A house without books is like a room without windows.

Heinrich Mann

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Ngô Quang Hoàng
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8043 / 171
Cập nhật: 2016-07-02 16:49:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 -
ôi nhìn đồng hồ: 0 giờ 1 phút. Ngày mới của nhân gian đã sang được 60 giây. Hoàng hôn của đời tôi khởi sự. Từ đốm lửa ở đầu điếu thuốc loé lên mỗi hơi rít đẫy đà, tôi mơ hồ thấy nỗi chết gần kề. Đao phủ và hình cụ của nó đang chờ tôi bên bờ biển máu. Tôi linh cảm tôi sẽ là một trong cả triệu nạn nhân bị đẩy vào cuộc tàn sát tuyết hận ghê gớm của cộng sản như người Mỹ khẳng định và như Soljenitsyne quả quyết. Tôi sợ hãi. Tôi sợ hãi vô cùng: Vì tôi chưa hiểu cộng sản sẽ dành cho những nhà văn chống đối họ cách chết nào, lối chết nào, kiểu chết nào. Khái Hưng đã bị dìm dẫy sặc dưới nước. Lan Khai đã bị nhét vô rọ liệng xuống sông. Sắp đến lượt chúng tôi. Sắp đến lượt Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mạnh Côn, Như Phong... Chẳng biết những người này có nhanh chân và may mắn hơn tôi? Chẳng biết anh em nào đã ra đi, anh em nào còn kẹt lại? Riêng tôi, tôi tuyệt vọng di tản từ lúc cổng sắt của Phòng thông tin Mỹ góc đường Lê Quý Đôn - Phan Đình Phùng mở tung, dân Sài gòn ùa vào đập phá cho hả giận bị đánh lừa và hôi đồ cho bõ tức. Với tôi, định mệnh an bài hồi 14 giờ, ngày 29-4-1975. Sứ thần Lan Carter không trở lại thực thi lời tâm huyết của tổng thống Gerald Ford: "Phải dành ưu tiên di tản những nhà văn, những nhà báo, những chủ bút"... Tôi nhớ Phạm Duy, trước phút chạy thục mạng, đã cố gọi giây nói khuyên tôi: "Tìm lối thoát lẹ đừng tin Mỹ, bọn Mỹ chó đẻ lắm"? Bọn Mỹ chó đẻ thật. Nó năn nỉ chúng tôi đến Usis ghi tên di tản. Nó lập danh sách, ghi rõ tên tuổi, bút hiệu, địa chỉ của chúng tôi. Nó đem danh dự của dân tộc nó quả quyết sẽ không bao giờ để chúng tôi lọt vào tay cộng sản. Chúng tôi tin nó. Và chúng tôi đã không kiếm đường khác. Bấy giờ, ông đại sứ John Dan chưa công bố thư riêng của hoàng thân Sirit Matak sau khi cuốn cờ sao xọc rời Phnom Penh: "Sống chết đối với tôi không quan trọng. Điều quan trọng là tôi đã trót tin người Mỹ"? Sirit Matak khước từ di tản. Nếu tôi không lưỡng lự giữa hợp pháp và bất hợp pháp, chỉ cần xỉa cho chị me Mỹ đen dưới chợ Xóm Lách mỗi đầu người ba trăm đô-la, tôi đã leo máy bay Mỹ ở phi trường Tân Sơn Nhất. Mới hay, me Mỹ giá trị hơn lời của tổng thống Gerald Ford và danh dự Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Khi tôi quán triệt tâm huyết Mỹ, đó là lúc tôi chờ đợi cái chết. Tôi đã chưa hề tin Mỹ. Lần đầu tôi tin Mỹ và tôi e rằng không còn dịp để nói là lần cuối cùng. Mỹ giống hệt cộng sản. Nó bảo trắng thì là đen. Nó bảo thắng thì là bại. Nó bảo đồng minh thì là đầy tớ. Nó bảo chung thủy thì là phản phúc. Nó dọa biển máu, biển máu. Nó vẽ ra những cảnh tượng hãi hùng. Nó sáng tạo sự khiếp đảm. Nó bắt thần kinh con người phải căng thẳng. Nó khiến con người gần như mất hết phẩm cách vì sợ chết, ôm lấy nó để nó giáng những báng súng thô bạo lên thân thể, nó đấm, nó đạp mà vẫn cam đành nhục nhã, ê chề, đau đớn cho sự sống hèn mọn ngoài biển máu quyết đoán của nó. Rồi nó thản nhiên vất cả một dân tộc lại, thoi thóp từng giây với ác mộng biển máu. Từ khai thiên lập địa, từ có loài người, chưa có giống người nào dã man, độc ác, lạnh lùng hơn giống tư bản. Cái giống tư bản đã viện trợ thêm cho chúng tôi cảm giác rụng rời của tưởng tượng nỗi chết, cách chết, kiểu chết tính bằng co rút của tế bào tính bằng héo khô của mạch máu, tính bằng rời rạc của nhịp tim. Tư bản làm tê liệt tâm hồn con người để cộng sản kết thúc cuộc sống của con người. Hai kẻ tội đồ của nhân loại đã thông đồng một trò chơi khốn kiếp ở nhiều nước nhỏ trên trái đất. Hôm nay, ở nước tôi.
Để quên nỗi chết, tôi chỉ còn biết hồi tưởng.
o O o
Tín hiệu của ngày dài nhất trên quê hương Việt Nam khốn khổ đã phóng lên vùng trời Ban mê thuột hôm 12-3-1975. Nhưng Sài gòn không treo cờ rũ như đã treo để tang Phước Long thất thủ hồi đầu tháng 1-1975. Thành phố ấy vẫn ăn chơi trong mọi khắc khoải, vẫn nhẩy nhót trên mọi ưu phiền, vẫn cửng cổ quyền bính và âm mưu truất phế quyền bính. Những xác chết của quân dân chất đống, những dòng máu của quân dân chẩy dài, ở Darlac, còn tươi rói, chẳng làm lay động nổi cái bóng.. tối phủ kín lương tri mê sảng của giai cấp thống trị và bọn đối lập tổ quốc Người ta lạy lục xin viện trợ chống giặc. Người ta lạy lục cúp viện trợ chống giặc. Phong trào bài trừ tham nhũng chuẩn bị cuộc xuống đường vĩ đại. Cảnh sát chuẩn bi cuộc đàn áp ngoạn mục. Lần này, thầy tu Trần Hữu Thanh hạ quyết tâm phá nát con rùa tại công trường Duy Tân vì Nguyễn văn Thiệu dấu bùa yểm sự nghiệp bảo vệ đất nước dưới mu rùa! Lịch sử đã quá xa thời đại thầy tăng dựng triều đại nhà Lý vẻ vang. Bây giờ là giai đoạn tôn giáo thay thế sự ươn hèn của đảng phái. Để múa may ít và để bị giật giây múa may nhiều. Và vô tích sự. Hoàn toàn vô tích sự. ông Trần Hữu Thanh chống ông Nguyễn văn Thiệu bằng sở nguyện của ông Trần Thiện Khiêm, bằng tài liệu của ông Trần Thiện Khiêm, bằng hậu thuẫn của ông Trần Thiện Khiêm, tham nhũng ngang cơ ông Nguyễn văn Thiệu. Nhân danh một điều ác loại trừ một điều ác. Đó là tư tưởng tranh đẩu của một số thầy tu. Và, dĩ nhiên, không có hồi chuông cáo phó nào rung lên cho Ban mê thuột, ở nhà thờ, ở nhà chùa...
Ngày Nông Dân 1975 định tổ chức thật vĩ đại ở Sài gòn tạm hoãn. Những công trình xây cất tại Sở Thú cho ngày "Người cầy có ruộng" đang ồn ào, bỗng im lặng. Một triệu số giai phẩm Cách mạng xanh ấn loát xong xuôi đành nằm vô duyên ở Bộ Canh Nông, ở Sài gòn ấn quán, không còn dịp tặng nông dân tham dự đại hội. Bài ca cách mạng xanh của Phạm Duy do Thái Thanh hát chẳng kịp vang vọng những lời nhân bản: "Ruộng vườn chia nhau mà không cần đổ máu"... Tuy nhiên, sóng ngầm chỉ mới dấy lên ở đáy lòng giai cấp thống trị bù nhìn và tham vọng của bọn đã bị tước đoạt quyền bính bù nhìn cũ. Sóng nổi rõ rệt, không, không phải là sóng mà là những cọng rác bắt đầu nhô lên dòng thế sự, là đám Nguyên văn Binh, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung... Binh ôm chặt thầy tu Trần Hữu Thanh, khuynh loát nhóm dân biểu Quốc Gia, xúi dục tạo những xáo trộn. Chung theo sát gót Dương văn Minh, chờ đợi phất cờ." Nguyễn văn Binh, cháu Tổng giám mục Sài gòn Nguyễn văn Bình, như cái nhân cộng sản cấy vào nhóm dân biểu đối lập Quốc Gia của những tay chống cộng sản khét tiếng Nguyễn Trọng Nho, Trần văn ân, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Cung... Chính Binh đã qua mặt nhóm Quốc Gia viết thông cáo và nhân danh nhóm Quốc Gia -. Binh là chủ tich của nhóm - công khai đối lập... tổ quốc, nghĩa là xúi Mỹ cúp viện trợ cho Việt Nam. Nhóm Quốc Gia, vì cảm tình đã không tỏ thái độ gì cả. Những kẻ gọi là đối lập Nguyễn văn Thiệu đã quên việc lớn, chỉ nghĩ đến việc nhỏ. Đất nước mới vĩnh cửu, Nguyễn văn Thiệu nhất thời. Chỉ nghĩ tới cái nhất thời mà quên cái vĩnh cửu nên người ta hăm hở săn đuổi Nguyên văn Thiệu, người ta không thích đưa ra một đề nghị tạm xóa bỏ hận thù riêng để đối phó hận thù chung. Dễ hiểu thôi, chính trường của miền Nam, đúng hệt lời nhận xét của Nguyễn Trọng Nho: "Không có đối lập, chẳng có thân chính quyền, chỉ rặt gà què ăn quẩn". Cần nối tiếp: "... và gia nô"? Cái chính trường đê tiện ấy, thực sự, không có đối lập đúng nghĩa. Chỉ là đối lập tổ quốc và đối lập người nguyên thủ quốc gia như đối phó kẻ thù. Bọn đối lập tổ quốc, ai cũng rõ chân tướng của chúng, là bọn cộng sản nằm vùng, là bọn thân cộng sản, là bọn đầy tự ti mặc cảm. Bọn gia nô miễn đếm xỉa. Một vài chính khách, dân cử đối lập chân chính thì lại thiếu thái độ chính trị. Nghĩa là chỉ biết chê sai mà không dám khen đúng, chỉ thích xa cách lấy danh mà không thích gần gũi hứng nhục vì quyền lợi của dân tộc, vì sự sống còn của tổ quốc Họ còn ngây thơ nữa. Muốn Nguyễn văn Thiệu té nhào nhưng họ không đủ tài năng cù nách Godfather của Thiệu. Khi bố già Sam còn yêu Thiệu, đối lập là trò hề rẻ tiền, hơn cả trò hề, là sự làm dáng dân chủ cho Thiệu vững vàng thêm. Nguyễn văn Thiệu trở thành kẻ tồi tệ do Godfather Sam khích lệ, do gia nô sùng bái, một phần do đối lập chỉ mưu đồ hất ông ta mà không chịu đóng góp xây dựng cho ông ta. Bởi vậy, với riêng Thiệu, đối lập và đối nghịch nguy hiểm hơn cộng sản; với đối lập và đối nghịch, Nguyễn văn Thiệu nguy hiểm hơn cộng sản. Cái chính trường ngu xuẩn ấy khoán trắng việc đánh giặc bảo vệ tổ quốc cho quân đội. Để làm những trò khỉ đối lập Để làm xáo động hậu phương cả trong lúc hậu phương và tiền tuyến đều bàng hoàng chuyện mất đất.
Không một hồi chuông cáo phó nào rung lên cho Ban mê thuột, ở nhà thờ, ở nhà chùa và ở cả lòng những kẻ đối lập phiêu lưu mà, đáng lẽ, cần phải rung lên. Cuộc chiến hai mươi năm, chưa lần nào lãnh thổ nước Việt Nam cộng hòa bị cộng sản ngoạm một miếng to thế, mầu mỡ thế. Ban mê thuột là vùng kinh tể trù mật của Cao nguyên. Một nhà phát hành sách báo ở Sài gòn cho biết, số sách báo bán riêng tại Ban mê thuột bằng cả miền Trung cộng lại. Nhưng Ban mê thuột đã thất thủ. Và Sài gòn không treo cờ rũ. Và Sài gòn đã quên cả Phước Long, đã chẳng cần đặt câu hỏi: Trước thời gian Phước Long mất, có một căn cứ, một đồn bót nào bị mất?Không, mất sáng thì quân đội ta chiếm lại chiều, mất đêm thì quân đội ta chiếm lại ngày. Nửa tấc đất cũng không để lọt vào tay cộng sản. Ngay Quảng Trị khó tái chiếm mà vẫn tái chiếm. Căn cứ Tống Lê Chân heo hút biên giới mà vẫn tử thủ. Tại sao bỏ rơi Phước Long? Niềm u uẩn Phước Long tại sao không bày tỏ? Mục đích bẩn thỉu nào đã cống hiến xương máu quân dân Phước Long làm quà tặng cho "giải phóng miền Nam"? Tất cả đều ngậm miệng, gia nô và đối lập; tướng hùng và tướng hèn. Rồi Ban mê thuột? Tiếng nói của lương tri nào kịp thời an ủi những cái chết tội nghiệp của dân, những cái chết bi phẫn của lính? Im lặng và lạnh lùng. Sài gòn vẫn nhẩy đầm, vẫn rượu gái, vẫn tham nhũng, vẫn làm tiền, vẫn củng cổ quyền bính, vẫn âm mưu cướp đoạt quyền bính... Phải đợi đến ngày 17-3-1 975, ngày khởi sự "300 cây số đường máu" dọc liên tỉnh lộ số 7 về đất hứa Tuy Hòa, nghĩa là ngày vĩnh biệt Cao Châu*, Sài gòn mới hơi hơi xao xuyến!
o O o
0 giờ 15 phút. Trực thăng Mỹ vẫn vần vũ một góc trời Sài gòn. Nó tiếp tục hạ cánh, cất cánh chở những người Việt Nam hạnh phúc leo lên được nóc Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Nghĩ cũng tội nghiệp cái hạnh phúc đó. Tư bản Mỹ đem chiến tranh sang Việt Nam và cần leo thang đúng chỉ tiêu của chính sách khai phóng tự do, dân chủ giả hiệu made in USA, họ đã nhỏ những giọt nước mắt cá sấu xuống xác chết anh em ông Ngô Đình Diệm, đã dẵm những gót giầy đinh thô bỉ lên những năm bình yên của miền Nam. Bằng đô-la, họ đã làm đảo tung trật tự xã hội Việt Nam, đã gây ô nhiễm đạo lý Việt Nam, đã tạo dâu biển tình nghĩa Việt Nam, đã dựng một giai cấp thống trị mới điếm đàng, tồi tệ, gian manh nhất trong lịch sử thực dân. Giai cấp giá trị mới này được phép làm giàu trong chiến tranh để phục vụ guồng máy chiến tranh tư bản Mỹ. Chúng ta có các ông vua chở dầu chiến lược, vua kẽm gai, vua xây bin-đinh cho Mỹ mướn, vua giặt áo quần Mỹ... Bằng quyền bính tôi mọi, họ đã bầy ra thế trận để tướng lãnh thù hận tướng lãnh, đảng phái thù hận đảng phái, tôn giáo thù hận tôn giáo, con người xa lánh con người. Và họ gọi là chống cộng sản. Và họ gọi là khai phóng dân chủ, tự do. Và họ gọi là chính sách tán biên cương xuất cảng chân thiện mỹ hai trăm năm Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Sự cao quý, sự lương thiện của đất nước, của dân tộc Lincoln đã chỉ thể hiện ở Việt Nam, ở các nước nhỏ trên thế giới qua chính sách bần tiện và gian dối của Hoa Kỳ. Suy diễn chính xác danh ngôn Fulbright: "Sài gòn là một ổ điếm," thì ổ điếm ấy tập trung đủ mặt Tú Bà, Sở Khanh, Khuyển Ung, Khuyển Phệ tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ và lũ điếm thối thống trị bù nhìn tập trung ở Dinh Độc Lập. Cái ổ điếm Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đã đánh đĩ dân chủ, tự do Mỹ để bành trướng chân lý kiểm tục của cộng sản. Hai chi nhánh điếm của hai đại công ty điếm Hoa Kỳ và Liên Sô khuếch trương kỹ nghệ đĩ dân chủ, đĩ cách mạng ở nước Việt Nam dưới hai bảng hiệu Chống cộng sản bảo vệ tự do, dân chủ và Chống Mỹ cứu nước. Vi trùng tư bản và vi trùng cộng sản làm mòn teo dân tộc Việt Nam. Vi trùng này ghê gớm hơn vi trùng giang mai, vì là vi trùng chiến tranh tư bản chống chiến tranh cộng sản và vi trùng chiến tranh cộng sản chống chiến tranh tư bản. Dân tộc Việt Nam, một dân tộc phi cộng sản, phi tư bản, bị nhiễm cả hai thứ vi trùng chủ nghĩa. Vi trùng cộng sản gây bệnh cách mạng giải phóng rồi biến chứng thành các bịnh khát máu, ngu dốt, nghèo khổ, thù hận, ngục tù... Vi trùng tư bản gây bịnh dân chủ tự do giả hiệu rồi biến chứng thành các bịnh độc tài, tham nhũng, vọng ngoại, chia rẽ, tham quyền cố vị. Nhưng sự biến chứng nguy hiểm nhất của bịnh dân chủ tự do giả hiệu là hạnh phúc hứng bom đạn, hạnh phúc chết chóc, hạnh phúc hưởng thuốc khai quang và hạnh phúc di tản. Hạnh phúc di tản, thứ hạnh phúc cuối cùng của người Mỹ ban phát cho "đồng minh chống cộng”Õ Việt Nam, được tính thêm bằng những báng súng, những cái đạp, những cú đấm tối tăm mặt mũi. Lịch sử Hoa Kỳ sẽ không ghi những báng súng, những cái đạp, những cú đấm biểu tượng văn minh và văn hóa hai trăm năm Hiệp chủng quốc Mỹ giáng xuống thân phận Việt Nam sợ hãi cái biển máu do Mỹ tưởng tượng. Nhưng dân tộc Việt Nam sẽ nhớ mãi. Rằng, có hai cách trốn tránh biển máu thêu dệt kiểu Mỹ, một là chịu đòn mềm xác để leo lên được nóc Tòa Đại Sứ Mỹ, hai là chi cho me Mỹ, bất kể đen hay trắng, 300 đô-la một đầu người?
Cùng với tiếng trực thăng vần vũ, tôi còn nghe cả tiếng súng nổ ở phía phi trường Tân Sơn Nhất. Cộng sản đã pháo kích vào phi trường quân sự từ mấy hôm nay. Họ chưa ngừng pháo kích. Họ muốn tấn chiếm yếu khu Tân Sơn Nhất. Lính của chúng ta vẫn chống cự. Vào giờ này, bọn tướng lãnh hèn mạt, bọn đại tá nham nhở đang tranh giành nhau chỗ ngủ, phần ăn tại đảo Guam. Có thể, nhiều đứa đang thức bảo vệ đồ tế nhuyễn, công lao ăn cắp xương máu lính của chúng, mà chúng không quên di tản theo để làm rạng rỡ thêm sự nghiệp đào ngũ. Bọn tướng lãnh đốn mạt đã vất lại Danh dự, Tổ quốc, Trách nhiệm. Nhưng lính thì không, lính còn nguyên phẩm cách làm người, còn nguyên danh dự làm lính. Dù tướng đã đào ngũ chạy trốn, dù chỉ huy đã đào ngũ chạy trốn, lính vẫn hiên ngang bảo vệ tổ quốc, bảo vệ danh dự, và duy trì trách nhiệm của lính. Không còn ngôn ngữ nào khốn kiếp hơn để miệt thị bọn tướng lãnh đào ngũ. Cũng chẳng còn ngôn ngữ nào cao quý hơn đề vinh danh những người lính Việt Nam cộng hòa biết ý nghĩa sống, ý nghĩa chiến đấu và ý nghĩa chết. Hơn cả hào hùng, lính của chúng ta lãng mạn nhất loài người, chấp nhận chiến đấu cô đơn và gục ngã âm thầm.
Súng nổ ròn, nổ đẹp ở phía phi trường Tân Sơn Nhất. Và ở những nơi nào nữa trên quê hương tôi vào lúc bi thảm của lịch sử, vào lúc mà người lính có quyền đứng thẳng, ngẩng mặt, vất vũ khí, giã từ trận mạc? Họ lại khước từ cái quyền đó, họ đứng thẳng, ngẩng mặt phóng nhiệt tình và niềm kiêu hãnh của họ về hướng kẻ thù. Những người lính Việt Nam cộng hòa đã trả lời cho thế giới một cuộc chiến bảo vệ tự do đích thực, cuộc chiến không còn Mỹ và tay sai của Mỹ. Cuộc chiến đấu chống cộng sản của dân tộc Việt Nam chỉ khởi sự từ những ngày cuối tháng 4-1975. Từ những ngày này, lính đã thắp sáng chính nghĩa quốc gia. Trước đó, chính nghĩa của chiến đấu bị lu mờ, bị ô nhiễm, bị ngộ nhận bởi Mỹ và đầy tớ thống trị bù nhìn của Mỹ.
Nghe súng nổ, tôi liên tưởng người lính, nhân vật bất hủ của nhà văn James Jones trong tác phẩm From here to eternity. Anh ta tạm bỏ đơn vị vì lý do giết gã cai ngục quân lao trả thù cho bạn. Anh ta bị thương, tá túc tại nhà một vũ nữ. Biết tin quân thù xuất hiện và đồng đội anh hăng say chiến đấu, anh ta trở về đơn vị.
- Quân đội bạc đãi anh, anh trình diện làm gì nhỉ?
- Vì tôi là lính.
Vì tôi là lính. Câu nói đầy cảm xúc và cảm khái. Lính của chúng ta đã nói thế, nếu có ai hỏi tại sao các anh còn chiến đấu khi bọn tướng lãnh, bọn đại tá tham mưu đã đào ngũ. Tôi lại nhớ chập tối hôm qua...
o O o
Lúc ấy, trên màn ảnh nhỏ của đài Truyền Hình Việt Nam, băng tần số 9, ông tướng Vĩnh Lộc, mà có thời chúng tôi âu yếm gọi là "vua xứ mọi" đang chắp tay sau lưng đi đi lại lại. Tướng Vĩnh Lộc thay thế "đại tướng" Cao văn Viên đã đào ngũ, nắm quyền Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam cộng hòa. Tướng Vĩnh Lộc còn ở lại với lính, với dân. Vào phút giây "sauve qui peut" này, vẫn thấy tướng Vĩnh Lộc chưa chạy, tưởng rằng ông ta xứng đáng con nhà tướng. Tôi không có kiến thức quân sự như Phạm Huấn đề thẩm định giá trị trận mạc và tài năng chỉ huy của tướng lãnh, vậy xin có vài hàng thật trung thực về "vua xứ mọi", ông vua đã đối xử với tôi như một ông "vua" đối với một kiêu sĩ.
Hồi ấy, thời điểm Nguyễn văn Thiệu ra tranh cử tổng thống lần đầu, tôi đang ồn ào trên nhật báo Sống. Nhật báo này bảo trợ ấp Tân Lợi ở Rạch Giá, muốn tổ chức hai đêm đại nhạc hội tại Nha Trang và Quy Nhơn và rất muốn "vua xứ mọi" giúp đỡ tận tình. Chu Tử định cử Nguyễn văn Đông lên Pleiku "yết kiến" ông "vua xứ mọi", Tư lệnh vùng 2. "Trì phủ Nguyễn Hoàng Đạt, tùy viên báo chí của tướng Vĩnh Lộc ngăn cản, bảo rằng, chỉ có tôi, tướng Vĩnh Lộc mới dành cho mọi dễ dàng. Chu Tử bèn phong tôi chức "đại sứ" của "vương quốc" Sống. Tôi hơi ngỡ ngàng vì tôi chưa hề gặp gỡ, chuyện trò riêng tư với tướng Vĩnh Lộc. Thế thì tôi cầm "quốc thư" ra đi. Đến Pleiku buổi chiều, chuẩn úy Nguyễn Trọng Nho ra phi trường đón tôi. Nho lái tôi về tư thất của quan năm Nguyễn văn Tự, hỗn danh Năm Mù, Tham mưu phó chiến tranh chính trị quân đoàn 2. Các quan đang xoa mã tước còm. Chỉ có Diên Nghị và Nguyễn Hoàng Đạt niềm nở thăm hỏi tôi. Quan năm chiến tranh chính trị, qua cặp kính đen của ông ta, đã nhìn tôi như nhìn một phóng viên hạng bét mà ông ta thường tiếp xúc. Kệ ông ta. Qua một đêm ở Pleiku, sáng hôm sau tôi yết kiến "vua xứ mọi". Vua có công tác khẩn phải đi Lâm Đồng, chở tôi ra phi trường, dặn dò: "Đừng về, đợi tôi nhé, chiều nay chúng ta mạn đàm." Buổi chiều, tướng Vĩnh Lộc cho người mời tôi lên quân đoàn. ông tướng vừa bay nhiều giờ trên vùng trời Lâm Đồng, chưa kịp về tư thất tắm gội, thay quần áo. ông ta tiếp tôi tại văn phòng. Có quan năm chiến tranh chính trị dự kiến. Tôi tặng ông tướng cuốn tiểu thuyết mới nhất của tôi. ông ta nói: "ông Duyên Anh lật chương thứ năm, tôi đọc cho ông nghe." Ông tướng bảo, yêu tôi nhất ở Hoa thiên lý. ông tướng thao thao chuyện văn chương của tôi. Rồi chúng tôi luận về Đông chu Tam quốc... Gần 9 giờ tối, ông tướng "xin lỗi về nghe tin tức Sài gòn, vì dân sự nhất định phải đuổi liên danh quân sự ra khỏi chính trường." ông tướng chỉ thị chiêu đãi tôi tại Phượng Hoàng.
Bất cứ một nhà văn nào được bất cứ một độc giả nào hiểu văn chương của mình, yêu văn chương của mình thì cũng đều thích thú cả. Tôi có cảm tình với tướng Vĩnh Lộc từ đó. Và từ đó, ông Năm Mù yêu dấu của tôi khoái tôi ông ta mắng yêu: "Tại cậu, tớ lại phải đọc tiều thuyết của cậu để đấu với ông tướng." Vì chống đối cố vấn Mỹ ngu xuẩn, tướng Vĩnh Lộc mất chức Tư lệnh vùng 2. ông ta sai Nguyễn Hoàng Đạt về Sài gòn gọi tôi lên Pleiku đề cho tôi nguyên cơ sở ấn loát tuần báo Cao Châu. "sợ rằng Lữ Lan sẽ phá nát" và tặng tôi 9 trăm 98 ngàn là tiền quỹ của tuần báo Cao Châu. ông tướng muốn giúp tôi xuất bản nhật báo như đã muốn giúp tôi đắc cử dân biểu thị xã Nghĩa Trang sau vụ án trò giết thày. Cả hai lần, tôi đều từ chối. Tôi còn từ chối thêm lần thứ ba là lần ông ta nắm Tổng cục Quân huấn, loay hoay tìm giải pháp hợp lệ tình trạng quân dịch cho tôi. ông ta bảo tôi cầm bút hữu hiệu hơn cầm súng. ít có ông tướng nào đọc nhiều tác phẩm của các nhà văn Sài gòn và hiểu được sức mạnh của văn nghệ như tướng Vĩnh Lộc. Gọi ông ta là tướng trí thức, có lẽ không sợ lộng ngôn. Rất tiếc, giai cấp tướng lãnh khá hiếm những Vĩnh Lộc. Khi ông bị biếm về trường Cao đẵng quốc phòng, tôi có ghé thăm ông một lần.
Bây giờ, ông xuất hiện trên ti vi, nắm quyền Tổng tham mưu trưởng vào giờ thứ hai mươi lăm. ông ta có vẻ bối rối trong Nhật lệnh đọc từng câu rời rã. Sự thung dung cần thiết lúc này để gây lại phấn khởi, để lấy lại niềm tin đã thiếu hẳn ở người hùng Pleiku. Cái vẻ phẫn nộ pha lẫn chán nản của tướng Vĩnh Lộc đã làm tôi buồn bã thêm. Tôi bỏ ra sân. Nghe tiếng xích xe tăng nghiến trên mặt đường, tôi mở cổng ra xem. Một đoàn xe tăng của ta từ hướng Tân Sơn Nhất chạy vào Sài gòn. Bất chợt, một chiếc dừng ngay trước cổng nhà tôi. Những chiếc tăng phía trước và phía sau dừng lại hết. Ngã tư Công Lý - Yên Đổ đủ một chỗ trống cho xe hơi qua lọt. Người lính xe tăng mở nắp, cầm cái búa lớn nhẩy xuống đường. Chiếc tăng bị trục trặc. Bình tĩnh, người lính giáng những nhát búa. Chắc chắn, anh ta không nghe tướng Vĩnh Lộc hài tội tập đoàn Nguyễn văn Thiệu và kêu gọi tiếp tục chiến đấu. Người lính ấy, biểu tượng rực rỡ và đích thực của quân đội, còn nguyên vẹn danh dự và trách nhiệm. Anh ta thừa hiểu bọn tướng lãnh đầu sỏ đã chạy trốn hết. Bọn thống trị bù nhìn đã chạy trốn hết. Nhưng anh ta là lính, dù thoi thóp một phút chiến đấu, anh ta vẫn bảo vệ danh dự quân đội, anh ta vẫn chứng tỏ trách nhiệm của anh ta với tổ quốc, dân tộc. Người lính im lặng làm công việc của anh ta. Hẳn nhiên, anh ta không hò hét. Nên, anh ta vẫn còn đây, trước cổng nhà tôi số 225 Bis đường Công Lý, sửa xích xe tăng một cách thản nhiên. Sự thản nhiên của người lính tôi đã không tìm thấy ở tướng Vĩnh Lộc trên vô tuyến truyền hình. Nếu "cái dũng của thánh nhân" đã biểu hiện rõ nét ở các ông tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê văn Hưng, Phạm văn Phú, chắc chắn, những cái chết của các ông ấy đã phục sinh một ý nghĩa chiến đấu tuyệt vời. Chỉ tiếc các ông ấy tự sát quá vội vàng, tự sát chưa đúng lúc. Cần một tướng Nguyễn Khoa Nam có đủ cái thung dung tự tại phút nguy cơ, vùng 4 đã là những chiến khu lý tưởng dẫu thất thế sau 30-4. Tuy nhiên, các ông tướng tự sát vẫn xứng đáng con nhà tướng, vẫn để lại những dấu ấn khó phai nhòa trong quân sử và trong lịch sử. ông tướng Vĩnh Lộc quên cái dũng, vì ông pha trộn sự phẫn nộ Nguyễn văn Thiệu, Cao văn Viên và bọn tướng đào ngũ, vào sự đối phó tình hình khẩn trương. Người lính xe tăng đang sửa xe đã biết dằn sự phẫn nộ. Danh dự của anh soi sáng trách nhiệm của anh. Danh dự ấy, có soi sáng những khuôn mặt tướng tá đào ngũ trong những cái lều ở đảo Guam?
Người lính đã sửa xong xích tăng. Anh ta leo lên xe, chui xuống, đậy nắp. Đoàn xe tiếp tục chạy. Về đâu? Tôi không biết. Trở vô nhà, ông tướng Vĩnh Lộc đã đọc xong Nhật lệnh. Màn ảnh vô tuyến truyền hình, bây giờ, chỉ còn cái dấu chỉnh hình tưởng chừng cái hình bát quái và giọng hát buồn nôn của mấy cậu sinh viên tranh đấu nhai đi, gặm lại ca khúc Nối vòng tay lớn, thỉnh thoảng bị đứt khúc bởi tiếng nói đắc thời của Lý Quý Chung, Tổng trưởng Thông tin nội các Vũ văn Mẫu? Tôi vội tắt ti vi.
o O o
0 giờ 45 phút. Súng nổ ở phi trường Tân Sơn Nhất vọng vào lấn át tiếng máy bay trực thăng lên xuống nóc Tòa Đại Sứ Mỹ. Tôi ngồi dựa lưng ghế bành, để cả hai chân trên mặt bàn xa-lông, hút thuốc gạt tàn bừa bãi. Lúc này, tôi thèm nghe nhạc Schubert. Tôi thèm nghe hồ cầm độc tấu La Jeune Fille ét la Mort của Schubert. Vợ con tôi đã ngủ. Các con tôi mệt nhoài di tản thất bại hôm qua, ngủ say sưa. Vợ tôi ngủ chập chờn. Tôi nghe rõ tiếng thở dài của vợ tôi. Trong đời sống, có những lúc vợ chồng không dám an ủi nhau. Vợ tôi đã không dám dục tôi đi ngủ, để mặc tôi đốt thuốc thâu đêm. Tôi thèm nghe Schubert diễn tả sự chết, chẳng tại vì can đảm. Mà vì nuôi hy vọng được chết cuống quít, chết hạnh phúc, chết gắn bó với âm thanh. Khó lắm. Cộng sản thích con người sống mòn và, đồng thời, thích con người chết mòn. Chúng tôi sắp chết sặc sụa trong biển máu. Có phải cái nỗi "chết đuối người trên cạn," Nguyễn Gia Thiều đã tiên liệu cho dân tộc chúng ta? Con người của thời đại chúng ta đã mắc lưới ý thức hệ và đã thay phiên nhau "chết đuối trên cạn." Nghĩ mà ghê tởm ý thức hệ, chủ nghĩa. Dân tộc chúng ta chẳng đã một lần Thập nhị sứ quân, một lần sông Gianh đấy ư? Không thấy lịch sử viết về biển máu sau Đinh Bộ Lĩnh, sau Nguyễn Huệ thống nhất đất nước. Khi cuộc đời thôi chiến trường, con người trở về bình yên để xây dựng lại cái vĩnh cửu của con người. Con người quên oán hờn, con người không sợ hãi hình phạt trả thù của thù hận. Con người bằng lòng cái đã chết và hoan hỉ cái đang sống. Thi sĩ Hoàng Cầm đã diễn tả chính xác cái còn lại của người Việt Nam sau chiến tranh:
Ai cũng chết cả rồi
Cái còn vĩnh viễn là người Việt Nam...
Những cái chết cho cái tồn tại vĩnh cửu của dân tộc chẳng làm thăng hoa cái sống sót nữa. Chủ nghĩa và ý thức hệ ngoại lai khốn kiếp đã phủ lên tình tự đích thực của Việt Nam cái bóng tối đen đặc hãi hùng. Từ đó, cuộc đời thôi chiến trường bên ngoài là để khởi sự chiến trường bên trong, thứ chiến trường phủ nhận mọi cái đã chết và đe dọa mọi cái sống sót. Và đó, chiến trường hủy diệt "cái còn vĩnh viễn là người Việt Nam". Đã thấy rồi, 1 triệu 500 ngàn người Việt Nam sống sót sau chiến tranh mười năm, chưa kịp dứt nụ cười đã bị tàn sát bởi cuồng phong chủ nghĩa cộng sản. Người Việt Nam bị học tập thù hận rồi say sưa thù hận để giết người Việt Nam bằng ý thức hệ mà người Việt Nam không hiểu nó là cái gì? Người Việt Nam đã chết thảm trong Cải Cách Ruộng Đất 1 triệu 500 ngàn mạng, trong sửa sai thêm 500 ngàn mạng. Hình tưởng máu của hai triệu con người? Có làm nên một dòng sông? Và dòng sông oan nghiệt ấy bắt nguồn từ đâu, chẩy đến một mục đích nào? "Máu người dân Việt còn cầy cho luống cầy," Phạm Duy đã van xin máu Việt Nam chỉ đổ cho tương lai Việt Nam. Rốt cuộc, nó đã đổ cho thắm màu cờ Mác-xít, cho tham vọng đầy đoạ dân tộc, đầy đọa con người của bọn lãnh tụ đê tiện. Giấc mơ bình dị của Việt Nam được diễn tả:
Em đã mơ gì em ơi?
Lúa chín hai mùa no ấm
Chồng giết giặc về em vui...
đã bị hủy diệt. Và riêng tôi, tôi ngồi đợi chết sặc sụa trong biển máu của hòa bình sau chiến tranh hai mươi năm. Chưa hề thấy một dân tộc nào bất hạnh như dân tộc Việt Nam, một dân tộc sợ hãi chiến tranh, sợ hãi luôn cả hòa bình. Sợ hãi mà vẫn phải chấp nhận cả hai. Còn bất hạnh thêm là người Việt Nam không nhìn rõ trái đau khổ chín vàng trên thân phận mình để hái, đề nuốt ngon chất đắng mà Thượng Đế đã ban ân sủng và phó thác cho sứ mạng tạo dựng lại loài người sống trọn vẹn tình nghĩa con người lý tưởng mà Thượng Đê mong muốn. Nạn nhân của chủ nghĩa, của ý thức hệ ngoại lai, xa rời tình tự dân tộc vì ngu muội phiêu lưu, không chịu khôn lớn bằng thống khổ vàng mười để về nguồn, để sống như con người Việt Nam nguyên thủy, để cống hiến cho nhân loại ý nghĩa phục sinh của nỗi chết, lại tiếp tục phiêu lưu, lại chạy theo chủ nghĩa mới, ý thức hệ mới vá víu, vay mượn và rồi tranh giành khắp nơi, gấu ó khắp nơi, bé nhỏ dần mà vẫn quên truy nã bản thân mình.
Không có La Jeune Fille et la Mort, tôi lại nhớ...
o O o
Mai Thảo dặn tôi rằng:
- Tôi ngồi nhà chờ ông, hễ Usis gọi, ông ghé đón tôi, chúng ta cùng đi.
Lúc này Mai Thảo đã rời Chiều Tím ở đường Võ Tánh, về 101 Phan Đình Phùng. Trọn buổi sáng hôm qua, tôi canh điện thoại. Usis không gọi. Gần trưa, Đặng Xuân Côn dục tôi:
- Cứ lên Usis xem sao. Thiên hạ chạy ầm ầm.
Tôi đồng ý. Côn chở vợ con từ Phú Nhuận lên. Chúng tôi đến đón Mai Thảo. Nhà văn lừng khừng nhất nước của tôi đã biến. Tôi nghĩ Mai Thảo ham vui đâu đó, nên quên hẹn. Về sau, do Mai Thảo kể, tôi mới biết anh ta "tìm đường cứu nước" qua ngả Nguyễn Cao Kỳ. ông Kỳ đóng vai Mạnh Thường Quân đi tản. Tân khách của ông hầu hết là văn nghệ sĩ. Mặc dù đã tuyên bố nẩy lửa tại Tân Sa Châu rằng nhất định không đi, nhưng ông ta vẫn âm mưu đi và kết nạp Giới Tứ Thôi, Ngụy Thù, Triệu Thuẫn, Hiền Điệt toan tính chuyện Trùng Nhĩ. "Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn." ông Kỳ theo triết lý sống này. Tân khách di tản tụ tập cả bầy trong tư thất Trùng Nhĩ ở Tân Sơn Nhất. Bà Kỳ đi trước. Đài phát thanh ngoại quốc loan tin. Họ bình luận thêm: Tới Guam lần này không có thảm trải, và bà Kỳ bị xịt thuốc sát trùng như mọi người tỵ nạn? Bà Kỳ đi, để lại mấy cái tủ lạnh đầy nhóc thực phẩm. Tân khách vừa tiêu thụ cạn láng thì ông Kỳ lặng lẽ ra đi. Tân khách ở lại chịu pháo kích tơi bời. May mà ống nước không trúng đạn cộng sản nên tân khách uống đỡ cầm hơi trên đường về nhà mình, vừa lê bước vừa chửi rủa Trùng Nhĩ. Có lẽ tại ông Kỳ bỏ rơi Giới Tử Thôi, Ngụy Thù nên sự nghiệp phục quốc của ông nó lận đận. Thành thật chia buồn cùng ông. Mã Viện nói: "Thời loạn, bầy tôi tìm vua hiền mà phò chứ vua khỏi cần tìm bầy tôi." Mã Viện tìm Lưu Tú, giúp Lưu Tú diệt Vương Mãng mà mở thời Đông Hán. Các tân khách tìm ông Kỳ phò, noi gương đám tòng vong của Trùng Nhĩ, ông Kỳ bỏ rơi, thành thử, ông Kỳ cứ đòi ôm cờ phục quốc mà mãi không được ôm. Do đó, đất nước vĩnh viễn không có tướng quốc ký văn thư trên bàn mã tước và trong cuộc chọi gà!
Không gặp Mai Thảo, chúng tôi lái xe đến Usis. Trịnh Viết Thành chở vợ con vừa ép lề:
-Đi nổi không, Duyên Anh?
-Nổi..
Tôi méo xệch miệng:
- Nổi lềnh bềnh...
Trịnh Viết Thành, Đặng Xuân Côn và tôi len vào sát cổng Usis khóa chặt. Đàn bà, con nít ngồi lại trong xe. Nguyễn Ngọc Bích nhận ra tôi, lớn tiếng:
-Yên chí. Đợi ông Alan Carter về.
- Ổng đâu?
- Bên tòa Đại Sứ.
Chúng tôi lách ra, đứng chờ. Rất yên tâm, vì nhân viên Usis còn nguyên con, và hai chiếc buýt vẫn đậu trong sân. Nửa tiếng đồng hồ sau, cổng Usis bị dân di tản ké đạp tung. Sứ thần Lan Carter, giám đốc Usis không bao giờ trở lại nữa. Thiên hạ đập phá và hôi đồ. Hoàng Hải Thủy dắt vợ con đến giữa cơn hỗn loạn. Bẽ bàng nhất là Nguyễn văn Liên, trưởng phòng nhân viên của Usis. Mấy hôm trước, anh ta đã dẫn vợ con ra đi. Vì lệnh của ông già Hương cấm chỉ thanh niên trong tình trạng quân dịch di tản nên Liên đành bỏ một đứa con lại. Vô phi trường, anh ta thấy lên tàu bay quá dễ dàng, bèn xui vợ đóng kịch băng huyết mà trở về cứu nốt con. Bây giờ kẹt lại cả chùm.
Tôi chia tay Trịnh Viết Thành, cùng Đặng Xuân Côn phóng tìm Nguyễn Tuấn Anh ở đường Hai Bà Trưng. Tuấn Anh cho vé tàu phước thiện. Chúng tôi theo Tuấn Anh vào Chợ Lớn. Nhưng tôi đã không xuống tàu. Cả Côn luôn. Chúng tôi chào vĩnh biệt Nguyễn Tuấn Anh, trở về Sài gòn. Tôi lái xe qua Tòa Đại Sứ Mỹ, ngắm thảm cảnh "lính thủy đánh bộ" Hoa Kỳ đấm đá, xô đạp "đồng minh" di tản. Cay mắt quá, tôi ra bờ sông Sài gòn nhìn mấy con tàu sắt đầy nhóc người chạy trốn cộng sản đến nỗi tàu nghiêng hẳn về một bên. Tôi đã nghĩ những con tàu này khó ra nổi cửa biển. Rồi tôi quyết định lái xe về nhà tôi. Mở cửa xe cho các con xuống, tôi mệt mỏi:
-Thôi, đành ở lại sống với cộng sản!
Nhà tôi chớp mắt, buồn bã:
- Không còn cách nào hả, bố?
- Còn hai cách.
-Sao bố không tính?
-Khó tính.
-Sao?
Tôi cù không trúng nách nhà tôi:
- Thứ nhất, anh không phải là bố tổng thống Mỹ. Thứ hai, em không phải là mẹ tổng thống Mỹ?
Nhà tôi nín thinh. Các con tôi thay quần áo xong là chạy ra vỉa hè chơi. Tôi ngồi ngả lưng dài trên ghế bành hút thuốc và thở dài. Một thoáng kỷ niệm chập chờn theo khói thuốc. Năm 19 tuổi, đất nước vào Dương lịch 1954, tôi đã di cư. Thuở ấy, di cư dễ dàng, muốn vô Sài gòn ngày nào thì vô. Tôi rong chơi Hà Nội đến tháng 9 mới tính chuyện giang hồ. Nhờ thuộc thơ Nguyễn Bính và có chút "nhan sắc", tôi tán được vài em nữ sinh mà gia đình nhất định ở lại chờ cụ Hờ về. Thế là tôi bèn thêu dệt những cuộc chia ly não nùng. Tôi tìm em thứ nhất, đau đớn báo tin cho em biết rằng tôi sẽ vào Sài gòn lập sự nghiệp, "ngày về xa quá người ơi", và mong mỏi "đường đời anh muốn em còn mơ"... Dạo đó, chưa có những bài hát lấp sông Bến Hải, trở về quê hương diệt tan giặc cộng, gặp lại em gái năm xưa nối giây tình tứ đứt đoạn nên tôi chi nhạc và lời Lê Trạch Lựu. Tôi vi vút: "Bao giờ anh về gần em cùng đếm này trăng này sao chia nhé em"... Em gái cảm động lắm. Tôi chi thêm thơ Hoàng Công Khanh, ví mình như tráng sĩ Lê Liêm:
Thuở ấy lên đường có một thân
đường sang Hời mấy ngả phân vân
nàng mơ Đát Kỷ xô hung Trụ
ta mộng Kinh Kha diệt bạo Tần
nửa nụ cười xuân muôn tráng sĩ
ba nghìn tân khách một giai nhân
thiếu bao đưa đón lòng không thiếu
chỉ thiếu một người đi tiễn chân*
Em gái mủi lòng, xin đi tiễn chân cho tôi khỏi thiếu thốn. Chúng tôi hẹn hò. Đưa em lên Cổ Ngư ăn bánh tôm. Dạo quanh hồ Gươm. Chui vào rạp xi-nê-ma. Rồi dìu em về gác trọ của tôi, nhờ em thu xếp hành lý lên đường. Em tiễn chân tôi đến Tòa thị chính. Tôi nằm đây cô quạnh chờ sáng sớm ngày mai xe GMC của lính Tây đến bốc tôi sang phi trường Gia Lâm. Em gái không thể nằm bên tôi tâm sự trắng đêm. Em phải về trước chín giờ tối kẻo mẹ mắng. Lúc em gần về, tôi cảm khái:
Cầm tay anh sẽ nói
Khóc lóc mà làm chi
Hôn nhau một lần cuối
Em về đi. anh đi...
Cám ơn thi sĩ Nguyễn Bính, em gái khóc. Và tôi cầm gỡ tay em, ôm gỡ em, hôn gỡ em. Tôi lớn rồi, tôi hết "ngày xưa còn bé." Tôi biết yêu, biết gian dối. Em gái buồn bã ra về. Sợ em trở lại thì vỡ nợ, tôi phải nán nằm, đốt cháy mười điếu Cotab rồi mới xách hành lý rút êm về gác trọ. Tôi chưa... lên đường. Vài hôm sau, tôi lại "bổn cũ soạn lại", gạ em thứ hai chia ly. Cho đến khi hết sạch em, không thể muối mặt "tái bản" chia ly em thứ nhất, và túi rỗng tuếch rồi, tôi mới âm thầm ra đi.
Than ôi, năm 39 tuổi, đất nước vào Dương lịch 1975, tôi phải cõng vợ con di tản và không di tản được. Bây giờ, thơ tình là thơ cù nhầy Phan Khôi khi vợ tôi hỏi tôi "ở với việt Cộng có làm sao không"?
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi.
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có việc gì cũng chẳng làm sao...
Đang ở cái thế "mã cùng đồ" thì ông luật sư Dzu và vợ là ca sĩ Đan Thanh tới, hỏi chuyện ra đi ngả Usis. Tôi não nề đáp: "Hỏng rồi, hỏng rồi"? Và tôi ra vỉa hè xem "nhân dân chống Mỹ cứu nước". Chiến dịch Hôi Đồ đồng khởi ngoạn mục. Các trụ sở của cơ quan thiện nguyện Mỹ, của Hội cha mẹ nuôi quốc tế, của các nhà cho Mỹ mướn, của các gia đình di tản không còn ai trông giữ bị tấn công ào ạt. Người người, lớp lớp, dân Xóm Lách phóng lên đường Công Lý. Thoạt đầu, nhân dân "giải phóng" sữa đặc, sữa bột, đồ hộp. Rồi mùng mền, ri-đô. Rồi tủ, giường, bàn ghế. Rồi máy lạnh, tủ lạnh, bếp ga. Rồi cửa sổ, cửa kính. Trẻ già, trai gái, bô lão, nhi đồng tham dự chiến dịch một cách quyết liệt. Rất may không xảy ra giết nhau vì thù hận cá nhân. Tôi chứng kiến "nhân dân anh hùng" làm thịt gọn một chiếc buýt chuyên chở lính Mỹ. Chiến dịch Hôi Đồ và sự lưu thông bất chấp đèn đường chiều 29-4 là dấu hiệu rõ nét nhất của sự sụp đổ miền Nam. Kể từ 16 giờ ngày 29-4-87, Sài gòn sống trong tình trạng vô chính phủ. Có một điều để tôi suy nghĩ, để tôi còn yêu mến dân Sài gòn và thành phố Sài gòn là dân nghèo Sài gòn chỉ hôi đồ của Mỹ và những vi-la do Mỹ mướn bỏ trống. Ý thức đấu tranh giai cấp chưa thấm vào lương tri dân nghèo Sài gòn và không bao giờ thấm nổi cả Tất cả những gia đình quyền quý, giầu sang đều bình yên. Ngay cả những gia đình tướng tá, bộ trưởng, cảnh sát hống hách cũng bình yên. Tinh thần dân tộc cao quý thể hiện rõ rệt ở Sài gòn chiều 29-4. Con người, nhất là con người nghèo khổ triền miên bị áp bức, bóc lột được quyền phẫn nộ lúc này, lúc mà luật pháp quốc gia dưới chân họ. Người ta tự do trả thù, đốt nhà, cướp của, hãm hiếp, sát nhân; tự do đối với những đối tượng thù nghịch. Nhưng không một ai thèm hưởng cái tự do đó. Người ta vẫn ăm ắp lương tri và nhân tính. Và tôi nghĩ đó là bài học cho toàn thể người Việt Nam trên trái đất. Và tôi hãnh diện là người Sài gòn của chiều 29-4-1975 và mãi mãi. Tôi ra đi, mang theo lương tri và nhân tính của người Sài gòn chiều 29-4. Vì nó mà tôi còn khao khát chiến đấu. Vì nó mà tôi biết can đảm và kiên nhẫn chịu đựng mọi nghịch cảnh oan khiên.
Nhà thơ tàn tật Huy Tưởng chống nạng đến thăm tôi xem tôi đi được hay kẹt lại. Tôi bỏ cảnh tượng hôi đồ, mời Huy Tưởng vô nhà. Mở chai Rémy Martin cuối cùng, Huy Tưởng và tôi cụng ly:
- Anh có sợ không?
-Sợ gì?
-Anh có nhiều điều để sợ. Tôi nhắc anh nghe một điều thôi. Anh đã thách Võ Nguyên Giáp cho T-54 xâm nhập chiến tuyến Hải Lăng và bảo hạ sĩ Sứt đang chờ T-54 để phóng hỏa tiễn TOW. Anh nhớ chứ? Anh đã tuyên bố trên vô tuyến truyền hình Huế được phát lại ở Sài gòn. Anh nhớ chứ? Chuyến bay trên phá Tam Giang của anh với Phạm Duy, Tô Thùy Yên, Trần văn ân, Nguyễn Trọng Nho...
-Uống đi, bằng hữu. Có thể là cuộc rượu cuối cùng đấy!
Tôi bốc máu Kiều Phong:
-"Sống bằng không mà chết cũng bằng không"?
Sống có thể bằng không nhưng chết khó thể bằng không. Tôi đâu phải nhân vật tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Alain De lon đã diễn xuất một vai thật người trong phim Deux hommes danh la ville với Jean Gabin. Khi lên máy chém, người không sợ chết đã thú nhận, thành khẩn thú nhận "Tôi sợ"! Tôi đã biết Lan Khai chết cách nào, Khái Hưng chết cách nào, làm sao tôi không sợ? Tôi sợ lắm, sợ lắm, sợ lắm...
Sàigòn Ngày Dài Nhất Sàigòn Ngày Dài Nhất - Duyên Anh Sàigòn Ngày Dài Nhất