Books support us in our solitude and keep us from being a burden to ourselves.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Tác giả: Mạc Can
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2266 / 45
Cập nhật: 2015-12-12 10:58:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Cõi Tạm
ột buổi chiều ở huyện Tầm Vu, người bạn đồng nghiệp trẻ tuổi cứ háo hức nhìn tôi. Điều này lạ.
- Cháu về Long An một mình buồn quá, không ai nói chuyện, chú có về thì chú cháu mình về.
Tôi nhìn vô căn nhà cô thư ký trường quay, cô nhìn ra sân nhà. Thằng nhỏ diễn viên khoác cái áo đi mưa, cạnh chiếc Vespa chờ. Vài diễn viên khác không có vai trong cảnh đêm, cũng về Long An, nơi trú quân của toàn đoàn phim. Con đường nhỏ quanh co nơi bối cảnh của bộ phim ra tới ngã ba La Cua trơn trợt, xe của thằng nhỏ này lại không có đèn. Tôi đã 60 tuổi, còn người diễn viên tre trẻ mà tôi thích gọi bằng “thằng nhỏ” khoảng trên dưới ba mươi tuổi. Nhiều lần chiếc Vespa tàn của nó sém chúi nhủi xuống ruộng, nhưng nó khéo lái, xe thăng bằng trở lại, khổ càng khổ, trời lại mưa lớn, trở lại cũng không được. Ở đoàn phim lúc chưa hết vai nhưng phân đoạn không diễn cũng buồn.
Chiếc xe không đèn lầm lũi trên đường vắng, trên trời chớp tắt những ánh sét ngoằn ngoèo. Tôi ngồi sau yên xe của thằng nhỏ, trùm lên đầu vạt sau của chiếc áo đi mưa, tôi không thấy gì hai bên đường, chỉ nghe tiếng gió và tiếng sấm. Mua rơi lộp bộp trên vải nhựa áo đi mưa. Hầu như trên trái đất này lúc đó chỉ còn hai chúng tôi. Tôi hé nhìn ra ngoài, thỉnh thoảng ở tít mắt đàng xa xa, trong mưa tôi thấy ánh đèn leo lét nhà ai buồn rầu.
Thằng nhỏ hôm nay vui, điều này cũng lạ, tôi nghe nó nói tiếu lâm, chuyện trong nghề nghiệp, chuyện tình trong giới diễn viên điện ảnh, nó cười lớn làm cho tôi già khằn quạu quọ khó tánh ít ai ưa cũng bật cười theo. Thằng nhỏ này có khiếu kể chuyện vui, những chuyện tầm phào mà nó “hư cấu” thêm thắt có duyên, bỗng nghe nó nói qua chuyện khác khá lạ:
- Chú ơi cháu không có cha, chú biết không, cha của cháu bị tai nạn chết khi đi trên đường như vầy nè, lúc đó cháu mới có 2 tuổi. Sao lạ kỳ lúc nào cháu cũng nghĩ cháu cũng phải chết trẻ như cha cháu, người ta nói nó có huông, chú nghĩ có đúng không?
Tôi khuyên:
- Làm gì có chuyện có huông, ai cũng phải chết, nhưng đừng tin người này chết vì người kia.
Thằng nhỏ nín thinh, khi xe chạy một khoảng dài, trời vẫn cứ mưa, bỗng nghe nó nói:
- Có chớ chú, người này chết vì người khác là chuyện thường, cháu còn đây nhưng ngày mai sẽ chết cũng không có gì là lạ, chết vì thương vì yêu mới ngộ.
Điều này không lạ vì nó quả là có thật, thằng nhỏ diễn viên này nhiều khi làm cho tôi suy nghĩ, nhiều bạn nhưng hình như lúc có nhiều người chung quanh nó vẫn cô độc. Lâu lâu khi ở giữa những cảnh quay, mọi người ai lo chuyện nấy, nó tới ngồi cạnh tôi mời điếu thuốc, chắc là vì tôi đây cũng có điểm khác người mà lại hơi giống nó. Lúc vui nhộn thái quá, khi thì đượm buồn, lúc nào tôi cũng lùi về con người thật của mình. Tôi rất thích ngồi một mình, để mà ngắm nhìn những người, những cảnh ngoài sau ánh đèn phim trường. Thằng nhỏ cũng hay ngồi như vậy cạnh tôi.
Hai chú cháu về tới Long An trời đã khuya. Tôi lên phòng mình còn thằng nhỏ thì bị một đám bạn khán giả hâm mộ “bắt cóc” đi nhậu mất tiêu. Thằng nhỏ này mạnh rượu, đi tới bối cảnh quay nào cũng có bạn, sang lẫn hèn, nhỏ tuổi như vậy mà nhậu điềm đạm, tánh rượu vui, nhưng dù nhậu say cách mấy, nó vẫn tới sàn quay đúng giờ, làm việc chăm chỉ. Nó là một diễn viên trẻ đi lên tạo tên tuổi trong khó nhọc, nên nó biết điều, không nghĩ rằng hiện nó là ngôi sao.
Tôi có duyên hội ngộ với thằng nhỏ, có khi tôi đóng vai cha của nó, khi thì bạn vong niên, lâu dần nhiều khi tôi nghĩ, một ông già hết thời tới nơi như tôi có thằng con trai kế nghiệp quá bảnh, cũng vui vui. Thằng con trai thiệt của tôi không bằng nó, là nỗi buôn của tôi, rất riêng tư. Một lần ở Huế, thằng nhỏ với tôi cũng đóng chung một phim, lúc rảnh người ta tổ chức thêm buổi diễn ca nhạc giao lưu diễn viên điện ảnh với khán giả, không biết tổ chức hùn hạp cách nào mà lỗ vốn, người này đổ cho người kia, đám ban nhạc và một nửa tiết mục bị cho nghỉ, nhà tổ chức chính là một ngôi sao cỡ trạc tuổi thằng nhỏ, nhưng tánh keo kiệt, không trả tiền phòng, không trả tiền thù lao cho các nghệ sĩ, thằng nhỏ móc hết tiền túi bèo bọt của nó giúp đám bèo giạt hoa trôi này làm lộ phí về Sài Gòn. Điều quý là khi gặp lại các bạn này, nó không hề nhắc gì chuyện giúp người của nó.
Vào những tháng mưa, điều lạ là chúng tôi lại có nhiều phim để đóng. Phim đang quay tôi đóng vai một bần nông, có đứa con gái bán đi để tôi uống rượu, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, thằng nhỏ đóng vai một kỹ sư nông nghiệp, thấy cảnh trái ngang của con tôi, từ đó là một câu chuyện tình trắc trở và rất đẹp. Có khá nhiều cảnh quay, nhiều phân đoạn chúng tôi gọi nhau như quên hẳn tôi với thằng nhỏ này chỉ là bạn đồng diễn. Tôi kêu nó bằng con, trong thâm tâm tôi tự lúc nào đã nhận nó là con trai của mình. Đổi lại thằng nhỏ cũng kêu tôi bằng ba rất trìu mến. Có gì mới có gì vui thằng nhỏ hay kể với tôi:
- Chú ơi, chú già rồi thì thôi, diễn theo kinh nghiệm, còn cỡ tụi con không học hỏi thêm sợ khó theo nghề. Con học thêm đạo diễn, chú bác nói con có khiếu.
Một buổi khi ngồi nhìn cảnh quay, thằng nhỏ lại nói:
- Con chịu khó đi học thêm ngoại ngữ, nhất là Anh văn, diễn viên mà “bèo” quá không được đâu.
Thì ra thằng nhỏ bề ngoài lãng tử kỳ hình vậy mà âm thầm làm học trò khó, dồi mài kinh sử. Một buổi khác tôi nghe bạn trong đoàn làm phim nói, khi nhìn thằng nhỏ diễn xuất ở sàn quay: nó thương con nhỏ Thỏi Trang đó kinh khủng luôn, mà hình như hai đứa không hạp, cãi nhau ngoài Huế dữ dội. Tội nghiệp con nhỏ Thỏi Trang cũng thương nó nhưng khổ là...
Mưa vẫn rớt lộp độp trên vải nhựa của cái áo đi mưa, tôi ngồi sau yên xe Vespa của thằng nhỏ, trời vẫn cứ chớp tắt những ánh...
Chớp xanh lè. Hình như tôi với thằng con trong phim của tôi không phải về Long An mà đi đâu đó, đi hoài không thấy tới. Bánh xe Vespa tàn của nó bỗng xì ruột, giờ này khó có chỗ vá ruột xe, nó thì đẩy, tôi lội bộ đi theo, cả hai đứa tôi nói chuyện trong mưa, nó nhường cái áo đi mưa cho tôi sợ tôi... chết... Thằng nhỏ cười lớn:
- Con đi học đạo diễn, sau này con bắt vợ con ở nhà không cho đi hát nữa chú ơi. Diễn viên như... tụi mình khi có vai khi thì không, đạo diễn chắc cú hơn, không có phim truyện thì cũng bắt qua phim ca nhạc được.
Rồi cũng nhìn thấy ở đằng xa có ánh đèn nhà ai, đó là một cái quán cóc, lạ thường là giờ này còn bán lai rai, đàng trước có treo cái vỏ xe cũ, bảng hiệu vá vỏ ruột xe, anh thợ ngủ, người vợ kêu dậy vá ruột chiếc xe Vespa. Tôi với thằng nhỏ ngồi dưới mái hiên quán bên đường nhậu.
- Con đóng vai thất tình kỳ này giống quá trời.
Khề khà ly rượu đế tôi vừa nói vừa hỏi, thằng nhỏ cười:
- Thất tình thiệt chớ có đóng hay ho gì đâu Ba.
Thằng nhỏ rót thêm cho tôi ly rượu, tôi đâm lo, bởi vì chuyện thất tình đâu có gì lạ với tôi, tôi thất tình kinh niên, cái đó thật khổ, trong cái nghề diễn viên gọi bằng “đau ma”, đau mà không biết bịnh gì, thẫn thờ như ma ám. Giới diễn viên “tụi mình” rất nhạy cảm, và nhiều tưởng tượng, tôi hơi sợ khi nhớ lại thằng nhỏ nói: Chớ chú thấy người này chết vì người khác là chuyện thường, cháu còn đây nhưng ngày mai sẽ chết cũng không có gì lạ, chết vì thương vì yêu mới ngộ.
Tôi xâu chuỗi lại các câu chuyện trong mưa, thằng nhỏ như muốn nói với tôi, trao cho tôi, gỏi lại cho ai một chuyện gì đó. Rồi như phần trên tôi đã kể, chúng tôi về Long An, tôi lên phòng cứ thao thức. Tôi hay nhớ lại những buổi chiều trong đời tôi, một buổi chiều tôi với thằng nhỏ có cảnh quay ở nông trường Sông Hậu, bối cảnh cậu kỹ sư gặp lại người yêu sau hơn chục năm, thằng nhỏ chỉ dẫn cô diễn viên mới cách diễn, còn tôi thì hơi khó khăn trong cảnh quay đêm đó, tôi là típ già thủ cựu, thằng nhỏ cố gắng thuyết phục tôi:
- Ba ơi, diễn suông như vậy dễ dãi quá, con mà được làm nghề này tới nay là do con chịu khó tìm cách diễn. Chút nữa con xin anh đạo diễn làm như vầy, con đi ra đây một mình, nhìn buổi tiệc tàn ngồi ở bậc sân khấu này, con rút điếu thuốc. Ba đừng có đi ra liền, đợi con suy nghĩ đã, con nhớ người yêu mà, rồi con đốt thuốc, Ba tới quấn điếu thuốc rê của Ba, nhìn con một lúc, Ba cầm thuốc của con, mồi điếu thuốc của Ba mà con không hay, diễn vậy đó nha.
- Dài quá, không nói gì hết vậy?
Tôi cố thoái thác, thằng nhỏ con tôi dịu dàng nói:
- Điện ảnh cần gì nói nhiều, Ba.
Đó là cảnh sau này khi coi lại bộ phim, tôi thấy tôi diễn lạ, tôi rất thích, khác hơn cách diễn hơi nóng vội tôi thường có, mà sửa hoài chưa được. Cứ mỗi lần cắt cảnh, đổi trục máy, nó lại đi tìm điếu thuốc cũ, chăm sóc tới mức cầu toàn. Con nhỏ diễn viên mới tìm cách nói nhỏ với tôi:
- Tía, tía, hồi chiều quay cảnh không có tía, ảnh chỉ con một cách diễn “ăn gian” hay lắm, nhờ đó mà con thuộc thoại hơn, ảnh giỏi dễ sợ. Con nói con cám ơn ảnh hẹn gặp lại phim sau nếu con có đóng chung với ảnh nữa, tía biết ảnh nói sao hông, ảnh nói chuyện đó không bao giờ có, vĩnh biệt con. Con tưởng con diễn dở ảnh không thèm đóng với con nữa, nhưng không phải, hình như ảnh... chết rồi tía ơi.
Tôi rùng mình vì lạnh, mà cũng vì rượu của thằng nhỏ rót cho tôi, trong đêm trường, nửa đường về nơi nào đó, hình như nó còn ngồi với tôi mà như đã tới nơi đó rồi sao?
- Con tặng Ba vật này, Ba nhớ con nha.
Thằng nhỏ nhìn tôi một chút rồi thôi, nó chẳng tặng gì, xe vá ruột xong, chúng tôi lên đường trong cơn mưa không dứt. Lúc đó tôi nhìn đôi mắt nó, sáng long lanh một tình yêu nghề nghiệp, ngoài ra thì như ngọn nến sáp trước gió, cứ chợt tắt. Thằng con tôi mặc chiếc áo xanh công nhân, vai luôn mang chiếc ba lô con cóc của ai đó tặng nó, cả chiếc xe Vespa cũng của bạn tặng, nó không có gì nhiều trên cõi đời này, ngoài cái tài diễn xuất, ba lô bạc màu, còn cách nó sống cũng buông thả. Điều quý nhất là nó có thật nhiều bạn khắp chốn.
- Con thích cái ba lô này hơn cái va-li, ba lô mang trên vai rảnh được hai tay, kỳ này vĩnh biệt Ba nha.
Ai cũng dự một cuộc chạy marathon dài, tôi cũng vậy, nhưng có người lại tới trước. Tôi có cảm giác thằng nhỏ hết sức cố gắng trong phần đường còn lại, với vẻ hài hước cố hữu. Có một phân đoạn khá dễ, chỉ có vài diễn viên ngồi quanh bàn, cảnh này sao nó lúng túng, quên thoại, bồn chồn như chờ sẽ gặp lại ai. Người khoác áo choàng đen cầm lưỡi hái, hay là nàng tiên?
Ngày 17 tháng 10 năm 1996, chúng tôi về Sài Gòn, cảnh quay ở nhiều nơi, vai của thằng nhỏ còn hơn chục cảnh, khi quay một cảnh chen để chờ thằng nhỏ tới, lâu nay nó có để ai chờ, thì người ta báo nó sẽ không tới nữa, sẽ không bao giờ tới sàn quay nữa, nó đã vĩnh biệt trước, và gởi lại cho tôi nhiều điều. Lần đầu trong cuộc đời đã hầu như mất hết cảm giác thật của tôi, tôi âm thầm khóc. Cái chết của người diễn viên trẻ này là một sự kiện lớn trong giới điện ảnh, ai cũng thương nó, còn tôi thương nó như cha với con, ai cũng trách nó, nhưng chỉ tôi biết nó không thể sống bằng các thủ đoạn, kể cả với người nó thực lòng yêu thương. Không hề có một lời nói mất lòng ai, điều làm tôi buồn là khi người diễn viên này mất đi, chung quanh anh có những trò đời, bên cạnh sự chân thật của tình bạn, tình đồng nghiệp, còn khá nhiều cái giả, cái không thật khác hẳn với cách sống của anh. Mỗi lần ngược xuôi trên khắp ngả đường với đoàn phim, khi tôi nhớ về cậu diễn viên tôi kể, tôi còn nghe văng vẳng lại câu nói sau cùng của cậu: Có khi mình chết vì yêu thương mới ngộ. Chúc người bạn vong niên, đứa con trong phim và ngoài đời, với tôi thôi, yên nghỉ nơi chốn vĩnh hằng, rồi người ta sẽ quên đi có một diễn viên mà có một lúc người ta hâm mộ. Cuộc sống trôi qua, cho tới một ngày nào đó tôi cũng sẽ tới đích đến trong cuộc chạy đường dài mà tôi cùng đi một đoạn đường với con tôi, khi mời tôi ly rượu giữa cơn mưa tối hôm đó nó lịm dần qua cõi khác. Một chút về thế giới của chúng tôi, những diễn viên quá nhạy cảm và nhiều tưởng tượng cho tới phút cuối cùng nó vẫn sống đẹp.
Tờ 100 Đô La Âm Phủ Tờ 100 Đô La Âm Phủ - Mạc Can Tờ 100 Đô La Âm Phủ