Số lần đọc/download: 738 / 7
Cập nhật: 2018-04-29 14:51:03 +0700
Chương 2
T
ất cả bọn con gái đều cho rằng bản thân chúng nó thông minh lắm. Tôi không thể hiểu nổi vì sao chúng nó giàu trí tưởng bở đến thế không biết!
Cái Lika em gái tôi đấy, mới lên lớp ba đã tưởng là không cần phải nghe lời tôi nữa rồi, cứ như thể tôi không phải là anh của nó, và đối với nó tôi không có uy tín gì hết. Đã bao lần tôi bảo nó đừng ngồi vào bàn học ngay khi từ trường về nhà, rất hại người, thế mà nó có nghe tôi đâu. Khi học ở trường đầu óc người ta đã mệt mỏi lắm rồi, phải cho đầu óc nghỉ ngơi một vài tiếng đồng hồ đã, rồi sau đó hãy ngồi học bài. Nhưng Lika thì nói hay không cũng thế, nó không muốn nghe lời tôi.
Đấy, ngay bây giờ đấy: Tôi về đến nhà, nó cũng vừa ở trường về. Thế mà nó đã bày sách vở ra bàn và ngồi học bài.
Tôi bảo:
– Em làm gì thế, em bé? Chẳng lẽ em không biết rằng phải để cho đầu óc được nghỉ ngơi một chút sau giờ học ở trường?
– Em biết chứ, – nó bảo, – em biết, nhưng học thế này em thấy tiện hơn. Em làm bài về nhà ngay lập tức, sau đó thì thoải mái muốn chơi gì thì chơi.
– Giời ơi, – tôi bảo, – sao chậm hiểu thế! Năm ngoái anh dạy bảo em ít hay sao! Anh còn biết làm gì nữa nếu như em không nghe lời anh nhỉ? Lớn lên thế nào cũng bị lú lẫn, đến lúc ấy thì biết thân!
– Thế em biết làm sao bây giờ? – nó nói. – Em không thể ngồi yên một phút nào, nếu như vẫn còn việc phải làm.
– Cứ như là làm sau thì không được ấy! – tôi trả lời. – Phải biết chịu đựng chứ.
– Không, tốt nhất là em cứ làm hết công việc phải làm đã, như thế yên tâm hơn. Vì bài học của chúng em cũng dễ thôi mà. Chẳng khó như bài của lớp bốn đâu.
– Đúng, – tôi nói. – bài của bọn anh chẳng phải như của bọn em. Đấy khi nào lên lớp bốn thì sẽ biết thân.
– Thế hôm nay bài về nhà của anh có gì? – nó hỏi.
– Chẳng phải việc của em, – tôi nói. – Đằng nào thì em cũng chẳng hiều gì đâu, vì thế chẳng đáng bỏ công kể.
Kỳ thực tôi chẳng thể nào kể cho nó nghe về nhà tôi phải học lại bảng cửu chương! Học sinh lớp hai đã phải học bảng cửu chương rồi mà.
Tôi hạ quyết tâm phải học hành đến nơi đến chốn ngay từ đầu năm học và vì thế ngồi ngay vào bàn để học lại bảng cửu chương. Tất nhiên tôi chỉ dám đọc thầm để Lika không nghe tiếng, nhưng nó học nhanh quá, chẳng mấy chốc đã làm xong hết bài về nhà và bỏ đi chơi với lũ con gái. Khi đó tôi bắt đầu học bảng cửu chương một cách thật sự, đọc to thành tiếng, và học thuộc lòng đến mức giả dụ ban đêm khi đang ngủ mà bị đánh thức dậy, hỏi bảy lần bảy là mấy, hay tám lần chín là bao nhiêu tôi cũng trả lời được ngay. Ngày hôm sau, cô Olga Nikolaevna gọi tôi lên kiểm tra bài, xem tôi đã thuộc bảng cửu chương chưa.
– Đó, em thấy không, – cô nói, – khi em muốn thì em cũng học được thật tốt đấy chứ! Cô luôn biết em cũng có khả năng mà.
Giá như cô chỉ kiểm tra bảng cửu chương thôi thì mọi việc đã tốt đẹp biết bao. Đằng này cô lại còn muốn biết tôi giải bài tập số học thế nào, và bắt tôi lên bảng làm. Tất nhiên vì thế cô đã làm hỏng tất cả mọi việc.
Tôi bước lên bảng, và cô Olga Nikolaevna đọc cho tôi đề bài về những người thợ mộc nào đó đang dựng nhà. Tôi cầm phấn viết đầu bài lên bảng và bắt đầu nghĩ. Tức là, tất nhiên chỉ là cách nói là tôi bắt đầu nghĩ thôi. Bài khó đến mức đằng nào thì tôi cũng chẳng giải được. Tôi cố tình nhăn trán, để cô Olga Nikolaevna tưởng tôi đang suy nghĩ, nhưng thực ra tôi đang nhìn trộm bọn bạn, cầu cứu chúng nó nhắc bài. Nhưng nhắc bài cho người đang đứng trên bảng thật khó, và cả lớp im lặng.
– Sao, em bắt đầu giải bài toán như thế nào? – cô Olga Nikolaevna hỏi. – Câu hỏi đầu tiên thế nào nhỉ?
Tôi chỉ nhăn trán nhiều hơn, và quay nửa người về phía lớp, lấy hết sức nháy nháy mắt. Bọn bạn hiểu ra là tôi đang gặp khó khăn, và bắt đầu nhắc bài.
– Trật tự, các em, đừng nhắc bài cho bạn! Cô sẽ giúp bạn ấy nếu cần thiết, – cô Olga Nikolaevna nói.
Cô bắt đầu giảng giải cho tôi hiểu đề toán và nói cách trả lời câu hỏi đầu tiên. Dù chẳng hiểu gì mấy, nhưng cuối cùng tôi cũng trả lời được câu này.
– Đúng rồi, – cô Olga Nikolaevna nói. – Ta chuyển sang câu thứ hai. Câu hỏi thế nào nhỉ?
Tôi lại đăm chiêu suy nghĩ và nháy mắt với bọn bạn. Cả lớp lại bắt đầu xôn xao nhắc bài.
– Trật tự! Cô nghe thấy hết, mà các em thì làm bạn mất tập trung suy nghĩ! – cô Olga Nikolaevna nói và lại giảng cho tôi cách làm câu hỏi thứ hai.
Bằng cách đó, với sự giúp đỡ của cô Olga Nikolaevna và tiếng nhắc bài của bọn bạn, cuối cùng tôi cũng giải xong bài tập.
– Bây giờ em đã hiểu cách giải loại bài tập này rồi chứ? – cô Olga Nikolaevna hỏi.
– Thưa cô em hiểu, – tôi trả lời.
Kỳ thực tất nhiên là tôi chẳng hiều gì hết, nhưng nếu phải thừa nhận là không hiểu thì tôi thấy rất xấu hổ, rằng tôi là thằng chậm hiểu thế, hơn nữa nếu nói là chưa hiểu tôi sợ nhỡ cô Olga Nikolaevna cho tôi điểm kém thì sao. Tôi về chỗ, chép bài giải bào vở và quyết định khi về nhà sẽ xem kỹ lại.
Sau giờ học tôi bảo bọn bạn:
– Sao các cậu lại nhắc to thế để cô Olga Nikolaevna nghe tiếng? Gào cả lớp nghe tiếng ấy chứ! Chẳng lẽ người ta nhắc bài thế à?
– Thế nhắc bài làm sao lúc cậu đứng tận trên bảng ấy! - Vaxia Erokhin nói. - Giá mà cô kiểm tra bài cậu tại chỗ thì lại là chuyện khác.
– «Tại chỗ, tại chỗ»! Nhắc khẽ thôi chứ.
– Thì đầu tiên tớ nhắc cho cậu khẽ đấy chứ, nhưng cậu cứ đứng im có nghe thấy gì đâu.
– Thế thì tại cậu thì thầm quá khẽ ngay dưới mũi cậu thôi, – tôi nói.
– Thấy chưa! Nhắc cậu nói to cũng không được, bé cũng không xong! Chẳng hiểu cậu muốn nhắc thế nào nữa!
– Không cần phải nhắc cậu thế nào cả, – Vania Pakhomov nói. – Cậu phải tự mình suy nghĩ, chứ không phải là chờ người ta nhắc bài.
– Tớ phải chất hết những thứ ấy vào đầu tớ để làm gì, nếu như đằng nào thì tớ cũng chẳng hiểu loại bài ấy phải giải như thế nào? – tôi nói.
– Tại cậu chẳng chịu suy nghĩ, nên mới không hiểu, – Gleb Skameikin nói. – Cậu cứ nhăm nhăm chờ nhắc bài, bản thân thì không chịu học. Riêng tớ sẽ chẳng bao giờ nhắc bài cho ai nữa. Cần phải đảm bảo trật tự trong lớp học, mà nhắc bài thì chỉ toàn có hại thôi.
– Chẳng cần cậu vẫn có đầy người nhắc, – tôi nói.
– Tớ quyết đấu tranh chống nhắc bài, – Gleb bảo.
– Thôi nào, đừng lên mặt quá thế! – tôi đáp.
– Sao lại là «lên mặt»? Tớ là lớp trưởng! Tớ sẽ đấu tranh chống nhắc bài đến cùng.
– Ừ thì sao nào, – tôi nói, – cậu tưởng mình ghê lắm nên được bầu làm lớp trưởng à! Hôm nay cậu là lớp trưởng, mai tớ sẽ là lớp trưởng.
– Thì cứ chờ đến lúc đó đã, còn bây giờ cậu có được bầu làm lớp trưởng đâu.
Đến đây thì cả lớp bắt đầu can thiệp, và cả lớp ồn ào tranh luận xem có nên nhắc bài hay không. Nhưng cuộc tranh cãi chẳng đi đến đâu cả, vì Dima Balakirev đã chạy đến. Nó phát hiện ra trên khoảng đất trốn phía sau trường học sinh các lớp lớn đã tổ chức một sân bóng đá.
Chúng tôi quyết định ngay sau bữa ăn trưa sẽ ra đó đá bóng. Ăn cơm xong, chúng tôi tụ tập ngoài sân, chia làm hai đội để có thể đá bóng cho ra trò, thật đúng luật. Thế nhưng bọn trong đội tôi tự nhiên lại cãi nhau xem ai phải làm thủ môn, vì chẳng ai muốn bị chôn chân giữa hai cột gôn cả. Đứa nào cũng muốn được chạy khắp sân và làm bàn cơ. Tất cả đều cho rằng tôi làm thủ môn là hợp nhất, nhưng tôi thì muốn một chân tiền đạo, hoặc ít ra thì cũng phải là tiền vệ. May cho tôi, cậu Siskin đồng ý làm thủ môn. Nó cởi phăng áo ngoài, đứng vào giữa hai cái cột, và chúng tôi bắt đầu đá.
Đầu tiên bên đối phương hình như mạnh hơn. Gôn của phía chúng tôi bị tấn công tơi bời, cả đội tôi bị dồn lại thành một đám. Chúng tôi chạy đôn đáo vô ích khắp sân, và làm vướng chân lẫn nhau. Mãi rồi chúng tôi mới được bóng, và chúng tôi bắt đầu chạy về phía cầu môn đối phương. Ai đó trong đội tôi đã sút bóng thành công, và tỉ số là 1:0 nghiêng về phía chúng tôi. Khỏi phải kể chúng tôi như được tiếp thêm sức lực, dồn dập tấn công đến thế nào, và chẳng mấy chốc bàn thứ hai đã được ghi. 2:0, chúng tôi dẫn trước. Thế nhưng không hiểu sao cục diện trận đấu bỗng đột ngột thay đổi, tất cả dồn hết sang phía nửa sân của chúng tôi. Bên tôi lại bị ép sân, và dù cố gắng mấy chúng tôi cũng không đưa được bóng đi xa gôn của mình. Khi đó cậu Siskin dùng cả hai tay ôm bóng, chạy sang tận gôn của đối phương, đặt nó xuống đất và định sút thì cậu Igor Grachev cướp mất, chuyển cho Slava Vedernikov. Cậu này chuyền cho Vania Pakhomov, và chúng tôi còn chưa kịp định thần thì bóng đã nằm gọn trong lưới mất rồi. Tỉ số là 2:1. Siskin vội vã quay về vị trí trấn giữ khung thành, thế nhưng trong khi nó chạy từ đầu sân này đến đầu sân kia thì bóng đã kịp vào lưới thêm lần nữa. Tỉ số bây giờ là 2 đều. Chúng tôi bắt đầu mắng mỏ cậu Siskin vì tội dám bỏ khung thành, còn nó thì cố thanh minh, lại còn hứa từ giờ sẽ chơi đúng luật. Nhưng lời hứa của nó chẳng mang lại kết quả gì. Nó bỏ khung thành mà chạy ra ngoài suốt, và cứ thế bóng lăn vào lưới của chúng tôi. Trận bóng kéo dài đến tận tối mịt. Phía chúng tôi ăn được 16 quả, còn đội bạn - những 21. Chúng tôi còn định đá tiếp nữa, nhưng trời sập tối nhanh chóng, và không còn trông rõ quả bóng nữa, vì thế cả bọn đành phải về nhà. Trên đường về tất cả đều nói chúng tôi thua là tại Siskin, tại vì cậu cứ bỏ vị trí của mình suốt.
– Siskin này, cậu là một thủ thành giỏi đấy, – Iura Kasatkin nói. – Giá mà cậu đứng giữ khung thành cho nghiêm chỉnh thì chắc là đội mình phải bách chiến bách thắng.
– Tớ chẳng thể nào đứng yên được đâu, – Siskin bảo – Tớ thích bóng rổ hơn, vì khi chơi bóng rổ thì tất cả các cầu thủ đều được chạy khắp sân, không ai phải làm thủ môn cả, hơn thế ai cũng được chơi bóng bằng tay. Theo tớ chúng mình lập đội bóng rổ đi. Siskin bắt đầu kể cho cả bọn nghe luật chơi bóng rổ, và, theo lời cậu nói, trò chơi này vui không kém gì bóng đá.
– Phải nói với thầy giáo dậy thể dục, các cậu ạ, – Iura nói. – Có lẽ thầy sẽ giúp chúng ta lắp đặt các thứ cần thiết cho một sân bóng rổ.
Mãi tận khi về đến bùng binh, chỗ rẽ vào phố nhà chúng tôi ở, Siskin đột ngột dừng lại và kêu:
– Ối cha mẹ ơi! Tớ quên mất áo khoác ngoài ở sân bóng rồi!
Nó quay lại và cắm đầu cắm cổ chạy. Thật là một con người kỳ cục. Lúc nào cũng vậy, nhất định phải có một cái gì đó xẩy ra với nó. Thế gian vẫn có những người như thế chứ lại!
o O o
Gần chín giờ tối tôi mới về đến nhà. Mẹ tôi bắt đầu mắng mỏ về tội mải chơi, về nhà quá muộn, nhưng tôi nói đã muộn lắm đâu, mẹ cảm thấy muộn là vì bây giờ là mùa thu rồi, mà mùa thu thì trời chóng tối hơn mùa hè, cho nên ai cũng cảm thấy là đã muộn rồi, vì mùa hè ngày dài hơn nhiều, vào giờ đó ai cũng có cảm giác là còn sớm, vì trời hãy còn sáng...
Mẹ bảo, lúc nào tôi cũng lý do lý trấu, và bắt tôi phải đi học bài. Tất nhiên là tôi ngồi vào bàn học ngay, tức là ngồi xuống bàn, nhưng không học ngay, vì tôi đã rất mệt sau một trận đá bóng như thế, và tôi muốn nghỉ một lát.
– Sao anh vẫn chưa học bài đi? – Lika hỏi. – Vì đầu óc anh chắc là đã nghỉ ngơi lâu lắm rồi.
– Anh tự biết đầu óc mình cần nghỉ ngơi bao nhiêu! – tôi nói.
Giờ thì tôi chẳng thế nào bắt đầu học được nữa rồi, vì nếu học ngay thì hẳn là con bé Lika sẽ cho rằng nó đã bắt tôi học. Vì thế tôi quyết định sẽ nghỉ thêm một lúc nữa, và bắt đầu kể cho nó nghe chuyện cậu Siskin hậu đậu đã bỏ quên áo khoác ngoài của mình trên sân bóng. Chưa được bao lâu thì bố đi làm về và kể chuyện nhà máy nơi bố làm việc mới nhận một hợp đồng sản xuất máy mới cho nhà máy thuỷ điện Kuybyshev, và tôi vẫn không thể nào bắt tay vào học được vì chuyện bố kể rất hay.
Bố tôi là thợ sản xuất mẫu ở nhà máy đúc. Ông làm các mô hình. Mô hình là gì, chưa chắc tất cả mọi người đều biết, nhưng tôi thì biết rõ. Để đúc một chi tiết máy nào đó thì việc đầu tiên là phải làm ra một cái cốt có hình dạng giống như thế, nhưng bằng gỗ. Thế thì cái cốt gỗ ấy gọi là mô hình. Mô hình cần dùng vào việc gì? Số là thế này: Người ta đặt mô hình vào một cái hộp sắt rỗng, không có đáy, rồi đổ lèn đầy đất vào đó, và khi cái mô hình được lấy đi thì trong đất còn lại khoảng trống có hình dáng giống hệt mô hình. Người ta rót thép lỏng vào khoảng trống đó, và khi thép đã đông lại thì người ta thu được một chi tiết máy có hình dạng giống hệt như mô hình. Khi nhà máy nhận được đơn đặt hàng sản xuất các chi tiết mới, thì việc đầu tiên là các kỹ sư vẽ sơ đồ thiết kế, rồi thợ làm mô hình cứ theo sơ đồ đó mà làm. Tất nhiên là thợ làm mô hình là những người rất giỏi, vì chỉ cần nhìn sơ đồ là đã hiểu ngay phải làm như thế nào. Nếu người thợ làm mô hình không tốt thì sẽ không thể đúc được các chi tiết máy chính xác. Bố tôi là thợ làm mô hình giỏi. Thậm chí ông còn nghĩ ra một cái cưa điện thuận tiện để cắt gỗ thành các chi tiết rất nhỏ. Bây giờ ông đang suy nghĩ để làm ra một cái máy dùng để đánh bóng các mô hình bằng gỗ. Hiện nay việc đánh bóng mô hình phải làm thủ công, và khi nào bố tôi chế tạo thành công cái máy đánh bóng gỗ ấy thì tất cả thợ làm mô hình của nhà máy sẽ có máy để làm việc.
Khi đi làm về bao giờ bố tôi cũng sẽ nghỉ ngơi một chút, rồi giở các sơ đồ thiết kế cái máy mới của mình ra, hoặc là đọc sách để biết cái gì phải làm như thế nào, bởi phát minh ra một cái máy đánh bóng gỗ không phải là chuyện chơi.
Bố tôi đã ăn cơm tối xong, và ngồi vào bàn làm việc. Còn tôi lại ngồi vào bàn học. Đầu tiên tôi học thuộc bài địa lý, vì đây là bài dễ nhất. Sau môn địa lý tôi bắt tay vào học môn tiếng Nga. Cần phải chép lại đầu bài tập và tìm gốc từ, tiền tố và đuôi. Gạch dưới gốc từ một gạch, tiền tố - hai gạch còn đuôi thì ba gạch. Rồi tôi học thuộc bài tiếng Anh rồi bắt tay vào môn số học. Bài về nhà khó kinh hoàng, tôi không thể hiểu được phải giải nó như thế nào. Tôi ngồi cả tiếng đồng hồ, trố mắt nhìn vào vở bài tập, gắng sức suy nghĩ căng cả óc, nhưng cũng chẳng được tích sự gì. Thêm vào đó cơn buồn ngủ kéo đến. Mắt tôi cay xè, cứ như bị rắc cát vào vậy.
– Con ngồi thế là đủ rồi đấy, – mẹ nói, – đến lúc đi ngủ rồi con ạ. Mắt con đã díp lại rồi kia kìa, thế mà còn cứ ngồi mãi!
– Nhưng mai thì sao, làm sao có thể đi học mà chưa làm xong bài về nhà được? – tôi nói.
– Con phải học bài ban ngày, – mẹ trả lời. – Từ đâu ra cái thói học khuya thế không biết! Học kiểu thế chẳng được tích sự gì đâu. Đằng nào thì con cũng có hiểu gì đâu
– Thì cứ để cho nó ngồi, – bố xen vào. – Để cho nó biết thân, lần sau đừng để đến tận tối khuya mới học bài nữa.
Thế là tôi ngồi và đọc đi đọc lại đề bài cho đến khi những con chữ trong quyển sách bắt đầu gật gù, ngả nghiêng, chữ nọ trốn sau chữ kia như chúng đang chơi trò trốn tìm vậy. Tôi dụi mắt, đọc lại đề bài lần nữa, nhưng những con chữ tinh nghịch không chịu yên, thậm chí chúng còn nhảy cả lên như trẻ con chơi trò nhảy cừu.
– Sao nào, con không làm được bài gì nào? – mẹ hỏi.
– Đây này, – tôi nói, – phải cái bài tập dở hơi thế nào ấy.
– Không có bài tập nào là dở hơi hết. Đấy là các học sinh dở hơi thì có.
Mẹ đọc đề bài và giảng giải cho tôi cách làm, nhưng chẳng hiểu sao tôi không còn hiểu được một cái gì nữa.
– Thế chẳng lẽ ở trường các thầy cô không giảng cho học sinh cách giải loại bài tập này à? - Bố hỏi.
– Không, bố ạ, – tôi nói, – chẳng giảng gì cả.
– Kỳ thật đấy! Ngày bố đi học, đầu tiên cô giáo bố luôn giảng cách làm bài ở lớp rồi sau đó mới cho bài về nhà.
– Đấy là, – tôi nói, – chuyện ngày bố còn đi học, chứ chúng con bây giờ cô Olga Nikolaevna chẳng giảng giải gì cả. Cô chỉ hỏi thôi, hỏi và hỏi.
– Bố chẳng hiểu ở trường bây giờ người ta dạy dỗ trẻ con thế nào!
– Dạy thế đấy, – tôi nói, – bố ạ.
– Thế trong lớp cô Olga Nicolaevna kể cho các con nghe những gì trong lớp?
– Chẳng kể gì cả. Chúng con phải giải toán trên bảng.
– Thế thì đưa bố xem bài toán thế nào nào.
Tôi đưa bố xem bài toán đã chép vào vở.
– À, thế đấy, thế mà con lại còn nói cô giáo này nọ! – bố kêu. – Đây chả là bài toán giống hệt bài cô cho về nhà là gì! Có nghĩa là cô giáo đã giảng cách giải các bài toán loại này rồi.
– Giống đâu mà, – tôi nói, – đâu? Bài kia về những người thợ mộc dựng nhà, đằng này là những người thợ sắt làm xô cơ mà.
– Ối giời, con trai ơi! – bố bảo. – Trong bài ấy cần phải tính được hết bao nhiêu ngày thì 25 người thợ mộc dựng được 8 cái nhà, còn trong bài này thì phải tính cần bao nhiêu thời gian để 6 người thợ sắt làm được 36 cái xô. Hai bài này cách giải như nhau mà.
Bố bắt tay vào giảng lại cho tôi cách làm bài tập, nhưng trong đầu tôi mọi thứ đã lẫn lộn hết cả, và tôi hoàn toàn không hiểu gì hết.
– Sao con chậm hiểu thế không biết! – cuối cùng thì bố nổi cáu. Chẳng lẽ lại có thể chậm hiểu đến thế!
Bố tôi không hề biết cách giảng bài. Mẹ luôn luôn nói bố chẳng có tí khả năng sư phạm nào, có nghĩa là bố không thể trở thành giáo viên được. Nửa tiếng đồng hồ đầu tiên bố giảng giải khá bình tĩnh, nhưng sau đó thì bắt đầu nổi cáu, và một khi bố đã nổi cáu thì tôi hoàn toàn không hiểu bố nói gì nữa, và ngồi ngay thộn trên ghế như một khúc gỗ.
– Nào, thế còn gì không hiểu nào? – bố nói. – Tất cả đều dễ hiểu mà.
Bố đã nhận ra là giảng giải bằng lời thì chẳng ích gì, nên cầm lấy giấy bút và bắt đầu viết.
– Đây nhá, – bố nói. – Tất cả đều rất đơn giản. Con nhìn này, xem cách giải câu thứ nhất nhé.
Bố viết đề bài ra giấy, và tự giải.
– Con có hiểu không?
Nếu nói sự thật thì tôi chẳng hiểu gì hết, nhưng tôi đã buốn ngủ chết đi được, nên nói liều:
– Con hiểu ạ.
– Đấy, thấy chưa, cuối cùng thì cũng hiểu! – bố vui mừng ra mặt – Cần phải suy nghĩ kỹ, con ạ, thì tất cả sẽ trở nên dễ hiểu. Và bố tiếp tục giải câu thứ hai.
– Con hiểu không?
– Dạ hiểu, – tôi nói.
– Nếu không hiểu thì con phải nói nhé, để bố còn giảng nữa.
– Không, con hiểu rồi, hiểu rồi.
Tự bố giải đến câu cuối cùng. Tôi chép bài giải sạch sẽ vào vở và bỏ nó vào cặp sách.
– Làm xong việc thì tha hồ mà chơi, – Lika nói.
– Đủ rồi đấy, mai anh sẽ nói chuyện với em! – tôi càu nhàu và đi ngủ.