Số lần đọc/download: 1923 / 43
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Hồi 02 - Thân Tình, Tử Biệt, Lưu Lạc Giang Hồ
M
ạnh Niệm Từ bị hai gã áo đen lôi ra ngoài cổng trại Thiết Kỵ Môn, họ xô chàng ngã lăn ra đất, song chàng cắn chặt răng, lập tức đứng bật dậy.
Sấm rền tia chớp cùng với rừng núi mù mịt tạo thành một cảnh tượng hết sức rùng rợn, như vô vàn u linh cự thú nuốt chửng lấy chàng.
Chàng căm hận ngoái lại nhìn cổng trại Thiết Kỵ Môn, đoạn cất bước chạy xuống Ngạo Lai Phong.
Vừa được vài trượng, hốt nhiên từ trong bụi cỏ ven đường lao vút ra một bóng trắng, vọt thẳng về phía chàng.
Mạnh Niệm Từ giật mình kinh hãi, chưa kịp cất tiếng tri hô thì đã bị đối phương bụm chặt miệng, một tay nắm lấy bả vai và một giọng nói dịu dàng vang lên:
- Từ nhi, đừng sợ!
Thì ra đó là một người giống hệt như phụ nhân đã bị hành hình vừa qua.
Mạnh Niệm Từ khẽ giãy giụa:
- Mẹ…
Người đàn bà quét mắt nhìn quanh, hối hả nói:
- Ðây không phải là nơi chuyện trò, theo mẹ đi mau!
Không màng đến phản ứng của Mạnh Niệm Từ, vòng tay ngang lưng ôm lấy chàng, phi thân phóng xuống Thái Sơn.
Mạnh Niệm Từ chỉ nghe tiếng gió vụt vù bên tai và cảnh vật trước mắt bay vút qua, thoáng chốc đã đến một khu mộ địa dưới chân núi.
Khu mộ địa ấy rộng chừng mười mẫu vuông, tùng bách um tùm, hết sức kín đáo.
Người đàn bà đặt Mạnh Niệm Từ xuống đất, đưa tay ấn nhẹ lên tấm bia đá trước một ngôi mộ to, lập tức tiếng ken kẹt vang lên, bàn cúng trước mộ bia đã dịch sang một bên.
Mạnh Niệm Từ ngạc nhiên hỏi:
- Mẹ, sao thế này?
- Nơi đây an toàn hơn, mẹ có nhiều điều rất quan trọng cần nói với con!
Ðoạn nắm tay Mạnh Niệm Từ đi vào động huyệt. Bên trong là một thang đá nghiêng nghiêng chừng hơn hai mươi bậc, bên dưới là một gian thạch thất trống rỗng, như đã được kiến tạo một cách vội vàng.
Mạnh Niệm Từ đảo mắt nhìn quanh, chau mày hỏi:
- Mẹ có gì hãy nói đi!
Người đàn bà mắt rướm lệ nói:
- Từ nhi… dường như con có vẻ lạnh nhạt với mẹ…
Mạnh Niệm Từ cười chua xòt:
- Con không rõ thật sự mình có bao nhiêu mẹ, mẹ đây… là người thứ ba, mặt mày và tiếng nói đều giống hệt nhau… một đã chết, một bị giết, một…
Người đàn bà thở dài:
- Trong nhất thời mẹ cũng không sao giải thích rõ ràng với con được, mà dù giải thích rõ ràng rồi, có lẽ con cũng chẳng thể tin được…
- Vậy là vĩnh viễn không sao hiểu rõ được rồi…
- Không, khi nào con báo được đại thù, dĩ nhiên sẽ hiểu rõ hết mọi sự.
Mạnh Niệm Từ nghiến răng:
- Ðương nhiên là con phải báo thù, mẹ con.. không, người mẹ thứ nhì của con chết quá thê thảm, nhất định con phải chính tay giết chết lão tặc Mạnh Công Lăng…
Người đàn bà thoáng chau mày:
- Từ nhi, giết Mạnh Công Lăng không hẳn là để báo thù cho người mẹ giả của con, chủ yếu là cha con…
- Cha con ư? Cha con hiện đang náu thân đâu dó, mặc dù không thuận hòa với Thiết Kỵ Môn và các vị huynh đệ, song hãy còn sống trên cõi đời, vậy sao lại phải báo thù?
Người đàn bà cười thiểu não:
- Cha con đã chết rồi, chính lão tặc Mạnh Công Lăng đã hãm hại…
- Vậy người lẩn trốn kia là ai?
- Không hề có người đó, chẳng qua là do mẹ bịa đặt để cho lão tặc Mạnh Công Lăng sinh nghi mà có phần e ngại, không thì lão ta đâu có buông tha cho con.
Mạnh Niệm Từ nghiến răng:
- Cha con chết như thế nào?
- Bị Mạnh Công Lăng dùng rượu độc hại chết. Chính mẹ đã cướp đi thi thể rồi ngụy tạo nghi trận, khiến lão tặc ấy hoang mang, nghĩ là cha con đã giả chết thoát thân.
Mạnh Niệm Từ như sa vào trong sương mù, lòng đầy nghi vấn, nhất thời chẳng biết phải hỏi từ đâu?
Trước sau chàng có ba người mẹ, thật ra người nào là mẹ ruột của chàng?
Phụ thân chàng quả thật đã chết hay vẫn còn sống?
Chàng có nên tin lời người mẹ này chăng? Vi sao bà biết được mình bị đuổi khỏi Thiết Kỵ Môn vào lúc này? Vì sao ba người mẹ đều giống hệt như nhau, không sao phân biệt ra được?
Ðiều trọng yếu nhất là vì sao chàng lại có ba người mẹ?
Nghiêm chỉnh mà nói, tình cảm chàng dành cho người mẹ đã bị giết vẫn sâu đậm hơn, chàng thầm quyết định, chàng sẽ hành động đúng theo lời trăn trối của bà…
Bỗng, tiếng vó câu hối hả lướt nhanh qua.
Người đàn bà thoáng biến sắc mặt khẽ nói:
- Nhất định là bọn họ đuổi bắt con đấy!
Mạnh Niệm Từ lắc đầu:
- Mạnh Công Lăng đã chấp thuận buông tha cho con với điều kiện là không được trở lại Thiết Kỵ Môn, với thân phận và địa vị của lão ta, có lẽ không tráo trở như vậy đâu.
Người đàn bà cười chua chát:
- Con không hiểu, Mạnh Công Lăng sở dĩ buông tha con vì tưởng con là Mạnh Niệm Từ giả. Nếu lão biết con chính thực là con của Thiết Oản Thư Sinh Mạnh Xuân Từ thì lại khác hẳn.
Mạnh Niệm Từ sửng sờ:
- Vậy nghĩa là sao? Chả lẽ ngay cả con cũng có giả ư?
Người đàn bà chau mày:
- Hiện tại mẹ cũng không sao giải thích được, giờ con hãy nhớ kỹ người lời mẹ nói đây. Rời khỏi đây hãy tức tốc đến Vu Sơn, dưới chân Khởi Vân Phong có một ngôi Ðãi Nguyệt Am. Trong am có một lão ni cô độc nhãn, hãy hỏi bà lấy lại Tử Kim Tinh Châu, bửu vật trấn sơn của Thiết Kỵ Môn…
Mạnh Niệm Từ hết sức lấy làm lạ, bởi những gì bà nói giống hệt như người mẹ bị giết của chàng đã nói.
Người đàn bà nói tiếp:
- Quả Tinh Châu ấy tuy nhỏ bé, song bên trong có chứa một quyển Thiên Cương Chân Kinh. Con hãy tìm một nơi thật kín đáo để tham luyện võ công ghi chép trong ấy, rồi sau này hẵng trở lại báo thù.
- Nếu khi con gặp vị lão ni ấy, bà không tin con là Mạnh Niệm Từ thì sao?
- Bà ấy sẽ kiểm tra nốt ruồi son trên lưng con!
Mạnh Niệm Từ rúng động cõi lòng, chăm mắt nhìn người mẹ trướcc mặt, chả lẽ bà mới chính là mẹ ruột của mình ư? Nếu không thì làm sao bà biết được trên lưng mình có ba nốt ruồi son?
Ðỉnh địa huyệt này không dày lắm, có thể nghe được tiếng mưa rơi xối xả và tiếng vó câu từng hồi lướt nhanh qua.
Mạnh Niệm Từ thầm nhủ:
- Xem chừng Mạnh Công Lăng quả đã phản hối rồi, không thì chẳng bao giờ lại có nhiều người Thiết Kỵ Môn lặn lội dưới mưa gió thế này!
Người đàn bà khẽ chau mày, nghiến răng nói:
- Lão tặc Mạnh Công Lăng đã phái xuất thiết kỵ quyết tìm bắt con mang về, nếu mẹ mà không kịp thời đưa con đến đây, e rằng..
Bỗng hai tay nắm chặt vai chàng, bật khóc nức nở…
Mạnh Niệm Từ chăm mắt nhìn người mẹ này, bất giác nghe lòng xốn xang, nước mắt cũng chảy dài.
Người đàn bà ràn tụa nước mắt buông hai tay nắm vai Mạnh Niệm Từ ra, hé môi gượng cười nói:
- Từ nhi, con đã nhớ kỹ người gì mẹ đã nói rồi chứ?
Mạnh Niệm Từ nghiêm giọng:
- Dù mẹ không nói thì con cũng đã nhớ kỹ từ lâu rồi!
Người đàn bà gật đầu:
- Ðúng vậy, những điều ấy có lẽ người mẹ giả của con đã nói với con từ lâu rồi. Cầu mong trời cao phò hộ cho con được thuận lợi học thành thần công, sớm báo được thân thù!
Mạnh Niệm Từ chau mày:
- Mẹ… không cùng con trở về được sao?
Người đàn bà lắc đầu:
- Không thể được..
- Vì sao?
Người đàn bà nghẹn ngào:
- Mẹ có nổi khổ bất đắc dĩ, rồi đây… sớm muộn gì con cũng sẽ hiểu…
Bỗng đổi giọng vội vã tiếp:
- Con không hề biết võ công, đây cách Vu Sơn hàng mấy ngàn dặm đường, chẳng dễ gì đến được, mẹ phải tìm cách cho con… Hãy thay bộ quần áo này trước đã.
Ðồng thời đã từ bên lưng cởi xuống một cái gói vải, lấy ra một bộ quần áo màu lam.
Mạnh Niệm Từ y lời thay lấy bộ quần áo ấy.
Bà lại từ trong lòng lấy ra một chiếc lọ nhỏ và nói:
- Ðây là hơn ba mươi viên dịch dung hoàn, mỗi lần dùng một viên thoa lên mặt sẽ khiến diện mạo đởi khác, mỗi ngày một viên có thể sử dụng hơn một tháng, có lẽ đủ thời gian đến Vu Sơn rồi!
Ðoạn mở nắp lọ lấy ra một viên thuốc màu đen cỡ hạt đậu, đặt trên lòng bàn tay, dùng nước mưa từ trên huyệt động rỉ xuống hòa tan, sau đó khẽ thoa lên mặt Mạnh Niệm Từ.
Xong xuôi, bà lấy ra một chiếc gương đồng, bật hỏa tập lên cười nói:
- Con hãy ngắm mình xem!
Mạnh Niệm Từ nhìn vào gương đồng, bất giác ngẩn ngươi, thì ra trong gương đã hiện ra một gương mặt đen đúa và loáng thoáng nếp nhăn, tuổi tác ít ra cũng hơn ba mươi.
Người đàn bà cất lấy gương đồng, bỗng thoáng buồn nói:
- Từ nhi, giờ mẹ sẽ truyền nội công chân nguyên cho con, một là để tạo căn bản cho con kuyện võ sau này, hai là giúp con sớm đến được Khởi Vân Phong trên Vu Sơn.
Mạnh Niệm Từ không hiểu hết ý bà, bèn y lời ngồi xếp bằng xuống đất, hai mắt nhắm nghiền.
Chỉ cảm thấy một bàn tay đặt lên huyệt Khí Hải sau lưng, bàn tay ấy như có sức hút, lập tức dính chặt vào người chàng. Rồi thì nơi lòng bàn tay như có một luồng chảy ấm áp, xuyên qua kinh mạch, chảy vào trong cơ thể chàng.
Mạnh Niệm Từ giật mình kinh hãi, định giãy giụa kêu la, song lúc này chỉ cảm thấy tay chân bải hoải, không sao nhúc nhích và cất tiếng kêu la được.
Luồng chảy nóng ấm đó nhanh dần lên, rồi thì dập dồn như sóng dữ, Mạnh Niệm Từ chỉ cảm thấy toàn thân nóng rực cơ hồ muốn nổ tung, song ngoài cố chịu đựng ra, chàng chẳng còn cách nào hơn.
Chẳng rõ đã trải qua bao lâu, Mạnh Niệm Từ bỗng cảm thấy luồng chảy nóng trong cơ thể chia ra làm hai, một xông lên sinh tử huyền quang, một ập xuống hai huyệt Nhâm Ðốc. Rồi thì "ầm" một tiếng, chàng hôn mê bất tỉnh.
Lại chẳng rõ trải qua bao lâu, chàng dần hồi tỉnh, mở bừng mắt ra, bất giác sửng người tại chỗ.
Trong huyệt động vốn dĩ tối mịt, nhưng giờ đây chàng lại trông rõ mồn một, thì ra chàng vẫn chưa biết mẫu thân đã truyền hết cho mình hàng mấy mươi năm nội lực chân nguyên, giúp chàng đả thông sinh tử huyền quang và hai mạch Nhâm Ðốc.
Ngay sau đó, chàng đã phát giác ra thi thể của mẫu thân.
Mạnh Niệm Từ bật lên một tiếng kinh hoàng, nhào tới cúi xuống nhìn, chỉ thấy bà ta mặt trắnh bệch, hai mắt thụt sâu vào, đã chết tự lâu rồi.
Mặc dù chàng không biết võ công, nhưng cũng hiểu đây là sự việc gì, bất giác xót xa ngập lòng, nằm mọp lên tử thi khóc gào lên:
- Mẹ… tại sao lại làm như vậy…
Hồi lâu, chàng ngưng khóc, lại chú mắt nhìn vào mặt tử thi, lẩm bẩm:
- Ðây có thật là mẹ ruột mình không?
Chàng biết, hiện tại chàng không sao khẳng định được, tạm không kể bà có phải là mẹ thân sinh của chàng hay không. Nội ân đức của bà đối với mình thì cũng đáng kể được là thân mẫu của mình rồi.
Bỗng chàng phát giác bên cạnh bà còn có một lá thư máu chưa khô, hiển nhiên là bà đã viết trước khi chết, sau khi chàng bất tỉnh.
Chàng run run cầm lá thư máu lên, chỉ thấy nét chữ xiêu vẹo viết là: "Từ nhi, hãy nhớ kỹ lời nói của mẹ, tức tốc đến Khởi Vân Phong trên Vu Sơn. Khi nào báo được đại thù thì con sẽ hiểu rõ mọi sự. Giang hồ hiểm ác, lòng người khó lường, con phải hết sức thận trọng. Mẹ…"
Lá thư đến đó dở dang, chứng tỏ bà đã chết ngay lúc ấy.
Mạnh Niệm Từ nghiến chặt răng, quỳ bên tử thi khóc nói:
- Mẹ, con nhất định sẽ tuân theo di ngôn của mẹ, quyết không phụ kỳ vọng của mẹ…
Chàng lắng tai nghe, mưa gió bên ngoài đã dứt, bốn bề tĩnh lặng.
Chàng buông tiếng thở dài thậm thượt, cất lấy lá thư máu và lọ thuốc dịch dung, sửa thi thể nằm lại ngay ngắn, lấy chiếc áo mình đã thay ra đắp lên, đoạn lẩm bẩm cầu khấn:
- Mẹ, con sắp phải rời xa mẹ đây, khi nào báo xong đại thù, con sẽ trùng tu mộ phần cho mẹ!
Sau đó, chàng với nổi lòng đau xót quay người bước lên bậc cấp. Ðược chừng mười bước, bỗng nghe tiếng kèng kẹt vang lên, cửa huyệt động đã mở ra.
Mạnh Niệm Từ bước nhanh ra ngoài, lại nghe tiếng kèng kẹt vang lên, cửa huyệt động đã tự đóng lại.
Quay đầu nhìn quanh, lúc này trời vừa hừng sáng, trong rừng sương sớm dày đặc, gió mưa đã ngưng dứt từ lâu.
Chàng thầm ghi nhớ địa hình khu mộ địa, đoạn quay người phóng đi. Lúc này chàng đã nội lực tinh thâm, mặc dù chưa luyện võ công, song cũng phóng đi nhanh như tên bắn.
Chẳng mấy chốc chàng đã đặt chân trên đường cái quan nam bắc. Trời sáng dần, trên đường đã có người và xe ngựa qua lại lưa thưa. Mạnh Niệm Từ tuy mới lần đầu bước chân vào chốn giang hồ, không rõ đường đi nước bước, song chàng biết chỉ cần mình đi về phía nam, đến Trường Giang rồi dọc theo bờ sông đi về phía thượng du, là sẽ đến được Vu Sơn.
Ðến gần trưa, chàng đã đi được hơn năm mươi dặm đường.
Bỗng, cát bụi tung bay mù mịt, tiếng vó ngựa rầm rập vọng đến.
Mạnh Niệm Từ giật mình kinh hãi, không cần suy nghĩ, qua tiếng vó ngựa chàng cũng biết chắc chắn đó là bộ thuộc của Thiết Kỵ Môn.
Xe và ngựa đi đường lập tức tránh sang hai bên, Mạnh Niệm Từ chưa kịp xoay chuyển ý nghĩ thì hơn hai mươi con ngựa to khỏe đã lao đến trước mặt.
Người trên ngựa cả thảy đều võ phục đen gọn gàng, đao kiếm bên lưng, nhất loạt đầu chích khăn đỏ, khí thế hết sức hùng tráng.
Mạnh Niệm Từ nghiêng người đứng bên lề đường, nhìn thoáng qua chàng cũng đã nhận ra được bọn kia chính là bộ thuộc của Hắc Kỳ Ðường trong ngoại ngũ đường.
Chàng vốn định chờ cho bọn người của Thiết Kỵ Môn qua khỏi rồi hẵng đi tiếp. Nào ngờ tiếng vó ngựa chợt ngưng, hơn hai mươi bộ thuộc Thiết Kỵ Môn cả thảy đều phóng xuống ngựa, kẻ thì quét mắt nhìn khách đi đường, người thì thò đầu ngó vào trong xe.
Những khách thương qua đười ngoài khiếp hãi bởi uy danh của Thiết Kỵ Môn lại còn bị thái độ hung hãn của bọn người áo đen làm cho kinh hồn bạt vía, không một ai dám tỏ ý phản đối.
Mạnh Niệm Từ bồn chồn lo lắng, không dám quay mặt lại, đứng đờ như phỗng đá.
Bỗng một bàn tay nắm vai chàng quay lại.
Mạnh Niệm Từ giật nẩy mình, trái tim cơ hồ vọt khỏi lồng ngực. Một gương mặt quen thuộc lập tức hiện ra trước mắt, đó chính là Ba Sơn Xà (Rắn bò núi) Thân Kiện, một đầu lĩnh tuần sơn trong Hắc Kỵ Ðường.
Ba Sơn Xà Thân Kiện chòng chọc nhìn chàng quát hỏi:
- Ngươi làm gì đứng thừ ra vậy?
Mạnh Niệm Từ thở hắt ra, ấp úng:
- Tiểu nhân… đã bị oai phong của các vị đại gia… làm cho mất hồn…
Ba Sơn Xà cười lạnh lùng:
- Ngươi làm nghề gì?
- Tiểu nhân… làm nông…
- Ngươi có trông thấy một thiếu niên tuổi chừng mười lăm, mười sáu tuổi đi một mình không?
- Không… không thấy.
Ba Sơn Xà lại buông tiếng cười lạnh lùng, bỗng tung mình lên ngựa, hô to:
- Ði thôi!
Ðoạn lièn giật cương dẫn trước phóng đi. Hơn hai mươi tên bộ thuộc Thiết Kỵ Môn cũng lần lượt lên ngựa phóng nhanh đi, thoáng chốc đã mất dạng, chỉ còn để lại bụi cát mịt mù.
Mạnh Niệm Từ lúc này mới hiểu được hiệu quả thần kỳ của thuốc dịch dung, bèn lấy làm an tâm, tiếp tục đi về hướng nam.
Mặt trời đã ngã về tây, khách đi đường thưa dần, Mạnh Niệm Từ vì muốn đi thêm vài dặm nữa, vẫn tiếp tục cuộc hành trình.
Bỗng chàng nghe có tiếng rên rỉ rất khẽ vọng đến.
Mạnh Niệm Từ vội dừng bước lắng nghe, thì ra tiếng rên rỉ ấy vang lên từ trong một bụi cỏ bên đường.
Mạnh Niệm Từ do dự thầm nhủ:
- Hẳn là có ngươi đã ngã bệnh tại đây. Trời sắp tối rồi, người bệnh hoạn nằm đây một mình không ai chăm sóc, quả là bi thảm.
Song chàng nghĩ lại, chốn giang hồ đầy phong ba hiểm ác, lòng người xảo trá khôn lường, mình đang vai mang gánh nặng, đâu có thời gian mà lo chuyện bao đồng.
Vả lại, trên cõi đời có biết bao nhiêu bi thảm đáng thương, mình can thiệp được bao nhiêu kia chứ?
Nghĩ doạn, chàng tiếp tục cất bước.
Song đi được vài bước, chàng bỗng quay trở lại, đi thẳng đến bụi cỏ kia.
Thì ra đó là một đạo sĩ tuổi còn rất trẻ đang nằm ngửa trong bụi cỏ với chiếc áo bào rộng thình, mái tóc đen dày búi cao, gương mặt rất thanh tú, chỉ tiếc là hơi vàng vọt và dơ bẩn, trông rất đáng thương hai.
Mạnh Niệm Từ đi đến bên cạnh, khẽ cất tiếng hỏi:
- Ðạo trưởng… bị bệnh phải không?
Ðạo sĩ trẻ chỉ lo rên hừ hừ, không hề hay biết có người bên cạnh, đến khi nghe tiếng hỏi mới gắng gượng đưa mắt nhìn Mạnh Niệm Từ và nói:
- Dĩ nhiên là bịnh rồi, chả lẽ là đùa hay sao?
Xem ra đạo sĩ trẻ này tính nết khá là nóng nảy.
Mạnh Niệm Từ khẽ chau mày:
- Bửu quán của đạo trưởng ở đâu, tại hạ có thể đưa đạo trưởng về đó!
Ðạo sĩ trẻ bỗng bật cười:
- Lòng dạ tôn giá tốt thật, đáng tiếc là kẻ này chẳng có bửu quán gì cả, hơn nữa… cho tôn giá biết cũng chẳng sao, thật ra kẻ này không phải là đạo sĩ.
Mạnh Niệm Từ sửng sốt:
- Không phải là đạo sĩ sao lại mặc áo đạo trang?
Ðạo sĩ trẻ nhoẻn cười:
- Ðó chẳng qua để thuận tiện lúc đi đường thôi… Thú thật vi gia phụ quản thúc nghiêm khắc quá, kẻ này lại ao ước được ngao du khắp thiên hạ, nên mới thừa cơ hội trốn nhà ra đi.
- Vậy thì thật là quá quắt, nhà cửa của huynh đài ở đâu?
- Nhà ư?... Xa lắm, hơn nữa kẻ này không muốn và cũng chẳng dám về!
- Huynh đài tôn tánh đại danh?
- Mâu Nam Huê, còn tôn giá?
- Tại hạ…
Mạnh Niệm Từ thầm nhủ: "Hiện Thiết Kỵ Môn đang tìm bắt mình, không thể tiết lộ họ tên thật được!" bèn nói tiếp:
- Tại hạ không có danh tánh, chỉ tự đặt ra biệt hiệu là Phiêu Bình Khách.
Mâu Nam Huê phì cười:
- Vậy thì lạ thật, bất kỳ ai cũng đều có danh tánh, trừ phi tôn giá không có cha mẹ…
Mạnh Niệm Từ buồn bã:
- Tại hạ chính là một cô nhi ngay từ thuở bé!
Mâu Nam Huê buông tiếng thở dài thông cảm:
- Thảo nào… Thôi thì cứ gọi là Phiêu Bình Khách vậy.
Mạnh Niệm Từ thấy đối phương tuy đã tươi tỉnh hơn nhiều song mặt vẫn đầy bệnh hoạn và thỉnh thoảng vẫn rên hừ hừ, hiển nhiên bệnh thế chưa giảm, chàng chẳng tiện bỏ đi, đành lại nói:
- Mâu huynh hãy nên đến một thị trấn gần đây tìm lang y thăm bệnh xem, chứ nằm đây e bệnh tình sẽ càng thêm trầm trọng…
- Hừ, chả lẽ kẻ này muốn nằm đây sao?
Buông tiếng thở dài áo não, nói tiếp:
- Chẳng qua vì… không có tiền bạc!
Mạnh Niệm Từ nghe vậy không khỏi động lòng thương hại, vội thò tay vào lòng lấy ra một nén bạc đưa ra và nói:
- Xin Mâu huynh hãy nhận lấy chút này!
Mâu Nam Huê thoáng đỏ mặt, ngại ngùng nói:
- Vậy… nhiều quá tiểu đệ làm sao dám nhận?
Tuy nói vậy, song vẫn đưa tay nhận lấy, lại nói tiếp:
- Không thì thế này vậy, chúng ta kết nghĩa đệï huynh nhé?
Mạnh Niệm Từ ngẩn người:
- Ơ… ơ…
Chàng thật không ngờ Mâu Nam Huê lại đưa ra đề nghị đột ngột này, nên nhất thời không biết trả lời thế nào cho phải.
- Tiểu đệ không xứng đáng chứ gì?
- Không… không phải… chẳng qua…
- Chẳng qua sao? Chúng ta một lời đã quyết, tiểu đệ xin ra mắt đại ca!
Mạnh Niệm Từ đành gượng cười:
- Huê đệ, tiểu huynh cùng đệ vào trong trấn chữa bệnh nhé?
Mâu Nam Huê xua tay cười:
- Không cần đâu, tiểu đệ từng theo gia phụ học qua chút ít y thuật, lát nữa vao trong trấn bốc thuốc uống vào là khỏi ngay thôi… Tiểu đệ chỉ vì tối qua bị mắc mưa cảm lạnh, không nặng lắm đâu, chỉ cần có tiền là xong cả!
Mạnh Niệm Từ gật đầu:
- Tiểu huynh đang có việc gấp đành đi trước!
Mâu Nam Huê chợt buồn so:
- Giờ chúng ta đã là huynh đệ kết nghĩa rồi, bao giờ thì gặp lại nhau đây?
Mạnh Niệm Từ thở dài:
- Chúng ta cũng như hai chiếc lá rơi, một cơn gió thổi đến gần, một cơn gió thổi đi xa. Nếu hữu duyên thì tự sẽ gặp lại nhau, còn như vô duyên thì đành chịu thôi!
Mâu Nam Huê xoe tròn mắt:
- Ðại ca nói cũng đúng, thôi… đại ca đi đi!
- Huê đệ hãy bảo trọng!
Mạnh Niệm Từ không muốn nói gì thêm nữa, dứt lời liền quay người sải bước bỏ đi.
Bởi chàng lúc này đã cải dạng thành một người nhà quê chừng ba mươi tuổi, nen, dọc đường cũng bình an vô sự, mặc dù đâu đâu cũng có người của Thiết Kỵ Môn truy tra, nhưng không ai nhận ra đườc chàng chính là người mà họ đang tìm.
Ba hôm sau, Mạnh Niệm Từ đã đến bờ Trường Giang. Lẽ ra, theo hành trình của chàng là dọc bờ sông đi về hướng tây, thẳng đến Vu Sơn.
Song ba ngày qua, chàng không hề dừng bước ngơi nghĩ nên giờ đây đã mệt nhoài, lúc này đã gần trưa, cảm thấy bụng đói cồn cào, thấy không xa lắm có một thị trấn, chàng bèn rẽ sang phía ấy.
Thị trấn ấy có tên là Tam Quan Trấn, chẳng những là nơi phải qua của con đường cái quan nam bắc, mà còn là bến cảng của hai đường thủy bộ, thương buôn quy tụ đông đảo, vô cùng náo nhiệt.
Mạnh Niệm Từ chẳng lòng dạ nào ngoạn cảnh phố xá, chỉ muốn ăn một bửa no nê, nhưng khi vừa bước chân vào thị trấn, chàng bất giác ngẩn người.