Books are a uniquely portable magic.

Stephen King

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 116
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2: Cuốn Sổ Tay Tai Hại…
áng hôm sau, trời Sài Gòn thật đẹp. Một vài vầng mây trắng lững lờ trên nền trời xanh nhạt.
Đúng 8 giờ, ông Hương đậu xe ở một góc phố, đi bộ lại (đó là cách thận trọng thường xuyên của ông ta). Chúng tôi đã nhìn thấy, mỗi người một túi xách ra xe. Một cái bắt tay, vài nụ cười, không một lời nói, chúng tôi cùng lên xe.
Xe ra khu Bạch Đằng, đón một người cuối đường Hai Bà Trưng, quẹo về Trương Minh Giảng, lên khu Vườn Lài đón thêm hai người nữa. Không kể ông Hương, xe đã năm người, như vậy là hết chỗ.
Trong khi xe lao về phía Chợ Lớn, cả năm chúng tôi không biết xe sẽ đi về đâu.
Khi xe ra tới đầu Quốc Lộ số 4 đường xuống Mỹ Tho, một trong ba người kia tỏ vẻ hiểu biết nói nhỏ:
- Chắc đến trường Cây Mai.
Tôi chẳng biết trường Cây Mai dạy cái gì nên đưa mắt hỏi, anh đó khẽ giải thích:
- Đào tạo tình báo cảnh sát.
Thực tế không phải vậy, khi đi tới ngã tư Phú Lâm, xe đi chậm lại, rẽ vào chiếc cổng có hai cánh cửa sắt đóng im ỉm mang số: 365.
Như đừng chờ sẵn ở phía trong, một người quần áo bà ba nâu vội vàng ra mở cổng. Xe đi thẳng vào, đến cửa một ngôi nhà to thì ngừng lại. Chúng tôi xuống xe theo ông Hương lên gác.
Trên lầu đã có chín người nữa, trong đó, một người đã lớn tuổi vào khoảng ba mươi lăm, bốn mươi, làm tôi chú ý nhiều hơn vì hâu hết chúng tôi từ hai mươi đến hai mươi lăm.
Trong căn nhà rộng có nhiều buồng nhỏ, nhưng một phòng thật to, có lẽ là phòng khách đã kê sẵn 14 chiếc giường vải, có mùng, chăn, gối của quân đội thứ tự theo từng giường. Điều này nói lên số người đã được đón đủ.
Một người mặc pyjama xanh nhạt, đeo kính trắng, chừng ba mươi tuổi, từ dưới nhà lên. Ông Hương quay lại phía chúng tôi giới thiệu:
- Đây là ông Lâm Giám thị, một người sẽ thường xuyên ở với các anh em, khi có điều gì cần thiết, các anh đến gặp ông sẽ được giải quyết.
Ông Lâm mỉm cười và bắt tay mọi người, ông cũng là người miền Trung. Sau đó, lại có hai người mặc đồ nâu nữa từ dưới nhà lên. Ông Hương cho biết họ sẽ phục vụ chúng tôi về cơm nước. Tất cả ba người này nói tiếng miền Trung.
Theo ông Hương và ông Lâm, đây là một lớp học tập thể. Bất cứ tập thể nào cũng có nội quy để ổn định trật tự. Vậy, trước hết chúng tôi phải tự đặt bí danh, và từ nay, trong mọi sinh hoạt học tập cũng như ăn ở, chúng tôi sẽ bắt buộc gọi nhau theo bí danh đó. Tôi là J. hay John. Lý là K. hay Karl. Giới hạn tối đa việc ra ngoài phố. Ra ngoài, nếu gặp ai hỏi, chỉ trả lời, chúng tôi là một số sinh viên Kinh Tế và Chính Trị, vì muốn tìm hiểu chủ nghĩa nhân vị, nên mượn căn nhà này để nghiên cứu học hành trong mấy tháng hè.
Đây là một ngôi nhà hai tầng, rất kiên cố, có nhiều phòng. Chung quanh có tường xây, dây thép gai bao bọc.
Theo dân chúng ở chung quanh, ngôi nhà này trước đây thuộc Phòng Nhì của Pháp, nay thuộc về Phủ Tổng Thống. Cuối cùng, ông Hương nhìn chúng tôi, gợi ý:
- Để thuận tiện trong sinh hoạt, có lẽ các anh nên chọn bầu ra một người trưởng toán.
Chúng tôi toàn những người chẳng hề biết nhau. (Điều này ông Hương biết nên đã có dụng ý). Làm sao biết được đạo đức và khả năng của nhau, cho nên tất yếu đều nhìn về người lớn tuổi nhất. Ông Hương đồng ý ngay. Anh đó tên Đạo.
Qua những bữa cơm, và trong tủ lạnh luôn luôn có đầy đủ nước ngọt, bia, chanh, đường để giải khát thoải mái, tất cả chúng tôi đều phấn chấn tin tưởng vào viễn ảnh ngày mai của lớp học.
Tối hôm đó tôi xuống buồng của giám thị, theo lời hẹn của ông ta. Ngay buối nói chuyện đầu này, ông đã có vẻ có cảm tình với tôi như một người em, tên ông là Cao Đình Tiệu, tu xuất, vào quân đội. Qua ông, tôi đã biết được nhiều chuyện chung quanh lớp học.
Sáng hôm sau, cà mười bốn người chúng tôi lên một chiếc xe “Dodge 4” mui phủ kín mít. Xe đi lên phía Sài Gòn, nhưng chẳng ai biết sẽ đi về đâu. Cuối cùng, xe đi thẳng vào một tòa nhà to lớn chẳng khác gì một tòa lâu đài, có hai cổng to hai bên để xe ra vào, không có lính gác. Trong sân, vài con ngỗng kêu í ới, sân có trồng cỏ và hoa, êm đềm như một tư gia. Đó là căn nhà số 2 đường Jacques Rousseau. Sau này, tôi biết là nhà của Cựu Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh, Tham mưu trưởng Quân đội Quốc Gia thời 1954 về trước.
Chúng tôi được hướng dẫn vào một phòng phía bên phải. Trong phòng, đã có mặt ông Hương và mấy người lạ đóng bộ đàng hoàng. Họ chạy lăng xăng chuẩn bị bàn ghế, cờ quạt. Vách tường, cửa của văn phòng đều được bọc da, để ngăn cản âm thanh với bên ngoài. Trên cao, giữa tường, treo một lá cờ Tổ Quốc lớn, và ảnh cụ Ngô, phía trên đỉnh hương trầm nghi ngút. Bên cạnh, phía dưới, có máy ghi âm. Chúng tôi 14 người ngồi mấy hàng ghế phía cuối.
Đúng 9 giờ, một người đi vào. Có tiếng hô nghiêm, chúng tôi đứng dậy. Người đó bước lên bục. Sau khi làm thủ tục chào cờ hát quốc ca, mặc niệm, ông ta với cặp mắt như tỏa ánh sáng sau đôi kính trắng thật dầy, và bằng giọng Huế ấm và nặng, ông vừa tha thiết nhắn nhủ, vừa nghiêm nghị ra lệnh. Nội dung:
- Các anh là những thanh niên, sẽ trở thành rường cột của Tổ Quốc trong tương lai. Bởi thế, hãy ra sức cố gắng học tập, công tác, để không phụ lòng tin tưởng và thương yêu của Tổng Thống. Lúc này, đang đi công cán đặc biệt, nên Tổng Thống không kịp ra dự buổi khai giảng lớp học hôm nay. v.v..
Ba mươi phút sau, người đó về ngay.
Chiều hôm đó, ông Minh (Phó giám đốc lớp học) giảng về Chủ nghĩa Nhân Vị.
Giờ sau, ông Hương giảng về Chủ nghĩa Cộng Sản.
Lần đầu tiên chúng tôi được nhìn hai tấm hình to tướng khổ 40×60 phân của Engels và Karl Max. Ông lướt qua những nét chính vể Chủ nghĩa Cộng Sản với những diễn tiến theo thời gian từ Đệ Nhất Quốc Tế đến Đệ Ngũ là Tito Nam Tư, (dĩ nhiên là đứng từ góc độ của thế giới tự do để nhìn về Chủ nghĩa Cộng Sản). Ông Tạo, Chủ sự Phòng Thương Mại, giảng về Kinh Tế và Xã Hội. Ông Đức giảng về tự do và con người, v.v…
Tất cả chỉ là mở ra một bức tranh khái niệm về từng lãnh vực. Tuy vậy, chúng tôi vẫn phải làm bài với những đề tài như:
- Con người và Xã Hội. - Chủ nghĩa Cộng Sản và con người. - Nền Kinh Tế chỉ huy và tự phát. v.v…
Chúng tôi được tha hồ tham khảo sách báo ngoài xã hội. Phải nói, lúc đầu tôi cũng hơi ngạc nhiên, tại sao lại cho chúng tôi học những món như vậy. Phải hơn một tháng sau, tôi mới hiểu rõ.
Hằng ngày đi học bằng xe bít bùng, bọc kín như bưng… Tôi để ý, thường thấy những chiếc xe du lịch ra vào đậu trong sân số 2 Jean Jacques Rousseau, lại phải lấy vải bịt số xe. Những người trên xe hầu hết là ngoại quốc, nam cũng như nữ. Thái độ của họ tỏ ra nhanh nhẹn và cũng kín đáo khác thường.
Trong những giờ giải lao, chúng tôi lang thang ngoài sân, khi gần ra phía cổng thì bị giảng viên gọi vào. Họ nói:
- Các anh không nên ra ngoài đó, có thể bị chụp ảnh.
Những điều như vậy, càng gợi trí tò mò của tôi. Tôi suy đoán, có thể không chừng đây là một chỗ tới lui của nhiều tay điệp viên quốc tế chứ không chơi đâu, do đó, tôi tìm mọi cách để mong biết được tên thật của các giảng viên. Tôi hiểu họ dùng toàn tên giả. Thí dụ: Ông Minh giảng về Chủ nghĩa Nhân Vị lại có cái thắt lưng mang chữ K. Hoặc ông Đức, có lần thoáng trong lần giải lao, ông Minh lại gọi là ông Thái. Tôi muốn biết rõ tên thật và chức vụ thực của họ. Phần khác, tôi còn ghi tất cả những số xe, bất kể loại gì ra vào ngôi nhà số 2 này. Tôi cho rằng rồi đây ở Sài Gòn, hay ở đâu, nếu tôi gặp những chiếc xe đó, địa điểm và chủ nhân ấy đều có dính dáng đến tình báo. Điều đáng trách của tôi, là ghi tất cả tên cũng như số xe vào một cuốn sổ tay, mà tôi thường bỏ trong người.
Trong những buổi lên lớp cũng như những bài làm ở nhà, nhiều lần tôi được khen là có những ý kiến sâu sắc; nhất là ông Hương, Giám đốc, càng tỏ ra thân mật quý mến tôi hơn.
Hàng tuần, trưa thứ Bảy, chúng tôi được nghỉ học, về nhà. Tối Chủ Nhật trở lại.
Qua chuyện trò sinh hoạt, sau nửa tháng, tôi đã biết trong số 14 người này có nhiều anh đã có phần I, phần II Tú Tài. Đa số là con ông cháu cha, con cháu Tỉnh Trưởng, Chủ sự,v.v… Vì vậy, tôi và Lý càng hoan hỉ tin tưởng vào tương lai của mỗi người.
Học được hơn nửa tháng, một hôm, tôi không thấy cuốn sổ tay nhỏ của tôi đâu, tôi thắc mắc tìm hoài mọi chỗ, hỏi cả Lý, cũng không thấy. Tôi cho là, có thể nhiều lần đi trên xe, xe vừa đông lại vừa xóc, cuốn sổ rơi xuống đường rồi chăng, chứ tôi đã tìm hết mọi chỗ rồi. Tôi cũng đã hỏi toàn thể anh em, nhưng không một ai biết. Mãi rồi cuốn sổ tay đó cũng đi vào lãng quên.
Một buổi tối, sau khi học và làm bài vở xong, tôi chợt nhớ tới cuốn sổ tay, tôi quyết định mở va li tìm hết lại một lần nữa may ra thấy chăng. Lục lọi, tìm mãi cũng không thấy. Tôi chợt nhìn thấy gần nửa bánh pháo “Đại Quang” ở trong góc va li, thứ pháo nổ xác tan nhỏ như vảy ốc. Bánh pháo này hồi Tết còn thừa, tôi định để dành cho Tết sang năm.
Sẵn tinh nghịch ngợm ngang tàng, tôi rút ra một chiếc pháo trước mặt Lý và mấy anh em còn thức. Miệng đang ngậm điếu thuốc, tôi bình thản từ từ đưa ngòi pháo vò đầu điếu thuốc đang cháy; khi ngòi đã xì lửa, tôi vẫn lạnh lùng nhìn chiếc ngòi xì dần rồi nổ ngay ở tay, ngang ngay trước mặt tôi chừng hai mươi phân, chỉ vì tính ngông cuồng tỏ với mọi người là mình gan lì.
Mọi người ngồi đó không ai nghĩ là tôi dám đốt pháo như vậy, mà chỉ cho tôi đùa bỡn, nên không kip có ý kiến can ngăn.
Tiếng nổ dữ dội, âm vang trong ngôi nhà như tiếng lựu đạn khiến mọi người xanh mặt, kể cả tôi! Anh em đứng cả dậy. Ba người bếp ở dưới nhà cũng hộc tốc chạy lên, mặt mày nhớn nhác. Sau khi biết nội vụ mấy người làm bếp và tất cả anh em giúp tôi nhặt từng mảnh pháo vụn. Giám thị Lâm hôm đó tình cờ lại đi chơi vắng. Lúc đó đã 10 giờ tối.
Tôi liếc nhìn xuống đường chỗ ngã tư Phú Lâm, thấy một người quân cảnh và hai cảnh sát, đều ngước nhìn lên lầu tòa nhà 365, rồi một người lấy xe gắn máy chạy về phía Sài Gòn.
Tôi xuống nước năn nỉ ba người bếp và các anh em đừng để sự việc này cho ban Giám Đốc biết.
Dọn xong, tất cả đều đi ngủ lại. Riêng tôi nằm bồn chồn lo lắng. Tôi cảm thấy sự việc sẽ không đơn giản. Tôi không yên lòng, với tay sang lay Lý dậy, thì thầm:
- Tao thấy sự việc này sẽ không phải lộ từ phía dưới lên, mà có khi từ phía trên xuống.
Lý trấn an tôi:
- Không sao đâu, hãy đi ngủ đi!
Tôi nằm, tuy có lo lắng, nhưng tuổi trẻ, nên dễ đi vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Tôi đang say mê ngủ, ai đó đến lay người tôi, tôi mở mắt: Cao Đình Tiệu. Ông nhớn nhác, mắt không kính, tóc rối bù, chắc cũng bị đánh thức dậy, ông nói hổn hển:
- Dậy, mặc quần áo xuống ngay dưới nhà gặp ông Hương!
Thật là chết! Tôi ngồi bật dậy. Xuống đến lưng cầu thang, đã nhìn thấy ông Hương, ông Minh, quần áo lôi thôi, dáng vẻ còn ngái ngủ. Lúc đó đã 2 giờ đêm.
Tôi hồi hộp nhìn các ông ấy. Điều làm tôi buồn khổ, hổ thẹn nhiều là ông Hương, ông Minh, ông Tiệu, nghĩa là cả Ban Giám Đốc, cũng như giám thị, trước đây đề cao và quý tôi nhất, cho nên tôi chỉ biết cúi đầu.
Chắc hẳn ông Hương đã hỏi ba người bếp chi tiết sự việc rồi. Ông Tiệu không biết gì vì đi chơi. Câu đầu tiên ông Hương hỏi tôi:
- Bình có biết hôm nay là ngày gì không?
Tôi tường ý của ông muốn hỏi như vậy để tôi phải trả lời. Hôm nay là ngày tôi đã gây ra một việc đáng tiếc, nên cứ cúi đầu, ngồi im.
Có lẽ ông Hương (45 tuổi) đã hiểu cái bồng bột quá trớn của một người thanh niên, ông nói luôn:
- Hôm nay là ngày 15 tháng 5, sinh nhật của Karl Marx. (Thảo nào ngã tư Phú Lâm được tăng cường thêm hai cảnh sát và một quân cảnh). Ông Hương nói tiếp:
- Bình có biết việc Bình làm đã chấn động nhiều cơ quan, kể cả Phủ Tổng Thống không?
Vì là ngày sinh nhật của Karl Marx, nên các cơ quan an ninh tăng cường hoạt động để ngăn chận, những manh nha của Cộng Sản. Khi nghe tiếng nổ, nếu ở một chỗ bình thường, cảnh binh chỉ việc vào điều tra tìm hiểu; và thấy do đốt pháo thì chỉ phạt 20 đồng theo quy định hồi ấy.
Ở đây, tiếng nổ lại phát ra từ ngôi nhà 365. Cảnh sát cũng như quân cảnh đều hiểu ngôi nhà đó thuộc trung ương, nên không dám vào khám xét. Nhưng vì sự việc xảy ra trong khu vực trực tiếp trách nhiệm của họ, nên bắt buộc họ trình báo cáo cấp trên. Đồn trưởng báo Quận, Quận hỏi ý kiến Nha Giám Đốc. Nha Giám Đốc cho căn nhà đó là của An ninh Quân đội, thuộc Phủ Tổng Thống. Lời tường trình được báo về cấp cao nhất, và cuối cùng truyền ngược xuống Ban Giám Đốc lớp học.
Mặt của ông Hương, Minh, Tiệu như bàn tay bà già. Mặt tôi có lẽ dài ra gấp rưỡi ngày thường.
Ông Hương chậm rãi nói:
- Không thể dùng quyền để ém nhẹm vụ này, vì như vậy càng làm cho các cơ quan khác nghi ngờ. Cho nên, ngày mai cảnh sát sẽ vào đây lập biên bản. Vậy, hãy nói với họ đây là một số sinh viên, học tập Chủ nghĩa Nhân Vị trong dịp hè. Một người trong lúc vui chơi đã nghịch, gấp một chiếc pháo giấy đập mạnh bằng tay, vì ở trong tòa nhà, nên nó đã vang to như vậy.
Ông Hương bắt ông Tiệu lấy giấy gấp thành một cái pháo, mà học sinh vẫn chơi. Tôi phải thực tập, cũng nổ. Nhưng làm sao bằng pháo thật!
Đến đây, tôi cũng suy nghĩ. Tại sao ông Hương không nói thẳng với cảnh sát là tôi nổ pháo, mà phải làm trò như thế, cảnh sát tin sao được. Tôi cho rằng, có lẽ một phần ông Hương muốn cho đỡ khuyết điểm cho tôi với trên, phần khác cho chính ông ta (tại sao lại tuyển mộ một học viên có những hành động nhố nhăng như thế).
Sáng hôm sau, một xe “díp” cảnh sát chở ba người, kể cả Đồn trưởng, vào gặp ông Tiệu và tôi. Thái độ cảnh sát rất nhã nhặn, dè dặt, và tỏ ý, đây chỉ là nguyên tắc, vì vậy, họ cũng không bắt tôi phải đập pháo giấy. Nghĩa là họ không tin, nhưng việc phải làm, cho nên họ ghi đầy đủ sự việc theo lời khai vào sổ trực.
Ông Tiệu còn nhăn nhó nói:
- Địa điểm học này đã bị lộ, có thể sẽ phải chuyển đi nơi khác.
Sóng gió lại bình lặng! Chúng tôi lại tiếp tục học hành. Tuy vậy, từ đấy tôi rất ngượng nên thường tránh mặt, không muốn gặp ông Hương và ông Minh nữa.
Hơn một tuần sau, vào lúc 7 giờ tối, một anh bếp gọi tôi xuống gặp ông Giám thị. Khi xuống tới buồng ông Cao Đình Tiệu, tối thấy trên bàn một chai rượu mạnh. Mặt ông đỏ gay và thật buồn. Thấy tôi, ông hất hàm ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Rồi quay mặt nhìn ra cửa sổ, chậm rãi:
- Bình có một quyển sổ tay nhỏ phải không?
Thoáng nghe tim thót lại, tôi gật đầu lo lắng nhìn ông.
- Bình có biết quyển sổ đó hiện nay đang ở đâu không?
Tôi nói trong đắn đo, dè dặt:
- Đã mất hơn nửa tháng nay và tìm mãi không thấy.
Ông quay ngoắt lại, nhìn thẳng vào mặt tôi, dõng dạc:
- Hiện giờ, nó đang nằm trên Phủ Tổng Thống!
Ôi chao, sao tôi có nhiều việc thế này! Lòng tôi hoang mang, hoảng sợ nhìn ông. Ông hỏi tiếp:
- Ai là người giới thiệu và bảo lãnh Bình vào lớp học này?
- Cha Mai Ngọc Khuê.
Mặt ông buồn thiu, thổ lộ:
- Tôi không có em trai, từ ngày tôi gần Bình, tôi rất mến và coi Bình như em trai của tôi. Chiều nay tôi đã tham dự một cuộc họp hai tiếng đồng hồ. Tôi đã vận dụng nhiều lý luận để binh vực cho Bình, nhưng địa vị và quyền của tôi chỉ có giới hạn. Cuộc họp đã quyết định xong vể Bình rồi. Họ sẽ giao Bình sang An Ninh Quân Đội, Bình sẽ bị sát hạch, khai thác, có khi bị tra khảo nữa. Vậy ngay bây giờ, Bình vể khẩn khoản nói với Cha Khuê, may ra uy tín của người sẽ cứu được Bình.
Ông còn hỏi:
- Có tiền đi tắc xi không?
Ông mở ví móc đưa tôi 50 đồng.
Tôi như ngồi trên lửa, khua tay rối rít cám ơn nói là đã có tiền rồi. Tôi đứng lên chuẩn bị đi ngay sang khu Lăng Cha Cả, ông còn kéo tay tôi lại:
- Tại sao Bình ghi hơn chục cái số xe để làm gì? Cả tên thật và chức vụ của các giảng viên nữa?
Mặt tôi buồn rười rượi. Tôi thú thật với anh là vì tò mò. Anh giục tôi đi ngay, về thú thực hết với cha Khuê. Trên đường về, tôi nghĩ ngay tới Đạo, ngưởi Trưởng toán. Mục đích ở trên đưa nó vào để theo dõi chúng tôi về tư tưởng. Nghĩ cho cùng, tôi chỉ giận mình ngu xuẩn, nhố nhăng, không thể trách Đạo được vì đó là nhiệm vụ của anh ta.
Những năm tháng sau này, nhiều khi suy nghĩ lại sự việc trên, tôi thấy, trong cuộc đời, chuyện may rủi không một ai dám phủ nhận, nhưng cũng phải thừa nhận là “bản tính tạo nên cuộc đời”. Thực tế, tính một người ưa động, coi thường nguy hiểm, thích đấm đá, dao búa, buôn lậu, hoặc hoạt động chính trị, làm cách mạng, v.v… Đời người ấy, nói chung, sẽ nổi chìm bất thường. Ngược lại, một người sợ chuyện nguy hiểm, rụt rè trước những việc mới lạ, cá biệt không kể, nói chung, đời người đó trôi đều phẳng lặng. Cho nên, bản tính của tôi đã như thế, tôi phải gánh lấy hậu quả tất yếu, kêu trời làm chi!
Về gặp Cha Khuê. Trước đây người vồn vã vui tươi với tôi, bây giờ, sau khi tôi trình bày sự việc, mặt người thật lạnh lùng xa lạ. Người chỉ nói một câu: “Làm như vậy đấy!” Tôi thật buồn và thẹn. Nếu không vì chuyện cấp bách, tôi chẳng đến người làm chi nữa.
Trở về, hôm sau tôi vẫn tiếp tục đi học ở số 2 Jean Jacques Rousseau, nhưng là những ngày đầy lo âu, nghe ngóng.
Buổi học cuối tháng đó, chúng tôi đến lớp nhưng không học. Chúng tôi được lệnh ngồi chờ. Từng người được gọi vào một căn buồng phía trái để làm việc, khá lâu. Mỗi khi một người mở cửa buồng bước ra, tôi hỏi, họ đều lắc đầu. Mãi tới lúc Lý ra, tôi hỏi, hắn chỉ vắn tắt:
- Lấy tiền, và viết giấy cam đoan, ông ấy dặn tao tuyệt đối không nói gì với người khác.
Gần về cuối, tôi mới được gọi. Gặp ông Hương, tôi ngượng ngùng, nhưng ông lờ đi. Nội dung sinh hoạt riêng từng người là:
- Ký vào mấy tờ giấy và lĩnh 2,500đ.00 một tháng (học, được nuôi ăn ở lịch sự, lại còn có lương!) - Một tờ cam đoan đã đánh máy sẵn. Tuyệt đối không kể một sự việc gì vể lớp học cho một ai khác, kể cả gia đình. Nếu vi phạm, sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. - Về nhà chờ, khi nào có người tới đón, sẽ đi học tiếp tục.
Sau đó, chúng tôi ra về. Tôi những tưởng tai qua nạn khỏi, nhưng không phải vậy. Thỉnh thoảng, tôi vẫn đến nhà Lý chơi để xem tình huống gọi, đón như thế nào. Một hôm, tôi đến nhà Lý như mọi lần, được người nhà Lý cho biết, sáng sớm đã có người đến đón Lý đi rồi. Thôi, thế là tôi đã bị thải. Để cho sáng tỏ hơn, tôi phải liều. Tôi vội vàng phóng xe xuống 365. Lúc đó đã là giờ trưa, rất im vắng. Tôi lên tuột trên gác thấy Lý và 9 người nữa đang ngủ. Tôi lay vai Lý dậy, rồi chúng tôi cùng xuống dưới nhà. Lý nói, mặt buồn buồn:
- Ông Hương đến đón tao đi ngay, nên không kịp viết giấy để lại cho mày. Tao có hỏi ông Hương về mày. Ông trả lời “Hãy biết phận mình thôi”.
Tôi thấy Lý cũng không biết gì hơn, tôi hẹn Lý cuối tuần về sẽ nói chuyện. Tôi vào buồng anh Tiệu, anh cho biết: “Không gọi, có nghĩa là loại rồi” và “Lớp học bây giờ chỉ còn mười người!”
Như vậy là tôi đã hiểu. Mục đích của một tháng học đó chỉ là để tìm hiểu và để lọc người. Trừ anh Đạo trưởng toán có nhiệm vụ riêng không kể, 3 người đã bị loại.
Ruột tôi thật là héo úa! Anh Tiệu thấy tôi buồn, anh đặt tay lên vai tôi, vừa như tâm tình vừa như an ủi:
- Dù học lớp này hay không, Bình hãy đến với tôi. Nhưng không nên đến đây nữa. Bây giờ là giao thiệp giữa cá nhân tôi và Bình.
Anh cho tôi số nhà riêng và hẹn gặp vào những ngày cuối tuần.
Trên đường về nhà, tâm tư tôi nặng trĩu trái sầu. Tôi nghĩ đến lời anh Tiệu khi nãy: “Trong lớp học đó, Bình được Ban Giám Đốc khen ngợi là trội nhiều mặt, tháo vát, nhanh nhẹn, nhưng …”
Vâng, trong cuộc sống con người, chữ “nhưng” và chữ “nếu”, hai chữ quái quỷ này có lúc làm cho con người sung sướng ngất ngây bao nhiêu, thì nhiều khi chúng cũng làm cho người ta đau khổ chất chồng, đầy máu và nước mắt bấy nhiêu. Đôi khi tàn lụi cả cuộc đời cũng vì chúng.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen