Người ta không đánh giá tôi bởi số lần tôi vấp ngã mà là những lần tôi thành công. Bởi thành công đó chính là những lần tôi thất bại nhưng không bỏ cuộc.

Tom Hopkins

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 30
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 77
rận đầu giao chiến tại Quan Độ, Tào-Viên rơi vào thế giằng co
Trận tàn sát ở Quan Độ
Binh pháp có câu: “Tam quân khả đoạt khí, tướng quân khả đoạt tâm”,(*) quân Viên vừa qua sông đã thua liên tiếp hai trận, Nhan Lương, Văn Xú chết trận, binh mã tổn thất tới mấy ngàn, điều này khiến Viên Thiệu nổi trận lôi đình. Để ổn định lòng quân và nâng cao sĩ khí, bất chấp sự phản đối của thuộc hạ, Viên Thiệu gấp rút băng qua Diên Tân, dẫn theo đại quân tới sát ranh giới huyện Dương Vũ, nhằm thẳng hướng Quan Độ xông tới.
Đợt nam tiến lần này, Viên Thiệu mang theo hơn mười vạn quân, sau hai lần giao chiến, binh lực đã bị tổn thất. Với dã tâm quét sạch quân Tào chỉ trong một trận, sau khi dựng trại, Viên Thiệu chỉ để lại năm ngàn lính canh trại, sau đó dẫn theo số binh mã còn lại của ba binh chủng đi dàn trận tại vùng bình địa cách Quan Độ hai mươi dặm về phía bắc. Mười vạn quân chia thành ba cánh tả, trung và hữu. Tả quân do Quách Đồ chỉ huy, cùng với hai viên tướng chủ lực Lã Tường, Lã Khang. Hữu quân do Thuần Vu Quỳnh chỉ huy, cùng sự trợ giúp của Tưởng Kỳ, Huy Nguyên Tiến. Trung quân ban đầu do Thư Thụ thống lĩnh, nhưng gần tới lúc vượt sông Thư Thụ đã từ chức Đô đốc, giao lại cho Quách Đồ. Đích thân Viên Thiệu dẫn đầu đại quân, thế nhưng trên thực tế, người chỉ huy lại là Viên Đàm, các danh tướng Hà Bắc Trương Cáp, Cao Lãm, Hàn Mãnh, Hàn Tuân dẫn đầu kỵ binh, ngoài ra đội cung nỏ tinh nhuệ do quân sư Thẩm Phối dành bao tâm huyết để huấn luyện cũng góp mặt trong đó.
Mười vạn quân đông nghìn nghịt dàn trận dài tới bốn năm dặm, đao thương như biển lửa, kiếm kích như rừng đay, cờ quạt rợp trời, trống chiêng huyên náo, binh lính ba quân giương cao binh khí, rầm rộ áp sát doanh trại quân Tào, khí thế ngất trời rung chuyển cả mặt đất!
Sau khi hay tin, Tào Tháo do dự một hồi. Với một trận chiến có quy mô lớn thế này, bên ít quân chắc chắn không thể chiếm ưu thế, nhưng nếu không cản đà tiến của Viên Thiệu, mười vạn đại quân khí thế bừng bừng kia kéo tới sẽ đánh sập đại bản doanh. Đóng chặt doanh trại có thể tạm thời cố thủ, nhưng sỹ khí hừng hực trước đó sẽ lập tức tiêu tan. Trong lúc bí bách, Tào Tháo đành quyết định chỉ giữ lại ba ngàn quân trấn giữ doanh trại, dốc hết bốn vạn binh mã còn lại dàn thành thế trận hình bán nguyệt, sống mái với Viên Thiệu một phen. Cũng may trước đó quân Tào liên tiếp giành thắng lợi, toàn quân trên dưới tinh thần đang cao, không hề run sợ, các viên dũng tướng như Hạ Hầu Uyên, Vu Cấm, Trương Tú, Nhạc Tiến, Trương Liêu, Từ Hoảng, Quan Vũ... đều xung phong đi trước, bộ binh theo sau, đội cung nỏ hộ tống hai bên, đội nhạc trống đứng sau trợ uy, tạo ra một thế trận vững chắc, nghênh đón quân địch đang từ từ tiến đến.
Viên Thiệu chủ động tấn công, lại chiếm ưu thế về quân số, nhưng hai trận đầu thất bại nên không thể không đề phòng, hắn muốn dụ cho quân Tào tấn công trước để dễ dàng nắm bắt tình thế. Nhưng Tào Tháo vốn không muốn đánh trận này, ông chỉ muốn chặn đứng mũi nhọn của địch. Vì thế khi đối đầu, hai bên đều dừng bước, chiến trường sát khí ngùn ngụt chỉ nghe thấy tiếng trống trận vang dội khắp trời, nhưng không một ai dám xông lên trước. Những loạt tên nghi binh vẫn được bắn đi, tuy nhiên do khoảng cách khá xa, hai bên lại có lá chắn bảo vệ nên hầu như không có thương vong gì.
Thế giằng co giữa đôi bên diễn ra khoảng một khắc, mãi tới khi Dương Vũ Tướng quân Trương Tú dẫn đầu phá vỡ cục diện bế tắc. Khi quay về quy thuận Tào Tháo, Trương Tú thẳng thắn từ chối sứ giả Hà Bắc, kết mối tử thù với Viên Thiệu, sự việc đến nước này cũng chẳng thể quay đầu, Trương Tú là người mong sớm tiêu diệt được Viên Thiệu hơn bất kỳ ai. Người trao cho Trương Tú giữ chức phó tướng là Lưu Huân - Thái thú tiền nhiệm Lư Giang. Lưu Tử Đài là kẻ coi tiền quý hơn cả tính mạng, hắn hay tin Viên Thiệu tới đây nên đã mang theo không ít của cải, châu báu để xu nịnh thiên tử. Trước đây hắn đã bị Tôn Sách tịch thu sào huyệt Hoản Thành, của cải mất sạch nên mới đi theo Tào Tháo. Giết Viên Thiệu đối với hắn chỉ là việc thứ yếu, nếu như có thể xông vào đại doanh của y quét sạch một mẻ châu báu thì mới hả giận! Hai kẻ chẳng thiết mạng sống này cùng nhau tính kế, sớm muộn gì chẳng phải đánh, chi bằng cứ ra tay trước, bọn họ chẳng cần thông qua sự cho phép của Tào Tháo, cứ thế tự dẫn quân xông tới.
Thuộc hạ của Trương Tú tuy không nhiều, nhưng đa phần đều là kỵ binh Tây Lương dày dạn trận mạc, đây cũng là đội quân có sức chiến đấu mạnh nhất trận này; thuộc hạ của Lưu Huân còn ít hơn, nhưng chúng đều xuất thân là cướp biển vùng Hoài Nam, trước đây sống bằng nghề buôn bán đầu người, chỉ biết vung đao chém giết, chẳng biết sợ gì!
Đám thuộc hạ của Trương Tú, Lưu Huân hung hăng xông lên, chẳng những làm cho Tào Tháo khiếp sợ mà ngay cả Viên Thiệu cũng phải giật mình, bên ta có tới mười vạn quân, bọn chúng chỉ có hai ngàn quân mà dám xông đến, chẳng phải tự sát hay sao? Đâu chỉ bên chúng mới có những tên chẳng sợ chết, bên ta cũng có những kẻ cố cùng liều thân. Lưu Bị tham gia vào vụ “chiếu thư trong đai ngọc”, lại từng tạo phản ở Từ Châu khiến Tào Tháo hận tới xương tủy, nếu lại rơi vào tay y chắc không còn đường sống. Lưu Bị thấy đối phương có động tĩnh, lại thấy Viên Thiệu gật đầu đồng ý, liền dẫn đám Trương Phi, Triệu Vân... xông lên ứng chiến. Đám người bọn họ cũng chỉ có hơn hai ngàn quân, trận này hẳn sẽ náo nhiệt - Bốn ngàn người đánh nhau, mười mấy vạn người đứng xem!
Nhìn Lưu Bị dẫn quân xông lên, quân sư Hà Bắc Thẩm Phối sốt ruột vô cùng, kế hoạch của ông ta coi như đổ bể. Quân Hà Bắc từng dùng chiến thuật cung tên khiến Công Tôn Toản đại bại ở Bàn Hà, Thẩm Phối vô cùng tâm đắc, từ đó chuyên tâm nghiên cứu thuật cung nỏ, chế tạo vũ khí, huấn luyện một đội xạ thủ tinh nhuệ, kỹ thuật vượt xa đám xạ thủ thông thường. Trận này Thẩm Phối định đem đội quân này ra thử sức, cho nên hắn nắm chặt cờ lệnh, sát sao để ý diễn biến trên chiến trường, định chớp cơ hội cho Tào Tháo nếm thử mùi vị của hàng vạn cung tên được phóng ra cùng một lúc là như thế nào. Chẳng ngờ cờ lệnh vẫn chưa giương lên, Lưu Bị đã chạy ra ứng chiến trước, vậy chỗ cung tên này bắn ra để giết ai đây? Thẩm Phối liền vứt cờ lệnh rồi thúc ngựa chạy tới chỗ Viên Thiệu:
— Chúa công, Lưu Bị đã ra ứng chiến, phải làm thế nào?
— Địch ít ta nhiều thì việc gì phải sợ? - Viên Thiệu vừa thấp thỏm vừa kích động, ông ta thận trọng rút thanh bảo kiếm đeo ở ngang hông ra, nhưng vì thân phận nên không thể hò hét, chỉ giơ kiếm hô vang, - Truyền lệnh, toàn quân xung kích, xông lên cho ta!
Hiệu lệnh truyền xuống, Cao Lãm ở tiền quân nôn nóng đã lâu, nghe vậy liền vội dẫn quân xông lên. Đội cung nỏ ngừng bắn, trung quân của Viên Thiệu ồ ạt xông vào tấn công quân Tào, khí thế hừng hực dời non lấp biển, quân cánh tả và cánh hữu cũng hành động theo.
Tào Tháo tuy không muốn đánh, nhưng nhìn thấy khí thế tiến công của địch như vậy, đành phải dốc sức cự lại. Ông rút kiếm hô to:
— Tiêu diệt Viên Thiệu, bảo vệ triều đình, theo ta xông lên!
Kinh nghiệm cầm quân của Tào Tháo hơn hẳn Viên Thiệu, trên chiến trường, nhất cử nhất động của chủ soái đều liên can đến toàn bộ cục diện, cho nên chỉ cần khác nhau một câu giữa “xông lên cho ta” với “theo ta xông lên”, hiệu quả khích lệ tinh thần binh lính cũng khác nhau hoàn toàn. Kỳ thực, Tào Tháo cũng không thể chủ động xông lên tuyến đầu, ông chỉ đốc thúc đội kỵ binh tinh nhuệ lao lên một đoạn rồi phi chậm lại, nhưng các cánh quân cứ thế tích cực hưởng ứng, hăng hái xông lên giết địch.
Xét về quân số và trang bị, Tào Tháo không bằng Viên Thiệu, nhưng xét về tinh thần chiến đấu của binh lính và sự rèn luyện thì Viên Thiệu không thể bằng Tào Tháo. Tuy một bên ít quân, một bên đông quân nhưng thế và lực lại ngang nhau. Một trận đánh lớn như vậy, cho dù có hăng hái đến mấy cũng chỉ như muối bỏ biển, đám dũng tướng của hai bên cũng không thể đủ khả năng xoay chuyển được tình thế, nên việc cần làm là phải đôn đốc, chỉ huy tốt đội quân của mình, đánh đâu chắc đấy. Giáo dài kích lớn đều cao tới cả trượng, lại có thêm một hàng khiên để che chắn, hai quân đứng cầm chân nhau trong khoảng hai trượng, bên này tiến thì bên kia lui, khó phân cao thấp.
Quân Tào và quân Thiệu đều gióng trống trợ uy khích lệ sĩ khí, binh lính cũng nhích dần lên, khoảng cách hai trượng dần được thu hẹp, giáo, thương, kiếm, kích va vào nhau gãy rời, khắp nơi vang lên tiếng kêu gào thảm thiết, máu tươi trào ra lênh láng. Kẽ hở cuối cùng cũng khít lại, tiếng kêu gào của những kẻ cận kề cái chết cũng dần nhỏ đi - trận huyết chiến đã thực sự bắt đầu!
Chỉ chớp mắt chiến trường đã sôi sục, tiếng kèn lệnh giục giã, tiếng trống trận vang trời, tiếng hò hét, tiếng binh khí, tiếng kêu la, tiếng ngựa hí đinh tai nhức óc hòa lẫn vào nhau. Quân Tào cũng bị tổn thất, nhưng phần lớn đội quân tinh nhuệ vẫn hừng hực khí thế: Trương Tú chỉ huy đội kỵ binh Lương Châu, Trương Liêu chỉ huy đội kỵ binh Tịnh Châu, ai nấy đều giỏi cưỡi ngựa, lấy một chọi mười; bộ binh ở hai châu Thanh, Duyện kinh qua sa trường đã lâu, mấy lần vào sinh ra tử cùng Tào Tháo, dàn trận xông pha liều chết, tiến thoái bài bản. Còn kỵ binh ở hai châu U, Ký do Trương Cáp, Cao Lãm - thuộc hạ của Viên Thiệu chỉ huy cũng chẳng phải hạng tầm thường, hơn nữa bộ binh Hà Bắc quá đông, gần như một lính quân Tào phải chống đỡ hai ba lính quân Thiệu. Một bên là đội quân tinh nhuệ, một bên thì lực lượng hùng hậu, khiến trận giáp lá cà khó phân hơn thua.
Cung nỏ và khiên chắn lúc này đã trở thành những thứ đồ vô dụng, người nào người nấy máu me đầy người, phục trang không còn nhìn rõ, chỉ có thể dựa vào cảm giác và giọng nói để xác định đó là địch hay ta. Đội kỵ binh xông vào trận địa rối loạn, binh lính xả thân quên mình. Đao, thương, kiếm, kích va vào nhau loảng xoảng, chốc chốc lại thấy ánh lửa tóe lên. Thủ cấp dưới đất bị người ngựa giẫm đạp lăn lông lốc, tay chân người bị chặt đứt văng khắp trời, ngực và cổ bị giáo đâm máu chảy như suối, vậy mà tướng lĩnh hai bên vẫn ra sức gào thét xông lên, binh lính vung thương múa đao cố vùng vẫy giành giật sự sống trong vũng máu. Trận huyết chiến này kéo dài từ giờ Mùi cho tới cuối giờ Dậu vẫn không có dấu hiệu dừng lại.
Tào Mạnh Đức và Viên Bản Sơ đứng trong biển máu, tay nắm thành quyền, lông mày nhíu chặt, mồ hôi vã ra đầy trán, cả hai đều kinh hồn bạt vía trước cảnh tàn sát kinh hoàng đang diễn ra trước mắt, mãi khi trời tối mới hoàn hồn. Tào Tháo lệnh cho Tào Thuần truyền lệnh thu quân, gần như cùng lúc, Viên Thiệu cũng sai Thẩm Phối gióng trống thu quân. Trong cảnh nhập nhoạng, thế trận hai bên tựa như hai con rồng khổng lồ đang quấn chặt vào nhau không tách ra được, có những kẻ điên cuồng chém giết, đả thương nhầm không ít người của mình. Đến khi trời tối hẳn, quân Viên và quân Tào mới dồn quân, ổn định lại thế trận, kéo người bị thương lê từng bước quay về doanh trại...
Cuộc tàn sát kết thúc, Tào Tháo vẫn thấp thỏm không yên quay về Quan Độ. Các tướng lĩnh ổn định lại đội hình, chẳng buồn lau sạch máu me trên người đã vội vàng chạy tới trướng trung quân tập hợp, người mừng kẻ lo, những người chỉ ham đánh nhau như Nhạc Tiến, Chu Linh, Hạ Hầu Uyên... mừng ra mặt:
— Hôm nay quân ta cũng phải giết được cả vạn tên ấy chứ!
— Các ngươi thật đúng là vô tâm. - Quách Gia trừng mắt nhìn bọn họ, - Quân ta cũng tổn thất tới năm sáu ngàn lính, lại còn rất nhiều người đang bị thương. Viên Thiệu có tới chục vạn quân, chúng ta chỉ có hơn bốn vạn, cứ đánh như vậy thì sớm muộn cũng bị bọn chúng giết sạch. - Thấy bọn họ im thin thít, Quách Gia ngoảnh đầu nói với Tào Tháo, - Địch nhiều ta ít, không thể tiếp tục đánh như thế này được!
— Cũng vì bất đắc dĩ thôi... - Tào Tháo thở dài, thẫn thờ ngồi tựa vào bàn chủ soái, im lặng ngẫm về trận chiến này. Ông vốn cho rằng thắng được hai trận ở Bạch Mã, Diên Tân rồi thì sẽ làm giảm sút nhuệ khí của quân Thiệu, chỉ cần tấn công là chúng vỡ trận ngay, giờ mới thấy suy nghĩ ấy thật ấu trĩ. Quân Hà Bắc dẫu sao cũng đã theo Viên Thiệu tung hoành nhiều năm, dũng khí, tinh thần vượt xa quân Viên Thuật, Lã Bố, không dễ gì bị đánh bại chỉ trong một hai trận. Đã vậy, chúng còn chiếm ưu thế về quân số, lại có tướng giỏi như Quách Đồ, Thuần Vu Quỳnh chỉ huy, có dũng sĩ như Trương Cáp, Cao Lãm xông pha tuyến đầu. Thực lực tương đương nhưng vẫn phải rất mực thận trọng, trước tình thế quá khập khiễng về quân số mà vẫn giữ chiến thuật đối đầu trực diện thế này e sẽ không chống cự được lâu.
Tào Tháo chẳng nói chẳng rằng, lôi tập Tôn Tử dưới bàn chủ soái ra, lật giở từng trang, giở tới cuốn thứ tư Hình thiên thấy trong đó viết rằng: “Thác chi thiện chiến giả, tiên vi bất khả thắng, dĩ đới địch chi khả thắng. Bất khả thắng tại kỷ, khả thắng tại địch. Cố thiện chiến dã, năng vi bất khả thắng, bất năng sứ địch chi khả thắng. Cố nhật: thắng khả tri, nhi bất khả vi”(*) - Cứ phòng thủ doanh trại thật chắc, giữ ở thế không thể bị đánh bại, sau đó chờ đợi sơ hở của đối thủ. Tuy đây chính là dự định từ trước của Tào Tháo, nhưng đến nay ông lại càng thấm thía hơn, mắt nhìn chăm chăm hồi lâu vào hàng chữ “thắng khả tri, nhi bất khả vi”(*) Tào Tháo cầm bút lên phê vào phía sau: “phải phòng thủ, chờ đợi sơ hở của địch”, viết xong liền đặt bút xuống, trầm ngâm một lát rồi nhìn các tướng lĩnh:
— Trận chiến hôm nay quân ta bị rơi vào tình thế bắt buộc, bắt đầu từ mai ta sẽ đóng chặt tất cả các cửa doanh trại, không được tùy tiện xuất quân, phải bình tĩnh quan sát mọi động tĩnh, chờ đợi thời cơ.
— Tuân lệnh! - Bất kể có bằng lòng hay không, các tướng vẫn nhất loạt đáp lại.
Đúng lúc đó, có tiếng ồn ào vọng lại từ phía sau doanh trại, thì ra Nhậm Tuấn áp tải quân lương từ Hứa Đô tới, các tướng lĩnh vội đón ông ta vào trướng nghỉ ngơi. Tào Tháo nhìn em rể đầy vẻ mệt nhọc, ân cần hỏi:
— Những việc vặt này sao phải đích thân áp tải, sao không để cho đám thuộc hạ lo liệu?
Nhậm Tuấn cố nén tiếng thở dài, nghiêm túc nói:
— Để người khác đi sao có thể yên tâm được? Quân Hà Bắc đông như kiến, nếu dọc đường bị cướp hết lương thảo thì quân ta sẽ nguy to. - Dẫu sao người một nhà bao giờ cũng lo lắng hơn người ngoài, - Ngoài ra còn có một việc nữa, Tuân Lệnh quân nhắn đệ bàn với huynh một chuyện...
— Gì thế? - Tào Tháo ra hiệu cho các tướng lĩnh đi ra, chỉ giữ lại Tuân Du, Quách Gia để cùng bàn chuyện.
Nhậm Tuấn đi đường xa khát nước, uống liền mấy bát xong mới nói:
— Từ khi huynh đến Quan Độ, Cao Cán ở Tịnh Châu luôn tìm cách lôi kéo các tướng lĩnh ở Quan Trung, lại còn phái người tới Tây Lương kết giao với Mã Đằng, Hàn Toại, e là muốn giúp Viên Thiệu đánh úp quân ta từ phía sau.
— Vì cậu hắn, hay vì chính bản thân hắn đây? - Tào Tháo cười nhạt, - Tây Lương ở đâu? Quan Độ ở đâu? Nếu hắn thực sự muốn giúp Viên Thiệu thì phải dẫn quân đánh Hà Nội, ta phái Ngụy Chủng đi trấn giữ Hà Nội chính là để đề phòng chuyện này. Nhưng hắn không tiến về phía đông mà lại tiến về phía tây, không biết có ý đồ gì đây?
— Cao Cán là kẻ có dã tâm! - Nhậm Tuấn đã ngỡ ra sự thể.
Quách Gia tươi cười nói:
— Đạo quân của Viên Thiệu qua sông, xuất phát từ nhiều phía như Ký Châu, Thanh Châu, nghe nói thuộc hạ cũ ở U Châu cũng có người đi theo, duy chỉ không thấy động tĩnh gì ở Tịnh Châu. Tại hạ thấy Viên Thiệu đã cưng nhầm đứa cháu ngoại này rồi, đúng là nuôi một con sói chỉ biết giương mắt nhìn cậu mình đánh nhau với chúng ta, chỉ lo tích lũy thực lực cho riêng mình. Muốn trách thì chỉ có thể trách Viên Thiệu, cho ba đứa con trai với đứa cháu mỗi đứa trấn giữ một châu? Cứ đợi mà xem, Cao Cán chẳng qua cũng chỉ là kẻ đầu tiên lộ mặt, sau này nhà ấy sẽ còn nhiều đứa làm loạn.
Tuân Du thấy những điều Quách Gia nói quá xa vời, tình thế nguy cấp hiện nay vẫn chưa thể tháo gỡ, đâu cần bận tâm đến những chuyên sau này, ông ta liền quay trở lại đề tài chính:
— Bất luận Cao Cán làm việc đó vì ai, đám tướng lĩnh ở Quan Trung khó khăn lắm mới ổn định được, chẳng dễ gì lay động được họ.
— Cũng phải... - Tào Tháo lại trầm ngâm suy nghĩ.
Nhậm Tuấn hiểu điều Tuân Du vừa nói, do đã có sự chuẩn bị từ trước, ông ta lấy bức thư bằng lụa cất trong người ra rồi nói:
— Huynh xem cách này có được không.
Hóa ra trước kia phụng mệnh đi sứ đến Ích Châu, Yết giả bộc xạ Vệ Ký bị “giặc gạo”(*) Hán Trung chặn đường cướp của nên phải ở lại Trường An. Ông ta một mặt động viên dân chúng trở về quê hương sau trận biến loạn do Lý Quách gây ra, một mặt đốc thúc công việc cấy cày, trồng trọt để tăng gia sản xuất. Khi thấy muối ăn ở Quan Trung không được kiểm soát chặt chẽ, ông kiến nghị triều đình cử quan tới quản lý tình hình muối ăn, dùng khoản lợi nhuận thu được để mua trâu cày, chiêu mộ dân chúng, giảm nhẹ sự quản thúc của các tướng lĩnh đối với dân chúng ở Quan Trung.
— Vệ Bá Nho thật là có bản lĩnh. - Tào Tháo hết lời khen ngợi, - Đây đúng là cao kiến của bậc lão thần luôn vì dân vì nước. Ta thấy thế này, kiến nghị là của Vệ Ký đề ra, vậy hãy để ông ta đảm nhận chức Sứ giả giám sát tình hình muối ăn. Ngoài ra để Chung Do nhận chức Tư lệ hiệu úy di trị Hoằng Nông, để mắt đến động thái của các tướng. Tuy không thể điều động quân, nhưng dựa vào mối quan hệ của hai người họ ở Quan Trung, tên họ Cao kia sẽ chẳng có cơ len được vào.
— Rõ, đệ sẽ về bảo Lệnh quân làm theo như vậy. - Nhậm Tuấn cẩn thận cuộn bức thư lại.
— Còn tin gì nữa không?
— Mấy hôm trước Tôn Khang gửi thư tới, nói rằng Xương Bá lại làm phản!
Tào Tháo thở dài một tiếng:
— Cứ phản lại hàng, hàng lại phản, đây đã là lần thứ ba rồi. Chúng có tất cả một ngàn tám trăm người, ta thấy tên này đã quen làm thổ phỉ rồi, không làm phản được thì bứt rứt không yên! Trước mắt không cần để ý đến hắn, sau này trừng trị cũng chưa muộn... Đám quan lại trong kinh có gì khác thường không?
— Từ khi giết chết bọn Đổng Thừa, Lưu... Lý Phục, các quan viên đều rất ngoan ngoãn, trong các buổi chầu đều ít lên tiếng. - Nhậm Tuấn thấy không tiện nói quá rõ, còn thực chất quan lại trong triều lúc này không ai dám ho he gì về Tào Tháo.
— Bệnh của hoàng tử Lưu Phùng thế nào rồi?
— Hoàng tử ư... - Nhậm Tuấn không ngờ ông lại hỏi đến chuyện này, - Nghe nói không ổn lắm, sắp một năm rồi mà bệnh tình ngày càng nặng, tất cả chỉ trông chờ vào thuốc thôi. Chắc đứa bé này không sống được lâu nữa.
Tào Tháo nhìn cây đèn dầu sáng lờ mờ, im lặng một lát rồi nói:
— Bảo Lệnh quân dâng tấu xin sắc phong Lưu Phùng làm Nam Dương Vương.
— Sao cơ?! - Cả ba người đều sững sờ, không hiểu tại sao đang lúc chiến sự cam go mà ông lại đề xuất chuyện này.
Tào Tháo nhìn cây đèn rồi lẩm bẩm:
— Vụ chiếu thư trong đai ngọc gây ra không ít hậu quả. Đổng quý nhân tuy đáng chết, nhưng trong bụng bà ta là giọt máu của nhà vua. Quan lại ở Hứa Đô ngoài miệng không nói nhưng trong bụng lại thầm rủa ta, đã như vậy thì ta phải bù đắp cho thánh thượng, sắc phong Lưu Phùng làm vương. Như vậy thiên tử cũng có thể yên lòng, mà lương tâm ta cũng không bị cắn rứt, người đời cũng không thóa mạ ta nữa...
— Nỗi khổ tâm của chúa công nào ai hiểu nổi? Chao ôi... - Tuân Du, Nhậm Tuấn đều thở dài.
Quách Gia cũng hùa theo, nhưng lại cười thầm trong bụng: “Đây đâu phải dụng ý thực sự của Tào Tháo, ông ấy đâu có lương tâm đến vậy! Chỉ vì lần trước đào bới lăng mộ của Lương Hiếu Vương nên mới mang tiếng xấu, thậm chí Trần Lâm còn viết cả chuyện này vào trong bài hịch, khiến cho thiên hạ xì xào bàn tán. Tào Tháo làm chuyện này, thứ nhất là muốn bịt miệng của Viên Thiệu, để người trong thiên hạ biết rằng triều đình ở Hứa Đô vẫn thuộc về thiên tử, hoàng tử vẫn được phong vương như thường. Thứ hai là muốn nhân chuyện này để nhận được sự ủng hộ từ dư luận hậu phương, tránh gây thêm rắc rối trong khi đang phải giao chiến. Dẫu sao lúc này ông ta đang phải dốc hết sức cho cuộc chiến ở Quan Độ nên không thể dành thời gian cho việc khác, điều này cũng giống như một cây đèn không thể cháy hai đầu! Còn về hoàng tử Lưu Phùng, Tào Tháo biết rõ bệnh tình của hoàng tử đã vô phương cứu chữa, trong khi đó hoàng tử mới hơn một tuổi, việc trao ngôi vương cho một đứa trẻ sắp chết như vậy chẳng qua cũng chỉ là hư danh mà thôi!”
Bên cạnh đó, còn có một vấn đề khác nghiêm trọng hơn khiến Tào Tháo phải lo nghĩ, ông nhìn chằm chằm vào Nhậm Tuấn rồi hỏi:
— Bá Đạt, lương thực của chúng ta có thể cầm cự trong bao lâu?
— Năm sáu tháng cũng không thành vấn đề. - Nhậm Tuấn sợ Tào Tháo lo, lại nói thêm, - Nhưng đến lúc đó lại có một vụ thu hoạch mới.
— Đệ toàn báo tin vui, không nói tin buồn, không muốn ta phải lo lắng chứ gì? - Trong lòng Tào Tháo hiểu rõ, tuy nói công tác đồn điền được tiến hành rất tốt, nhưng lương thực dù có nhiều đến mấy cũng không thể để đáp ứng đủ. Từ năm ngoái đến nay, nào là đánh dẹp Trương Tú, chinh phạt Lã Bố, bình định Hà Nội, đại quân tới đóng ở Quan Độ mỗi ngày đều hao hụt biết bao lương thực, vả lại lúc này ở chỗ Hạ Hầu Đôn, Tào Nhân, Tào Hồng, Ngụy Chủng... cũng đều cần lương thực, lương thực ở hai châu Dự, Duyện đã không đủ dùng, phải dựa vào số lương thực tích trữ từ năm ngoái để sống tạm qua ngày. Còn vụ thu hoạch vào mùa thu năm nay, ai biết năm sáu tháng sau sẽ ra sao? Ngộ nhỡ Lưu Biểu, Tôn Sách tới làm loạn thì lương thực có còn thu được?
Tuân Du, Quách Gia, Nhậm Tuấn cũng đã từng nghĩ đến điều này, nhưng cũng chẳng tìm ra cách giải quyết, trận chiến đã bắt đầu nên chỉ còn cách gắng gượng mà chống đỡ. Bốn người ngồi quây lại dưới cây đèn sáng lờ mờ, tựa như bị nỗi lo này chèn ép tới mức không thể thở nổi. Mãi lâu sau Tào Tháo mới cất tiếng than trong tuyệt vọng:
— Tôn Tử nói “Thắng khả tri, nhi bất khả vi”, cơ hội là phải đợi nó đến một cách từ từ, nhưng thời gian ông trời dành cho chúng ta lại không nhiều... - Ông có linh cảm rằng, trận tiếp theo sẽ ngày càng khó đánh.
Trong lúc Tào Tháo đang âu lo thì trong lều trung quân của Viên Thiệu cũng loạn như tơ vò. Trận chiến ngày hôm nay trông có vẻ kẻ tám lạng người nửa cân, nhưng quân Hà Bắc tổn thất tới gần một vạn, số bị thương nhiều không kể xiết. Đối đầu với kẻ địch có số lượng chưa bằng một nửa mà lại bị đánh cho thảm hại như vậy, rõ ràng là đang bị rơi vào thế bất lợi. Các tướng yêu cầu thay đổi chiến thuật, nhưng Viên Thiệu lại khăng khăng giữ ý kiến của mình, nhất định phải tiêu diệt hoàn toàn Tào Tháo chỉ trong một trận lớn.
Thư Thụ bị giáng xuống làm mưu sĩ, vốn không còn muốn bày mưu hiến kế cho Viên Thiệu, nhưng chứng kiến cảnh quân Hà Bắc tử thương vô kể, lại nghĩ đến sinh mạng của bao người, ông ta không nhịn được liền lên tiếng:
— Chúa công, tuyệt đối không thể đánh như ngày hôm nay được nữa. Quân phía bắc đông nhưng không mạnh bằng phía nam, ở phía nam lương thực ít, của cải cũng không dồi dào bằng ở phía bắc. Đánh nhanh chỉ lợi cho phía nam, còn kéo dài cuộc chiến mới có lợi cho phía bắc. Chi bằng chúng ta hãy từng bước cho doanh trại áp sát Quan Độ, mở rộng địa bàn, kéo dài thời gian để giữ thế giằng co, chờ cho lương thảo của Tào Tháo cạn kiệt, sĩ khí binh lính giảm sút, lúc đó chỉ cần đánh một trận là có thể toàn thắng.
— Còn kéo dài cái gì? - Viên Thiệu liếc ông ta một cái, - Há chưa từng nghe qua “Binh quý thắng, bất quý cửu”(*) hay sao? Quân ta tuy tổn thất không ít, nhưng Tào Tháo cũng phải tổn thất tới hai phần mười, cứ đánh thế này thì Tào Tháo thất bại là cái chắc!
Sao có chuyện Thư Thụ không hiểu gì về binh pháp? Lúc này không phải là thời cơ chín muồi để tiến hành cuộc nam chinh, nhưng Viên Thiệu chẳng chịu nghe ai, đã tới rồi chỉ có thể đánh chậm mà chắc, nhưng ngay cả điều này mà Viên Thiệu cũng không làm được, Thư Thụ biết ông ta đã hết cách nên đành vái chào rồi ra khỏi lều, dứt khoát không bận tâm đến chuyện gì nữa.
Viên Thiệu nhìn ông ta không chớp mắt, vừa tức vừa buồn, đang định nổi trận lôi đình thì Cao Lãm ở bên cạnh xen vào:
— Thuộc hạ thấy như vậy không ổn! Cứ bất chấp mà đánh thì cho dù thắng, bao nhiêu huynh đệ sẽ phải chết thảm? Chúa công thử nghĩ mà xem...
— Đánh trận sao tránh khỏi chuyên tổn hao binh lực? - Viên Thiệu chẳng thèm bận tâm, - Nay triều đình xã tắc đang trong cơn nguy biến, có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào, dân chúng trong thiên hạ phải chịu cảnh lầm than, đây chính là lúc mà tướng sĩ ba quân phải dốc lòng vì nước, há có thể ham sống sợ chết mà không màng đến xã tắc? - Ông ta lại lôi đại nghĩa trong thiên hạ ra làm cái cớ.
Cao Lãm khó chịu vì thấy ông ta nói toàn những lời sáo rỗng mà không màng đến sự sống chết của tướng sĩ, nhưng lại không muốn đôi co chốn đông người.
Trương Cáp lên tiếng:
— Binh pháp nói “Thập tắc vi chi, ngũ tắc công chi, bội tắc phân chi”,(*) nay quân ta đông gấp đôi quân Tào, như vậy nên phái binh mã gây rối ở sau lưng địch, dụ Tào Tháo phải chia quân chống đỡ. Sau khi chia rẽ thành công ta sẽ thừa cơ chặn giết, còn nếu không hãy biến hư thành thực, chiếm lấy địa bàn phía nam, chặn đường vận chuyển lương thực, như vậy chưa cần tấn công mà Tào Tháo đã thất bại!
Viên Thiệu vẫn không tán đồng:
— Chỉ cần đánh thẳng tới Quan Độ thì đạo quân của Tào Tháo sẽ tan tác, như vậy sẽ chiếm cứ được địa bàn Hà Nam! Cớ gì phải phiền phức như vậy? - Nói xong ông ta lại nhìn Lưu Bị, - Lưu Sứ quân, bản tướng quân nói đúng chứ?
— Những điều mà tướng quân nói đều đúng, - Thực ra Lưu Bị tán thành chiến lược của Trương Cáp, nhưng lại không muốn làm mất thể diện của Viên Thiệu, đành tế nhị nói, - Song tại hạ từng ở Dự Châu, có liên lạc với một số người như Cung Đô thuộc quân Khăn Vàng ở Nhữ Nam... Nếu chúa công muốn tạo thế sau lưng địch thì mạt tướng nguyện sẽ cống hiến hết sức mình.
— Không cần. - Viên Thiệu vuốt râu, - Ta đường đường là Đại tướng quân của triều đình, chưa phải cần đến sự trợ giúp của lũ hại dân hại nước ấy... Lui cả đi! Đại quân sẽ nghỉ ngơi lấy sức một ngày, ngày kia lại tìm Tào Tháo để khiêu chiến! - Nói đoạn, ông ta lôi cuốn Thượng lâm tặc để dưới soái án lên rồi ung dung ngồi đọc.
Các tướng lần lượt ra khỏi trướng, ai nấy đều mặt ủ mày chau, Trương Cáp thấy Thư Thụ đang đứng lặng ở viên môn ngửa mặt nhìn trời, liền chạy tới:
— Chúa công không nghe ta đâu!
— Ta biết. - Thư Thụ mặt không chút biểu cảm, - Khi rời khỏi Nghiệp Thành, ta đã đem của cải chia hết cho người trong họ. Thế lực còn thì uy phong lớn mạnh, thế lực mất thì chưa chắc toàn thây, than ôi...
— Không nghiêm trọng tới mức ấy chứ? - Trương Cáp tuy buồn bực trong lòng, nhưng vẫn không nghĩ tình hình chiến sự sẽ tồi tệ đến vậy.
— Tào Mạnh Đức tài trí hơn người, lại đang cùm kẹp được thiên tử, quân ta mặc dù hạ được Công Tôn nhưng tướng tá kiêu căng, chủ soái xa hoa, quân tình tan tác, thất bại e rằng khó tránh được! - Thư Thụ ngửa mặt nhìn trăng, cười gượng nói, - Dương Hùng từng nói “Lục quốc si si, vi doanh nhược cơ”,(*) chính là cục diện hôm nay, ta e sẽ chẳng giữ nổi mạng để chạy về Hà Bắc.
Trương Cáp cho rằng Thư Thụ oán trách Viên Thiệu nên mới nghĩ tiêu cực như vậy, vì thế cũng chẳng bận tâm, chỉ an ủi dăm ba câu. Lúc này Cao Lãm hối hả chạy tới:
— Tuấn Nghĩa huynh, hỏng rồi! Đại công tử đang bàn với Quách Đồ sẽ thu hồi binh lực của chúng ta.
— Cái gì? - Trương Cáp chau mày.
Cao Lãm hậm hực nói:
— Quân của Quách Đồ chết và bị thương nghiêm trọng, chúng muốn lấy quân của ta để bổ sung. Mẹ kiếp, dựa vào đâu mà tính cả số người chết vào quân của chúng ta chứ!
— Còn phải hỏi sao? Quách Công làm như vậy là muốn đại công tử tích lũy thêm thực lực, để sau này còn tranh giành ngôi vị với Tam công tử. - Thư Thụ lắc đầu ngao ngán, - Đánh địch còn chưa ăn ai, lúc này lại còn muốn tranh giành nữa, đúng là hết thuốc chữa.
Trong lúc họ đang nói chuyện thì Viên Đàm dẫn Quách Đồ, Hứa Du đi qua. Trương Cáp biết Cao Lãm nóng tính nên vội kéo cổ tay hắn, thấy nhóm người đó ra khỏi viên môn mới buông tay, may thay không có chuyện ồn ào xảy ra. Hứa Du đi sau cùng, dừng lại rồi quay sang nói với họ:
— Trương tướng quân, Thư tiên sinh, chúa công không tiếp nhận kiến nghị của hai vị đâu, mong hai vị đừng bận tâm nữa.
Trương Cáp thậm ghét điệu bộ suồng sã của Hứa Du, nhưng người ta đã có lòng khuyên can nên vẫn khách khí nói:
— Có gì mà phải bận tâm hay không, tất cả cũng chỉ vì trận chiến này mà thôi. Tiếc là chúa công chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt.
Nào ngờ Hứa Du lại cười phá lên, vỗ vai Trương Cáp và Thư Thụ nói:
— Hai vị chớ có nản lòng, ta với Tào A Man đã qua lại hơn hai mươi năm rồi, thừa biết cách dụng binh của hắn ta. Đợi đến ngày kia, cho dù chúa công có muốn đánh, e rằng hắn ta cũng chẳng muốn đánh! Thành cao, hào sâu đóng chặt không ra, chúa công muốn đánh cũng chẳng được, tới lúc đó tất sẽ dùng đến kế sách của hai vị, rồi vẫn phải dựng trại để giữ thế giằng co, chia quân quấy nhiễu địch, hai vị cứ chờ mà xem! - Nói xong liền phất tay áo, cười ha hả bỏ đi.
Nhìn theo bóng Hứa Du khuất dần, Trương Cáp cũng cảm thấy yên tâm phần nào:
— Hứa Tử Viễn cũng là bậc trí sĩ trong doanh trại của chúng ta, ông ta đã an tâm như vậy thì trận này cũng không hẳn là không thể toàn thắng.
— Trí sĩ ư? - Thư Thụ nghĩ tới mình rồi thốt lên, - Dưới trướng chúa công, càng là trí sĩ thì càng khó bảo toàn mạng sống. Đừng thấy Hứa Tử Viễn cười nói vui vẻ mà cho rằng ông ta yên tâm, ngay đến họa phúc của bản thân ông ta cũng không biết chắc nữa là.
Giật gấu vá vai
Diễn biến trận chiến quả đúng như Hứa Du dự đoán, giao chiến từ tháng 4 tới tháng 8, quân Viên và quân Tào vẫn ở thế giằng co. Viên Thiệu muốn đánh với quy mô lớn, nhưng Tào Tháo đóng chặt doanh trại không ứng chiến, chỉ có vài trận nhỏ mang tính thăm dò diễn ra giữa hai bên. Có bốn vạn quân chắn ngay trước mắt, quân Viên không thể liều mạng xông vào, vì thế mười vạn quân cứ quanh quẩn ở phía bắc Quan Độ.
Hết cách, Viên Thiệu đành phải tiếp nhận kiến nghị trước đó của Thư Thụ, cho quân áp sát doanh trại Tào Tháo. Nhưng Tào Tháo đã có sự chuẩn bị từ trước, ông cho quân dựng trại rất kiên cố, ngay cả một cây kim cũng không thể lọt vào được, Viên Thiệu cậy mình đông quân, lại tiếp tục cho dựng trại trải khắp mấy chục dặm ở phía đông và phía tây, dần tạo thành thế bao vây quân Tào. Mặt khác tiếp thu kiến nghị của Trương Cáp, bắt đầu thực hiện chiến lược chia quân gây rối sau lưng địch.
Viên Thiệu bất ngờ thay đổi chiến lược khiến Tào Tháo được một phen bận rộn. Ông không thể ngồi yên nhìn Viên Thiệu bao vây mình, đành chia binh mã mở rộng địa bàn doanh trại sang hai phía đông tây, ngăn chặn quân Viên dựng trại bao vây. Nhưng địch đông ta ít, kế này e không cầm cự được lâu, bởi càng mở rộng địa bàn thì thế trận phòng ngự sẽ càng mỏng. Sau cùng quân Tào phải phân tán đi khắp nơi, chủ lực của trung quân chưa tới một vạn, lại bị thương tới hai ba phần, tới lúc đó giao chiến với Viên Thiệu sẽ rất khó khăn.
Trong lúc Tào Tháo chưa nghĩ ra kế sách đối phó thì công văn cấp báo từ các nơi cũng dồn dập gửi tới. Viên Thiệu bất chấp danh dự, phái Lưu Bị đến Nhữ Nam xúi giục dư đảng Khăn Vàng là Lưu Tích, Cung Đô trước từng bị Tào Tháo đánh bại tiếp tục gây rối. Đồng thời, bọn quan lại cũ của Viên thị ở Nhữ Nam là Cù Cung, Giang Cung, Thẩm Thành... chiếm cứ huyện lị, khai chiến với Lý Thông. Viên Thiệu lại phong tướng phong tá cho bọn phản loạn như Quách Tổ, Công Tôn Độ ở Thái Sơn, khích lệ bọn chúng tiếp tục đánh du kích với Lã Kiền. Xương Bá cũng từng lật lọng một lần, thấy thời cuộc thay đổi lại dấy binh phản Tào, thủ lĩnh Khăn Vàng của Tế Nam là Từ Hòa định đục nước béo cò, cũng dẫn quân đánh xuống phía nam, khiến cho bọn Tang Bá phải tất bật ứng phó hai bên, vừa phải giao chiến ở Thanh Châu lại vừa phải lo vây nhốt Xương Bá... Nhưng điều này vẫn chưa là gì, đúng thời khắc quan trọng nhất, Tôn Sách cũng ngang nhiên trở mặt, dẫn quân tiến đánh quận Quảng Lăng!
Công tào Quảng Lăng là Trần Kiều phụng mệnh Trần Đăng vượt ngàn dặm xa xôi ra ngoài tiền tuyến Quan Độ diện kiến Tào Tháo:
— Quận ta tuy ít, nhưng lại là nơi có địa thế hiểm yếu, nếu được cứu viện thì mưu mô của Tôn Sách ắt sẽ thất bại, các quận ở phía đông cũng có thể được yên ổn. Tào Công vốn được lòng dân, uy chấn thiên hạ, đó chính là cái nghiệp của người làm vương! Mong Tào Công hãy nhanh chóng đưa binh cứu viện...
Trần Kiều vừa nói đến thiệt hơn, lại dùng lời lẽ thuyết phục nhưng Tào Tháo chẳng thấy lọt tai, chỉ chăm chú hướng dẫn Lộ Túy viết một bản tấu: Thần Tổ Đằng được Hiến Đế ban cho ít vật báu, nay dâng lên bốn Tứ thạch đồng huyên(*), một Ngũ thạch đồng huyên, một ngự vật Thuần ngân phấn điệu(*), một bộ dược chử cữu...
Trần Kiều có vẻ sốt ruột, liền bước lên trước rồi quỳ xuống đất, níu lấy chiến bào của Tào Tháo mà rằng:
— Tào công hãy mau nghĩ cách, quận Quảng Lăng đang gặp nguy hiểm, có thể mất bất cứ lúc nào. Không chỉ đại quân Tôn Sách kéo tới chiếm đánh, mà Viên Thiệu còn xúi giục phản tặc ở hai huyện Hải Tây, Hoài Phố nổi dậy, Đô úy Vệ Di, Huyện lệnh Lương Tập đều đã để mất thành, cứ tiếp tục như vậy thì quận Gia Trần của tại hạ cũng sẽ không giữ được!
Tào Tháo thấy ông ta mặt đầy lo lắng, lời lẽ khẩn khoản, liền từ từ kéo vạt áo ra rồi hạ giọng:
— Ngươi cho rằng ta không muốn cứu Quảng Lăng sao? Ngươi ra ngoài xem, có thể rút binh ở đâu được nữa? Hôm trước bọn Lưu Bị, Lưu Tích ở Nhữ Nam làm loạn, ta phải cắn răng điều động Thái Dương đem hai ngàn quân đi cứu viện, chuyện của Quảng Lăng lão phu lực bất tòng tâm, ngươi hãy đến mượn quân của Tang Bá xem sao.
Nước mắt Trần Kiều chực rơi:
— Từ phía đông Thái Sơn đến vùng ven biển Thanh Châu, địch ta lẫn lộn, chỗ Tang Bá đang giao chiến khốc liệt, họ sao có thể quan tâm đến chúng tại hạ được? Tào Công không đem quân cứu viện thì quận Quảng Lăng sẽ nguy mất!
— Đem quân, đem quân, đâu đâu cũng bảo ta đem quân tới, Viên Thiệu sắp tiến đến sát cổng doanh trại, lấy đâu ra quân để đưa đi cứu viện? - Tào Tháo bực bội hất tay, - Chẳng phải Trần Đăng muốn quyết một phen sống mái với Tôn Sách hay sao? Thế thì cứ trông cậy ở bản lĩnh của ông ta, phen này ta không giúp được.
Trần Kiều lo cuống lên, cúi lạy sát đất:
— Quân ở Quảng Lăng chưa đến vài ngàn, quân Tôn Sách đông tới mấy vạn, quân Trần Đăng dù có bản lĩnh lớn tới đâu cũng chẳng thể kháng cự! Hơn nữa, quân ở Hoài Tây đang quấy nhiễu, thù trong giặc ngoài, trận này thực sự không thể đánh được!
Tào Tháo không thèm khách khí nữa:
— Trần Đăng không thể đánh, lẽ nào ta có thể đánh? Việc đã đến nước này, không thể đánh cũng phải đánh cho ta!
Trần Kiều từ từ bò dậy, gạt nước mắt nói:
— Trời diệt Quảng Lăng rồi... - Ông ta chào lấy lệ rồi loạng choạng bước ra ngoài.
Tào Tháo mủi lòng trước hành động này, cảm thấy Trần Kiều là một nghĩa sĩ, liền hạ giọng nói:
— Quý Bật, chuyến này đi e lành ít dữ nhiều, ở lại đây đi.
Trần Kiều dừng bước, chẳng ngoảnh đầu lại, chỉ nói:
— Quê nhà đang lâm nguy, tại hạ phải mau đi cấp báo, dù không thể làm được như Thân Bao Tư, cũng đâu dám quên việc nghĩa mà Hoằng Diễn đã làm?
Tương truyền thời Xuân Thu, nước Sở từng bị Ngũ Tử Tư, Tôn Võ đem quân Ngô sang đánh, Thân Bao Tư chạy tới nước Tần cầu cứu, ông ta khóc suốt bảy ngày bảy đêm, cuối cùng đã khiến Tần Vương cảm động, liền cử quân tới cứu viện. Vệ Ý Công của nước Vệ chơi bời trác táng, để cho người Địch kéo tới xâm phạm bờ cõi, Vệ Ý Công bị chém phanh thây, đại phu Hoằng Diễn đi sứ sang nước Trần trở về thấy thi thể quốc vương bị chém không toàn thây, chỉ có bộ gan là còn nguyên vẹn, liền rạch bụng của mình ra rồi nhét gan của Vệ Ý Công vào, dùng thân thể của mình làm quan tài an táng quốc vương. Trần Kiều nhắc đến hai chuyện này chính là muốn nói, nếu không xin được quân cứu viện thì nguyện chết cùng Trần Đăng.
Tào Tháo thấy ông ta kiên quyết như vậy liền than:
— Ôi chao... nước mắt Thân Bao Tư nhà ông thực khiến người ta cảm phục. Hãy tạm dừng bước, nể mặt ông, ta sẽ đem quân tới cứu viện.
— Thật ư?! - Trần Kiều vội ngoảnh đầu lại.
— Đương nhiên, song nhiều nhất cũng chỉ được hai ngàn quân.
— Hai ngàn cũng được! Đa tạ Tào Công... Đa tạ Tào Công... - Trần Kiều mừng đến nỗi nước mắt, nước mũi chan hoà làm một.
— Đừng khóc nữa. - Tào Tháo cười gượng rồi rút một cái thẻ lệnh, - Sự việc đã đến nước này, lão phu dù gặp khó khăn cũng không thể để mất lòng người. Ông hãy tới trại cuối cùng, bảo hiệu úy Hộ Chất dẫn hai ngàn người ngựa đi theo ông. Trước tiên hãy dẹp yên cuộc nổi loạn ở huyện Hải Tây, sau đó giúp Trần Đăng chống lại Tôn Sách, ta chỉ có thể làm được đến vậy, có thành hay không thì còn phải tùy vào ý trời.
Trần Kiều cay cay sống mũi, nhận lấy thẻ lệnh:
— Tại hạ không dám cầu xin nhiều, sau khi trở về nhất định sẽ...
Chưa nói dứt lời, chợt nghe thấy tiếng kêu thảm thiết, mấy tên lính canh ngoài cửa ngã vật xuống đất, mũi tên cắm đầy người! Chưa ai hiểu chuyện gì đang xảy ra thì lại nghe tiếng vù vù, đó là tiếng mũi tên bắn vào lều bạt. Hứa Chử vội lấy khiên chắn phía trước bảo vệ Tào Tháo, Lộ Túy, Trần Kiều vội lùi về phía sau soái án. Bên ngoài ầm ĩ huyên náo, mấy tên lính giơ khiên che cho Quách Gia chạy vào:
— Hỏng rồi! Viên Thiệu cho xây đài cao ở trên núi rồi từ đó bắn tên xuống doanh trại của ta!
Tào Tháo cố giữ vẻ bình tĩnh:
— Hãy truyền lệnh cho các trại dùng khiên che chắn lều bạt.
— Tuân lệnh! - Hứa Chử đáp một tiếng, sau đó giơ cao khiên rồi chạy ra ngoài.
Quách Gia lau mồ hôi, nói:
— Có tin xấu, Thái Dương đã tử trận ở Nhữ Nam.
— Hả?! - Tào Tháo bàng hoàng.
— Lưu Bị, Lưu Tích tập hợp đạo quân ô hợp rồi cho tiến lên phía bắc, trên đường cướp bóc, phá hủy đồn điền của dân chúng, chúa công hãy mau điều quân cứu viện đi!
Tào Tháo ngồi ngây trên ghế chủ soái:
— Ta đâu còn quân nữa... Không được! Xem ra phải đánh liều gửi thư tới Dương Địch, bảo Tào Nhân xuất quân đối phó với Lưu Bị.
— Nếu xuất quân từ Dương Địch thì cửa ngõ ở Hứa Đô phải làm sao? Nếu Viên Thiệu thừa lúc sơ hở mà đột nhập thì phải làm thế nào?
— Không lo được nhiều tới vậy, cứ giải quyết tình thế nguy cấp rồi tính sau. - Tào Tháo ngoái đầu lại, thấy Trần Kiều vẫn đang đứng bên cạnh, có vẻ sợ bị tên bắn trúng nên không dám ra. Tào Tháo rút kiếm rạch thủng lều bạt ở phía sau rồi nói, - Ra lối cửa sau đi!
— Ha ha ha! - Quách Gia bật cười, - Lều trung quân làm gì có cửa sau chứ?
Tào Tháo lắc đầu nói:
— Có giữ được tính mạng hay không còn chưa chắc, lại còn quan tâm đến lều bạt. - Thấy Trần Kiều vội vàng đi điều binh, Tào Tháo quay lại soái án, tiếp tục hướng dẫn Lộ Túy sửa bản tấu: Đồ ngự dụng được hoàng đế Hiếu Thuận ban cho có một chậu tắm Ngũ thạch đồng, năm chậu rửa tay bằng bạc vẽ hình ngà voi...
Quách Gia sốt ruột:
— Giờ là lúc nào mà chúa công còn có tâm trí dâng những thứ vô dụng này lên cho hoàng thượng?
— Chính những lúc thế này lại càng phải dỗ thiên tử, để tránh xảy ra chuyện. Những thứ này là hoàng đế Hiếu Thuận ban cho ông nội và cha ta, bây giờ dâng trả cho thiên tử để bày tỏ lòng trung thành của ta. - Lần trước Tào Tháo dâng tấu phong Lưu Phùng làm Nam Dương Vương, không ngờ đứa trẻ đó bệnh tình vô phương cứu chữa, chỉ nhận sắc phong được vài ngày đã chết, ông lại phải nghĩ ra cách để yên lòng Lưu Hiệp. Đợi bản tấu được viết xong, Tào Tháo lại nói, - Hãy viết thư cho Tuân Lệnh quân, bảo ông ta chiếu mệnh cửu khanh và quận thú, mỗi quận chọn ra một người con có hiếu để tiến cử cho triều đình.
— Ý chúa công là sao? - Quách Gia không hiểu vì sao Tào Tháo lại quan tâm đến những điều vô vị như vậy vào lúc này.
Tào Tháo vân vê bộ râu:
— Lúc này thế cuộc không ổn định, e rằng không ít nơi đã ngấm ngầm câu kết với Viên Thiệu. Thông qua việc tiến cử người, ta có thể biết được còn bao nhiêu quận vẫn theo triều đình. Chỉ mong... chỉ mong... chỉ mong số người làm phản đừng nhiều quá!
Quách Gia không nghĩ như vậy:
— Biết được phỏng có ích gì, vấn đề bây giờ là đánh trận, chỉ cần đánh thắng thì tất cả những kẻ bắt cá hai tay đều sẽ tuân phục.
— Đánh thắng mà dễ... - Cho dù đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng quân Tào vẫn ở thế bị động khi đối mặt với đại quân của Viên Thiệu, - Tôn Sách cũng dấy binh rồi, nếu hắn hạ được Quảng Lăng, sau đó áp sát Thanh, Từ thì mặt trận phía đông coi như mất. Nhưng ta lại chỉ có thể điều hai ngàn quân để giúp Trần Đăng, tình thế nguy cấp lắm rồi!
Quách Gia lại nói:
— Tôn Sách mới thôn tính Giang Đông, tất cả những người bị giết đều là anh hùng hào kiệt. Hắn vốn hiếu chiến, lại xem nhẹ việc xây dựng lực lượng, người như vậy dù có trăm vạn người đi theo thì cũng chẳng khác nào độc hành ở Trung Nguyên. Nếu thích khách mai phục thì chỉ một người cũng đủ hạ hắn rồi. Tại hạ nghĩ biết đâu một ngày nào đó, Tôn Sách sẽ bị chính kẻ thù của hắn giết chết.
Tào Tháo biết những lời Quách Gia vừa nói là để giúp tâm trạng ông thoải mái hơn, hy vọng có thích khách từ trên trời rơi xuống giết chết Tôn Sách, nhưng chuyện này há có thể xảy ra? Tào Tháo gượng cười:
— Chỉ mong được như vậy!
Lúc này ngoài cửa trướng náo loạn, Trương Liêu cầm khiên chạy vào rồi quỳ ngay trước bàn chủ soái.
— Văn Viễn, xảy ra chuyện gì vậy?
Trương Liêu khấu đầu lia lịa:
— Tại hạ đã phụ lòng tin cậy của chúa công, mong ngài thứ lỗi!
— Nói vậy là sao? - Tào Tháo không hiểu, vội chạy tới đỡ hắn dậy, nhưng cả ba lần Văn Viễn nhất định không đứng lên, - Hà tất phải vậy, có chuyện gì đứng dậy rồi nói!
— Mong chúa công thứ lỗi...
— Rốt cuộc là có chuyện gì?
Trương Liêu từ từ ngẩng đầu lên, hai mắt ngấn lệ, cất giọng lí nhí:
— Vân Trường... Vân Trường sắp đi rồi...
— Đi đâu?! - Tào Tháo giật mình, - Hắn ta sắp đi đâu?
— Lúc trước, khi tại hạ tới Thổ Sơn khuyên hàng Quan Vũ, Quan Vũ từng nói, một khi biết được tung tích của Lưu Bị thì lập tức sẽ đi theo, nếu không chấp thuận thì thà tử trận chứ không hàng. - Trương Liêu sợ hãi nói, - Vân Trường có ơn với tại hạ, tại hạ sợ chúa công không đồng ý, nên đã...
— Nên đã đồng ý thay ta, phải không? - Tào Tháo liếc hắn một cái.
— Tại hạ vốn cho rằng Quan Vũ sẽ cảm kích ân đức của chúa công, nào ngờ hắn vẫn còn nhớ đến Lưu Bị. Nghe tin Lưu Bị đang ở Nhữ Nam, Quan Vũ liền muốn đi tìm. - Trương Liêu không còn giữ được vẻ dũng mãnh như ngoài chiến trường, nét mặt rầu rĩ, - Chúa công giống như vua cha, Vân Trường khác nào huynh đệ. Tại hạ thực không dám lừa dối nữa, mong chúa công thực hiện lời hứa của tại hạ, hãy để cho Vân Trường ra đi. Muốn trách thì cứ trách tội một mình tại hạ!
— Ngươi có gánh nổi không? - Quách Gia không nén nổi cơn giận, - Đồ lang sói! Quan Vũ chẳng khác gì Lưu Bị, đều là lũ vô ơn. Đã thua trận bị bắt lại còn dám đưa ra điều kiện sao? Chúa công trả lại quân cho hắn, bổ nhiệm hắn làm Hán Thọ Đình Hầu, vậy mà hắn còn không biết đường cảm kích. Người như vậy giữ lại làm gì, giết!
Thực ra Tào Tháo đã định giết Quan Vũ từ lâu, nhưng thấy Trương Liêu nước mắt lưng tròng nhìn mình, trong lòng cảm thấy vô cùng khó xử. Trương Liêu với Quan Vũ là hai dũng tướng mà ông tha thiết muốn có, còn nhớ ngày trước Trương Liêu bị thương ở Lạc Dương, Quan Vũ đột phá vòng vây ở Đàm Thành, việc này đã để lại ấn tượng sâu sắc với Tào Tháo. Nhưng được cái này thì mất cái kia, giết Quan Vũ tuy sẽ trừ được hậu họa, nhưng sự kính trọng của Trương Liêu dành cho ta cũng không còn. Lúc này gây khó dễ cho Trương Liêu phỏng có ích gì? Mất một người thì chí ít cũng có thể giữ lại một người, nếu thật sự giết Quan Vũ, Trương Liêu sẽ mất hết ý chí, như vậy chẳng khác nào mất đi cả hai viên tướng mà khó khăn lắm mới có được! Nghĩ đến đây, Tào Tháo cố tỏ vẻ tươi cười:
— Văn Viễn đừng buồn, vì tấm lòng chân thành của ngươi, lão phu sẽ không gây khó dễ cho hắn. Vả lại, làm người không nên quên cái gốc của mình, Vân Trường đúng là một bậc nghĩa sĩ trong thiên hạ.
Quách Gia vẫn không buông tha:
— Tuy nói như vậy, Quan Vũ cũng sai...
Tào Tháo xua tay không để hắn nói tiếp, sau đó lại đỡ Trương Liêu dậy:
— Ngươi cứ đi khuyên Vân Trường xem sao, thuyết phục hắn ở lại được là tốt nhất. Còn nếu hắn vẫn nhất quyết ra đi... - Tào Tháo nghiến răng quả quyết, - Ngươi hãy nói với hắn, lão phu nghĩ đến chuyện “Dữu Công Chi Tư đuổi theo Tử Trạc Nhụ Tử” nên sẽ để hắn đi!
— Dữu Công Chi Tư đuổi theo Tử Trạc Nhụ Tử? - Trương Liêu không hiểu.
Tào Tháo cười gượng nói:
— Đó là một điển cố trong Xuân Thu, ngươi không hiểu nhưng Vân Trường sẽ hiểu.
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 6 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 6 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 6