Số lần đọc/download: 1673 / 12
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 2
M
ấy hôm nay, chàng chưa phải mó máy một công việc nào cả. Như lời ông chủ nói với chàng, mới đến còn lạ nên phải nghỉ ngơi ít lâu cho quen nước đã.
Nước miền thượng du rất độc, sương muối buổi sáng nhức đầu, lắm ma thiêng, hùm beo thú dữ. Cho nên những người đã lên rừng về mỗi người đã đặt cho một tên khác nhau, nào nói ma thiêng nước độc, rừng xanh núi đỏ hổ báo nhiều như châu chấu.
Mỗi buổi sáng tinh sương, gia đình từ người lớn, người bé, ai nấy đều có một việc ở ngoài đồng. Ở nhà chỉ có nàng sơn nữ dệt cửi thêu thùa, nấu cơm, đun nước. Chẳng biết nói chuyện với ai ngoài nàng ra Hàm đành bạo dạn bắt lời:
- Cô dệt cửi đấy à?
- Vâng ạ. Thầy ngồi chơi.
- Sao cô thuộc tiếng chúng tôi thế, ở đây người ta đồn rằng dân Thái không thạo kia mà!
Nàng mỉm cười, tay gỡ sợi chỉ rối và miệng thỏ thẻ đáp:
- Cái đó cũng đúng, nhưng có nhiều người biết sõi tiếng Việt. Còn em không sõi tiếng Việt cho lắm, nhưng cũng nói tạm được. Trước kia em vẫn ra chợ Yên Bái mua đồ ăn.
- Cô vẫn đi chợ Yên Bái đấy à? Dạo này tỉnh buồn bã lắm!
- Thế ư? Thày đã qua, ở đấy em em đang theo học trường “ École de Garcons”.
Hàm ngạc nhiên và không hiểu gia đình này làm chức gì mà văn minh thế. Chàng đáp:
- Hẳn nào, cô sõi là phải. Tôi không ngờ… Thưa cô, ông nhà làm gì ạ?
- Bố em trước là ông Châu và bây giờ đương giữ chức Bang.
Hàm vui vẻ hẳn lên và chàng tự khen lúc vừa rồi sao đã mạnh bạo hỏi được câu ấy và nàng lại trả lời rất chu đáo.
- Ông nhà cũng là một bậc quan quách. Tôi rất cảm ơn cô đã cho tôi hay; hôm qua ông nhà đi đâu đó ạ? Cô có thể cho tôi rõ được chăng?
Chàng hỏi xong, hai mắt dán thẳng vào mặt nàng đợi trả lời. Nhưng đó cũng chỉ là một cớ, lý do chính đáng được nhìn nàng tự nhiên. Chàng cũng chẳng hiểu tại sao hỏi một câu dớ dẩn và vô ích như vậy?
Nàng cũng ngoan ngoãn đáp một cách tự nhiên và đầy đủ:
- Bố em ra Nghĩa lộ thăm anh em, ít lâu về thôi. Thầy cần việc gì đấy? Chắc thầy hỏi ba em có dặn gì phải không?
Hàm thấy câu chuyện vô lý mà lại hóa ra buồn cười, chàng nhận lời xem ra sao?
- Vâng, đúng thế ạ! Tôi định hỏi cô nhưng không ngờ lại được cô cho biết.
Nói xong, tự nhiên vô cớ, lòng chàng sung sướng và cởi mở như lá cờ bay trước gió.
- Bố em dặn nói với Thày cứ an tâm nghỉ ngơi, dưỡng sức ít ngày nữa. Vì đi như thế xa lắm, ròng rã một tháng trời, chồn chân, mỏi gối, mệt nhọc nhiều nên cần phải ở nhà. Lúc nãy, em trông thấy Thày làm việc nên đã định bảo, nhưng lại ngại.
Thật vậy, Hàm nhận rằng mình đến đây ở làm việc cho người ta để rồi chẳng làm được công việc nào mà bày thêm, thực không an tâm.
Chàng không trả lời nhưng nghĩ mãi bóp trán tư lự, để cố tìm một câu chuyện nói với nàng sơn nữ, ấy thế cứ bí rì rì mới bực bội làm sao!
Hàm vẫn im lặng hoài và thời gian chạy nhanh như ngựa vía, bầu không khí càng tẻ nhạt. Nàng sơn nữ bèn tìm cách phá tan:
- Chắc quê thày ở tỉnh. Và hiện giờ thày học gần thi chưa ạ?
- Tôi học ở trên Hải Phòng đáng lẽ ra năm nay thi nếu không bị gián đoạn.
- Thi gì ạ?
- Bằng Thành Chung!
Không thấy nàng nói thêm gì, chàng chẳng hiểu cô này có biết hay không? Chắc hẳn là hiểu chứ lúc nãy cô ấy còn biết “ École de Garcons” cơ mà, Thành Chung thường nôm na là cái bằng Diplôme lẽ nào lại chẳng hay?
Cuối cùng chàng đoán chắc cô này không biết nên hỏi mớm:
- Cô cũng học ở tỉnh rồi đấy chứ? Chắc hẳn là đã qua hết các bậc ở lớp Yên Bái rồi?
Chàng nghĩ một mình, cô ta có học ở Yên Bái chăng nữa cũng chỉ hết bậc tiểu học là cùng cực.
Đúng như lời Hàm đoán, nàng không hiểu nổi “Thành Chung” là cái gì, cấp bậc nào, kém hay cao hơn em nàng? Nàng có được ra Yên Bái học đâu? Ngoài hai năm trời học tiếng Thái đen ra? Péng, tên nàng, chẳng được học thêm một vần quốc ngữ.
Không hãnh diện hão, vốn ưa thực thà, nàng trả lời thẳng thắn:
- Em không được ra tỉnh học đâu, chỉ ở nhà thôi thày ạ.
Hàm cười thầm và nhất định có dịp để phóng đại những chuyện học hành với cô này. Chàng liền vớ dịp may để che lấp những công việc quê mà chàng chẳng biết làm, và chung quy đổ lỗi cho sự học hỏi cả.
- Ấy tôi đi học nên sao nhãng việc nhà quê nên bây giờ chẳng hiểu một ly gì cả. Cho nấu nồi cơm cũng chẳng hay, cày chẳng biết, thật cái đời học sinh không làm nên thân là đúng lắm!
Ngày tháng chỉ ăn nhờ bố mẹ anh chị em, đầu tháng, chậm tiền ăn học một tí là thúc giục cuống lên và cho đến hôm nay phải lìa gia đình nên mới khổ!
Péng thương hại và nàng cố tìm lời an ủi, khuyên nhủ:
- Việc làm dễ thôi thày ạ, lâu ngày nó quen cả. Tuy chẳng biết cày bừa, nhưng thày mở lớp dạy chúng tôi học tiếng Việt là đủ rồi.
- Cô muốn gì, chứ việc học tôi rất sẵn sàng đem sự hiểu biết để dạy. Liệu chừng ở đây có nhiều người theo học không cô?
- Có ạ. À! Em quên mất, tên thày là gì, chốc nữa em còn bảo người nhà lên phủ lấy thẻ?
- Vâng, như vậy thật là hoan hỉ. Tên tôi là Ngô Mạnh Hàm sinh ngày …...... ở Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, con ông và bà…………. Thôi tôi biên vào giấy cho dễ nhớ.
Viết xong, chàng đưa cho nàng và hỏi:
- Chết, một tí nữa tôi quên tên cô để dễ hỏi khi có một việc cần gọi.
- Péng!
Chàng nhẩm đi nhẩm lại theo sau:
- Péng, Péng…
Péng phì cười, nhưng nhanh và tỉnh hơn nàng lấy chiếc khăn trên đầu che miệng. Rồi nàng chợt nhớ tới giờ làm cơm cho người nhà ở đồng về ăn nên đứng dậy, khép nép chắp tay nói:
- Mời thày đi nghỉ, em xin phép ra xôi cơm, trưa đến nơi rồi ạ!
Chõ cơm xôi trắng ngần, đầy hương vị ngạt ngào tỏa hơi cạnh bên người thái nữ, Hàm lặng nhìn tha thiết, mến thương.