With compassion you can die for other people, like the mother who can die for her child. You have the courage to say it because you are not afraid of losing anything, because you know that understanding and love is the foundation of happiness. But if you have fear of losing your status, your position, you will not have the courage to do it.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
áng thứ bảy, Quỳnh Trang thức dậy, se sẽ gỡ tay con ra khỏi vai mình rồi se sẽ ngồi dậy. Tiếng lò xo chiếc giường nệm kêu cót két làm thằng bé giựt mình, chới với giơ hai tay lên bấu vào khoảng không. Quỳnh Trang vội vã đặt vào tay con chiếc gối ôm, thằng Bình ôm gối rồi quay nằm nghiêng, tiếp tục ngủ. Quỳnh Trang cài lại nút cổ áo, bẽn lẽn nhìn về phía Ngữ nằm. Ngữ không ngủ trên giường, mà trải cái túi ngủ nhà binh trên sàn gỗ cạnh giường để qua đêm. Từ nhỏ thằng Bình vẫn không rời mẹ, nên đêm tái ngộ của hai vợ chồng đầy thấp thỏm, gần như sẽ sàng vụng trộm. Quỳnh Trang phải chờ cho con ngủ say mới len lén xuống nằm cạnh chồng, Ngữ lại nổi chứng hờn dỗi vì chờ đợi quá lâu như một đứa trẻ con.
Thấy Ngữ vẫn còn ngủ say, Quỳnh Trang mở nhẹ cửa buồng ra phòng ngoài. Trên bàn khách, Đại úy Vinh để lại mảnh giấy nhỏ, cho hai vợ chồng bạn biết mình có buổi họp cơ quan sáng nay, cần đi sớm, và hẹn trưa về sẽ cùng Quỳnh Trang và Ngữ đi ăn ở hiệu ăn Tàu.
Quỳnh Trang xuống bếp pha cà phê cho Ngữ và chuẩn bị đồ ăn sáng. Lục tìm thức ăn dự trữ, thấy có mấy gói mì ăn liền và bao mì khô. Trong hóc tủ, còn một hộp cá mòi và một hộp khẩu phần quân đội Ration C. Mặc dù vậy, Quỳnh Trang vẫn chế biến được một bữa điểm tâm khá thịnh soạn.
Đang lúi húi lọc cà phê, Quỳnh Trang nghe bước chân Ngữ tiến tới phía sau lưng, rồi hai cánh tay Ngữ ôm choàng lấy vai. Nàng cảm thấy lâng lâng hạnh phúc, nũng nịu ngửa người dựa vào ngực Ngữ cho Ngữ cúi xuống hôn lên trán. Ngữ luồn tay dưới lớp áo ngủ mơn man ngực vợ. Quỳnh Trang co rúm người lại, lách khỏi vòng tay chồng, đỏ mặt trách:
- Tay anh lạnh cóng. Anh xấu nết lắm.
Ngữ cười, nói trây:
- Tại khi hôm con nó hại anh quá. Nằm trên sàn đau cả lưng.
Quỳnh Trang cười:
- Do anh đó. Đừng đổ vây cho con, tội nghiệp. Anh uống cà phê nhiều hay ít đường, để em pha.
- Nhiều ít gì vẫn thấy đắng.
- Thôi ông ơi. Cái gì rồi cũng tìm cách dẫn tới chuyện đó hết.
Rồi Quỳnh Trang nghiêm mặt lại, nói:
- Ăn sáng xong em bàn với anh nhiều chuyện. Sẵn sáng nay không có anh Vinh ở nhà, tiện hơn.
Ngữ lo lắng hỏi:
- Chuyện gì vậy?
- Chuyện tụi mình. Em định… nhưng thôi, anh đi rửa mặt đã. Sao hôm qua không đem theo quần áo dân sự để thay cho nhẹ người.
- Quên mất!
- Lên đây nhìn đâu cũng thấy màu nhà binh, chán! À, thầy gửi lời mừng anh lên trung úy đấy.
- Hồi này thầy me ra sao?
Quỳnh Trang xịu mặt, không nói. Ngữ vội hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
Quỳnh Trang không trả lời ngay, cũng không quay lại nhìn chồng, mắt đăm đăm nhìn vào ngọn lửa xanh trên cái bếp dầu hỏa. Một lúc sau, nàng đáp:
- Em định xin thầy me tính chia cho em một số vốn, để thầy me làm ăn theo đường thầy me, còn em thì làm ăn riêng. Nếu được, em đem vốn lên đây tìm cách buôn bán để gần anh.
Giọng Quỳnh Trang vỡ ra, như sắp khóc. Ngữ hốt hoảng chạy đến ôm vai vợ, vội vã hỏi:
- Nhưng dưới nhà đã xảy ra chuyện gì? Em và thầy me kình cãi nhau à?
Quỳnh Trang bắt đầu thút thít khóc. Ngữ càng lo:
- Chuyện gì vậy?
- Không có kình cãi gì đáng tiếc cả. Em chỉ thấy không thích, thế thôi.
- Không thích cái gì?
Quỳnh Trang ngửng phắt lên, ánh mắt long lanh giận:
- Mọi sự cũng do con Diễm hết!
Ngữ chùn lại, sẵn sàng ở thế phòng vệ. Giọng Quỳnh Trang giận nên lắp bắp:
- Nó… nó cứ đem lợi ra nhử, hết thầy… hết thầy lại đến phiên me nghe theo nó. Bao nhiêu vốn bỏ cả vào trung tâm sang băng nhạc. Nếu biết trước thế này, ban đầu em phải phân minh chuyện mua bán với me.
Ngữ lấy bạo hỏi:
- Nhưng chuyện phát hành băng nhạc lỗ lã à?
- Không biết lời hay lỗ, em hỏi, me nói lời nhiều lắm. Em bảo me lời nhiều sao lấy tiền buôn bán trà cà phê không còn đồng nào cho em đi mua hàng, me nói cần phải thêm vốn để mua máy móc. Thầy cũng nói một giọng với me. Thầy còn bảo em dẹp hàng trà đi, phụ với thầy me một tay.
Ngữ buột miệng nói, quên suy nghĩ trước:
- Như vậy là có lời. Ngành phát hành băng nhạc hiện đang lên, các cửa hiệu ở đây mua băng cassette nhạc về bán ào ào. Anh nghĩ em nên…
Quỳnh Trang cáu kỉnh:
- Anh mà cũng nói như vậy à? Có lời bạc triệu cuối cùng cũng vô túi vợ chồng con Diễm chứ thầy me có được đồng nào đâu!
Ngữ nhận thấy phải hỏi cặn kẽ việc này, và phải làm sao cho Quỳnh Trang bình tĩnh lại thì mới bàn luận được.
Ngữ nói:
- Em dọn cái gì ăn điểm tâm rồi anh với em bàn tính xem sao. Có em và con bên cạnh thì còn gì bằng.
Quỳnh Trang cũng nhận thấy mình mất bình tĩnh khi nói tới Diễm, nên im lặng đi pha cho xong tách cà phê, và đổ ấm nước sôi vào hai tô mì ăn liền.
Hai vợ chồng cắm cúi ăn, chưa biết phải nối tiếp câu chuyện dang dở như thế nào. Ngữ cân nhắc mãi, cuối cùng hỏi vợ:
- Ở trung tâm phát hành băng nhạc, thầy làm việc gì?
- Thầy lo quản trị.
- Em nói rõ một chút xem sao. Việc làm ăn hùn hạp đã gần ba năm rồi, băng nhạc ra đã khá nhiều, chắc em phải rõ.
- Em cũng chỉ nghe me nói thôi. Em không muốn hỏi kỹ. Đại khái việc sản suất cho ra băng nhạc là của thầy. Việc liên lạc với ca sĩ, ban nhạc, và liên lạc với các nhà tổng phát hành để giao băng và thu tiền là của vợ chồng con Diễm.
Ngữ gật gù, rồi nói:
- Anh cho phân công như vậy là hợp lý. Thầy giỏi tổ chức và quản trị, ông Mân giỏi giao thiệp với giới ca nhạc và giới kinh doanh.
- Ông Mân mà làm được tích sự gì! Mọi sự đều ở tay con Diễm. Em không biết miệng lưỡi nó ra sao mà hồi này nó chị chị em em được với mọi ca sĩ. Hồi ở Huế em coi nó vào hàng em út. Bây giờ nó lên giọng kẻ cả với em. Thiệt bực!
Ngữ nói cho có nói:
- Chắc tại Diễm đứng trông coi chỗ bán băng nhạc…
- Không phải. Sau này nó thuê người đứng bán hàng, còn nó thì xin làm xướng ngôn viên đài phát thanh. Em nói với thầy me là hãy coi chừng chuyện hùn hạp với ông Mân, vì đã bị một lần hồi ở Đà nẵng rồi. Nhưng thầy nói vụ này con Diễm chủ chốt chứ không phải ông Mân.
- Có đúng vậy không?
Quỳnh Trang ngập ngừng một lúc, rồi thú nhận:
- Đúng vậy. Nó xoay ông Mân như cái vụ, lạ lắm. Ai quen biết ông Mân với con Diễm từ ngoài Huế cũng đều lấy làm lạ cả. Nghe nói nó phụ trách hẳn một chương trình đại loại như “em gái hậu phương” dành cho lính, ăn khách lắm. Đài Mẹ Việt Nam cũng mời nó cộng tác nữa.
Ngữ càng nghe càng ngẩn ngơ. Hóa ra đó là giọng nói của Diễm. Một năm trở lại đây, những người lính dưới quyền Ngữ mê mệt một chương trình phát thanh quân đội dành cho lính, xướng ngôn viên là một cô gái Bắc có cái giọng nũng nịu, mơn trớn, êm mượt như giọng một người yêu bé nhỏ thầm thì bên tai người yêu đang cầm súng. Thay vì đọc bài biên tập viên đài phát thanh viết, cô xướng ngôn lấy ý chính rồi nói theo lối nói thông thường, với những chỗ im lặng ngập ngừng, với những tiếng thở dài xúc động, những tiếng cười ròn rã tự nhiên, những từ đệm nũng nịu. Ngay cả nội dung buổi phát thanh cũng thân mật gần gũi, không khách sáo. Đúng là cuộc tâm sự giữa một “người em gái hậu phương” và một người anh, người tình đang cầm súng ở tiền tuyến. Cái tài của người biên tập và người xướng ngôn viên là từ sĩ quan cho đến binh sĩ, không phân biệt cấp bậc, không phân biệt tuổi tác và học thức, ai ai cũng thấy đó là giọng của người em gái của mình. Cái giọng thân mật mà không trơ trẽn, chuyện kể bình thường như đời sống nhưng không hạ cấp giả tạo. Lâu lâu, buồn, Ngữ cũng thích nghe chương trình ấy, nhưng chưa mê tới độ chịu khó viết thư cho cô xướng ngôn viên để xin ảnh, hoặc ngây thơ hí hoáy ngồi kể lể “tâm sự đời tôi” với người em gái ở Sài gòn. Thư gửi đi, luôn luôn được hồi âm. Nhưng người em gái hậu phương không viết thư riêng mà chỉ hồi âm bằng một lá thư chung in sẵn, lấy cớ nhận được nhiều thư quá không có thì giờ trả lời riêng từng người. Lá thư kết bằng câu: “Đừng giận Quỳnh tội nghiệp nhen! Quỳnh mà có thì giờ thì xin viết riêng ngay cho anh. Còn ảnh thì Quỳnh xấu lắm, gửi cho anh chỉ sợ anh không thèm nghe Quỳnh nói chuyện trên đài nữa”.
Các “anh trai tiền tuyến” có hơi thất vọng, nhưng sau đó nghe Quỳnh nhắn tên mình trên đài phát thanh, nũng nịu xin lỗi, thì sung sướng ra mặt.
Ngữ không tin lời vợ, hỏi lại:
- Nhưng cô gái trên đài là người Bắc mà?
Quỳnh Trang to tiếng hơn:
- Nó giả giọng Bắc từ lâu rồi, anh không biết sao? Bây giờ chỉ gặp người quen biết nó mới nói giọng Huế, thành ra ai cũng tưởng nó người Hà nội cả. Nó gian lắm!
Ngữ quên giữ ý, chống chế:
- Xướng ngôn cho đài phát thanh thì phải nói giọng Bắc hoặc giọng Sài gòn họ mới nhận cho làm. Giọng Huế lên đài nghe nặng lắm.
- Sao anh bênh nó chầm chập thế! Nó sửa giọng từ hồi mới vào Sài gòn chứ đâu phải mới một năm nay. Nó còn thư từ với anh không?
- Anh có thư từ gì với Diễm đâu mà còn với không. Em ghen vô lý lắm!
Quỳnh Trang cũng tự nhận thấy mình ghen quá đáng, nên dịu giọng lại, than thở:
- Em khổ vì nó. Ngày nào cũng gặp, nó càng “chị chị em em” em càng khó chịu.
- Diễm tới hàng ngày làm gì vậy?
- Nó mua chiếc Simca mới, nên đến chở thầy đi làm.
- Giàu đến thế à?
- Vì vậy thầy me mới ham lợi, tính dẹp luôn tiệm trà. Chết, em cũng không thèm hùn hạp làm ăn với nó. Em lên bàn với anh gấp vì vậy!
Giọng Quỳnh Trang run run vì tủi thân:
- Em chịu sống xa anh vì thầy me. Bây giờ thầy me không cần em nữa…
Ngữ hốt hoảng nói:
- Sao em nói vậy! Thầy me già, có em bên cạnh…
Quỳnh Trang đang ăn, ngửng phắt lên, ánh mắt giận dỗi:
- Anh không muốn có em và con bên cạnh hay sao?
- Không phải. Em bình tĩnh lại đi. Em và con lên đây với anh, anh cũng mơ ước như thế. Cái cảnh sống thui thủi một mình, nhai Ration C và mì gói thay cơm, em tưởng anh thích hay sao. Anh cũng mơ ước chiều về có mâm cơm nóng, tối ngủ ôm được em trong tay. Nhưng tình hình trên này hiện không được yên. Hai sư đoàn 320 và Sư đoàn 10 của địch cứ lảng vảng quanh đây, chưa biết chúng nó tính làm chuyện gì. Chúng nó dư sức muốn cắt đường nào thì cắt. Hiện giờ ai cũng lo ngại chúng bao vây và tấn công Pleiku. Lỡ có chuyện gì một mình anh không sao, chứ nếu loạn lạc thì hai mẹ con em xoay xở ra sao. Phú bổn heo hút, dân cư thưa thớt, buôn bán cái gì được. Em lên mở cửa hàng buôn bán ở Pleiku thì ở Sài gòn cho rồi. Em thấy không?
Quỳnh Trang lấy vạt áo chặm nước mắt, vừa thút thít vừa nói:
- Chẳng lẽ suốt đời hai đứa mình cứ sống xa nhau mãi sao!
Ngữ bỏ cái ghế đối diện tới ngồi xuống cái ghế bên cạnh vợ, ôm vai Quỳnh Trang, an ủi:
- Thế nào trước sau gì anh cũng xin về làm việc ở Sài gòn. Anh đã in được hai tập truyện, lại đã đi đơn vị mấy năm nay, dư tiêu chuẩn để xin về làm việc tại tổng tham mưu. Hoặc về làm ở Chiến tranh Chính trị.
Nét mặt Quỳnh Trang tươi hẳn lên:
- Phải đấy. Anh phải xin về Sài gòn. Nhưng anh có đồng ý là em nên xin thầy me chia vốn để tiếp tục buôn trà không?
- Nên lắm. Em đã nói qua chuyện đó với me chưa?
- Chưa. Cái nhà bên cạnh họ làm ăn lỗ lã, định bán. Nếu được em mua cái nhà đó cho hai vợ chồng mình dọn ra ở riêng, vừa được tự do lại vừa gần gũi thầy me. Trông anh độ này ốm hơn kỳ trước.
- Đâu có. Anh vẫn vậy. Sao bây giờ em mới “chiêm ngưỡng dung nhan” anh?
Quỳnh Trang cười:
- Hôm qua tới nay đầu óc em lu bu, chỉ nghĩ tới chuyện làm sao xin vốn của thầy me và lên đây. Sao anh không sửa cái áo lại cho đúng kích thước? Trông thùng thình thế kia!
- Ôi, hơi đâu mà sửa. Tem đóng dấu rồi, có cô nào nhìn tới đâu mà lo chưng diện áo quần.
Quỳnh Trang không giấu được sung sướng, nhưng vẫn giả vờ nói:
- Em mà nghe anh bậy bạ mèo mỡ, là anh chết với em!
° ° °
Buổi trưa, Đại úy Vinh gọi điện thoại về xin lỗi hai vợ chồng Ngữ, bảo vì cuộc họp ở quân đoàn kéo dài không biết đến bao giờ nên không thể về đi ăn với hai vợ chồng Ngữ được. Ông Vinh còn dặn nếu cần đi đâu Ngữ cứ nói với trung sĩ trực của đồn, sẽ có người lái xe đưa đi.
Thằng Bình vì thay đổi khí hậu nên sáng nay bị sổ mũi, Quỳnh Trang bảo Ngữ ra phố mua một ít thức ăn để nàng nấu cơm ăn ở nhà. Ngữ chỉ mong có thế. Mong được sống trọn vẹn không khí gia đình, nghe được tiếng dao thớt chạm dưới bếp, ngắm bóng dáng bà nội trợ đi lên đi xuống, thưởng thức mùi xào nấu và giọng trẻ con làm nũng hay đùa cợt. Dù là ở chỗ tạm, dù được mấy giờ đồng hồ.
Ngữ đi chợ về, không quên mua cho con món quà Tết muộn: chiếc xe chữa lửa chạy bằng pin biết hú còi, chạy một đoạn dừng lại, xoay tròn một vòng rồi tự động nâng cao cần cẩu lên. Thằng bé thích thú với món đồ chơi, ban cho cha mẹ hoàn toàn tự do.
Ngữ cứ lẩn quẩn dưới phòng bếp trong khi Quỳnh Trang lo nấu nướng bữa ăn trưa. Sẵn dịp biểu diễn, Ngữ mua về một chai Champagne và một bó hoa tặng vợ. Quỳnh Trang nhăn mày trách chồng phí tiền nhưng vẫn sung sướng. Nàng tìm lọ hoa cắm bó lai-dơn vào, chai Champagne đặt bên cạnh, rồi hân hoan nói với chồng:
- Anh làm như là thời chưa lấy nhau vậy!
Việc nấu nướng không tốn công bao nhiêu, nhưng Ngữ cứ lăng xăng muốn giúp vợ. Quỳnh Trang đang thái củ hành tây, Ngữ giằng lấy dao. Quỳnh Trang để cho Ngữ làm, mỉm cười theo dõi, rồi giành cái dao lại, trách:
- Anh thái mỏng quá! Phải thái từng khoanh dày thế này, không thì khi xào chín thịt, hành bị nẫu ra. Tìm cho em chai nước mắm.
Ngữ tìm khắp nhà bếp, không thấy nước mắm đâu:
- Chỉ có lọ xì dầu.
- Xì dầu cũng được. Anh xem có tiêu không?
- Để xem. Tỏi bột này. Sa tế này. Đây rồi. Black pepper. Em cần nhiều ít.
- Để đó cho em. Em làm mì xào dòn nhé? Anh mở gói mì khô cho em. Trời ơi! Không phải loại này. Nhưng thôi được! Ăn dở rán chịu, đừng cằn nhằn.
Ngữ ôm vai vợ, hôn lên má hồng vì lửa bếp. Vòng ôm chặt. Quỳnh Trang cầm đôi đũa trên tay, trộn đều các món trong chảo dầu rồi xoay hẳn người lại, ngước chờ Ngữ hôn. Ngữ chầu chực chỉ để chờ có thế. Chàng ôm chặt vợ trong tay, hôn tham lam lên môi, lên má, lên mắt, lên cổ. Trong mê dại, chàng vẫn còn biết được mùi da thịt Quỳnh Trang không còn thuần chỉ có mùi trầm, mà còn phảng phất mùi sữa chua, mùi nước tiểu con nít. Thân thể Quỳnh Trang êm ái, ấm áp. Ngữ tính liều lĩnh đi quá đà, thì chảo dầu phía sau lưng phựt lửa ngọn. Họ hoảng hốt rời nhau ra. Quỳnh Trang nhanh tay chụp cái vung đậy lên chảo dầu. Khói bay khắp nhà bếp. Quỳnh Trang hoàn hồn, vừa cười vừa trách:
- Anh bị cảnh cáo đó, thấy chưa! Xấu!
Nàng giở vung, thấy nhiều món xào đã bị cháy khét. Ngữ nói, hai vòng tay lại ôm vòng lấy thân vợ:
- Càng cháy càng thơm. Em cho anh ăn than, vẫn ngon!
Quỳnh Trang cúi hôn lên tay Ngữ tỏ dấu cảm ơn, rồi dứt khoát gỡ tay chồng, tách người ra:
- Anh sửa soạn giùm em chén bát. Sắp xong rồi. Để em đi thay áo. Toàn mùi dầu!
Ngữ bất đắc dĩ phải rời vợ, lục tìm chén bát và xấp khăn giấy mang lên phòng trước. Lọ hoa và chai Champagne gợi ý cho Ngữ. Ngữ cố xếp đặt trang trí bàn ăn như một bàn tiệc. Phải, lâu lắm mới có một bữa tiệc đoàn viên thực sự giữa hai vợ chồng. Chàng lấy hai cái cốc thủy tinh đặt lên tờ giấy lau trắng tinh, rồi lại lấy hai tờ khác, bắt chước cách làm ở các tiệm ăn, xếp theo hình cánh hoa cắm vào lòng cốc. Muỗng, đũa hai bộ xếp ngay ngắn cạnh cốc rượu. Bình hoa tươi ở giữa bàn. Xếp đặt xong, Ngữ mới nhớ mình đã quên mất con, tuy thằng Bình đang say sưa với chiếc xe chữa lửa cách đấy không xa. Ngữ ngần ngừ, rồi quyết định giữ nguyên cách xếp đặt bát đũa. Để lương tâm khỏi cắn rứt, Ngữ hỏi con:
- Con đã đói chưa, xuống bếp me cho ăn trước.
Tiếng Quỳnh Trang từ dưới bếp gọi lên:
- Bình, me đã múc mì sẵn đây rồi. Con xuống lấy.
Thằng bé không ngửng lên, chỉ đáp:
- Con chưa đói.
Quỳnh Trang đã thay áo, từ dưới bếp bưng liễn mì xào bốc hương thơm phức lên. Thấy cách trang hoàng bàn ăn, nàng cảm động. Ngữ cố làm kiểu cách:
- Em đặt xuống đây. Để anh khui rượu mừng xuân, chúc em…
Quỳnh Trang chớp chớp mắt để cố dằn xúc động, sau khi đặt liễn mì xuống bàn, đến bên Ngữ nói nhỏ:
- Anh khỏi cần nói gì. Em hạnh phúc lắm! Ước gì được mãi mãi thế này.
° ° °
Đang ăn, Ngữ chợt nhớ vội hỏi vợ:
- Anh thật vô tình. Quỳnh Như độ này ra sao?
Nét mặt Quỳnh Trang đang hớn hở đột nhiên thay đổi. Nàng im lặng một lúc, mới nói:
- Em sợ chuyện gia đình của nó không yên.
- Sao vậy? Quỳnh Như viết thư về nói như vậy à?
- Không?
- Tết vừa rồi Như có gửi thư về không?
- Có. Nó chỉ viết vài dòng chúc Tết. Bảo nhớ nhà.
- Vậy sao em biết có gì bất thường?
- Những lá thư trước, nó than với em đủ điều. Nó không nói rõ, nhưng em đoán.
Thằng Bình bắt đầu chán chiếc xe chữa lửa, đến bên mẹ đòi ăn. Quỳnh Trang lấy thức ăn cho con, nét mặt vẫn buồn buồn. Ngữ hỏi:
- Sao hai vợ chồng không chịu có con? Hay là không thể có con.
- Không. Dale muốn có con lắm, bà cụ cũng vậy. Nhưng con Quỳnh Như không chịu.
- Sao vậy?
- Nó nói lỡ có con khi xa nhau, chỉ thêm khổ.
- Chuyện trầm trọng đến thế à?
- Nó giải thích loanh quanh, nhưng đàn bà với nhau, em hiểu liền.
- Giải thích thế nào?
- Đại khái nó nói về tới Mỹ, cả hai đều khám phá thấy là chờ đợi quá nhiều ở nhau. Hình như có một lần nó có viết cho anh thì phải, nó bảo Dale mê Việt Nam và tưởng đem Quỳnh Như về Mỹ là đem đầy đủ cả Việt Nam về để yên tâm lo tiếp tục cuộc sống bên đó. Sự thực không phải. Có Quỳnh Như bên cạnh, Dale vẫn thấy nhớ Việt Nam, thấp thỏm không chịu làm cái gì để ổn định đời sống vợ chồng cả. Mà trở lại Việt Nam vào lúc này thì không có chỗ nào mướn. Các hãng xưởng, cơ quan lục đục dọn về, nhân viên thải hồi bớt, ai tuyển thêm làm gì.
- Phần Quỳnh Như học xong chưa?
- Chưa. Nó lấy xong M.A. từ lâu, đang học tiếp để lấy Ph.D. thì bỏ ngang xin đi dạy. Chịu không nổi bọn học trò Mỹ, lại bỏ dạy.
- Tụi nó hỗn láo à? Chắc vì Quỳnh Như nhỏ con…
- Không phải. Bên đó lạ lắm. Họ khổ vì chiến tranh Việt Nam, rồi giận lây cả người Việt Nam. Nhất là khi họ biết Quỳnh Như ở miền Nam.
- Hiện giờ Như làm gì?
- Nó xin đứng bán hàng cho một tiệm bách hóa ở San Francisco.
- Còn Dale thì ở đâu?
- Vẫn ở Berkeley.
- Hồi trước Dale ở San Jose mà!
- Không. Sau đó về hẳn Berkeley, nói là để học tiếp. Nhưng học không ra học, làm ăn không ra làm ăn. Chán!
- Sao không xin ly dị quách rồi về trở lại Sài gòn, sống lêu bêu bên ấy làm gì?
Quỳnh Trang lườm Ngữ, trách:
- Anh nói nghe dễ lắm. Có ở trong cuộc mới biết là vướng víu bao nhiêu chuyện. Không còn thương nhau thì dễ tính. Đàng này hai đứa vẫn còn thương nhau, mới khổ. Mới nhì nhằng. Đôi khi em nghĩ quẩn, giá Dale quay lại yêu một chị đồng hương, hay con Quỳnh Như nó gặp một bạn Việt Nam hợp tính, thì dễ giải quyết hơn.
- Quỳnh Như về đây đi dạy Anh văn, khối trường người ta mời.
- Nó là công dân Mỹ, không dễ dàng đâu. Vả lại nó nói ở bên đó người ta tiên đoán thế nào Miền Nam cũng rơi vào tay cộng sản. Nó hỏi thầy me lỡ có chuyện gì, có chịu để vợ chồng nó bảo lãnh qua Mỹ hay không.
- Chà, hấp dẫn đấy. Thầy me chịu không?
- Thầy ham vui, chịu liền. Me thì cực lực phản đối. Me…
Quỳnh Trang dừng lại, do dự một lúc lâu, nhìn chồng dò xét, rồi mới tiếp:
- Me bảo me chờ anh Tường về.
Ngữ ngồi bần thần thật lâu không nói gì. Tường về? Mẹ gặp con, em gặp anh, bạn gặp bạn, con gặp cha, vợ gặp chồng, nhưng cuộc đoàn tụ oái oăm và sẽ đắng cay nhiều hơn là cuộc ly cách. Tường về, có nghĩa là đã có kẻ thắng người bại, kẻ thắng hớn hở ngửng cao đầu kiêu hãnh và người bại cúi đầu chịu đựng. Ai thắng ai bại đây? Ngữ không dám nghĩ tiếp… Quỳnh Trang biết rõ vì sao Ngữ im lặng buồn rầu, nhưng cũng lo lắng hỏi:
- Anh sao vậy?
Ngữ cố xua đuổi cái ám ảnh đen tối, vội nói:
- Có gì đâu! Em ăn đi. Anh thêm rượu cho em nhé?
Quỳnh Trang lắc đầu, vẫn ái ngại nhìn chồng lúng túng che giấu nỗi lo âu băn khoăn. Ngữ ngượng, đưa ly rượu lên uống cạn phần còn lại, chép miệng nói:
- Anh vội quá, mua phải thứ Champagne không được ngon. Em có thấy Champagne loại này hơi chua và đắng không?
Quỳnh Trang chỉ lắc đầu, không đáp. Ngữ nói mà không dám nhìn mặt vợ:
- Nếu có xảy ra chuyện gì, em đừng quá lo cho anh. Cứ ở Sài gòn đợi anh, đừng đi đâu.
Quỳnh Trang thở dài, đáp nhỏ:
- Anh khỏi phải dặn. Hay là em đem con lên Phú bổn ở với anh.
Ngữ giật mình, vội ngăn:
- Không được. Đừng tính dại. Nhưng thôi! Tụi mình quẫn trí rồi! Khéo lo chuyện trời sập.
Tuy nói mạnh, nhưng Ngữ vẫn không vui lên nổi khi nghĩ đến ngày gặp lại Tường. Bữa ăn kéo dài trong ngậm ngùi, hoang mang.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương