Số lần đọc/download: 626 / 0
Cập nhật: 2016-06-03 16:01:25 +0700
Chương 2
V
ào lúc tôi ra đi, Mẹ vẫn còn trong tuổi ba mươi. Mẹ có chiều cao trung bình, và luôn luôn mặc màu xanh đậm hoặc màu đen; áo ngoài của Mẹ, dù cũ và rách, bao giờ cũng rất sạch sẽ. Mái tóc đen của Mẹ chải ngược lên và quấn thành một búi ở gáy. Mẹ lúc nào cũng muốn có bề ngoài đứng tuổi hoặc già hơn. Nhưng quần áo cổ lỗ và búi tóc ở sau gáy không che giấu được sắc đẹp và sinh lực của Mẹ. Dĩ nhiên cảnh nghèo và sự bất hạnh đã cướp đi sự tươi mát của tuổi trẻ. Nhưng hình dáng Mẹ thanh tú như ngà ngọc. Hàng lông mi dài và đôi mắt trong sáng long lanh của Mẹ lúc nào cũng có vẻ xúc cảm u buồn, đã tạo cho Mẹ một nhan sắc thực sự. Sắc đẹp của Mẹ có vẻ hướng nội; vẻ đẹp ấy giống như một con suối nhỏ ở giữa rừng sâu. Sắc đẹp ấy chỉ bộc lộ rất chậm chạp, róc rách chảy từ từ qua lời nói và hành động hàng ngày của Mẹ.
Hồi còn nhỏ, tôi rất thích giúp Mẹ gội đầu. Tóc của Mẹ phủ đầy chậu nước. Tóc rất dài, mềm và óng ánh. Tôi thường chạy quanh Mẹ, nắm lấy mớ tóc dầy và cố dúng vào chậu nước, nhưng chậu nước không chứa hết tóc Mẹ. Mẹ thường than phiền đầu tóc của Mẹ. Mớ tóc ấy thực là một gánh nặng, mà có thể là một sự bất hạnh nữa. Tuy nhiên đó không phải là ý kiến của tôi. Sau khi gội xong, mớ tóc nằm trên vai Mẹ thành một dòng suối bóng bẩy, đuôi tóc cong lên. Mái tóc của Mẹ thực là đẹp - giống như một bức tranh!
Tuy Mẹ đẹp và còn trẻ như thế mà đã goá chồng tám năm rồi!
Một câu nói lâu đời khác: "hồng nhan bạc phận." Ðó là điều người ta thường nói về Mẹ. Gia thế bố tôi không giầu lắm. Ông lấy vợ rất sớm, nhưng không có con trai. Bà nội tôi sợ dòng họ Vương tuyệt tự, và quyết định lấy vợ bé cho con trai. Trong xã hội cổ, không có gì dễ dàng cả - không có gì, trừ việc mua một người đàn bà. Việc ấy thật rẻ rúng và dễ dàng. Mẹ là một cô gái quê, được nhà họ Vương mua để có con trai. Năm đó Mẹ mới có mười lăm tuổi.
Những sự trớ trêu của đời thực là kỳ lạ. Bạn càng ao ước cái gì bao nhiêu thì cái đó lại càng xa lánh bạn bấy nhiêu. Mẹ đã mau mắn sinh một loạt tám con gái, mặc dầu chỉ có năm người sống sót. Ba hài nhi kia hoặc là bị dìm nước cho chết, hoặc bị nắm hai chân và quẳng ra ngoài rừng. Một người vợ bé thì thấp kém nhất trong những thứ thấp kém, nhất là khi người ấy chỉ sinh được con gái. Ðúng ra Mẹ đã lảo đảo sống dưới sức nặng của khinh bỉ và tội lỗi - cái tội chỉ sinh được con gái.
Trong vùng tôi có tục lệ bắt đàn bà đẻ phải ngồi suốt ngày đầu tiên. Người ta tin rằng máu huyết khi sinh con là máu độc. Ngay cả ma quỷ cũng bị lây bệnh nếu đụng phải máu ấy. Vì thế đàn bà đẻ phải tống ra ngoài hết máu dơ. Trước giờ lâm bồn, tất cả chiếu và khăn giường được dọn đi. Sau đó người ta trải lên giường một lớp tro dầy, bên trên phủ một lớp rơm. Và đấy là nơi sản phụ sinh con. Sau khi hài nhi ra đời rồi, sản phụ không được phép nằm xuống, mà phải ngồi suốt ngày như thế, kể từ lúc sinh con xong. Nếu một ngày không ra hết máu thì sản phụ phải ngồi thêm hai mươi bốn giờ nữa. Trong một số trường hợp, sản phụ đã chết vì xuất huyết.
Tôi nhớ lần sinh em gái tôi. Người nhà trải tro và một lớp rơm mốc. Những con dế và những côn trùng lúc nhúc trong đó. Mẹ vốn sợ côn trùng, và bây giờ Mẹ không còn cách nào hơn là phải ngồi lên cái ổ côn trùng ấy. Tôi nhớ máu Mẹ ướt sũng tro và rơm. Mặt Mẹ tái mét một cách dễ sợ trong khi mồ hôi đọng từng giọt trên trán. Mẹ ngồi tựa vào tường, đôi khi gục xuống, nhưng vội vã ngồi ngay ngắn trở lại. Mẹ đau đớn lắm, nhưng vì Mẹ chỉ sinh được con gái nên bị cả nhà ghét bỏ; người này nguyền rủa, người khác nghiến răng. Căn phòng Mẹ sinh con dường như là nơi đáng nguyền rủa. Ðàn ông tránh xa căn phòng ấy. Có người đổ nước lên bậc cửa để xua đuổi hồn ma quỷ. Ðàn bà cũng không chịu lại gần, sợ mắc phải vận sui. Mẹ thường tái mặt và sống lại sự kinh hoàng ấy mỗi khi ai nhắc tới việc sinh con. Một lần Mẹ nói tất cả con gái của Mẹ được trả giá bằng máu của Mẹ.
Một người đàn bà chỉ sinh con gái thì không có một địa vị trong đời sống. Mẹ phải làm việc ngày đêm và là người bị dầy xéo nhất. Không có con trai, Mẹ rất đau khổ giữa những người đàn bà khoe khoang con trai của họ. Mẹ chỉ là một mặc cảm tội lỗi và đau đớn tủi nhục.
Cho tới ngày hôm nay, tôi vẫn không hiểu bố tôi. Ông là một chuyên viên kỹ thuật. Ðáng lẽ ông phải là người có đôi chút sáng suốt. Vậy mà lạ thay, ông vẫn tôn trọng cái việc nối giõi tông đường. Ðối với tất cả con gái ông sinh ra, ông không có một chút quan tâm. Ông là một người xa lạ đối với chúng tôi. Ông chết bất thình lình khi được bốn mươi tuổi. Bà nội tôi chết trước bố tôi một năm. Khi hấp hối, bà nội tôi rền rĩ than khóc số phận không cho bà một đứa cháu trai.
Mẹ đau đớn điên cuồng trước cái chết của chồng. Mẹ muốn nằm xuống chết theo. Nhưng con cái của Mẹ đã lôi kéo trái tim Mẹ, vì thế Mẹ phải tiếp tục sống. Phải sống như thế thực là khốn khổ.
Khi tất cả chúng tôi đang quằn quại đau buồn, thì một người bà con họ xa về phía bố tôi xuất hiện. Hắn vốn là người giầu có, nhưng đã tiêu phá hết của cải vào thuốc phiện rồi. Bây giờ cái gã bất thành nhân dạng ấy, với tư cách là một người trưởng thượng, quyết định đến để được nuôi báo cô. Mẹ cự tuyệt hắn và nói, "Dù sống hay chết, chúng tôi không có liên hệ gì với ông." Tên nghiện thuốc phiện giận dữ bỏ đi, và đe dọa, "Hà, trinh tiết là bổn phận của một goá phụ. Ðể xem mụ có nhớ thế không!"
Khi hết tiền bạc, Mẹ bán một căn phòng trong nhà và mua một con la. Cùng với con la và một máy xay lúa, Mẹ bắt đầu nghề xay lúa mì để nuôi nấng chúng tôi. Tiếng máy xay lúa cực kỳ buồn tẻ và tiếng gõ móng mệt mỏi của con la quay quanh chiếc máy xay - đấy là những âm thanh chào đón lũ trẻ chúng tôi mỗi buổi sáng khi chúng tôi thức giấc, và dỗ chúng tôi vào giấc ngủ khi chúng tôi nằm trong giường về ban đêm. Từ sáng sớm đến tối mịt, Mẹ ngồi trong cái phòng xay lúa nhỏ bé tối tăm, hai bàn chân bó nhỏ của Mẹ bước lên những cái lò xo của máy sàng bột. Mẹ lúc nào cũng bị vây kín trong một làn mây của bụi bột. Em gái tôi bệnh nặng, nằm trên nền nhà lạnh toát của phòng xay lúa, nhưng Mẹ không có giờ rảnh để bồng em.
Rồi trong sự im lặng của đêm khuya, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu, Mẹ ngồi khâu vá thuê. Những chiếc áo cưới, áo tang - Mẹ may bất cứ cái gì. Vào ngày mười lăm tháng giêng của năm mới, Mẹ làm những cái đèn rất lạ lùng. Vào ngày lễ Thuyền Rồng ngày mùng năm tháng năm, Mẹ may và thêu đủ loại ví cầu kỳ do khách hàng đặt mua. Mẹ không bao giờ ngồi không, dù là một đêm. Mẹ càng ngày càng ho nhiều, và bắt đầu khạc ra máu. Người ta nói Mẹ mắc bệnh lao. Nhưng trong mắt tôi, thì dường như mọi sinh lực của Mẹ đã cạn. Cử động của Mẹ quá khéo léo, nhưng tay của Mẹ đã tê dại.
Hết năm này qua năm khác, Mẹ ngồi cùng một chỗ, dưới ánh sáng lờ mờ, đầu cúi xuống, chăm chỉ làm việc. Tôi hay nhìn bóng Mẹ in trên tường và mất hết mọi cảm nghĩ về thời gian. Mẹ quá đẹp và quá tội nghiệp. Dù ngồi thêu hay làm lồng đèn, bao giờ Mẹ cũng chăm chú, để hết tinh thần vào công việc. Khi thêu, Mẹ rút sợi chỉ một cách thương mến. Bất cứ khi nào thêu xong một một bông hoa hoặc một con chim, Mẹ giơ lên để quan sát thật cẩn thận, và sau đó tôi có thể trông thấy hàng lông mi dài và rung rung của Mẹ. Những lúc đó, dường như Mẹ say mê cái nghệ thuật của Mẹ. Bất cứ Mẹ làm cái gì, Mẹ đưa hết cả con người của Mẹ vào đó; bất cứ cái gì do tay Mẹ tạo ra đều rung động với sự sống. Tôi thường ngạc nhiên và mê mẩn trước những bông hoa Mẹ thêu, những bông hoa dường như tẩm sương đêm, và những con bướm dường như phấp phới bay trong tay Mẹ, và còn những lá cỏ hoặc đọt măng tre vươn cao, rất duyên dáng thanh lịch. Những thứ đó luôn luôn kích thích trí tưởng tượng của tôi tới một cảm nghĩ về sự tốt đẹp của đời sống.
Khi tới những ngày hội trong năm, Mẹ bao giờ cũng cố gắng khâu giầy mới cho chúng tôi, dù nghèo đến thế nào. Những kiểu giầy thêu cho chúng tôi mỗi năm mỗi khác. Vào những ngày hội, chúng tôi đi dạo ngoài đường mang những đôi giầy mới và nhận sự trầm trồ khen ngợi của khách ngoài đường. Chúng tôi rất sung sướng và hãnh diện.
Cuộc đời của Mẹ quả thực đầy khổ cực và đau buồn, nhưng với hai bàn tay khéo léo, Mẹ đã tạo ra niềm vui và cái đẹp cho con cái của Mẹ, và cho những người chung quanh. Ðó có thể là một sự đền bù cho Mẹ - và đem lại cho Mẹ một chút an ủi.
Ngày Tết lại đến, một ngày hội đầy sự hứng khởi cho người giầu, nhưng lại là nỗi lo lắng cho người nghèo.
Tối ba mươi Tết, Mẹ lôi chúng tôi ra gội đầu như thường lệ. Mẹ cũng mua hai củ cải thật to, thái ra từng miếng rồi đem luộc cho chúng tôi ăn. Mặt Mẹ tươi lên khi Mẹ nói, "Củ cải luộc rất ngon, và cũng bổ dưỡng cho các con nữa." Nhưng nụ cười của Mẹ không che giấu được nỗi buồn của Mẹ - hoặc hoàn cảnh của chúng tôi. Chúng tôi biết rằng chúng tôi đang cùng quẫn.
Trong cơn tuyệt vọng, Mẹ sực nhớ rằng một người lái buôn ngoài thị trấn trước kia vay của bố tôi một số tiền nhỏ chưa trả. Mẹ nghĩ nếu đòi được món nợ ấy thì chúng tôi cũng có thể sống được một thời gian. Mẹ dẫn tôi đến gặp người vợ mập ú của gã lái buôn. Người đàn bà ấy không thèm trả lời Mẹ về món nợ, chỉ quan sát Mẹ từ đầu đến chân và nói Mẹ trẻ và đẹp quá. Mụ nhìn Mẹ thật dò xét và nói chồng mụ đang tìm một người vợ bé thứ hai. Mụ nói, "Số phận chúng ta đã được tiền định rồi. Tại sao cô em không đem cho các con nhỏ đi, và đem hai đứa con lớn nhất đến đây làm người vợ bé thứ hai? Cô em sẽ không bao giờ phải ăn uống thiếu thốn. Như thế có phải hơn là cô em phải kiếm sống một mình không?" Kết cuộc của chuyến đi đòi nợ là Mẹ vừa khóc vừa bỏ chạy, không đòi được lấy một xu. Khi về đến nhà, Mẹ gục xuống không dậy được, và phải nằm vài ngày.
Vào ngày mùng ba Tết, em gái tôi quỵ hẳn vì đói và bệnh. Em nằm trên giường trong lúc chúng tôi tuyệt vọng đứng nhìn. Ngay lúc đó, người hàng xóm dẫn vào một người đàn ông đang đi tìm kiếm Mẹ.
Ðó là một người nhà quê cao lớn vạm vỡ, đứng ngay tại ngưỡng cửa. Ông ta mặc quần áo bằng vải thô dệt lấy tại nhà, đầu quấn một chiếc khăn xanh, đi vớ vải và giầy gai, đôi mắt sáng lấp lánh trên khuôn mặt màu đồng. Chỉ thoáng nhìn người ta cũng biết ông ta là một người tử tế đáng tin cậy. Ông ta lưng đeo một chiếc giỏ tre, và tay cầm một túi vải.
Ông ta gọi Mẹ, "Chị ơi, chị còn nhớ tôi không? Tôi là con thứ năm của nhà họ Tôn đây."
Nước mắt tuôn xuống như mưa trên má Mẹ khi nghe thấy lời gọi của người khách lạ. Mẹ không nói nên lời, đến quên cả không mời khách bước vào nhà. Phải một phút sau Mẹ mới lấy lại được bình tĩnh. Rồi Mẹ sai chúng tôi đun nước, và vội vàng sắp xếp lại đồ đạc. Trước sự hiện diện của một người quen cũ trong làng, và người đó đến đúng lúc đang quẫn bách, Mẹ không biết tìm lời để bày tỏ lòng mình. Mẹ chỉ biết lau nước mắt cứ tuôn ra đầm đìa.
Mẹ cho chúng tôi biết người khách đến từ làng quê cũ của Mẹ - một người bà con xa. Mẹ nói hai người sống thời thơ ấu với nhau, và chúng tôi phải gọi ông ta bằng Chú.
Chú đem theo nhiều sản phẩm từ làng Mẹ: bột lúa mạch và trái cây. Chú cũng tặng Mẹ những đồ chơi kết từ lá cỏ, như hươu nai, ngựa, cừu và những bó hoa. Mẹ cầm lấy những thứ đồ chơi quen thuộc và nước mắt cứ lã chã tuôn rơi và hỏi, "Sau bao nhiêu năm rồi mà vẫn còn nhớ ư?"
- Làm sao tôi có thể quên được! Ðây là những đồ chơi ưa thích của chị hồi còn bé!
Em gái tôi vồ lấy mấy món đồ chơi ấy, nhưng Mẹ nói những đồ chơi do Chú tự tay đan ra nên không thể làm hư được. Mẹ cẩn thận ghim chúng lên tường.
Chú tới đem sự vui vẻ và màu sắc vào cuộc đời chúng tôi. Mẹ dường như trẻ lại. Mẹ dùng bột lúa mạch của Chú làm bánh hấp. Mẹ làm những ổ bánh nặn thành nhiều hình khác nhau: con sóc, con chim, phượng hoàng vươn cánh... Nhìn cái kho tàng từ quê nhà, tư tưởng Mẹ chắc phải sống lại cái tuổi trẻ thơ ngây và vô tư lự của Mẹ, giữa gia đình với quang cảnh làng cũ.
Ngày Nguyên Tiêu sau Tết đã tới gần. Ngày Nguyên Tiêu cũng là ngày hội Rước Ðèn. Hàng năm trong ngày hội Rước Ðèn, người ta thường thuê Mẹ làm hàng chục cây đèn. Giữa cái biển đèn trưng bày - đèn hạc, đèn sư tử, đèn hoa sen - là những tác phẩm của Mẹ. Trong cái thị trấn nhỏ bé của chúng tôi, Mẹ đã tạo tên tuổi là một người làm đèn nổi tiếng.
Lần này chúng tôi không cần phải van xin hay vòi vĩnh. Bằng những vật liệu còn thừa từ những cây đèn làm thuê, Mẹ làm ra được vài chiếc đèn khác cho con cái. Mẹ làm những cây đèn rất lạ, đặc biệt là đèn con thỏ. Trong lúc cúi xuống làm lồng đèn, Mẹ khẽ hát:
"Nhà tôi trong thung lũng ngàn hoa, giữa núi cao sông dài,
Muôn loài chim nhởn nhơ hót điệu sơn ca
Buổi sớm hót với mặt trời, buổi tối nhảy múa với trăng sao
Sông núi vang lên lời hạnh phúc ngất ngây..."
Ðó là lần đầu tiên tôi nghe thấy Mẹ hát. Giọng của Mẹ rất khẽ và buồn buồn, tràn ngập niềm ước mơ bạn bè và quê hương tuổi thơ của Mẹ. Tôi ngồi dưới bóng cây, ngắm Mẹ hát trong lúc Mẹ làm việc. Ðôi mắt Mẹ lơ đãng nhìn thật xa, và dường như lạc vào trong khúc hát. Dưới bóng ngọn đèn, mắt Mẹ sáng long lanh. Tim tôi bồng bột lòng yêu mến Mẹ.
Sau này khi tôi nhớ lại chi tiết của thời trẻ, tôi rất xúc động tội nghiệp cái tuổi trẻ đó. Mặc dù không biết đọc biết viết, Mẹ lại có rất nhiều tài khéo - và thế mà tất cả những gì Mẹ làm được chỉ là sống cực khổ bên cái máy xay lúa, từ sáng đến tối, tất cả tuổi trẻ và lòng hăng say hao mòn dần và bị phí phạm.
Mẹ làm xong cây đèn con thỏ, một sáng chế đặc biệt của Mẹ. Con thỏ màu trắng và lông xù, vành tai bên ngoài trắng và bên trong đỏ. Cái phần đẹp đẽ nhất của con vật này là đôi mắt, lấp lánh như hai khối thủy tinh. Hai mắt thực ra chỉ là những mảnh giấy trắng và đỏ, nhưng bàn tay Mẹ quả thực là tài tình, cắt chỗ này, dán chỗ kia - và một con thỏ dễ thương thành hình. Con vật nhỏ dường như ngó nhìn chung quanh bằng đôi mắt ngây thơ, trong sáng và nhút nhát, nhìn cuộc đời mà nó vừa được gửi vào.
Ngày hội kéo dài liền ba ngày. Ngày đầu tiên là lễ rước đèn. Ðêm ấy mọi người tay cầm đèn bước ra đường phố. Ngày thứ hai là buổi ngắm đèn; dân chúng tuôn ra khỏi nhà, ngay cả những người đàn bà thường cấm cung và những người quá già yếu không thích đi lại, cũng đổ xô ra. Ngày thứ ba là ngày hủy đèn. Không ai biết nguồn gốc của phong tục này, nhưng trong giữa không khí hào hứng của ngày hội, người ta phá tan tành tất cả đèn trong một hành động mừng lễ. Trong suốt mấy ngày hội cũng có tục lệ cướp giật đèn nữa. Khi đèn bị cướp giật thì đấy là một phần thưởng cho tài khéo tay xuất chúng. Như vậy việc cướp giật đèn là một hình thức khen ngợi.