Số lần đọc/download: 0 / 36
Cập nhật: 2021-04-18 17:57:47 +0700
Chương 2
Em đã thấy anh rồi. Em đầu có quên hẹn. Cũng không phải tại chưa tập xong một bản nhạc hay nhất của Beethoven. Em thấy anh từ lúc anh đứng nói chuyện với chị Thanh ở dưới giàn hoa giấy. Rồi anh vào nhà. Và em mất anh. Chị Thanh kể cho em nghe về anh nhưng chị đã không kể cho em nghe giọng nói cùa anh. Ước gì có cái mảy ghi âm nhỏ, anh Hoài nhỉ? Thì bây giờ em đã được nằm nghe giọng anh nói. Anh đừng hỏi vì sao không thất hẹn mà em để anh về với nỗi ngờ vực. Điều đau khổ nhất đối với em là hẹn anh mà không dám gặp anh. Em ngồi trên gác. Tâm hồn nao nao. Em cố tưởng tượng em là chị Thanh. Nhưng, anh Hoài ơi, dù rất thèm làm nhân vật con nít trong cổ tích, em đã chỉ còn biết ứa nước mắt. Ước ao chưa một lần đến với em. Trừ anh. Khốn khổ biết mấy.
Anh đến. Anh đến như một nỗi ước ao duy nhất. Song em không dám đón chào nỗi ước ao của đời em. Anh Hoài, anh nghĩ gì về em, về một người mỏi mòn trông đợi niềm ước ao và nín thở, xòe tay cho niềm ao ước một đời người vuột mẩt. Một đời người. Anh Hoài thân quý, em nói vậy vì biết chả bao giờ anh đến với em nữa. Đến để trở về với lòng ngờ vực, trở về cứ tưởng mình bị gạt gẫm thì đến thêm làm gì, anh nhỉ? Con đường anh về chẳng biết nắng có nhẩy múa không. Riêng bầu trời trong mắt em, khi anh về, bỗng vụt xám. Rồi muôn vàn vì sao thắp sáng. Và cỏ vì sao tím đơn độc một góc thiên đường đã nhỏ nước mắt thương em. Anh hiểu bởi đâu vì sao ấy thương em chứ? Nàng cũng sầu thảm như em. Nàng là tiên đấy. Bà tiên sầu muộn khóc bằng lệ tím. Bà tiên hẳn đã trông đợi niềm ước ao như em...
Như thường lệ, Tường Vi viết thư trên giấy học trò. Lá thư mới nhất của nàng gửi cho tôi chỉ tới đó. Không ký tên. Chắc chắn, nước mắt nàng đã nhỏ giọt xuống thư. Lá thư nhòe nhoẹt, dang dở. Tôi gấp lá thư lại. Cuộc đời viết lách của tôi chưa có gì ly kỳ. Vài cuốn tiểu-thuyết-phơi-ơ-tông mà tự điển giải nghĩa là truyện nhảm nhí, có đáng làm ai chú ý tới nước trêu chọc mình một cách nồng nhiệt thế. Tôi chỉ là anh thư ký tòa soạn một nhật báo ít độc giả nhất nước. Văn tài tôi chẳng đáng để bị đố kỵ, ganh ghét. Tôi đã đến nhà
Tường Vi. Mới gặp chị nàng. Nếu tôi vào tròng đùa nghịch, Tường Thanh đã đùa nghịch tôi. Nhưng Tường Thanh...
Tôi chợt thấy một điều gì thật xót xa. Nếu Tường Thanh không dám nhận mình là Tường Vi, có lẽ, tôi sẽ thương nàng lắm. Nàng ngỡ mình đã qua thời xuân sắc, ngỡ mình lỡ thì, xấu xí nên đành nói dối tôi. Đó là giả thuyết. Tôi rất ghét lý luận. Suốt đời tôi, tôi sẽ bị gạt gẫm thua thiệt, oan ức vì không ưa lý luận. Người không ưa lý luận là người cả tin. Tôi thích dễ tin mọi người để được mọi người tin mình. Và tôi không tin Tường Thanh gạt gẫm tôi. Tôi đã có vợ con. Chẳng thiếu nữ nào dại dột gạt gẫm tôi, trừ khi, tôi gạt gẫm họ.
Hẳn trong căn nhà nhỏ bé ở miệt ngoại ô Sàigòn phải chứa đựng một niềm u ẩn. Hay, ít ra, một người u ẩn. Niềm u ẩn hay con người u ẩn đó, không tin cậy vào cuộc đời mà chỉ tin cậy vào một người viết văn chưa có tác phẩm. Văn chương, vốn được những người tạo ra nó kiêu hãnh nói rằng để làm đẹp cho cuộc đời, cho quê hương, cho con người. Văn chương của tôi, dù còn tối tăm, song nếu đủ khả năng làm vui một người, làm cho một người hy vọng sống, tôi đã hãnh diện. Bất kể người cậy nhờ tôi ra sao.
Tôi sẽ là tay vịn của chiếc cầu ọp ẹp cho một người con gái bước qua dòng sông khốn khổ của cuộc đời. Tường Thanh nói thế. Căn nhà nàng lạnh lẽo. Nàng mong tôi phà khói hương cho căn nhà có hương khói ấm cúng. Ở đây cần một người đàn ông chăng? Sao lại chọn tôi, một người đàn ông đã định cư đời mình ở tâm hồn một người đàn bà và đã làm người đàn bà ấy đau khồ, tuyệt vọng? Chọn tôi và bắt tôi chấp thuận điều kiện. Tường Thanh có vẻ tin ở câu "văn là người". Nàng nghĩ rằng tôi đã gửi tình thương của tôi cho những nhân vật con nít mồ côi sống lây lất bên lề xã hội thì tôi sẽ thương hại em gái nàng. Tường Vi, nếu có thật, chưa phải là kẻ hẫm hiu. Nàng còn chị. Còn căn nhà. Còn cây dương cầm. Còn đời con gái của nàng. Nhất là còn giàn hoa giấy trước cửa để chim khuyên mỏi cánh ghé đậu hót vui. Và còn giấy bút để viết cho tôi.
Tường Vi, một loài hoa của anh, một loài hoa chẳng bao giờ anh thấy cắm ở bình, bầy ở chỗ sang trọng. Anh lớn lên ở những đô thị thiếu chân trời, vắng thiên nhiên. Anh chưa hề biết hương sắc của tường vi nhưng anh yêu tên loài hoa em mang tên nó. Anh yêu bờ
tường vi của Hoàng Quý. Loài hoa quê hương ấy đã làm chứng cho một cuộc tình tan vỡ, buồn tẻ. Lãng mạn và cao quý. "Đôi ta thường đứng bên bờ tường vi, em có nói rằng sẽ chờ đợi tôi". Ngườỉ em bên kia bờ tường vi không đợi nổi người anh bên đây bờ tường vi. Đường xa dài hun hút. Xuân thì trôi vùn vụt. Khi người tình chợt nhớ lời hẹn cũ, quay gót viễn du. Chỉ thấy xác pháo đỏ tan tác trên con ngõ nhà mình. "Nay bông hoa bên thềm đã uá rồi..." Người tình xưa bỏ làng ra đi trở thành nghệ sĩ ngàn năm thương "Cô láng giềng" nhỏ bé ngày nào. Tường Vi, một loài hoa của anh, một loài hoa chỉ nở trên quê hương anh! Em mới là hoa đẹp nhất, lãng mạn nhất, cao quý nhất. Bởi em đã biết nhỏ lệ nhìn cuộc tình tan vỡ. Tường Vi, anh chưa thấy em nhưng tưởng chừng đã thương em như thương hoa tường vi. Anh không trách em, không thí dụ, không giả thuyết nữa... Anh sẽ tới để em nắm gọn niềm ước ao của em.
Tôi vuốt lá thư, trịnh trọng bỏ vào ví, cạnh thẻ căn cước, cạnh luôn cả giấy hoãn dịch hộ mạng của tôi. Chưa lần nào tôi quý thư của độc giả như lần này.
Những thư trước của Tường Vi, tôi đều xếp vào hồ sơ riêng. Mỗi ngày tôi nhận được cả chục bức thư. Toàn thư nhận mình "à độc giả trung thành của quý báo " và "đã theo dõi sự nghiệp văn chương của ông, lấy làm chiêm ngưỡng vô cùng", rồi kết luận "nay tôi gửi ông một bài thơ (hay truyện ngắn), rất mong ông cho đăng ngay". Những bức thư này, đọc xong, xé bỏ ngay sau khi nhắn tin "Bài đã nhận đủ. Cám ơn bạn". Nhưng nếu thư không kèm câu "nay tôi gửi" thì, cỡ thư ký tòa soạn tấp tểnh viết tiểu thuyết như tôi, sẽ sung sướng vô vàn. Cuộc đời cứ khen mình qua đường, khen vô tội vạ. Để nhờ vả. Thỉnh thoảng, tôi còn nhận được những bức thư khen sách tôi bán chạy nhất, và các vị độc giả ái mộ tôi mua về bầy ở chỗ quý trong tủ sách gia đình, mặc dù, tiểu thuyết của tôi chưa hề được nhà xuất bản nào nhòm ngó!
Tường Vi đã gửi cho tôi những bức thư không giống những bức thư khác. Nàng chẳng thèm đả động chi tới văn chương nhảm nhí của tôi mà chỉ ngỏ ý ước ao được gặp tôi. Ở đời, đôi khi, có một vài chuyện bất ngờ lôi cuốn ta vào cuộc phiêu lưu tình cảm kỳ tuyệt. Tôi đã coi cuốn phim "Sous le beau ciel de Provence", một phim cảm động nhất của đại tài tử Fernandel. Anh chàng bán kẹo Fernandel
đáp chuyến xe đò về miền quê để giới thiệu vài thứ kẹo mẫu cho đại lý. Chiếc xe đò chết máy giữa đường. Trong dịp này, Fernandel quen một thiếu nữ đẹp não nùng. Nàng từ quê lên tỉnh, làm thư ký và bị một sở khanh gạt gẫm. Nàng phải bỏ sở tìm về với mẹ, mong được mẹ an ủi, thương xót đứa con không cha tương lai trong bụng nàng. Nàng buồn thảm. Fernandel gạ chuyện. Nàng oà khóc, níu lấy anh chàng bán kẹo hèn mọn, già nua, xấu xí. Nàng kể lể nỗi niềm đau đớn rồi nói thật với Fernandel rằng, sắp về tới nhà, nàng đâm ra sợ hãi. Nàng muốn tự tử. Nàng van nài Fernandel nhận là chồng nàng, dẫn nàng về gặp cha nàng, ở lại chơi vài hôm, rồi chia tay vĩnh viễn. Anh chàng bán kẹo hèn mọn phân vân giây lát. Bỗng anh quên thực tại, cái thực tại buồn tênh, nhạt nhẽo với người vợ già ưa gắt gỏng, sáng sớm nằm trên giường, giọng ngái ngủ, giục chồng pha sữa cho con. Fernandel đã dấn thân vào một cõi thiên thai dưới bầu trời rực rỡ miền Provence. Chàng đã làm tròn sứ mạng một hiệp sĩ dù gặp khó khăn, khốn đốn. Chàng đã được sống bằng mộng mơ quãng thời gian ngắn. Rồi khi mơ mộng lặn dưới biền sâu thực tại, chàng bèn trở về với người vợ già mồm loa mép giải để, sáng sáng pha sữa, ngày ngày bán kẹo, hèn mọn, buồn nản.
Tôi không bất hạnh tới cái độ có một thực tại buồn tênh, nhạt nhẽo. Nhưng tôi vẫn mong mỏi, thỉnh thoảng, được bước ra khỏi cái thực tại đường mòn. Thực tại ấy, dẫu không làm tôi uá héo, tàn tạ thì nó cũng chẳng đưa tôi bay bổng hay là đà trên cỏ hoa của một con đường mới. Tôi tập viết tiểu thuyết là để thoát khỏi cái thực tại giun dế của anh thư ký tòa soạn, của đời mình. Ngày tháng, nếu ta cứ phải đọc hoài, nghĩ hoài đến tin tức chiến sự, hiếp dâm, lường gạt, xe đụng, vợ kiện chồng, chồng thưa vợ, chắc ta sẽ chóng già nua, đáng ghét. Không, cuộc sống không thể chỉ đi về trên một lối mòn quen thuộc. Mà còn cần được là đà bay trên nội cỏ ngàn hoa. Ai cũng ước ao thế. Chỉ thiếu cơ hội. Nếu chuyến xe đò không chết máy, anh chàng bán kẹo đã không quen biết thiếu nữ đáng thương và đã không được hưởng một chuyến lên thiên thai, không nhìn thấy bầu trời tuyệt đẹp của miền Provence. Tôi tự hỏi, giữa tôi và Tường Vi, ai sẽ nhờ ai chỉ lối lên thiên thai.
Rút một điếu thuốc, tôi quẹt diêm. Khói thuốc bay. Dường như, tâm hồn tôi đã bay theo. Bay theo và đậu trên một bờ tường vi.