The longer you wait for something, the more you appreciate it when you get it, because anything worth having is definitely something worth waiting.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Văn Siêu
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1109 / 17
Cập nhật: 2016-06-17 12:51:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Thay Lời Dẫn
CUỘC ĐÀM ĐẠO VỀ TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC
Tại trường Thanh Niên Phụng sự xã hội.
Thưa quý bạn.
Câu chuyện tôi nói với quý bạn hôm nay chắc sẽ dài. Không dài sao được khi đề cập đến những truyền thống của cả một dân tộc đã có gần năm ngàn năm lịch sử?
Tôi biết rằng quý bạn sẽ không xem xét vấn đề này theo con mắt của những nhà khảo cứu văn hóa. Mà sẽ chỉ cần biết những đặc tính cố hữu của nhân dân, để mai mốt đây có dịp tiếp xúc với nhân dân thì quý bạn không đến nỗi ngỡ ngàng như những người ngoại quốc, và công tác phụng sự xã hội của quý bạn mới có hy vọng nào chắc chắn thành công.
Nhưng cũng bởi ý muốn của quý bạn là như thế, nên tôi lại thấy cần phải trình bầy vấn đề cho thật giản dị và khúc chiết để không có gì ngộ nhận được nữa. Hễ ngộ nhận thì lạc đường. Hễ lạc đường thì thất bại và tai hại.
KHÔNG THỂ TÌM HIỂU TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC Ở NHỮNG VẬT THỂ THUỘC HÌNH THỨC
Chẳng hạn như người Việt mình xưa, đàn ông nho sĩ thì để móng tay dài uốn cong lên, lưa thưa vài sợi râu ở cầm và mép, đầu búi tóc, quấn khăn, còn đàn bà thì răng đen, chít khăn, tóc để đuôi gà, vận áo tứ thân mầu nâu non, vá vai, lại mặc yếm và váy.
Nếu bảo rằng Y phục ấy ở hình thức là truyền thống rồi, thì hết thảy người mình hiện nay đã xa lìa truyền thống rồi hay sao? Vả chăng đã lấy đâu làm chắc những y phục trang phục ấy đã hoàn toàn là của mình từ nguồn gốc, khi nhớ lại rằng từ đời Minh (đầu thế kỷ XV) kẻ giặc mạnh đã từng bắt người mình phải ăn vận theo họ. Và nếu chịu khó tìm tòi đến tận hồi không bị ảnh hưởng ngoại lai, thì y phục cũ của chúng ta phải là y phục thiên nhiên mới đúng, như hết thảy mọi giống dân khác.
Lại chẳng hạn như những món ăn uống: miếng trầu, điếu thuốc lào, chén nước mắm, bát phở, mắm cá, mắm tôm v.v... có thể rằng gần như cả toàn dân tộc đã quen giọng để nhìn nhận những món ấy là ngon, là thú. Nhưng không thể nói đùa dai để người ta tưởng thật rằng đấy là dân tộc tính, đấy là cái gì bất biến trong thị hiếu của người Việt Nam. Bởi có nhiều món, nhiều địa phương và nhiều người không dùng. Chẳng lẽ dân tộc tính lại không có ở địa phương và những người ấy. Huống chi các món ăn uống không phải có người Việt Nam trên trái đất này là có liền ngay theo thể cách mà ta thấy. Nó đã được hình thành qua rất lâu đời và chịu cũng đã rất nhiều ảnh hưởng. Nó thực là nguyên nhân để uốn nắn thị hiếu nhưng nó vẫn là kết quả của thị hiếu nữa. Giá trị của nó là những gì lạ miệng để giới thiệu cho những du khách. Còn nói rằng nó là dân tộc tính, ấy là nói đùa, và đùa trong khi người ta thao thức đi tìm truyền thống dân tộc, ấy là đùa mỉa.
Quan trọng hơn nữa là nhà ở. Nhà ở có biểu thị một lề thói sống chung của đông đảo nhân dân, cả về vật chất lẫn tinh thần và tâm linh, biểu thị một khả năng kỹ thuật, kinh tế, xã hội, và biểu thị cả những ước vọng của người ta nữa. Nó là cái áo của một gia đình, áo dùng cho tất cả 4 mùa và thật lâu dài, năm này qua năm khác, dùng cho tất cả mọi người, già trẻ lớn bé, cả sống và chết nữa, dùng cả ban ngày lẫn ban đêm, cả ngày thường lẫn ngày giỗ Tết, vừa bền bỉ, vừa cần đẹp mắt, vừa cần thoải mái. Tất nhiên nó chứa đựng trong nó cả một kho tàng đặc tính dân tộc.
Nhưng bởi cuộc sống trong dòng dài lịch sử có chịu nhiều ảnh hưởng ngoại lai, mà cái nhà lại trực tiếp chịu đựng nhiều hơn và trước hơn cái gì khác, nên khó mà phân biệt nổi những đặc tính cá biệt nào của mình trong một bộ phận nào của cái nhà.
Vả chăng, như hiện nay, có thiếu gì người không ở trong những nhà kiểu cũ nữa. Liệu dễ thường họ không còn dân tộc tính trong người sao? Và mai mốt đây có thể kỹ thuật đồ nhựa thay thế được đồ gỗ, đồ sắt, cái nhà có thể sẽ khoác một hình thức khác hẳn đi, thì liệu lúc ấy mình sẽ hết dân tộc tính chăng?
Thưa quý bạn.
Đặc tính dân tộc có thấm nhuần những vật thể, nhưng không phải là chỉ căn cứ vào những vật thể ấy mà thấy ra được toàn bộ đặc tính ấy. Nó là những giòng máu chu lưu dưới nhiều lớp da. Nó là luồng nhựa sống vận hành trong não tủy. Tuỳ lúc và tuỳ hoàn cảnh mà nó biểu hiện ra theo chiều thuận hay chiều nghịch, biểu hiện ra một phần hay toàn bộ và biểu hiện ra với người này hay với người khác.
Cho nên, tìm hiểu truyền thống dân tộc là tìm hiểu một cái gì tinh tế hết sức, ở phạm vi tinh thần nhiều hơn.
NHƯNG TA CŨNG KHÔNG THỂ THẤY RÕ NÓ QUA SỰ NGHIÊN CỨU TẬP QUÁN PHONG TỤC.
Phong tục tập quán là ước lệ của cuộc sống chung trong cùng một hoàn cảnh lịch sử và địa dư, hễ hoàn cảnh đổi thì phong tục tập quán cũng không còn giữ được nguyên chất nữa. Thí dụ tục chơi múa lân vào rằm tháng tám ở miền Bắc, không mưa, trời đẹp, trăng sáng, chuyển vào miền nam, gặp tháng tám mưa nhiều đã không còn trò múa lân nữa, mà đến dịp tết Nguyên đán mới có. Lại thí dụ tục để của gia tài cho con, ở Bắc và ở Trung thì tất cả cho người con trưởng để gìn giữ ngôi nhà thờ họ, đời này qua đời khác. Người Việt vào đến miền Nam đất rộng người thưa phải mong cho con chóng lớn, lấy vợ cho, rồi cho ở riêng liền, để chiếm mau lấy ruộng đất, người ta giải quyết dần từng đứa con một như thế, đến đứa con út thì cho được hưởng nhà đất mà cha mẹ già để lại. Và đứa con út ấy muốn giữ thì giữ, muốn bán thì bán. Việc cúng giỗ mỗi con giữ giỗ một người quá cố và cúng tại nhà mình. Không còn ngôi nhà thờ họ đến mấy thế hệ người như ở miền Bắc và Trung nữa.
Nhưng không thể vì tục lệ khác ấy mà cho rằng không còn truyền thống dân tộc ở miền Nam.
Giả dĩ, ngay cả những thể chế chính trị khác hẳn trước để uốn nắn sự sống của con người như ở miền Bắc hiện nay, cho là uốn nắn được thực nhiều thế hệ, cũng không thể vì thế mà bảo rằng truyền thống dân tộc không còn chảy trong giòng máu của người dân Việt miền Bắc nữa. Bởi bản chất của người được tạo thành do nhiều yếu tố vật chất, tình cảm tinh thần, của cả một quá khứ dài dặc, trong hoàn cảnh thiên nhiên và xã hội có cùng, thông, biến, hóa như để luyện cho tinh thục cái năng khiếu và phản ứng ở tiềm thức, khiến sự sống càng bộn bàng, phức tập, gay go, nguy hiểm, thì tinh thần thích ứng lại càng linh động mẫn tiệp.
Cũng như đối trước tình cảnh xã hội hỗn tạp hiện nay ở miền Nam, nào là ảnh hưởng của phim ảnh, của cuộc sống vội vàng trong thời chiến, nào là ảnh hưởng của sự thèm khát nhu yếu vật chất, thèm khát thỏa mãn dục vọng khiến nảy ra những tục lệ mới làm đảo lộn hết các giá trị tinh thần. Ai trông thấy mà chẳng đau lòng muốn khóc lên là truyền thống dân tộc chạy trốn đâu mất rồi? Nhưng tôi tưởng chúng ta vẫn có thể vững tâm, vì truyền thống dân tộc thực quả không phải chỉ là những gì hời hợt ở bề ngoài dễ trông thấy.
o O o
NGAY CẢ NGÔN NGỮ CŨNG KHÔNG DÙNG LÀM CĂN CỨ ĐƯỢC ĐỂ TÌM TÒI
Ngôn ngữ là phương cách biểu thị tâm tình, ý chí tinh thần của con người và của dân tộc, tinh tế lắm, với năng lực giáo hóa của nó cũng hiệu quả lắm, cho đến đỗi người Do Thái hồi tiền chiến vẫn nói rằng: “chúng tôi tuy không có nước, nhưng chúng tôi còn tiếng nói thì còn dân tộc và rồi dân tộc chúng tôi sẽ trở về nước tổ”. Việc ấy quả nhiên đúng, cũng như Trung Hoa đô hộ ta cả ngàn năm để lỏng lẻo không đồng hóa được tiếng nói, mà khi ta có dịp bứt xiềng đô hộ thì ta lại vẫn là một nước riêng biệt.
Tuy vậy, ngôn ngữ chỉ nên kể là một yếu tố quan trọng chứa đựng và chuyên chở truyền thống dân tộc, mà không nên nhìn nó đã là truyền thống dân tộc.
Vì cả những hình ảnh trong ngôn ngữ, những lối nói, lối nghĩ những ca dao, đồng dao, tục ngữ cách ngôn, cả những ngữ pháp, những tiếng tân tạo (bởi là sinh ngữ) cũng uyển chuyển chịu ảnh hưởng qua lại của ngoại ngữ cả về tiếng lẫn ngữ pháp, lẫn cách hành văn. Một người vào lớp Phạm Quỳnh chết đi năm 1920 bây giờ 1967 có sống lại, chưa chắc đã nghe hiểu nổi 7 phần 10 câu chuyện của người đương thời nói. Nếu người ấy bảo rằng: ồ, bây giờ ta mất gốc rồi, hết truyền thống dân tộc rồi thì chẳng hóa ra oan lắm hay sao? Mà ngược lại những người cứ lôi mớ ca dao tục ngữ ra mổ xẻ để khai thác tìm truyền thống dân tộc thì chẳng hóa ra không sợ mang tiếng là làm chuyện hồ đồ hay sao?
TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC LÀ CÁI BẢN CHẤT NGƯỜI RIÊNG BIỆT CỦA DÂN TỘC CÓ SINH TRƯỞNG TIẾN HÓA
Trên những thồ ngơi khí hậu (nói chung là hoàn cảnh địa dư) trong những điều kiện sống chung của mọi bước thăng trầm may rủi (nói chung là hoàn cảnh lịch sử), sự chịu đựng những hoàn cảnh (như những cộng nghiệp cũ) của cả dân tộc để vật lộn, thích ứng, chống chọi, dung hòa mà sống và tiến hóa (như tạo những cộng nghiệp mới) mỗi dân tộc lại có một sắc thái riêng (như phản ứng của cá nhân riêng rẽ đối với những bất trắc của cuộc sống).
So đọ mà kể với không gian vô biên và thời gian vô tận thì, những khó khăn thử thách gay go, có khi lại là những gì đáng nên mong ước cho dân tộc chóng khôn lanh. Bởi nó trui rèn thêm đức tính, nó giúp thêm nhiều kinh nghiệm và nó dậy thêm nhiều hiểu biết. Chẳng hạn như mới từ 1945 đến nay, 22 năm, những biến cố dồn dập đã làm người Việt-Nam khôn ra gấp mấy trăm năm trước. Và thời cuộc đi càng nhanh, các vấn đề càng gay gắt thì phản ứng của người ta lại càng mẫm nhuệ.
TUY NHIÊN CÓ SINH TRƯỞNG THÌ TRUYỀN THỐNG CŨNG CÓ TỒN VONG
Nhưng từng đã có khá nhiều nền văn minh bị tàn tạ, khá nhiều dân tộc đi dần đến tiêu vong. Ấy là khi gặp bất trắc, tiến không biết tiến lui không biết lui, bản chất chính của mình không biết giữ, nên bị cuốn hút và hóa theo những dân tộc văn minh lớn khác để dần dần không còn chân đứng dưới bóng mặt trời nữa. Cũng có thể rằng trong hoàn cảnh đen tối vẫn còn một ít người giữ được những truyền thống cũ (như người mọi da đỏ Mỹ Châu, hay người Chàm ở Việt Nam chẳng hạn) nhưng một vài con én không thể tạo được mùa xuân.
Cho nên điều chúng ta thao thức băn khoăn, chiêm nghiệm qua những tấm gương ấy, là điều rất cần trong lúc này, nhất là trong lúc này.
SONG MUỐN TÌM HIỂU TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC ĐỂ GÌN GIỮ TA CẦN TÌM Ở ĐÂU?
A.— Phải tìm ở những điều kiện thực tế về địa dư, khí hậu, những điều kiện mà bất cứ một giống người cổ sơ, du mục nào tình cờ đến định cư trên địa bàn ấy, cũng đều tự nhiên phải có những đặc tính của địa bàn ấy để thích ứng và tồn tại. Thí dụ như người Tàu ưa khạc nhổ gớm ghiếc, là do sự quen thói của giống Bắc Phương gần sa mạc Gô Bi, gió thổi, có lẫn cát làm cho khô cổ và vướng từ cuống họng khiến không khạc nhổ không chịu được. Lại thí dụ như người Ấn ưa vào rừng tọa thiền và trầm tư là vì 6 tháng nóng của địa bàn Ấn Độ là cái nóng không thể làm cách gì để tránh được.
Những điều kiện thực tế về địa dư, khí hậu vừa nói ấy, tự nhiên có với nó những khoáng vật, thực vật, thảo mộc, sinh vật như thế nào thì cũng tự nhiên có với nó những con người riêng biệt như thế. Dân ở hải đảo khác với dân ở duyên hải, đồng bằng, ở sơn cước, ở sa mạc. Đó là điều ai cũng công nhận. Nhưng phải công nhận thêm, khi đã khác như vậy rồi, ở khởi thủy thì càng về sau dù có sự tiến hóa để hoà đồng với nhau, người ta cũng vẫn còn phần nào cái bản chất cố hữu.
Cho nên người ta không sợ lầm lạc khi tìm truyền thống dân tộc trong những điều kiện thực tế về địa dư, khí hậu ấy. Đó là điều mà người xưa gọi là khí thiêng sông núi. Còn người nay thì gọi là điều kiện khách quan của hoàn cảnh địa dư.
B.— Ngoài ra lại phải tìm những điều kiện thực tế khác ở sự sống chung trong dòng dài lịch sử, khi vinh, khi nhục, khi may, khi rủi, khi sướng, khi khổ, khi vui, khi buồn. Nó như những lượn sóng thủy triều của vận hội chung mà các cá nhân đã khó cưỡng lại nổi. Cho nên gọi là những bó thắt lịch sử. Nó bó thắt cho đến độ thành quả hiện tại của xã hội, chỉ có thể đến một mức tiến hoá khác; sức người dù mong muốn hơn cũng không sao được. Ấy là điều mà người xưa gọi công nghiệp.
Điều này dễ nhận ra khi so sánh những nước chậm tiến Á Phi với những nước Âu Mỹ sẵn điều kiện xã hội để tiến hóa văn minh vật chất hơn.
C.— Chúng ta tìm như thế để nhận định cái phản ứng chung ở tiềm thức của dân tộc đối với những biến cố và để nhận định chiều hướng cùng ước định cao độ những tư trào của các lượng sống lịch sử, mà người ta quen gọi là hằng tính lịch sử vậy.
Hai điều trên là hai yếu tố có giá trị quy định. Điều dưới là yếu tố có giá trị tổng kết.
Chúng ta tìm theo đường hướng này thì sẽ thấy rõ từ gốc đến ngọn ngành. Vậy chúng ta hãy đi sâu vào chi tiết.
Địa bàn nơi gốc tổ: theo các sách sử thì địa bàn ấy của ta là ở Phong Châu, nơi đóng đô của dòng vua Hùng Vương đầu tiên trong lịch sử. Nhưng xét kỹ ra thì có lẽ Phong Châu chỉ là cái gốc thứ hai. Còn gốc chính và đầu tiên phải là vùng đồng bằng sông Mã với dẫy núi Hồng Lĩnh mới chắc đúng.
A.— Phong Châu là khu vực đồng bằng sông Nhị Hà gồm Sơn tây, Phú thọ, Việt trì, Hưng hóa, ngoài lăng miếu cổ của họ Hùng Vương không còn bao nhiêu di tích lịch sử quan trọng khác.
Còn Thanh Hóa với khu vực đồng bằng sông Mã, thì đã có hết sức nhiều di tích lịch sử. Từ những đền thờ của Thục An Dương Vương, Triệu Ẩu, Khương công Phụ, Triệu Quang Phục, Lê Đại Hành, Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, Tô hiến Thành, Trần khát Chân,... đến thành nhà Hồ, thành Lê Chích, phủ An Trường, Lam Kinh của nhà Lê, Đầm Tôm của nhà Trịnh, nền nhà cũ của Nguyễn Kim,... đến những lăng miếu của các dòng họ Lê, Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn,… người ta phải công nhận rằng đây là nơi nhiều khí linh tú nhất trong nước, đào tạo nên những anh hùng hào kiệt, thời nào cũng có, ngay cả thời này.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã ca tụng:
“Đông liền lớn, Tây cắp rừng dài, phu lãnh thủy chặn ở phía Nam, Núi Tam Điệp ngăn về phía Bắc. Non cao thì có Thiên tôn và Na Cù. Sông lớn thì có Lương Mã và Ngọc Giáp. Núi sông quanh bọc, cao thấp lẫn xen. Hội Trào và Y Bích là khóa then mặt biển. Lôi Dương và Vĩnh Lộc là xung yếu đường trên.
Hồ Công, Bích Đào nảy ra những động Linh Kỳ, Hoàng Mỹ, Nông cống đều là những nơi lầy lốt. Hình thế hùng tráng, các tỉnh miền Trung không đâu sánh kịp.
Còn như Tống Sam, Quí Huyện, là nơi xương sống Càn Long. Muôn non nghìn núi, điệp điệp trùng trùng; bốn mặt quay về, non xanh nước sáng đầy rẫy khí thiêng. Ấy là nơi phát tường của quốc gia ta, cùng với Lam Sơn của nhà Lê riêng nên phúc địa. Cũng không khác gì đất Mân đất Kỳ của nhà Châu và đất Phong đất Bái của nhà Hán vậy.”
Pierre Pasquier cũng đã có những nhận xét sau đây:
“Thanh Hóa không phải là một khu vực hành chính mà là một Quốc thổ. Nó như một tấm kính thu nhỏ của toàn xứ Bắc. Cũng có một vùng đồng bằng đông đúc phì nhiêu, một vùng trung du cỏ mọc những lượn sóng và một vùng cao nguyên rừng già âm u. Sau bờ biền hiểm trở, dọc theo những dòng sông rộng và sâu, gần những sườn núi chỗ nào cũng có hang động và trong những thung lũng kín đáo, giống người Việt-Nam đã tìm thấy ở đây một mảnh đất trời cho để dùng làm trạm nghỉ chân, mà trải nhiều thế kỷ dân tộc ấy đã sửa soạn bước Nam Tiến của mình cũng sửa soạn và tập trung lực lượng để hoàn thành vận mệnh của mình. Trong những giờ phút thử thách của lịch sử, Thanh Hóa đối với miền trung hơn hẳn Hà-Nội, đã là linh địa bảo tồn tất cả những kỳ vọng của giống nòi. Từ những mảnh đất Thánh này hiện còn những hài cốt tổ tiên các giòng vua của đất nước, đã nẩy sinh ra những vị anh hùng hào kiệt vào hạng thượng thặng...”
Đó là nói chung về địa thế.
B.— Về phương diện khảo cổ thì người ta đã tìm thấy trống đồng Đông Sơn tại đây lẫn với một ít tiền đồng của đời Hán bên Tầu. Nhờ thế mà có thể định được niên đại là trống được chế tạo ít ra cũng vào trước kỷ nguyên.
Các Hậu Hán Thư quyển 54 có chép: Mã Viện cỡi ngựa khéo phân biệt ngựa có danh tiếng, khi đi đánh Giao Chỉ lượm được trống đồng Lạc Việt bèn đúc làm con ngựa kiểu. Tỏ rằng người Trung Hoa đời Tần, Hán không có trống đồng. Các đồ đồng cũ của họ cũng không thấy có gì giống với trống đồng. Đến cácdân tộc lân cận trong vùng Đông Á cũng không thấy có sự chế tạo trống đồng nữa. Nó là một sản phẩm riêng biệt của người Việt ở Đông Sơn. Cho nên di tích trống đồng là di tích văn minh Đông Sơn, và vùng đồng bằng sông Mã phải là gốc tổ xưa hơn vùng Phong châu ở đồng bằng sông Nhị.
C.— Về phương diện nhân chủng học, người ta thấy dân Dayak trên đảo Bornéo ở Nam Dương cũng có những thuyền giống như hình thuyền vẽ trên trống đồng Đông Sơn, dùng làm thuyền Bát Nhã để đưa linh hồn người chết sang đảo Cực Lạc, và những tục lệ ma chay cũng giống như hình vẽ trên mặt trống, thêm đồ đồng khai quật được ở Đông Sơn cũng có quan hệ với đồ đồng ở Nam Dương. Các nhà cổ học đã kết luận “Dân Mã Lai cùng các chủng tộc ở Đông Dương thuộc về cùng một chủng tộc”. Và Ông L.Finot đã chủ trương: “Những đồ đồng xưa phô bày hình ảnh một dân tộc canh nông, săn bắn, thủy thủ thờ vật tổ mà cách ăn mặc không còn thấy ở Đông Dương, nhưng trái lại, lại thấy trên các hải đảo Thái Bình Dương, phải chăng chính đấy là dân tộc Indonésien mà về ngôn ngữ chủng tộc đã từng sống trên bán đảo Đông Dương rồi bỏ bán đảo lại cho dân mới để đi sang những quần đảo Thái Bình Dương? Trên bán đảo Đông Dương chỉ còn lại dấu tích về ngôn ngữ cùng phong tục mà chúng ta quên dần đi.”
Như vậy, càng là một bằng chứng có thể tin được rằng trước khi tiếp xúc với văn minh miền Nam Trung Hoa, người Việt Giao chỉ đã định cư tại khu vực đồng bằng sông Mã.
D. — Khảo thêm về ngôn ngữ, ta thấy người Thanh Nghệ Tĩnh do hoàn cảnh sinh hoạt và tính chất sinh lý đã có xu hướng bảo thủ ngôn ngữ, họ giữ nhiều giọng xưa, âm xưa, tiếng xưa, và tiếng nói của họ nặng nề khắc khổ, ít bị pha trộn vì ảnh hưởng của tiếng Trung Hoa, và gần với âm hưởng của tiếng Mường, Polynésien ngày nay còn ở vùng núi Thanh Hóa.
Kết luận: Giả thuyết mà tôi nêu ra trong sách Việt Nam Văn Minh Sử Cương (Lá Bối xuất bản) đã có phần nào có thể nhận được rằng:
1. Đồng bằng sông Mã là nơi tứ chiếng quần cư của nhiều bộ lạc từ Nam Hải theo gió mùa ngược thuyền lên cũng có, từ Bắc Hải theo gió mùa xuôi thuyền xuống cũng có, và từ các dẫy núi cao đi lần tới cũng có nữa.
2. Khi định cư, mỗi bộ lạc chiếm một hay nhiều hang động thiên nhiên, hiện nay vẫn còn lại rất nhiều, rồi lai giống với nhau, tranh giành nhau quyền lợi, xung đột với nhau.
3. Nhóm bộ lạc yếu thế chạy rút về phía bắc đến vùng đồng bằng sông Nhị ở Phong châu định cư, và được một nơi an toàn đề lập quốc, vì đường từ biển vào khó đi thuyền, đường từ vùng sông Mã lên phải qua núi qua sông và rừng rất nhiều.
4. Nhóm bộ lạc mạnh thế ở lại chỗ cũ, nhưng luôn luôn bị giặc bể vào cướp phá nên thiếu hẳn điều kiện để phát triển cho có bề thế của một quốc gia.
Bởi những lẽ ấy, chúng ta cần nhận định dứt khoát không nên có một ý tự tôn quá đáng, trong việc này, để tìm truyền thống của một dân tộc hùng cường, hiếu chiến, thích đánh đông dẹp bắc, thích xâm lăng các nước láng giềng. Mà ngược lại, sự thực dân tộc ta chỉ là một dân yếu đuối, và chỉ thích sống hòa bình yên ổn với xung quanh.
Đây là một giống dân lai nhiều giòng máu. Nhờ lai nên khôn, không cố chấp, và lúc nào cũng sẵn sàng dung hòa quyền lợi với mọi người để mềm mỏng tiếp nhận mọi ảnh hưởng văn minh mà tiến hóa. Đó là điều mà lịch sử đã có rất nhiều sự kiện để minh chứng. Ta sẽ xét sau. Đây hãy nói về hoàn cảnh dịa dư của hai nơi phát nguyên ấy.
HOÀN CẢNH ĐỊA DƯ
Hồi cách đây khoảng ba bốn ngàn năm, ta nhớ rằng đồng bằng sông Mã và sông Nhị chưa được bồi xa đến như ngày nay, Các hang động núi non ở Thanh Hóa vốn xưa là những hải đảo hay bán đảo và biển đông còn lênh láng tới Việt Trì bây giờ.
A.— Đất để trồng trọt cầy cấy còn hiếm hoi lắm. Nhất là ở sông Mã chỉ thuận tiện cho việc chài lưới, đi biển, cùng tiện cho các thuyền ngược xuôi ngoài biển ghé vào. Hoặc để mua các thổ sản, như dưa hấu của An Tiêm (mà hiện hãy còn bãi An Tiêm) hoặc để bán các hải sản, hoặc nữa để cướpbóc đánh phá. Bất cứ một vùng duyên hải và hải khấu nào ở thời xưa cũng đều phải chịu đựng cảnh ngộ ấy. Bởi thuyền đi lênh đênh ngoài biển mà thiếu lương thực thì người không muốn ăn cướp cũng thành hải khấu, nếu lại không mua được lương thực của người trên bờ. Và người trên bờ vì lẽ không dư dật, cũng phải chiến đấu dữ dội để bảo vệ lương thực và tài sản của mình.
Do đó mà người ở vùng Hồng Lĩnh, sông Mã đã có tinh thần chiến đấu bền bỉ để truyền thống còn mãi đến ngày nay.
Những hang động rất nhiều: Hồ Công, Từ Thức, Kim Sơn, Hàm Rồng, Lục Vân, Long Quang... cùng với các núi đủ kiểu, đủ tên gọi, tới bẩy mươi ba ngọn với đường vào ra hết sức hiểm trở, xen lẫn với rừng già suối nước, thác ghềnh, hiện vẫn còn lại để chứng thực những trận chiến ghê hồn đã có thể diễn ra tại đây, trong thời quá khứ xa xưa.
Thêm ngoài biển lại có những xoáy nước mà nguy hiểm nhất là của thần phù, đã làm cho người ta sợ hãi cho đến tận hồi gần đây với câu ca dao: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù, khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm”. Cửa bể ấy hẳn đã đánh đắm nhiều thuyền bè và dìm sâu nhiều sinh mạng của dân định cư địa phương cũng có, mà dân ngoài muốn tấp vào bờ cũng có.
Ta thấy người xưa ở đây từng phải chiến đấu vừa với kẻ thù nghịch, vừa với thiên nhiên, lại vừa với thú dữ, nên bảo rằng khí thiêng sông núi ở đây đã tạo nên nhiều anh hùng hào kiệt thì sợ có người cho là nói mơ hồ, chứ thực thì hoàn cảnh địa dư ấy nhất định phải làm nảy sinh những nhân vật ấy để thích ứng và tồn tại.
B.— Còn vùng đồng bằng sông Nhị, căn cứ mới của nền văn minh nông nghiệp Văn Lang ở Phong Châu, thì tuy hồi ấy cũng là khu đất ven biển, cũng có nhiều núi non, nhưng không hùng vĩ bằng vùng sông Mã, lại có ruộng đất nhiều để trồng trọt cầy cấy hơn. Đường đi từ biển sâu vào lầy lội rất khó đi vì phù sa bồi đắp. Khi nước triều lên thì lênh láng khắp cả không biết chỗ nào nông sâu để đi vào. Khi nước rút thì các cây xú cây bần (giống cây mọc ở vùng nước mặn) sẽ trồi cả lên. Đó chính là những phòng ngự thiên nhiên chống với giặc biển muốn xông vào cướp phá. Phần những bộ lạc thù nghịch ở phía Nam cũng không vượt núi băng rừng để tới tận đấy làm gì. Phần những bộ lạc khác ở rừng núi phía Bắc cũng còn thưa thớt. Nhờ vậy mà khu vực Phong Châu thành khu vực an toàn để lập quốc, và con người sống yên ổn nhàn hạ, nhũn nhặn với nghề nông trong những thời gian hết sức dài.
Đất phù sa càng bồi thêm thì ruộng đồng càng mở rộng dần để đời sống càng sung túc. Con người không lúc nào phải chiến đấu chống thiên nhiên cả. Họ chưa có kỹ thuật ngăn nước mặn và rửa đất phèn để mở rộng đất canh tác ra thật nhanh, nên cả khu vực đất tân bồi còn lầy lội và nhiều hơi độc, vẫn bị bỏ hoang[1].
Nhưng khu vực đất đã thuộc, vẫn dư sức cung cấp lương thực nuôi một số dân chưa lấy gì làm đông đảo quá.
Sợ rằng, ở hồi đầu này, kỹ thuật canh tác cũng chỉ mới là lối trồng lúa tỉa mà người miền Thượng còn giữ để trồng ở các sườn đồi. Cho tới khi có đoàn người miền Nam Trung Hoa tràn tới, mang theo một kỹ thuật canh tác tiến bộ hơn, thì bấy giờ mới có việc cầy ruộng và cấy lúa.
Mặc dầu vậy, dưới sự ưu đãi của thiên nhiên, người Giao Chỉ Văn Lang vẫn đã rất an nhàn sung sướng để sẵn sàng sống rất cởi mở với hết thảy mọi giống dân khác.
KHÍ HẬU
Khí hậu bốn mùa rõ rệt, nói chung là dễ chịu.
— Mùa xuân thì ấm áp hơi lạnh về đêm, còn suốt ngày dịu mát Mặt trời không nắng gắt lắm. Thỉnh thoảng loe ra vào buổi trưa một lúc rồi lại có mây mờ dầy đặc che phủ. Ngày có gió nồm đầy hơi nước từ miền Nam tới thì không khí ẩm ướt. Ngày có gió bấc nối tiếp mùa đông từ một chạp thì khô và lạnh làm cho nẻ mặt và xước măng dô ở ngón tay. Mưa lất phất không đủ ướt đất, tưới nhẹ cho cây cối. Trong khi đất ruộng khô nứt ra, vì từ tháng mười không còn những trận mưa lớn, lại qua một mùa đông lạnh gió hút hết hơi nước trên mặt đất.
Cây cối ra hoa và lá non. Nhưng ruộng đồng nứt nẻ thì đành chịu, không cầy và đập đất mệt nhọc quá được, nên không cấy được vụ chiêm.
Vì vậy bắt buộc “tháng giêng phải là tháng ăn chơi”. Người siêng năng mấy cũng chỉ cuốc và đập đất ở những mảnh ruộng nhỏ để trồng đậu, trồng khoai, trồng cà về tháng hai.
— Mùa hạ bẳt đầu khoảng giữa tháng tư. Trời ít mây. Mặt trời le lói từ sáng đến trưa thì nắng gắt, và càng về chiều nắng xiên khoai lại càng khó chịu. Trời oi ả, thỉnh thoảng mới được một ngọn gió nam mát mẻ còn thường gió tây nóng bức hầm hập như trong lò lửa. Nhưng cách vài ngày thì lại có mây đen với mưa rào thật là nhiều nước, ngập các ruộng đồng cho đất mềm ra. Để: “tháng tư đi tậu trâu bò, để ta sắp sửa làm mùa tháng năm” ấy là vì không có mưa rào đất không mềm thì không cầy được.
Nhưng vì mưa bất thần, điều kiện thì giờ làm việc đồng áng phải từ hết sức sớm, để khi mặt trời lên khỏi ngọn tre là nghỉ, rồi đến chiều tà nhạt nắng xiên khoi, mới lại làm cho đến tối. Nên ruộng đồng bắt buộc phải gần nhà, chỉ chu vi ba bốn cây số là nhiều, thêm phải có cái quán giữa đồng hay cây đa để trú mưa và nghỉ trưa. Nên văn minh nông nghiệp của người Giao Chỉ Văn Lang, có cái quán giữa đồng, cái cây đa đầu làng ấy là một đặc điểm vậy.
— Mùa thu vào khoảng cuối tháng bẩy với những trận mưa ngâu tầm tã, không lớn nhiều nhưng dai dẳng đến nửa ngày có khi cả ngày để sau đó thì trời dịu mát và thỉnh thoảng có những trận mưa nhỏ nhỏ là mùa rươi.
Ngày thì trời quang, đêm thì trăng sáng. Nhất là vào rằm tháng tám, trời không có một vẩn mây, trăng sáng rực như ban ngày. Vào dịp này người ta gọi “Tháng ba ngày tám” là những ngày mà nhà nông rảnh rang công việc đồng áng, chỉ ngồi nhà thảnh thơi chờ lúa chín thì gặt, người ta chơi tết Trung Thu. Nhưng cũng vẫn phải lo sợ nước lũ từ trên nguồn trên về làm ngập lụt mất mùa, hay những cơn bão làm đổ cửa đổ nhà.
Qua mùa đông, gặt hái rồi thì mới chắc dạ. Mùa đông bắt đầu khoảng cuối tháng mười, hết mưa lớn, nhưng thỉnh thoảng có mưa phùn. Nắng nhạt không gay gắt nhưng hanh, vì gió bắc không mang hơi nước lại. Đất ruộng sau vụ gặt khô và nứt nẻ dần. Nước sông ngòi cũng cạn dần.
Công việc của nhà nông chỉ còn là gặt lúa, mang về nhà đập và phơi rồi cất lúa vào bồ và nghỉ ngơi, sửa soạn ăn tết và đón xuân, mà bắt đầu lại một vòng tuần hoàn như cũ.
Tuy có rét lạnh, nhưng thường cũng khoảng lạnh nhất là 7, 8 độ trên không độ mà nóng thì cũng độ 30 - 32 độ không đến nỗi lạnh quá hay nóng quá không chịu nổi.
Khí hận ấy, cùng với điều kiện làm việc như đã kể, đã khiến người Giao chỉ Văn lang sống định cư thành làng, ở giữa một vùng đồng ruộng khoảng ba bốn cây số là nhiều, nếu phải du canh theo lối diện tích đất ruộng mở rộng thêm của phù sa bồi đắp, thì người ta cũng du canh đến đặt một cái làng mới vào giữa khu đất ruộng ấy.
Cái làng với tổ chức của nó chính là một đặc điểm nữa của nền văn minh nông nghiệp. Sự đi theo ruộng mà du canh cũng là một đặc điểm khác của tinh thần thực dân canh nông còn truyền thống đến bây giờ. Ấy là thứ tinh thần của nông dân thấy đất ruộng bám chặt lấy rồi dựng làng, sống hòa đồng với người, để làm ăn rất hợp pháp, hợp tình hợp lý, để cuối cùng là quân đội đi sau và sự giao thiệp giữa hai lân bang về pháp luật sẽ đi sau nữa để thừa nhận những sự chiếm hữu đã rồi. Cả một cuộc Nam tiến của dân tộc ta và hiện nay đương có một cuộc tây tiến, đều đã và đương được thực hiện với tinh thần thực dân canh nông ấy. Nó khác hẳn với tinh thần và lề lối thực dân thương mại của người Trung Hoa, thực dân kỹ nghệ của người Pháp, thực dân tài chính của người Mỹ.
Rồi thong thả chúng ta sẽ xem nó kỹ hơn.
Nay hãy tiếp tục tìm nguồn gốc truyền thống dân tộc trong lịch sử.
QUÁ KHỨ LỊCH SỬ
A.— Thời thượng cổ, gốc của ta như giả thuyết vừa trình bầy, là một nhóm bộ lạc thất trận, tình cờ được đưa tới một địa bàn an toàn để no đủ và lập quốc. Cuộc sống an toàn thảnh thơi khiến con người gần với thiên nhiên, hòa hợp tâm tình với hoàn cảnh thiên nhiên hiền dịu, để có một thái độ sống triết nhân không chiến đấu gay gắt, thế nào cũng được, xong chuyện thì thôi. Sử cũ của Tầu còn chép: “dân ta tính tình thuần phác, thắt nút để ghi nhớ công việc”. Quả có thể như thế được. Vì ngoài việc đồng áng và vui sống với nhau trong cái làng thân mật, với những tục lệ diễn tiến đều đều với năm tháng, người ta đã không còn việc gì cả để quan tâm.
Bộ lạc Hùng Vương có lẽ là bộ lạc lớn hơn, nhiều đức độ hơn định cư tại trung tâm và được nhìn nhận đủ khả năng tinh thần thông cảm với thần linh mà cầu cho mưa thuận gió hòa, trăm họ âu ca thái bình. Còn các bộ lạc khác thì ở giải ra thành những làng xóm xung quanh mà ngoài những liên hệ tôn giáo (mỗi năm có thể có một vài kỳ) đã không cần có liên hệ pháp lý, kinh tế, quân sự, hay thuế má gì cả. Mỗi làng là một nước nhỏ, có đời sống biệt lập về sau này, có lẽ đã bắt nguồn ngay từ hồi khởi thủy. Cuộc sống của người thu hẹp vào đơn vị một làng một họ, một nhà (mà không biết đến tổ chức, quốc gia) có lẽ cũng đã có gốc ngay từ đấy.
B.— Khi các giống dân miền Nam Trung Hoa chạy loạn Xuân Thu chiến quốc tới sống chung với dân chúng các làng, người vẫn còn thưa thớt, thì cũng không có sự đụng chạm quyền lợi nào đáng kể để thành xích mích.
Các giống dân ấy đến với tư cách nương nhờ không phải tư cách xâm lấn vì không có quân đội.
Mặt khác lòng thương người trong cảnh ngộ không may, của người dân no đủ, cũng đã rất dễ dàng cởi mở. Thành ra tình mến thương chân thành của đôi bên, làm cho cuộc sống chung êm đẹp và tiến bộ để tạo nên một nền văn minh mới: Văn Minh Lạc Việt.
Kỹ thuật canh tác mới: Đắp bờ giữ nước trong ruộng cho lúa no nước và nhiều hột, mà tăng gia sản lượng; đắp đê ngăn nước mặn, tát nước rửa phèn để mở rộng diện tích canh tác; dùng trâu và lưõi cầy để cầy vỡ cầy ải cho sức người đỡ mệt nhọc... đó là những điều tiến bộ mà người di cư mang lại làm quà cho người bản xứ.
Món quà thứ hai là mớ tiếng nói phong phú hơn mà người di cư nói uốn lưỡi theo người bản xứ để hòa hợp ngôn ngữ cũ từ gốc sông Mã thành một ngôn ngữ Lạc Việt.
Món quà thứ ba là chữ viết, do các dân tộc cổ Trung Hoa sáng chế để đọc theo giọng Lạc Việt mà giữ cái gốc căn bản của tiếng nói không bị hóa theo tiếng Trung Hoa về sau này.
Món quà thứ tư là ý niệm quốc gia dân tộc gồm cương lĩnh cả miền Nam Hoa của các giống Việt từ Vân Nam tới Đông Hải tuy trên thực tế không có gì rõ ràng, nhưng trong ý thức đã bắt đầu nẩy nở một ý nghĩ muốn dứt khoát về quốc thổ đối với ngoại tộc Trung Hoa. Sử chép đời Hùng có việc vua Hùng đem quân vào đánh dẹp ở vùng sông Mã, lại có giặc Ân xâm lăng phải nhờ Phù Đồng Thiên Vương đánh dẹp. Chứng tỏ cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên cũ, không thích có gì rộn ràng phiền nhiễu, đã bắt đầu thay đổi thành phiền tạp hơn. Và quyền uy của vua thiên tử Hùng Vương ở Phong Châu đã bắt đầu đòi hỏi thành một thực quyền. Ấy cũng là do người di cư quen với thể chế quốc gia của những nước Sở, Ngô Việt v.v... đã mang lại cái đòi hỏi ấy.
C.—Tuy nhiên, những lỏng lẻo của đời sống canh nông đã mấy nghìn năm, đem ghép với những lề thói sống trên yên ngựa để đấu tranh mới nhập cảnh, chỉ tạo nổi chế độ lính làm ruộng (không chuyên môn và không tổ chức) để trị an và dẹp những loạn nhỏ thôi. Còn đương đầu với những giặc qui mô hơn thì không hy vọng thành công. Cho nên họ Hùng Vương phải bị đứt, để nhường chỗ cho họ Thục, quen chiến trận hơn và tràn từ các vùng núi xuống.
Những trận giặc xâm lăng này chính đã được đời sống canh nông phú túc của Phong Châu khêu gợi và gọi từ bốn phương tới. Không có họ Thục ắt lịch sử cũng có họ khác làm công việc của họ Thục. Và sau họ Thục đến họ Triệu, tất cả chỉ toàn chứng tỏ vùng đồng bằng sông Nhị đã phì nhiêu khiến khắp nơi phải thèm thuồng.
Điểm đáng nên lưu ý là chiến thuật du kích phá hoại và chống đối dai dẳng đã khởi có từ đời Thục
này, khiến bao nhiêu lần vua Thục xây thành Cổ Loa gần xong qua một đêm lại đổ, và cuối cùng phải dùng chiến thuật lợi dụng lòng tin dị đoan để dọa ma quỷ thì mới xây xong. Điểm đáng lưu ý thêm là nhân vật Thần Kim Quy ẩn náu ở vùng Hồng Lĩnh giúp vua Thục xây thành và cho nỏ thần để giữ thành, ắt có thể là một khách giang hồ hảo hán của Tầu đã dùng vùng đất hiểm trở ở đây để tích cỏ dồn lương phòng khi có dịp trở về cố hương tranh bá đồ vương thì có nhà Thục trợ giúp. Từ đời Thục người ta đã biết có khu đất chiến lược ấy để thua trận thì lui về, không trách nhà Trần về sau gặp quân Nguyên quá mạnh cũng bỏ miền bắc lui về đấy, và khi khuyên tướng sĩ đừng nản lòng, Hưng Đạo Vương đã nói:
Cối kê cựu sự quân tu ký
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh
Tỏ rằng người xưa coi vùng sông Mã là đất Cối Kê để phục quốc.
Điểm đáng nên lưu ý là đến hồi này đường thủy, đường bộ từ Trung Hoa tới vùng đồng bằng Nhĩ Hà phì nhiêu đã thuận tiện lắm. Đất phù sa đã bồi xa có lẽ tới Hưng Yên. Các thuyền bè đã len lỏi vào sâu trong đất liền được để các bãi lầy không còn trở ngại việc tiến quân của Lâu thuyền tướng quân khi theo Mã Viện sang đánh Hai Bà Trưng nữa. Sự buôn bán với Trung quốc cũng đã có những chợ ở biên giới[2].
Và trong những người dân vùng Nam Hoa di cư, đã có cả những nhân vật như Thần Kim Quy mà cũng đã có cả những nho sĩ chống Hán chạy qua ẩn náu để dậy học cho dân chúng.
Trong thời khoảng lịch sử từ sau Hùng Vương đến hết nhà Triệu, người Lạc Việt đã có dịp rèn luyện chiến thuật du kích và cũng có tinh thần quốc gia chống Hán Triều. Nhưng cũng phải đợi đến hồi bị nội thuộc nhà Hán thì tinh thần ấy mới có dịp thử lửa.
D.— Bắt đầu từ ngàv bị mất quyền tự chủ, người Lạc Việc nẩy óc nghi ngờ chính quyền đô hộ và chống đối tiêu cực bằng cách thu gọn đời sống vào gia đình và cái làng. Làng không những chỉ là một đơn vị cư trú, mà còn là nơi trú ẩn những lúc lo sợ bạo quyền, nơi ấp ủ lấy nhau những khi đau buồn tủi nhục.
Tổ chức của làng với ít hàng rào tre lưa thưa, không đủ là phòng ngự kiên cố như những hang động thiên nhiên, đã khiến nảy ra chiến thuật chiến đấu mềm dẻo và uyển chuyển linh động. Nửa ra chiều uốn mình theo lệnh người đô hộ, nửa ra ý bướng bỉnh chống đối, nửa chân thành cộng tác, nửa ra không, thực hư lẫn lộn, đen trắng không phân. Bên trong vẻ đơn giản của cái làng đã có cả một cái gì phức tạp khó hiểu.
Ấy là khí giới tự vệ của kẻ yếu. Ấy là nguồn an ủi tinh thần khi phải chịu đựng cái kiếp nghiệp đau thương của giống dân mất nước. Ấy cũng là khởi đầu của dòng truyền thống chống đối bạo quyền đô hộ.
Và gia đình, nơi duy nhất có thể cởi mở được tâm tình với nhau cũng từ đây mà nhuốm thêm một tính chất thiêng liêng tôn giáo giữa kẻ còn người mất kẻ sống người chết trong những trường hợp bất khả kháng.
D. — Đến khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, toàn dân cùng vươn mình theo. Sau khi đuổi được Thái Thú Tô Định của nhà Hán để tự chủ trong vòng 3 năm ngắn ngủi, Giao Chỉ lại bị Mã Viện đem đại đội binh mã qua đánh trả thù và tàn sát dân chúng khắp trong nước.
Với cột đồng khắc chữ: “Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt” Mã viện đã dùng chữ diệt, để cho thấy tính chất tàn ác dã man của cuộc đàn áp này.
Người còn sót lại đã đau thương đến chừng độ nào? Và cái hận thù kẻ đô hộ đã cao tựa núi, sâu tựa biển.
Nhưng một lần nữa, người dân Giao Chỉ uốn mình xuống chịu cho kẻ đô hộ chà đạp. Lần này chính là vì khôn sau khi đã cân nhắc lực lượng. Lần này là vì đã có những bài học kinh nghiệm đắt giá cũ. Nên người dân Giao Chỉ đã tự tạo cho mình một thái độ trí trá kinh khủng trong cuộc sống.
Trí trá để chiều kẻ địch, để lấy lòng, để yên thân, để cầu lợi, để chửi bới, để phá hoại, có khi để đi ám sát kẻ đô hộ rồi vẫn khoác vẻ mặt hiỉền từ làm ăn ngoan ngoãn.
Đàng sau vẻ hiền lành của cái làng mới thực có những gì dữ dằn ghê gớm, không thể ngờ được. Cái chân chất ấy của làng vẫn còn lại cho đến ngày nay. Và chân chất của người nông dân nghi ngờ chính quyền đô hộ thì không ai phủ nhận được là không còn nguyên vẹn truyền thống cũ.
Người đô hộ và người bị đô hộ càng gần giống nhau về điều kiện sinh sống, càng dễ hiểu nhau về lời nói, thái độ, cử chỉ, và càng sống chung đụng với nhau, thì người bị đô hộ càng phải gia tăng mức độ trí trá.
Cho nên cái hoàn cảnh lịch sử bị mất quyền tự chủ dài trên một ngàn năm, đầy rẫy đau thương, xét theo mục đích tìm tòi truyền thống, chính đã phải kể là một cái lò luyện thép để tạo cho con người Việt Nam thành một con người đặc biệt như ngày nay.
E. — Đến khi có dịp bứt xiềng đô hộ ở cuối thế kỷ thứ X, người dân Việt đã vươn lên đè bẹp Chiêm Thành ở phía Nam và ở phía Bắc, coi nhà Tống của Tầu đã không hơn gì mình về phương diện văn hiến, võ công, kiến tạo, và xây dựng quốc gia. Mặc dầu không còn một chút mặc cảm tự ty nào đối với họ nhưng người Việt thời ấy vẫn nép mình chịu thế thần phục triều đình của họ. Ấy là cái khôn của một dân tộc đã trưởng thành để tránh việc can qua và có điều kiện mưu đồ việc ích dân lợi nước. Chịu thua thiệt về cái danh hư để đổi lấy cái lợi thực cho sự sống, đó chính là bài học lịch sử quý báu của dân tộc.
Trong thời đại tự chủ, uy quyền quốc gia đã trong tay các vị vua có đạo ở đời Lý, đời Trần, và guồng máy chính quyền đã trong tay những nhân vật tài ba lỗi lạc như Trần Thủ Độ, nhưng uy quyền và guồng máy ấy vẫn không thay đổi được nếp sống riêng của dân trong các làng. Sự tạo thêm ra cái đình là củng cố thêm cho cuộc sống riêng ấy. Tinh thần của “Hương đảng tiểu triều đình” và “phép vua thua lệ làng” đã mặc nhiên nhìn nhận một sự phân quyền hợp tình hợp lý giữa làng và nước. Làng lo bảo vệ đời sống tình cảm. Nước lo bảo vệ đời sống chính trị và tinh thần. Làng trực tiếp khuôn nắn dân bằng thuần phong mỹ tục, dư luận và dây rễ họ hàng. Nước gián tiếp đến với dân qua những hương chức được dân tín nhiệm.
Có thể nói đây là những nét phác chính yếu của một thứ thể chế liên bang, một thứ tổ chức, theo thiên tính của thiên triều và cácnước chư hầu của những nền văn minh nông nghiệp.
Triều đình ở trung ương làm việc phải thì dân hết lòng ủng hộ. Mà làm việc không phải thì dân thờ ơ, rút về tiêu cực đối kháng.
Nông thôn vẫn có vai trò quyết định cho sự thành công hay thất bại của các chính sách từ lâu rồi. Nhưng chính ra thì phần quan yếu nhất lại vẫn là ở phía triều đình biết hay không biết việc kinh bang tế thế.
G. — Gặp những vận hội đen tối của lịch sử như bị quân Mông Cổ xâm lăng quân triều đình chạy dạt về Hoan Diễn để bảo toàn chủ lực, nhưng dân các làng vẫn nằm lại để đánh du kích địch quân. Những làng thờ thần ăn trộm, thần ăn mày, thần hót phân, v.v... ắt là thờ những người có công trong cuộc chiến để giữ làng giữ xóm và cứu dân. Những làng có tục khuyến khích sự sinh đẻ, nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh, sùng thượng văn công hay võ nghiệp... ấy là tất cả những cách bù đắp vào những thiếu thốn mà chỉ làng mới biết, nước không thể can thiệp để nhất loạt hóa tục lệ được.
H. — Gặp những vận hội đen tối khác vì hôn quân ngu muội, sinh loạn lạc không yên, thì sự tranh bá đồ vương ở triều đình khó mà làm nổi cho dân làng tham gia. Và ông vua thời cuối Lê chạy loạn qua sông, chú lái đò vẫn lấy tiền đò như mọi người khác Vua không có tiền thì chú bắt phải cởi áo ra mà thế. Tỏ rằng tương quan giữa dân làng và chính quyền trung ương đã tùy theo chính sự hay dở mà chặt chẽ hay lỏng lẻo.
X__ Cho đến triều Nguyễn thống nhất giang sơn đời sống của nông dân các làng vẫn như thế. Người dân Việt lưu lạc vào miền Trung miền Nam làm ăn cũng vẫn tạo ra cái làng theo truyền thống như thế.
Và đến cái thời Pháp thuộc, những cố gắng cải lương hương chính cũng vẫn không đi đến đâu cả. Mà qua thời loạn ly hiện tại thì làng ở những nét chính cũng vẫn lại như từ những thuở nào.
ẢNH HƯỞNG THỜI CUỘC MỚI
Nền cai trị của Pháp tổ chức khoa học chu đáo hơn của Nam triều và có một lợi thế về chủ trương chia để trị đã vô tình phù hợp với bản chất thích sống biệt lập của các làng và nông dân, nó đẩy mạnh thêm sự nghi ngờ đối với Nam triều trong khi nghi ngờ luôn cả chính quyền bảo hộ.
Càng gieo rắc thêm chủ trương tự do dân chủ với những lề thói tranh đấu theo kiểu Tây phương không coi đại nghĩa quốc gia dân tộc làm trọng người ta càng thêm chia rẽ, nghi ngờ nhau và càng trí trả theo truyền thống cũ.
Những tổ chức quân đội bổ túc cũ của Pháp, những giáo hội tôn giáo, những chi phái tu đạo, những tổ chức chính đảng, những cơ quan ngôn luận tranh đấu về văn hóa nghệ, v.v... ấy là tất cả những hình ảnh của những sứ quân cũ với những lãnh địa mới, nó khiến cho quốc gia cứ phải rẫy rụa mãi trước vận hội mới mà chưa thấy đường thoát.
VẬN-HỘI CHUNG CỦA QUỐC-GIA.
Trải vận hội may hồi thế kỷ thứ X, nhà Tống lục đục và Chiêm Thành suy yếu, Đại Việt mới vọt lên được để xây dựng nổi một quốc gia hùng mạnh. Qua vận hội rủi, mất nhất trí tinh thần từ cuổi triều Trần đến đầu triều Nguyễn, gần 500 năm, khiến trong nước loạn lạc, nam bắc phân tranh, dân cứ tự động đi mở nước rộng ra trên đà Nam tiến, mà chính quyền thì không kịp có tài ba gì để ứng phó. Để cho cái rủi ấy dắt theo cái rủi khác, phải mất nước vào trong tay thực dân Pháp. Và để cuối cùng bây giờ, vẫn cái đà xuống dốc của sự rủi ấy, đất nước lại chia hai, để nội chiến kéo dài, kéo luôn cả sự tranh chấp quốc tế vào nội địa.
Vận hội chung của quốc gia dân tộc, tức là cái công nghiệp chung đã là cái khuôn cứng rắn của một thứ núi Ngu Nhạc mà bàn tay Phật Bà Quan Âm chụp lên đầu Tôn Hành Giả. Chịu đựng công nghiệp thì đã đành, nhưng cũng không thể chịu đựng một cách thụ động. Còn rẫy rụa để vượt ra ngoài tạo lấy một kiếp vận mới cho mình, thì trước hơn hết là phải nhìn nhận có công nghiệp ấy để nhận định rõ nó như thế nào, thì mới tìm ra được 1ối thoát.
Bởi vậy khi tìm tòi truyền thống dân tộc, không thể bỏ qua được yếu tố này để có căn cứ nhận định những phản ứng chung của dân tộc và riêng của các cá nhân trước thế sự. Một phần là để khỏi lầm khi nhìn vào quá khứ. Một phần nữa để bắt đúng mạch của hiện tại mà có thái độ thỏa đáng.
Chẳng hạn như vua Quang Trung tính chuyện tiến binh đòi Lưỡng Quảng, trong khi các nước tư bản Tây Phương đã bắt đầu dòm ngó thị trường Á Đông, ấy là không biết vận mệnh chung của quốc gia mà chỉ nghĩ muốn thỏa mãn anh hùng tính cá nhân của mình.
Sự tinh khôn mềm dẻo của một quốc gia bé, yếu đuối, nằm giữa những khối văn minh khổng lồ, trên trục giao liên quốc tế, phải khiến được người ta ý niệm chân xác với cái may hết sức, là những tối đa, thì ta chỉ có thể đến được mức nào để hạn bớt cao vọng, kiêu căng, ngổ ngáo đi, mới mong nương được theo trào lưu mà sống.
Cái truyền thống hiền triết của ta, trước những thành bại đắc thất, thành trụ hoại không, đã chẳng phải là những gì lý thuyết trừu tượmg và tiêu cực. Mà trái lại đã rất thực tế.
Tóm lại cho dễ nhớ, chúng ta không thể tìm truyền thống dân tộc ở hình thức những vật thể như y phục, ẩm thực, gia cư. Cũng không thể tìm được nó căn cứ vào những phong tục tập quán ngôn ngữ. Cái bản chất chính của dân tộc nó dung nạp một tục lệ, xướng xuất một lề thói và tạo nên một đặc tính đã nằm ở hoàn cảnh địa dư và lịch sử cũng như ở những phản ứng chung trong những vận hội chung. Tìm bản chất ấy ta sẽ thấy rõ tư tưởng truyền thống dẫn đạo cuộc sống.
SỰ THÀNH HÌNH CỦA TƯ TƯỞNG VIỆT NAM
Trong thời cổ sử, quân Tầu coi dân ta là man ri mọi rợ, coi mạng sống của người bị đô hộ không bằng mạng sống của con sâu con bọ, và coi sự giết chóc là một thú tiêu khiển, thì đừng nói đến chuyện viết ra hay nói ra để khoe khôn, mọi người khôn ngoan càng khôn ngoan lại càng phải làm ra mặt ngu dại để mà sống.
Đó là một hiện tượng không những có thể có thực mà còn quá là có thực nữa, bằng cứ vào những văn liệu cổcủa Tầu cho dân Giao Chỉ là xảo trá hết sức khó hiểu.
Điển hình nhất là câu chuyện cổ về chú Cuội ngồi gốc cây đa Người Ấn Độ nhận xét trên mặt trăng có hình con thỏ. Người Trung Hoa cũng cho rằng đấy là con Ngọc thỏ, là chị Hằng Nga. Còn người Việt Nam bằng câu chuyện ngụ ngôn đã cười mà cho rằng các bác chỉ toàn nói dối cả. Than ôi! Đấy chỉ là hình của chú Cuội một bậc thầy về nói dối trên đời này và sở dĩ chú ngồi đấy, đầu đuôi chỉ tại vợ chú đã tiểu tiện vào gốc đa ấy.
Thật là một tư tưởng ác độc, đáo để, nó biểu lộ cả một đặc tính dân tộc là cười cợt mỉa mai và trí trá.
Không trí trá chúng ta thấy rằng cũng không được bởi đấy là những điều đòi hỏi bởi cuộc sống thực tế, không phải những gì thuần lý bay vật vờ giữa trời. Cho nên nếu không nhận rõ cái tính cách nói úp mở bóng gió, xa xôi, cả tính cách nói ngược nữa, thì không bao giờ người ta hiểu nổi được tư tưởng Việt-Nam. Lối nói nửa hư, nửa thực, biến ảo khôn lường, mâu thuẫn lung tung; đã không thể đem luận lý, hình thức Tây Phương vào mà hiểu được. Cả lối nói cách bức, nói thòng lửng, của một ngôn ngữ chưa điều chế và chưa có ngữ pháp cứng rắn để xác định ý nghĩa từng chữ, từng câu, cũng là một trở ngại lớn cho sự tìm hiểu của người Tây Phương và người học theo Tây Phương.
Trong thời kỳ thoát vòng đô hộ của Tàu và tự chủ, ta lại nhớ rằng cả triều đình lẫn vua quan vẫn phải chịu sự lệ thuộc tinh thần và Thiên Triều; Vua chết phải có sứ đến cáo tang; Vua mới nối ngôi phải được sự chấp thuận của họ để được sắc phong; trong nước bất cứ có việc gì hệ trọng xảy ra đều phải báo cáo; người của thiên triều đi lại xem xét có khi vạch lá tìm sâu hết sức bực mình mà vẫn đành phải chịu đựng. Có lần ta lại nhớ rằng thiên triều đòi cống phẩm mà trong số cống ấy lại thấy có cả một số nho sĩ nữa.
Thì ta có thể hiểu rằng ở thời ấy, người ta đã phải tìm cách tránh né dấu diếm cái khôn ngoan giỏi dang, dấu diếm luôn cả những tư tưởng quá cứng rắn cho khỏi xúc phạm đến Thiên Triều khỏi mua dây buộc mình và khỏi gây khó thêm cho triều đình của mình nữa.
Nhiều những tư tưởng sâu sắc vì thế đã không được cô đọng giũa gọt thành câu cú gì cả. Nhiều câu ca dao, tục ngữ, phong dao cùng những chuyện cổ tích tiếu lâm cả những chuyện bằng thơ nữa mang ít nhiều tính cách chống đối Thiên triều cũng đều không rõ ai làms ra cả.
Ở những thời ly loạn, người ta còn báo ân, báo oán trực tiếp với nhau và ai cũng dễ bị nghi ngờ là có nhúng tay vào việc này, việc nọ, thì nho sĩ và các nhà tư tưởng lại càng thận trọng lắm.
Những bài sấm rao truyền những lời tiên tri cũng úp mở cho hiểu theo cách nào cũng được, áp dụng cho nhân vật nào, thời nào cũng được.
Ở những thời hanh thông khác, mà người quân tử lúc yên nghĩ đến lúc nguy, lúc nguy nghĩ đến lúc yên, bao giờ người ta cũng nghĩ muốn tự mình làm chủ mình trong mọi việc xuất xử hành tàng. Moi nổi được những tư tưởng trong đầu các nhà tư tưởng có thể đương đóng vai những ông Ngư, tiều, canh, mục... quả là vô cùng khó khăn vậy.
Tất cả những nhận xét về thực tế lịch sử và xã hội ấy đã cho ta thấy có những lớp màn dầy đặc bao phủ tư tưởng Việt Nam, cho khó lòng ai dùng luận lý hình thức mà nhìn ra nổi chân tướng của nó.
o O o
Nếu có người nói rằng theo phương pháp khoa học, vậy là người Việt Nam không có tư tưởng, thì ta có quyền trả lời: không còn gì phản khoa học được hơn.
Khi loài người chưa tìm được kính hiển vi để nhìn những con vi trùng, thì vi trùng cũng đã có. Khi chưa tìm được kính hiển vi điện tử để nhìn những con virus còn làm bệnh cho cả con vi trùng, thì những con virus cũng đã có.
Không nhìn ra được nó là tại mình. Chẳng phải tại nó không chịu hiện ra cho mình nhìn.
Người Việt Nam đã sống, đã theo một đường lối chủ trương kín đáo thân mật của mình mà sống, tức là đã có một tư tưởng dẫn đạo cho sự sống. Thì nếu tư tưởng ấy không hiện ra toàn vẹn cho thấy ta phải dùng lối gián cách mà nhìn cho ra.
o O o
Nhìn thế nào?
1. — Nhìn qua sự sống tìm ra chủ trương của sự sống và tư tưởng về nhân sinh.
2. — Nhìn qua tục lệ tìm ra nếp sống và tư tưởng giáo hóa quần chúng, tức là tư tưởng chính trị.
3. — Nhìn qua cách thờ cúng tìm ra niềm tin vào quỷ thần và tư tưởng siêu hình.
Tất cả những ca dao, tục ngữ, cách ngôn, cùng các truyện cổ tích, ngụ ngôn, tiếu lâm và những thi phú, văn, bia, còn sót lại đều có thể dùng làm minh chứng cho việc tìm tòi của ta.
Nếu có sẵn những tác phẩm cũ bao gồm một tư tưởng để nghiên cứu và phân tích, thì cố nhiên công việc của ta sẽ được dễ dàng và thuận tiện. Nhưng trong khi chờ đợi tìm tòi những cổ thư bị thất lạc thì ta có thể dùng lề lối gián cách ấy để nhận định.
Đó là cái lối trông vào tác phẩm kiến trúc mà tìm hiểu quan niệm người kiến trúc sư vắng mặt.
Việc này ta có thể làm được đối với kiến trúc, văn nghệ. Thì đối với tư tưởng ta cũng có thể làm được.
Vì chưa hề có ai phủ nhận rằng không có ảnh hưởng qua lại giữa đời sống và tư tưởng. Căn cứ vào kết quả mà tìm ra nguyên nhân hay căn cứ vào nguyên nhân mà tìm ra kết quả, vẫn là việc thường làm xưa nay.
Có điều rằng cuộc sống ở đâu và bao giờ cũng vẫn lộ ra muôn hình muôn vẻ, có xuôi thì cũng có thể có ngược. Và bất cứ một sự việc nào trong đời sống cũng có thể hiện ra được theo nhiều cách[3].
Bởi vậy tùy theo sự thiên lệch của mắt nhìn mà người nghiên cứu có thể bị lầm lạc. Muốn tránh thiên lệch và lầm lạc, người nghiên cứu cần có một tâm hồn thanh thản và lành mạnh mới giải thoát được mình khỏi những bịnh cố chấp của chủ quan và trí tuệ mới trở nên minh mẫn để dùng được lợi khí tinh thần độc đáo của con người là sự trực giác[4].
o O o
Nhiều những tư tưởng của người xưa, hàm chứa trong toàn cuộc sống hoặc trong một số cổ vật lễ tục nào thường đã chỉ có thể đọc ra được bằng trực giác.
Bởi nó tự che kín đi bằng nhiều bức màn. Không thể dùng lý luận thông thường để phân tích, quy nạp, suy diễn rồi tổng hợp mà tới được. Tất nhiên cũng không thể lập căn cứ trên những giả tưởng của các sự việc để dùng làm minh chứng cho những lý luận hình thức của người đời. Và tất nhiên cũng không thể căn cứ tất cả vào những tài liệu thành văn, có khi đã bị nhiều lần sàng đi sẩy lại và sửa gọt hoặc uốn nắn do tình thế bắt buộc trong hoàn cảnh sống đã nói trên.
Thường người ta bị cái chủ quan (của cá nhân hay của dân tộc nữa) nó làm mờ thiên lương đi, để có những mặc cảm không thích có những sự việc, ý kiến, hay cả danh từ nào có vẻ xấu, kém đối với cái đối tượng mà người ta yêu mến để nghiên cứu.
Chẳng hạn như đối tượng về tư tưởng này. Ai trình bầy rằng nó lạc hậu ngốc nghếch, ngô nghê hay lầm lẫn, thì có vẻ người ta không bằng lòng. Mà phải làm sao cho nó có những gì vĩ đại sâu sắc hơn thiên hạ thì mới lấy làm thỏa mãn.
Nhiều khi người ta còn muốn đem nhận thức của thời này, theo khuôn khổ chủ trương này để ép cho nhận thức quan của thời khác theo khuôn khổ chủ trương khác phải có gì giống nhau nữa. Ấy là cái bệnh hình thức chủ nghĩa đã đến hồi trầm trọng. Nó lộ liễu cái ý định tuyên truyền và ép uổng cuộc sống phải theo một định hướng nào của một tư tưởng.
Công cuộc đi tìm tư tưởng, tìm chân lý phải để cho nó chỉ là để thấy tư tưởng, thấy chân lý, không cần và không được phép định trước cho nó là hình vuông hay hình tròn, hoặc cho nó quay theo hướng này hay hướng khác.
o O o
Thái độ trí thức của nhà văn hóa là tôn trọng sự thực. Dù ở mỗi thời trong dòng dài đời sống của tư tưởng, nó có chân chất hay hiện tượng gì không hợp với mong ước của người ta, thì người ta cũng vẫn phải trình bầy đúng cái sự thực ấy, mà không được bóp méo nó.
Truyền Thống Dân Tộc Truyền Thống Dân Tộc - Lê Văn Siêu Truyền Thống Dân Tộc