Nguyên tác: Quidditch Through The Ages
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2023-06-22 21:33:40 +0700
1.Quá Trình Tiến Hóa Của Chổi Bay
V
ẫn chưa có câu thần chú nào giúp các pháp sư giữ nguyên hình dáng con người trong khi bay lượn. Cũng có các Pháp sư Hóa thú có thể bay khi biến thành động vật có cánh, nhưng chỉ là số hiếm. Phù thủy, pháp sư có thể bay khi biến thành dơi, tuy vậy, với bộ óc của một con dơi, chắc chắn họ sẽ quên mình định đi đâu ngay khắc vỗ cánh. Tuy Bùa Bay rất thông dụng, nhưng lơ lửng cách mặt đất cỡ năm thước không làm tổ tiên chúng ta thấy hài lòng. Các ngài ấy muốn bay lượn như chim mà không bị mớ lông vũ phiền hà mọc khắp người.
Ngày nay chúng ta đã quen với việc mỗi gia đình phù thủy Anh đều có ít nhất một cây chổi bay mà chẳng khi nào tự hỏi tại sao. Tại sao một cây chổi tầm thường lại trở thành phương tiện di chuyển phép thuật một cách hợp pháp như vậy? Tại sao người phương Tây chúng ta lại không dùng loại thảm bay rất được ưa chuộng ở xứ sở phương Đông? Tại sao chúng ta không làm thùng bay, ghế bay, bồn tắm bay – mà lại là chổi bay?
Thiết nghĩ, mấy người Muggle nhà bên sẽ tìm đến mà xin xỏ phép màu nếu họ biết được sự thật về phép thuật, bởi vậy các pháp sư và phù thủy đã sống ẩn dật rất lâu trước khi Đạo luật Quốc tế về Bảo mật Phép thuật có hiệu lực. Nếu chứa chấp một phương tiện bay lượn trong nhà, thì phương tiện này không được phô trương, lại dễ cất giấu. Một cây chổi hoàn toán đáp ứng được điều kiện này; lỡ bị dân Muggles phát hiện cũng chẳng cần phải giải thích nguyên do, vừa tiện cho việc mang theo, lại không đắt đỏ. Vậy mà những cây chổi thần đầu tiên vẫn gặp phải vài hạn chế.
Có ghi chép cho thấy ngay từ năm 962 sau Công nguyên, các phù thủy và pháp sư ở châu Âu đã sử dụng chổi bay. Một bản thảo Đức thời kỳ này ghi rằng có ba phù thủy trèo từ chổi xuống với khuôn mặt cực kỳ khó chịu. Pháp sư người Tô Cách Lan Guthrie Lochrin ghi lại năm 1107 có nói về việc phải chịu “cặp mông đầy dằm và lòi cả trĩ” sau chuyến bay ngắn từ Montrose đến Arbroath.
Nhìn chiếc chổi bay thời trung cổ được trưng bày tại Bảo tàng Quidditch ở Luân Đôn, chúng ta mới thấu hiểu được nỗi khó chịu của Lochrin (xem Fig. A). Cán chổi tần bì thô mộc đầy mắt gỗ, với những nhánh cây phỉ được buộc cẩu thả phía đuôi chổi vừa không thoải mái, lại chả có tính khí động học gì cả. Cây chổi cũng chỉ được trang bị những bùa chú cơ bản: một tốc độ bay duy nhất, chỉ có thể bay lên, bay xuống, và dừng lại.
Vì các gia đình pháp thuật ngày đó đều tự làm chổi, nên có vô vàn tốc độ bay, mức độ thoải mái, và cách điều khiển miễn là phù hợp với họ. Tuy vậy, tới thế kỷ hai mươi, các phù thủy bắt đầu biết đổi chác thành phẩm. Một người làm chổi tốt có thể đổi chổi lấy độc dược của người hàng xóm có kỹ năng pha chế giỏi hơn. Khi cưỡi chổi bay trở nên dễ chịu hơn, người ta thường cưỡi chổi để giải trí nhiều hơn là chỉ để di chuyển từ chỗ nọ đến chỗ kia.