If there's a book you really want to read but it hasn't been written yet, then you must write it.

Toni Morrison

 
 
 
 
 
Tác giả: Lan Khai
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1100 / 16
Cập nhật: 2016-06-21 08:45:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ề những ngày nhỏ dại, tôi chẳng nhớ được mảy may gì cả. Tôi chỉ còn thấy hơi lờ mờ, tận đâu trong cùng ký ức, một ánh đèn Hoa Kỳ ngay chỗ đầu cái giường con kê liền bên giường mẹ tôi, vài tấm áo dài vắt trên mắc, nom y hệt những hình người ghé tai nhau nói những chuyện gì bí mật và rùng rợn, khiến tôi phải trùm chăn kín cả đầu và nằm yên không dám cựa. Những cái ấy, tuy vậy, chưa khủng khiếp bằng những giấc mơ nó làm tôi đương ngủ phải choàng dậy, rồi run bắn lên và thấy khắp mình đẫm những giọt mồ hôi lạnh toát - những giấc mơ, có lẽ gây nên bởi những lo sợ ban ngày còn rớt lại.
Những ấn tượng đầu tiên của tôi phần nhiều đượm buồn thế cả. Và cái ảnh hưởng tai hại cứ theo tôi đến suốt đời, cấy vào tâm tính tôi một cái gì phảng phất giống như sự chán nản. Vào giữa tuổi mà trẻ con nhà khác tiêu pha sức bồng bột ra ngoài; tôi, trái lại, đã tập quen chỉ thu nhận để chất chứa vào trong. Tôi trở nên một tay quan sát giỏi, mặc dầu tôi chưa thấu suốt được cái tầm xa ảnh hưởng của những sự xảy ra trước mắt tôi. Ấy là nói những lúc thầy tôi có mặt ở nhà, và cái bóng đen lầm lì cứ lởn vởn quanh tôi. Thầy tôi vừa đi khỏi ư? Lập tức tôi lồng ra tìm khoảng rộng. Những lúc này thì phải biết là tôi nghịch! Tôi chạy, nhảy, hò hét; tôi đánh bi, đánh đáo, đánh khăng, đánh lộn với trẻ con khác. Ở tôi, sự sống bị đè ép có được biểu lộ một cách tàn bạo như thế mới hả. Và tôi, tôi nổi tếng là đứa trẻ khó dạy và bướng bỉnh nhất ở xó tỉnh Vinh, một thị trấn khá quan trọng của miền Bắc xứ Trung Kỳ.
Tôi còn nhớ một hôm, vừa sổng nhà ra, tôi gặp ngay thằng bé con ông X... ấy là một đứa trẻ xấp xỉ tuổi tôi, nhưng nó cao lớn khỏe mạnh hơn tôi nhiều. Nó cũng nghịch và hay đánh nhau như tôi. Trẻ con vùng đây sợ nó hơn cọp. Tôi lấy điều này làm bực lắm. Tôi muốn tất cả chỉ sợ có độc một mình tôi mà thôi. Tôi phải hạ nó cho bằng được. Ý định quyết thắng vừa xảy ra, tôi tức khắc thực hành, chẳng kể chi đến sự có thể bị thua và bị đánh. Tôi bước rảo lại gần H. và, xuất kỳ bất ý, tôi giẫm chịt lấy một bàn chân nó, trong khi một tay tôi đấm thẳng vào gáy nó bằng trời giáng, H. ngã chúi dụi. Nó vùng dậy. Tôi yên trí thể nào nó cũng trả thù. Nhưng, bị quá đau, cu cậu đâm hoảng ù té chạy. Bọn trẻ con ta vỗ tay reo: "Bravo, thằng Lộc giỏi quá!" Tôi sướng nở mũi, tôi chống hai nắm tay lên cạnh sườn, vênh váo nhìn bọn trẻ đương hoan hô tôi. Dáng điệu tôi lúc này hẳn giống cái dáng điệu của Thủ tướng Mussolini, những lần ông hiện ra trước quần chúng Ý Đại Lợi! Sự đắc chí của tôi tiếc một nỗi không bền: một người cảnh sát đã hiện ra ở đầu đường, do H. hướng dẫn. Tôi hiểu ngay, và những đứa trẻ kia cũng hiểu ngay. Chúng nó chạy tán loạn. Tôi nhất định cứ đứng im: chạy chẳng hèn lắm ư! H. trỏ tôi và bảo người cảnh sát: "Le voici!" Người lính thộp ngực tôi: "Ale, đi về bóp! Dám đánh cả bọn Tây thì mày láo thực!...". Về đến sở cẩm, tôi bị ông bố H. truyền giam vào violon một giờ đồng hồ, đối với tôi, không mùi mẽ gì hết, bởi tôi yên trí sẽ bị một trận đòn, ít ra cũng gấp mười những trận thầy tôi đã đánh tôi. Tôi không sợ mà cũng không tức, tôi chỉ lo câu chuyện sẽ đến tai thầy tôi thôi. Tôi khinh H. hèn: đã đánh nhau lại còn về mách bố. Tôi càng ghét lão X. bênh con; thế ngộ tôi bị H. đánh thì sao? Ông có bắt giam con ông một giờ đồng hồ, trong phòng giam hẹp, tối như hũ nút, đầy muỗi rệp và sặc mùi khai thối này chăng? Sự bất công là một điều dễ gây oán hờn nhất trong lòng con trẻ. Tôi thù ghét ông bố H., tôi lập tâm sẽ báo thù ông ta một cách xứng đáng. Báo thù cách nào? Tôi loay hoay tìm mưu kế. Đầu tôi nóng ngùn ngụt. Tôi cáu kỉnh đến nỗi cái hạn một giờ đã qua hết lúc nào và cửa phòng giam bỗng bật mở: "- Đi ra!..." Tôi lườm người cảnh sát và nghênh ngang bước ra khỏi nơi u ám, ẩm thấp. Ông bố H. nhìn tôi gườm gườm, làm cho sự thù oán của tôi càng cháy bùng lên. Tôi rảo bước xuống thềm và, thình lình, tôi ngoảnh lại gào thực to: "Sà lù! Cu soong! Bệt!..." Tôi đã tính nước hễ nói xong là chạy ngay, chẳng ngờ một bàn tay sắt đã giáng mạnh xuống vai tôi và kéo giật tôi trở lại, mấy cái tát bốp khiến tôi choáng óc. Tôi hoa mắt, ù tai, chẳng còn hiểu gì nữa. Ông bố H. nói một tràng tiếng Tây. Người cảnh sát gật đầu "uẩy me sừ". Và tôi, tôi bị dắt tay đưa xuống vườn rau, ngay cạnh bếp nhà ông X. "Oắt con, muốn sống vặt cho sạch hết cỏ đi! Hễ còn một sợi nào thì chớ trách!". Người cảnh sát nói xong liền khóa cổng vườn, bỏ mặc tôi với muôn nghìn ý nghĩ và cảm tưởng hỗn độn. "Được! Mày bắt ức ông vặt cỏ, ông chịu vậy; nhưng rồi mày sẽ biết tay ông!".
Khu vườn rau là một miếng đất vuông, mỗi bề chừng mươi lăm thước, có một hàng rào lưới sắt vây quanh tứ phía, chiều cao độ một đầu với tay tôi. Nhưng tôi chú ý ngay cái bể đựng nước tưới rau, xây ở bên trái cổng vào, nghĩa là áp với một đầu hồi nhà bếp. Tôi có thể trèo lên thành bể rồi víu lấy một cành xoan tây bên ngoài mà trốn thoát được. "Chỉ trốn không thôi ư?" Đời nào! Ngoài sức mạnh, tôi chẳng vẫn thắng mọi trẻ khác bằng mưu trí đấy ư? Lần này, tôi quyết dùng trí khôn với một người lớn. Tôi vẫn tức về câu khinh miệt của thầy tôi: "Trẻ con chúng mày thì đã biết gì!". Để rồi xem!...
Tôi liếc mắt về phía sân trong để biết chắc chắn rằng người ta có rình mò tôi hay không. Không thì phải. Bà mẹ H. giặt ở trước cửa bếp. Mấy bác nhà pha thì loay hoay bổ củi. Còn anh bồi, vừa đi chợ về, đương bắt đầu gọt khoai tây và mắng thằng phụ về nỗi chưa làm lông xong một con gà. Không còn lo chi nữa! Tôi xắn tay áo và ngồi xổm xuống đất. Tôi khởi sự vặt cỏ; nhưng hai mắt tôi thì cứ nhìn khắp các luống su hào, cải bắp, cà rốt, diếp quăn, đậu tây và cà chua. Sự trồng tỉa thực công phu! Những màu xanh non mơn mởn, những màu vôi nghệ, những màu đỏ tía, những màu tím già, xanh thẫm chen nhau điều hòa với nhau hoặc tôn lẫn nhau, chẳng khác trên một bức thảm quý. Tôi vốn ưa thích công việc làm vườn, vả cũng biết tôn trọng những cái gì đẹp đẽ. Khốn nỗi, sự căm tức và cái rắp tâm trả thù ở tôi đương mạnh. Tôi vờ vẫn nhổ một ít cỏ rồi, nhân không ai để ý, tôi quơ một thôi hết cả mấy luống vừa rau cần, vừa cải bắp, vừa tỏi. Làm xong công cuộc phá hoại ghê gớm ấy, tôi lập tức leo lên thành bể nước, víu một cành xoan tây và đánh đu ra ngoài. Tôi chạy thẳng một mạch về nhà; tôi rửa mau chóng hai bàn tay lấm những đất; tôi lên thẳng gác, ngồi vào trước bàn và mở sách ra, làm như vẫn học hành ngoan ngoãn lắm. Trong khi ấy, trống ngực tôi đánh thình thịch. Cả người tôi run lên. Tôi say ngây ngất như đã uống rượu. Xem nào, người lớn có phải thua tôi không! Tôi đã tỏ được với tôi rằng, về mặt trí khôn, tôi không kém chi họ, dù tôi chỉ là một đứa trẻ con. Thầy tôi sẽ không hiểu cho như thế ư? Thì từ trước đến nay, còn bao nhiêu cái khác, thầy tôi đã không hiểu cho tôi, mà vẫn có sao đâu! Tôi đã quen rồi, đã quen chỉ mình tự biết cho mình.
Tội Nhân Hay Nạn Nhân Tội Nhân Hay Nạn Nhân - Lan Khai Tội Nhân Hay Nạn Nhân