Số lần đọc/download: 4781 / 129
Cập nhật: 2017-08-30 02:57:35 +0700
Chương 2 -
B
ữa cơm không ngon miệng chút nào hết. Nhã cũng ăn rất ít, nói là để dành bụng cho món bào ngư nấu nấm trong bữa cơm tiệm Thiều mời chiều hôm nay.
Đóng cửa buồng lại, buông những tấm rèm xuống, đẩy buổi trưa nắng thật xa ngoài những khung cửa đóng lại, tôi thả mình nằm xuống mặt đệm. Mắt nhắm lại, đầu óc tôi như một bóng rợp khổng lồ phủ xuống. Và tôi lại nhớ đến Trường. Nói chuyện với chàng. Tôi với Trường luôn luôn có những buổi nói chuyện như vậy. Tôi nằm một mình, tôi tưởng tượng đến chàng, hình dung chàng ở xa, gọi chàng về gần trong tâm tưởng. Và nói chuyện. Tôi kể cho chàng nghe những gì xảy ra ở Sàigòn. Chot tôi. Cho những người chung quanh. Có như là mỗi ngày tôi làm một bản tường trình ngắn về những chuyện xảy ra mà tôi muốn nói cho chàng biết.
Người đàn ông tên Phan gặp ở quán nước buổi sáng hôm nay càng làm cho tôi nhớ đến Trường nhiều hơn. So sánh, hai người đàn ông khác biệt nhau một trời một vực. Phan giống như tất cả mọi người. Phan là mẫu số chung cho tất cả những người đàn ông ta thấy ở ngoài đường, đụng đầu ở ngã tư, nhìng thấy nhưng quên ngay bởi vì họ không có một sắc thái gì đặc biệt. Đời sống của những người đàn ông này mờ nhạt, phẳng lặng, không bao giờ có những dấy động lớn lao.
Trường thuộc về loại đàn ông đặc biệt. Sống với Trường là một cuộc phiêu lưu vĩ đại. Mỗi buổi sáng với chàng là một chân trời mới mở vào một này mới lạ hoàn toàn so với ngày hôm trước đó. Chàng sống như gió, như mây, không bao giờ những dấu chân chàng đi theo một con đường nhất định.
Tôi cứ nghĩ miên man về Trường như vậy, cho đến khi hai mi mắt trĩu nặng dần dần. Buỏi trưa thiêm thiếp trong ngôi nhà nhỏ. Tầm mắt tôi tối lại. Những hình ảnh nhạt nhòa.
Tiếng gõ cửa buồng làm tôi bừng tỉnh. Vẫn con nhỏ phá rối, giọng nó lanh lảnh:
-Chị Tuyền.
Tôi nằm im làm bộ ngủ say. Không được. Nó đấm cửa thình thình.
-Đừng có vờ em. Em biết chị chưa ngủ.
Tôi hét lớn:
-Bước đi chỗ khác cho tao ngủ.
-Ngủ thật không?
Tôi hét lớn hơn:
-Tao không đùa với mày.
Tiếng Nhã ở phía ngoài:
-Thôi vậy. Có cái này đưa cho chị, chị ngủ thì để lúc khác vậy.
Tôi chồm khỏi giường. Tôi chạy ra mở cửa, túm chặt lấy con nhỏ:
-Mày vừa nói gì?
Nó nhoẻn miệng cười:
-Chẳng nói gì hết.
Tôi nắm chặt tay nó quắc mắt:
-Mày vừa nói cái gì? Tao nghe thấy rõ ràng. Của tao thì đưa ngay đây cho tao.
-Cái gì của chị mới được chứ?
-Thư! Thư của tao!
-Thư nào?
Tôi dịu giọng:
-Thư anh Trường gửi cho tao.
-Làm gì có thư của anh Trường đâu.
-Có! Đừng có láo! Đưa đây!
Con nhỏ vùng chạy. Tôi rượt theo. Tôi nói không sai chút nào. Nhã cầm trong tay một chiếc phong bì thật. Nhìn thấy chiếc phong bì, tôi cuống lên, rượt Nhã bằng được. Nhưng tôi không chạy nhanh bằng Nhã. Nó như con thỏ, không làm sao túm lại được.
Nhã đùa thật dai, thật ác. Nó chạy vòng mấy cái ghế bành, chạy quanh bàn ăn, vừa chạy vừa cười khúc khích. Đuổi không được, tôi làm bộ giận ngồi phịch xuống ghế. Khi đó nó mới chịu quay lại, nhưng vẫn chưa đưa ngay lá thư.
-Sao? Còn ngủ nữa không?
Tôi làm mặt nghiêm:
-Không phải là chuyện cô sắp đi lấy chồng, dời khỏi nhà này mà cô hỗn với chị cô được đâu.
Lời mắng không có mảy may hiệu nghiệm. Nhã điềm nhiên giơ cao lá thư lên, làm bộ xé phong bì.
Tôi hoảng hốt:
-Con quỷ! Mày làm gì thế?
-Kiểm duyệt.
Tôi quát:
-Cấm! Không đưa, chiều nay đừng hòng rủ tao vào Chợ Lớn!
Nhã sợ liền. Thì ra yêu là như thế. Hễ thấy cái gì động chạm đến tình yêu của mình thì cái đó làm cho mình sợ ngay. Với tôi sáng nay, cái đó là cái thư của Trường mới gửi về. Với Nhã, là bữa cơm chiều với người chồng sắp cưới của nó mà nó đã muốn tôi phải có mặt. Nhã ngoan ngoãn trao lá thư cho tôi. Và chừng như nó cũng biết rằng một lá thư tình phải được đọc một mình, trong một cảnh trí yên tĩnh hoàn toàn, Nhã bỏ xuống nhà dưới.
Với lá thư của Trường trên tay, như một báu vật không có vàng bạc nào trên đời mua nổi, cái góc phòng khách bỗng nhiên được bao phủ trong một bầu không khí ấm áp lạ thường.
Chừng như lúc này không còn là một buổi trưa nắng chói chang của mùa hè, mà là một buổi sáng mùa thu man mác. Thời gian ngừng lại, vây quanh niềm hạnh phúc tuyệt đối của tôi lúc này, phút này, là một lá thư. Thu hai chân lên ghế, toàn thân êm ái trong một rung động tuyệt vời, tôi cẩn thận xé tờ phong bì, lấy ra lá thư, đọc không sót một chữ.
“Em yêu dấu”. Bao giờ Trường cũng mở đầu như thế: Em yêu dấu. Thư Trường viết trên thứ giấy có tên và địa chỉ của một khách sạn lớn ở Ba-Lê (1). Lá thư không dài lắm, và sự ngắn ngủi của nó là điều duy nhất làm cho tôi thất vọng. Tôi thường đòi Trường phải viết dài gấp hai, gấp ba thư này, nhưng con người hoại động, nay đây mai đó ở Trường không phải là để viết những lá thư dài, kể lể tỉ mỉ này nọ. Thư viết dài, phải từ một bàn tay đàn bà, Trường thường cười và nói đùa như vậy. Có điều là ngắn, nhưng thư Trường không bao giờ là một thiếu sót. Tôi có cảm tưởng như người khác viết 10 câu, chàng chỉ cần viết một, người khác viết 10 chuyện toàn là những chuyện rông dài không đáng nói, duy điều Trường thuật lại mới là điều đáng nói mà thôi. Lẽ tất nhiên là tôi chủ quan. Yêu là chủ quan mà! Và cũng bởi vậy mà những lá thư của Trường ngắn gọn, không văn chương, không cầu kỳ, với tôi là những lá thư hay nhất.
Chữ viết của Trường là tất cả chàng. Mạnh mẽ, xô chuyển, như những hàng chữ cũng là những bước chân lúc nào cũng di chuyển, cũng bay nhảy trên những con đường. Thư này chàng kể chuyện cho tôi về mùa xuân đã về trên những hè phố Ba-Lê. Chàng nói từ mấy ngày nay, tuyết đã tan, trời đã cao, chim én đậu trên những hàng dây điện, và tuy chưa có nắng, nhưng trong không khí còn buốt lạnh đã như thấp thoáng những tia hồng đầu tiên báo tin những ngày nắng sắp về. Chàng nói chàng còn phải ở lại Ba-Lê chừng một tuần nữa. Sau đó, chàng xuống một vài thị trấn ở miền Nam nước Pháp, sau khi sang Luân-Đôn (2).
Tâm hồn tôi rào rạt yêu thương khi tôi đọc tiếp đến đoạn chàng hỏi tôi về những chuyện ở nhà. Chàng nói chàng nhớ tôi, rằng “không có một người đàn bà Paris nào đẹp bằng Tuyền”, rằng chàng sẽ cố gắng thu xếp thật nhanh mọi công việc để trở về Sàigòn, chậm nhất là một tháng nữa.
Tôi đọc đi đọc lại lá thư nhiều lần đến thuộc lòng từng chữ. Cuối cùng, tôi gấp lá thư lại, cẩn thận cho vào phong bì, và đặt lá thư lên ngực như một tấm mền ấm áp và thơm tho nhất. Tôi ngả đầu vào thành ghế, thả buông cho tâm hồn bay đi...
...
Em đang ngồi ở đây một mình. Căn phòng vắng lặng, sáng láng. Buổi trưa thiêm thiếp ở ngoài kia với cái nắng chói chang đang làm lấp lánh những chùm lá rực rỡ những lòng đường, lung linh những phiến kính. Lá thư anh vừa đến. Lá thư vượt qua không biết bao nhiêu tầng không gian, mang hình ảnh và dấu vết anh về đây. Và bây giờ thì căn phòng này chỉ còn là sự hiện hữu tràn đầy của anh, tuy anh không có mặt.
Nhớ là những lần anh tới, anh nhớ không, và anh có biết không? Anh đã đem lại sự xáo trộn lớn lao tất cả, lúc không có anh, mang một hình thái khác, tất cả, khi có anh đã đổi khác hoàn toàn. Mỗi lần anh tới, hè đường phía ngoài đã như vang động lên bởi những bước chân anh đụng tới. Rồi anh vào như gió. Cánh cửa bị đẩy toang ra. Anh đến bao giờ cũng vậy, như một thảng thốt bất ngờ, không bao giờ báo trước. Em đứng ngây người nhìn anh. Em tưởng chiêm bao. Giây phút thật thần tiên. Em chưa hiểu em như thế nào. Sự sung sướng đến cực điểm gần như làm cho em tê liệt.
Anh thường hỏi với một thoáng nghịch ngợm:
-Làm gì mà đứng ngây người ra thế?
Phải một khoảnh khắc, em mới thoát ra được cái trạng thái tê liệt kỳ thú. Em chạy đến, ngã vào anh. Chưa có một sự đổ ngã nào tuyệt vời như vậy. Hai cánh tay anh đỡ lấy em, tiếng cười ròn rã của anh lùa vào tóc em, rồi chúng mình hôn nhau. Những cử chỉ âu yếm của anh thật đặc biệt. Khỏe mạnh, tươi sáng, rất đàn ông, nồng nàn, không đắm đuối, như anh thả lỏng cho tình cảm bốc cháy nhưng bao giờ cũng làm chủ được tình cảm của mình.
Nhã thường “phá” chúng mình. Nhiều lần từ trong nhà chạy ra nó bắt gặp chúng mình đang hôn nhau, em đang nằm trong tay anh. Lúc thì nó “đằng hắng”, lúc nó cười khúc khích. Con quỷ!
-Cô Nhã hồi này ra sao?
Anh hay hỏi Nhã như vậy. Nó trả lời, bao giờ câu trả lời đầu tiên của nó cũng là:
-Riêng phần em, em vẫn được bình thường.
Nó hỏi lại:
-Phần anh?
Anh đùa lại:
-Phần tôi cũng bình thường giống như phần Nhã.
Con nhỏ nhìn sang em chỉ tay:
-Chỉ có phần chị Tuyền là không được bình thường lắm mà thôi.
-Tại sao vậy?
Nhã làm bộ ngơ ngác:
-Hỏi chị ấy! Làm sao em biết được.
Sau đó anh ngồi xuống ghế, nét mặt vui vẻ thư thái. Sau một chuyến đi trên những không gian, qua những biển rộng, trở về từ những sân ga, những bến tàu xa vời, anh trở về. Và Sàigòn là hình ảnh của một bến đậu bình yên. Anh kể chuyện chuyến đi, anh hỏi chuyện ở nhà. Căn nhà nhỏ vang động tiếng cười, tiếng nói.
Trong câu chuyện ríu rít sau một thời gian xa cách lâu ngày, tôi thường là kẻ im lặng nhất trong ba người. Tôi ngồi nghe Nhã và Trường nói chuyện với nhau, lặng lẽ ngắm chàng, cố gắng tìm kiếm ở chàng một đổi thay nào đó. Thường thường, sau một thời gian không thấy nhau, người ta thường thấy nhau già đi đôi chút. Mội mái tóc có thêm vài sợi bạc. Một tròng mắt đã vơi đi ánh lửa ngày nào. Một đài trán vẽ thêm những đường nhăn mới. Một nụ cười bớt tươi tắn. Một thoáng mỏi mệt trong dáng điệu, trong cử chỉ. Tất nhiên là như thế. Là có sự thay đổi đó. Thời gian là một sức mạnh tàn phá mà! Chính tôi, đời sống rất dịu dàng, ngày rất bình yên, sinh hoạt rất chừng mực, mà tôi cũng còn cảm thấy ở tôi sự tàn phá của thời gian, sự tàn phá kín trùm lên thân thể những đời người. Không một ai có thể tự hào là tránh thoát được.
Riêng Trường lại không thế. Sau mỗi chuyến đi, chàng đã không già thêm một chút nào mà lại hình như trẻ lại. Chàng có một mùa xuân, một tuổi trẻ vĩnh viễn nằm trong những lên đường và những đổi đời. Gió, nắng, những chân trời xa, những con đường và những không gian mênh mông kết hợp với nhau thành một liều thuốc thần diệu. Liều thuốc này đã giữ được cho Trường một dáng đi mãi mãi nhanh nhẹn, một ánh mắt mãi mãi tươi sáng, một tiếng cười ròn rã, một tâm hồn mãi mãi trẻ trung.
Chàng phải đi. Chàng không thể dừng chân ở một nơi chốn nào. Lẽ sống của chàng là viễn du. Lẽ phải của đời chàng cũng ở đó. Chàng đã nói với tôi thật nhiều về chuyện này. Một lần, tôi đã hỏi chàng:
-Anh không thể dừng chân ở một chỗ?
-Được chứ!
Tôi ngạc nhiên:
-Thế sao anh đi hoài vậy?
Trường cười:
-Anh sống như vậy.
-Không đi là không phải là sống?
-Không! (3)
Nếu sống là tạo được cho những ngày tháng của mình một ý nghĩa, hơn nữa, một đam mê nào đó thì viễn du và lưu động đúng là lẽ sống của Trường thật. Những lần trở về Sàigòn gặp lại tôi, vì yêu tôi, Trường cũng được sống những ngày mà chàng nói là sung sướng chưa từng thấy. Chúng tôi đi chơi với nhau, trở về nhà, giam nhốt tình yêu thành một thế giới riêng tây trong một căn buồng đóng kín, hưởng những giây phút có thể nói là thần tiên nhất củ một đời người. Khi đó, Trường quên hết những chân trời bát ngát của chàng. Khi đó, chàng sống cho tôi, cho tình yêu của chúng tôi. Hoàn toàn.
Nhưng viễn du là một người tình mà Trường chỉ lãng quên được trong mội khoảng thời gian nào đó. Tôi nhắc lại, chỉ trong một khoảng thời gian nào đó mà thôi.
Tôi nhớ có một lần, tôi được ở gần Trường lâu nhất. Gần sáu tháng! Tù Trung Thu năm trước tới cuối xuân năm sau. Chàng lỡ một chuyến tàu, mẹ chàng lại đau nặng. Rồi Nguyên Đán tới, đã lưu giữ bước chân giang hồ của chàng ở lại dưới vòm trời quê hương. Tôi cũng có buộc chàng ở lại nữa. Lần đó tôi đã khóc:
-Chưa bao giờ anh ở nhà mừng tuổi cho em hết. Ngày Mùng Một năm nào với em cũng là ngày sầu thảm nhất.
Chiều tôi, sợ những giọt nước mắt của tôi một phần, mẹ lại đau chưa khỏi, Trường đã hủy bỏ chuyến tàu sau và ở lại tới năm sau. Cái tết năm đó, với tôi là cái tết đẹp nhất của một đời người. Tết không phải chờ đến đầu giêng, mà đã vui từ mùa thu, mùa xuân không phải chờ đến mai vàng, mà mùa xuân đã ở trong lòng trong dạ. Trường đưa tôi đi chơi cùng khắp. Lúc có thêm Nhã hay một vài người bạn. Lúc chỉ có chàng và tôi. Tôi muốn gì cũng được. Tôi đòi gì chàng cũng chiều.
Có Trường ở bên cạnh, tất cả đều không quan trọng nữa. Tôi xin nghỉ việc suốt thời gian Trường ở Sàigòn. Nhớ biết chừng nào, yêu biết bao nhiêu những lần có nhau năm ấy. Chúng tôi đã đi hàng giờ bên nhau, tay cầm trong tay, yên lặng không nói, trên những con đường nhỏ đấy bóng mát ở những vùng ngoại ô thành phố. Chúng tôi đã ngồi với nhau trên những bờ sông, dưới nắng của chiều tà, dưới trang của đêm xanh, nghe tiếng nước chảy rì rào trên những kè đá, nghe trời cao trên đầu, nghe sự im lặng ngọt ngào nở thành những đóa hoa thơm ngát trong hồn.
Tôi sung sướng. Trường cũng sung sướng như tôi vậy. Chàng chấp nhận trong mấy tháng liền, nhịp sống bình yên phẳng lặng ở một nơi chốn nhất định khiến tôi đã tưởng rằng Trường đã thay đổi. Nghĩa là con thuyền đã về bến đậu. Nghĩa là đời mây đã hết lang thang. Nghĩa là mê thích lớn nhất của đời chàng là đó đây, sớm một chân trời này, chiều một góc biển nọ, mê thích dầu vẫn còn nhưng không còn nồng cháy nữa.
Phải, cái tết Nguyên Đán năm đó, tôi đã tưởng vậy. Đã hy vọng. Đã mừng thầm trong lòng. Nhã còn nhỏ, làm gì có một quan sát tinh tế, vậy mà thái độ bất thường của Trường cũng làm cho nó ngạc nhiên. Nó cười, hỏi tôi:
-Chị dùng bí quyết nào mà lần này giữ được anh Trường ở nhà lâu quá vậy?
-Mày đừng nói bậy! Bí quyết gì đâu!
-Chị cấm anh ấy?
Tôi nghiêm trang:
-Anh Trường không phải là loại đàn ông chịu để cho đàng bà cấm đoán. Anh ấy sống hoàn toàn tự do, và theo ý mình.
-Thế so lần này anh ấy chịu ở gần chị em mình lâu thế?
Tôi cười:
-Tao không biết! Muốn biết thì hỏi anh ấy.
-Đi mãi cũng chán chứ nhỉ?
Tôi trả lời, nửa tin nửa ngờ ý nghĩ của mình:
-Có nhiều cái thích mãi được. Thích đến trọn đời.
-Chị giữ anh ấy, không cho đi nữa?
-Đã bảo không giữ, cũng không cấm.
Thật tình, tôi không dám tìm hiểu tại sao Trường lại ỏ nhà tới sang xuân. Tôi sung sướng là đủ. Tìm hiểu để làm gì? Đêm Giao Thừa, chuyện lạ lùng mới xảy ra: Trường chịu đưa tôi sang Lăng Ông.
Chúng tôi hòa mình vào cái biển người từ nhiều ngả nườm nượp theo dòng lũ Giao Thừa chảy tới. Trường nắm chặt lấy tôi, chàng đi trước ở những chỗ đông chen, mở đường cho tôi đi theo, chàng lùi lại, nhường cho tôi đi trước ở những quãng thưa người. Chúng tôi cũng hái lộc, cũng vào chùa. Đứng trước bàn thờ hương trầm nghi ngút, tôi cũng lễ, cũng cầu nguyện cho những mong ước kín thầm của tôi được trở thành sự thật.
Nhớ lúc tôi sắp lễ, chàng đứng sát sau lưng. Quay lại, tôi bắt gặp chàng đang mỉm cười. Nụ cười khoan dung, thoáng một chút tinh nghịch, giễu cợt. Chiều tôi, chàng đã tới đó. Không khí chùa đền, cảnh tượng lễ bái không bao giờ hòa nhập được vào đời sống của chàng. Biết vậy, nhưng tôi cũng cứ hỏi:
-Anh cười gì vậy? Sao anh lại cười?
-Cười vì thấy em nghiêm trang quá.
-Đến đâu là phải thành kính, phải nghiêm trang. Em sắp lễ, cho em, cho cả anh nữa. Anh không được giễu cợt.
Chàng không chịu thôi cười, nhưng đứng lùi lại một quãng cho tôi được tự nhiên. Giao Thừa năm đó tôi đã đốt hương, và đã lễ. Tâm hồ tôi phút đó xúc động hơn bao giờ hết. Phút đó tôi tin, tin hết lòng. Tin có trời, có Phật. Tin có đấng tối cao nhìn xuống trái đất muôn triệu người, trong đó có những người yêu nhau, muốn cho tình yêu mãi là xum họp và đoàn viên, và đấng tối cao sẽ nhìn thấy những điều tôi đang chân thành cầu nguyện. Mơ ước của tôi thật ra rất đơn giản. Nó nằm gọn trong ước mong duy nhất: chàng đừng bao giờ đi xa. Thế thôi. Đừng bao giờ đi xa. Nhận được thư Trường là một hạnh phúc. Mỗi lần gặp chàng lại là một hạnh phúc lớn hơn. Nhưng thay cho những trùng phùng, tôi cầu xin được ở gần Trường mãi mãi, cho dẫu sữ ở gần có thể không còn là một hạnh phúc nữa.
Tóm lại, cái tết Nguyên Đán năm đó, tôi đã đinh ninh là lời nguyện cầu trong đêm Giao Thừa của tôi đã trở thành sự thật. Tôi lầm! Con thuyền chỉ trở về bến đậu một thời gian mà thôi. Và thuyền, sau một thời gian đã lại mơ tưởng viễn phương, đã lại thèm khát lên đường.
Sau một cái tết thật vui, những ngày đầu năm là một khoảng thời gian xanh biếc bắt đầu có những đám mây đen che phủ. Trường không vui như trước nữa. Khuôn mặt chàng trở nên nghiêm trang, xa xôi, và thấp thoáng những nét buồn rầu. Chàng không nói gì hết. Nhưng tôi đã cảm thấy rõ ràng là như vậy. Cái bệnh thèm đi ở Trường lại nổi dậy. Những ngọn gió ngủ bắt đầu tỉnh thức. Sau một im lìm, đam mê lên đường đã lại xôn xao. Trường vẫn đưa tôi đi chơi chỗ này chỗ nọ. Nhưng tâm hồn chàng nhiều lúc đã không còn ở tại chỗ nữa mà đã ở tận đâu đâu.
Nhiều khi chàng mơ màng nhìn xuống một dòng nước chảy, nín thinh thật lâu không nói. Nhiều buổi chiều chàng đứng đó, trên một đê cao, tóc lộng gió chiều, nhìn không chớp về một khoản không trước mặt.
Tôi hỏi:
-Anh đang nghĩ gì vậy?
Chàng bừng thức, thôi dòng suy nghĩ đắm đuối, gượng cười:
-Không!
Tôi buồn rầu:
-Nhiều lúc em có cảm tưởng như anh không cần biết có em ở bên cạnh.
Trường gõ nhẹ lên đầu tôi:
-Tưởng tượng!
-Không đúng sao?
-Không đúng!
-Em linh cảm như anh lại sắp có công việc. Lại sắp đi xa.
Trường thở dài, lảng sang chuyện khác. Những ngày mùa xuân năm ấy mang hình ảnh một nền trời bình yên, nhưng lúc nào cũng như có dông bão đe dọa kéo tới. Trường luôn luôn nói với tôi là chàng không đi đâu hết. Tôi biết chàng nói vậy để cho tôi được yên tâm, chứ thật ra chàng đã có những sóng ngầm viễn phương rạt rào nổi dậy. Trước sụ xao động báo tin của một đổi dời nữa, một chia tay nữa, mội lên đường nữa của Trường, tôi không có được một thái độ nào khác là sự nhẫn nại chịu đựng. Tôi không biết làm gì hơn là đợi chờ. Một buổi sáng kia, còi tầu sẽ hú lên, những vành bánh xe lăn, một chiếc máy bay sẽ cất cánh ở một phi trường, hay một chuyến tàu xuyên đại dương sẽ dời khỏi một thương cảng. Trên chiếc máy bay đó, trên chiếc tàu đó, sẽ có Trường. Không có một sợi dây tình cảm nào đủ mầu nhiệm giữ được Trường ở lại. Chàng sẽ lại đi. Và giữa hai chúng tôi sẽ lại nghìn dặm cách chia nhau.
Vì đã hơn một lần như thế, mỗi lần Trường sắp đi, là tôi biết được ngay. Một phần bởi linh cảm, một phần bởi những dấu hiệu, những triệu chứng báo trước, có thể rất mơ hồ nhưng đích thực, không bao giờ nhầm lẫn.
Một buổi tối, Trường đến đón tôi từ buổi chiều. Chàng phục sức rất cẩn thận, và cũng đòi tôi phải trang điểm và mặc chiếc áo nào tôi thích mặc nhất. Thấy hai chúng tôi sửa soạn sắp ra khỏi nhà, Nhã nằng nặc đòi đi theo. Mọi lần, Nhã đòi như thế là được chấp thuận liền. Trường yêu (4) Nhã coi nó như em gái. Riêng lần ấy không được. Trường bảo Nhã ở nhà khiến con nhỏ dậm chân la lối:
-Anh không cho em đi thật sao?
-Lần khác.
-Tại sao?
Trường cười:
-Tại vì anh chỉ muốn đi với chị Tuyền.
Nhã hỏi vặn:
-Tại sao anh chỉ muốn đi với chị Tuyền thôi?
Trường giải thích:
-Chiều nay, tối nay là hoàn toàn của riêng chị Tuyền. Anh có một chương trình đặc biệt dành riêng cho chị ấy, cho riêng mình chị ấy. Rất tiếc không thể cho em tham dự được. Để mai.
Nhã tức đến phát khóc, cũng đành ở nhà vì Trường nhất định không thay đổi ý kiến.
Ra tới đường, tôi hỏi:
-Sao anh không cho nó đi?
-Anh chỉ muốn có hai chúng mình.
Tọi hỏi:
-Đi đâu bây giờ?
-Em muốn đi đâu cũng được hết. Anh đã nói là buổi chiều và buổi tối hôm nay dành riêng cho em hết cả mà. Trong trường hợp em không có ý kiến thì anh thi hành cái chương trình đặc biệt.
Tôi cười:
-Em không có ý kiến. Vậy anh làm theo cái chương trình đặc biệt của anh đi.
Kể ra cũng không có gì đặc biệt lắm. Trường nói thế chỉ bắt Nhã ở nhà. Duy có một điểm đặc biệt này là Trường săn sóc chiều chuộng tôi như chưa bao giờ tôi được săn sóc chiều chuộng như vậy.
Chàng đưa tôi trở lại tất cả những nơi chốn chúng tôi đã tới, đặc biệt những nơi chốn có với tôi nhiều kỷ niệm đẹp nhất. Chúng tôi sánh vai nhau đi lại mộ lần nữa trên con đường nhỏ, giữa hai bờ cỏ mướt, bóng lá dan trên đầu. Chúng tôi ngồi với nhau một lần nữa bên bờ sông, nhìn nước chảy gờn gợn, nghe sóng vỗ dạt dạt, với con sông mênh mông trước mặt, con sông bao giờ cũng gợi cho tôi một rung động dịu dàng buồn, vì cái hình ảnh hai bờ cách biệt, bờ này bò kia muôn đời nhớ thương nhau.
Buổi tối, chúng tôi đến tiệm ăn “riêng” của chúng tôi. Đó là một tiệm ăn Ý Đại Lợi (5) rất yên lặng nhưng cũng rất sang trọng trên một tầng lầu cao. Chủ nhân là một bạn thân đã lâu ngày của Trường. Những lúc muốn nói chuyện riêng, không thích bị phiền nhiễu, kéo dài bữa ăn thành một họp mặt, chúng tôi đến tiệm ăn này. Bầu không khí ở đây lắng đọng một vẻ kiểu cách trưởng giả rất Tây phương. Đèn mờ mờ tỏ tỏ. Những người bồi bàn chăm chú và kín đáo. Đám khách ăn mỗi bọn một góc cách biệt, thì thầm nói chuyện. Thành phố thật xa ở dưới chân. Bóng tối của những lùm cây vây bọc chung quanh tạo cho người ngồi trên cao có một ảo giác lơ lửng giữa không gian, gần với những lùm sao trên đầu hơn là với lũ điện đường phía dưới. Trường cho tôi hay là rượu chát của quán hàng này phong phú, nổi tiếng, gồm toàn những loại ngon nhất, có thể tìm thấy ở thành phố. Món ăn hơi lạ miệng với tôi được dọn ra một cách rất cầu kỳ sang trọng. Đến với Trường nhiều lần, tôi đâm ra thích tiệm ăn này. Lần nào thấy Trường, chủ nhân cũng vui mừng chạy ra đón từ ngoài thềm cửa. Ông ta kiếm cho chúng tôi một cái bàn nhỏ ở một góc riêng, ngồi nói chuyện với Trường một lát.
Trước câu chuyện này của hai người đàn ông, thường thường tôi chỉ biết mỉm cười ngồi im. Họ nói chuyện du lịch. Họ nói chuyện lên đường. Một vài thành phố này ở miền núi đã tới, đã ngủ đêm tại một thị trấn khác miền biển, người này đã ở suốt một vụ nghỉ mát mùa hè, người kia mới chỉ đi qua. Những chuyến tầu, những phi trường, những tên khách sạc biên giới được nhắc tới. Những cái tên ấy với tôi hoàng toàn xa lạ. Một lần, chủ nhân hỏi tôi:
-Bà đã đi những đâu?
Tôi đỏ mặt, xấu hổ:
-Thú thật với ông, tôi chưa từng đi đâu xa hết!
Chủ nhân tỏ vẻ ngạc nhiên:
-Chưa bao giờ?
-Vâng.
-Ở gần một cánh chim bằng là ông Trường mà không đi xa bao giờ hết thì thật là một chuyện lạ!
Tôi gật đầu, công nhận một sự thật khó tin:
-Tôi cũng thấy như vậy.
Chủ nhân quay sang hỏi Trường:
-Ông không mời bà đi ngoại quốc bao giờ?
Trường nhìn tôi cười, không nói. Chàng có mời chứ. Không phải là tất cả những lần chàng đi, mà một lần. Trong những chuyến đi gần và ngắn, như sang Thái-Lan, Nhật-Bản... Lần nào tôi cũng từ chối. Thế đó! Còn nói gì tới những chuyến đi dài hàng 5-7 tháng. Không phải tôi không thích. Nhưng tôi không đi được. Chỉ có hai chị em, tôi không thể bỏ Nhã ở lại một mình. Thừ thuở nhỏ tới trưởng thành, hai chị em đã như thế, không bao giờ sống xa cách. Đó là lý do thứ nhất. Thứ hai, tôi không phải là một cánh chim bằng. Tôi thuộc loại đàn bà hiếu tĩnh, ở yên một chỗ, và như thế đã quen từ bao nhiêu năm.
Bữa ăn kéo dài khuya hơn thường lệ. Tôi muốn nó kéo dài, không bao giờ chấm dứt. Ngồi bên cạnh Trường trong một tiệm ăn hay trên một ghế đá công viên cũng vậy, cảm giác làm cho tôi sung sướng nhất là cái cảm giác được che chở. Khi người đàn bà thấy mình nhỏ lại, bởi cái bóng dáng của người tình là một bóng dáng cao lớn kín trùm, khi đó người đàn bà mới thấy mình sung sướng hoàn toàn. Riêng với Trường và bao giờ cũng vậy, ở đâu cũng vậy, tôi đều được có niềm hạnh phúc vừa nói.
Rồi người chủ tiệm ăn trở lại mời Trường một ly nữa. Y hỏi:
-Bao giờ tôi được gặp lại ông?
Trường buột miệng:
-Tôi e rằng còn lâu lắm.
Chàng không nói gì thêm nữa. Nhưng một câu nói là đủ. Chàng sắp đi xa rồi. Tôi bàng hoàng nhủ thầm. Có điều là tôi vẫn còn hy vọng. Tôi sống với đợi chờ. Tôi sống bằng hy vọng. Đợi chờ và hy vọng chính là hai khuôn mặt, hai hình thái chính yếu của đời tôi, và ở giữa là tình yêu.
Tới cuối bữa ăn, Trường lấy ở trong túi áo ra một cái hộp nhỏ. Chàng mỉm cười nhìn tôi, đẩy cái hộp về phía tôi và nói giản dị:
-Anh mua cho em.
Tặng vật trước khi lên đường đi xa lần đó của Trường là một chuỗi dây vàng, với một viên ngọc xanh hình trái tim rất xinh xắn. Tôi đặt chiếc dây vào lòng tay, nhìn nó đăm đăm. Tôi không biết phút đó phải nên cười hay nên chảy nước mắt. Tặng vật báo hiệu một chia tay, bữa ăn là bữa tạm biệt, buổi tối đang ngồi với nhau là buổi tối cuối cùng. Tôi hoang mang cả người, tay chân gần như tê liệt. Trường phải đỡ lấy sợi dây, đeo vào cổ cho tôi. Chàng hôn nhẹ lên mái tóc tôi, chàng hỏi rất ngọt ngào:
-Em không thích sao?
Tôi muốn nói với chàng là ‘có’. Tất cả những tặng vật chàng cho tôi từ trước đến giờ tôi đều gìn giữ nhưn những châu báu không có một châu báu nào sánh nổi. Tôi muốn nói tình yêu của chàng đã đem lại cho tôi những giờ hút thần tiên nhất. Nhưng tôi còn muốn nói thêm là sự đợi chờ lạnh buốt và rùng rợn như một cực hình.
Một phút im lặng. Rồi tôi hỏi:
-Bao giờ anh đi?
Trường dịu dàng:
-Anh đang ngồi đây với em. Tại sao em lại hỏi anh như vậy?
Tôi cúi đầu nói nhỏ:
-Trả lời em đi.
-Anh chưa tính gì hết.
-Nhưng mà anh sắp đi rồi! Phải thế không?
Trường nín thinh không trả lời. Chàng nhìn đồng hồ:
-Thôi, chúng mình đi.
Xuống tới đườn, Trường nhìn đồng hồ, kêu còn sớm, và đòi tôi phải đi theo chàng tới một phòng trà nghe nhạc. Tôi không còn bụng dã nào để kéo dài buổi tối nữa. Trái tim tôi đã như muốn vỡ tan thành lệ. Tất cả những ý nghĩ sầu thảm trong đầu óc tôi phút đó đã hướng tới những ngày ly cách sắp đến, ở đó tôi là một hòn đảo nhỏ cô đơn giữa một đại dương hoang vắng mênh mông. Đã định bắt Trường đưa tôi về, nghĩ thế nào, tôi lại thôi.
Có một thái độ quyết liệt với Trường để làm gì? Phải! Để làm gì? Trường đã thế. Vẫn thế. Trước sau, chàng là chàng, chàng như một thực thể độc lập, tách rời, mặc dầu yêu nhau, mà tôi không bao giờ thay đổi được. Đòi Trường phải thay đổi, Trường không còn là Trường nữa. Trường sẽ trở thành một người chồng tốt, chàng sẽ là của tôi, nhưng chàng sẽ chẳng còn là gì hết. Yêu, tôi muốn tôn trọng đời sống chàng, sự tự do tôi biết đối với chàng cũng cần thiết như hơi thở, như không khí.
Vả lại, đã nhiều lần như thế này rồi, mà chẳng phải lần đầu. Tôi đã quen. Tôi là người đàn bà của đợi chờ và của những chia tay. Vĩnh viễn.
Người nữ ca sĩ của phòng trà, như người chủ tiệm ăn Ý Đại Lợi, là bạn thân với cả hai chúng tôi. Trường đẩy cửa, cho tôi vào giữa lúc cô ta đang hát trên giàn nhạc. Giọng người nữ danh ca này cao vút, trong vắt. Lúc trầm, thấp, lời hát u uẩn chở trong nó nững âm thanh róc rách kín khuất của một dòng suối chảy giữa một cánh rừng thu vàng rượi mênh mông. Lúc bay lên, tiếng hát tự giải phóng nó, không còn ngừng nghỉ ở một tầng cao nhất định nào, mà còn lại càng bay xa, càng bay xa vang ngân càng lớn như trên con đường tìm gặp vô tận, mỗi âm thanh nhân gấp thành muôn nghìn âm thanh khác, và những lớp sóng âm thanh ấy lớp lớp đuổi nhau trong một nhịp miên man tuôn chảy không ngừng.
Bản nhạc chấm dứt với những tràng pháo tay rào rào khi chúng tôi ngồi xuống một cái bàn gần giàn nhạc. Người nữ ca sĩ tươi cười bước xuống, tới ngồi với chúng tôi.
Cô ta nói đùa:
-Du dương dữ!
Tôi gượng cười:
-Chị hát lúc nào cũng tuyệt hay.
Người hát nhũn nhặn và cười lớn:
-Thì tôi cũng chỉ biết hát như thế thôi, nhưng ‘hát hay’ hay không, điều đó chẳng quan trọng lắm. Quan trọng là như thế này: một người đàn bà và một người đàn ông yêu nhau, ở gần nhau. Những lời nói với nhau chính là những lời hát tuyệt vời nhất.
Rất thân mật tự nhiên, cô ta hỏi tiếp:
-Bao giờ Tuyền cho uống rượu đây?
Tôi nhìn Trường và nói:
-Làm sao mình biết được!
-Đàn bà chúng mình thì không biết rồi. Chúng mình thua thiệt ở chỗ đó, không bao giờ được quyền quyết định một cái gì hết. Nhưng không biết thì hỏi cho ra nhẽ. Hỏi cho đến khi phải được trả lời mới thôi.
Cô ta bấm vào cánh tay tôi:
-Thế nào? Hỏi chưa?
Tôi không biết trả lời thế nào hơn là đành nói đùa lại:
-Rồi, chị.
Người ca sĩ tỏ vẻ ngạc nhiên:
-Rồi mà vẫn chỉ đi chơi với nhau thế này sao?
Trường vẫn ngồi im từ đầu câu chuyện, lúc đó mới bình tĩnh lên tiếng:
-Chuyện mà chị mong cho hai chúng tôi đã có rồi. Từ lâu!
Sự trang nghiêm trong giọng nói của Trường càng làm cho người bạn gái của chúng tôi ngạc nhiên hơn. Chính tôi cũng ngạc nhiên không kém.
-Thế mà thiên hạ chẳng biết gì hết!
-Vâng! Nhưng tối nay thì chị biết rồi đấy nhé.
Người hoạt náo viên bước lên giàn nhạc giới thiệu một bài hát mới. Người nữ ca sĩ xin phép đứng lên. Một lần nữa, chúng tôi lại im lặng nghe cái tiếng hát trong vắt như thủy tinh, trong suốt như pha-lê, trong veo như dòng suối. Bài hát thuật lại một câu chuyện tình trong thời chiến. Những con đường đưa người ra trận ở đó có bóng tối mà mưa bay làm nhạt nhòa đi cái hình ảnh yêu dấu. Người đàn bà trông theo. Tóc nàng bay nghiêng. Nỗi buồn của nàng lớn hơn buổi chiều phút đó đã sương giăng kín khắp. Trong xa cách đã len mầm cái chết. Thời chiến, người ra đi không hẹn ngày về. lửa đạn kín trùm làm lạc đi những con đường của đoàn viên, đánh nhòa đi những dấu chân của trùng phùng, và người đàn bà đứng lặng trông theo hình ảnh người yêu lên đường, đã bắt đầu sống ngay từ phút chia tay, những này tháng lê thê nhất của một đời người là những ngày tháng chờ đợi. Trái tim lạnh dần. Mưa đổ nhiều hơn. Chiến trường xa như ở cuối chân mây, bên kia những cánh rừng, bên kia những triền núi. Người đàn bà chờ đợi mãi như vậy, trong thời gain dài thẳm, cho đến lúc nàng có cảm tưởng như cũng hóa thân thành đá như người đàn bà trong cổ tích.
Lời hát tuyệt vời của người bạn gái của chúng tôi đã kể hết được bằng âm thanh tâm sự buồn đau ấy của một đợi chờ dìm chết, một tâm hồn người còn tuyệt vọng. Tiếng hát nức nở như cũng muốn tan thành nước mắt, tiếng hát là một đôi cánh sầu bay nghiêng trong một không gian mưa, by vút trong một thời gian đêm, cuối cùng là một bản kinh cầu, và tôi nghe, tôi đã cúi đầu xuống.
Chừng như Trường lắng đoán được sự xúc động của tôi, do lời hát và ý nghĩa bài hát đưa tới. Chàng đạt nhẹ tay lên cánh tay tôi. Tôi chồng bàn tay lên tay chàng. Chúng tôi cùng im lặng một phút. Rồi tôi hỏi:
-Sao anh lại nói với chị Hường như thế?
-Anh nói rồi... rồi giữa chúng mình, không đúng sao?
-Anh cho là đúng?
-Phải! Chúng mình chưa thành vợ chồng thì cũng như đã là vợ chồng.
-Em muốn tin như vậy.
Trường nhìn thẳn vào mặt tôi:
-Em phải tin như vậy...
Người ca sĩ trở xuống lần thứ hai. Cô ngồi nói chuyện với chúng tôi cho đến khi phòng trà đóng cửa.
Ra tới đường, đêm đã khuya. Chúng tôi đi bên cạnh nhau, hai cái bóng đổ dài trên mặt đường, lúc tản ra, lúc hòa nhập lại theo chiều ánh sáng. Tôi nhìn hai cái bóng. Hình ảnh cuộc sống của Trường và tôi cũng vậy. Lúc tan, lúc hợp. Lúc gần gủi tưởng không có sự gần gủi nào có thể hoàn toàn như vậy. Lúc xa nhau, thì biển rộng và sông dài xa cách nhau, xa cách như mỗi người mịt mùng một đầu trái đất. Trong một phút bồng bột, tôi không muốn gìn giữ nữa. Tôi ngả hẳn đầu vào vai Trường, trong một buông thả và trao gửi tự nhiên giữa đường phố. Cũng may, đường phố thật rộng, khuya khoắt, lại có những bóng lá thấp thoáng, nên không ai nhìn thấy chúng tôi. Đêm tuyệt vời. Đêm thần tiên. Tôi có cảm tưởng như tất cả thành phố đã ngủ yên, chỉ còn hai chúng tôi. Thành phố bây giờ thuộc về hai chúng tôi hoàn toàn.
Một cơn gió nổi dậy bất chợt. Luồng gió chạy dọc theo hè phố, cuốn lên những phiến lá, làm lay động cái bóng tà áo quấn quýt theo bước chân. Gió đêm lạnh, như gió mùa thu làm tôi rùng mình.
Trường vòng cánh tay ôm lấy vai tôi, chàng cúi xuống:
-Lạnh?
Tôi gật đầu, tựa thêm mái đầu vào vai chàng.
-Anh đưa em về?
-Em muốn đi thế này một lát nữa.
Thấy chàng nín thinh, tôi hỏi:
-Được không?
-Em muốn đi thế này đến sáng cũng được.
-Cho tới sát giờ anh ra phi trường?
Câu hỏi đột ngột làm Trường cứng người không biết trà lời tôi ra sao. Cũng là thuận miệng mà hỏi, ngờ đâu là đúng. Thế ra sáng sớm ngày hôm sau chàng đi thật, khi ánh nắng dấy lên những mặt gờ mái, khi những tiếng xe cộ thứ nhất nổi lên trên những mặt đường, khi những tiệm thứ nhất lục đục mở cửa, khi tôi còn nằm trên giường, trong căn buồng đóng kín, một chiếc máy bay đã chở chàng bay bổng lên không gian mênh mông. Khi đó, chàng không còn là của thành phố này nữa, và với tôi, chàng chỉ còn là một hình ảnh, một đối tượng xa như niềm nhớ thương và đợi chờ không cùng của người ở lại.
-Sao không cho em biết?
Trường dịu dàng:
-Anh đang định nói.
Một phút yên lặng rồi Trường hỏi:
-Mà anh không nói thì em cũng biết rồi, phải thế không?
-Vâng.
Tôi hỏi, mắt nhìn về một khoảng thấp của đêm dài trước mặt:
-Bao giờ anh đi?
-Sáng mai.
-Sớm hay muộn?
-Sớm.
-Anh cho em tiễn anh ở phi trường?
-Lát nữa chúng ta chia tay nhau.
-Em hỏi anh có cho em tiễn anh ở phi trường?
Trường lắc đầu:
-Để cho em ngủ.
Cuộc tình của chúng tôi có điểm thật đặc biệt là những tiễn đưa đều ngắn ngủi như vậy. Khuôn mặt lướt thướt diễm lệ nhất của tình yêu chính là đưa tiễn, chia tay trong cảnh trí đầy xúc động của một sân ga, một bến tàu. Tôi hát bài “Biệt Ly” của Dzoãn-Mẫn vô chừng là thế...
Biệt ly... Nhớ nhung từ đây...
Chiếc lá rơi theo heo may...
Tôi nghĩ rằng trong lúc tử ly và tạm biệt, tình yêu mới đích thực đựng đầy trong cái bình huyền diệu. Những tình cảm lúc đó đắm đuối nhất. Tâm hồn người lúc đó ngây ngất nhất. Chỉ lúc sắp chia tay, người ta mới thấy tình yêu được sự thật phóng lớn thành một thế giới. Và trước phút không thấy nhau, những người yêu nhau mới nhận thức được trọn vẹn những phút có nhau quý báu vô ngần. Đi xem chiếu bóng với Nhã, với Trường, cảnh tượng hai người yêu chia tay nhau ở nhiều cuốn phim đã làm tôi chảy nước mắt. nhã thường chế giễu tôi quá yếu đuối. Trường cũng vậy. Tôi mạnh ở những mặt khác. Chỗ đó có yếu đuối thật. Nhớ một lần, tôi đã để cho nước mắt thương cảm chảy ướt đẫm hai gò má trước một cảnh chia tay. Đó là cảnh vĩnh biệt cuối cùng trong phim ‘Toute la ville danse’ (6) thuật tả lại cuộc đời của Strauss (7).
Người đàn ông đứng lại ở bến tàu. Đêm đã nghiêng về sáng. Hạnh phúc đã chấm dứt. Kè đá đã mù sương. Hai người đã đi chơi với nhau suốt đêm, như tôi đã đi chơi trọn một buổi tối với Trường. Người đàn bà không thể ở lại thêm nữa, vì chuyến tàu mà nàng bắt buộc phải là hành khách đã sửa soạn lìa bến. Người đàn ông mặc áo mưa tơi, nét mặt thảm sầu đứng đó. Tiếng nước đập róc rách. Triều dâng rồi. Và con tàu xa dần. Người đàn bà đứng thành một bóng trăng hư ảo trên boong tàu. Nàng quay nhìn trở lại. Và thay cho một vẫy tay vĩnh biệt, nàng cất tiếng hát. Chưa từng bao giờ một bài hát chia tay lại có thể não nùng nhường ấy. Trái tim đã vỡ tan trong lồng ngực. Tình yêu đã vết thương, đã chảy máu. Tiếng hát nức nở, đau đớn hơn nghìn lần tiếng khóc. Gửi cho nhau lời cuối cùng. Hát cho nhau lời vĩnh biệt. Mỗi lời hát có len một ý đau. Trong mỗi âm thanh nghẹn ngào tan trong không gian đã là nỗi chết lớn lao kín trùm của một cuộc tình, bởi quá đẹp nên quá đỗi mong manh, bởi tuyệt đối cho nên thế tất phải hoàn toàn tan vỡ.
Phải! Tôi Đã khóc! Tôi đã khóc, tôi đã không cầm được nước mắt khi xem tới đoạn chia tay đó trên bến tàu thành Vienne (8).Mà chẳng cứ gì phim ‘Toute la ville danse’, mà phim nào cũng vậy. Hiện tượng của chia ly bao giờ cũng chạm đụng mạnh mẽ bàng hoàng vào tâm hồn tôi, làm rung động ở đó những đường dây tình cảm yếu mềm nhất.
Nhưng đó là phim, trong phim. Ngoài đời, tôi chưa từng được (?) sống những phút chia ly não nùng như thế bao giờ. Tại sao? Bởi cái lẽ giản dị là Trường hết sức né tránh nó. Cũng như hôm đó. Chia tay của chúng tôi rất ngắn. Trên thềm cửa.
Tôi hỏi:
-Anh vào không?
Chàng lắc đầu:
-Để cho em ngủ.
-Anh nhớ viết thư về ngay cho em.
-Anh sẽ viết ngay.
Anh đi bình yên.
-Anh yêu em. Giữ gìn em cho cẩn thận.
Chúng tôi hôn nhau. Cái hôn cũng ngắn, không bao giờ là một kéo dài đáng nói. Và chàng đã xa, xa ngay từ giây phút chàng quay lưng bước đi.
Chú thích:
(1) Ba-Lê: Paris, thủ đô Pháp-Quốc (France).
(2) Luân-Đôn: London, thủ đô Anh-Quốc (England; Great Britain; United Kingdom).
(3) Có lẽ tác giả chịu ảnh hưởng nhiều theo lối văn chương của Pháp. “không” đây có nghĩa là đồng ý với người vừa hỏi. Bình thường, trong trường hợp này chúng ta sẽ dùng chữ “phải”, theo lối văn chương Việt-Nam.
(4) Yêu đây chỉ có nghĩa là “thương”, không phải là tình yêu trai gái.
(5) Ý Đại Lợi: Italy.
(6) Toute la ville danse: nghĩa là “khắp cả tỉnh khiêu vũ”; phim mang tựa đề này được làm tại Hoa-Kỳ, được Pháp chuyển âm, và trình chiếu ở Việt-Nam vào thời đầu thập niên 1970, với phụ đề Việt, Anh, Pháp.
(7) Strauss: tức Johann Strauss, nhạc sĩ người Áo-Quốc (Austria), được mệnh danh là “Hoàng-Đế Luân-Vũ”. Những nhạc phẩm theo điệu luân-vũ (Waltz) nổi tiếng của ông ta được phổ biến ra nhiều thứ tiếng khác nhau trong đó có: Giòng Sông Xanh (the Blue Danube); Khúc Hát Thanh Xuân (-When We Were Young)...
(8) Vienne: thủ đô của Áo-Quốc. Tiếng Anh là Vienna.