông để cướp tài sản của công dân “nương” thiện.
Anh ta móc mãi trong túi quần ra một vật bọc ni lông. Anh giở nhiều lần dây quấn. Lòi ra một cây súng. Sao Biển lôi tôi:
- Lỉnh đi thôi, nó điên lên dám nổ bậy lắm.
Mọi người thấy anh cán bộ có súng đều tìm đường lủi hết. Anh ở lại một mình la hét chửi bới Mỹ Ngụy và cặn bã của nó còn sót lại một cách thật cô đơn.
Ở cuối đường đằng kia thằng ăn cắp xe đạp, đứng bán sang tay ngay cho một anh cán bộ khác có nhu cầu đi tậu xe. Anh đòi cái hóa đơn, có ngay người cung cấp, ghi luôn cả số sườn xe đạp. Bảo đảm không phải đồ gian.
Cuối cùng thì cả hai anh cán bộ gặp nhau. Hai anh cãi nhau rồi cùng xuất trình giấy tờ chủ quyền hợp pháp, cùng mang nhãn hiệu xe "de-lu-xe" (Deluxe).
Chuyện này phải đưa ra bộ đội quân quản phân xử. Chẳng biết kết quả ra sao.
Tôi ghi nhận lại tất cả mọi hoạt cảnh thành phố những ngày đầu giải phóng. Thì ra mình vẫn đang làm việc. Một cuộc đi thực tế kéo dài hai mươi năm trời. Những tư liệu vô cùng quí giá.
Tôi đi lang thang suốt một ngày đến tối mới vế nhà mẹ. Người đượm mùi rượu khó ngửi. Tôi đưa mẹ tờ giấy chuyển về địa phương. Bà cụ hỏi:
- Đã đành, nhưng còn ba con bé thì sao, cháu nội mẹ?
- Hiện giờ con không biết, nhưng con phải tìm ra chúng thôi.
Cả vài tháng sau tôi mới tìm ra chúng ở trong viện mồ côi do mấy bà sơ nuôi dạy. Tội nghiệp các con tôi. Tội nghiệp những đứa trẻ khác đồng cảnh ngộ.. Nay viết lại hồi ký tôi còn thấy vị cay cay nước mắt mình. Tôi biết lòng mình vẫn nguyên vẹn như thuở nào…
Viết Trên "Gác Bút" Viết Trên "Gác Bút" - Nguyễn Thụy Long Viết Trên "Gác Bút"