Sự khác biệt giữa cơ hội và khó khăn là gì? Là thái độ của chúng ta! Trong mỗi cơ hội có khó khăn, và trong mỗi khó khăn đều có cơ hội.

J. Sidlow Baxter

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 3
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 15
Cập nhật: 2020-12-06 00:25:41 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Một: Trong Đôi Tay Không Khí
rong đôi tay không khí
Dù tự mình không biết, chúng ta ai cũng bước vào giấc mơ tình ái của những ai cắt lối ta hoặc ở quanh ta. Và vậy đó, mặc cho sự xấu xí, nghèo khổ, tuổi tác hay hèn kém của kẻ đang khao khát, và mặc cho sự khiêm nhường hay e thẹn của kẻ được thèm muốn, bất kể dục vọng của bản thân kẻ đó là gì, những dục vọng có thể hướng về một kẻ khác. Như vậy, mỗi chúng ta mở thân mình cho tất cả và trao nó cho tất cả.
MARGUERITE YOURCENAR
I. Một cử chỉ mạnh mẽ, bất ngờ
Nếu nhìn theo cách này, đường chân trời không hiện hữu; ấy là cái nhìn đặt nó vào đó, một đường chỉ cứ mỗi lần chớp mắt thì lại rung lên.
Nàng đăm đăm ngắm đường kẻ chỉ mà trời và biển chung nhau lúc ban ngày, ngắm mép trời và biển mất đi khi đêm xuống bí mật đan mọi tấm vải vào nhau thành một. Thế rồi trong bóng tối, mắt nàng ngắm một vệt những vì sao, một nét sáng xa xăm phản chiếu trên mặt nước.
Ngay lũ côn trùng bay đập vào mí mắt nàng cũng chẳng làm đứt được những sợi chỉ kéo dài trong cái nhìn nàng: không gì có thể khiến hai hàng mi nàng chuyển thành những đôi cánh đập bồn chồn.
Vậy đó Fatma thường đăm đăm nhìn về phía xa, chỗ đường thẳng xanh lục xa nhất nơi đại dương dường như tĩnh lặng. Và mặc dù hơi thở sâu của biển không phản chiếu trong mắt nàng, nhưng không khí đầy căng ngực nàng dường như làm những ngọn sóng dềnh lên rồi nhẹ nhàng hạ xuống, từng ngọn từng ngọn một, trên bờ biển cao cao của bụng nàng. Tấm vải màu đỏ nhạt che thân nàng gần như chiếc mạng khiến cho làn da rỡ ràng của ngực nàng, vai nàng, lưng nàng nhuốm màu như cát sũng ướt. Một vùng biển bí mật đang tạo hình nàng, những cử chỉ mới của nàng khiến người ta tin như vậy.
Fatma, bị khóa chặt nơi cửa sổ như mắc kẹt giữa hai đám mây, hít lấy vị muối của dục vọng mình từ biển, nàng giống như cồn cát chìm dưới ngọn triều cao nhất các giấc mơ của nàng. Một thế giới mới dường như đã trỗi dậy bên trong cơ thể nàng, dần dần chiếm hữu nàng cũng giống như đêm chiếm hữu từng góc một căn nhà.
Bà nàng là người đầu tiên nhận ra có cái gì đó khác thường đang xảy ra với Fatma. Bà chỉ cần liếc nhìn Fatma là biết chắc rằng có một thế lực mới - hẳn là một thế lực ác - đã đến ngụ trong nàng. Bà lập tức khởi sự xác định xem cái gì đã xâm phạm sự bình yên của cháu bà, khiến cho cái nhìn của nó bay vút lên như con chim lần đầu được sổ lồng.
Lúc này sáu giờ sáng, giờ siesta ở Mogador: thời khắc khi các thiên thể lặng lẽ tự xếp mình trong dáng kỷ hà của bầu trời, để lộ trong các họa tiết uốn lượn arabesque của chúng những con đường mới cho những ai có khả năng giải mã các hình thể đó. Đây là giờ người ta thích bói bài, tìm những dấu hiệu ẩn tàng, diễn dịch tiếng chim hót hay hình dáng ngọn khói nhang. Cũng như mọi cư dân Mogador khác, Aisha, bà của Fatma, tin chắc rằng, chỉ vào thời khắc này trong ngày, cái chữ viết ẩn giấu trong vạn vật và trong mọi con người mới lộ ra cho con mắt người đời. Để đọc được chữ viết đó, bà dùng một bộ bài mà khắp Mogador ai cũng biết và gọi là Cỗ Bài.
Trong phòng ngủ của Aisha, trên chiếc đi văng xếp đầy gối, dưới một ô cửa sổ chăng tấm rèm rộng đan mắt cáo để che khuất họ khỏi người ngoài, Fatma chọn Venus, dựa theo vị trí sao bản mệnh của nàng, ba lá bài đầu tiên sẽ nói về nàng.
“Đúng như bà sợ,” bà nàng vừa nói vừa lật mặt lá đầu tiên của Cỗ Bài. “Một con chim kiêu hãnh hiện đang bay trong cháu, đơn độc và lặng lẽ, mỏ hướng về phía gió. Cháu đang gặp hiểm họa lớn. Nhưng bà chưa biết cái gì đe dọa cháu.”
Fatma ngạc nhiên quan sát trong khi bà Aisha lật lá bài thứ hai với cử chỉ đầy sợ hãi.
“Đường Xoắn ốc,” bà nói, có phần nhẹ nhõm. “Con chim bên trong cháu bay theo đường xoắn ốc: sức mạnh của nó không bao giờ suy giảm, càng đến gần cái tâm điểm nó khao khát thì lại càng mạnh mẽ. Nhưng hiểm họa vẫn tiếp tục có mặt trong đường bay của cháu. Đi kèm với Đường Xoắn ốc là con số chín: những bước ngăn cách cháu với số phận cháu, độ dài hành trình của cháu trong đường xoắn ốc, những thành trì đồng tâm mà cháu phải vượt qua.”
Aisha lật lá bài thứ ba cơ hồ như bà đã biết nó là gì.
“Dục vọng...”
Fatma đột nhiên hoảng sợ rằng bà sẽ khám phá ra bí mật của nàng. Nàng những muốn đứng dậy bỏ chạy. Nhưng bởi niềm hy vọng mong manh rằng Cỗ Bài sẽ cho nàng biết làm cách nào khám phá được nàng khao khát cái gì, nàng lại ngồi yên. Aisha bảo Fatma chọn thêm chín lá bài nữa, đoạn bà đặt chín lá đó theo hình xoắn ốc, ở tâm của chúng bà đặt thêm vào bốn lá, mỗi lá nằm ở một góc một hình vuông nhỏ tưởng tượng.
Cái sơ đồ đó tương ứng với sơ đồ thành phố, điều này bất cứ ai ở Mogador đều biết: ấy là con phố chính, Đường hay Phố Ốc sên, dẫn quanh co khúc khuỷu từ các bức tường bao quanh đảo về phía quảng trường trung tâm nơi có những nhà tắm công cộng và ba ngôi đền thuộc ba tôn giáo khác nhau cùng cộng sinh ở thành phố cảng này. Đối với người dân Mogador, thành phố là hình ảnh thế giới: tấm bản đồ của cuộc sống bên ngoài lẫn cuộc sống tâm linh con người. Trên bức tường hình vòng cung, bốn ngọn tháp xây trên bốn cổng đánh dấu bốn hướng Đông Tây Nam Bắc: “Vũ trụ có thể cho vào gọn trong một hạt dẻ đối với kẻ nào biết rõ cái hình thể nguệch ngoạc tượng trưng cho nó”, một câu tục ngữ lâu đời ở Mogador nói. Ở mỗi khúc quanh của Phố lấp lánh một đài phun. Các đài phun gợi ý nghĩ rằng nước chảy theo hình xoắn ốc đến các nhà tắm Hammam, tẩy rửa mọi người, mọi thứ.
Fatma lật từng lá bài một trong khi Aisha đọc:
“Lá thứ nhất nói rằng một bài hát thật thầm lặng nhưng rất mãnh liệt đã đánh thức bên trong cháu con chim mà lúc này đang thống trị cháu, nhưng nó đã thức dậy trong một giấc mơ mới: nỗi khao khát của cháu được dệt vào một tấm thảm những giấc mơ, nó che giấu những cử động của cháu.”
Fatma hấp tấp lật từng lá bài, chỉ quan tâm đến chuyện tìm ra ở chúng con đường chắc chắn hầu cho nàng đạt tới cái mà nàng thiết tha khao khát nhường đó.
Ở lá bài thứ bảy, lá bài quan trọng bởi nó luôn nói nhiều điều nhất, Aisha thấy cái bóng của một con chim khác đang bay qua sương mù. Bà cũng thấy Núi Venus, Trăng từ đó mọc lên để rồi tự soi mình trên mặt nước.
Một lần nữa, Fatma sợ mình sẽ bị phát hiện, liền lật cả hai lá kế tiếp hầu như cùng một lúc.
“Khoan đã,” Aisha kinh hoảng hét lên. “Đây là cái cháu đang tìm. Nhưng ba lá bài này nói về quá khứ. Cháu muốn một cái mà cháu đã đánh mất, nhưng nó đang điều khiển cháu. Bà thấy một con chim nữa, vừa giống vừa khác, nó đã đẩy cháu vào đường xoắn ốc bừng cháy của nó. Con chim đó là cái cháu tìm.”
Aisha tự lật bốn lá bài cuối cùng lên, những lá nằm ở chính giữa đường xoắn ốc. Fatma nghe tim mình đập thình thịch trong cổ họng, khiến nàng nghẹn giọng và tức thở.
“Trên hành trình của con, Fatma à, con sẽ bước vào những giấc mơ lạ: bà thấy một cái lưới và một cặp cá nóc. Bà cũng thấy một cánh cửa sổ mở có ngọn gió thổi qua...”
“Này Fatma,” Aisha thét to, rồi nói, “ngày hôm nay tiếng hót con chim của cháu sẽ lại lọt vào mê cung đôi tai cháu, nhưng cháu sẽ không biết làm cách nào phân biệt nó. Cháu sẽ rất gần với con chim mà cháu đang theo đuổi, cháu sẽ gần như tóm được nó trong tay, nhưng rồi sẽ không nhận ra được nó bởi đến khi cháu với tay chạm vào nó thì cháu đã đánh mất những sắc màu mà nhờ chúng cháu lĩnh hội được nó. Ngọn gió sẽ giằng khỏi tay cháu cái mà trước đó nó đã cho cháu.”
Fatma càng thất vọng sau khi nghe lời bà nói, và nàng cảm thấy một thách thức bên trong mình, thách thức lớn mênh mông, nhưng xứng đáng với cái dục vọng thúc đẩy nàng. Lại về nơi cửa sổ phòng mình nhìn ra biển, Fatma quyết định chấp nhận thách thức bày ra trước mắt nàng, khởi đầu cuộc hành trình nội tại mà Aisha đã báo cho nàng. Cuộc tìm kiếm của nàng đã bắt đầu. Nàng háo hức muốn tỏ ra rằng nàng thực sự có thể nhận ra con chim đang ngang ngược buộc những con chim bí mật của chính nàng phải cất cánh bay.
Tấm phên mắt cáo to bằng gỗ đóng khung cửa sổ của Fatma cắt rời những tia nắng thành các hình thể kỷ hà giống những vì sao. Một vũ trụ con con, mà Fatma đứng quay lưng lại, mở ra trên bức tường phía sau nàng.
II. Bí mật trong ngọn gió
Hầu như có thể nhìn thấy sự khô hanh trong không khí. Chiều hôm đó trên Bờ biển Berbería, trên thành phố Mogador vây giữa những bức tường, mùa thu tự báo triệu về mình trong làn gió thổi. Những cuộn sóng vô hình của nó, dài, khô, len lỏi như bầy rắn cuồng nộ giữa những rặng đá ngầm, rứt ra từ các tảng đá được gột sạch kia thứ âm thanh nghe như cái gì bị xé.
Và cũng như mọi năm khi mùa thu tự báo triệu về mình theo cách ấy, bầy chim trên bến cảng dường như đáp lại âm thanh đó bằng những tiếng quàng quạc cảnh báo. Sáng hôm sau, những con nhạy cảm nhất trong bầy chim đã bay đi. Sáng hôm đó lũ Mòng biển Đuôi Trăng, bầy Gà Biển, những con Quạ Đỏ, đàn Cò Rét và lũ Gà Lùn - những loài bị cá ăn tươi nuốt sống - thảy đều đảo thành những vòng tròn ngày càng rộng quanh những con thuyền nhỏ rồi biến mất. Những con thuyền tiếp tục chậm rãi va mình vào mấy cọc bến tàu trong khi bầy chim mất hút nơi chân trời, lại xuất hiện trong khoảnh khắc, vội vã tiến đến gần rồi lại biến đi.
Thành phố chìm đắm khôn cưỡng trước khí hậu mới - con chim hung dữ có bộ lông lạnh ngắt, trong suốt - trong khi Fatma, nơi ô cửa sổ nàng, nghe tiếng gió giữa những tảng đá, cảm thấy trên môi nàng cái khô hanh trong không khí, và để cặp mắt nàng theo cùng bầy chim trong chuyến bay bất nhất của chúng.
Nhưng cái nhìn của Fatma, bướng bỉnh và xa vắng, là cái đích bay trên không cho ngàn lời đồn đại. Nó bị cắm chi chít những mũi tên của cư dân một thành phố nhỏ, họ nhìn thấy trong sự bất động của nàng hình hài chấp chới của một điều bí ẩn: một bí mật khả dĩ đổ bóng đen khuấy động chân trời.
Trong khi trăm lời đồn lan khắp thành phố theo mọi hướng, ngọn gió chiều thổi tung lớp muối đóng trên bức tường suốt cả năm qua, nhấc những chiếc lá to, mỏng mảnh màu trắng lên từ mặt đá. Ngay khi những chiếc lá bằng muối kia lở khỏi tường, bọn trẻ con chạy lại túm lấy mang về nhà, đi chầm chậm, cầm trên tay những chiếc lá mong manh dễ vỡ kia. Những tấm muối không bao giờ về đến nhà bọn trẻ, bởi cũng chính làn gió ban nãy làm chúng xuất hiện giờ lại đến giật chúng đi, khiến chúng bay lên, tan thành thứ bụi mịn đến nỗi không sao phân biệt được với bản thân không khí.
Fatma thấy lũ trẻ con gí tay vào đá, nhẹ nhàng gỡ lên dăm dải vải mịn căng, dưới ánh nắng và từ trên cửa sổ nàng nhìn xuống, chúng trông như lổ đổ những đường chỉ khâu tỏa sáng. Trong tay bọn trẻ những dải vải kia vỡ tan không tiếng động. Trong khoảnh khắc, bọn trẻ bị vây kín giữa một đám mây sáng ngời, đám mây biến mất khi chúng vung tay quanh mình, cố tóm lấy cái mà chúng thậm chí không nhìn thấy nữa.
Fatma chăm chú ngắm đi ngắm lại cảnh này, chuyện thường ngày trong mùa đó ở Mogador. Bởi nàng đột nhiên bắt đầu quan sát vô cùng tỉ mỉ những điều nhỏ nhặt, tìm thấy nơi đó ô cửa sổ mở ra một thế giới mà với bất cứ ai khác vẫn là bí ẩn. “Này Fatma, bạn nhìn mọi vật cứ như bạn từ nước khác tới ấy,” người ta nói với nàng, “cứ như bạn chỉ quan tâm đến những con ruồi bay đằng xa hay mấy con chim bay giữa đêm ấy.” Không ai xác định được cái ngày tâm hồn Fatma chuyển sang chiều hướng mới mẻ, kỳ lạ của nó.
Khi mọi người hiểu ra điều này thì dường như đã quá muộn, không còn khuyên nhủ gì được nữa, mà cũng chẳng có lý do rõ ràng nào để chia buồn. Chừng đó thì nàng đang làm mọi sự theo cung cách làm cho cả đàn bà lẫn đàn ông cáu tiết đồng thời lại xui họ cất công khám phá cái gì đã khiến nàng thay đổi đến vậy.
Ai ở Mogador cũng muốn biết bí mật của nàng và khởi sự khám phá nó giống như người ta ra sức moi lời thú nhận từ một kẻ câm bằng cách diễn giải sự im lặng của y: mỗi người gán những lời tùy ý mình thích vào cái mồm niêm kín đó.
Fatma biết rằng quanh nàng đang dấy lên những lời bàn ra tán vào thô bỉ, nhưng nàng chẳng tỏ ra băn khoăn lo lắng, hồ như mọi ý nghĩ của nàng gói gọn trong một tấm vải vô hình, và nàng biết chắc không ai có thể nắm bắt được bí mật của nàng bởi nó tạo thành từ một thứ chất liệu nhẹ ngời sáng, chỉ có thể sánh với những đám mây đột ngột bằng bụi muối cứ chiều chiều lại chuội khỏi bàn tay nắm chặt của bọn trẻ con.
III. Bão câm lặng
Fatma thôi không còn lắng nghe người đời còn dễ hơn cả nếu như nàng điếc, giống như ai đó tự để mình bị xâm chiếm hoàn toàn bởi một thứ âm nhạc khác: một giọng mê hồn, một bài ca mời gọi. Nàng không thôi nhìn thấy cặp mắt những người ở quanh nàng, nhưng cái nhìn của nàng xuyên thấu chúng, gần như khiến chúng bị thương, rồi lại lui vào xa xăm, mở những ổ khóa vô hình, để chạm vào cái gì đó như là đáy của khí trời.
Nàng hầu như không nói: nàng chỉ thốt những câu cần thiết nhất, không để một từ thừa nào thốt ra qua nụ cười bồn chồn của nàng. Ban đầu ai cũng nghĩ tâm trạng nàng không vui hoặc nàng đang buồn chỉ vài giờ thôi. Ít lâu sau, người ta chẳng còn cách nào khác ngoài chấp nhận rằng Fatma đã rút sâu vào trong chính nàng, trên một cuộc hành trình không trở lại, và sự thay đổi bên trong nàng là một trong những vết thương chẳng bao giờ lành.
Cuối cùng ai đó nói nàng đã bị hồn một người chết ám, hồn này đòi nàng phải trút trọn tâm trí nàng vào hồn; người khác thì quả quyết rằng Fatma, trong những giấc mơ của mình đã đi qua mấy ô cửa cấm của Lâu đài Trắng Bí mật rồi ở lại đó vĩnh viễn do đem lòng yêu một trong các cư dân vô hình của lâu đài. Theo một số phụ nữ ở Mogador, chỉ có thể là Fatma bị một câu thần chú hớp hồn, chứ nếu chỉ là đãng trí hay ưu phiền thì khó lòng giải thích cái gì đang ngự trị cặp mắt nàng.
Người ta tiếp tục bàn tán thôi thì đủ thứ chuyện về nàng, về ô cửa sổ của nàng, về cái kiểu lạ lùng khi mắt nàng săm soi thân thể mọi người: nhìn từ xa nhưng lại thấu tận bên trong, gây cho người ta cảm giác gai gai như bị kim châm, cái gai gai càng nặng thêm bởi gió và bởi lòng ham muốn sâu xa hòng thay đổi con đường của nàng, hòng lôi cuốn hoặc cự tuyệt nàng, hòng ngăn không để nàng vun trồng những cử chỉ mà không ai cắt nghĩa được chính xác.
Với cư dân Mogador, Fatma chẳng mấy chốc đã trở nên xa cách hơn cả thân xác một người nước ngoài.
Dẫu biết nàng, họ hoàn toàn chẳng biết gì về nàng, không thể nào khám phá được ý nghĩ của nàng che giấu cái gì; những ai gặp nàng thì gán cho nàng vài ý nghĩ của chính họ: những ai dễ cáu gắt cho là nàng đang cáu gắt, những ai kém chịu lạnh thì tin chắc nàng bị viêm phổi, người nào suốt ngày nơm nớp sợ mất đồ thì tự hỏi nàng có thể là tòng phạm trong vụ trộm cướp nào, đám doanh nhân cố hình dung xem nàng đã tự bán mình cho ai mà những gì thu được lại tồi đến thế, còn những ai không nhìn ra được ở nàng cái gì cụ thể hầu quy kết thì cũng nói lên ý nghĩ mình bằng mọi cách, nói mà cảm thấy cái hơi ẩm đầy cám dỗ của những nếp gấp giữa hai chân nàng.
Tiếng xì xầm gần như vỗ vào lưng nàng mỗi khi nàng ra chợ (chợ Soko lớn), đến chỗ đài phun để uống nước hay tới bếp lò công cộng. Nàng có thể tìm thấy cõi riêng cho mình ở nhà tắm (Hammam) nhờ hơi nước và các hốc tường. Và nàng cảm thấy mình ít bị người ta theo dõi nhất những khi đi dạo một quãng ngắn từ đài quan sát nơi cửa sổ xuống chỗ mép cầu tàu. Ở đó, nơi có những tảng đá lớn nhất, gần bức tường thành, bên eo biển nơi những con thuyền lướt vào cảng, Fatma ngắm biển gợn sóng lăn tăn giữa những tảng đá.
Những ai thấy nàng khi đó cho rằng nàng đang tìm cái gì đấy trong nước, cũng như nàng dường như đang tìm cái gì đó trong không khí những khi ngồi nơi cửa sổ. Trong ngọn gió nàng nhận biết được cũng một rung động nhịp nhàng như nàng thấy lúc này, nhanh hơn, giữa những tảng đá: nước chảy ra vào các lối thông trổ xuyên qua đá, lay động đám rêu chuyển màu từ đỏ sang xanh lục trong mấy cái hang nhỏ xíu. Trong lớp bọt nước mỏng tan biến đi trước mắt nàng, Fatma hình như thấy một ô cửa sổ sáng loáng mở vào đáy biển. Dưới cái nhìn của nàng, đáy biển và đáy khí trời có cùng những quang cảnh ẩn giấu như nhau, cùng những cư dân thoắt hiện rồi thoắt biến như nhau.
Và dường như Fatma biết khi nào là đúng cái khoảnh khắc sự trong suốt của nước và của khí trời hợp nhất với nhau ở đằng xa, tạo nên ánh lung linh nơi đột nhiên mọi thứ đều hiển lộ.
Sau những lúc đó nàng thường trông mụ mị, và chẳng bao giờ thiếu những người muốn hỏi nàng về tương lai, xin nàng lời khuyên trong việc thu xếp vụ làm ăn rủi ro nào đó, hoặc nhờ nàng khẳng định rằng trong tương lai họ sẽ hạnh phúc cho dù cuộc hôn nhân của họ bấp bênh đi nữa. Ngộp thở, Fatma phớt lờ tất cả đám người này. Trong vùng sâu tối nhất của cặp mắt nàng, họ giống những đốm pháo hoa yếu ớt và vô nghĩa giữa cái gì đó như một đêm giông bão dài dằng dặc; có lẽ là một trận bão câm lặng.
IV. Thiêu đốt và bối rối
Fatma chờ đợi và sống trong những chuyển động xa xăm nàng có thể nhận ra: nàng sống trong chiều sâu nỗi chờ đợi kéo dài. Và dường như không ai biết sự vắng mặt nào khiến nàng đăm đăm nhìn những cánh buồm căng dong suốt lộ trình những con thuyền rời thành phố cảng Mogador lọt giữa tường vây. Một số người đi đến chỗ tin rằng chính Fatma cũng không biết chắc nàng đang đợi cái gì. Một cái gì mơ hồ nhưng không thiếu được chăng? Có lẽ, một cặp mắt nhìn nàng cũng bình thản như chính nàng nhìn, hay ai đó cũng sẵn lòng làm đối tượng cho nàng nhìn như buổi chiều ở nơi xa. Và luôn luôn có những người ngay khi nhìn thấy nàng là đã muốn thâm nhập vào gương mặt nàng để tìm những dấu hiệu khả dĩ phá vỡ sự im lặng của nàng: vài nét nào đó quanh mắt hay miệng nàng may ra để lộ cho họ biết nàng đang chuẩn bị nụ cười của nàng cho ai.
Một người chìm trong suy nghĩ, luôn ngời ngời tự tín mỗi khi rời ngôi trường dạy kinh Koran, bắt đầu đâm tò mò bởi ngày ngày đi qua nhà Fatma đều thấy nàng ngồi nơi cửa sổ nhìn ra biển theo cách đó. Chàng là một trang thanh niên đang học tập một cách đầy kiêu hãnh, cố sức xem việc phủ định những cảm nghiệm của chính mình là một đức hạnh cao quý, cũng như tìm thấy trong Sách Thiêng lời giải thích, bộ luật và kim chỉ nam cho cuộc đời. Thế nhưng, khi gặp Fatma, lòng chàng tràn ngập nỗi xao xuyến mà những câu kinh Koran trong tâm trí chàng không sao chế ngự nổi. Chàng bắt đầu nghĩ về nàng ngay cả lúc không thấy nàng. Nàng xâm nhập vào những giờ nghỉ ngơi của chàng, giờ đọc sách của chàng, và chẳng bao lâu sau cả giờ cầu nguyện của chàng nữa. Nhưng bất cứ lúc nào nàng để mắt tới chàng, nàng luôn nhìn chàng cũng với sự thờ ơ - không hẳn là khinh khỉnh - vốn làm những người khác bối rối. Và chàng bị nỗi hoang mang thiêu đốt mỗi khi gặp nàng, bởi chàng không có khả năng xác định bản chất sự thờ ơ: vốn là người Ảrập từ trong máu, chàng chỉ nhận diện được những sự phủ định không che đậy. Chàng mong mỏi tìm thấy trong hành vi của Fatma các dấu hiệu cho thấy cũng có thể nàng có thiện cảm với chàng, dù với giá nào đi nữa, và chàng ráo riết tìm khắp trong kinh Koran xem có cách nào giải mã chúng hay chăng.
Đột nhiên kinh Koran đâm ra không đủ cho nhu cầu của chàng, ấy là điều các thầy dạy chàng ắt hẳn sẽ cho rằng cũng hệ trọng như việc cố tìm thấy sự bất toàn ở Thượng đế. Thế nên chàng giữ kín trong lòng nỗi bất an ấy, và một sáng nọ chàng thức giấc trước giờ cầu nguyện đầu tiên, một mình vào thư viện, mở cái tủ niêm phong chứa những sách cấm. Chàng từng nghe nói tới bản chuyên luận của Ibn Hazm về tình yêu và những kẻ yêu nhau; khi sách đã cầm tay, chàng lật thẳng tới chương Những dấu hiệu của tình yêu thể hiện qua đôi mắt. “Đôi mắt thường đóng vai trò điệp sứ và do đó chuyển tải những gì người ta mong mỏi. Nếu bốn giác quan khác là cửa cái dẫn đến trái tim và cửa sổ mở tới tâm hồn, thì mắt, trong mọi giác quan, là giác quan tinh tế nhất và mang lại nhiều hiệu quả nhất. Cái nhìn cự tuyệt và lôi cuốn, hứa hẹn và đe dọa, khiển trách và khích lệ, sai khiến và cấm đoán, đánh đập người hầu, cảnh cáo bọn gián điệp, cười và khóc, hỏi và đáp, thừa nhận và phủ nhận. Mỗi tình huống nêu trên đều có cái nhìn đặc trưng riêng của nó...”
Nhà học giả xưa nay vẫn mải mê nghiên cứu Koran hối hả đọc hết những dòng đó, kích động vì nỗi ngạc nhiên khám phá những điều không hợp với kinh Koran, chỉ còn chú tâm đáp ứng nỗi tò mò háo hức của chàng. Chàng cảm thấy - đúng hơn là mong mỏi - rằng cuốn sách này hàm chứa chiếc chìa khóa giúp chàng hiểu những cái nhìn của Fatma phớt qua chàng. “Một dấu hiệu bằng khóe mắt thường hàm ý khước từ điều được yêu cầu.”
Nhưng nếu ta chưa hề yêu cầu gì nàng cả thì sao.
“Một cái nhìn uể oải là bằng chứng của sự ưng thuận.”
Chính là nàng nhìn như thế, nhưng không phải khi nàng nhìn về phía ta. Với ta ắt nàng dùng một dấu hiệu khác.
“Cái nhìn đăm đăm không dứt biểu lộ đau buồn. Liếc nhìn là dấu hiệu của niềm vui. Mắt khép hờ truyền đạt lời đe dọa. Lén lút ra hiệu bằng khóe mắt là hàm ý nài xin. Chuyển nhanh con ngươi từ giữa mắt đến khóe trong là biểu lộ sự bất khả. Chuyển cả hai con ngươi ra khỏi phần giữa mắt nghĩa là tuyệt đối cấm...” Đọc tới dòng này mà vẫn không tìm ra câu trả lời hay hơn, chàng lại phải đối mặt với kết luận của Ibn Hazm: “Mọi dấu hiệu khác của mắt đều không thể khắc họa, mô tả hay xác định, chỉ khi nào thấy thì mới hiểu.” Thế cũng chẳng khác nào để mặc cho nhà học giả Koran đầy khao khát ngồi giữa không trung mà không có ghế. Đột nhiên có người bảo chàng, kẻ xưa nay vẫn luôn thấy mọi thứ đều ghi trong cuốn Sách Thiêng, rằng phải tìm những cái mà không một nhà tiên tri nào từng giấu được dưới lớp áo không bao giờ sai lầm của họ. Chàng hiểu - hoặc cho rằng mình hiểu - rằng đây là lý do tại sao những sách loại này bị cấm.
Do nỗi tò mò dẫn dắt chàng sang hướng khác, và bởi không sao tìm thấy dấu hiệu thiện cảm rõ rệt nào trong đôi mắt Fatma, chàng thôi không nghĩ đến nàng. Nhưng chàng bắt đầu thường xuyên đùa bỡn với mấy quyển sách cấm. Cùng với thời gian, chàng sẽ thôi không còn là nhà học giả Koran suốt ngày trầm tư nữa. Chàng sẽ đâm ra thường xuyên có ý kiến trái ngược với các thầy, sẽ viết những cuốn sách mà rồi cũng bị người ta kết án. Về sau nữa chàng sẽ thành lập một tông phái dị giáo: Những kẻ tôn thờ cái nhìn thích thú ngự trên điều không được viết ra. Chàng sẽ làm thơ, và sẽ chết từ từ trên một quảng trường công cộng sau khi đã mất hết tín đồ, bị neo lên bằng chỉ một sợi dây thừng có khía vẫn thường thít vào cổ những kẻ dị giáo nào phủ nhận Lời Thiêng của Đấng Tiên tri.
Giá như nhà học giả Koran đầy tham vọng và kẻ dị giáo tương lai đó lưu tâm cẩn trọng hơn đến cái liếc nhìn vụng trộm của Fatma, hẳn chàng đã khám phá được đằng sau cái im lặng của nàng sự hùng biện bất kham của những cử chỉ nhỏ nhặt cùng những dấu hiệu tinh tế khác. Chàng hẳn đã có thể tạo ra bản danh mục đầy chất thơ về những dấu hiệu của dục vọng, như Ibn Hazm đã làm với các dấu hiệu của tình yêu. Bởi, trong những khoảnh khắc đó, câu chuyện về Fatma tự nó như một tấm thảm dệt bằng những sợi chỉ mỏng tang của nhiều tưởng tượng khác nhau, tất cả đều sục sôi dục vọng, trong số đó trước hết và quan trọng nhất dĩ nhiên là tưởng tượng của chính nàng.
Đọc những sách cấm đó, nhà sáng lập giáo phái Những kẻ tôn thờ tương lai sẽ khám phá một truyền thống bắt rễ sâu xa trong văn chương Ảrập-Andalusia, truyền thống adab, một diễn ngôn vừa tự sự vừa thơ, phần lớn thường dựa trên trải nghiệm cá nhân của tác giả. Bằng cách tự phơi bày ra trước chàng, truyền thống đó dường như khẩn cầu chàng hãy viết câu chuyện về Fatma và dục vọng của nàng, để trình ra cho mọi người thấy cái hình dáng kỷ hà tinh tế, cái công trình kiến trúc mà những dục vọng đó xây nên trong những góc bí ẩn của trí tưởng tượng ở một số người. Nhưng chính lũ quỷ của thiên hướng chàng đã dẫn ngay chàng đi theo những con đường khác.
Fatma lại đang ngồi nơi cửa sổ phòng nàng mà kéo căng đường chân trời trong khi nhà học giả Koran tạm-thời-chưa-bị-kết-tội, bị đôi mắt nàng lôi cuốn, đang bí mật phá khóa hòm sách cấm. Nàng không bao giờ có thể hình dung sự chăm chắm của cái nhìn nàng có thể dẫn dắt một số người đến tận đâu, song chắc chắn là nàng cảm thấy cả một trận mưa câu hỏi thường xuyên đổ lên vai nàng. Và có lẽ cái nàng khao khát chẳng gì hơn là một con đường băng qua biển, con đường sẽ cho nàng thoát khỏi cảnh giam cầm giữa bao nhiêu cặp lông mày nhíu cứ khăng khăng đòi biết nàng đợi cái gì.
Quanh cửa sổ nàng, những nét dài màu đất son làm dịu cái chói chang của tường quét vôi trắng, như thể là mưa, bị mặt trời cầm giữ trên tường, đã để lại dấu vết tiếng kêu than của nó ở đó, những vết cào mạ vàng của nó. Những ai đi qua dưới cửa sổ Fatma mà thấy nàng giữa những vết ố nhỏ giọt đóng khung gương mặt nàng thì đều thấy những nét đó minh họa cho những cảm xúc mỏi mòn nhất của nàng. Bởi, không chỉ nơi khuôn mặt nàng mà cả nơi những vật xung quanh nàng người ta cần phải tìm cho ra con vật câm lặng của nỗi buồn đang gặm nhấm và chiếm lĩnh nàng ra sao.
V. Thực thể tăm tối
Nàng chẳng gặp ai ngoại trừ bà của nàng, nàng sống cùng nhà với bà, nhưng đôi khi thậm chí nàng còn xa lánh cả bà. Sự cô đơn mà nàng tìm kiếm khiến cho dân cảng băn khoăn và phủ nhận lời giả định của một số người rằng nàng đang yêu. Có người đàn bà đang yêu nào lại thôi không gặp người yêu cho dù anh ta không đáp lại tình yêu của cô đi nữa? Thế nhưng, ở Soko, một trong các nhà buôn chuyên bán quả hạnh tươi và hạt dẻ chưa rang tuyên bố với vẻ chắc như đinh đóng cột rằng những biểu hiện của Fatma là dấu hiệu của người đem lòng yêu một kẻ chỉ đến gặp nàng trong bóng tối, giữa khi nàng ngủ. Để chứng minh cho lời tuyên bố của mình, nhà buôn này kể câu chuyện đã xảy ra với ông của anh ta, “ông ấy chết vì một căn bệnh trong tâm tưởng.”
Ahmed Al-labí, ông của anh ta, vốn là nhà buôn quả vả và quả chà là bọc đường, gây dựng gia sản từ khi còn trẻ. Ông cưới con gái một quan Thống đốc làm vợ, nhờ vậy mà có thể mở rộng việc kinh doanh về phía Nam đến tận rìa sa mạc cũng như hai vùng biển phía Đông và phía Bắc. Không hài lòng với quy mô tiền bạc của mình, ông trang bị mấy thương đoàn băng qua vài sa mạc, rong ruổi từ ốc đảo này tới ốc đảo kia rồi lại đi tiếp bằng thuyền, đến khi trở về từ những xứ xa xôi không thể hình dung thì mang theo lụa, thuốc súng, vàng và những nô lệ có cặp mắt buồn giống như quả hạnh nhân thanh mảnh.
Một sáng nọ, Ahmed Al-labí thức giấc thấy mình cương cứng đến nỗi sau nhiều giờ trôi qua nó trở nên đau đớn khủng khiếp. Cả vợ ông lẫn các người tình của ông, chưa ai từng chứng kiến sự đàn hồi và kích thước to đến thế, càng lạ lùng hơn khi lại ở thân xác một người vốn đã vào cái tuổi ngơi nghỉ chẳng còn ham muốn nữa. Mọi cố gắng làm dịu nó đều vô ích. Những bà có chồng giàu kinh nghiệm nhất chỉ làm được mỗi việc là khiến nó càng phình ra thêm. Mấy mụ phù thủy bôi thuốc mỡ làm từ da con giông mào già thì chỉ khiến cho nó ngứa ngáy. Còn đám bác sĩ thì bị quát tháo đuổi ra khỏi cửa ngay khi họ khua mấy con dao mài sắc của mình lên.
Nỗi khổ kỳ lạ của Ahmed Al-labí kéo dài sáu mươi ngày, trong suốt thời gian đó nó không nguôi một phút và nhiều khi khiến ông thét lên vì hân hoan lẫn đau đớn ngay trước khi cái cột cứng ngắc nổi gân của ông phọt ra thứ chất lỏng màu trắng mà có vẻ như lần nào cũng tan vào không khí, cứ như bị một sinh thể vô hình và tham lam vô độ nào đó nuốt ừng ực lấy.
Khi chuyện đó qua, Ahmed sụt mất hai mươi cân, mỗi đêm ngủ thêm ba tiếng đồng hồ, và trong những giấc mơ ông dịu dàng nói chuyện với ai đó bằng thứ tiếng không ai hiểu. Khi thức dậy, ông chỉ muốn ngủ lại; ông chìm vào một nỗi buồn ngày càng dai dẳng. Ông chỉ sống được thêm mười tháng, mặc dù ông cho rằng ấy là mười năm.
Không lâu trước khi chết, ông lão thú nhận với đứa cháu trai về giấc mơ ông đã mơ vào cái đêm khởi đầu những nỗi buồn của ông: một nữ nô có cặp mắt hạnh nhân xuất hiện trong khi ông ngủ, những cử động của nàng chậm đến nỗi ông theo dõi từng cử động một bằng mắt, như tự để mình bị thuyết phục bởi những lý lẽ không thể chối cãi. Trong giấc mơ, một dục vọng sâu xa trỗi dậy trong ông. Nhưng nàng nữ nô ra đi, chìm vào một chất lỏng màu vàng, và Ahmed theo nàng vào đó, mắt vẫn nhắm. Khi ông mở mắt để tìm nàng, chất lỏng đó đã nhuốm sắc đo đỏ, rồi thì ngày một trong hơn, cho đến khi một lần nữa đạt tới sự đồng nhất như không khí. Không còn thấy nàng đâu, như thể nàng đã tan vào bầu không khí mà Ahmed hít thở. Ông thức dậy lòng đau đớn, xác thịt ông lớn tiếng đòi nàng. Nàng ở mọi nơi mà chẳng ở đâu, mùi của nàng là mùi của không khí, sức mạnh của nàng là sức mạnh của gió, sự ẩm ướt của nàng là của khí hậu, sự hiện diện của nàng nhẹ tênh mà đôi khi nặng trĩu; luôn luôn riết róng đòi hỏi, bằng cách riêng của nó.
Sau khi kể lại giấc mơ cho đứa cháu nghe, Ahmed Al-labí cho nó xem một cái bớt nhẵn nhụi có màu giống như một vết xăm mà từ đó đến nay nằm dọc trên con giống của ông giống như vết sẹo. Cái bớt đó hình dáng như con nhện màu đỏ, vàng, đen, cứ mỗi lần cương cứng là nó lại to lên và sau đó không thu nhỏ lại, như thể được sự cương cứng nuôi cho lớn. Màu của nó, khi ra ngoài nắng, gây ấn tượng như lửa cháy. Con nhện đó mỗi tháng một trưởng thành hơn, một mạnh hơn, trong khi dương vật ông ngày một nhăn nheo rúm ró và cuối cùng trở nên nhỏ xíu.
Mấy tuần sau giấc mơ đó, các sứ giả của Ahmed Al-labí từ phương Đông trở về mang theo hàng hóa như thường lệ. Ông già hộc tốc ra xem các phụ nữ bị bắt làm nô lệ, tìm người có thể làm nguôi thỏa nỗi khao khát yêu đương của ông. Nỗi ngạc nhiên của ông trở thành phẫn nộ khi ông phát hiện rằng, lần đầu tiên, thuộc hạ của ông quay về mà không mang theo dù chỉ một nô lệ. Cơn phẫn nộ của ông chuyển thành nỗi hãi hùng khi họ kể cho ông hay kẻ nào đã ngăn không cho họ làm thế, và bằng cách nào.
Khi đến một thung lũng mà họ chưa một lần đặt chân vào, theo tục lệ xưa nay, họ đến tìm vị chúa trị vì nơi đó đặng xin vị này bảo vệ cho họ yên ổn làm ăn. Người cai quản vùng đó là một phụ nữ ba mươi tuổi, làm chủ cả đất đai lẫn người dân, có tòa án, quân đội và thư viện. Bà chất vấn những người trong thương đoàn suốt cả một ngày về cuộc sống của con người đã cử họ đi. Trong nhiều tiếng đồng hồ bà bảo họ mô tả Ahmed cho đến tận cái nốt ruồi nhỏ nhất trên mặt ông, những tham vọng của ông, phương thức kế toán của ông và nhiều chi tiết nữa. Trong số đó có nỗi đam mê tình ái của ông và sở thích của ông về các nữ nô ngoại quốc.
Khi đêm xuống, bà kết thúc cuộc tra hỏi mà nói: “Vị chúa tể hùng mạnh của các ngươi liệu có biết rằng ông ta có thể chết vì sự mỏng manh, do đã bành trướng quá đáng sự lạm dụng những dục vọng của ông ta?” Bà không đợi họ trả lời và rút lui mà không nhìn họ.
Ngày hôm sau bà xuất hiện trước mặt họ cùng với một nữ nô tuyệt đẹp có đôi mắt hạnh nhân, xứng đáng làm khuấy động giấc mơ của kẻ mạnh mẽ nhất trong số những người thánh thiện nhất. Đi cùng cô ta là ba chị em, đẹp như nhau đến độ kinh hoàng. Mỗi người mang tên một trong bốn ngọn gió thổi qua vùng đó. Họ là món quà tặng Al-labí mà các sứ giả của ông không thể khước từ, cho dẫu họ cảm thấy mối nguy ẩn trong việc nhận nó, chẳng khác gì dùng tay cầm lửa. Chỉ cần nhìn các nữ nô đó là đủ thấy rằng khi ở bên họ, nỗi khát khao tự đánh mất mình giữa tâm điểm một cơn lốc xoáy sẽ là không sao kiềm chế nổi. Trước khi cho các nữ nô ra đi, Nữ chúa ra lệnh xăm lên bụng mỗi cô hình xăm phần tư một con nhện màu đỏ, vàng, đen. Đoạn bà cầm tay họ trao đi giống như nữ tư tế hành lễ trong một cuộc hiến tế.
Trong vòng sáu mươi ngày hải hành sau đó, bốn nữ nô chết một cách kỳ quặc, từng người một, như thể bị một cơn kiệt sức thiên thu chộp đi mất. Từng người một trong đêm cuối đời mình đều phát âm tên Ahmed mấy lần trong giấc ngủ trong khi hình xăm của nàng ta biến mất. Khi kiểm tra lại ngày tháng các nữ nô lâm bệnh, người ta phát hiện rằng chúng trùng khớp với những ngày Ahmed lâm bệnh, và những hình xăm biến mất đều trở lại tái sinh trên thân thể ông vào đúng giờ ấy. Sau khi các sứ giả kể lại những gì đã xảy ra, Ahmed Al-labí không sống thêm được lâu. Tê liệt vì khiếp sợ, câm lặng vì đau buồn, đắm mình trong nỗi u hoài về giấc mơ kia, kinh hãi vì cái bớt mà vào những buổi chiều lộng gió lại gần như bước đi trên bụng ông, ông chết trong khi đăm đắm nhìn một mạng nhện mới trên trần nhà.
Khi đứa cháu ông, nhà buôn quả hạnh, kết thúc câu chuyện về người ông bằng cách đọc câu “Cầu xin Allah tha thứ cho ông!” theo nghi thức, đám phụ nữ giữa chợ nãy giờ im lặng nghe anh ta liền lặp lại câu đó, và bởi sợ rằng những ác linh bí hiểm kia sẽ hiện ra vì được gọi tên, họ liền vội vã ném vào không khí những tiếng kêu từ trong yết hầu mà ở Mogador người ta dùng để chào lữ khách phương xa cũng như cầu sự lành cho bản thân người kêu và gia đình họ. Đám phụ nữ càng lúc càng tin chắc rằng có những vị khách xa lạ và nguy hiểm đang ngụ trong cơ thể Fatma.
Ngay khi cách lý giải của tay nhà buôn quả hạnh về nỗi tai ương của Fatma bắt đầu lan truyền khắp Mogador, người ta bắt đầu cẩn thận quan sát nhất cử nhất động của nàng, tìm trong đó những chuyển động của một sự sống khác. Chỗ đài phun nước chảy qua bức tường bao quanh thành - nơi người ta thấy đám phụ nữ xách vò rỗng đứng tán chuyện, hứng nước vào vò mà không nhìn nước rồi quay đi, một tay ôm kè kè vò nước đầy, vẫn không thôi tán chuyện -, một bà hào hứng nhớ lại rằng cha mẹ Fatma đã biến mất một cách kỳ lạ từ khi nàng còn bé tí. Các bà khác kinh sợ ngắt lời bà ta trước khi bà kịp kể câu chuyện mà mọi người đều biết bằng trực cảm, dù có thể họ chưa bao giờ nghe câu chuyện đó.
Đó là khi một người trong đám phụ nữ quyết định giúp Fatma thoát khỏi cơn hôn ám mà không hỏi ý kiến ai. Và khi đã quá nửa đêm, người trĩu nặng những cỏ và bùa ngải, chị kiểm tra xem có chắc là trăng đang ở vị trí thuận lợi không, rồi im lìm rón rén đi đến chỗ chân tường bên cửa sổ Fatma.
Một bên nách chị kẹp đôi cánh một con chim ưng non, hai đầu cánh nhúng đẫm máu kinh của một trinh nữ da đen. Chị vô cùng cẩn thận dùng cặp cánh vung vẩy trong không khí nhằm xua đuổi tà ma. Lủng lẳng nơi cổ chị là một hòn đá dẹt, hai màu của nó phác ra hình dáng một pháo đài. Ấy là để bảo vệ chị trước mọi kẻ thù. Trong một cái túi nhỏ bằng da có ghi những chữ thiêng, chị cất một hỗn hợp gồm ba loại cỏ mùi. Các thứ cỏ này chị dùng để làm dậy lên một bức màn khói dày đặc bao quanh những lời khấn khứa sao cho, một khi được thốt ra, các lời đó sẽ không bị gió cuốn đi mất mà lẫn vào khói, nhờ vậy chúng sẽ đồng nhất hơn, dễ thấy hơn.
Trong khi chị đọc những lời thần chú đầu tiên, làn gió nhẹ đầy muối xoáy cuộn nơi một góc tường, rồi lướt một quãng ngắn bằng tốc độ cao đến nỗi, khi thổi qua chị, nó làm ẩm mấy ngọn cỏ và giằng đi mất một trong hai chiếc cánh. Chị khiếp hãi siết chặt hòn đá có hình pháo đài trong bàn tay. Ảo tưởng tiêu tan, ngày hôm sau chị thừa nhận nỗ lực của mình đã thất bại, và, theo chị, chính vì thế chị đã làm lộ diện một lần nữa cái thực thể to lớn, hùng mạnh và tăm tối đang sống trong cơ thể Fatma.
VI. Bàn tay
Có thể là những động cơ ẩn mật của Fatma vốn trần tục hơn nhiều người nghĩ, và cái thực thể tinh thần kỳ lạ mà một số người gán cho nàng thật ra là một sự vắng mặt câm lặng. Bởi, nơi khuôn mặt Fatma, nơi toàn bộ thân thể nàng, vẻ đẹp là do chính sự vắng mặt nhuốm màu nên. Đôi tay nàng cầm vật này vật khác mà cứ sợ đánh mất, vừa mạnh mẽ vừa cẩn trọng, hồ như nàng sợ làm vỡ chúng. Môi nàng trông như được vẽ nhằm tạo hình hài cho âm thanh của những từ mong manh nhất, để được ẩm ướt khi cắn vào thịt những loài quả lạ chưa ai biết song đã được miệng nàng tiên cảm. Những khao khát riêng tư nhất dường như điều khiển độ căng trong các cơ đôi chân dài của nàng, và dường như kín đáo giấu đi sự khẩn thiết của chúng dưới sự thanh tao của làn da nàng.
Nàng đi như thể luôn luôn biết mình đi đâu, nhưng nàng luôn thủng thỉnh, chẳng bao giờ vội. Đôi khi, những cái vắng mặt vẽ nên hình hài nàng, chúng lớn đến độ người ta không nhìn thấy nàng nữa; người ta đi ngang qua dưới cửa sổ phòng nàng mà không cảm nhận được nàng, và mỗi khi nói về nàng, họ cảm thấy được sự mong manh nơi hiện hữu của nàng. Ở Mogador người ta tin rằng một chân nàng đặt ở thế giới khác, và một ai đó ở chốn xa xăm có quyền năng ám muội đang gọi nàng nhưng lại không chỉ đường cho nàng. Mỗi khi nhắc tới nàng, người ta không nói “cô ta kia kìa!” mà nói “dường như cô ta kia kìa.” Với những người còn lại, “nàng Fatma u sầu” là một cái gì đó gần với hình phản chiếu của chính nàng: đối ảnh của một bóng hình đang đau đớn, một cái gì khó lĩnh hội được trong không khí.
Với một vài người, cửa sổ mở phòng nàng dường như còn trống vắng hơn mỗi khi nàng từ đó nhìn ra. Tuy nhiên, với Fatma, cửa sổ không phải là cái hộp chứa những cái không gì cả của nàng như những ai nhìn thấy nàng thường nghĩ, mà đúng hơn là cánh cửa dẫn tới mọi thứ và chẳng dẫn tới gì. Nó là vật chứa mà từ đó nàng rút tỉa nỗi khát khao mọi thứ, bởi tất cả những cái vắng mặt phù vân tạo thành bầu khí quyển nỗi u sầu của nàng đều cắm rễ trong những phần xác thịt dễ bị trí tưởng tượng xuyên thủng nhất của nàng. Những cội rễ lấy cái nóng từ bụng và cái ẩm từ da.
Đã bao lần, ngồi nơi cửa sổ, nàng lướt mấy ngón tay lần dọc theo môi, chậm rãi, cho đến khi chính nàng không còn biết có phải ngón tay nàng di chuyển từ bên này sang bên nọ hay không, bởi nàng dường như đang dò xuống những chiều sâu thăm thẳm, khơi dậy sự tuôn trào những xúc cảm thuộc về đêm, độ ẩm tăng lên trong hơi thở nàng. Hơi biển nàng hít vào nơi cửa sổ là bàn tay khe khẽ chạm đến nàng ở bên trong. Ngồi thẳng dậy, nàng hít một hơi đầy phổi, thả mình cho không khí để cảm thấy sức ép ngày càng tăng của nó trong nàng. Đồng thời, nàng để ngón tay mình rơi lên cổ họng, vẽ những vòng âu yếm kéo dài trên cổ, đến khi hạ thấp xuống gặp chỗ hai bầu vú nàng vun lên thì những vòng đó hơi tròn lại, mời mọc ban thưởng nàng bằng sự nấn ná ngọt ngào trên độ cứng của đỉnh hai bầu vú đó.
Mười ngón tay nàng dập dềnh lên xuống theo mọi đường xoắn ốc của thân nàng, từng khoảnh khắc đều ứng hợp với những ngón tay khác đang chu du khắp thân thể nàng tự bên trong. Chúng nhận ra nhau qua làn da, giống như đầu mút hai chiếc đinh ghim nóng bỏng chu du trên hai mặt khác nhau của tấm vải và làm nơi chúng gặp nhau cháy xém. Những ngón tay của bầu không khí nàng hít thở nơi cửa sổ mang lại cho đôi tay nàng sức mạnh khiến thân thể nàng rực lửa. Chính bầu khí đó khiến cho đôi chân nàng căng thẳng, dấy lên những cơn gió xoáy giữa hai chân nàng, bầu khí hậu khác của ngày, nó trỗi cao như ngọn triều dâng, nổi trôi bất định vào lúc sáu giờ chiều.
Những ai thấy Fatma ngồi tĩnh tại nơi cửa sổ phòng nàng liệu có thể biết được gì, phải chăng chính nàng chẳng quan tâm đến việc phơi bày mật độ của cái khiến nàng thảng thốt cùng cái vị cay xè những gai cùng ngạnh của nó. Bởi, ngay cả khi nàng rời nhà đi dạo dọc những con phố gần bến cảng, và bằng những bước ngập ngừng bất định nàng tìm cách tạo cơ hội cho cuộc gặp nào đó dễ xảy ra hơn, nàng vẫn không bao giờ cho phép ai mường tượng rằng họ biết ai hay những ai là người Fatma mong gặp ở từng góc phố, diện mạo họ ra sao, tên tuổi họ là gì, ai là kẻ ngụ trong bầu không khí mà biển lùa về cửa sổ phòng nàng.
Và cũng có thể tấm lưng những người đó khá cuồn cuộn và cơ bắp, như tấm lưng người thợ nhuộm mà Fatma ngạc nhiên bắt gặp lúc anh đang tắm nơi đài phun vào buổi sáng nàng ra khỏi nhà sớm hơn thường lệ để đi lấy nước, hoặc cũng có thể những người đó có eo lưng phẳng mượt, bộ ngực hừng nhựa sống của người đàn bà nàng gặp đang trần truồng chạy trên bờ đá trước khi hòa mình vào biển, hoặc đôi mắt xám của cặp sinh đôi chơi xúc xắc trong cửa hàng gia vị, hoặc đôi tay người phụ nữ da đen mảnh dẻ bán sữa, đôi tay nâng nhẹ như đêm. Đôi tay khiến lòng Fatma xáo động mỗi khi chúng vươn ra trao cho nàng một món hàng hay tiền thừa trả lại. Nhưng chỉ mình Fatma biết liệu có phải bầu không khí đang vươn tay về phía thân nàng và khiến nàng nghẹt thở kia có tên gọi hay không, cái tên duy nhất người ta có thể thầm thốt ra trong nỗi hân hoan.
VII. Trăng trong nước
Bức tường trắng bao quanh đảo Mogador tỏa sáng trong đêm. Cánh thủy thủ lại gần nàng, hoan hỉ cho rằng nàng cũng như vầng trăng, rằng nàng nằm trên mặt nước mà gọi họ. Khi họ lâu ngày xa thành phố quê hương trắng muốt trôi trên biển, nỗi khắc khoải lo âu tràn ngập trong lòng họ cho đến khi choáng ngợp, và, được dẫn lối nhờ nỗi hoài hương hơn là nhờ các vì sao, họ trở về neo những con thuyền có cột buồm dựng đứng vào dưới các cửa vòm và cổng lớn của bức tường phập phồng sức sống. Nếu hành trình về cố hương kéo dài, trong mơ họ thấy ập vào trong họ hình ảnh lạ lùng về một thành phố trần truồng, giống như một người tình đứng đợi nơi bến cảng. Làn da nhuốm màu trăng, ẩm ướt vì chờ đợi.
Trước khi nhìn thấy nàng, họ cảm được rành rành sự hiện diện của nàng. Thế nhưng cảm nhận được nàng như thế này không làm họ an lòng, mà đúng hơn là giục giã họ dấn tới nhanh hơn như những con chim nôn nả mù lòa. Cho đến khi bất ngờ họ nghe thấy tiếng nàng: Mogador là thành phố của những giọng ngân vang, và các bức tường của nàng giống như những đôi môi khuếch đại và chỉnh cho đúng giọng tiếng hát của nàng. Ngự trên từng tháp trong số sáu trăm sáu mươi sáu ngọn tháp trên tường thành, một con rồng đá rỗng ruột xoay trong gió như cái chong chóng, thu lấy những thanh âm của thành phố qua một cái phễu giữa hai chân sau rồi hắt mạnh chúng ra qua cuống họng, lúc này những âm thanh đó đã chuyển hóa thành một bài hát arabesque, bài hát mà người ta nói những ai nghe thấy lần đầu đều khóc vì xúc động. Dàn đồng ca của lũ rồng có khi là tiếng gầm vang, có khi là biểu lộ niềm hân hoan của thành phố cũng như lời than van của nó, bài hát trầm sâu buốt nhói nhất của nó. Với những người thủy thủ nghe thấy nó từ xa, nó như lời báo trước rằng thật may sao thể xác là yếu đuối và rằng nỗi bất an của họ, chỉ một khắc trước đây thôi hãy còn mơ hồ bất định, giờ đây sẽ mang một hình hài thú vị; như những linh hồn thuần khiết lạc lối, bơ vơ vất vưởng mà, trong một lần số phận lơ là bỏ qua, đã hân hoan được hóa thành xương thịt trong một khoảnh khắc thực sự tràn trề nhục dục. Ở Mogador, những dục vọng thoáng qua của một thủy thủ, của người đàn bà nơi cửa sổ, một người ngoại quốc, một nhà buôn cá, luôn luôn dường như có hình hài mỗi khi được hát lên qua dàn đồng ca của bầy rồng, và như cơn gió mạnh khi đập vào ao nước liền chuyển thành đá, chìm xuống nước trở thành cá, rồi từ mặt nước nhảy lên thì bay như chim và lại biến mất trong gió.
Trong khi đi dạo dọc khu vực cao nhất của thành phố, Fatma dừng lại mỗi khi một làn gió nhẹ làm chiếc khăn voan màu đỏ phủ lưng nàng bay phần phật. Khi gió lặng, sự im lặng sâu thẳm kéo dài chỉ một khoảnh khắc dường như đang cố nói gì đó với nàng. Thế rồi lại rộn lên tiếng rì rầm của đường phố, những giọng không nghe rõ, vật này vật nọ bị người ta đập, chó sủa chuông rung, lời than van, tiếng cười, tiếng bước chân: nhiều bước chân hòa lẫn với tiếng sóng gầm ở đằng xa. Một lần nữa gió trở lại, làm mọi vật rít lên, và im lặng bé nhỏ sẽ lại tự chui vào những khoảng trống trong tâm trí, len qua phần trắng nhất của đôi mắt. Vào trong đó rồi, nó sẽ thuyết phục được bất cứ ai rằng vạn vật đều sống động.
Một cách vô thức, Fatma thường ve vuốt bất cứ cái gì trong tầm tay: hòn đá nhẵn, dải vải thêu, đôi hoa tai sặc sỡ bằng vàng chạm lộng, chiếc lá ô liu. Đầu những ngón tay nàng hơi chệch hướng về phía bất cứ mặt vải nào, hồ như nàng có thể dùng đôi tay mà đoán được cái gì nằm ở đó.
Trong mỗi vật, nàng cảm thấy năng lượng của những sự sống đã qua nay chưa tìm được cơ thể khác đặng hiện hình trở lại thành xương thịt, và giữa mười ngón tay nàng một cái gì đó bị thương, như là dục cảm của sự vật, lên tiếng nói.
Fatma nhìn lên một trong những con rồng dường như đang ngự trên bức tường sau chuyến hành trình vòng quanh thành phố, mà nghĩ rằng làn gió, trĩu nặng những giọng nói, cũng đã chuội qua giữa hai chân nàng, và đang làm tràn ngập trong nàng một tiếng hú ngọt ngào mà chẳng mấy chốc bật ra khỏi miệng nàng. Nhưng giữa các giọng nói đã tìm đường vào được trong mê cung thân thể nàng, chỉ một giọng làm ẩm ướt mê cung đó, duy nhất một giọng biết cách mở những cánh cửa bí mật của dục cảm nàng và tưởng tượng của nàng.
Đó là một giọng nữ, giọng của Kadiya, khuất giữa mọi thanh âm của thành phố, chính giọng đó giờ đang buộc Fatma nghe thấu đến tận cùng tiếng than van của mọi vật. Và cái vỏ sò rỗng của tai nàng, như cái vỏ sò cửa mình nàng, mở rộng để thu nhận cái giần giật phập phồng, tiếng thì thầm không nghỉ của làn da không khí.
Mỗi cử chỉ nàng đều khoan thai trò chuyện với bất cứ cái gì gặp nàng ở trên đường. Đối thoại đầy những ngạc nhiên. Một con mèo nhảy phóc qua tường một khu vườn, ngậm trong mồm mấy cái lông công. Một cái bình rơi xuống nước; người đánh rơi thở dài đoạn vừa lôi nó lên vừa ca cẩm. Những hạt đậu Garbanzo, đậu tằm, hạt phỉ nướng trên than hồng. Hai đứa trẻ vừa ăn vừa đến gần, tay giấu giấu cái gì: một quả dưa hấu. Chúng đập quả dưa vào một thân cây rồi thọc lút tay vào, tranh nhau mớ hạt. Chúng bỏ đi, bàn tay nắm chặt nhỏ ròng ròng nước đỏ. Cho dù không thấy bọn trẻ, người ta có thể nghe thấy chúng vẫn đang cười vang. Một bàn tay đen nhẻm bồ hóng để lại nguyên vẹn dấu trên từng cánh cửa: ấy là để ngăn không cho hồn người chết vào nhà. Fatma nghe tiếng hai nhà buôn cãi nhau. Một bị gạo đổ tràn ra đất. Hai con dao găm xuất hiện. Những tiếng la hét xen vào hòa giải và cả hai người nguôi giận.
Khi Fatma muốn băng qua một con phố hẹp, đám đàn ông mang biểu ngữ và trống lục lạc vô ý ngăn không cho nàng băng. Đằng sau họ, những người khác cưỡi la trắng lẫn la đen hát hò cầu nguyện, làm dậy lên đám bụi dày mù mịt dâng hầu như tới tận cổ họng họ. Fatma phải nép sát vào tường để không bị đám rước giẫm bẹp. Nàng phải ép chặt lưng, chân và gáy vào bức tường ẩm thấp quét vôi trắng. Bức tường nghe lạnh còn đám mây bụi khiến nàng tắc thở, âm thanh huyên náo khiến nàng mụ mị.
Giờ thì mọi chuyện đã chấm dứt trên đường phố và Fatma lại tiếp tục đi, cảm thấy không thoải mái, cho mãi tới khi một làn gió từ biển ùa nhanh về phía nàng. Trong khi chầm chậm hít làn gió ấy vào ngực, nàng cảm thấy nó trên mặt mình, mỉm cười mà nghĩ nàng nhận ra nó. Lại là Kadiya, và không ai khác ngoài Fatma dường như cảm thấy được sự hiện diện của cô. Ánh hào quang truyền qua không khí là nụ cười của Kadiya, ngời sáng trong ký ức Fatma như những buổi chiều nào đó, khi ánh sáng dường như không bao giờ rời đi, vì quá đỗi mãn nguyện. Fatma thấy chính mình vỡ tan thành hàng ngàn mảnh bị lôi cuốn về phía cái miệng thanh mảnh tươi cười của Kadiya, và chính khóe miệng nàng giữ lại tất thảy tàn dư đã bị từ hóa của những nụ hôn Kadiya, cả chúng cũng đã biến thành mạt giũa vô hình.
Dệt vào trong những hình ảnh đó là một vài từ được nói ra chậm rãi nơi vành ngoài của tai nàng, và chúng đã trở thành một trong những tiếng vang không bao giờ tắt hẳn. Bản thân cái tên Kadiya đã là một bí mật được canh giữ, âm vang, giống như mọi cảm xúc vào sáng hôm đó khi hai người gặp nhau lần đầu trong những đại sảnh ẩm ướt mờ mịt hơi nước của nhà tắm công cộng: Hammam.
Cũng như mọi phụ nữ ở Mogador, Fatma hay đến Hammam, nhà tắm công cộng mà vào buổi sáng chỉ mở hơi ẩm của mình cho tấm thân phụ nữ, còn nước buổi chiều thì dành để bôi trơn cái thô ráp của sự thông đồng nam giới. Hammam vào buổi sáng thì thế nào? Lốc xoáy bí ẩn: tiếng kêu, bánh xà phòng tan trong nước, tóc quấn tóc, cỏ thơm bốc hơi, khoảnh màu cam trong một đài phun gồm toàn hạt lựu, bạc hà và thuốc hashish trên những cặp môi đầy, nhổ tóc vội vàng, dép xăng đan bằng gỗ phồng căng, đất đỏ nhuộm tóc, một quả đào cắn dở, những đóa hoa múp míp, gạch lát sàn sống động, thịt da trần trụi đầm đìa di động tới lui tựa hồ ánh trăng phản chiếu trên mặt nước.
Cũng như chỗ bếp lò công cộng, nơi mỗi phụ nữ mang bột nhào đến và trò chuyện với các phụ nữ khác trong khi đợi đến lượt mình nướng bánh, Hammam là một trong những nơi mà phụ nữ Mogador có thể cùng nhau dệt các sợi chỉ tinh vi những sự thông đồng của họ. Không một tôn giáo nào trong ba tôn giáo chính của đảo này từng vươn những cấm đoán của mình vào được Hammam. Không một câu nào trong kinh Koran, kinh Talmud hay Kinh Thánh có thể được thốt ra bên trong các bức tường của nó, nói gì đến được viết ra, và người ta cho là thậm chí không bao giờ được ai nghĩ tới. Đám phụ nữ luôn cẩn thận bước vào bằng chân phải trước còn bước ra thì chân trái trước, như thể giữa vào và ra chỉ cần một bước duy nhất. Bằng cách đó, họ đặt Hammam ra ngoài không gian và thời gian. Do vậy, Hammam có luật của riêng nó - luật về sự thanh tẩy hoàn toàn thể xác, sự thanh tẩy mà qua đó người ta tìm cách rũ bỏ mọi u sầu, bởi u sầu là có hại, và trui rèn thân thể trong khoái lạc, bởi khoái lạc thì đem lại sức sống mới. Ấy là luật lệ của dạng thức ma thuật cổ xưa nhất vốn tìm cách kích thích cái đẹp và sự sống bằng cách giấu đi tình trạng suy vi của tuổi già.
Cái gì là trái phép ở bên ngoài thì, ở trong Hammam, nó cũng vô thực thể như một thứ quả mà vỏ tan biến trong không khí khiến người ta không còn phân biệt nổi thứ quả này bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu. Nhiệt độ cứ tăng dần, những thân thể từ trong hơi nước nhô ra tựa hồ đó chính là chất liệu làm nên chúng, những giọng nói và tiếng vang giọng nói, những xoa bóp chẳng mảy may sai chạy, cơn mệt mỏi vô cùng tận và sự đánh thức lơ mơ đờ đẫn, ấy là một vài trong số hàng ngàn gian ngoài hạnh phúc mà từng người trong số những ai đến Hammam sẽ đi qua trên hành trình vô mục đích của mình. Thư giãn và sạch sẽ không phải là những thứ đầu tiên người ta tìm kiếm ở Hammam, mặc dù có thể nằm trong số nhiều hệ quả của nó.
Cũng như các phụ nữ khác, Fatma biết rằng vào buổi chiều khi giới tính của cư dân Hammam thay đổi, bản thân tòa Hammam ấy sẽ khác với cái Hammam mà nàng biết, cũng như đêm khác với ngày. Tiếng rì rầm nghe được từ ngoài phố sau buổi trưa báo hiệu rằng chuyển hóa đã diễn ra. Nếu vào buổi sáng tiếng cười có âm sắc cao và đôi khi the thé, bóng loáng như những mũi kim đan vào đám rối bời những giọng, những tiếng kêu đung đưa qua lại giữa nức nở và hát hỏng, thì vào buổi chiều những đợt sóng cười sẽ trở nên thô ráp hơn, mấy lần lên cực điểm thành những tiếng hét la tách bạch, cường điệu một cách ồn ào những âm giai đầy nam tính của mình, hồ như muốn ấn cái hiện hữu cương cứng của chúng lên người khác.
Nhưng trong khi sự ngạo mạn của buổi chiều và cái cuồng loạn của buổi sáng là hai thái cực rắn câng giữ cho các bức tường của Hammam luôn căng thẳng, thì các gian phòng và đài phun của nó, cả sáng lẫn chiều, đều tháo cũi sổ lồng những mê cung vốn thích hợp cho các linh hồn và giới tính trung gian có thể tồn tại. Trên cửa vào Hammam, xoắn xuýt trong một dòng thư pháp đẹp đẽ khắc ba màu, là một câu viết bằng chữ cái to màu đỏ như sau:
Vào đi. Đây là ngôi nhà của thân thể khi thân thể bước vào thế giới. Ngôi nhà bằng lửa vốn từng là nước, bằng nước vốn từng là lửa. Vào đi. Hãy rơi như mưa, hãy cháy như rơm. Cầu sao đức hạnh của ngươi là lễ vật đầy niềm vui trong vòi phun của các giác quan. Hãy vào đi.
Sáng hôm đó, Fatma bước vào Hammam mà lòng bực tức trước sự tương phản giữa ánh sáng rực rỡ ngập tràn ở bên ngoài với cảnh tranh tối tranh sáng lốm đốm những mảng màu của các ô cửa sổ nhỏ lắp kính, tự trên trần nhà chúng phân chia lượng nắng của mình trong gian phòng đầu tiên. Phòng này rộng thênh thang, một trong những phòng rộng nhất ở đó, tường quét tuyền vôi trắng, dọc tường có một hàng móc cao ngang đầu nơi các phụ nữ mắc toàn bộ quần áo của mình lên. Có một ghế ngồi cao cạnh cửa, ở đó một bà phục phịch giọng oang oang như lệnh vỡ ngồi trông chừng đồ đạc của mọi người và thu tiền từng phụ nữ một trước khi họ bắt đầu chuyến hành trình đi qua nước.
Bất chợt, Fatma trông thấy hơn một trăm tấm vải khác nhau treo trên các bức tường. Nơi những áo dài, áo choàng và mạng che ấy tập trung nhiều vải vóc hơn ở bất cứ kho chứa vải nào ở Mogador. Phô bày bên nhau ở đó những màu sắc và kiểu dáng mà lẽ ra người ta chẳng bao giờ thấy ở bên nhau được, ngay cả trên bàn cờ của đám nhà buôn từ phương Đông tới. Mỗi tấm vải dường như lại mềm hơn tấm vải kế bên và sự khác biệt giữa tấm này với tấm kia là tinh tế nhưng rõ rệt, như lưỡi một con dao. Fatma mường tượng thấy những ngón tay nàng sẽ nổi điên nếu chúng phải tìm đường giữa những mình vải kia mà không thể lựa chọn hay cự tuyệt bất cứ cái nào trong số đó.
Cũng với nỗi sững sờ như vậy, nàng quan sát làn da những phụ nữ đang cởi những thước vải đó ra. Nàng thường tìm xem có sự tương ứng nào giữa cái mềm mại của một số tấm lưng với những tấm vải lanh hay lụa mà họ mặc không. Nàng hình dung rằng với thời gian và do được dùng nhiều, vải và da tiếp xúc với nhau, cùng nhau thực hiện một số cử động, rồi thì chúng sẽ truyền cho nhau những phẩm tính và nhược điểm của mình. Người đàn bà quấn một cái khăn choàng rách quanh eo để lộ một cái sẹo dài nơi bụng đập ngay vào mắt. Vết thương đó bắt đầu từ đâu? Trong tấm vải ư? Cái gì đến trước, chỗ mạng hay vết sẹo?
Một phụ nữ khác ở xa hơn thì làn da có cái màu mà chỉ một nhà làm thuốc nhuộm mới có thể tưởng tượng ra, người này trộn nhiều thứ cỏ trong mấy ngày thì mới thu được cái ánh thép mà ta chỉ thoáng thấy nơi những viên gạch trong một bếp lò sáng lửa. Khi Fatma phơi bụng ra, nàng tự cười mình mà nghĩ đến chất nhung bị vò nhàu; đoạn nàng chuồi mười ngón tay xòe rộng xuống dưới, giữa đám lông mềm mại rối bời đặng ban thân thể cho tấm vải đen của chính nàng.
Trong khi cởi quần áo và cảm nhận trên cơ thể mình ánh mặt trời giờ đã mạnh hơn và nhuốm màu những ô cửa kính trên trần, Fatma cảm thấy cái gì đó chạm vào nàng cũng nhẹ nhàng tinh tế như chạm vào bất cứ ai khác đã cùng nàng vào đây. Ánh sáng đó hợp nhất nàng với những người đàn bà khác, cho nàng mặc cùng một tấm áo, đồng thời xua đuổi những thiên thần hay nhiễu sự của tính thẹn thùng, những vị thần mà, trái với ánh sáng đó, có thể làm cho một phụ nữ dù đã bọc vải kín mít song vẫn cần thêm mạng che mặt. Khoác trên mình những màu sắc của thủy tinh, Fatma kín đáo bước thẳng vào cuộc chuyện trò của các phụ nữ khác chỉ bằng cách nhìn họ dưới cùng những ánh phản chiếu đó, và theo sau họ một quãng, nàng bước vào phòng thứ hai.
Ở đó các cửa sổ không còn che phủ cái nhìn của phụ nữ và làn da họ được trả về màu nguyên thủy. Các bức tường phủ đầy tranh khảm với những đường trang trí kỷ hà và những nét cong đầy gợi cảm mà đâu đâu cũng vừa khít với các nếp gấp sâu kín nhất của những tấm thân, trở thành tiếng vang vô tận của chúng. Không còn giấu những thân thể đi mà phân tách hiện hữu của chúng ra, nhân những bí mật của chúng lên: xóa mờ các thân thể bằng hình ảnh của chính chúng, ban cho chúng sự nối dài tế vi hơn cái bóng của chính chúng. Fatma để cái nhìn mình chìm sâu vào những khoảng rỗng vẽ trên tường - các khoảng rỗng mà giờ đây là của chính nàng. Nàng nhúng ướt những gợn sóng tóc mình trong làn nước một vòi phun, và bề mặt làn da ướt sũng của nàng bắt đầu thu lấy những ánh phản chiếu mà trước đó chỉ ngời lên trên các bức khảm.
Trong phòng đó nước không quá nóng. Trong ba phòng kế tiếp nhiệt độ tăng dần, cho đến khi người ta tiến tới phòng trung tâm, nơi một đài phun lớn ở chính giữa phun nước sôi sùng sục. Fatma dễ dàng băng qua từng nhiệt độ một trong số đó, biết chúng làm thành cái thang dẫn đến cánh cửa mà rốt cuộc mở ra vùng của những giấc-nửa-mơ, tương tự những giấc mà hàng ngày nàng vẫn thấy mỗi lần mấy giờ liền nơi cửa sổ phòng nàng.
Khi bước vào phòng trung tâm, nàng không thể không choáng ngợp trước đài phun khổng lồ dường như tự trên trần đổ xuống thành một thác nước sôi sùng sục, tỏa những làn sóng hơi nước ra ngùn ngụt khắp phòng. Quanh đài phun nước là những con sư tử đá xếp vòng tròn, phải trèo qua lũ sư tử đó thì mới múc nước vào thùng được. Một chất lỏng giống như thủy ngân tuôn ra từ mồm chúng, chảy theo những con kênh ngoằn ngoèo khúc khuỷu khắp phòng, dòng chảy uể oải phản chiếu những tấm thân trần trụi. Từ hậu môn bầy sư tử tuôn ra một thứ hơi nước dày đặc, nhuốm màu và đượm hương.
Luôn luôn có những người đàn bà đùa giỡn giữa bầy sư tử, dùng mõm và đuôi sư tử làm nên những tư thế tục tĩu cho người khác xem, những người khác thì ngồi lặng lẽ trên lưng sư tử mà xát xà phòng lên chân mình. Một khi nước sôi đã ở trên da họ, thì hơi nước từ mình họ bốc ra, từ xa và ngược sáng, trông như những ngọn lửa trắng.
Fatma bước vào mắt khép hờ để có thể ngạc nhiên trước cuộc diễu hành của các phụ nữ chói ngời trên mình bầy sư tử, mõm sư tử ngập lút giữa đôi chân họ. Họ là những con quỷ của cái hơi ẩm dâm dục và tinh tế đang áp bàn tay lên mặt đá một cách vô cùng êm dịu và lần lữa chần chừ đến nỗi tiết lộ rằng, chỉ một lát trước đây thôi, họ đã đặt tay lên cặp đùi tình nhân họ, cặp đùi vốn chẳng bao giờ rắn câng như thế.
Xung quanh họ, vài phụ nữ vừa trò chuyện vừa ngâm mình trong nước; những người khác xát xà phòng cho nhau và nhiều người làm ra thác bằng giọng của mình. Khi bước vào, Fatma thấy những cái bóng đẫm mờ hơi nước chuyển động theo nhịp điệu của đài phun, tự phơi bày mình cũng với cái khí lực tràn trề như những viên gạch lát tráng men, trượt từ bóng này sang bóng khác một cách tự tin như những dòng dương lưu tuôn qua biển, những dòng lưu chuyển mà bây giờ nàng sẽ nhập vào.
Trong cái vòng tròn lưu thủy những người đàn bà dường như đi trên đám hơi nước mù mịt sàn phòng đó, Fatma quên mất thân thể hàng ngày của mình mà hân thưởng những phẩm tính mới, các phẩm tính mà một sự trần truồng đầy hương vị ban cho nàng. Nàng đã ra khỏi bản thân mình, hồ như nàng đã trôi chuội ra, và, khi đứng dậy, nàng đứng cạnh thân thể của chính mình. Và sự khác biệt nhỏ đó, mà rõ ràng chỉ mình nàng cảm nhận được, là một dải băng rộng mà trên đó chạy rần rật những niềm vui mới. Và nếu bây giờ thậm chí cả đôi tay nàng cũng khác, chúng có thể hồi sinh niềm phấn khích của nàng đến độ khiến nàng phải nhắm mắt lại, thì chỉ một chốc sau cũng trong buổi sáng đó, đôi tay của Kadiya sẽ làm đúng như vậy một cách còn lão luyện hơn.
Nếu từ cửa vào Hammam đến căn phòng có đài phun lớn chỉ có một lối đi duy nhất mà khi đi trên đó người ta ăn mặc khác nhau một cách tinh tế, thì khi họ rời khỏi căn phòng tràn trề nước chảy kia, những cánh cửa mở quy về một hướng nhân lên, và người ta có thể bước ra những khu vườn, những dòng suối ngợp nắng. Người ta nói có tổng cộng hai mươi lăm phòng ở nhà tắm công cộng này, rằng một số phòng dành riêng cho những người quyền thế, số khác là những không gian tách biệt: dành cho những ai bị bệnh ngoài da, cho các hoạn quan vẫn còn chảy máu, cho những ông những bà phì nộn tự lấy làm xấu hổ, cho những kẻ hung bạo vô phương kiểm soát, cho người nước ngoài, cho những ai cự tuyệt không chịu vuốt ve người khác, và cho những ai không chịu nổi nước và đến Hammam chỉ để gặp gỡ thiên hạ thôi.
Cắt ngang bốn khu vườn là những tấm gương bằng nước và các đài phun tuôn ra những dòng thác có thể hát bằng hai mươi lăm giọng khác nhau. Một trong các phòng có một tấm gương bằng nước mà người ta đặc biệt khâm phục bởi thay vì ở trên sàn, nó nằm trên một bức tường mà trên đó các kiến trúc sư-thợ học việc-thầy phù thủy đã thành công trong việc khiến cho một bức màn nước khổng lồ rơi từ trần xuống sàn nhà chậm đến vậy, gần như bất động, đến nỗi người ta có thể thấy hình phản chiếu của mình trên đó rõ hơn cả trên mặt một hồ nước đứng yên. Ở một phòng khác, người ta vẽ trên tường những khung cảnh nhằm kích động trí tưởng tượng đầy dục vọng của bất cứ ai nhìn vào chúng, hoặc bất cứ ai sờ đến chúng, bởi các bức tường được đắp nổi sao cho những ai say đắm các ảo hình miêu tả sự thiêu đốt trong xác thịt thì đều có thể đà đận áp mình vào chúng.
Ở một phòng khác, những bức tranh không chỉ là ánh chớp lóe: chúng châm mồi lửa. Chúng minh họa cho những kẻ đi qua hàng ngàn cách để dùng môi mơn trớn dương vật, dùng lưỡi bao kín âm vật, để bú để nâng để cắn để mơn, lần lượt hoặc cùng một lúc, để lăn từ trên giường xuống rồi lại leo lên mà không tách nhau ra, để rũ bỏ sự cứng ngắc đầy ám ảnh và xua đi sự mềm quá sớm; để lại uống từ những cái giếng khô và làm khô những cái giếng ri rỉ xuống hai đầu gối.
Có những phòng dành riêng cho đấm bóp, ở đó cái thực tiễn nhất lại không hấp dẫn gì lắm. Nơi đó gồm một tay đấm bóp lực lưỡng mà tay chân quấn quít với tay chân của nạn nhân y, người được xoa bóp nằm sấp, mặt úp xuống sàn. Tay đấm bóp duỗi căng toàn thân y như cánh cung, cho đến khi các khớp của người kia kêu răng rắc. Từng người một, tay đấm bóp thu thập ba mươi hai cú rắc từ mỗi nạn nhân. Sau mỗi cú rắc, gã béo phát ra một âm thanh bằng miệng nghe như mảnh giấy bị xé hay một cái hôn khô, y thốt ra một câu (là lời cầu nguyện hay lời nguyền rủa thì chẳng ai biết chắc), rồi thay đổi tư thế một chút để tìm tiếng rắc mới. Vào buổi sáng, các bà đấm bóp rất có giá, người ta tìm đến họ không chỉ vì những cơ bắp khéo léo của họ mà còn bởi sự tròn đầy tuyệt đối của thân thể họ. Họ giống như những quả banh bằng thịt to đùng vừa lăn vừa hấp thụ những tấm thân nhạy cảm, và làm cho xương từ bỏ mối đe dọa của sự căng thẳng tích tụ dần. Họ cũng cố sao cho các khớp phát ra âm thanh của một cái chuông pha lê rơi và lăn quanh tấm thảm.
Có những phòng dành riêng để nhuộm tóc và nhuộm lòng bàn tay bằng một thứ đất màu đo đỏ hoặc vàng vàng gọi là rássul, thứ đất này chỉ tìm thấy ở ngoại ô thành phố Fez và hòa tan trong nước hoa hồng hay nước hoa cam. Người ta cũng vẽ mắt bằng quả hạnh nhân đắng đốt thành than để tô đậm lông mày và dùng phấn côn để viền mí mắt. Fatma thích dùng phấn côn của Hammam hơn là của mấy tay buôn ở ngoài cảng, vì phấn côn ở Hammam được phụ nữ làm tại nhà theo đúng mọi phép tắc giữ gìn mà đám nhà buôn thường không tuân thủ. Người ta phải thu thập đủ san hô, dầu đinh hương, hột quả ô liu đen, một loại hạt tiêu xuất xứ ở Sudan, và mấy viên phấn côn nhỏ. Điều quan trọng hơn hết là tất cả những thứ đó phải được nghiền bởi bảy thiếu nữ chưa dậy thì hoặc một phụ nữ “đã qua cái thời các chất lỏng sôi trong cơ thể” như Sách các Thực đơn và Lời khuyên cho Phụ nữ Mogador đã dạy. Nghiền xong, rây qua một tấm vải thô thì được một thứ bột mịn, bột đó hòa tan vào nước đái mèo sẽ làm cho mắt ánh ngời hơn, và dùng một cọng rơm cực mảnh để kẻ hai đường viền lên mí mắt.
Cũng trong phòng đó các phụ nữ Berber phơi bày trọn vẹn những hình xăm của họ còn các cô dâu thì phô ra những mái tóc bị nhổ, cẩn thận sao cho các hương liệu pha trong nước, cỏ thơm và sữa dê không làm thay đổi những dấu vết đau đớn trên da họ. Cái đẹp có được thông qua đau đớn, dù nhẹ đến bao nhiêu đi nữa - song luôn luôn được bày ra - là cái đẹp hoàn hảo nhất ở Mogador. Sự phô bày thịt da bị tổn thương, phô bày cái đau ghê gớm thoáng lộ qua lớp trang điểm, nở rộ ở nữ giới Mogador với những vẻ tinh vi phức tạp vô cùng tận. Fatma biết rõ sự sum suê nở rộ này, và bởi nàng không phô bày những hình xăm sâu thẳm như các phụ nữ khác, nên dường như nó cũng chẳng liên quan đến nàng mấy. Nhưng bầu không khí u sầu dần dần chiếm lĩnh nàng từ sau buổi sáng đó, tự nó sẽ trở thành một dạng thức tự nhiên để biểu thị cái đau, để trang điểm cho nàng bằng nỗi buồn của nàng, giống một con côn trùng dang rộng cánh lúc chiều muộn, bắt chước tàu lá chuối hay hoa mận.
Sáng hôm ấy hãy còn quá sớm nên Fatma chưa thể lộ ra nàng vui nhiều lắm hay buồn nhiều lắm, và nàng để một bà da đen người Ai Cập tên là Sofia kẻ mắt cho nàng bằng phấn côn. Bà này biết mọi thứ bí mật hầu giúp người ta thôi mắn đẻ, khỏi vô sinh, hết chứng bất lực và tránh được các tai ương khác. Vừa chăm chút cho cặp mắt Fatma, Sofia vừa khuyên nhủ một bà bốn mươi tuổi có làn da nhẽo nhợt và thắt lưng ẽo ợt, tinh thần èo uột. “Muốn giữ chồng thì tôi bảo gì bà phải làm nấy. Sáng sớm tinh mơ, khi hắn còn ngủ, và ngay trước khi hắn thức dậy, hãy nhắc đi nhắc lại vào tai hắn ba lần: Cầu Trời đốt bỏ tính hay quên này ra khỏi đầu anh, cầu cho sàn nhà rung anh bần bật, lật nhào anh và đánh thức anh ở sâu trong em. Bà phải làm thế trong tám ngày mà không để hắn nghe thấy khi thức dậy, và thứ đầu tiên bà cho hắn ăn vào buổi sáng phải là một mẩu chà là suốt đêm qua nằm ở trong bà. Nhưng không được để hắn nghi ngờ gì cả. Sau một tuần bà sẽ thấy nỗi đam mê của hắn lớn dần. Để giữ không cho hắn phung phí nỗi đam mê đó nơi những người khác, bà phải ăn cắp tấm trải giường mà một mụ đàn bà da đen và một gã đàn ông da đen đã làm cho ẩm bằng mồ hôi trong khi họ làm tình. Hãy đốt tấm trải giường đó dưới chân giường bà. Trộn tro đó với nước mưa, nhưng nước đó phải là nước chưa bị ai bước ngang qua, rồi mỗi ngày xoa một ít nước đó vào tất cả các lỗ trên người bà. Nếu không tìm được tấm trải giường bị một cặp da đen làm ẩm, bà có thể dùng tấm trải giường của một ả điếm. Nhưng dù thế nào, tấm trải đó bà phải ăn cắp thì tro đốt ra mới có tác dụng. Không được để những người làm ẩm nó trong đêm nghi ngờ gì cả, dù trước hay sau đó. Nếu có ai khác biết bà đã làm việc này khi nào và bằng cách nào thì quyền năng của phép màu sẽ tiêu tan.”
Fatma thật ấn tượng trước vẻ ngoan ngoãn của người đàn bà vừa lắng nghe vừa bất giác gật gật đầu, một tay siết thành nắm đấm mãi không buông còn tay kia sờ cổ họng mình. Fatma hình dung thấy bà ta thực thi cái nhiệm vụ lâu dài và gian khổ mà Sofia vừa bảo bà làm, nhưng lại thấy bà ta ngừng lại đầy đau khổ trước một trong những trở ngại. Hình ảnh sự thất bại hiện rõ trên mặt bà ta, như thể chính bà tin chắc rằng choán trọn tương lai mình là những điều không sao đạt tới.
Fatma cũng hình dung bà ta vượt mọi trở ngại nhưng rồi lại thất vọng khi chẳng thấy kết quả gì, bèn tự hỏi trong ngần ấy năm qua mình đã sai lầm ở bước nào, ở cử động nào, ở lời quyến rũ nào.
Fatma kinh sợ trước nỗi tuyệt vọng của người đàn bà này, mặc dù nàng đã thấy bà ngoài chợ, xúm xít quanh bà là những người cầu hôn mà bà khinh bỉ. Vào giờ đó trong buổi sáng, Fatma vẫn còn có thể tận hưởng cái xa xỉ của việc tin rằng thật ngu xuẩn nếu cứ khăng khăng thèm khát tình yêu của một người mà ta không thể có bên ta, trong khi lại khước từ tình yêu ở trong tầm tay.
Khi Sofia nhận ra rằng Fatma càng lúc càng căng thẳng trong khi quan sát người đàn bà tuyệt vọng, mụ liền vội vã kẻ viền mắt cho nàng mà không biết mình đang trang điểm đôi mắt đó cho ai, rồi tống khứ Fatma bằng một cái hôn lên trán.
Fatma sợ bước vào một vài phòng ở Hammam đồng thời những gian phòng đó lại khiến nàng mê mẩn thế nào đấy, và khi đi qua chúng, nàng đứng nơi ngưỡng cửa nhìn, lưỡng lự. Trong phòng rắn, ba mươi con trăn hoàn toàn không có răng, mình bôi đẫy dầu trôi tuồn tuột giữa hàng trăm chiếc gối da và thân thể trần truồng của những người từ sáng đến chiều tận hưởng quyền ưu tiên của họ. Có người phô ra những con rắn mình thích, những người khác thì con nào thích họ lại giấu đi: những con rắn chỉ vừa mới lấy trong rổ ra lúc chủ nhân chúng đang có mặt. Fatma có lần mơ thấy mình đang cười to, mình quấn giữa bầy rắn, cũng với tiếng cười thảng thốt, cao vút mà nàng thường nghe các phụ nữ khác buông ra trước cái cảm giác này, cái cảm giác không bao giờ thôi trườn qua giữa hai chân. Fatma không bao giờ dám động vào lũ rắn, mặc dù một cái gì đó thật mãnh liệt lôi cuốn nàng lại gần chúng. Nàng khiếp đảm trước những con mắt nhìn trô trố và những cái nùi hung hãn mà lũ rắn chỉ cho phép tháo dần ra khi người ta thổi khói hashish vào tai chúng.
Nhưng thậm chí dù Fatma không bước vào phòng đó, những sự mơn trớn còn táo tợn hơn cái mơn trớn của mười con rắn sẽ để lại dấu ấn vô tận của chúng giữa hai chân nàng. Và một cái nút trượt mà nàng vẫn chưa ngờ tới đang sắp sửa thít lại quanh ngực nàng, làm nàng tức thở, khiến nàng phóng những cái nhìn khao khát từ cửa sổ phòng nàng; giống như đám thủy thủ mong lại nhìn thấy Mogador biến thành một hình phản chiếu trần truồng dưới nước. Nếu dàn đồng ca của bầy rồng trên bức tường vây quanh thành có thể cảm được âm thanh từ rất lâu trước khi tiếp nhận các âm thanh đó vào thân hình rít vang của chúng, thì hẳn lúc này chúng đang hú - như bầy sói hú trăng - để cảnh báo cho Fatma. Kadiya đang ở gần kề.
VIII. Hoàng hôn giả
Mỗi tháng một lần, vào giữa trưa, một đám sương mù màu tía mỏng tang tràn ngập bầu không khí Mogador. Nhìn từ trên nóc nhà trông rất lạ, cứ như các bức tường trắng đang toát ra một làn ánh sáng đo đỏ. Người ta gọi nó là “hoàng hôn giả” và nó chẳng bao giờ kéo dài quá mười lăm phút. Nó tan biến cũng chậm như khi xuất hiện, theo cùng nhịp biển dồi vào cát. Nó bôi dầu lên mọi vật trong khi tiến vào thành phố, chạm tới mọi vật dù hầu như không chạm tới, thở cùng bầu không khí tĩnh lặng như mọi vật thường vẫn thở. Vì lý do đó, khi một người đang yêu tiến chậm mà chắc, người đó được ca ngợi là một “hoàng hôn giả”, một “đám mây màu tía”, hay “một làn sóng lớn bằng máu loãng đi trong gió.”
Khi đám mây màu phớt đỏ ùa vào những căn nhà, nó khiến đám phụ nữ ngạc nhiên khi mở cửa, khi họ cảm thấy có gì đó hiện diện sau lưng họ và rồi quay người lại, khi họ chìa hai lòng bàn tay ra và làn sương tuôn qua họ, khi môi họ nghe mọng hơn và tấm gương cho thấy họ có một sắc đỏ sâu hơn, rõ là bị đám mây kia nhuộm, hầu như bị nó gặm dần.
Buổi sáng đó, Fatma đã đi qua phòng hơi nước và cái hồ nhiều nhiệt độ. Nàng đang bước vào một trong những khu vườn yên tĩnh nhất của Hammam nơi nàng cảm thấy hơi ẩm xâm hấn của “hoàng hôn giả” trên môi nàng. Nàng nhận ra cảm giác đó trên mặt, cái cảm giác nàng vẫn luôn thích khi còn nhỏ. Nhưng bây giờ, chỉ vận lớp áo duy nhất là làn hơi của các dòng suối nóng, nàng cảm thấy cái sức ép ấm áp, mờ đục kia trên cả đôi môi khác của nàng nữa.
Nàng cố tự vệ trước cái rờ rẫm xa lạ đó bằng cách làm bộ thờ ơ. Nhưng khi nàng tiến vào đám mây nơi thời gian đứng yên đó, nàng càng lúc càng nhạy cảm với cái mơn trớn sâu xa mà làn da non trẻ của nàng như đòi hỏi bấy lâu nay. Cái mơn trớn mà một thứ quỷ - hoặc thiên thần - giữa trưa nào đó đang ban cho nàng hậu hĩ, với sự táo bạo và vồn vã của kẻ rốt cuộc cũng tới được điểm hẹn từ lâu mong đợi.
Fatma vờ không nghe thấy tiếng nhạc bắt đầu vang lên trong cơ thể nàng. Tự nãy giờ các sợi dây của nàng thèm khát những bàn tay có khả năng làm chúng dịu đi, nhưng nàng cố sao cho tai nàng vẫn chỉ trung thành với những đòi hỏi của bên ngoài. Ở đằng xa, từ mỗi ngọn tháp, người ta hô những lời cầu nguyện giữa trưa hướng về Mecca mỗi khi đám mây màu tía hiện ra, tiếp theo lời cầu nguyện là những câu trong kinh Koran mô tả Mohammed cưỡi ngựa, gươm trong tay, đánh bại toàn bộ bầy quỷ dữ đội lốt đám mây. Một tôn giáo khác ở Mogador thì rung đóa hoa kim loại của các tháp chuông theo một cách đặc biệt gọi là angelus, được cho là có quyền năng xua đuổi lũ quỷ chẳng biết từ đâu tới khi mà, giống như một quả cầu vô hình, ngày tách làm đôi. Theo các sách cổ của giáo phái này, khi chuông gióng, một thiên thần ánh sáng sẽ chặt đầu cả một bầy quỷ dữ, máu chúng bốc hơi, tan trong không khí, nhuộm đỏ thành phố trong khi trôi lơ lửng trên đầu giống như đám mây. Ngay sau đó, cũng vị thiên thần ấy lau sạch máu, làm hắt lên mọi vật ánh mặt trời giữa trưa phản chiếu trên lưỡi kiếm của ngài.
Một giáo phái khác cứ hễ đám sương mù đỏ nhạt xuất hiện là lại bắt đầu đập đá, họ tin chắc bên trong một trong các hòn đá đó là một bức tranh mô tả đám mây ấy tan đi. Đó là những hòn đá kỳ dị ẩn chứa những phong cảnh hoặc cảnh tượng táo tợn, một vài trận đánh và nhiều đêm đầy sao. Những người thuộc giáo phái này tin chắc rằng có thể nắm bắt ý nghĩ của con người thông qua một số hòn đá, rằng những suy nghĩ da diết nhất của con người - dục vọng của anh ta - hình thành bên trong những hòn đá thiêng. Một số người chuyên diễn giải các lời kinh lửa tuyên bố rằng có thể đọc được quá khứ và tương lai con người trong lòng các tảng đá này. Những người khác tôn thờ một loại đá mà nếu được nuôi dưỡng tốt bằng những ý nghĩ âu yếm của con người thì sẽ lớn lên, và họ nói toàn bộ lịch sử loài người chẳng gì khác hơn là một trò ngông mà một trong các hòn đá sống kia, hòn cổ hơn cả, tưởng tượng ra mỗi lần một tí. Một số phòng ở Hammam có những bức tường đá đầy những cảnh huê tình không phải vẽ bằng tay người. Người ta nói các bức tường này thoạt tiên là tường trắng, nhưng năm này qua năm khác đã hấp thụ các hình ảnh tục tĩu lướt qua tâm trí những người thường xuyên đến Hammam. Tuy nhiên cũng có người cho rằng thật ra ấy là chính các bức tường đang khao khát. Rằng bề mặt chúng là một dạng đắp nổi của một tâm trí mà trên đó vẽ những khao khát của một sinh thể siêu nhiên - có lẽ là một vị thần mỏ - sống trong Hammam, quá đỗi phấn khích bởi thân thể những người tự dâng mình cho các dòng nước của Hammam.
Mọi tôn giáo ở Mogador đều coi “hoàng hôn giả” là một mối đe dọa và đều áp dụng những lời cầu nguyện cùng nghi lễ để bảo vệ tín đồ của mình. Những khi ở trong Hammam, đàn bà con gái Mogador tạm thời nằm ngoài phạm vi những ràng buộc của bất cứ đạo nào, nhưng đồng thời cũng nằm ngoài phạm vi được tôn giáo mình bảo vệ. Vì vậy họ mới cùng hát mỗi khi “hoàng hôn giả” tóm được họ trong nhà tắm công cộng. Rồi từng người một hát cho các tuần trăng, cho số mệnh mà phụ nữ dệt về đêm, cho những ngọn triều cao nhất tháng, cho máu âm thầm tiết ra ba mươi ngày một lần, cho những bốc đồng của thân thể đang dong buồm theo nhịp điệu nghiêm ngặt của các mùa, cho sự quy phục về đêm của lý trí trước vương quốc tục tĩu của cơn ghen, cho niềm vui xao xuyến của một cuộc gặp gỡ tình ái bất ngờ ngoài thời gian, cho trí tưởng tượng tham lam và luôn lập lờ của dục vọng.
Fatma lắng nghe bài hát đó mà không nghĩ nó cũng nói về cả nàng nữa. Số phận mới của nàng với tư cách đàn bà chỉ vừa bắt đầu xuất lộ ngay khi cái vũ trụ vừa bị từ bỏ của tuổi thơ nàng bắt đầu lùi xa.
Vẫn vờ như thờ ơ với lời kêu gọi của làn da mình, Fatma lẳng lặng lẻn về phía ngưỡng cửa dẫn tới một trong các sân hiên trông ra vườn. Ở đó, hai phụ nữ cách ly với thế giới bởi chiều sâu sự say sưa buông thả của mình, nhìn nhau mà không chạm vào nhau.
Một trong hai người, ngồi trên tấm thảm có lót, hát bằng giọng ngọt ngào câu chuyện về một mối tình Ảrập được trui rèn bởi sự hung bạo của một cuộc chinh phục và máu để trả thù một cuộc bắt cóc. Giọng hát người này xen kẽ với âm thanh mà các ngón tay cô lẩy ra từ một vật mong manh rất đẹp đầy dây. Người phụ nữ kia, duỗi người trên mấy tấm đệm dày, cũng trần truồng, lắng nghe bài hát với sự chú tâm của kẻ đang yêu, thỉnh thoảng nhẹ nhàng cất đôi lời mà không ngắt quãng bài hát, hầu như là hòa giọng hát theo.
Chẳng bao lâu Fatma nhận ra rằng hai phụ nữ đó đang yêu cùng một người đàn ông, anh ta lúc thì khinh miệt họ khi thì tiếp nhận họ nhưng không hề lộ chút si mê mà tỏ ra khinh khỉnh không giấu giếm, đồng thời nói như đinh đóng cột về những người tình khác mà anh ta đang làm cho thỏa mãn hơn. Nhưng Fatma cũng nhận ra rằng, chính tình yêu không được đền đáp đó, lớn hơn nhiều so với cái đích cho dục vọng thiết tha của nó, nó đã hợp nhất họ trong một chiều kích cao hơn, lạ lùng, đầy nhục cảm và đồng lõa. Rằng họ làm tình với nhau nơi đáy sâu của một đêm không ký ức, như một con rắn vô hình độc nhất, con rắn mà bộ da đầy ắp những ngôi sao của ngày đang tắt, ràng buộc họ với nhau, tạo thành một cây cầu sống nối những mê cung của dục tính họ và nuôi dưỡng họ bằng những hình ảnh của một số phận chung vẽ giữa bầu trời. Fatma không thể tránh nghe điệu nhạc thầm kín phát ra từ những chuyển động của hai người đàn bà bị một dục vọng duy nhất chi phối. Nàng quan sát họ hôn nhau mà đột nhiên thấy vô cùng kinh sợ. Nàng nhắm mắt hình dung mình bị bỏ mặc giữa căn phòng đầy lũ rắn bôi dầu, hai ba con chậm rãi trèo lên chân nàng theo hình xoắn ốc. Nàng mở mắt chẳng thấy gì ngoài làn sương mù đo đỏ trong khi lại cảm thấy lần nữa, dữ dội hơn bao giờ hết, hơi ẩm lúc hoàng hôn khiến môi nàng đau nhói. Nàng không còn biết cái gì ở trong nàng còn cái gì ở ngoài nàng.
IX. Chín bước
Mạng nhện phải mất chín ngày chín đêm để rơi từ trời xuống đất. Và nó sẽ mất cùng thời gian đó để rơi từ đất xuống cõi âm.
Hesiod
Người ta biết rõ rằng kẻ bước xuống được chín bước cơ bản mà không ngã là kẻ đã làm chủ được im lặng của chín giác quan mình. Y đã phá được những cánh cửa ngăn cách thế giới với cửu khiếu của thân thể y. Y đã mở mình ra thế giới.
Ibn Arabi
MỘT
Mắt mở to, cực kỳ căng thẳng vì mong muốn không chớp mắt, Fatma bước qua những đám mây hơi nước ở Hammam. Một làn sương màu tía bò lên hai đùi nàng. Khi nhìn thấy nó, nàng cảm thấy làn hơi nước nhuốm màu kia một lần nữa lại đe dọa làm đau nhói đôi môi giữa hai chân nàng. Nàng sợ phải cụp mi mắt xuống bởi, nàng biết, ngay khoảnh khắc đầu tiên của bóng tối, một cái gì đó cực nóng, nóng như vầng mặt trời đỏ nhạt mà đôi lúc nàng từng tin là ở trong nàng - tuy không bao giờ mãnh liệt đến thế -, sẽ khiến nàng mường tượng thấy khắp người mình đầy rắn như những người đàn bà nàng vừa thấy ban nãy ở một trong các cấm phòng của Hammam. Nàng tưởng tượng thấy mình đang bước đi trong một cuộc hành lễ bí mật nhằm hy sinh chính nàng, quấn quít trong những thân thể to lớn di động và hợp nhất với thân thể nàng. Hai bàn tay nàng là những cái đầu không răng quan sát bằng các khớp ngón và cắn bằng đầu ngón. Âm hộ nàng là cái lưới nơi từ đó trào lên tất cả những giấc mơ ướt sũng của loài rắn, những giấc mơ vừa vẽ đường xoắn ốc trên triền dốc mông nàng vừa nhẹ nhàng nhấn chìm cơ thể nàng trong lúc chúng bò bằng tấm thân trơn chuội. Trên tấm lưng ẩm ướt của nàng, ngàn cái vảy phản chiếu cầu vồng của chúng và toàn bộ da nàng bị quất chằng chịt bởi hàng trăm cái lưỡi kép nhỏ xíu, bất kham. Giống như những hòn đá nhỏ cứ lớn dần đến khi không còn chứa nổi trong chính mình, hai núm vú nàng đau nhức.
HAI
Sau khi chớp mắt một lần, nàng mở bừng mắt. Nàng đưa hai tay lên che ngực bằng một cái mơn khẽ; thực ra là để bảo vệ ngực mình trước cái khung cảnh mà ngay cả lúc này, khi mắt nàng đã mở, vẫn cứ sống động trong tâm trí nàng: ngàn cái lưỡi nhỏ xíu khiến nàng run rẩy và lẩn tránh những cơn co giật nhỏ bí mật trong khi nàng bước, mỗi bước đều nhận thức nhịp đập của dòng máu chạy qua các huyết quản nàng. Mỗi cử động của Fatma đều giống như cái thôi thúc bất chợt đầu tiên khiến một bàn tay vô hình giơ lên sờ một tấm thân vốn luôn giữ bàn tay ấy trong những giấc mơ của nó. Mỗi bước, nàng băng qua một thung lũng hay sa mạc mà ảnh ảo của nó nàng mang trên trán.
BA
Che thân bằng bộ áo dài nghi lễ đặng không ai nhìn thấy, Fatma vào ra những đám mây dày đặc nén chặt căn phòng ở Hammam từ bên trong, cắt ngang qua chúng bằng ánh thép sự lõa lồ của nàng. Sự xuất hiện của nàng giữa hai dòng hơi nước là sự xuất hiện của một lằn sét câm lặng. Cũng như Fatma lĩnh hội tấm thân các phụ nữ trần truồng khác băng qua đường đi của nàng với cùng sức mạnh đến lạ thường như thế, bất cứ ai nhìn vào đôi đồng tử nàng trong khoảnh khắc đó sẽ thấy nơi đó cái gì giống như hai vị thần hoảng hốt dõi theo một cơn bão sét dữ dội giáng xuống tự trên trời. Mọi cái nàng nhìn dường như đều chạm vào nàng từ bên trong mà rọi sáng nàng, đốt huyết quản nàng trên lửa và khiến máu nàng bốc thành hơi.
BỐN
Và cứ vậy nàng dấn bước mà không rõ mình đang tiến về đâu, với một cơn thịnh nộ gợn sóng trên đáy bụng, được dẫn dắt bởi sức hút dội xuống nàng từ những hào quang lấp lánh, những âm thanh, những mùi, và trên hết là cái ánh sáng kỳ lạ tỏa ra từ những nếp gấp sâu nhất của một vài phụ nữ. Cái nhìn nàng tìm kiếm ánh sáng đó và trú ẩn vào nó trong khoảnh khắc cho đến khi hơi nước lại che mờ tất cả, hồ như mắt nàng đang nhắm dưới đôi mí nặng nề của một đám mây. Nàng đã bước vào một loại đêm trắng và giờ đây là một trong những bóng ma của nó: chẳng hơn là mấy một làn gió nhẹ ngời sáng đang tìm cách có được hình hài, mường tượng ra một thân thể nơi nó trở thành xương thịt. Đột nhiên đã đến thời điểm khi đám sương màu tía - cái “hoàng hôn giả” chiếm lĩnh Mogador mỗi tháng một lần - rời thành phố. Fatma hẳn đã muốn đi theo nó, hay đúng hơn là buông mình theo nó, phó mặc mình cho những chuyển động khoan thai, đầy chiếm hữu của nó mang đi. Làn sương đó gắn liền với một sự đánh thức các giác quan nàng.
NĂM
Lại bị trả về với màu trắng của một số bức tường và những tấm vải bạt bằng hơi nước quấn vào nhau treo giữa không trung, Fatma cảm thấy như mình đang ở trong lòng một tảng đá, chu du dọc các huyết mạch của nó như qua những hành lang sống, yên tĩnh trong thoáng chốc và một cách đầy lừa mị, bị cầm giữ giữa một hơi thở. Fatma đang ở giữa lòng một đêm của đá trong trẻo, một đêm mà cư dân là những giấc mơ của bản thân đá: những bức tranh bí mật của nó, số phận nó như thể vạch trên lòng bàn tay. Dẫu Fatma không biết, nàng giờ đây là tù nhân của một thứ kỷ hà không lay chuyển: nàng là một điểm tiền định, một nét trong đường trang trí arabesque uốn lượn của vũ trụ; nàng là một bức tranh vẽ bằng bọt nước trên biển dục vọng; một làn thủy triều câm lặng tuân theo lệnh của trăng.
SÁU
Nước trong các đài phun rơi bằng một sức mạnh và tiết tấu đầy chủ ý: chúng được điều chỉnh sao cho từ nước phát ra âm nhạc. Âm thanh chúng phát ra vang dội trong các mái vòm, góc cạnh và cửa sổ trên mái, như thể có những nhạc cụ khác đang tấu chúng lên lần nữa: không phải tiếng vang mà là những giọng mới. Ánh sáng đổ vào các căn phòng cũng đã được thuần hóa, được cân lường và cất lên đầy mới mẻ: nó cũng được xử lý và diễn dịch giống như nước. Nước và ánh sáng đan cài với giọng khoan thai của các phụ nữ, với bài hát một vài người đang hát, với những đường nét uể oải nhẩn nha của thân thể họ và mồ hôi trên da họ. Giữa hai bức rèm hơi nước quấn nhau, như một âm thanh bất ngờ, Fatma nhác thấy một tấm lưng màu thẫm nàng chưa hề biết, tấm lưng với hình dáng mềm mại thanh tao càng lúc càng thu hút cái nhìn nàng. Fatma thấy tấm lưng và đôi vai của Kadiya trước khi khám phá - hay bị khám phá bởi - cặp môi đầy của Kadiya: trước khi cảm thấy, một cách ngập ngừng, tiếng gọi khẩn thiết của miệng Kadiya. Nàng cố cụp mắt xuống nhưng không thể. Nàng cố nhắm mắt nhưng đã quá muộn: Kadiya đã khắc sâu vào trong nàng rồi.
BẢY
Hai cái nhìn giao nhau như hai vòng cung của một mái vòm thiết kế từ xưa. Nhưng cử chỉ của họ thì bện vào nhau theo cách khác: Fatma trụ vào trong một sự thụ động đòi được chiều lòng, như một hình ảnh nơi đáy cốc đòi được người ta khám phá và ngưỡng mộ sau khi đã uống cạn cốc. Kadiya đến với nàng như một thác nước tinh vi nhưng lại chảy mau: một thác nước bằng vàng mảnh nhẹ.
TÁM
Khi họ có lại cảm giác về thời gian, những ngón tay nhợt nhạt của Fatma cùng mấy ngón tay rất sẫm màu của Kadiya đã khiến mọc lên giữa họ một khu rừng rậm gồm những cành trắng cành đen, xoắn bện vào nhau như một thứ chữ viết không ai đọc được. Họ đã gặp nhau trong im lặng và yêu nhau cũng trong sự vắng mặt lời nói đó: ánh sáng và hơi ẩm của thân thể họ cất lời. Chúng nói những điều mà nhiều lời lẽ khó lòng nói được. Trên một sân hiên khác, một phụ nữ, bằng giọng thật da diết và sầu muộn, hát một bài rất xưa của Ibn Zaydun: “Khi mắt ngươi nhìn thấy những gì không thể nhìn thấy nữa và tay ngươi sờ thấy những gì không thể sờ thấy nữa, chừng đó mắt ngươi không còn là mắt ngươi, thân ngươi không còn là thân ngươi, hỡi người đàn bà tội nghiệp, kẻ vừa sở hữu vừa bị sở hữu.”
CHÍN
Fatma muốn lưu giữ vị của im lặng đó trong ký ức; và nàng nhắm mắt hồ như làm vậy thì nàng có thể hấp thụ trọn vẹn hiện hữu của Kadiya, biến cô thành một giai điệu không ngừng bật lên môi. Và chẳng bao lâu nữa nàng sẽ khám phá rằng nàng đã đúng khi muốn gìn giữ những khoảnh khắc đó, bởi mặc dù ký ức là mong manh trơn chuội, có lẽ nó vẫn không mong manh trơn chuội bằng làn da và cảm xúc: khi Fatma mở mắt, nàng nhận ra Kadiya không còn ở bên nàng. Nàng tìm lui tìm tới mãi khắp cả Hammam nhưng hoài công. Nàng cứ trở đi trở lại cái góc nơi mùi hương của Kadiya đã thấm nhuần vào những tấm đệm, cho tới khi bản thân mùi hương đó loãng đi trong ký ức nàng.
Tên Của Khí Trời Tên Của Khí Trời - Alberto Ruy Sanchez Tên Của Khí Trời