Số lần đọc/download: 4111 / 147
Cập nhật: 2015-07-04 22:49:15 +0700
Khu Vườn Có Những Lối Đi Rẽ Nhánh
D
uy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Andrew Hurley
Ở trang 242 cuốn History of the World War, Liddell Hart cho chúng ta biết rằng đợt tấn công của quân Đồng minh vào chiến tuyến Serre-Moutauban (do sư đoàn mười ba Anh quốc khởi xướng, hậu thuẫn phía sau là một ngàn bốn trăm khẩu pháo) được hoạch định vào ngày 24 tháng bảy năm 1916 nhưng phải hoãn lại cho đến sáng ngày hai mươi chín. Những cơn mưa như trút nước (Đại uý Liddell Hart ghi nhận) là nguyên do cho sự trì hoãn đó, mà quả đúng vậy – và đó là một sự trì hoãn không dẫn đến chuyện gì to tát. Lời tường trình sau đây – do Tiến sĩ Yu Tsun, cựu giáo sư Anh ngữ tại trường Hochschule ở Thanh-đảo, kể, đọc lại và kí nhận – đã soi rọi một luồng sáng đầy bất ngờ vào vụ việc. Hai trang đầu của lời tường trình đã bị lạc mất.
… và tôi gác ống nghe điện thoại. Ngay sau đó, tôi nhận ra giọng nói trả lời ban nãy là bằng tiếng Đức. Đó là giọng của Đại uý Richard Madden. Sự hiện diện của Madden tại căn hộ của Viktor Runeberg có nghĩa là nỗ lực của chúng tôi đã chấm dứt và (mặc dù điều này dường như, hay lẽ ra dường như, chỉ là thứ yếu với tôi) cả cuộc sống của chúng tôi nữa. Nghĩa là Runeberg đã bị bắt, hay đã bị giết cũng nên [1]. Trước lúc hoàng hôn của ngày hôm đó, tôi sẽ phải đối diện cùng một số phận như vậy. Madden là một kẻ không khoan nhượng, hay đúng hơn, hắn buộc phải không khoan nhượng. Một gã Ái-nhĩ-lan dưới mệnh lệnh của người Anh, một gã bị buộc tội thiếu nhiệt huyết, có lẽ thậm chí bị buộc tội phản quốc, thì làm sao hắn có thể không ôm lấy và tạ ơn trước một ân huệ thần diệu này – việc khám phá ra, bắt giữ lấy, thậm chí là gây ra cái chết, đối với hai đặc vụ của Đế quốc Đức? Tôi đi lên phòng tôi ở trên lầu; tôi khoá cửa lại một cách ngớ ngẩn, và rồi tôi thả mình xuống nằm ngửa trên chiếc giường sắt chật hẹp của mình. Bên ngoài cửa sổ là những mái che quen thuộc và bóng mặt trời bị mây che khuất. Tôi thấy thiệt không thể tin nổi khi mà ngày hôm nay, không có điềm báo hay tiên báo gì cả, lại là ngày chết không thể tránh khỏi của mình. Mặc dù có một người cha quá cố, mặc dù đã từng là một đứa trẻ trong khu vườn cân xứng của Hai Feng – vậy mà tôi, giờ đây, chuẩn bị chết ư? Rồi tôi ngẫm nghĩ rằng mọi thứ xảy ra đối với người ta, và xảy ra chính xác, chính xác ngay bây giờ. Hàng thế kỉ tiếp nối nhau, thế mà các sự kiện diễn ra chỉ ở hiện tại; vô số gã đàn ông trong không khí, trên đất liền và ở biển cả, thế mà mọi việc vốn thật sự xảy ra, lại xảy ra với tôi… Cái kí ức khó chịu cùng cực về gương mặt ngựa của Madden đã làm tiêu tan những ý nghĩ lộn xộn trong đầu. Khi đang trong cơn hận thù và khiếp sợ (giờ thì tôi không màng đến việc nói về nỗi khiếp sợ – bây giờ là lúc tôi đang bỡn cợt Richard Madden, giờ là lúc cái cổ của tôi đang thèm khát sợi dây thừng), tôi chợt nghĩ rằng tay chiến binh bạo động và luôn vui sướng kia chẳng nghi ngờ gì về việc tôi đang nắm giữ một Bí mật – tên của một địa điểm cụ thể thuộc vùng pháo binh mới của Anh quốc bên bờ sông Ancre. Một con chim bay cắt ngang nền trời xám, và tôi mù mờ chuyển dịch nó thành một cái máy bay, và chiếc máy bay đó lại thành nhiều chiếc nữa (trên bầu trời nước Pháp), đang oanh tạc vùng pháo binh với những quả bom dội thẳng xuống. Phải mà cổ họng của tôi, trước khi bị viên đạn xé nát, có thể gào lên cái tên đó để bên nước Đức có thể nghe được… Nhưng chất giọng con người của tôi thì quá sức yếu ớt. Làm thế nào tôi có thể đưa cái tên này tới tai của Chỉ huy – tai của một gã đàn ông bệnh hoạn và hằn học, một người chẳng biết gì về Runeberg và tôi ngoại trừ việc chúng tôi đang ở Staffordshire, và là một người đang chờ đợi vô vọng tin tức từ phía chúng tôi trong cái văn phòng khô khốc của hắn tại Berlin, đang mải mê nghiền ngẫm những trang báo?… Tôi phải trốn thôi, tôi nói to lên. Tôi đứng lên khẽ khàng, chẳng để làm gì ngoại trừ việc tạo ra một thứ yên lặng tuyệt đối, như thể Madden đã ở sẵn bên ngoài cửa. Một thứ gì đó – có lẽ chỉ là một sự phô bày cho việc chứng tỏ rằng những phương tiện của tôi không hề tồn tại – đã khiến tôi đi lục túi mình. Tôi tìm thấy được cái mà tôi biết tôi sẽ tìm được: một chiếc đồng hồ đeo tay Mĩ, sợi xích mạ nickel và đồng xu hình vuông, xâu chìa khóa với những cái chìa khoá bí mật và vô dụng của căn hộ Runeberg, cuốn sổ tay, một bức thư mà tôi quyết tâm tiêu huỷ nó ngay lập tức (và chẳng bao giờ làm), hộ chiếu giả, một đồng crown, hai đồng shiling, và một vài xu là lạ, một cây bút chì đỏ-và-xanh, một khăn tay, một khẩu súng lục với một viên đạn. Bằng điệu bộ ngớ ngẩn tôi cầm khẩu súng lên và ước lượng nó, để mang lại sự dũng cảm cho bản thân. Tôi ngẫm nghĩ mơ hồ rằng một phát súng có thể được nghe thấy ở khoảng cách đáng kể. Trong mười phút, kế hoạch của tôi đã chín muồi. Cuốn danh bạ điện thoại đã cho tôi cái tên của người duy nhất có thể truyền thông tin: ông ta sống tại vùng ngoại ô Fenton, cách đây gần nửa giờ đi xe lửa.
Tôi là một tên hèn nhát. Tôi có thể nói thế, giờ thì tôi đang thực hiện một kế hoạch mà tính chất nguy hiểm và liều lĩnh của nó chẳng ai có thể phủ nhận. Tôi biết rằng làm vậy thì thật khủng khiếp. Tôi không làm điều đó vì nước Đức. Tôi phải quan tâm gì cho cái đất nước man rợ đã buộc tôi đi làm công việc gián điệp nhơ nhuốc? Hơn nữa, tôi biết về một người đàn ông ở Anh – một người khiêm tốn – một người mà theo tôi tài năng chẳng thua kém gì Goethe. Tôi nói chuyện cùng ông ta chưa đầy một giờ, nhưng trong một giờ đó thì ông ta trở thành Goethe… Không – tôi làm vậy bởi vì tôi nhận thức rằng Chỉ huy coi khinh chủng tộc người như tôi – vô số những vị tổ tiên mà dòng máu của họ chảy qua huyết quản của tôi. Tôi muốn chứng tỏ với ông ta rằng người da vàng có thể cứu vớt quân đội ông ta. Và tôi phải trốn thoát khỏi Madden. Đôi tay hắn, giọng hắn, có thể đập lên cửa bất kì lúc nào. Tôi lặng lẽ thay đồ, chào tạm biệt chính mình trong gương, đi xuống cầu thang, nhìn ngó nghiêng con đường hiu quạnh và đi ra. Nhà ga xe lửa không xa căn hộ tôi mấy, nhưng tôi nghĩ tốt hơn nên bắt taxi mà đi. Tôi cho rằng sẽ có ít cơ hội tôi bị bắt gặp nếu đi bằng cách này; thực tế là, tôi cảm thấy tôi lộ liễu và trông yếu đuối quá – yếu đuối vô cùng – khi đi trên con đường vắng tanh này. Tôi nhớ là tôi có bảo tài xế dừng cách cổng nhà ga một khoảng ngắn. Tôi xuống xe với sự chậm rãi cố tình và rất ư khó nhọc. Tôi sẽ đi tới làng Ashgrove, nhưng tôi mua vé xuống ở nhà ga xa hơn. Xe lửa sẽ khởi hành lúc tám giờ năm mươi, chẳng còn mấy phút nữa thôi. Tôi phải nhanh chóng, xe lửa kế tiếp sẽ bắt đầu lúc chín giờ ba mươi. Hầu như chẳng có ai trên sân ga. Tôi đi lướt qua những chiếc xe hơi, tôi nhớ là có vài người công nhân, một người phụ nữ trong bộ đồ tang tóc, một anh thanh niên đang đọc cuốn Annals của Tacitus một cách hứng thú, và một thương binh với vẻ hoan hỉ. Cuối cùng thì xe lửa cũng rời nhà ga. Tôi nhận ra một gã đàn ông đang chạy một cách vô vọng, ở phía đầu bên kia sân ga; đó là Đại uý Richard Madden. Hoảng hốt và rùng mình, tôi ôm lấy một góc của ghế ngồi, cách xa khung cửa sổ đáng sợ kia.
Từ trạng thái hoảng hốt tôi chuyển sang trạng thái hoan hỉ một cách thấp hèn. Tôi tự nhủ rằng trận chiến của tôi đã bắt đầu, và bằng việc tránh né khỏi đòn tấn công của đối phương – thậm chí chỉ với bốn mươi phút, thậm chí nhờ số phận khẽ mỉm cười với tôi – thì hiệp đầu tiên đã thuộc về tôi. Tôi cho rằng chiến thắng nho nhỏ này báo trước một chiến thắng toàn cục. Tôi cho rằng chiến thắng đó thật sự không nhỏ đến vậy, bởi vì không có một giờ quí báu mà những chiếc xe lửa đã cho tôi, thì tôi đã ở trong ngục, hoặc chết rồi. Tôi cho rằng (cũng phức tạp không kém) sự hoan hỉ hèn nhát của mình đã chứng tỏ rằng tôi là một người đàn ông có thể theo đuổi chuyến hành trình này cho đến khi kết thúc thành công. Từ nhược điểm của mình tôi rút ra được cái sức mạnh sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi tôi. Tôi nhìn thấy trước được rằng nhân loại sẽ từng ngày càng lúc càng chấp nhận những phi vụ khủng khiếp hơn; trong thoáng chốc thôi thì sẽ không còn gì nữa ngoại trừ những chiến binh và những kẻ cướp đường. Tôi cho họ lời khuyên: Hắn, người làm những hành vi kinh khủng, nên hình dung ra chính hắn hoàn tất chúng, nên buộc bản thân mình vào một tương lai không thể thay đổi được như quá khứ vậy. Đó là những gì tôi làm, trong khi đó đôi mắt tôi – đôi mắt của một người đã chết – để tâm đến ngày đang trôi đi, có lẽ là ngày cuối cùng, và màn đêm trùm xuống. Xe lửa chạy nhịp nhàng, từ tốn, xuyên qua những hàng cây tần bì. Nó dừng hẳn lại tại giữa vùng quê. Không ai báo tên nhà ga. “Ashgrove?” Tôi hỏi vài cậu trai trên sân ga. “Ashgrove”, họ nói, gật đầu. Tôi rời khỏi xe lửa.
Một chiếc đèn soi sáng sân ga, nhưng gương mặt của những cậu trai thì vẫn trong bóng đêm. “Ông có phải đang tới nhà của Tiến sĩ Stephen Albert không?”, một cậu chất vấn. Không chờ trả lời, một cậu khác nói: “Căn nhà cách đây khá xa, nhưng ông sẽ không lạc đường nếu ông đi theo con đường kia về bên trái, và rẽ trái mỗi khi gặp đường cắt ngang.” Tôi búng cho họ một đồng tiền (đồng cuối cùng của tôi), đi xuống vài bậc đá, và bắt đầu đi dọc theo con đường cô độc kia. Con đường chạy đến duới đồi, và là con đường đất nguyên chất. Những nhánh cây xoắn xuýt với nhau ở trên đầu, và ánh trăng tròn ở tầm thấp dường như đang đi dạo cùng tôi.
Trong một thoáng, tôi sợ rằng Richard Madden bằng cách nào đó sẽ nhìn ra được kế hoạch liều mạng của tôi, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra điều đó là không thể. Lời khuyên của cậu trai là luôn rẽ trái đã gợi tôi nhớ rằng đó là cách phổ thông để tìm ra tâm điểm của một loại mê cung nào đó. Tôi ít nhiều gì cũng là chuyên gia về mê cung: đâu phải vô ích khi mà tôi là chắt của Ts’ui Pen, thống đốc của tỉnh Vân-nam và là người từ bỏ mọi quyền lực thực tại để viết một cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều nhân vật hơn cả cuốn Hồng Lâu Mộng và tạo dựng một mê lộ trong đó toàn bộ mọi người sẽ bị lạc lối. Ts’ui Pen cống hiến mười ba năm cho hai nhiệm vụ riêng biệt này, nhưng bàn tay của một kẻ ngoại bang đã ám sát ông ấy, và cuốn tiểu thuyết của ông ta trở nên vô nghĩa và không ai có thể tìm ra được cái mê lộ đó. Đó là lúc ở dưới những bóng cây nước Anh mà tôi ngồi chiêm nghiệm về cái mê lộ bị thất lạc đó: tôi hình dung cái mê lộ hoàn hảo và toàn vẹn trên một đỉnh núi bí mật; tôi hình dung những nét phác thảo của nó bị che mờ đi bởi những cánh đồng lúa, hoặc ở dưới mặt nước; tôi hình dung nó vô tận – một mê lộ không phải là một cái đình bát giác và những lối đi vòng quanh chính nó, mà là những con sông và những tỉnh thành và những vương quốc… Tôi tưởng tượng ra một mê lộ gồm nhiều mê lộ, một mê cung của những mê cung, một mê lộ xoắn xuýt, quanh co, luôn mở rộng ra và chứa đựng trong đó cả quá khứ lẫn tương lai và bằng cách nào đó hàm chứa cả những ngôi sao. Chìm đắm trong sự mơ tưởng phi thực tế, tôi quên đi việc tôi là một kẻ bị truy đuổi; tôi cảm thấy bản thân mình, trong một chừng mực vô hạn định, là một kẻ cảm quan trừu tượng cho cái thế giới này. Một miền quê mơ hồ, sống động, mặt trăng, phần còn lại của ngày đang cố lay chuyển tôi; con đường dốc mềm mại kia cũng vậy, nó chặn trước toàn bộ khả năng xảy ra tình trạng chán chường. Buổi chiều gần tới, mà vẫn còn vô tận.
Con đường dốc xuống và rẽ nhánh khi nó đi xuyên qua cánh đồng cỏ giờ đây đã mờ mịt. Một bài nhạc tuyệt diệu và vang lên điệu của các âm tiết, bị lá và khoảng cách không gian phủ mờ đi, nó đến rồi dần tan biến trong những cơn gió mạnh êm dịu. Tôi vấp phải ý nghĩ rằng một người đàn ông có thể là kẻ thù của những người khác, kẻ thù của những khoảnh khắc của những người khác, tuy nhiên không phải là kẻ thù của miền quê – của những con đom đóm, những ngôn từ, những khu vườn, dòng nước, những cơn gió nhẹ. Khi đang nghĩ ngợi thì tôi đến một cái cổng cao và rỉ sét. Qua những thanh sắt, tôi thấy con đường với những hàng cây dương, và một cái đình. Đột nhiên tôi nhận ra hai thứ – cái đầu tiên thì vặt vãnh, cái thứ nhì thì không thể tin được: tiếng nhạc tôi nghe được phát ra từ cái đình kia, và tiếng nhạc đó là nhạc Trung-hoa. Đó là lí do tại sao tôi đã hoàn toàn thả mình vào nó một cách vô thức. Tôi không nhớ có tiếng chuông hay không hoặc là tôi đã vỗ tay để đánh động về việc thăm viếng của mình.
Tiếng nhạc bập bùng vẫn tiếp tục, nhưng từ bên hông của căn nhà thân thiện kia, cái lồng đèn đang trên đường tiến đến tôi – một cái lồng đèn có các vạch đan chéo nhau và thi thoảng bị che phủ sau mấy cái cây, cái lồng đèn giấy có hình dạng cái trống và có màu của mặt trăng. Một người đàn ông cao cao đã cầm nó. Tôi không thể thấy mặt ông ta bởi vì ánh sáng làm tôi loá mắt. Ông ta mở cổng và chậm rãi nói chuyện với tôi bằng thứ tiếng của chính tôi.
“Tôi thấy là ngài Hsi P’eng vị tha đã đồng ý giúp tôi cải thiện tình trạng cô độc của mình. Ông chắc hẳn là sẽ muốn xem khu vườn chứ phải không?”
Tôi nhận ra tên của một trong những vị lãnh sự nước tôi, nhưng tôi chỉ có thể bối rối lặp lại, “Khu vườn?”
“Khu vườn có những lối đi rẽ nhánh.”
Có gì đó khuấy động trong tâm trí tôi, và tôi nói ra với một sự chắc chắn không thể hiểu nổi.
“Khu vườn của ông cố tôi Ts’ui Pen.”
“Ông cố của ông ư? Ông cố lừng lẫy của ông ư? Vâng, xin mời vào.”
Con đường lấm tấm nước đi vòng vèo hệt như những con đường thời thơ ấu của tôi. Chúng tôi đi tới thư viện chứa những cuốn sách Tây phương và Đông phương. Tôi nhận ra, được buộc trong những dải tơ vàng là một vài cuốn sách viết tay của bộ “Bách khoa thư bị thất lạc” của vị hoàng đế thứ ba triều đại nhà Minh, nhưng chưa bao giờ được in ra. Cái đĩa trên cái máy chơi nhạc xoay tròn gần tượng con phượng hoàng bằng đồng. Tôi cũng nhớ có một cái bình sứ hồi thế kỉ mười tám và một cái khác, xưa hơn vài trăm năm, với màu xanh dương mà những người thợ đã sao chép từ những người thợ gốm xứ Ba-tư cổ…
Stephen Albert mỉm cười quan sát tôi. Ông ta, như tôi từng nói, khá cao, với những nét sắc, đôi mắt xám, và bộ râu quai nón xám. Có gì đó mang nét linh mục ở ông ta, nhưng không hiểu sao cũng có nét giống thuỷ thủ, sau đó ông ta cho tôi biết rằng ông ta từng là nhà truyền giáo ở Thiên-tân “trước khi có mong ước trở thành nhà nghiên cứu Trung-hoa”.
Chúng tôi ngồi xuống, tôi thì ngồi trên chiếc phản dài, ông ta thì ngồi quay lưng về cửa sổ và cái đồng hồ cao. Tôi ước tính là kẻ theo đuổi tôi, Richard Madden, sẽ không thể tới trong vòng ít nhất một giờ. Quyết định cuối cùng của tôi có thể chờ.
“Cuộc đời của Ts’ui Pen thật là đáng kinh ngạc”, Stephen Albert nói. “Vị thống đốc của một tỉnh mà ông ta được sinh ra, người đàn ông này học thiên văn, chiêm tinh, và diễn giải không mệt mỏi những kinh sách, một kì thủ, một thi sĩ nổi danh và là người viết thư pháp – ông ta bỏ hết để sáng tác một cuốn sách và một mê lộ. Ông ta từ bỏ mọi niềm vui thích của việc đàn áp, của công lí, của chốn hoan lạc xô bồ, của những buổi tiệc, và thậm chí cả những kiến thức uyên thâm để tự nhốt mình mười ba năm trong “Ngôi đình của sự cô liêu trong trẻo” [*]. Khi ông ta chết đi, những người thừa kế không tìm được gì trong mớ bản thảo hỗn độn. Gia đình, như ông có lẽ cũng để ý đến, thì chuẩn bị ném mấy bản thảo vào lửa, nhưng vị luật sư của ông ấy – một tu sĩ Đạo giáo hoặc Phật giáo – nhất quyết xuất bản chúng.”
“Cho đến ngày nay”, tôi đáp lại, “chúng tôi, những người thuộc dòng dõi Ts’ui Pen đều căm ghét tên tu sĩ đó. Thật là vô nghĩa khi xuất bản những bản thảo đó. Cuốn sách là một mớ hỗn tạp mâu thuẫn nhau của những bản nháp không rõ ràng. Đích thân tôi đã từng xem nó kĩ càng; trong chương thứ ba một người anh hùng chết, vậy mà trong chương bốn anh ta sống lại. Nói về việc kia của Ts’ui Pen, Mê lộ của ông ta…”
“Đây là Mê lộ”, Albert nói, với điệu bộ hướng về cái tủ cao có lớp sơn bóng nhoáng.
“Một mê lộ bằng ngà voi!” Tôi cảm thán. “Một loại mê lộ rất nhỏ…”
“Một mê lộ của những biểu tượng”, ông ta chỉnh tôi. “Một mê lộ thời gian vô hình. Tôi, một kẻ man rợ người Anh, bằng cách nào đó đã được chọn để vén bức màn bí ẩn mỏng manh này. Giờ đây, hơn trăm năm sau sự việc, những chi tiết chính xác không thể được phục hồi, nhưng không khó để dự đoán được cái gì đã xảy ra. Ts’ui Pen ắt hẳn đã có lần phát biểu, ‘Tôi sẽ nghỉ hưu để viết sách’, và ở lần khác thì, ‘Tôi sẽ nghỉ hưu để tạo dựng một mê lộ’. Mọi người đều hình dung đuợc hai công trình này; chẳng ai có ý nghĩ rằng cuốn sách và mê lộ là một và tương đồng nhau. “Ngôi đình của sự cô liêu trong trẻo” mọc lên ở trung tâm khu vườn mà có lẽ đã được trang hoàng khá phức tạp; việc đó lẽ ra chỉ đến một mê lộ thực sự. Ts’ui Pen chết đi; không ai ở những vùng đất rộng lớn, vốn là của ông ấy, có thể tìm ra mê lộ đó. Tính hỗn độn của cuốn tiểu thuyết –cái sự không rõ ràng ấy, dĩ nhiên là ý tôi vậy – chỉ ra rằng nó chính là cái mê lộ đó. Hai tình huống ủng hộ tôi cho đáp án cuối cùng của bài toán này – một, đó là một truyền thuyết lạ thường với việc Ts’ui Pen dự định tạo dựng một mê lộ thật sự vô tận, và hai, là mẩu thư tôi đã phát hiện ra.”
Albert đứng dậy. Ông ta quay lưng về phía tôi trong một lúc; ông ấy mở ngăn kéo ở cái bàn viết màu đen và mạ vàng. Ông ta quay trở lại với tờ giấy hình chữ nhật mỏng manh vốn có màu đỏ thắm nhưng giờ đây đã thành màu hồng. Tờ giấy có nét chữ thư pháp lừng danh của Ts’ui Pen. Tôi háo hức đọc mà chẳng hiểu gì những dòng chữ mà người đàn ông trong cùng dòng dõi của tôi đã viết ra một cách cẩn trọng: Tôi để lại cho một vài tương lai (không phải tất cả) cái khu vườn có những lối đi rẽ nhánh. Tôi trao tờ giấy lại cho Albert mà không nói một lời. Ông ta tiếp tục:
“Trước khi khám phá ra bức thư này, tôi đã tự hỏi làm thế nào mà một cuốn sách có thể trở nên vô tận. Cách duy nhất mà tôi dự đoán là cuốn sách đó ắt hẳn lặp đi lặp lại theo chu kì hoặc đi theo một vòng tròn khép kín, một cuốn sách mà những trang cuối tương tự như những trang đầu, để người ta có thể tiếp tục đến vô tận. Tôi cũng nhớ lại cái đêm ở phần giữa trong 1001 Đêm, khi mà hoàng hậu Scheherazade (bằng một sự lơ đễnh huyền ảo do người sao chép tạo ra) bắt đầu kể lại, từng từ một, câu chuyện 1001 Đêm, đã đánh liều quay trở lại lần nữa vào cái đêm mà cô ta kể chuyện – và cứ thế, đến bất tận. Bản thân tôi cũng hình dung ra được một dạng tác phẩm theo trường phái Plato, theo kiểu kế thừa, truyền từ đời cha sang đời con, trong đó mỗi cá nhân sẽ lại thêm vào một chương hoặc với sự thận trọng đáng kính sẽ sửa lại những trang của những người tiền bối. Những điều tưởng tượng này làm tôi thích thú và xao lãng đi, nhưng không có cái nào trông có thể tương ứng được, dù chỉ một chút thôi, với những chương sách mâu thuẫn của Ts’ui Pen. Khi tôi đang vật lộn trong mớ bùn lầy của những điều rối rắm thì nhận được từ Oxford cái tài liệu mà ông vừa mới xem qua. Tôi ngừng lại, như ông có thể dễ dàng tưởng tượng ra, ở cái câu ‘Tôi để lại cho một vài tương lai (không phải tất cả) cái khu vườn có những lối đi rẽ nhánh’. Ngay tức thì, tôi đã thấy nó – khu vườn có những lối đi rẽ nhánh chính là cuốn tiểu thuyết hỗn độn này; cụm từ ‘một vài tương lai (không phải tất cả)’ gợi ý cho tôi hình ảnh của việc rẽ nhánh này diễn ra về mặt thời gian, thay vì là không gian. Việc đọc lại toàn bộ cuốn sách đã xác nhận lí thuyết của tôi. Trong tất cả các cuốn truyện, mỗi khi có người đối diện với những lựa chọn khác nhau, thì anh ta chọn một và loại trừ đi những cái kia; trong tác phẩm gần như không thể gỡ rối của Ts’ui Pen, thì ông ta chọn – cùng một lúc – tất cả các lựa chọn. Bằng cách này, ông ta tạo ra ‘một vài tương lai’, một vài thời điểm, mà chính chúng tự nhân lên và rẽ nhánh. Đó là lời giải thích cho những điều mâu thuẫn trong cuốn tiểu thuyết. Ví dụ như Fang có một bí mật; một kẻ lạ mặt gõ cửa; Fang quyết định giết hắn ta. Theo lẽ thường thì có những kết quả khả dĩ khác nhau – Fang có thể giết kẻ đột nhập, kẻ đột nhập có thể giết Fang, cả hai người có thể sẽ còn sống, cả hai có thể bị giết chết, v.v.. Trong tiểu thuyết của Ts’ui Pen, tất cả những kết quả thực sự đều diễn ra; mỗi kết quả là điểm khởi đầu cho một chỗ rẽ đôi khác. Thỉnh thoảng thì những lối đi của mê lộ đó hội tụ lại với nhau: ví dụ, ông đến căn nhà này, nhưng một trong những quá khứ có thể có thì ông là kẻ thù của tôi, trong một quá khứ khác thì là bạn tôi. Nếu ông có thể chịu đựng lối phát âm hết thuốc chữa của tôi thì ta sẽ đọc một vài trang.”
Gương mặt ông ta trong ánh đèn sáng rõ chắc chắn thuộc về một người già, mặc dù gương mặt đó có nét gì đó kiên định và thậm chí cả bất tử. Bằng sự chuẩn xác chậm rãi, ông ta đọc hai phiên bản của một chương thiên anh hùng ca. Trong phiên bản đầu, một đội quân diễu hành băng qua vùng núi đi ra trận chiến; nỗi khiếp sợ từ những hòn đá và của bóng đêm tạo niềm cảm hứng cho họ khinh bỉ cuộc đời, và họ tiếp tục đi đến một chiến thắng dễ dàng. Trong phiên bản thứ hai, cũng đội quân đó băng qua toà lâu đài đang có buổi tiệc khiêu vũ; trận chiến tưng bừng đối với họ như là sự tiếp nối cho lễ hội, và họ giành thắng lợi dễ dàng.
Tôi lắng nghe những câu chuyện xưa cũ đó với sự tôn kính xứng đáng, những câu chuyện đó chính chúng có lẽ không đáng chú ý bằng việc người đàn ông cùng dòng máu với tôi đã sáng tác ra chúng và một người đàn ông khác ở một đế quốc xa xôi đã mang chúng lại cho tôi ở trên một hòn đảo phương Tây khi tôi đang trong quá trình thực hiện một nhiệm vụ liều lĩnh. Tôi nhớ những ngôn từ cuối cùng, được lặp lại trong mỗi phiên bản như điều răn bí mật: “Do vậy những người anh hùng chiến đấu, con tim đáng phục của họ điềm tĩnh, thanh gươm của họ bạo tàn, họ cam chịu việc giết chóc, và cả cái chết.”
Từ lúc đó, tôi cảm nhận tất cả những gì về tôi, và trong cái thân thể nhạt nhoà này có một sự sinh sôi nảy nở vô hình và mơ hồ – không phải của những đội quân phân tán ra, song hành nhau và cuối cùng hợp lại, mà là một sự phiền muộn khó tiếp cận hơn, chất chứa trong lòng nhiều hơn cả điều đó, là thứ mà những đội quân kia báo trước. Albert tiếp tục:
“Tôi không tin vị tổ tiên lừng lẫy của ông đùa cợt với những biến dị mông lung này. Tôi nghĩ rằng không thể nào có việc ông ta hi sinh mười ba năm cho màn trình diễn vô tận việc áp dụng phép tu từ. Tại đất nước của ông thì tiểu thuyết là một thể loại không quan trọng; vào thời điểm đó nó là thể loại còn dưới cả những thứ bị khinh rẻ khác. Ts’ui Pen là một tiểu thuyết gia thiên tài, nhưng ông ấy cũng là một người của thư từ, và chắc chắn là ông ta không tự coi mình đơn thuần là một tiểu thuyết gia. Lời của những người đồng thời ông ta đã công bố ra những học thuật về siêu hình và về huyền học của ông ấy – và cuộc đời ông ta là một sự xác nhận đầy đủ nhất. Sự tranh biện mang tính triết lí chiếm lấy một phần giá trị trong tiểu thuyết của ông ta. Tôi biết rằng trong tất cả những luận đề, chẳng cái nào làm ông ta bận tâm, chẳng cái nào khiến ông ta âu lo như chính cái luận đề hóc hiểm về thời gian. Và rồi, kì lạ làm sao khi luận đề đó là cái duy nhất không hiện ra trong những trang sách của cuốn Khu vườn. Ông ấy thậm chí không bao giờ dùng từ đó. Ông giải thích ra sao về sự lược bỏ cố ý này?”
Tôi đề xuất một vài đáp án – tất cả đều không vừa ý. Chúng tôi thảo luận về chúng, cuối cùng thì Albert nói:
“Trong một câu đố mà có câu trả lời là ‘cờ’, thì từ duy nhất không được nhắc đến là gì?”
Tôi nghĩ trong một lát.
“Là từ ‘cờ’,” tôi trả lời.
“Chính xác,” Albert nói. “Khu vườn có những lối đi rẽ nhánh là một câu đố lớn, hoặc là một câu chuyện ngụ ngôn, với chủ đề là thời gian; cái mục đích bí mật đó đã ngăn Ts’ui Pen đề cập đến tên gọi của nó. Luôn luôn bỏ đi một từ, đưa vào một cách khập khiễng những ẩn dụ và lối nói vòng vèo, có lẽ là cách rõ nhất để kêu gọi sự chú ý vào từ đó. Ở múc độ nào thì nó là con đường ngoằn ngoèo, mà ngài Ts’ui Pen ưa lắt léo đã chọn, tại mỗi khúc ngoặt trong cuốn tiểu thuyết bất tận của ông ta. Tôi đã đối chiếu hàng trăm bản thảo, đã chỉnh sửa nhiều lỗi mà những tay sao chép cẩu thả thêm vào. Tôi đã tiến tới được một lí thuyết cho cái dự định về sự hỗn độn đó. Tôi đã tái thiết lập, hay tin rằng tôi đã tái thiết lập, cái trật tự cơ bản đó – tôi đã chuyển ngữ toàn bộ tác phẩm; và tôi biết rằng từ “thời gian” không xuất hiện dù chỉ một lần. Lời giải thích quá hiển nhiên: Khu vườn có những lối đi rẽ nhánh là một hình ảnh chưa hoàn thiện, nhưng không sai lệch, của một vũ trụ mà Ts’ui Pen quan niệm. Không như Newton và Schopenhauer, vị tổ tiên của ông không tin vào thời gian đồng bộ và tuyệt đối; ông ấy tin vào chuỗi thời gian vô tận, một mạng lưới không ngừng phát triển, xoay vòng đến chóng mặt của những thời điểm phân tán, hội tụ và song song với nhau. Cấu trúc cơ bản của những đoạn thời gian, lúc thì tiến tới, rẽ nhánh, tách rời nhau, hoặc đơn giản là một ẩn số trong hàng nhiều thế kỉ, nó chứa đựng toàn bộ các khả năng. Trong hầu hết các thời điểm đó, chúng ta không tồn tại; trong một số, ông tồn tại nhưng tôi thì không; trong số khác, tôi tồn tại còn ông thì không; vẫn trong một số khác thì cả hai ta đều tồn tại. Trong cái này, thì tôi được trao cho quân bài cơ hội đầy ưu ái, ông đã đến nhà tôi; trong cái khác, khi ông đi băng qua khu vườn mà ở đó ông phát hiện ra tôi đã chết; trong cái khác nữa, tôi sẽ thốt ra những ngôn từ y như vầy, nhưng tôi là một sai lầm, một con ma.”
“Trong tất cả mọi thứ,” tôi nói mà không tránh khỏi rùng mình, “tôi cảm kích, và kính trọng, về việc ông tái dựng lại khu vườn của Ts’ui Pen.”
“Không phải trong tất cả đâu,” ông ta mỉm cười và thì thầm. “Thời gian rẽ nhánh, liên tục, tiến vào những vùng tương lai bất tận. Tại một trong số những tương lai đó, thì tôi là kẻ thù của ông.”
Tôi lại cảm nhận đuợc sự sinh sôi nảy nở mà tôi đã đề cập. Tôi cảm giác khu vườn ướt sũng mà đang bao quanh căn nhà, nó dày đặc, đến vô tận, những bóng người vô hình. Những người đó là Albert và chính tôi – bí ẩn, bận bịu công việc, muôn hình vạn trạng – trong những chiều thời gian khác. Tôi nhướng đôi mắt lên và cơn ác mộng mỏng manh kia tan biến. Trong khu vườn sắc-vàng-và-đen chỉ có duy nhất một người đàn ông – nhưng người đàn ông đó trông huyền năng như một bức tượng, và người đàn ông đó đang đi dọc xuống con đường, và người đó là Đại uý Richard Madden.
“Tương lai ở cùng với ta,” tôi đáp, “nhưng tôi là bạn của ông. Liệu tôi có thể nhìn bức thư lần nữa không?”
Albert đứng dậy lần nữa. Ông ta đứng cao dong dỏng khi mở cái ngăn kéo của cái bàn viết; ông ta xoay lưng về phía tôi trong một lát. Tôi kéo cò súng. Tôi bắn với vẻ cực kì thận trọng. Albert ngã xuống không một tiếng kêu, không một âm thanh, ngay tức khắc. Tôi thề là ông ấy chết ngay tức khắc – như ánh chớp vậy.
Phần còn lại chỉ là hư ảo và vô nghĩa. Madden xông vào căn phòng và bắt giữ tôi. Tôi bị kết án treo cổ. Tôi đã thành công một cách kinh tởm: tôi đưa cho Berlin cái tên bí mật của thành phố sắp bị tấn công. Hôm qua thì thành phố đó đã bị ném bom – tôi đọc tin đó trên mấy tờ báo mà đã đặt ra nghi vấn cho toàn nước Anh về điều bí ẩn của vụ sát hại một nhà nghiên cứu Trung-hoa nổi danh Stephen Albert, được thực hiện bởi một kẻ lạ mặt mang tên Yu Tsun. Chỉ huy đã giải ra được câu đố. Ông ấy biết rằng vấn đề của tôi là làm sao để báo cáo (băng qua tiếng gầm thét của chiến tranh) cái tên của thành phố Albert, và biết rằng cách duy nhất tôi có thể tìm ra được là đi giết một người có cùng cái tên ấy. Ông ta không biết (không ai có thể biết) về sự hối tiếc và nỗi chán chường vô hạn của tôi.
Chuyển ngữ tại Sài-gòn,
Có tham khảo thêm bản Anh ngữ của Donald A. Yates
và bản Việt ngữ của Trần Thiện Huy.
[1] Một giả thuyết kì lạ và hèn hạ. Điệp viên nước Phổ Hans Rabener, hay còn gọi là Viktor Runeberg, đã chĩa khẩu súng lục tự động vào viên sĩ quan bắt giữa anh ta, Đại uý Richard Madden. Madden vì tự vệ đã làm Rabener bị thương và vết thương đó đã gây ra cái chết cho Rabener [Ghi chú của biên tập]
(Nguyên văn trong truyện là thế, có thể đây là ghi chú của người biên tập tờ tường trình trong truyện)
Ghi chú của người dịch:
[*] Ngôi đình của sự cô liêu trong trẻo: dịch từ cụm “the Pavillion of Limpid Solitude”, theo Trần Thiện Huy thì từ này được dịch là “Minh liêu đình”