Số lần đọc/download: 1314 / 18
Cập nhật: 2016-06-09 04:38:44 +0700
Chương 2
T
rên bãi giảng võ của Lượng Quốc phủ, hơn một trăm giáp binh và lão tướng Hoàng Ngũ Phúc, tức Việp Quận công đã tề tựu sẵn sàng.
Một lát sau, từ hành lang sau gian chính, một thanh niên tráng sĩ bước xuống, theo hầu là một vị võ tướng trẻ tuổi: Bùi Thế Đạt.
Việp Quận công vừa thoáng thấy chàng thanh niên mặc võ phục màu hồng liền rảo bước lên đón. Khi hai bên đã gần nhau, Việp Quận công cung kính vái chào và hỏi:
- Tướng công triệu lệnh mạt tướng vào hầu chẳng hay có điều chi truyền dạy?
Thanh niên tráng sĩ cầm tay Việp Quận và tươi cười đáp:
- Lâu nay, tôi vẫn nghe thiên hạ tuyên truyền rằng đao pháp của lão tướng giỏi lắm, thực là Hoàng Trung của nước Nam, ý tôi muốn xin lão tướng truyền thụ cho.
Việp quận nhún mình:
- Vương tử tinh thông thập bát ban võ nghệ, tài mọn của mạt tướng này thấm vào đâu mà dám múa rìu qua mắt thợ!
- Thôi, lão tướng đừng nhún mình, đất Bắc Hà này, ai còn không nghe danh lão tướng Hoàng Ngũ Phúc nữa!
Vừa nói, chàng trẻ tuổi vừa kéo Việp Quận vào giữa bãi tập. Không thể từ chối, Việp Quận công đành phải cầm thanh đại đao cắm ở cái giá gỗ sơn son và đi luôn mấy bài. Tiếng đồn quả không ngoa! Hoàng Ngũ Phúc tuổi tuy đã cao mà gân xương còn như sắt. Cây đao ở tay lão tướng cứ quay tít như cơn lốc, tưởng chừng mưa sa không lọt tới người. Ánh thép lòe dưới mặt trời thành một đường lửa chói mắt. Đồng thời, một luồng hơi lạnh vùn vụt tung ra, làm cho người đứng xem phải sởn thịt. Múa xong, Hoàng Ngũ Phúc lại ung dung cắm đao vào giá. Chàng trẻ tuổi áo hồng vỗ tay khen:
- Tuyệt diệu! Tuyệt diệu! Thực là danh bất hư truyền!
Chàng hăm hở xắn tay áo bước vào giữa bãi và truyền quân lấy đao lại:
- Nào, Hoàng tướng quân! Ngươi lấy thêm một đao lại nhắc những miếng tuyệt kỹ cho tôi.
Việp Quận công “dạ” một tiếng, cầm lấy cây đao của một tên giáp sĩ rồi tiến đến gần chàng trai trẻ. Lão tướng xuống trung bình tấn, nâng đao lên ngang trán bái tổ, đoạn múa từ từ từng đường một.
Chàng trai trẻ vừa chăm chú nhìn vừa nhắc lại đúng từng cử chỉ. Chàng ôn đi ôn lại vài chục bận nghe chừng đã thành thục liền nói:
- Giờ, tôi xin tự lực đi xem có đúng không!
Dứt lời, chàng liền chuyển thần lực múa đao, nom loang loáng có phần tài hơn Việp quận. Chàng đi xong một bài, chống đao hỏi lão tướng:
- Thế nào?
Hoàng Ngũ Phúc chắp tay nói:
- Vương tử thực là bậc thông quán thế! Cái kỹ thuật năm mươi năm trời của già này không ngờ chỉ trong chốc lát đã lọt sang tay Vương tử!
Chàng trai trẻ cười khanh khách:
- Ông nói thực đấy chứ?
- Bẩm Vương tử, tiểu tướng khi nào dám khí trá! Tiểu tướng dám chắc rằng cái uy vũ của vương gia sẽ còn lừng lẫy không biết chừng nào, một khi quyền chính vào tay Vương tử.
Sự vui mừng làm cho gương mặt chữ dụng của chàng trai trẻ hoạt động hẳn lên. Cặp mắt sáng như đèn long lanh dưới đôi mày nét mác rậm như hai nét vẽ. Một nụ cười đắc chí và kiêu ngạo nở như hoa trên cái miệng rộng có hai môi dày đỏ thắm.
- Giặc Cầu, giặc Phương tuy đã bị chém rồi mà bọn Lê Duy Mật vẫn còn cát cứ xưng hùng ở mạn Thanh Hóa. Tôi định sẽ xin Khải Vương thượng cho tôi cầm quân vào dẹp bọn chúng, thề phải chém được thủ cấp giặc đem nộp dưới thềm son vương phụ mới nghe!
Chàng trai trẻ ngừng lại một phút, vẻ mặt vui cười biến hẳn trên gương mặt chàng, nhường chỗ cho một vẻ tức giận:
- Trong các bọn phản nghịch, tôi ghét nhất mấy cái thằng họ Lê này. Chúng nó thật là đồ vong ân bội nghĩa! Lão tướng quân thử xem, nhà Lê đến đời Cung Hoàng bị nhà Mạc tru diệt, cướp lấy ngôi vua. Sau nhờ có đức Nguyễn Kim và tổ ta là Trịnh Kiểm phò tá mới lại trung hưng lên được. Cứ kể cái công phu mấy đời họ Trịnh thì chẳng những cái ngôi chúa mà ngay đến ngôi vua cũng là xứng đáng. Vậy mà tổ tiên ta vẫn nhất định thờ nhà Lê khiến dòng dõi Lê Thái Tổ vẫn được lâu bền nghiệp đế. Như vậy, họ Lê đáng lẽ nhớ ơn họ Trịnh, đời đời ghi xương tạc dạ mới phải. Nay chúng nó nho nhoe diệt Trịnh, mai chúng nó nho nhoe diệt Trịnh, lão tướng nghĩ có đáng ghét hay chăng? Để đấy chờ khi nào ta lên ngôi chúa, ta sẽ cho chúng nó biết...
Hoàng Ngũ Phúc hùa theo:
- Vương gia nói rất phải! Cứ như nhà Trịnh giá có thay nhà Lê mà làm chủ nước Nam cũng là xứng đáng, không ai còn dị nghị được câu gì nữa!
Được thể, chàng thanh niên càng hằn học:
- Lại cái thằng Duy Vỹ nữa mới đáng giận chứ! Nó tưởng cái ngôi Thái tử của nó là ghê gớm lắm đấy. Nó không biết rằng đến Hoàng đế cũng còn ở trong tay họ Trịnh nữa là...
- Tôi nghe Thái tử vẫn ngầm có dị chí và thường tìm hết cách mua chuộc lòng thiên hạ...
- Dị chí thì làm gì! Mua chuộc lòng thiên hạ nữa thì làm gì cái thứ nó! Được, cứ để xem nó sẽ giở giói những trò gì! Nó cứ ra mặt hẳn đi, ta lại dễ xử lắm, chỉ sợ nó cứ ngấm ngầm rình ta hở cơ mà thôi!
Vừa nói, chàng trai trẻ vừa nắm tay Hoàng Ngũ Phúc dắt về tư thất:
- Nhưng, theo sự thấy của lão tướng thì Duy Vỹ quả có ý phản Trịnh thực à?
- Điều ấy, trừ người nào vô tình lắm mới không thấy rõ.
- Vậy mà phụ vương ta còn định gả Tiên Dung quận chúa cho nó!
- Sao ngài không can ngăn Đại vương?
- Ông làm như Đại vương là người có thể can ngăn được! Ngài độc đoán lắm, dù là Vương phi cũng chẳng dám can ngăn. Chẳng những thế mà thôi, chính Vương phi lại cũng quý trọng Duy Vỹ hết sức. Chính Vương phi đã dự một phần lớn trong việc hôn nhân của Quận chúa Tiên Dung. Tôi tức lắm! Gây lấy cái giống bạc ấy làm gì?
Lúc ấy, chàng trai trẻ, Việp Quận công và Bùi Thế Đạt đã vào tới nội phủ. Chàng trai trẻ tiếp theo giọng hằn học:
- Các ông có xem cái vẻ khinh khỉnh của Duy Vỹ hôm y khâm mạng Lê Hoàng sang Súy phủ mừng thắng trận vương phụ ta chăng? Nó con vua, ta cũng con chúa, nó Thái tử ta cũng Thế tử chứ kém gì! Thế mà nó nghênh nga nghênh ngang, mục hạ vô nhân, chẳng còn coi ai ra gì, trừ Vương thượng...
Bùi Thế Đạt biết rằng Thế tử nói quá sự thực nên đưa mắt nhìn Ngũ Phúc. Việp Quận công cười khẩy:
- Là vì Chúa thượng tỏ ra ưu đãi Thái tử nhiều quá nên ông ta được thể kiêu căng chứ gì!
Thế tử nghiến răng:
- Ta tức lắm! Giá có cách nào phá cuộc hôn nhân này!
Vừa nói, Thế tử vừa ngồi xuống cẩm đôn và tiếp:
- Ừ, các ông có mưu kế gì phá được cuộc hôn nhân của Tiên Dung quận chúa thì dù có phải dúng tay vào máu ta cũng vui lòng!
Câu nói làm cho Bùi Thế Đạt lạnh người. Chàng không ngờ rằng Thế tử Trịnh Sâm lại thù ghét Thái tử Duy Vỹ đến thế. Và như thế, tính mệnh của ông Hoàng trừ nhà Hậu Lê thực là trứng để đầu đẳng. Một ý thương xót vu vơ xâm chiếm cả tâm hồn chàng trai trẻ. Chàng muốn nói một câu gì để làm nguôi bớt sự thù oán của Thế tử nhưng vì chàng phận thấp, chức nhỏ, lại có Hoàng Ngũ Phúc ở đấy nên mở miệng ra không tiện. Chàng thấy viên lão tướng họ Hoàng cứ làm cái trò lửa cháy đổ dầu thêm thì lòng riêng rất lấy làm bất phục.
Giữa khi ấy, một tên Tiểu hoàng môn chợt vào chắp tay nói:
- Có lệnh của Vương thượng truyền Thế tử sang ngay “Súy phủ” hầu việc. Kiệu đã chờ sẵn dưới thềm.
Thế tử Trịnh Sâm đứng lên:
- Giờ hai ông hãy lui, lúc khác ta lại sẽ nói chuyện. Vương thượng có chỉ đòi chắc là về việc ngày sinh nhật của ngài sắp đến nơi đây.
Hoàng Ngũ Phúc và Bùi Thế Đạt vái chào Thế tử đoạn ra về trước. Khi hai người đã đi khỏi cổng Lượng Quốc phủ, Thế Đạt liền bảo Hoàng Ngũ Phúc:
- Ngài là bậc lão thần của triều đình và của phủ Liêu, tất cũng biết rằng những sự bất bình giữa vua chúa không phải là phúc cho trăm họ. Ấy thế mà ngài không lựa lời can ngăn Thế tử thì chớ, lại cứ lửa cháy đổ dầu thêm, khiến câu chuyện cứ to mãi ra là ý làm sao?
Hoàng Ngũ Phúc có ý thẹn:
- Thái tử và Thế tử đều là bậc thiếu niên anh tuấn cả nên hai bên vẫn có ý ghen tài ghen học cùng nhau. Ở Thái tử thì là một ý bỉ thị mà ở Thế tử thì là một ý sa kỵ. Đã thế, còn can ngăn làm sao được? Mình là phận dưới, gặp chuyện thì đưa đà cho xong, hơi đâu làm phật ý người trên!
- Tướng công nghĩ thế sao phải! Vua làm trái mình biết mà không ngăn sao có trọn đạo làm tôi! Thái tử không biết đâu chứ Thế tử xem ý cố tình hại Thái tử đến nơi mất. Thái tử là rể yêu của Vương thượng, mình không can ngăn Thế tử, nhỡ xảy ra chuyện gì chẳng lành, Vương thượng khỏi sao sẽ trách ngài là gần gụi Thế tử mà không ngăn gián.
Hoàng Ngũ Phúc nổi giận:
- Ông chỉ biết có một đường mà không biết hai đường. Vua chúa xung đột nhau, lần này phải đâu là lần thứ nhất. Là vì có vua mà lại có chúa, quyền lợi không thể không xung đột được. Chi bằng, trong nước chỉ có một vua hay một chúa thiên hạ mới mong thái bình. Thế tử vốn có chí lớn, việc này thể nào rồi cũng thành sự thực. Ta ăn lộc của nhà chúa, ăn cây nào rào cây ấy là cái phận sự tự nhiên của chúng ta, ông hiểu chưa?
Bùi Thế Đạt thở dài và cúi đầu nín lặng. Trong khi ấy, Hoàng Ngũ Phúc nghĩ thầm:
“Thằng này ở gần chỉ thêm vướng cẳng, ta sẽ khẩy Chúa thượng cho nó đi thật xa, như vào trấn đất Nghệ An chẳng hạn...”.