Nguyên tác: “Michel Strogoff’
Số lần đọc/download: 283 / 26
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:48 +0700
Chương 2 - Quân Nga Và Quân Tactar
S
ở dĩ Nga hoàng đột ngột rời khỏi các phòng khách của Tân Cung, giữa lúc dạ hội đang ở vào giai đoạn tưng bừng nhất, mà tất cả các quan chức dân sự cũng như quân sự, và các nhân vật chủ yếu của Matxcơva đều tham gia, chính là vì có những sự kiện nghiêm trọng đang diễn ra ở bên kia biên giới Uran. Không còn nghi ngờ gì nữa, một cuộc xâm lăng đáng sợ đang đe dọa cắt khỏi nền tự trị Nga những tỉnh của vùng Xibir.
Nước Nga phần châu Á, tức vùng Xibir, có một diện tích rộng tới năm trăm sáu mươi nghìn dặm*. Nó trải dài từ Uran, rặng núi ngăn cách vùng này với nước Nga phần châu Âu tới tận bờ biển Thái Bình Dương. Phía Nam giáp Tân Cương và lãnh thổ Trung Quốc trên một biên giới chưa được xác định rõ ràng; phía Bắc là biển Băng kéo dài từ biển Kara đến eo Bering. Nó chia thành những lãnh địa hoặc tỉnh như Tôbônxk, Yênixêixk, Iakuxk, Ômxk, Irkuxk bao gồm cả hai khu là Ôkhôtxk và Kamsatka và có hai vùng hiện đặt dưới quyền thống trị của Maxcơva, đó là vùng Kiêcghidi và vùng Tsuktsơ.
Miền thảo nguyên mênh mông này chiếm khoảng một trăm mười độ kinh từ Tây sang Đông, vừa là vùng đất lưu đày bọn tội phạm, vừa là nơi phát vãng những người bị lệnh Nga hoàng trục xuất. Hai viên toàn quyền đại diện cho quyền lực tối cao của các Nga hoàng trên lãnh thổ mênh mông này. Một người đóng ở Irkuxk thủ phủ miền Đông Xibir; người kia ở Tôbônxk, thủ phủ miền Tây Xibir. Ngăn đôi hai miền Xibir này là sông Tsuna, một chi nhánh của sông Yênixây.
Không có một con đường sắt nào chạy qua những bình nguyên rộng lớn này mà ở một đôi nơi đất đai vô cùng màu mỡ phì nhiêu. Cũng không có con đường sắt nào nối thông với những mỏ quý nằm trên những diện tích lớn mà nếu được khai thác sẽ làm cho đất đai Xibir ở dưới sâu còn giàu tài nguyên hơn trên mặt đất. Mùa hè người ta đi lại ở Xibir bằng xe tarantax hoặc xe têlêga*, mùa đông thì bằng xe trượt. Đường liên lạc duy nhất là đường đây điện tín nối liền hai biên giới phía Tây và phía Đông Xibir, dài hơn tám nghìn dặm (8.536km). Ra khỏi dãy núi Uran, đường dây Ômxk, Elamxk, Kôlyvan, Tômxk, Kraxnôiarx, Nigiơni - Uđinxk, Irkuxk, Verkno - Nersinxk, Xtrêlinxk, Albazin, Blagôpxtenk, Rađơ, Orlômxkaia, Alêcxandrôpxkôiê, Nicôlaepxk mỗi tiếng đánh đi đến vùng ranh giới xa nhất phải trả sáu rúp mười chín kôpêch. Từ Irkuxk có một múi đường dây nối liền với Kiakhơta trên biên giới Mông Cổ và ở đó, phải trả mỗi tiếng ba mươi kôpêch, bưu điện sẽ chuyển các bức điện đến Bắc Kinh trong vòng mười bốn ngày.
Chính đường dây nối liền Êkatêrinbua với Nicôlaepxk này đã bị cắt đứt trước tiên ở đoạn trước khi đến thành phố Tômxk và một vài giờ sau thì ở giữa Tômxk và Kôlyvan.
Vì vậy, Nga hoàng sau khi được tướng Kixôp thông báo lần thứ hai, chỉ trả lời bằng mỗi một câu: “Cần một người đưa thư ngay tức khắc!”.
Nga hoàng đứng im lặng hồi lâu bên cạnh cửa sổ Văn phòng cho đến lúc nội giám lại mở cửa ra vào một lần nữa. Viên cảnh sát trưởng hiện ra trước ngưỡng cửa.
- Vào đi, tướng quân! - Nga hoàng ra lệnh. - Và cho ta rõ khanh đã nắm được gì về Ivan Ôgarep.
- Đó là một con người cực kỳ nguy hiểm, muôn tâu.
- Hắn là đại tá?
- Thưa vâng, tâu bệ hạ.
- Là một sĩ quan thông minh?
- Rất thông minh nhưng bất trị. Tham vọng của hắn thật không bờ bến; hắn không lùi bước trước bất cứ cái gì. Hắn đã lao vào những âm mưu đen tối, do đó đã bị ngài đại công tước cách chức và đày đi Xibir.
- Vào thời gian nào?
- Thưa, cách đây hai năm. Sau sáu tháng thì được hoàng thượng ân xá, hắn lại trở về Nga.
- Và từ dạo đó hắn có quay trở lại Xibir không?
- Dạ, có, muôn tâu, nhưng lần này thì do tự ý hắn. - Viên cảnh sát trưởng đáp.
Và ông ta hạ giọng nói thêm:
- Đã có thời kỳ mà một khi đã đi Xibir, thì người ta không bao giờ trở về nữa.
- Này, chừng nào ta còn sống thì Xibir là nơi và sẽ là nơi người ta đến và từ đó sẽ quay trở về.
Nhà vua có quyền tự hào nói những lời trên đây vì với lòng khoan hồng độ lượng, ông luôn chứng tỏ rằng nước Nga thường biết tha thứ cho những đứa con lầm lỗi của mình. Viên cảnh sát trưởng làm thinh không nói gì, nhưng chắc chắn trong thâm tâm ông ta không tán thành những biện pháp nửa vời như thế. Theo ông, những kẻ nào đã bị hiến binh áp giải qua rặng Uran, thì không bao giờ được phép quay trở lại nữa. Thế mà dưới triều đại mới này, tình hình không phải như vây. Và ông thầm phàn nàn về việc đó. Sao? Không còn án tù chung thân đối với những tội phạm khác ngoài án tù thường phạm ư? Tại sao những tù nhân chính trị bị lưu đày lại có thể từ Tôbônx, từ Irkuxk trở về như vậy? Đúng là viên cảnh sát trưởng đã quen với những quyết định độc đoán trong các sắc lệnh của Nga hoàng trước đây không bao giờ dung thứ, nên ông ta không thể chấp nhận được cách cai trị như vậy. Nhưng ông im lặng chờ nhà vua hỏi tiếp.
Ông không phải chờ lâu vì ngay lúc đó Nga hoàng hỏi:
- Phải chăng Ivan Ôgarep đã trở về Nga lần thứ hai sau cuộc đi sâu vào các tỉnh vùng Xibir, cuộc đi mà cho đến nay chưa ai biết mục đích thực sự của nó là gì?
- Hắn đã quay về Nga, muôn tâu.
- Và từ đó cảnh sát không nắm được tung tích của hắn?
- Tâu bệ hạ, càng phải theo dõi sát chứ ạ! Vì một kẻ tội phạm chỉ thực sự trở thành một phần tử nguy hiểm từ ngày hắn được ân xá.
Vầng trán Nga hoàng cau lại một thoáng. Có thể viên cảnh sát trưởng sợ rằng đã đi quá xa, mặc dù cái đầu óc bướng bỉnh của ông cũng ngang với lòng trung thành tận tụy của ông đối với chủ; nhưng Nga hoàng không thèm đếm xỉa đến những lời chỉ trích gián tiếp về chính sách đối nội của mình, tiếp tục đưa ra một loạt câu hỏi cộc lốc;
- Rốt cuộc thì Ivan Ôgôrep bây giờ ở đâu?
- Ở Pecmơ, muôn tâu.
- Nhưng ở thành phố nào?
- Ngay tại thành phố Pecmơ ạ.
- Hắn làm gì ở đó?
- Dạ, hình như hắn chẳng làm gì cả và hành vi của hắn chưa bộc lộ điều gì đáng nghi ngờ.
- Hắn không bị đặt dưới sự quản thúc của cơ quan an ninh tối cao ư?
- Tâu bệ hạ, không.
- Hắn rời Pecmơ vào khoảng thời gian nào?
- Vào tháng Ba.
- Để đi đâu?
- Dạ, không rõ.
- Và từ đó không ai biết hắn ra sao à?
- Không ai biết, muôn tâu.
- Thế mà ta lại biết đấy, - Nga hoàng nói. - Những báo cáo nặc danh, không qua các cơ quan cảnh sát, đã được trao đến tay ta và căn cứ vào những sự kiện đang xảy ra ở bên kia biên giới, ta có cơ sở để tin rằng đó là những báo cáo chính xác.
- Tâu bệ hạ, có phải ý người muốn nói, - viên cảnh sát trưởng kêu to, - là Ivan Ôgarep đã nhúng tay vào cuộc xâm lăng của bọn Tactar chăng?
- Đúng vậy, tướng quân ạ! Ta sẽ cho khanh rõ những gì mà khanh chưa biết: sau khi rời tỉnh Pecmơ, Ivan Ôgarep đã vượt qua Uran. Hắn nhảy vào Xibir, trong vùng thảo nguyên Kirghidi và ở đó, hắn mưu toan xúi giục dân du mục nổi loạn không phải là không có kết quả. Rồi hắn đi sâu về phía Nam, tới tận vùng Tân Cương tự do. Hắn đã tìm được ở các phiên bang Bukhara, Khôkhanđ và Kunđuđơ những tên đầu sỏ sẵn sàng tung những đội quân Tactar ô hợp vào các tỉnh Xibir và gây thành một cuộc xâm lăng rộng lớn trên toàn cõi đế quốc Nga phần châu Á. Cuộc phiến loạn lúc đầu còn âm ỉ, nhưng gần đây vừa bùng nổ ra như một tiếng sét và hiện nay, tất cả những phương tiện giao thông liên lạc đều bị cắt đứt giữa Đông và Tây Xibir. Thêm nữa, Ivan Ôgarep vì khao khát trả thù riêng, nên hắn đang muốn mưu hại em trai ta.
Nga hoàng nói một cách sôi nổi, chân bước dồn dập. Viên cảnh sát trưởng không đáp lại, nhưng ông ta tự nhủ thầm là ở cái thời kỳ mà các hoàng đế Nga không bao giờ ân xá cho bất cứ một tên tội phạm nào có án lưu đày, thì những ý đồ phản loạn như của tên Ivan Ôgarep không sao thực hiện được.
Một vài phút trôi qua, viên sĩ quan cảnh sát vẫn yên lặng. Rồi bước đến gần Nga hoàng lúc đó đã ngả lưng xuống chiếc ghế bành, ông ta nói:
- Chắc bệ hạ đã ra lệnh để mau chóng đẩy lùi cuộc xâm lăng đó chứ?
- Phải, - Nga hoàng đáp. - Bức điện cuối cùng có thể đã tới Nigiơni - Uđinxk và tất nhiên quân đội các tỉnh Yênixêixk, Irkuxk, lakuxk và quân đội các tỉnh Amua và hồ Baikan đều đã được huy động. Cùng lúc, các liên đội thành Pecmơ và Nigiơni - Nôpgôrôđ và cả quân Côdắc ở biên giới đều nhất loạt tiến gấp về phía rặng núi Uran. Nhưng cũng phải mất nhiều tuần lễ nữa mới có thể giáp mặt được với các đạo quân Tactar.
- Và em trai của hoàng thượng, ngài đại công tước trong lúc này đang bị cô lập trong tỉnh Irkuxk, không còn trực tiếp liên lạc được với Maxcơva?
- Phải, không liên lạc được.
- Nhưng chắc là, qua những bức điện cuối cùng, công tước cũng đã biết được hoàng thượng có những biện pháp gì và nên chờ đợi sự viện trợ nào ở những tỉnh gần Irkuxk nhất chứ?
- Công tước có biết đấy, - Nga hoàng đáp, - nhưng điều mà công tước chưa nắm được là vai trò của Ivan Ôgôrep, kẻ vừa thủ vai quân phiến loạn lại vừa là tên phản bội. Hắn coi công tước là kẻ thù không đội trời chung vì chính do công tước mà hắn bị thất sủng. Và nghiêm trọng hơn nữa là công tước không biết mặt hắn. Âm mưu của Ivan Ôgôrep là bí mật tới Irkuxk và ở đó, hắn thay tên đổi họ tới xin phục vụ công tước. Rồi, sau khi tranh thủ được tín nhiệm, tới lúc quân Tactar bao vây Irkuxk, hắn sẽ làm nội công đem dâng nộp thành trì cùng với cả em trai ta khiến tính mạng của công tước bị trực tiếp đe dọa. Đó là những gì trẫm nắm được qua các báo cáo và đó cũng là những gì mà công tước chưa biết và cần phải biết.
- Nếu vậy, tâu bệ hạ, cần phải có một người đưa thư thông minh, dũng cảm...
- Ta chờ người đó.
- Và phải tiến hành thật gấp rút, - viên cảnh sát trưởng xin phép nói thêm, - bởi vì, tâu bệ hạ, đất Xibir này là vùng đất thuận lợi cho các cuộc phiến loạn.
- Có phải ý tướng quân muốn nói rằng những người bị lưu đày sẽ câu kết với bọn xâm lược chăng? - Nga hoàng không tự chủ được nữa, kêu to lên trước câu nói có hàm ý của cảnh sát trưởng.
- Xin hoàng thượng miễn thứ, - viên cảnh sát trưởng ấp úng sợ hãi nói.
Vì lo lắng và nghi ngờ, nên ông ta mới có ý nghĩ như vậy. Nhưng Nga hoàng nói tiếp:
- Ta tin là những người bị lưu đày có đầy đủ lòng yêu nước...
- Nhưng còn có những tội phạm khác, ngoài những người tù chính trị bị đày ở Xibir. - cảnh sát trưởng nói thêm.
- Những tội phạm hình sự à? Ồ, bọn đó thì trẫm giao phó cho nhà ngươi. Đó là cặn bã của nhân loại. Chúng là hạng người không có xứ sở. Nhưng cuộc nổi dậy, hay nói đúng hơn là cuộc xâm lăng này không phải là để chống lại hoàng đế, mà chính là chống lại nước Nga, chống lại xứ sở mà những người đi đày không phải là đã mất hết hy vọng được trở về, và nhất định họ sẽ trở về! Không, không bao giờ một người dân Nga lại bắt tay với giặc Tactar để làm suy yếu, dù chỉ trong một giờ, cường quốc Maxcơva.
Nga hoàng có lý để tin vào lòng yêu nước của những người, mà do chính sách của Nhà nước nên tạm thời bị phát vãng. Chính sách khoan dung - vốn là bản chất nền công lý của ông được thực hiện với những biện pháp làm giảm nhẹ đi rất nhiều những hình phạt ghê gớm áp dụng theo sắc lệnh các hoàng đế ngày xưa - đã mang lại nhiều hiệu quả theo ý muốn. Điều này bảo đảm cho ông không thể lầm lẫn được. Nhưng ngay cả khi chưa có cái yếu tố mạnh mẽ giúp cho bọn Tactar xâm lược chiến thắng, thì tình thế cũng đã không kém phần nghiêm trọng, vì cần phải đề phòng có thể một bộ phận lớn quân Kirghidi sẽ đi theo bọn xâm lược.
Dân Kirghidi chia làm ba bộ lạc: “lớn”, “nhỏ” và “trung bình”, có khoảng bốn chục vạn “lều trại” tức là khoảng hai triệu người. Trong số những bộ lạc khác nhau đó, có bộ lạc độc lập, có bộ lạc thừa nhận quân quyền của Nga, hoặc của những phiên bang như Khiva, Khôkhanđ và Bukhara mà người cầm đầu là những thủ lĩnh đáng sợ nhất của Tân Cương. Bộ lạc “Trung bình” giàu có nhất và cũng đông nhất. Lều trại của họ đóng trên một vùng đất rộng nằm giữa các con sông Xarasu, Irtys, vùng thượng lưu sông Ichim, vùng hồ Hađisang và hồ Aksakan. Bộ lạc “Lớn” chiếm cứ những vùng giáp phía đông của bộ lạc “Trung bình” kéo dài đến tận các tỉnh Ômxk và Tôbônxk. Như vậy nếu đám dân Kirghidi này nổi dậy, thì đó là một cuộc xâm lăng nước Nga phần châu Á và trước hết là chia cắt vùng Xibir ở phía đông sông Yênitxây. Những người dân Kirghidi này rất non nớt trong nghệ thuật chiến tranh. Thực ra họ chỉ là những kẻ cướp đêm, những tên chuyên trấn lột các đoàn lữ hành hơn là những binh lính chính quy. Đúng như M. Lepsin đã nói: “Một mặt trận bố trí chặt chẽ, hay “một phương trận”* bộ binh thiện chiến cũng có thể đẩy lùi được một đám quân Kirghiđi đông gấp mười lần, và chỉ một khẩu đại bác thôi cũng có thể tiêu diệt được một số lượng khủng khiếp”.
Có thể là như vậy, nhưng cái “phương trân” bộ binh thiện chiến đó phải đến được xứ nổi loạn này và những họng súng khạc ra lửa phải rời khỏi công binh xưởng các tỉnh của Nga ở cách xa tới hai hoặc ba ngàn dặm. Thế mà trừ con đường chính nối Êkatêrinbua với Irkuxk ra, thì còn lại là thảo nguyên thường bị lầy thụt không dễ dàng gì qua lại được, và chắc chắn phải mất nhiều tuần lễ, thì bộ đội Nga mới tới được để đẩy lùi lũ cướp Tactar.
Ômxk là trung tâm tổ chức quân sự vùng Tây Xibir, cốt giữ cho dân Kirghidi phải phục tùng và nể sợ. Đây là vùng giáp ranh đã nhiều lần bị những đám dân du mục chưa hoàn toàn quy phục này xâm phạm và ở Bộ Quốc phòng, người ta hoàn toàn có lý do để cho là Ômxk đang bị uy hiếp nặng. Hệ thống các cứ điểm quân sự tức là những đồn bốt quân Côdắc đóng rải rác suốt dọc tuyến đường từ Ômxk đến tận Xêmipalatinxk có thể đã bị tấn công nhiều chỗ. Hơn nữa, điều đáng ngại là các “đại xuntan”* cai trị các quận, huyện Kirghidi tự nguyện hoặc bắt buộc phải chấp nhận sự thống trị của bọn Tactar vốn cũng theo đạo Hồi như mình và mối thù do sự áp bức gây nên, cộng với mâu thuẫn giữa các tôn giáo - đạo Hồi và đạo Hy Lạp - lại càng sâu sắc thêm.
Thật vậy, đã từ lâu, người Tactar ở Tân Cương và nhất là ở các phiên bang Bukhara, Khôkhanđ và Kunđuđơ đã tìm cách, hoặc bằng võ lực hoặc bằng thuyết phục, đưa những bộ lạc Kirghidi ra khỏi sự đô hộ của Maxcơva.
Người Tactar, đặc biệt hơn cả là họ thuộc hai dòng giống khác nhau: Capcadơ và Mông cổ.
Aben đơ Rêmuyda đã từng nói: “Ở châu Âu, dòng giống Capcadơ được coi là khuôn mẫu của vẻ đẹp loài người chúng ta, vì tất cả các dân tộc ở hạ giới này đều từ dòng giống đó mà ra”. Dưới cái tên chung Capcadơ đó là người Thổ và người bản xứ gốc Ba Tư. Còn giống thuần Mông Cổ thì gồm người Mông Cổ, người Mãn Châu và người Tây Tạng.
Người Tactar lúc này đang đẹ dọa đế quốc Nga là những người thuộc dòng giống Capcadơ. Họ chiếm lĩnh Tân Cương là vùng chủ yếu. Đất nước rộng lớn này chia thành những bang (khanat) khác nhau do những khan (phiên vương) cai trị. Những khanat hoặc phiên bang chính là Bukhara, Khiva, Khô Khand, Kunđuđơ v.v...
Vào thời kỳ đó, khanat quan trọng nhất và đáng gờm nhất là Bukhara. Nước Nga đã phải chiến đấu nhiều lần với các thủ lĩnh của phiên bang này. Để đảm bảo quyền lợi riêng tư và cũng là để đặt một ách khác lên cổ những người Kirghidi, Bukhara đã ủng hộ nền “độc lập” của họ chống lại sự đô hộ của Maxcơva. Khan hoặc phiên vương hiện tại của khanat này là Fêôfar cũng theo dấu chân của những kẻ đi trước hắn. Phiên bang Bukhara kéo dài từ Bắc xuống Nam giữa vĩ tuyến 37 và Vĩ tuyến 41 và từ Đông sang Tây giữa 61 và 66 độ kinh tuyến, tức là trên một diện tích khoảng 10.000 dặm vuông.
Bang này có số dân hai triệu năm trăm ngàn người, có một đội quân gồm sáu vạn lính (sẽ đông gấp ba lần trong thời chiến) và ba vạn quân kỵ. Đó là một xứ giàu có, phong phú về động vật, thực vật và khoáng sản. Có mười chín thành phố lớn. Bukhara có một tường thành bao quanh dài trên tám ngàn dặm Anh, có những vọng gác cao bảo vệ. Bukhara đồng thời là một thành phố nổi tiếng và vinh quang vì đã từng sản sinh ra những nhân vật lịch sử như Avixen và nhiều học giả khác vào thế kỷ X. Nó được coi như trung tâm của nền văn minh Hồi giáo và được xếp hạng là thành phố nổi tiếng nhất miền Trung Á; lăng của Tamerlan xây dựng ở Samarcanđ là một lâu đài nổi tiếng mà người ta còn giữ được tấm đá xanh dùng làm nơi khai ngự cho các phiên vương lúc mới lên ngôi. Lâu đài này được bảo vệ bằng một hệ thống thành quách vô cùng kiên cố. Khanat Bukhara được núi non che chở, được thảo nguyên ngăn cách là một quốc gia đáng gờm. Nước Nga sẽ buộc phải huy động một lực lượng quan trọng mới có thể chống lại.
Thế mà chính tên Fêôfar tham lam và tàn bạo lúc bấy giờ đang trị vì cái vùng đất Tactar này. Dựa vào những “khan” khác - chủ yếu là “khan” của Khôkhanđ và Kunđuđơ là những tên tướng cướp tàn ác chém giết không tiếc tay, sẵn sàng lao vào những việc làm vốn quen với bản năng người Tactar - được các thủ lĩnh chỉ huy tất cả đoàn quân ô hợp của vùng Trung Á hỗ trợ, Fêôfar cầm đầu cuộc xâm lăng mà Ivan Ôgarep là linh hồn. Tên phản bội này bị tham vọng điên cuồng thúc đẩy, đồng thời bị lòng hận thù kích thích, đã điều khiển các hoạt động quân sự nhằm cắt đứt con đường cái lớn của Xibir. Nếu hắn tưởng là có thể làm thương tổn đến đế quốc Nga, thì đúng là hắn điên rồ! Bị tên này xúi giục, khan Bukhara tự phong là êmir* và đã tung đoàn quân ô hợp của hắn vượt qua biên giới Nga. Hắn đã tràn vào lãnh thổ Xêmipalatinxk và quân Côdắc ở đây với số lượng ít ỏi đã phải rút lui. Hắn tiến sâu hơn, vượt xa hồ Bankhach và trên đường tiến quân, hắn kéo theo cả các dân tộc Kirghidi. Cướp bóc, phá phách, sung vào quân của chúng những kẻ đầu hàng, bắt sống những kẻ kháng cự, hắn di chuyển từ thành phố này đến thành phố khác, mang theo cả đoàn xe cộ chở hành trang theo kiểu các vua chúa phương Đông, chở theo cả toàn gia đình tức là bầu đoàn thê tử và cả những nô lệ của hắn. Tất cả! Với sự táo bạo vô liêm sỉ của một Thành Cát Tư Hãn hiện đại!
Trong lúc này hắn ở đâu? Binh lính của hắn dù tới địa phương nào khi tin tức về cuộc xâm lăng mà chính hắn gây ra đã được truyền tới Maxcơva? Quân đội Nga đã phải rút lui ở điểm nào trong vùng Xibir? Giao thông liên lạc đã bị gián đoạn. Đường dây điện tín giữa Kôlyvân và Tômxk phải chăng đã bị bọn thám báo Tactar phá hoại hay là tên Fêôfar đã tiến đến tận các tỉnh ven sông Yênitxây rồi? Phải chăng tất cả mạn dưới của vùng Tây Xibir đã bị thiêu hủy? Phải chăng cuộc phiến loạn đã lan rộng tới các miền phía Đông? Không ai có thể biết rõ điều đó. Chỉ có một phương tiện không sợ lạnh cũng không sợ nóng, cái rét khắc nghiệt của mùa đông cũng như cái nóng như nung của mùa hè đều không ngăn nổi nó đi nhanh như chớp - đó là đường dây điện tín, thì nay đã không còn khả năng đi xuyên qua thảo nguyên được nữa. Do đó, nó không thể báo tin trước cho đại công tước, hiện đang bị bao vây tại Irkuxk, biết về mối hiểm nguy mà tên phản bội Ivan Ôgarep đang đe dọa.
Giờ đây chỉ có người đưa thư là có thể thay thế được đường dây bị cắt đứt và cần có một thời gian nào đó để cho người này có thể vượt qua năm ngàn hai trăm dặm (5.523km) ngăn cách giữa Maxcơva và Irkuxk. Để lọt qua được hàng ngũ bọn phiến loạn và xâm lược, người này phải có bộ óc thông minh và lòng dũng cảm phi thường. Và với trí thông minh và lòng dũng cảm như thế, người ta có thể làm nên những chuyện không ngờ.
“Liệu ta có tìm được một cái đầu và một trái tim như thế không?” Nga hoàng tự hỏi.