Chuyên nghiệp là biết cách làm, khi nào làm, và làm điều đó.

Frank Tyger

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 127 / 14
Cập nhật: 2020-06-12 14:04:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tập 1 - Mở Đầu
ó những bí mật không cho phép được tiết lộ... Hỡi ôi, đôi khi lương tâm con người đặt lên anh một gánh nặng tràn đầy kinh hãi đến nỗi chỉ có thể trút bỏ nó xuống mồ. Cho nên bản chất của mọi tội ác vẫn là điều bí mật.
EDGAR POE
Vào sáng sớm, chuông gọi cửa vang lên trong căn hộ của tôi ở Moskva. Trong nhà, ngoài tôi ra, không có ai cả. Tôi bực dọc đứng dậy rời bàn viết và tiến ra mở cửa.
Ở đầu cầu thang, trong bóng tối lờ mờ của buổi sớm ảm đạm là một phụ nữ với cái túi xách to bằng da màu đen trong tay. Khuôn mặt gầy gò, má hóp sâu và đôi mắt u uẩn như đã khóc nhiều. Người phụ nữ lạ khoác chiếc bành tô ngắn với đai thắt bằng da, cổ áo và cổ tay cũng làm bằng thứ da mềm màu đen. Bà đi đôi ủng cao đến đầu gối, ống rất hẹp, bằng da thuộc. Một đám mây đặc vô hình của loại nước hoa ngoại nào đó bao quanh bà.
- Bà hỏi ai? - tôi hỏi.
- Chào ông. Ông hẳn là không nhận ra tôi?
Bà nói tiếng Nga với một chút giọng lơ lớ, phải tinh ý lắm mới nhận ra. Bà không xướng họ, cũng chẳng gọi tên tôi. Tôi nhìn vị khách buổi sớm này và vắt óc để nhớ xem tôi đã từng gặp bà ở đâu và vào lúc nào..
- Ông không nhận ra tôi cũng dễ hiểu thôi, - người phụ nữ vận đồ đen nói, - chúng ta đã gặp nhau kể cũng đã hơn mười năm rồi. Và cũng chẳng phải chỉ tại thời gian...
Chúng tôi vào phòng ngoài. Tôi đỡ lấy chiếc áo bành tô của bà và đẩy cửa vào căn phòng to, rộng, sáng sủa.
- Xin mời bà vào!
Tôi nhìn kỹ bà khách dưới ánh sáng tự nhiên ban ngày và cảm thấy có lẽ mình đang dần dần đoán ra. Chẳng lẽ đó lại là Velga Rudolfovna, mẹ của anh bạn quen người Mỹ của tôi là Serge? Tôi đã gặp anh ở nơi xa lắc xa lơ đối với Moskva, ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nhưng vào hồi đó Velga Rudolfovna, đang độ xuân sắc, hoạt bát, căng đầy nhựa sống. Hồi ấy bước đi của bà còn uyển chuyển, duyên dáng, trang phục của bà còn trắng và mỏng lướt như của cô dâu. Bây giờ bà bị cùm trong bộ đồ đen.
Nỗi bất hạnh nào đã giáng xuống người đàn bà Mỹ vốn hạnh phúc kia? Bà để tang ai đó?
Bà ngồi khuỵu xuống mép đi văng, kéo cái gạt tàn lại phía mình, rồi rút bao thuốc lá ra, bà hút và đi văng nhả khói thật sâu như những tay sành nghiện vẫn làm.
- Ông nhớ rồi chứ?...
- Vâng, thưa bà Velga Rudolfovna! Rất hân hạnh được gặp bà. Số phận nào run rủi bà ở chính ngay Moskva này? Bà không có ý định đến đây, bà vẫn nói thế cơ mà.
- Vâng, tôi vẫn nói thế. Nhưng kể từ hồi đó đã biết bao nhiêu thay đổi. Tôi còn lại có một mình. Tôi mất hết người thân rồi.
- Chồng bà đã mất?
- Thằng Serge nhà tôi không còn nữa. Người ta giết nó rồi.
- Khi nào vậy? Ai giết?
- FBI[1] đâm bất lực trong những trường hợp như thế. Hung thủ. cho đến giờ vẫn chưa tìm ra. Cái nước Mỹ đáng nguyền rủa của Hoover [2]! Tôi sẽ không trở về đấy nữa.
- Đầu đuôi chuyện ấy ra sao, thưa bà? ở đâu ạ?
- Ở Niagara Falls. Ông còn nhớ cái thành phố nhỏ ấy?
- Tôi còn nhớ lắm chứ! Serge yêu thác Niagara lắm mà.
- Vâng, nó yêu lắm. Trong chuyến đi Niagara cuối cùng, nó có đến chỗ tôi và để lại những ghi chép của nó.
Bà nhấc cái túi to màu đen đang nằm trên sàn, dưới chân mình, lấy ra quyển vở dày và chìa cho tôi.
- Đấy! Ông đọc đi, rồi ông sẽ rõ tất cả.
Tôi cầm lấy quyển vở. Tôi có cảm giác nó nặng như cục chì.
- Serge bảo tôi chuyển cho ông nhật ký của nó, nếu như có chuyện gì xảy ra với nó.
- Anh ấy đã thấy trước được cái chết của mình?
- Nó lúc nào cũng ở trong vòng nguy hiểm. Công việc của nó như thế. Tôi nhận được tin ngay sau khi nó chết. Có kẻ gọi điện cho tôi và bảo: "Con trai bà đã nhảy xuống vực Niagara". Cái giả thuyết dối trá đó được báo chí và cảnh sát vơ lấy. Serge yêu đời, nó không thể tự tử được. Người ta đã giết nó. Giọng của kẻ gọi điện cho tôi run run vì một nỗi vui sướng khó kìm. Không hiểu vì sao mà tôi chưa mất trí. Tôi chạy ra khỏi nhà, nhảy lên ôtô và phóng đi. Có đến cả trăm lần tôi suýt kẹt chết người. Cả trăm lần tôi có thể bị tan xác. Cảnh sát giao thông đuổi theo tôi. Thế mà tôi đã kịp đến! Người ta đã lôi Serge lên khỏi vực, nhưng chưa dám đem đi. Nó nằm ngay gần thang máy của tháp. Trên người nó còn đôi giầy rách nát, cái quần cũ, cái áo khoác da thuộc, những miếng vá ở khuỷu tay và cái áo sơ mi trắng có cravat kiểu Nga, chính cái mà ông đã tặng nó khi đến thăm gia đình tôi. Ông còn nhớ chứ?
Velga Rudolfovna hút sang điếu thuốc mới. Nhưng bà quẳng nó ngay lập tức và khóc òa lên..
Sau một lúc, đã hơi bình tâm lại, bà lấy từ túi xách ra chiếc phong bì to, hẹp:
- Cái này dính liền với ghi chép của nó đấy.
Bà lại khóc. Rồi lau nước mắt, bằng một giọng nhỏ nhẹ, chậm rãi khi dịch ra tiếng Nga, bà đọc bức thư cuối cùng của con trai, có lẽ nó được viết ra vài giờ trước khi chết:
- "Mẹ thân yêu ơi, người bạn duy nhất của con! Con viết phòng trường hợp bất trắc, nếu có tai ương gì xảy ra với con. Tính mệnh con đang ngàn cân treo sợi tóc. Con có thể bị trừng phạt vì muốn kể cho mọi người nghe sự thật về Hatter và bè đảng của lão ta.
Ngay với mẹ, con cũng chưa nói gì về ý định của mình. Con không thể làm khác được. Tha lỗi cho con nhé, mẹ thân yêu. Chuốc lấy lo âu và mạo hiểm, con đã chơi trò đi săn nguy hiểm và đã quay về với "mảng da đầu" của ông Bạc tỉ trong tay. Mảng da đầu của Hatter là những ghi chép của con về những trò kinh doanh bí mật của lão ta, về những món tiền đẫm máu và bẩn thỉu, về những cái vòi thấy được và không thấy được vươn từ lão ta đến Nhà Trắng, Capitol [3], Lầu Năm góc.
Những ghi chép này hình thành theo những dấu vết còn nóng hổi của các sự kiện, phần lớn là theo những cảm tưởng trực tiếp. Con chưa có dịp chọn lựa một cách bình thản những sự kiện thiết yếu nhất. Giá như con có thêm dù chỉ một tháng nữa, con sẽ sắp xếp lại, bổ sung cuốn sách bằng những tài liệu sau chót, vạch mặt đến tận cùng bọn chó chết hút máu người khác không tanh ở Lầu Năm góc. Hỡi ôi! Con thấp thỏm từng khoảnh khắc, khi mà bọn giết người được phái đến sẽ giật bút khỏi tay con.
Con đã quen với ý nghĩ rằng có thể phải đem đời mình ra trả giá cho dự định vạch bộ mặt thật của những kẻ quyền thế của thế gian này. Sự lựa chọn được làm có ý thức. Con không sợ chết. Con chỉ sợ một điều: Không thực hiện được ý tưởng của mình. Mẹ ơi, giúp con nhé! Mẹ hãy gìn giữ bản thảo này. Bằng mọi giá. Hãy chuyển nó cho... Mẹ cũng biết là cho ai rồi... Cho những người có thể đăng được nó.
Mẹ hãy nói với những người bạn của mẹ con mình là con đã cố nói rất ít về mình, nhất là sau những phát súng ở Dallas, bởi vì con không viết tiểu sử bản thân mình. Nhân vật chính của cuốn sách là lối sống Mỹ, sự tôn sùng đồng tiền, tôn sùng bạo lực và lăng mạ con người, sự tôn sùng thói nô lệ vừa được ngụy trang lẫn công khai, và tôn sùng sự chém giết vì đồng tiền.
Velga Rudolfovna im lặng hồi lâu để lấy lại sức, bà lại hút thuốc và tiếp tục đọc:
- Con viết nốt dòng này dưới ánh sáng của một ngày mới bắt đầu. Con ngồi bên cửa sổ và xem những bông tuyết to hạt của lễ Giáng sinh đang rắc xuống và làm trắng dần thảm cỏ xanh, bụi cây xén và mặt đường nhựa đen. Ông già Noel[4] được làm bằng vải vụn gác lối ra vào đã bạc trắng và nghiêm nghị ra. Cây cối bất động. Không có bóng người. Không có một dấu vết nào trên tuyết mới. Một chú chim đã chuyền cành, tỉa tót bộ lông sặc sỡ và líu lo điệu hót vui tươi. Thế gian quả là đẹp trong giây phút bừng tỉnh. Con càng cảm thấy sâu sắc hơn bao giờ hết tuổi xuân của mình. Con muốn nghe tiếng gầm của Niagara. Con muốn đón mặt trời mọc ở đâu đó trên núi Đá tảng. Con muốn bước dọc những cồn cát Nevada. Con muốn cưỡi con Mustang[5] phi suốt nước Mỹ, từ Chicago đến Los Angeles. Nhưng hơn hết nữa, con muốn cảm thấy mình là một con người chân chính, không thuộc quyền của cả Lầu Năm góc, cả ông Bạc tỉ, cả bọn tay chân của lão ta. Làm kẻ bợ đợ cho những hòm tiền quả không thể nào chịu nổi. Thà vung gươm với kẻ thù, còn hơn đợi đòn đánh hậu đểu cáng của hắn.
Trên con đường trắng từ phía thành phố, đã hiện ra chiếc ôtô đầu tiên. Để lại sau mình vết đen, nó lăn bánh thẳng tới căn nhà của con và dừng lại. Cửa trước của chiếc Mercury mở toang ra, một người vạm vỡ, cao to trong chiếc áo da cổ lông nhảy xuống đất phủ đầy tuyết. Hắn là ai? Nhân viên Cục điều tra liên bang? Tên côn đồ trong đội tàng hình "Phụng sự thánh thần" của Batistini? Hay là kẻ đặc biệt tâm phúc của Mark trán to?
Thôi, có lẽ là hết. Con nhét bản thảo và lá thư cho mẹ vào chỗ bí mật.
Mọi sự qua rồi! Người áo da kia hoá ra là người đưa điện báo đêm. Anh đem đến bức điện cấp tốc của mẹ chúc mừng con ngày lễ Giáng sinh.
Cám ơn mẹ yêu quý. Trong lòng con thanh thản quá. Con cất bức điện vào túi gần nơi tim, và lên đường đến chỗ mẹ đón lễ Giáng sinh, rồi sau đó đến thác nước. Ôi, nếu con hoàn thành nổi việc này!
Để đề phòng mọi sự, một lần nữa xin vĩnh biệt mẹ! Mẹ hãy sống thật lâu, thật lâu vào nhé. Chúc cho đời mẹ không còn phải thấy cảnh chém giết ở đất nước ta, ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Mong sao cho những Tổng thống xa lạ với dân chúng, dù là hiện diện hay tàng hình sẽ không lọt vào Nhà Trắng nữa. Mong sao những chính phủ do dân và vì dân [6] ở nước ta được thiết lập."
Serge của mẹ.
Niagara Falls. Sáng 25 tháng Chạp 1963.
Theo Dấu Chân Những Người Tàng Hình Theo Dấu Chân Những Người Tàng Hình - Alexsandr Avdeenko Theo Dấu Chân Những Người Tàng Hình