Trên mỗi ngọn núi đều có những lối đi mà khi đứng dưới thung lũng, bạn không thể nhìn thấy được.

James Rogers

 
 
 
 
 
Tác giả: Franz Kafka
Biên tập: Duy Vo
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2413 / 92
Cập nhật: 2015-07-23 22:55:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Thư Gửi Nàng Felice
ƯƠNG TẤT TỪ dịch và giới thiệu
Lời người dịch.
Để giúp bạn đọc hiểu thêm về cuộc đời và con người của Franz Kafka, chúng tôi chọn dịch một số thư ông gửi người yêu là Felice Bauer.
Nói về cuộc sống riêng tư, trong đời Franz Kafka đã ba lần đính hôn, hai lần với Felice và một lần với con gái một gia đình thợ giày ở Praha. Nhưng rồi cả ba lần đều không dẫn đến hôn nhân. Dấu ấn tình cảm sâu nặng nhất là mối quan hệ giữa Kafka và Felice Bauer (1887-1960). Felice là người Do Thái sống tại Đức, có quan hệ thân thích xa với Max Brod. Kafka gặp nàng lần đầu tiên tại nhà riêng của Max Brod. Cuộc trao đổi thư từ giữa hai người bắt đầu từ ngày 20.9.1912 và trong các lá thư Kafka đã thổ lộ nỗi lòng với tất cả tâm trạng chân thành, xao xuyến, yêu thương cuồng nhiệt, hờn giận và cả tuyệt vọng. Kafka sống ở Praha, còn nàng thì sống tại Berlin. Cuộc gặp gỡ lần cuối của họ là Noel năm 1917 tại Praha. Và đó cũng là lần quyết định chia tay nhau mãi mãi.
Sáng sớm ngày 27.12.1917 Kafka tiễn nàng lên tàu hỏa trở về Berlin. Đó cũng là những giây phút chót của một cuộc tình dang dở. Sau đó nhà văn lâm bệnh rồi qua đời ngày 3.6.1924, ở tuổi đời 41. Còn nàng thì trước đó (tháng 3 năm 1919) đã lấy một thương gia giầu có ở Berlin. Hai người sang sống ở Thụy Sĩ rồi sau đó định cư tại Mỹ. Bà qua đời ngày 15.10.1960.
Những bức thư của Kafka gửi Felice còn được giữ lại khá nhiều, chúng tôi xin chỉ chọn dịch một phần rất nhỏ trong số những bức thư nói trên, qua bản tiếng Séc, xuất bản tại Praha. Praha 20. 9. 191
Cô gái hết đỗi yêu quý!
Bởi vì cũng rất có thể là Em không hề nhớ lại câu chuyện, cho nên tôi xin tự giới thiệu một lần nữa tôi tên là Franz Kafka, người mà lần đầu tiên đã chào Em vào cái buổi tối tại nhà ông giám đốc Brod ở Praha, rồi tôi đã đưa cho Em xem những tấm ảnh chụp trong chuyến đi thăm ông bạn Thali. Cuối cùng, đôi bàn tay tôi đã cầm lấy tay Em và Em hứa sẽ đi thăm Palestin cùng tôi vào năm sau.
Nếu như cho đến lúc này Em vẫn còn có ý định thực hiện cuộc hành trình đó (khi ấy Em đã nói rằng Em không phải là người vui tính, còn tôi thì cũng không thấy ở Em có cái nét giống như vậy) thì đã đến lúc không những tốt mà là cần thiết một cách vô điều kiện để chúng ta cùng nhau bàn bạc về chuyến đi đó. Thời gian nghỉ phép năm của chúng ta đối với một chuyến đi Palestin như thế là quá ngắn, và để tận hưởng cho đến giây phút cuối cùng của chuyến đi, chúng ta phải chuẩn bị thật tốt và trao đổi với nhau mọi công việc liên quan đến chuyến đi.
Tôi phải nói thật, dù điều đó nghe có vẻ chối tai và không phù hợp: tôi không phải là người giỏi viết thư tay. Mỗi lần không có máy chữ thì thật là khốn đốn. Chỉ khi nào không có máy, tôi mới phải huy động đến cây bút. Mặt khác, tôi cũng chẳng bao giờ trông chờ thư sẽ đến với tôi một cách chính xác, mặc dù hàng ngày tôi chờ thư một cách căng thẳng.
Tôi gửi đến Em lời chào thân ái
Tiến sĩ Franz Kafka
Poric 7 - Praha 27.10.1912
Em yêu thương!
Cuối cùng, bây giờ đã 8 giờ tối - và là ngày chủ nhật - tôi viết thư kể cho Em nghe, tuy chưa phải là tất cả những gì tôi làm trong ngày hôm nay. Và bây giờ bắt đầu bằng chuyện gì đây? Em sống ngày chủ nhật có vui không? Chắc hẳn là vui, sau những công việc hàng ngày không thay đổi của Em. Đối với tôi, chủ nhật ít ra là một chuỗi kì lạ mà ánh sáng của sự kì lạ đó tôi đã nhìn thấy từ sáng sớm thứ hai khi tỉnh giấc. Vấn đề là nhập cuộc vào cả một tuần lễ cho đến chủ nhật, đương đầu với công việc ngày qua ngày và dù bất cứ làm gì, cứ đến thứ sáu là nó chững lại. Trải qua một tuần lễ, con người sống qua từng giờ, từng giờ, và ban ngày con người thường không để ý lắm như những ai đêm không ngủ. Mỗi lúc nhìn lại cái guồng máy không khoan nhượng của mỗi tuần lễ như vậy, người đó sẽ lấy làm sung sướng là những ngày như thế không trở lại để nhường chỗ cho những ngày mới nối tiếp nhau trôi qua một cách êm ả hơn, để rồi cuối cùng lại bắt đầu buổi tối và đêm dành cho sự nghỉ ngơi.
Cũng có lúc tôi vui nhưng hôm nay thì không, ngoài trời mưa, tôi mất một cuộc đi bách bộ chủ nhật. Nửa ngày trời nằm trên giường, đó là chỗ tốt nhất để tiêu khiển nỗi buồn và sự thu mình.
Cô Em thân mến! lúc này tôi có nên đứng dậy và bỏ giở những dòng thư này? Nhưng Em hãy cứ nhìn xung quanh và Em thấy rằng cuối cùng tôi sẽ là người rất hạnh phúc được viết tiếp những dòng này cho Em.
Trong thư Em có đề cập là cái buổi tối hôm đó ở Praha Em cảm thấy hiu quạnh mà Em chẳng muốn nói, và có lẽ Em cũng không tưởng tượng được rằng viết đến đoạn thư này, sự hiu quạnh dường như đã ập đến với tôi, bởi lẽ trước đó ông bạn Max Brod vừa mới nói về vở ca kịch của ông đã không bắt ông phải lao tâm lắm, còn cái bọc tài liệu đáng buồn cười của tôi thì chưa đến nỗi làm mất không khí buổi họp mặt. Thỉnh thoảng tôi vui đù với ông bạn Brod, một con người quen đi ngủ đúng giờ, trong những cuộc thăm viếng đặc biệt sôi nổi kéo dài ông thường phải chịu đựng lâu đến mức cả gia đình ông hợp lực, đẩy khéo tôi ra khỏi nhà, tất nhiên chỉ là thiện chí. Vì vậy việc tôi thường đến muộn - có khi sau chín giờ tối - là một tín hiệu có tính đe dọa. Và tâm trạng những người trong gia đình như đứng trước hai cuộc thăm viếng trái ngược nhau: một phía là Em - một người khách luôn giữ cách cư xử hiền hòa và lịch thiệp, còn tôi - một con người chuyên phá giấc ngủ của kẻ khác. Chẳng hạn vì Em mà người ta chơi đàn piano, còn vì tôi, ông bạn Max lấy mảnh tôn che lò sưởi như muốn lưu ý tôi là đã đến giờ đi ngủ, khi con người không nhận ra điều đó thì quả thật là vô nghĩa và mỏi mệt. Hôm đó tôi hoàn toàn không mảy may chờ đợi là gia đình có khách, nhưng tôi đã hẹn với ông bạn Max vào 8 giờ tối (và như thường lệ, tôi thường đến chậm một tiếng) để cùng với ông ta sắp xếp bản thảo mà bấy lâu nay tôi không hề quan tâm, bởi vì đáng lí sáng hôm sau đã phải gửi đi. Đúng lúc đó tôi gặp một người khách cho nên tôi hơi cau có. Ngược lại, người khách đó đã không làm tôi ngạc nhiên. Tôi đưa tay qua chiếc bàn lớn để bắt tay Em trước khi giới thiệu, mặc dù Em có đứng lên nhưng hình như Em chẳng muốn bắt tay tôi. Tôi nhìn Em một cách thoáng qua, rồi tôi ngồi xuống và hình như tất cả mọi việc đều quá tốt đẹp. Đứng trước Em, tôi cảm thấy có một sự phấn chấn nhẹ nhàng - một thứ cảm giác thường đến với tôi mỗi lần không khí bè bạn vây quanh tôi. Khi tôi thấy không phải là thời điểm phù hợp để có thể cùng với ông bạn Max rà soát bản thảo, mọi người chuyển sang việc xem ảnh ông bạn Thali, một sự thay đổi dễ chịu (giờ đây xa cách Em, tôi vẫn thấy cái khoảnh khắc đó lột tả rất đúng cái cảm giác lúc bấy giờ). Lúc đó Em nhìn những tấm hình với dáng vẻ nghiêm nghị, và chỉ xem lướt qua khi ông bạn Brod giải thích một điều gì đó hoặc khi tôi đưa cho Em một tấm hình mới. Tôi còn nhớ một người nào đó trong chúng ta mà tôi không biết là ai, trong lúc bình luận về các tấm ảnh đã buông ra một lời hiểu lầm đáng buồn cười. Lúc đó, để tập trung vào việc xem ảnh, Em đã ngừng ăn và khi ông bạn Max nói một ý gì đó về chuyện ăn uống, Em có phát biểu đại ý là trên đời này ớn nhấtười ngồi xuống là ăn một thôi một hồi. Vừa lúc đó có chuông điện thoại.
(Chuyện đã lâu rồi, và lúc này là 11 giờ đêm. Mọi khi vào giờ này tôi đã bắt đầu công việc riêng của tôi, nhưng hôm nay tôi không thể rời khỏi bức thư này). Đúng là có tiếng chuông và lúc đó Em đang kể về một tiểu phẩm sân khấu gì đó có tên là Das Autogirl mà Em đã được thưởng thức ở nhà hát Residenx (có đúng là nhà hát Residenz không? Và có đúng là một tiểu phẩm sân khấu không?). Trong tiểu phẩm đó xuất hiện tới 15 nhân vật trên sân khấu, rồi từ gian sảnh có tiếng chuông điện thoại, một người nào đó bước vào và gọi lần lượt từng người vào nghe. Tôi vẫn còn nhớ cái câu nói đó của Em, nhưng tôi ngượng viết ra đây, bởi vì tôi phát âm không đúng huống hồ là viết. Nhưng tôi đã nghe rất rõ từ đôi môi của Em và cho đến nay câu nói đó đã nhiều lần vẩn vơ trong đầu tôi, cứ như tôi muốn tìm cách dựng lại câu chuyện trong kí ức. Tôi không biết, rồi sau đó (sau đó chứ không phải trước đó, vì trước đó tôi vẫn còn ngồi cạnh cửa ra vào, tức là chéo góc với Em) câu chuyện sẽ ra sao. Tôi nghe thấy đề cập đến tên tuổi một số thành viên trong gia đình mà tôi chưa bao giờ được nghe...
Khi Em đứng dậy tôi mới thấy Em đang đi đôi dép lê trong nhà của bà Brodova bởi vì giầy của Em chưa khô. Suốt cả ngày hôm đó thời tiết thật khủng khiếp. Đôi dép lê Em đi hơi thấp và ở cuối gian phòng lờ mờ tối Em nói với tôi là Em chỉ quen đi giầy đế cao. Trong phòng piano Em ngồi đối diện với tôi còn tôi thì bắt đầu giàn trải những trang bản thảo. Những trang cuối của từng bài rơi vãi tung tóe một cách đáng buồn cười và tôi không thể nào phân biệt được trang nào là của Em.
Tôi còn nhớ, một chi tiết xảy ra ở phòng bên cạnh khiến tôi phải ngạc nhiên là tôi đập nhẹ tay lên bàn. Em có nói với tôi là đối với Em, việc sao chép bản thảo là một điều hân hạnh, bởi vì ở Berlin Em đã từng có lần đánh máy lại bản thảo cho một người đàn ông nào đó (cái từ toát ra một âm thanh mà chẳng có tên, cũng không lời giải thích) và Em có nói với ông bạn Max để ông ta gửi bản thảo sang cho Em. Điều thú nhất hôm qua là tôi mangheo trong người số báo Palestin, nó làm tôi bỏ qua những chuyện khác. Chúng ta đã trao đổi câu chuyện về chuyến đi Palestin và khi đó Em đã đặt tay lên lòng bàn tay tôi, hay nói khác là nhờ cái cử chỉ đó mà tôi đã có dịp âu yếm Em. Trong lúc chơi đàn piano, tôi ngồi chéo góc với Em, còn Em thì hai chân để chéo lên nhau, một vài lần Em sửa mái tóc, nhìn từ phía trước, lúc chơi đàn piano, tôi mới biết rằng mái tóc hơi rủ xuống. Không khí gia đình sau đó đã phân tán, bà Brodova thì ngủ thiếp đi trên chiếc đi-văng, ông Brod thì lần tìm cái gì đó cạnh giá sách, còn Otto thì tẩn mẩn với tấm lá chắn cạnh lò sưởi. Trong câu chuyện về sách vở của ông bạn Brod, Em có nói cái gì đó về cuốn Anold Beer, Em đề cập đến một bài phê bình đăng trên tờ Ost und West, trong khi đó, tay Em vẫn lần giở những trang trong tập sách của Goethe do Nhà xuất bản Propylaen phát hành....
Cuối cùng Em nhanh chóng ra khỏi nhà và trở về với đôi giầy cao gót. Tôi còn nhớ khá chính xác khi Em đội mũ và cài trâm lên mái tóc. Chiếc mũ thì to vành và phía dưới màu trắng. Ra phố, ngay tức khắc tôi đã rơi vào một tâm trạng ảm đạm hiếm thấy, tôi cảm nhận một điều nổi bật đó là sự hiện diện vô ích của tôi. Lúc đi đến phố Perlova, Em hỏi liệu Em có thể giúp tôi thoát khỏi sự câm lặng của nơi tôi đang ở. Đương nhiên là Em có ý dò hỏi xem đường tôi về nhà có cùng đường khi tôi đưa Em đến khách sạn. Còn tôi thì đúng là một thằng ngốc bất hạnh, tôi lại hỏi liệu Em có muốn biết địa chỉ của tôi không, tất nhiên chỉ vì tôi muốn rằng ngay sau khi về đến Berlin, với tất cả sự phấn chấn của mình, Em sẽ viết thư cho tôi về chuyến đi Palestin và để khỏi rơi vào tâm trạng thất vọng là Em không có địa chỉ của tôi trong tay....
Lúc Em ra đi trời còn quá sớm, cửa hàng chưa bán hoa, mong Em thông cảm. Lúc đi trên phố Ovocna và phố Prikov, người trò chuyện chủ yếu là ông giám đốc Brod. Còn Em thì chỉ kể rằng khi về tới nhà, mẹ Em nghe tiếng vỗ tay sẽ xuống mở cổng cho Em. Còn nói về phương tiện giao thông ở Praha thì làm sao mà so sánh vBerlin được. Nếu như anh không nhầm, hôm đó hình như Em ăn điểm tâm tại nhà hàng Reprezentacni dum, đối diện với khách sạn Em ở. Cuối cùng, ông bạn Brod còn căn dặn em một số điều và chỉ dẫn cho Em những bến tàu nào dọc đường có thể mua đồ giải khát. Mới đầu Em có ý định ăn điểm tâm ngay trên toa tàu. Và bây giờ thì tôi nghe nói Em đã để quên chiếc ô trên tàu hỏa. Đối với tôi đó chỉ là chuyện vặt, nhưng nó đã gợi thêm một âm thanh mới về hình ảnh của Em...
Trên đây là những chuyện vụn vặt không cơ bản, mặc dù có nhiều chỗ lướt qua, tất cả những tình tiết của cái buổi tối hôm đó mà tôi còn nhớ đến hôm nay, tức là sau trên 30 buổi tối khác từ khi có mặt tại nhà ông bạn Brod. Tôi viết những dòng trên đây để trả lời ý kiến của Em bảo rằng cái buổi tối hôm đó mọi người ít quan tâm đến Em, và cũng là để tôi khỏi trì hoãn quá lâu ý định viết lên những kỉ niệm về cái buổi tối hôm đó, chừng nào tôi còn ấp ủ trong lòng.
Nhưng giờ đây, khi nhìn cái mớ giấy viết bề bộn này, Em sẽ thấy kinh khủng và trước hết Em sẽ trách móc cái lời góp ý đã dẫn đến chuyện này, trách móc chính bản thân Em phải đọc nó và vì tò mò, sẽ đọc nó cho đến hết trong khi chén trà của Em đã hoàn toàn nguội lạnh, nội tâm Em sẽ trở nên khó chịu bởi tất cả những gì thân thiết đối với Em, Em sẽ chối bỏ và kiểu gì Em cũng sẽ không muốn đem những kỉ niệm của mình để bổ sung vào những kỉ niệm của tôi. Vì cơn tức giận, Em sẽ không ý thức được rằng việc bổ sung ý sẽ không vất vả như việc khởi thảo ban đầu, và rằng qua việc bổ sung của mình, Em sẽ làm tôi vui hơn nhiều. Tôi mong ước Em được thật sự yên tĩnh và một lần nữa, gửi Em lời chào thân ái.
Franz K. của Em
Vẫn chưa hết: tôi còn một câu hỏi có thể khó trả lời: làm thế nào để giữ cho kẹo socola được lâu và không bị hỏng? 1.11.1912
Cô Felice thân mến!
Thư này Em không được bực bội vì cách xưng hô của tôi, bởi lẽ nếu như tôi cần kể cho Em nghe về lối sống của tôi như Em đã yêu cầu mấy lần, thì tôi buộc phải nói đôi điều nhạy cảm đối với tôi trước một cô gái đáng yêu. Tuy nhiên, cách xưng hô mới như vậy không thể là một biểu hiện hoàn toàn xấu. Cuộc sống của tôi, về cơ bản vốn đã và đang được cấu tạo bởi những cuộc thể nghiệm với cây bút, và phần lớn không thành công. Khi tôi không viết, tức là tôi đã nằm dưới đất, rũ bỏ sạch sành sanh. Sức lực của tôi vốn nhỏ bé, và mặc dù tôi không nói ra một cách cởi mở, thì tự nó cũng cho thấy tôi đã phải dè dặt mọi phương diện, ở đâu tôi cũng phải làm ngơ một cái gì đó cốt để giữ lấy cái sức lực cần thiết cho mục đích chính mà mình đã đề ra. Ở đâu mà tôi chẳng tự hành động. (Trời ơi, thậm chí cả cái ngày lễ này ngồi trực ở cơ quan, chẳng hề có một chút yên tĩnh, hết người khách này đến người khách khác, cứ như một địa ngục nhỏ sắp bùng nổ). Còn ở đâu mà tôi muốn tự vượt lên chính mình, thì tự tôi lại bị đè nén, tổn thương, xỉ vả và luôn luôn hèn yếu. Nhưng những gì trong chốc lát định làm tôi bất hạnh thì trải qua thời gian, chính những điều đó đã mang lại cho tôi lòng tin và tôi bắt đầu tin rằng ở nơi nào đó, cho dù khó mà tìm đến nơi đó, nhất định sẽ xuất hiện một ngôi sao tốt lành và dưới vòm sao đó con người có thể sống tiếp tục....
Quả thật tôi là một chàng trai gầy gò, gầy gò nhất trong số những người mà tôi quen biết (có cơ sở nói điều đó, bởi vì tôi đã kinh qua nhiều nhà an dưỡng). Chẳng có gì khác đối với tôi để tôi có thể gọi cái việc viết lách là thừa, thừa với cái nghĩa tốt của nó. Nếu như ở đây có một thứ quyền lực nào đó cao hơn muốn sử dụng tôi hoặc đang sử dụng tôi, thì tôi sẽ nằm chết như một thứ công cụ đã được gọt dũa. Và nếu không, tức là tôi hoàn toàn không còn là một cái gì cả, bỗng nhiên tôi chỉ còn lại như một cái gì thừa thãi trong sự trống rỗng ghê gớm.
Giờ đây cuộc sống của tôi đã được trải rộng thêm bởi những suy nghĩ về Em và đúng vào thời gian tôi vừa tỉnh dậy được 15 phút. Nếu như tôi không nghĩ đến Em thì ngược lại, sẽ có rất nhiều những khoảnh khắc mà tôi sẽ không làm gì hết. Điều đó thậm chí còn liên quan đến việc viết lách của tôi, chỉ có sự đam mê viết lách điều hành được tôi, và nếu rơi vào quãng thời gian câm lặng của cái nghề cầm bút, chắc là tôi sẽ không đủ lòng can đảm nghĩ đến Em. Đó là một chân lí, từ cái buổi tối hôm đó tôi có cảm giác như trên lồng ngực tôi có một lỗ hổng, hít vào và thở ra một cách bất kham cho đến khi vào một buổi tối, nằm trên giường tôi nhớ lại câu chuyện trong Kinh Thánh, điều đó đồng thời chứng minh sự cần thiết của cái cảm giác đã đến và cả sự thật của câu chuyện trong Kinh Thánh....
Cách sống của tôi là hướng vào viết. Và nếu như có sự thay đổi nào đó thì chỉ vì để viết tốt hơn, bởi vì thời gian thì ngắn ngủi, sức lực có hạn... Phòng làm việc thì kinh khủng, nhà ở thì ồn ào, con người phải vật lộn với những dối trá, bởi cuộc đời không phải lúc nào cũng đẹp đẽ, phẳng phiu... Đã một tháng rưỡi nay thời gian biểu của tôi, ngoài một số lần bị cản trở do hậu quả của sự yếu đuối không chịu nổi phát sinh trong những ngày gần đây, đại thể như sau: từ 8 đến 2h hoặc 2h20 có mặt ở văn phòng, đến 3h hoặc 3h30 ăn trưa, rồi lên giường nghỉ ngơi (phần lớn chỉ là ý định, cả tuần lễ tôi nằm mơ thấy trong giấc ngủ hiện lên chỉ toàn có Núi đen. Sau 7h30 là 10 phút cởi trần tập thể dục cạnh cửa sổ, rồi một giờ đi dạo, đi một mình, cùng với ông Max hoặc một người bạn trai, tiếp đến là ăn tối cùng gia đình (tôi có 3 chị em gái. một đã có chồng, một có người yêu, còn cô út chưa có ai). Đối với tôi, cô em út là thân thiết hơả, tất nhiên không có nghĩa là không quý hai người kia. Rồi 10h30 (cũng có khi thường là 11h30) ngồi vào bàn viết và viết cho tới khi kiệt sức, có khi viết say sưa đến tận 1, 2, 3 giờ đêm, có một lần đến tận 6 giờ sáng. Rồi lại tập thể dục, đương nhiên chỉ là tập nhẹ nhàng, rửa ráy một chút và phần lớn khi lên giường thì tim đau nhẹ, các cơ bắp vùng bụng thì bứt rứt. Tôi cố tìm cách thiếp đi - tức là cố làm một điều không thể, bởi vì con người không thể ngủ và đồng thời suy nghĩ về công việc, và lại còn muốn giải quyết một vấn đề chắc chắn mà không thể trả lời chắc chắn, liệu hôm sau có nhận được thư của Em không, và khi nào. Thế là đêm được cấu tạo từ hai phần, phần thứ nhất là trằn trọc và phần thứ hai là không ngủ. Nếu như tôi muốn kể cho Em một cách tỉ mỉ và nếu Em muốn lắng nghe thì câu chuyện sẽ không bao giờ có hồi kết. Đương nhiên là sau đó cũng không có gì ngạc nhiên quá đáng, khi đến cơ quan, tôi lại bắt đầu ngày làm việc với những sức lực cuối cùng của mình. Trước giờ làm, ở ngoài hiên chỗ tôi thường lui tới phòng nhân viên thư kí, thường có một chiếc xe đẩy phân phát tài liệu, mẫu hồ sơ, bao giờ cũng vậy, mỗi lần đi qua tôi đều cảm thấy hình như chiếc xe đẩy đó hợp đối với tôi, họ chờ tôi.
Để tôi khỏi quên và nói một cách chính xác, tôi không phải chỉ là một viên chức, mà đồng thời là một chủ nhà máy. Cậu em rể của tôi có một nhà máy sản xuất amiăng, tôi là người canh ti (bố tôi góp vốn), tôi có đăng kí hành nghề. Cái nhà máy này đã mang lại cho tôi không ít những lo toan và phiền toái, nhưng lúc này tôi không tiện kể với Em về chuyện đó. Sớm hay muộn tôi cũng sẽ buông bỏ nó (tức là không hợp tác nữa), tình hình trước mắt nói chung là ổn.
Tôi kể cho Em còn ít quá và cũng chưa kịp hỏi chuyện Em nhưng đã phải kết thúc. Và sẽ không một câu hỏi và một câu trả lời nào bị bỏ qua. Thư tín đúng là một phương tiện kì diệu, hai người chẳng trông thấy nhau, chẳng nói cùng nhau, nhưng vẫn có thể chia sẻ với nhau phần lớn về những chuyện quá khứ. Chẳng cần phải viết ra tất cả nhưng nó gần như là một phương tiện kì ảo cao độ (trông thì không có vẻ như vậy) mà con người nhập vào nó, mặc dù chẳng có thưởng nhưng không phải là không có phạt. Cho nên tôi sẽ không nói thêm, Em sẽ tự đoán. Ngắn ngủi quá, cứ như tất cả những lời cầu xin.
Chúc Em khỏe và cho phép tôi đảm bảo lời chúc đó bằng một cái hôn tay thật lâu.
Franz Kafka của Em 8.11.1912
Cô Felice yêu quý!
Lá thư trước của Em (chứ không phải "lá thư cuối cùng" như Em viết), làm tôi rối trí. Chắc chắn là như vậy, nhưng tôi đâu có biết là nó tồi tệ đến mức giờ đây tôi phải tin vào lá thư cuối cùng của Em. Chẳng lẽ tôi là người không chắc chắn? Chẳng lẽ những dòng chữ của tôi lại biểu lộ sự rung động kín đáo nhất bằng sự thiếu kiên nhẫn và sự bất mãn không thể hàn gắn được? Tôi có cần bắt buộc để mặc những bức thư của tôi tự nói lên những gì tôi suy nghĩ không? Tôi bị vây quanh bởi một nỗi buồn ghê gớm và tôi muốn lôi kéo Em bằng tất cả sức lực của mình!
Tôi không biết liệu cuộc sống của tôi biểu lộ có đúng không, Em hiểu cho sự nhạy cảm của tôi, một sự nhạy cảm bị thần kinh và luôn luôn bị kích động, nhưng nếu một lần nó bị quyến rũ thì nó sẽ buông tôi như buông một hòn đá. Tôi đã đọc thư của Em tới 20 lần, vài lần khi nhận được thư, một vài lần khi ngồi cạnh chiếc máy chữ. Có một khách hàng ăn nhồm nhoàm ngay cạnh bàn làm việc của tôi, còn tôi thì tranh thủ đọc thư của Em, cứ như là vừa mới nhận được. Tôi đọc nó khi đi trên đường phố và giờ đây đọc ở nhà. Tôi không biết nên ứng xử thế nào, giờ đây tôi như cảm thấy bất lực. Giá như hai chúng ta ở bên nhau, tôi sẽ im lặng, nhưng bởi vì chúng ta ở xa nhau, tôi buộc lòng phải viết thư, nếu không, tôi sẽ bị tiêu tan vì nỗi buồn. Ai mà biết được cái nắm tay buổi đó tôi cần đến nó hơn Em, và không phải bàn tay an ủi mà là một bàn tay giúp tôi thêm nghị lực. Sự mệt mỏi làm sức khỏe tôi hôm qua tồi đi, cứ như là để đón cái chết, bởi vì hôm qua, sau nhiều thứ quyết định, cuối cùng đêm qua tôi đã tự ra kỉ luật không được viết. Buổi tối, hai giờ đồng hồ liền tôi đi dạo phố và lúc trở về, hai bàn tay băng giá, mặc dù đút trong túi áo. Rồi 6 tiếng liền tôi thiếp đi, trong mơ hiện lên một kỉ niệm mờ ảo về Em, giấc mơ đã mô tả một sự cố nào đó bất hạnh. Đó là lần đầu tiên tôi mơ về Em, tôi đã hồi nhớ lại điều đó. Bây giờ tôi khẳng định chính là cái giấc mơ này, một giấc mơ duy nhất trong đêm, mặc dù chỉ thoảng qua, đã làm tôi tỉnh dậy. Sáng hôm sau tôi thức dậy sớm hơn so với mọi ngày. Trong khi tôi đang ngái ngủ, một cô bé ập vào nhà hét tướng lên là lúc nửa đêm về sáng em gái tôi sinh con gái. Tôi nấn ná lại một lát trên giường, giá như có chuyện gì xấu cùng chẳng ai đánh thức tôi, tôi thức dậy chẳng qua vì tiếng ồn ngoài cửa. Tôi cũng không hiểu được niềm hân hoan của cô gái xung quanh việc sinh đẻ. Như tôi đây là anh, là bác, tôi không cảm thấy hân hoan mà chỉ thấy ghen tức, ghen tức với em gái một phần, nhưng chủ yếu là với cậu em rể, bởi vì tôi sẽ chẳng bao giờ có con, đó là điều chắc chắn (tôi không muốn dùng từ bất hạnh).
Hôm nay tôi thấy vui quá, sau một đêm ngủ ngon và sau một buổi tối vô ích vì thận trọng một cách ngu ngốc. Chào Em, cô gái thân yêu nhất!
Franz K. của Em 15.11.1912
Chào Em yêu quý nhất, làm khổ anh ít thôi! Làm khổ anh ít thôi! Kể cả hôm nay là thứ bảy, Em để mặc anh không có thư, đúng là cái ngày mà anh đã nghĩ rằng chắc chắn thế nào thư cũng phải đến, cũng như hết đêm rồi phải đến ngày. Mà có ai yêu cầu thư đâu chứ, chỉ cần hai dòng chữ, một lời chào, chiếc phong bì, tấm bưu thiếp là đủ rồi. Sau bốn bức thư vừa qua, nó sẽ là láư thứ năm, thế nhưng anh vẫn chưa được trông thấy một dòng chữ của Em. Sao lại thế hả Em? Làm thế nào để anh có thể sống qua những ngày dài đó được? Để có thể làm việc, nói năng, nghĩa là tất cả những gì mà người ta đòi hỏi ở anh.
Có thể hoàn toàn không có chuyện gì xảy ra mà chỉ vì em không có thì giờ. Có thể Em bận vì những môn thi sân khấu, hoặc vì chuẩn bị cho những cuộc đối thoại. Nhưng Em hãy cứ nói cho anh biết, người nào có thể ngăn cản Em ngồi vào bàn viết cho anh một mẩu giấy, chỉ cần ghi "Felice" rồi gửi cho anh. Chỉ ngần ấy thôi cùng bao hàm bao nhiêu ý nghĩa đối với anh. Nó sẽ là tín hiệu rằng em đang sống yên lành và sống trong nghị lực, rằng anh là kẻ lệ thuộc vào sự sống của một sinh linh khác. Ngày mai sẽ đến và nhất định phải có thư, nếu không, không biết anh sẽ ra sao. Rồi tất cả mọi việc sẽ tốt lành và anh sẽ không yêu cầu Em viết thư thường xuyên nữa. Nếu ngày mai nhận được thư, có nghĩa là những lời trách móc này sẽ trở thành vô nghĩa, bởi vì nếu Em không trả lời thì anh có cảm giác, một thứ cảm giác không thể dùng lí trí để gạt bỏ nó, rằng Em đang quay lưng lại đối với anh, rằng Em đang trò chuyện với người khác và Em đã quên anh. Không lẽ anh phải im lặng chịu đựng? Đây không phải là lần đầu tiên anh chờ đợi thư Em (mặc dù anh luôn luôn tin rằng đó không phải lỗi tại Em). Lá thư lần trước chứng minh cho Em điều đó.
K. của Em 24.11.1912
Em yêu quý nhất!
Một câu chuyện đối phó ngoại lệ anh đã gạt sang một bên để ý nghĩ được thanh thản dành cho Em. Quá nửa công việc đã qua, đại thể không phải là anh không hài lòng, nhưng đó là những chuyện đối phó không hồi kết, rồi Em sẽ thấy, những chuyện xuất phát từ một trái tim giống nhau, chính Em là người sống trong trái tim đó
Em đừng buồn, bởi vì ai mà biết được rằng anh càng viết thư nhiều càng cảm thấy được tự giải phóng và có lẽ như vậy anh sẽ ngoan ngoãn hơn đối với Em. Điều chắc chắn là còn nhiều thứ trong anh cần vứt bỏ và đêm sẽ không đủ dài cho một cơ hội trác táng.
Còn bây giờ trước khi đi ngủ (lúc này là 3 giờ đêm, bình thường anh chỉ làm việc đến 1 giờ, hình như Em hiểu sai về câu chuyện thời gian kể trong một trong những bức thư gần đây nhất của anh, tức là 3 giờ chiều, lúc đó anh ở lại văn phòng viết thư cho Em). Bởi vì Em yêu cầu và bởi vì anh cũng muốn nói tận tai Em là anh yêu Em như thế nào. Felice, anh yêu Em đến mức nếu như Em giữ trọn cho anh, anh muốn sống mãi mãi, đương nhiên không được quên một điều là sống như một người mạnh khỏe và bình đẳng với Em. Ngược lại với những nụ hôn, anh không còn một tín hiệu nào khác là chỉ vuốt ve bàn tay Em. Vì vậy anh gọi tên Felice hơn là Em yêu quý nhất, và gọi là Em vẫn hơn là hỡi tình yêu. Nhưng bởi vì anh muốn quan hệ với Em thật nhiều, anh thích gọi Em là người yêu quý nhất và anh thấy mình hạnh phúc được gọi Em như thế. Chủ nhật 24.11.1912
Sau bữa ăn trưa.
Hai thư! Hai thư cùng một lúc! Một ngày chủ nhật có thể tiếp tục trả lời Em bằng sự mở đầu như thế. Nhưng Em yêu quý nhất ơi, giờ đây không những Em đã tha thứ cho anh mà Em còn hiểu những gì chúng ta mong muốn, phải không, Felice? Dù bất cứ chuyện gì xảy ra, Em hãy bình tĩnh và yêu thương nhau một cách thanh thản. Anh mong sao có đủ nghị lực để làm Em thanh thản và vui, có lần đáng tiếc vì yếu đuối mà anh đã làm Em mệt mỏi bởi những lá thư của anh, làm Em buồn và khóc. Anh có đủ lòng tin. Nếu như điều đó thực hiện được thì anh phải biết ơn lương tâm là anh có được người bạn gái như Em, và rằng có thể tin cậy vào một người như Em.
Em yêu quý nhất của anh, anh chỉ yêu cầu một điều là Em đừng viết thư về khuya. Đọc những dòng thư đã phải đánh đổi bằng giấc ngủ của Em, anh thấy niềm hạnh phúc hòa trộn với nỗi buồn. Em đừng làm điều đó nữa, Em hãy ngủ cho ngon giấc, cho xứng đáng với Em. Anh không thể yên tâm làm việc khi thấy Em vẫn còn thức, thậm chí thức vì anh. Khi anh biết rằng Em đang ngủ, anh sẽ làm việc với nghị lực tốt hơn, bởi có như vậy anh mới thấy được là Em hoàn toàn phó thác mình cho sự chăm sóc của anh. Em cần những giấc ngủ khỏe khoắn để anh lao động vì Em và vì hạnh phúc của Em. Làm sao công việc lại có thể tách rời những ý nghĩ như thế! Em ngủ đi, Em hãy ngủ đi! Một ngày trôi qua, công việc của Em bề bộn hơn anh biết mấy. Mai Em phải ngủ một cách vô điều kiện và Em đừng ngồi trên giường mà viết thư cho anh nữa, nếu như lời cầu mong của anh có đủ sức mạnh. Một điều Em có thể làm được là trước khi đi ngủ, Em hãy quẳng cái gói aspirin mà em dự phòng ra ngoài cửa sổ. Buổi tối Em không được viết thư, việc đó Em dành cho anh, Em dành cho anh cái niềm tự hào nhỏ nhoi về khả năng làm việc đêm, đó là điều duy nhất anh dành cho Em, nếu không, anh sẽ là kẻ quá ư nô lệ vào Em, và điều đó chắc Em chẳng hề thích thú. Em chờ một lát, để chứng minh rằng làm việc về đêm là chuyện phổ biến khắp nơi, cả ở Trung Quốc giới đàn ông cũng đều như vậy. Anh ra tủ sách ở ngay phòng bên lấy một quyển sách và chép cho Em mấy câu thơ Trung Quốc. Sách đây rồi (anh nói to cứ như ông bố anh quát tháo). Đây là bài thơ của Viên Tử Tài (1716 - 1797). Trong sách có đoạn viết: Một thi sĩ tài năng đã từng làm nên những điều kì diệu phục vụ triều đình. Một con người và một nghệ sĩ đa dạng. Để hiểu được bài thơ, người đọc cần lưu ý rằng ngày xưa, những nhà quyền quý bên Trung Hoa, trước khi ngủ, chăn đệm trên giường đều được ướp hương thơm. Cũng có thể bài thơ này không hợp đối với Em, nhưng vẻ đẹp bài thơ sẽ thay thế tất cả. Sau đây là nội dung bài thơ:
ĐÊM KHUYA
Đêm lạnh ngồi cùng đèn sách mà quên mất thời gian Chăn gối thêu thùa thoang thoảng hương thơm nhưng, mùi thơm đã bay đi, lửa sưởi ấm cũng đã tắt.
Người bạn gái kiều diễm tìm mọi cách
làm tôi quên nỗi phiền.
Nàng tắt đèn và hỏi: Chàng biết không,
đêm đã khuya lắm rồi?
Đấy, những bài thơ như thế con người phải thưởng thức. Khi đọc bài thơ này anh nảy ra ba ý, khiến anh suy ngẫm về sự liên quan:
Thứ nhất, anh rất mừng vì Em là người phụ nữ có trái tim của một người ăn chay. Thực tình mà nói, anh không mê ăn chay. Tuy cũng là người gần như ăn chay, nhưng anh không thấy trong chuyện này có gì đặc biệt về mặt tình cảm, nó chỉ là một cái gì đương nhiên. Có những người về mặt tình cảm thì coi trọng ăn chay, nhưng vì lí do sức khoẻ, vì cái tính bất chấp, họ đánh giá thấp vai trò bữa ăn, tay phải ăn chay, tay trái họ nhậu tất cả các món thịt có trên đời. Tiếc là tình yêu của anh đối với Em đã lấn át và không còn chỗ để anh vừa yêu Em vừa yêu cả món ăn của Em. Còn cái tính điên rồ của anh ngủ mà cửa sổ vẫn mở toang thì đâu có phải là cách sống của Em? Em có thích mở cửa sổ quanh năm không? Kể cả mùa đông cũng mở toang cửa sổ! Tất nhiên cũng có khi chỉ để hé mở một chút. Cửa sổ phòng anh nhìn ra một bãi đất trống có sông Vltava chảy qua. Tiếp theo là một quả đồi có những vườn cây công cộng. Nói chung là lúc nào cùng tràn đầy không khí và gió... Anh còn muốn nói thêm là trong phòng anh hoàn toàn không đốt lò sưởi, anh vẫn làm việc trong điều kiện như thế.... Đã lâu lắm anh định hỏi Em mà rồi anh lại quên, tức là làm cách nào để Em có thể đặt mua và đọc cả cái khối lượng tạp chí mà hàng ngày người ta nạp vào hòm thư của Em như Em đã đề cập đến trong bức thư thứ hai? Em đã kể tên bao nhiêu báo và tạp chí mà vẫn chưa hết. Nếu quả thật là như vậy và nếu như anh hiểu đúng thì giữa hai đứa mình, chúng ta có thể bổ sung một mối quan hệ nữa. Tức là anh hoàn toàn không có đủ trong tay những tạp chí mà Em có. Đã từ lâu, anh có kế hoạch là sẽ cắt những bài báo và tin tức thích thú, quan trọng đối với anh, chẳng hạn thời gian gần đây có "Tuyên bố của 22 thanh niên người da đen theo đạo Giatô ở Uganđa (vừa rồi anh đã tìm thấy và gửi cho Em đọc). Hầu như cứ cách một ngày anh lại tìm thấy trên báo có những tin tức đại loại như thế, nhưng do thiếu tính kiên nhẫn cho nên anh không làm được cái việc sưu tập cho bản thân. Nhưng nếu Em thích, anh sẽ sung sướng làm điều đó, và em cũng làm sưu tập như vậy cho anh.
Trời ơi, anh còn phải kể cho Em nghe và hỏi chuyện Em nhiều lắm nhưng bây giờ thì không thể được vì đã muộn. Chiều hôm nay anh vừa mới ở chỗ nhà ông bạn Baum (Em có biết ông Oskar Baum không?). Thường lệ chủ nhật nào anh cũng có mặt ở đây (hôm nay có mặt cả cô người yêu của ông Max). Anh đọc cho mọi người nghe phần đầu của một truyện ngắn. Sau đó có một cô gái nào đó xuất hiện, một vài cử chỉ cô ta làm anh liên tưởng đến Em. Anh nhìn cô gái như người bị thôi miên, anh đưa mắt lướt qua cái dáng người nhỏ nhắn của cô gái rồi anh quay ra cửa sổ để không nhìn thấy ai hết và để anh hoàn toàn thuộc về Em.
Với mẹ anh, anh quan hệ rất tốt. Thậm chí có thể nói giữa anh và mẹ tình máu mủ đã nói lên cái ý nghĩa đó và hình như mẹ cũng thích Em. Mẹ đã viết thư cho Em nhưng anh không gửi bức thư đó vì nó quá ư là dè dặt, cứ như là cái buổi tối hôm đó anh là người cầu xin, như vậy là không hay. Anh nghĩ rằng vài hôm nữa mẹ sẽ viết thư cho Em, sẽ là một lá thư trầm tĩnh, thân thiện.
Thế liệu anh có nhận được tấm hình không? Thế còn ông Humor có được chụp ảnh không? Một cuộc gặp mặt đặc biệt như thế sao Em lại bỏ qua? Thế có những tấm ảnh chụp chung trong cơ quan không? Rồi tấm ảnh văn phòng làm việc? Ảnh nhà máy? Ảnh đường phố Nhà thờ Thánh Immanuel? Địa chỉ chi nhánh cơ quan tại Praha? Công việc của Em gồm những gì? Từng việc nhỏ trong cơ quan Em anh đều muốn biết (nó khác hẳn với cơ quan anh). Ở chỗ em người ta hay vui đùa với nhau như thế nào? Em bảo Em thuộc bộ phận đăng kí - nội dung công việc là thế nào? Làm sao mà cùng một lúc Em lại có thể điều hành hai cô gái? Khi nào Em gửi cho anh những gì thú vị ở cơ quan Em, anh sẽ gửi cho Em một số tin tức về hoạt động kỉ niệm Viện anh làm việc, trong đó có những bài viết rất lí thú của anh.
Bây giờ anh ôm Em để tạm biệt.
Franz 27. 5. 1913
Thế là hết, Em Felice, bằng sự lặng im, Em đã buông bỏ anh và Em đã dập tắt những hi vọng của anh về một niềm hạnh phúc duy nhất đối với anh trên trái đất này. Nhưng tại sao lại có sự im lặng kinh khủng đó? Tại sao không có một lời cởi mở? Tại sao mấy tuần nay Em đã làm khổ anh một cách ra mặt như vậy? Từ phía Em, anh không thấy có sự đồng cảm nữa, bởi lẽ nếu như anh là con người xa lạ nhất đối với Em, thì ít ra Em cũng phải biết anh đang khổ sở như thế nào, sự khổ sở đến mức làm anh mất trí. Không một sự đồng cảm nào lại có thể kết thúc bằng những giây phút lặng im như vậy. Tạo hóa đi theo con đường của nó, giờ đây sự việc đã cạn tàu ráo máng, anh càng nhận biết thêm về Em, càng yêu Em chừng nào, Em càng hiểu rõ thêm anh chừng nào thì anh càng trở thành kẻ bất lực đối với Em. Nếu như Em thú nhận điều đó, nếu như Em nói thẳng ra, nếu như Em không chờ đợi lâu đến mức khi sự việc trở thành không thể chấp nhận đối với Em, rằng Em không thể vượt qua được - chỉ cần Em viết cho anh một lời từ cuộc hành trình 5 ngày để trả lời cho anh về những bức thư, dù chỉ một dòng chữ thôi - tức là những bức thư mà anh đã đề nghị Em cho anh biết ý kiến quyết định - thì phải chăng Em đã làm nguôi nỗi lòng anh trong cơn bất hạnh khi lâu ngày không có tin tức gì về Em.
Cho đến ngày hôm qua, ọi điện thoại, anh chỉ hiểu được rất ít, bởi lẽ anh cảm thấy hạnh phúc được nghe giọng nói của Em thì thầm bên tai anh, Em có nói rằng chiều chủ nhật Em đã viết thư cho anh, rằng chậm nhất là hôm nay - tức là thứ ba - anh sẽ nhận được thư Em.
Không phải như vậy, chủ nhật Em không viết thư, kể cả thứ hai sau cuộc nói chuyện điện thoại. Em đã không viết thư và Em cũng không thể nói rằng là Em không thể viết. Bây giờ thì anh đã nghĩ ra, điều duy nhất mà hôm qua tự Em đã nói lên là Em hỏi thăm sức khỏe của anh, quả thật là anh đã nhận thức ra như vậy.
Thế là anh không thể sống lâu hơn được nữa. Đương nhiên là điều này anh không cần phải cầu xin Em, Em cũng đừng viết thư cho anh nữa, đừng viết dù chỉ một lời, Em hãy hành động theo tiếng nói của trái tim. Và anh cũng sẽ không viết thư cho Em đâu, Em sẽ không nghe một lời trách móc nào, sẽ không có gì làm Em phiền lòng nữa. Anh chỉ mong ở Em một điều duy nhất để Em giữ lại trong kí ức rằng mặc dù có im lặng đến bao lâu nữa thì tiếng gọi khẽ khàng nhất, chân thành nhất của anh hôm nay và mãi mãi luôn thuộc về Em. 1
Franz
--------------------------------
1 Trên thực tế, tiếp theo thư này Franz Kafka còn gửi hàng chục bức thư khác cho nàng Felice, cho đến tận tháng l0 -1917. (D.T.T)
Truyện Ngắn Và Nhật Ký Truyện Ngắn Và Nhật Ký - Franz Kafka Truyện Ngắn Và Nhật Ký