What holy cities are to nomadic tribes - a symbol of race and a bond of union - great books are to the wandering souls of men: they are the Meccas of the mind.

G.E. Woodberry

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngô Văn Phú
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3251 / 34
Cập nhật: 2015-09-24 03:56:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
húa Tĩnh Đô Vương họ Trịnh, vốn là một con người thông minh, quyết đoán. Thuở còn nhỏ, khí tượng lấn át người trên, oai trùm kẻ dưới, vốn đã được truyền ra tận băm sáu phố phường.
Hồi được phong Thế Tử, Trịnh Sâm đã tỏ ra một người xuất chúng. Ân Vương (Trịnh Doanh) rất yêu quý, chọn những thầy giỏi cả văn lẫn võ, làm thầy dạy cho Thế Tử. Lại chọn những người học giỏi như Nguyễn Khản, Phan Lê Phiên, được vào chơi trong phủ, để có dịp đua tài, trao đổi với nhau. Nhân một ngày lễ lớn trong cung, bà thái phi cho mời cả Thái Tử và Thế Tử vào cung ăn tiệc. Quan thái giám mời Thế Tử Trịnh Sâm ngồi cùng với Thái Tử Duy Vỹ, làm gợn lên những uất ức trong lòng bà. Thái phi chỉ sinh được con gái, đem gả cho Duy Vỹ.
Còn Trịnh Sâm chỉ là con một bá thứ, vợ Ân Vương. Thái phi nhất định không cho Thế Tử Sâm ngồi chung mâm với Thái tử Vỹ, và đuổi Sâm xuống ngồi mâm dưới, cho rằng vua, tôi không được ngồi cùng mâm, như thế là sai ngôi thứ. Sâm hận lắm. Ra đến ngoài hiên, chỉ mặt Duy Vỹ mà nói:
- Mày định làm Vua ư? Còn lâu! Nếu tao làm Chúa, thì không đến mày làm Vua đâu, dù là thứ Vua giả...
Quả nhiên Duy Vỹ được Thái phi che chở, vẫn không cứu nổi thân. Khi lên ngôi Chúa, Trịnh Sâm bày mưu hại Duy Vỹ, khiến Vỹ phải chết bất đắc kỳ tử trong ngục thất. Vĩnh Hoàng Đế, Lê Hiển Tông nhìn con chết mà không cứu nổi, đành gạt nước mắt...
Từ khi Tĩnh Đô Vương ngồi giữ phủ Chúa, trong hơn chục năm, chính sự vững vàng. Vương tiếp được chí cha, giữ yên được bờ cõi, không để Chúa Nguyễn phương nam tác oai, tác quái, chọn tướng giỏi, đưa ra để trấn trị. Lại cho quân sang Trấn Ninh đánh thành, chiếm đất để tỏ uy vũ, rồi rút về bắt lân quốc triều cống nghiêm chỉnh hàng năm. Phía bắc dẹp yên vụ xưng vương của Công Chất, dẹp các bọn giặc cỏ ở mạn biển, mạn núi đều bắt đầu lĩnh bỏ cũi đem về kinh đô, hoặc cho tướng giỏi, vây đánh, chém chết ở giữa trận tiền.
Chúa mở mang phủ Chúa, nguy nga lộng lẫy, vườn hoa của Chúa, buổi sáng ríu ran tiếng kêu tiếng hót của thú lạ, chim quý. Những cây cảnh, đá lạ, hoa thơm cỏ lạ, ở kinh thành và ngoại vi. Chúa ngầm sai bọn nội thị, thái giám lôi về. Thôi thì, cây mai già ở vùng Hương Tích, cây si trăm tuổi trong chậu cảnh của quan trấn thủ Sơn Nam, con vượn mặt xanh của vua Trấn Ninh, con vẹt trắng và ngù đỏ, biết nói, do tước vương Vân Nam gửi tặng. Chúa đều có cả. Chúa nghe lời bọn nội giám cho làm một hòn non bộ thật lộng lẫy, trông man mác như bốn bể đầu non. Chúa cho thả lên đó một bầy vẹt ngũ sắc, những buổi chiều rét, chúng gọi nhau náu ẩn, nghe xớn xác khó chịu, Chúa lại lấy thế làm vui.
Một lần vi hành sang Gia Lâm, thấy cây đa xanh tốt, Chúa buột miệng khen: Cây này mà đưa về trồng trong vườn Phủ thì đẹp đấy. Thế là chỉ vài ngày sau, quanh phủ sở tại với đám nội thị đã huy động dân chúng, đào xấn tận mấy trượng dưới đất, bứng bầu to bằng cả gian nhà, xẻ rãnh, dùng đá đưa xuống bè lớn, chở sang sông, đưa về Phủ Chúa chăm trồng cho bằng được, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể.
Chúa lại xây ly cung ở Hồ Tây, xa hoa không kém gì trong vương phủ. Tuy thu nhỏ gấp nhiều lần nhưng cũng có lầu xem sóng, nơi câu cá, chỗ thưởng nguyệt, chỗ ngắm trăng, nơi xem hát, nơi mở tiệc ngoài trời. Đèn lồng hàng ngàn chiếc, bạch lạp lớn lấy từ Trung Hoa sang, thắp thâu đêm suốt sáng mỗi khi Chúa giáng lâm.
Lại sai các nội giám đầu bịt khăn hoa, mặc áo cung nhân hoặc thường dân, bày các đồ hàng hoá mà bán cho quan đại thần theo hầu quanh hồ, cho là những phút thư giãn sau việc triều chính cực kỳ căng thẳng.
Bọn nhạc công thành phải theo để sẵn sàng tấu nhạc. Khi hứng chí, Chúa tung tiền vàng ra thưởng, cho phép họ giành nhau mà cướp. Chúa trông thấy cười thích thú.
Các ly cung mạn xứ Đoài, ở tỉnh Đông cũng được thiết lập. Hội xuân, nơi đâu được Chúa ngự đến vãn cảnh, năm ấy làm ăn thịnh vượng. Bọn nịnh lại khéo tâu, Chúa tưởng thật, càng hay đi. Chuyến đi nào cũng tiền hô hậu ủng, võng lọng nghênh ngang, điều thuyền, điều kiệu, ngựa trạm, chạy tới, chạy lui bụi đường tung lên đến hàng chục dặm...
Chúa còn thích thăm những nơi danh lam thắng cảnh. Đi đâu cũng cho quần thần theo hầu. Thường bắt chước các bậc hào hoa, ra thơ, ra đề hạn vận mà ngâm vịnh. Chúa thường được cho là bậc thơ hay, nên càng hay làm thơ. Chúa viết chữ cũng thường thôi, nhưng quần thần khen là loại chữ đẹp. Chúa bề ngoài khiêm tốn, nhưng bên trong ưa nịnh, cũng thích lắm. Do đấy mới có chuyện đề chữ ở động Hương Thích, khắc thơ ở chùa Tiên...
Lại nói, Thị Huệ hồi hộp chờ đợi được tuyển vào cung như đất hạn chờ mưa rào.
Hai chị em hôm nào cũng bàn bạc, nếu vào cung thì làm những gì. Huệ vẫn đi buôn bán, tần tảo, nhưng đêm về thường bảo người chú hướng dẫn cho những điển lệ của triều đình, lại hay hỏi đến cách ăn chơi của nhà quyền quí. Lắm lúc Huệ đã tò mò hỏi cả tính nết của Chúa Trịnh, của Vua Lê. Người chú thấy cháu có vẻ khác thường, cũng hết lòng truyền dạy. Ông lại đem những sách Tầu, truyện Tầu nói đến chuyện các vị hoàng hậu cung phi lừng danh trong sử sách như Lã Hậu, Võ Hậu, Chiêu Quân, Tây Thi, nhất loạt kể cho cháu nghe.
Ông cũng hay lui tới kinh thành, nên những truyện lưu truyền trong dân chúng về vua Lê, Chúa Trịnh đều kể cho Huệ tỉ mỉ. Huệ lại mượn những câu chuyện tình sử Trung Quốc mà đọc. Đọc rồi ngẫm nghĩ, say đắm lắm…
Mậu Lân vẫn rong chơi suốt tháng. Ông chú quát nạt nhiều, cũng có đỡ đôi chút. Song Huệ lại rất chiều em. Lân đẹp trai, thông minh, nhưng tính tình táo tợn, ham hố bài bạc. Đã có bận, Lân lấy tiền của chị đánh gần hết cả vốn. Mãi gần sáng mói gỡ được bạc, nhưng cũng thiếu đến gần chục lượng. Sáng sớm, chị còn lúi húi trong bếp, liền để vào chỗ cũ. Huệ kiểm tra thấy thiếu, hôm ấy phải khất chủ hàng. Tối đến, Lân về, Huệ liền hỏi. Lân gãi đầu nhận, Huệ chỉ mắng em qua loa rồi thở dài, Lân biết Huệ thương mình lắm. Vốn ỷ lại vào chị đã quen, Lân rất mong chị được tuyển vào phủ Chúa. Lân cười khì khì bảo chị:
- Vợ vua như bà Huyền bên làng Nành, cả làng còn được nhờ. Chị làm vợ Chúa, phải xin phong cho em làm quận công.
- Mày chỉ lỗ mãng quen thân. Đã ăn đâu vào đâu, mà mồm miệng cứ trống hoang, trống huếch. Vợ một tên khố rách ở làng, ghét nhau nó còn gièm chán, huống chi lại mấp mênh vào phủ Chúa. Mày dại lắm, em ạ!
Lân quay cổ lại cãi chị:
- Cứ bán dại của em đi mà ăn...
Ba tháng sau, Huệ được nội thần của phủ Chúa sang đón về cung. Làng Phù Đổng lại được một lần nô nức như ngày hội. Dân làng chen đẩy nhau mà xem mặt người đẹp của làng mình. Mấy người không chọn Huệ ngồi tướng trong dịp tháng giêng vừa rồi, chợt giật mình lo sợ... Liệu Huệ có trả thù mình không? Họ vội tự trấn an. Chúa ban cho vàng bạc, đồ trang sức, hài, giầy, xiêm áo, nghi phục đến hai ba hòm, được khiêng về nhà từ hôm trước. Ông chú Huệ, bầy hương án, ra nhận chỉ dụ của Chúa, tuyển Huệ vào cung. Chúa cắt hơn năm mẫu công điền của làng Gióng, dành cho gia đình Huệ, lại ban phẩm hàm cho ông chú... Biết bao người trong vùng đều phải ghen lên với gia đình họ Đặng.
Mậu Lân khăng khăng đòi về ngay kinh thành với chị. Ông chú phải dàn xếp, giảng giải mãi, Lân mới chịu.
o O o
Thị Huệ vào trong cung vài hôm đã xông xáo khắp mọi chỗ, Huệ khéo mồm, khéo miệng, lại nhanh nhẹn. Huệ được vào hầu Vương thứ phi của Trịnh Sâm là Ngọc Khoan. Ngọc Khoan là người được Trịnh Sâm gần đây yêu quý nhất, trở thành người tin cẩn giao phó nhiều việc. Được lòng chủ, nhưng Huệ cũng không mất lòng bầu bạn.
Huệ rỉ rả gợi chuyện, biết được sự thân ái ngoài mặt mà ghen ngầm, oán kín ở bên trong, của ba bà phi Dương Ngọc Hoan, Trần Thị Lộc và Trương Ngọc Khoan.
Trong ba bà, bà nào cũng có kiểu khôn ngoan của riêng mình. Bà Ngọc Hoan là nguyên Vương Phi, thế lực lớn hơn cả. Bà được Khê Trung Hầu, viên nội thần kỳ cựu của Tĩnh Đô Vương yêu quý kính trọng nhất. Trong phủ Chúa, ai mà không biết chuyện, chỉ có Khê Trung Hầu, mới dám giả cách nghe nhầm Chúa gọi bà Vương thứ phi lên hầu là bà Trương Ngọc Khoan, hầu cứ gọi bà ngụy phi Ngọc Hoan lên hầu Chúa. Hôm thứ nhất đã thế, hôm thứ hai, thứ ba, Khê Trung Hầu, vẫn cứ nhầm. Chúa hậm hực, thứ phi Trương Ngọc Khoan tức tối lồng lộn cả lên. Mấy đêm liền mất ngủ, Ngọc Khoan không hiểu: Mấy tháng nay, đêm nào Chúa không gọi mình lên hầu chăn gối. Ngọc Khoan trẻ, lại biết cách hầu Chúa. Lúc Chúa thèm khát vội vã, phi tìm cách khéo léo để Chúa thật bình tâm, trong người thư giãn, thoải mái, lúc ấy, phi mới giở các ngón riêng của mình để Chúa đắm mình trong sảng khoái... Vậy mà mấy đêm nay...
Trương Ngọc Khoan ngầm oán, khóc đến sưng cả mắt. Đêm thứ tư, Ngọc Khoan mới được lên hầu Chúa như cũ. Phi cuống quít, vội vã. Đôi mắt sưng sửa mãi không được đẹp như cũ. Đến nỗi, phi lên hầu muộn đến nửa khắc. May mà Chúa còn bận xem sắc văn. Thấy Ngọc Khoan lên, Chúa bỏ án thư, chạy ra đón, tươi cười:
- Thế nào ái phi, sao bảo mấy hôm nay em khó ở!
- Tâu Chúa thượng, đó là Khê Trung Hầu tâu láo. Em vẫn mạnh khoẻ như thường!
- Có thật thế không?
- Sao lại không thật!
- Vậy mà Khê Trung Hầu, ba hôm nay... vẫn gọi Nguyên phi lên hầu Chúa!
Chúa thở dài, Ngọc Khoan không tỏ ra ghen tuông lại nói:
- “Tao khang chi thê bất khả hạ đường”. Với ai, chứ với Nguyên phi, em làm sao dám ghen ngược.
Chúa ôm Ngọc Khoan vào lòng nói:
- Khanh rất biết điều. Nhưng nàng biết đấy, ba đêm qua, ta nằm với một người mà vẫn chỉ nhớ đến một người.
- Đội ơn Thánh Chúa! Còn em ba đêm vừa rồi chẳng khác như người đã chết rồi!
- Ta thật có lỗi với nàng!
- Thánh Chúa đừng nói thế! Phận đàn bà của chúng em là thế mà!
Chúa thấy Ngọc Khoan tính tình dịu dàng, lòng đầy yêu mến! Chúa ôm người lên lòng, cử chỉ rất suồng sã, Chúa hỏi:
- Nàng không giận ta ư?
Ngọc Khoan nép mình vào ngực Chúa, thỏ thẻ:
- Em giận Trời làm sao được. Em giận Chúa làm sao được. Chúa như Trời, nơi bao la che chở cho em. Em giận làm sao được!
Chúa rất vui lòng, cởi áo Ngọc Khoan. Mặt rồng kề sát vào mặt hoa, khẽ thì thào:
- Ta chỉ mong có được một đứa con trai thôi. Em có làm được việc đó hôm nay với ta không?
Ngọc Khoan khẽ gật đầu.
Chúa thổi nến, và đưa Ngọc Khoan lên sập vàng...
Ngọc Khoan thấy Huệ đẹp, nói với quan thị thôi không dùng làm cung nữ ở với mình.
Đặng Thị Huệ được chuyển sang hầu hạ bà vương phi Trần Thị Lộc. Huệ đã rất hiểu tấm lòng u uất của phi. Phi là người đồng hương của Huệ, do thế mà chọn về ở cùng mình. Có những buổi, Phi cho Huệ ngồi hầu cả đêm, rỉ rả hỏi chuyện ở quê nhà. Từ những phong tục, tập quán, món ăn, thức uống, đến những lễ hội trò chơi trong vùng. Phi vốn trước cũng là con nhà thường dân do một câu hát khẩu khí, mà được Chúa Trịnh Sâm đi tuần du, đem lòng yêu thích mà đón về.
Bà phi họ Trần kể:
- Em có biết không, cái đêm rằm tháng giêng ấy ta đi hội Lim, quần áo cũng tầm thường thôi, không được đẹp như những người khác đâu!... Hôm ấy, rằm tháng giêng, trăng đẹp hơn tất cả những Tết Nguyên tiêu ngày trước. Dẫu hội đèn như một thiên hà, suốt dọc giải đồi Lim, nhưng mà, nào ai nghĩ đến đèn đóm làm gì. Khi những câu hát đúm, hát giao duyên vang lên, trai gọi gái, gái gọi trai, thì hồn mình như bay khỏi xác mình. Mình không hèn nữa. Ta chỉ thấy như ngực căng ra, lòng đầy rộn ràng. Ta chỉ muốn tìm đến chỗ đám đông, nhiều con trai, mà chà, mà xát, mà tìm mà kiếm anh chàng mà mình hằng mơ, hằng khao khát. Mạnh khoẻ, táo tợn, giàu sang càng tốt, nếu không đủ ăn, đủ mặc cũng được...
Phi dừng lại. Huệ nhìn đôi mắt long lanh của bà đăm đăm nhìn về phía quê hương. Huệ biết trong đôi mắt ấy còn giữ nguyên những cờ xí, loa truyền, tiếng cọt kẹt của cây đu vừa dạo của đôi trai gái đang thì, những giọng hát về tiếng, trầm đục hoặc tha thiết, không khí xô bồ của đám hội, sự rủ rê buông thả với tuổi trẻ, sự kìm giữ nén chịu để bảo trọng nếp nhà, cái trinh bạch của người con gái... Phi dừng một lát, rồi lại hào hứng kể tiếp:
- Hôm đó, ta cất tiếng hát, câu hát, ta thường cho là hợp với lòng mình nhất. Câu hát ấy thế này::“Còn duyên ngồi gốc cây thông! Hết duyên ngồi gốc cây hồng hái hoa. Đã yêu nhau (nên) thăm cửa, thăm nhà... Cho thầy mẹ biết để đuốc hoa động trèo. Thất bát sông cũng lội, tứ cửu, tam thập lục đèo cũng qua...”Chắc là ta hát hay lắm. Lũ con trai bâu đến. Đã đến hồi trống cuối cùng bảo hiệu hội tắt đèn đã bắt đầu, thì ta thấy, đám con trai bị đám người rất khoẻ, gạt bắn sang hai bên. Rồi họ xông thẳng đến ta, dẫn đến một chiếc kiệu nhỏ, nhét ta vào đó, xe chạy như bay trên đầu mọi người. Lúc ấy cũng là lúc đèn tắt. Trăng vẫn sáng mờ mờ. Ta tưởng như đang trong một giấc mơ vậy.
Phi hình dung lại toàn bộ cảnh gặp gỡ đêm hôm ấy.
Trần Thị Lộc vẫn nguyên xống áo ngày hội được đem đến một hành cung, đầy đèn nến sáng trưng. Khi chân nàng vừa đặt lên bậc thềm đã có bốn thị nữ từ trong nhà bước ra, xiêm y tha thướt, dáng đẹp như tiên. Họ cúi chào rồi xúm đến đón nàng, dẫn nàng đi vào trong luồng nhà, đầy những cột lớn, sơn son thếp vàng của một cung điện. Nàng ngỡ ngàng chưa biết sao, thì hai thị nữ rẽ sang trái, còn hai thị nữ dẫn vào buồng tắm, có che những rèm gấm cực kỳ sang trọng. Nước tắm mùi thơm tho của những hương liệu quý giá đã toả ngát. Hơi nước nóng ấm đến khao khát được tắm gội ngay... Nàng tắm thoả thuê, ngây ngất. Khi nàng đứng dậy định mặc quần áo, thì thấy một chàng trai tuấn tú gạt màn bước vào. Chàng ngắm nàng từ đầu đến chân. Nàng sợ hãi ôm lấy bầu vú và khum người xuống. Nhưng giọng chàng, thật êm ái, khẽ nói:
- Nàng đừng sợ! Ta chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nàng thôi mà! Nàng mặc xiêm áo vào đi.
Rồi chàng tự tay cầm xiêm áo, đưa cho nàng mặc dần từng cái. Lộc đã mê chàng. Một ông hoàng chăng? Một cuộc gặp ở tiên giới chăng? Chàng thật quý phái và phong lưu. Cung cách của chàng hào hoa. Chàng đẹp, khoẻ mạnh và cũng hết sức dịu dàng trước nàng, một người đẹp ở chốn thôn dã. Khi Lộc mặc xong quần áo, chàng giơ tay ra cầm tay nàng và dẫn nàng ra khỏi buồng tắm. Mấy đứa thị tỳ đã đứng lui cả vào một cửa ngách, khi chàng dẫn nàng đi qua rồi, chúng mới dám trở lại buồng tắm để thu dọn...
Vương phi dừng lại, mắt đầy mơ mộng. Tiếng chim ngoài vườn Chúa lại vang. Những con vẹt đẹp mã, tiếng lại cộc cằn. Con chim cu áo màu đất, hót ít, mà khi đã hót thì tiếng của nó sao da diết. Phi nói với Huệ:
- Trong cuộc đời của ta, đêm ấy là đêm đáng sống, đáng nhớ nhất ở trên đời. Ta cảm thấy, Chúa là Trời và ta là Đất, Chúa là núi và ta là sông. Chúa là chim phượng còn ta là chim hoàng, chỉ những cánh rừng đại ngàn mới đủ để cho chúng dạo chơi và vun vén cho tình yêu đẹp nhất. Đêm ấy ta dâng hiến cho Chúa như bông hoa nở hết mình cho những hạt phấn để thành quả tốt cho cây, cho cành... Ta những tưởng ta sẽ sinh được đứa con ngày hôm đó với Chúa. Chúa thương ta hết mình. Chúa ngậm vào vú ta. Chúa cắn vào vai ta, ta dựa vào vai Chúa, vào mặt Chúa. Sự dịu dàng, sự thoả mãn của ta, làm cho Chúa rơi vào tận cùng mê đắm...
Bà phi dừng lại, Huệ nhận ra từ cuối mắt những giọt nước mắt long lanh hình to dần và rơi dần xuống đôi má phấn... Bà nói tiếp:
- Từ bữa ấy, ta đã thuộc về Chúa. Ta khát khao gì ở Chúa chăng? Ngai vàng ư? Không đâu! Ta sống nghèo, sống khổ ở chốn quê mùa đã quen! Giàu sang ai mà chẳng thích. Quyền thế ngang dọc như Chúa, mà cái thân hình đẹp đẽ, con người hào hoa ấy, khi về đến nội cung thì đã mệt phờ. Ta ít học, nhưng ta biết, quyền thế từ ngai vàng, uy lực càng lớn thì càng chuốc mệt mỏi... Giàu sang ư? Được ở hoàng cung, chẳng là nơi giàu sang nhất nước ư? Ta còn cần gì nữa. Điều ta cần chính là tình yêu của Chúa! Nhưng em ơi, làm sao ta giành được riêng cho mình, đối với con người mà cả nước trông vào ấy! Đến nguyên phi cũng còn chẳng làm gì được huống chi ta!
Nước mắt vương phi oà xuống má... Bà khóc dội lên một tiếng đủ cho Huệ thấy niềm yêu, sự đau xót và nén chịu đến chừng nào. Bà nói:
- Ta chỉ mong sinh được với Chúa một mụn con, trai hay gái cũng được. Đó chính là điều Chúa sẽ gắn bó với ta... Nhưng trời hại ta, trời hành ta... Ta biết làm sao được. Kiếp trước ta đâm ai, chém ai mà kiếp này ta khổ thế!
Huệ không biết làm thế nào, chỉ đến gần nhẹ nhàng nói:
- Lệnh bà đừng buồn. Chúa vẫn yêu quý lệnh bà. Những bữa nào Chúa đến, dáng của Chúa rất vui, có bữa Chúa nghỉ lại đây, đến nỗi quên cả buổi chầu đó ư...
Câu nói dường như làm dịu bớt nỗi đau của Vương phi Trần Thị Lộc. Bà quờ tay ôm lấy Huệ mà hỏi:
- Em có biết hát quan họ không?
- Dạ, hát được, nhưng không hay lắm!
Huệ cất tiếng hát. Phi lắng nghe, lòng dịu dần đi, mắt vời vời nhìn xa. Hình như Phi vẫn không thể nào quên được cái đêm Phi gặp Chúa trong Tết Nguyên tiêu, giữa đồi Lim, đêm hội tắt đèn...
Tuyên Phi Đặng Thị Huệ Tuyên Phi Đặng Thị Huệ - Ngô Văn Phú Tuyên Phi Đặng Thị Huệ