Số lần đọc/download: 1119 / 11
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Quẩy Tấu -
C
ó lẽ ít có vật dụng nào gần gũi và gắn bó với người Mông như chiếc quẩy tấu, khi đi nương quẩy tấu đựng dụng cụ lao động từ nhà lên nương, khi về nhà quẩy tấu lại đựng các sản vật từ nương về nhà, khi đi chợ quẩy tấu cũng đi theo... Khi ra khỏi nhà con người thường mang theo quẩy tấu, có khi còn chưa biết để làm gì, nếu trên đường đi gặp ít rau cho lợn sẽ lấy một ít, gặp ít củi khô sẽ gùi một ít, gặp ít quả rừng sẽ hái một ít... Có khi cũng chẳng đựng cái gì, khi đi sao khi về vẫn vậy.
Quẩy tấu là sự sáng tạo trong lao động của người dân miền núi, nó được ví như chiếc địu, như chiếc ba lô, và hầu hết mọi thứ cần mang vác đều được đựng trong quẩy tấu.
Đường vùng cao lắm đèo nhiều dốc, gập gà gập ghềnh, bước lên mây, bước xuống đất, khó có thể gánh, quẩy bằng đòn gánh, người Mông đã sáng tạo ra chiếc quẩy tấu, rất phù hợp với điều kiện đu quẩy lên dốc xuống khe.
Tôi còn nhớ người bạn là nhà báo kể cho nghe có một bản của người Mông ở tít trên núi cao gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, con đường duy nhất vào bản là mười hai chiếc thang nối nhau bắc vào vách núi.
"Nghe kể đã lâu, hôm ấy có dịp tôi quyết tâm đi thực tế một chuyến cho con mắt được mở mang. Buổi sáng, lúc đường còn ướt sương, tôi và anh cán bộ xã đã lên đường. Mặt trời lên khá cao, bóng nắng đã gần nghiêng về đông mới đến chân núi, từ dưới nhìn lên thấy chót vót tít tắp xa. Đứng nghỉ một lát rồi anh cán bộ xã bước những bước đầu tiên lên cái thang thứ nhất, tôi bước theo ngay phía sau mà bàn chân cứ run lên từng hồi sợ sệt, chỉ cần sơ ý một chút mà trượt chân ngã xuống thì... tôi không dám nghĩ thêm nữa. Anh cán bộ xã bảo đừng nhìn xuống cứ ngước mắt lên là hết sợ. Tôi đã không dám nhìn xuống, nhìn lên cũng không dám, tôi cứ dán mắt vào vách núi đá mốc meo đen xỉn. Đi mãi rồi cũng hết các bậc thang. Đoạn đường tiếp theo lại phải lách mình qua các khe đá, những hòn đá rất to bám vào sườn núi, bước nọ nối bước kia cách nhau một đoạn xa, nhiều lúc phải bước lên đầu các hòn đá. Anh cán bộ xã vừa đi vừa dặn là phải bước đúng đầu hòn đá đừng có bước vào sườn nó kẻo trượt chân ngã thì không về được đâu. Tôi phải nhẹ nhàng cẩn thận đặt bàn chân đúng cái mỏm nhô lên của hòn đá, sự sắc nhọn được cảm nhận sau đế dày truyền đến bàn chân đau nhói.
Đoạn sau bước đi có dễ hơn, ít đá nhọn hơn và thêm một đoạn nữa được gặp cái thang thứ hai. Cũng như cái thang thứ nhất, sườn núi đá vôi đen xỉn là nơi cái thang bắc vào, tôi lại dán mắt vào vách đá như một sự cứu cánh đã lên được tới đỉnh.
Hết cái thang thứ hai là đoạn đường tương đối bằng phẳng đi ngang qua nương ngô. Hết nương ngô đến đoạn đường núi đá tai mèo lởm chởm sắc nhọn như trăm ngàn mũi chông giơ lên trời. Bàn chân lại nhói đau. Rồi gặp cái thang thứ ba. Cái tháng thứ ba dài hơn nhưng độ dốc đứng kém hẳn cái thang thứ hai nên bước đi cũng dễ dàng hơn nhiều.
Cái thang thứ tư cách đó không xa. Cái thang thứ tư có mấy bậc đã bị gẫy từ lúc nào, thay vào đó là mấy đoạn cây được buộc bằng dây rừng vào thân cây gỗ để đi tạm. Tôi bước chân vào đoạn cây buộc tạm, cái thang chòng chành như muốn gẫy. Tôi bấu chặt hai bàn tay vào thân cây gỗ rồi đứng im không dám nhúc nhích, một lúc sau tôi mới dám bước tiếp. Anh cán bộ xã đã đi hết các bậc thang quay lại nhìn tôi rồi cười lớn.
- Cán bộ chưa đi thang bao giờ sao?
Tôi không nói gì vì còn đang bận tập trung vào bước chân đi trên bậc thang làm sao cho thật nhẹ nhàng để nó khỏi rung lên, để tôi khỏi bị hất xuống vực sâu.
Rồi tôi cũng leo được tới đỉnh. Đi tiếp một đoạn nữa thì gặp cái thang thứ năm.
Rồi đến cái thang thứ sáu.
Tiếp nữa là cái thang thứ bảy.
Cái thang thứ tám...
Con đường vẫn đang chót vót lên trời.
Mười hai cái thang, leo hết mười hai cái thang là đặt chân đến bản và cũng đúng lúc trời chiều xậm xuống.
Cứ tưởng ở địa thế hiểm trở như vậy bản làng sẽ heo hút xơ xác, nhưng không ngờ, ở bản dưới có cái gì thì bản trên có cái ấy: trâu, bò, lợn, dê, ngựa, gà, vịt, ngan,... đủ cả. Khi được hỏi những thứ đó lấy ở đâu về thì mọi người đều nói là tất cả đều được lấy về từ bản dưới. Lấy lên bằng cách nào? Mọi người nói tiếp là gùi bằng quẩy tấu. Con trâu, con bò to như thế thì gùi sao được? Sao lại không được, gùi lúc nó còn bé, cũng không nặng mấy đâu mà!..."
Quẩy tấu mà người Mông Hà Giang sử dụng là quẩy tấu dáng vuông miệng tròn, một số nơi khác làm quẩy tấu dáng tròn thậm chí đáy nhọn miệng loe. Quẩy tấu được đan bằng tre hoặc bằng trúc, làm bằng trúc quẩy tấu chắc chắn và bền hơn. Tre, trúc róc lấy cật đan lóng hai, lóng ba ghép tròn dần về phía miệng. Lớp trong của quẩy tấu được lót bằng lớp phôi, mỏng, lớp ngoài mới là lớp cật chắc chắn. Kích thước của quẩy tấu là không hạn định, tuỳ theo khả năng sử dụng mà người ta đan quẩy tấu to hay nhỏ. Cái to dành cho người cường tráng khoẻ mạnh, cái nhỏ dành cho đàn bà con gái và trẻ con. Thậm chí người ta đan cả chiếc quẩy tấu dành cho đứa trẻ năm, sáu tuổi đeo. Dây để gùi thường làm bằng da trâu, da bò hoặc lấy từ cây móc.
Quẩy tấu không chỉ đơn thuần là vật dụng phục vụ hoạt động sống của con người hàng ngày, nó còn mang giá trị tâm linh thần bí. Cùng với con dao, cái liềm, cái cuốc... Quẩy tấu ngày tết được thắp hương thờ cúng, được ăn cơm mới, được con người mang ơn đã cùng lao động suốt một năm ròng.
Quẩy tấu còn được đà bà con gái mang khi đi chợ như là thứ đồ trang sức. Người có chồng có con mang quẩy tấu thể hiện sự đảm đang chăm chỉ vun vén cho hạnh phúc gia đình. Người chưa có chồng mang quẩy tấu như là lời khẳng định đầy hứa hẹn với đám thanh niên con trai rằng mình là người ưa lao động, đảm đang, khéo léo biết thu vén... Quẩy tấu dùng riêng cho người đi chợ hoặc đi thăm thú đó đây thường mảnh mai hơn, nhỏ hơn, nhẹ hơn và được trau chuốt kỹ lưỡng hơn so với quẩy tấu mang khi đi nương.
Ngày nay do có nhiều đồ trang sức đẹp, có nhiều cách thể hiện cho đám thanh niên con trai biết sự đảm đang khéo léo của mình nên đám con gái khi đi chợ đã ít đem theo quẩy tấu theo nếu không cần gùi đựng một thứ gì.
Quẩy tấu với người vùng cao trong việc gùi quẩy có một giá trị thật đặc biệt, đến cả sau này nữa cũng chưa chắc có loại nào thông dụng hơn. Có người còn dùng quẩy tấu như là một sở thích, một thứ đồ chơi, đi đâu cũng mang theo, không cần biết là đem đi để làm gì.
Bà tôi vẫn còn giữ lại được chiếc quẩy tấu vẫn thường mang theo khi đi chợ từ lúc còn thời con gái. Chiếc quẩy tấu đ• cũ lắm rồi nhưng vẫn còn rất đẹp, cái nan trúc không hề bị mọt và hình như ngày càng óng lên thì phải. Bà vẫn để trên gác bếp, thỉnh thoảng lại được lấy xuống lau chùi sạch sẽ. Bàn tay bà run run lần đi lần lại từng chiếc nan trên quẩy tấu như tìm lại từng nét duyên dáng, thơ ngây, ngờ nghệch của ngày xưa...
Bố đang xỏ khung cho chiếc quẩy tấu thứ năm. Những chiếc quẩy tấu bố làm to hơn của bà từ hình dáng cho tới cả cái nan trúc đan xung quanh. Bố vấn miệng và xỏ khung thật khéo nhưng đem so với chiếc quẩy tấu của bà thì nét đẹp, nét tinh sảo vẫn còn ít hơn nhiều lắm.
Ngày mai, lần đầu tiên tôi được đi chợ cùng bố. Chợ ở xa lắm, phải đi từ rất sớm, bố nói vậy. Đi chợ để mang những chiếc quẩy tấu ở giữa nhà kia đi bán.