Meditation can help us embrace our worries, our fear, our anger; and that is very healing. We let our own natural capacity of healing do the work.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Mỹ Hân
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: tongkimlinh
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1395 / 13
Cập nhật: 2015-08-19 12:32:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2 -
ghỉ lại Sài Gòn thêm một ngày, 12 giờ trưa ngày 11 tháng 11 năm 2003. Ba chị em tôi cùng thằng nhóc con bà chị lên đường ra sân bay. Giỏ xách, vali kéo tùm lum tà la y như đi cứu trợ đồng bào lũ lụt. Trước đó chị Hai tôi còn ở ngoài quê gọi điện thoại báo mang nhiều đồ lạnh vào vì ngoài đó đang có gió mùa Đông Bắc.
Ra đến sân bay tụi tôi vào làm thủ tục, vì ra hơi trễ nên mấy chị em không được ngồi gần nhau, cũng chẳng sao, Sài Gòn - Hà Nội bay có một tiếng bốn lăm phút nhắm mắt ngủ một giấc là đến nơi.
Máy bay hạ cánh, tụi tôi lục tục kéo nhau ra bên ngoài nơi lấy hành lý. Lúc đấy hành lý chưa được mang ra, thằng bé láu cá cháu tôi nhảy vào trong giữa chỗ lấy hành lý, ngay lúc đấy vòng quay bắt đầu xoay chuyển, cu cậu đứng chính giữa trố mắt ra nhìn. Mọi người ai cũng cười ồ cả lên. Một người đàn ông đưa tay kêu nó nắm lấy rồi bảo nó gan dạ dẫm chân lên bục nhẩy ra ngoài. Thằng bé lì thật! Vậy mà không biết sợ. Lấy hành lý xong chị em tôi kéo nhau ra ngoài cổng nơi có hai người bạn chị tôi đi đón.
Anh Quí và chị Hạ là bạn học cùng lớp của chị Tư tôi. Anh Quí mới từ nước Nga trở về Việt Nam sinh sống được vài năm, anh không cao nhưng thân hình vạm vỡ, nước da trắng hồng mịn màng như làn da con gái. Anh không thay đổi là bao so với hồi xưa, quá trẻ! Thấy tụi tôi ra anh cười hề hề, vẫn y như hồi đó chẳng khác tí nào, chúng tôi thường chọc anh có cái giọng thuốc lào. Anh nói với tôi:
- Trên đường ra đây, chị Hạ cứ băn khoăn không biết mấy đứa bây giờ ra sao? Mình có nhận ra chúng nó không nữa? Lúc nãy đứng ở đây nhìn vào anh nhận ra em liền! Em vẫn còn trẻ và có phần xinh hơn hồi trước đấy.
Tôi toét miệng ra cười giả lả:
- Ui da…! Lâu quá mới có người khen, hôm nay em đãi anh ăn cơm nhá! Tiếc là không có tiền lẻ.
- Anh không ăn cơm đâu, lấy tiền chẵn cũng được mà.
Cả đám cùng cười vui vẻ. Chị Hạ cứ ôm hôn mãi thằng cháu tôi khen ngợi rối rít: "Thằng bé đã quá". Lúc này tôi mới ngó qua chị sửng sốt nhìn chị, tôi không tin ở cặp mắt mình nữa. Trời ơi! trông chị như một bà lão sáu chục tuổi, người gầy đét, da dẻ đen đủi nhăn dúm dó, thật tội nghiệp! Chị chỉ lớn hơn tôi có một tuổi chứ bao nhiêu. Ngày tôi còn ở quê chị là một cô gái duyên dáng dễ thương, lại là con nhà giầu có máu mặt ở phố huyện. Chị có biết bao nhiêu anh đeo đuổi tán tỉnh. Tôi nhớ có một buổi tối đến nhà chị học nhóm ôn thi, em trai của chị học cùng lớp với tôi. Đêm đã khuya, chị lén đi chơi với anh người yêu về. Anh chàng vừa đỗ xịch cái xe đạp ở trước cổng để cô bạn gái xuống đi vào nhà, liền bị ông bố cầm đòn gánh lao tới. Hóa ra ông đã rình trước cổng từ lúc nào không biết, báo hại anh chàng người yêu của chị vứt xe đạp co giò chạy thục mạng. Tụi tôi mặt đứa nào đứa nấy xanh như đít nhái vội thu dọn xách vở, chuồn thẳng. Mười mấy năm qua chẳng biết chị sống như thế nào, chồng con ra sao mà trông chị tàn tạ, tang thương quá mức!
Thấy tôi cứ đứng lăm lăm nhìn chị, chị ngượng ngùng hỏi:
- Trông chị già quá hả em?
Tôi lảng tránh câu hỏi của chị, lái qua đề tài khác:
- Cường dạo này sao rồi? Nó làm ăn có khá không chị?
- Cường cũng bình thường thôi! Nó đang bệnh! Bây giờ em gặp nó em không nhận ra đâu. Nó còn già hơn chị nữa!
Trời ơi! Cường lại còn già hơn cả chị nó nữa. Tôi không hình dung ra được gương mặt của nó như thế nào.
Xe taxi đã xà tới, chúng tôi chất hành lý lên sau xe rồi ngồi vào trong ghế. Một mùi hôi nồng nặc cùng cái nóng hừng hực trong xe tỏa ra làm tôi khó chịu lợm giọng. Mọi người đã ổn định chỗ ngồi, trả tiền đầy đủ, xe bắt đầu lăn bánh hướng về thủ đô Hà Nội. Đoạn đường từ sân bay Nội Bài về Hà nội khá đẹp, xe cứ chạy vù vù làm tôi chóng cả mặt. Tên tài xế này chạy thật ẩu, lạng lách cứ như đang đua xe tốc độ, chốc chốc lại thắng cái kịt làm tụi tôi lao đầu về phía trước. Hết hồn, tôi phải la lên:
- Ông chạy từ từ thôi! Tôi đang còn yêu đời lắm, chưa muốn chết đâu!
- Bà chị cứ yên tâm! Em tay "nái nụa" mà!
- Nụa mới chả nẹ! Chạy cứ như ăn cướp!
Trên đoạn đường về Hà Nội, tụi tôi cười nói râm ran, nhắc lại bao kỷ niệm cũ. Tôi thì uống nước liên tục, cổ lúc nào cũng khát khô cháy cả họng chỉ vì viên thuốc chống say xe của Nhật. Chẳng biết họ làm bằng những thành phần gì mà lần nào uống nó vào tôi cũng khát nước gần chết, báo hại tôi ra vào toillet không biết bao nhiêu lần trên máy bay. Nhưng được cái thuốc này làm tôi không biết mệt mỏi và không bị ói mửa bao giờ dù phải ngồi máy bay hay ngồi xe đò cả ngày trời. Tôi chợt nhớ ra quay lại hỏi anh Quí:
- Bà Hà toét dạo này ra sao rồi anh?
- Bà hết toét mười năm nay rồi! Mẹ anh khoẻ lắm! Bà cứ nay ở nhà đứa này, mai ở với đứa kia. Anh dụ mãi mà bà không chịu về Hà nội sống với anh. Bà than Hà Nội buồn!
- Thế còn thằng Chiến?
- Chiến bây giờ đang thầu làm đường quốc lộ số 6. Vợ chồng nó khá lắm!
Chiến là em ruột của anh Quí, cũng là bạn học cùng lớp với tôi, nhát như thỏ đế nên tôi đặt cho nó biệt danh "Chiến Thỏ ". Tôi còn nhớ nhà nó ở tuốt trong xóm Ba Tư, đó là xóm của những người lên lao động khai hoang, không phải là dân thị trấn, nên bị tụi tôi coi thường, chẳng thèm chơi thân với. Có một lần nhà tôi mần thịt con lợn (heo). Mẹ tôi sai tôi đem biếu cho bác Hà mấy ký lô thịt vì bác Hà và mẹ tôi thân thiết như chị em, cùng là đồng hương dân Thanh Hóa. Tôi chạy xe đạp vào nhà bác lúc còn sớm. Nhà bác đi làm dẫy hết, chỉ còn có mình thằng Chiến Thỏ ở nhà. Tôi giao thịt cho nó rồi đi vòng ra phía sau bờ ao, mon men đến bên cây lựu đang vào mùa quả nặng chĩu cành đỏ ối. Tôi mê lựu nhà nó lắm! Lần nào cũng canh me đến mùa lựu chín là tôi mò đến ăn cho đã thèm. Nhà tôi không trồng thứ trái cây này. Bữa đó tôi ăn liền môt lúc hai trái rõ bự. Vì sáng chưa ăn gì lót bụng nên tôi bị say lựu bí tỉ, cái cảm giác khó chịu đó làm tôi còn ớn đến tận bây giờ. Hơn hai chục năm rồi tôi không một lần dám ăn trái lựu nữa. Bố Chiến Thỏ đã mất từ lâu, nghe đâu khi nó mới được vài tuổi. Nhà nó có tất cả bốn anh chị em, hai anh trai và một chị gái. Nó là con út. Bác Hà ở vậy nuôi con cho đến giờ này, nhất định không chịu đi bước nữa.
Chẳng mấy hồi xe đã đến bãi đỗ. Tất cả chúng tôi đều xuống xe và chuyển tiếp sang một chiếc taxi khác. Tôi dáo dác nhìn xung quanh xem có nhà vệ sinh công cộng nào không vì tôi uống nước nhiều quá, giờ muốn… xả bớt. Tôi hỏi anh Quí:
- Ở gần đây có nhà vệ sinh công cộng không?
- Làm gì có nhà vệ sinh công cộng.
- Thế đoạn đường từ đây về nhà còn xa không?
- Gần lắm! Khoảng sáu cây số thôi!
Tôi nghĩ khoảng sáu cây số thì cũng gần nếu chạy lẹ thì chừng mười lăm phút, cố nhịn về đến nhà cũng được. Tụi tôi leo tuột vào trong xe ngồi. Thằng nhỏ nhìn thấy taxi thì mặt tái xanh tái ngoét, nó bám chặt lấy cánh cửa nhất định không chịu lên xe. Thằng bé này sợ đi xe taxi. Em gái tôi phải ẵm nó đi bằng xe honda ôm, chạy về hướng khu Định Công.
Xe của tụi tôi đi trước. Ngồi mãi mà sao chẳng thấy đến nhà anh ta. Tôi sốt ruột hỏi:
- Sắp đến nhà anh chưa?
- Gần rồi! Tí nữa thôi. Chỉ có sáu cây số ấy mà!
Nhưng mà sáu cây số của anh ta nó dài dằng dặc, gần bốn chục phút rồi mà vẫn chưa thấy đâu. Tôi nhấp nhổm chịu không nổi cứ hướng mắt nhìn ra ngoài xem có quán cà phê nào tiện đường không để kêu tài xế tắp vào cho tôi đi xả. Nhưng chẳng thấy quán nào cả chỉ thấy toàn những ngôi nhà đang xây dang dở. Đúng lúc ấy thì đường lại bị kẹt, xe hàng, xe gắn máy, xe taxi, xe đạp, xe xích lô cứ chen chúc nhau mạnh ai nấy chạy. Chẳng ai chịu nhường đường ai hết. Công an thì biến đâu mất. Xe của chúng tôi bị kẹt cứng cựa không nhúc nhích được. Tôi lại hỏi anh Quí:
- Sắp tới nhà anh chưa?
- Qua cái cầu này một tí là tới rồi. Em cố chịu thêm một tí thôi!
- Mình đi bộ được không? Nếu gần thì mình trả tiền taxi, xách hành lý đi bộ chứ kẹt xe thế này, chờ đến bao giờ. Em nói thật đấy, em sắp sửa bể bọng đái rồi, chịu không nổi nữa đâu!
Anh Quí lưỡng lự. Anh nhìn quanh quẩn xung quanh rồi thở dài ngao ngán, nói nhỏ với tôi:
- Em cố nhịn một lát nữa được không? Ở đây nguy hiểm lắm! Mình xách đồ đi khơi khơi ngoài đường, tụi nghiện nó giật đấy! Tôi nghe thấy ớn óc. Thủ đô gì đâu mà trộm cướp trắng trợn như vậy. Chẳng có cái nhà vệ sinh cộng cộng nào cả. Sài gòn đầy dẫy, chỗ nào cũng có, chỉ sợ bẩn thôi. Tôi cố nhịn thêm hai chục phút nữa mà xe cũng chỉ nhích lên được có tí xíu. Hết chịu nổi tôi nhìn ráo rác và lao đại vào một cái nhà đang xây dở dang bên đường, nhìn thấy hai anh chàng thợ hồ còn trẻ măng, tôi ngượng ngùng lên tiếng hỏi xin đi nhờ phòng vệ sinh. Một anh chàng tủm tỉm cười chỉ về phía bên trong. Tôi đi thẳng xuống nhà dưới, thấy lố nhố thêm vài anh chàng thợ hồ khác, có một cô gái đang ngồi vo gạo bên cạnh vòi nước. Tôi bước đến bên cô hỏi xin:
- Em ơi, làm ơn cho chị đi vệ sinh nhờ một chút!
Cô ta đưa tay chỉ về một túp lều quây bằng cót tranh ở góc cuối phía bên tay phải nói:
- Chị chỉ đi tiểu được thôi nghe chị!
Tôi cảm ơn rối rít và lao ngay vào. Bên trong chẳng có gì cả ngoài nền nhà đổ lổn nhổn gạch ngói được đập vỡ ra, cục nào cục nấy to như nắm tay, không có nước cũng không có bàn cầu, mùi khai nồng của nước đái bốc lên sặc sụa làm tôi nhớ đến lời chị Vân Giang kể cho tôi nghe đợt chị theo cô cháu gái và mấy đứa con đi về quê thăm người nhà. Nhà quê ở miền Bắc quá lạc hậu, họ vẫn còn xử dụng cầu tiêu tiểu theo kiểu cổ điển ngày xưa, bẩn kinh hồn khiếp vía. Cô cháu gái Việt Kiều Mỹ chui vào trong đó thì không làm sao chịu được, tuông trở ra ngay, la làng la xóm. Con không đi được! Con không thể đi được! Làm sao con có thể đi bằng kiểu cái toillet này được! Mọi người cứ phải dỗ dành cô bé mãi vì nếu không sẽ bị bể bọng đái, sẽ nguy hiểm tính mạng. Tôi thì không sao, hồi nhỏ đã từng đi quen rồi nên nhắm mắt, bịt mũi làm đại cho nó xong. Giải quyết xong nỗi buồn, tôi khoan khoái bước ra với bộ mặt tươi tỉnh. Cảm ơn chủ nhà và đi ra phía bên ngoài xe đang đậu. Mọi người thấy tôi thì cười ồ cả lên. Anh Quí nói:
- Hồi nãy đến phiên xe mình tới lượt qua cầu thì phải nhường cho xe khác vì chờ em. Bọn này cứ bảo cái Hân vào trong đấy mặc cả mua sắt hay sao mà lâu thế!
- Em mà nhịn tí nữa chắc bể bọng đái thật!
Cũng may tôi không phải chờ bao lâu nữa vì đã có công an ra dẹp đường, khoảng mười phút sau, xe tôi tới lượt vượt qua một cái cầu nhỏ. Cầu chỉ đi lọt được một xe mà ở hai bên cầu không ai chịu nhường ai thành ra mới bị kẹt cứng. Nếu người dân nào cũng có ý thức thì đâu mất thời gian như thế này. Trình độ dân trí của Việt nam thật quá tệ! Ai cũng tự hào là con Rồng cháu Tiên, Có bốn ngàn năm lịch sử gìn giữ đất nước…học giỏi, thông minh.. Vậy mà chỉ có chuyện đi đúng luật lệ giao thông thôi mà có ai chịu tuân theo! Mấy ngày ở Hà Nội, tôi thấy dân Hà nội chạy xe bát nháo, tá lả âm binh, chẳng theo một cái luật nào cả. Dù sao Dân Sài Gòn còn có ý thức hơn nhiều.
Về tới nhà anh Quí đã hơn sáu giời tối. Ngôi nhà anh ở khá đẹp với ba tầng lầu. Đây là khu phố mới nên xây nhà phải theo qui định của chính phủ, rộng, dài và cao mấy tầng trở lên mới được cấp giấy phép. Anh mở lớp cửa sắt bên ngoài, mở thêm lớp cửa kiếng bên trong cho rộng để tụi tôi rinh hành lý vào. Tầng trệt căn nhà có kê một bộ ghế sa lông bằng gỗ quí cẩn xà cừ sáng lấp lánh. Một cái tủ kiếng đựng chén dĩa kiểu và đủ thứ hằm bà lằn. Trên cao đặt bàn thờ Chúa. Bên trong là nhà bếp, có một cái tủ lạnh nhỏ, một dàn tủ gỗ treo tường, kệ đựng bếp ga, chỗ rửa chén…Phía bên phải thì có một phòng toillet nằm dưới chân cầu thang dẫn lên lầu trên. Trần nhà nham nhở xi măng trét không đều. Tôi lên tiếng hỏi:
- Cái nhà đẹp thế này sao anh làm trần gì kỳ vậy?
- Anh mới dỡ bỏ trần cũ để thay bằng gỗ đấy! Bây giờ trần nhà bằng gỗ đang là môt mới ở đây.
Tôi định ngồi xuống ghế thì khựng lại, một lớp bụi phủ trên ghế dầy mấy li. Ông này chắc cả năm chưa quét nhà thì phải! Nhà cửa bẩn thấy sợ! Có khách khứa mà chẳng chịu dọn dẹp trước gì. Ly, tách, bình pha trà bụi bám đầy đen xỉn, thấy mà ớn! Tôi vào bên trong bếp rửa mặt mũi chân tay, nước lạnh cóng. Anh Quí bảo:
- Tắm rửa lên lầu trên mà tắm, ở trên phòng anh có nước nóng.
Rồi anh lật đật đi đón con về. Anh bảo tí nữa ra ngoài quán ăn cơm khỏi nấu mất công. Tôi lấy sấp khăn giấy lau chùi cẩn thận mấy cái ghế trước khi ngồi xuống. Đồ tôi mặc toàn là thứ giặt khô lại mầu trắng nên dễ bị bẩn. Chị tôi vào trong tủ lạnh mở ra xem có gì ăn được không. Chị vớ được mấy trái cam ngọt, gọt vỏ, xẻ là nhiều miếng nhỏ bỏ lên dĩa rồi mang ra cho tụi tôi ăn chơi. Cam ngọt lịm thấm vào khứu giác của tôi làm nước miếng cứ ứa ra thèm thuồng. Tôi thấy bụng đói cồn cào vì giờ này bên Nhật đã gần chín giờ tối. Chờ một lúc anh Quí đón con về. Chúng tôi kéo nhau đi bộ ra ngoài quán ở cách đó một đoạn đường ăn cơm tối.
Nguyên khúc đường đó là các hàng quán mọc lên như nấm. Anh Quí dẫn tụi tôi vào một quán quen của anh. Trong quán có hai nhân viên, một cô gái trẻ và một chị sồn sồn, chỉ có một dẫy bàn duy nhất, bàn ghế đều bằng mủ thấp lè tè. Phía bên trái tường có treo bảng thực đơn, khá nhiều món ăn. Nhìn tới nhìn lui tôi kêu món rau bí xào tỏi, gà luộc chấm muối tiêu chanh, cơm trắng, canh măng chua hầm thịt gà. Anh Quí thì đòi ăn ngan (vịt xiêm) luộc. Em tôi và chị tôi thì mỗi người gọi thêm món ruột của mình.
Trong lúc chờ đợi tôi kêu chị nhân viên mang cho tụi tôi mấy xâu nem chua ra ăn trước. Món nem chua ở đây ngon tuyệt, ngon hơn cả thứ nem chua Thủ Đức mà tôi đã từng ăn, tôi xơi một lúc gần chục cái. Chị Hạ phải cản tôi lại chị bảo thứ nem này ăn nhiều nặng bụng không tốt, tôi nghe thấy cũng sợ nên ngừng lại mặc dù vẫn còn thòm thèm.
Các món ăn lần lượt được đem ra, đầu tiên là món thịt gà, chắc là họ đã luộc sẵn chỉ chặt, xếp ra dĩa rồi bưng ra thôi. Tiếp theo là món rau bí xào tỏi và thêm vài món nữa. Chị nhân viên xin lỗi chúng tôi món canh măng hầm gà đã hết, kêu đổi món khác. Tôi bảo còn canh gì thì mang ra cũng được và kêu chị chiên cho thằng nhỏ một quả trứng gà cho nó ăn cơm. Vài phút sau chị bê ra một dĩa trứng thật bự đen xì, tôi đoán chắc chị ta chiên nó bằng dầu cặn nên nhìn thấy ớn. Tôi hỏi:
- Sao chị chiên trứng gì nhiều vậy, tôi gọi có một cái thôi mà.
- Còn mấy cái chị chiên hết.
Tôi lắc đầu hết ý kiến, đúng là dân Hà Nội! Chị quay trở vào bê thêm tô canh bồ ngót ra, hai bàn tay bợ đít tô còn hai ngón tay cái thì thò hẳn vào trong nhúng xuống tô canh, chị đặt phịch cái tô đó xuống trước mặt tôi giống như dằn mặt tôi vì cái tội chê chị chiên trứng cháy khét… Tôi nhìn hai bàn tay móng cáu bẩn của chị thì phát khiếp không dám động đến thức ăn nữa. Thằng nhóc cháu tôi đói quá ăn tới tấp, mẹ nó chan canh vào, nó húp xì xụp, còn khen ngon rối rít. Nhìn tô canh một mầu đen xì, tôi thầm nghĩ trong bụng: canh rau bồ ngót mà đen như thế này chắc là đồ nấu từ hôm qua còn dư lại. Tôi chưa kịp nói lên suy nghĩ của mình thì thằng nhỏ ói ra đầy bàn. Mùi bốc lên tanh ngòm lợm giọng. Tôi gớm quá đứng lên đi ra phía ngoài cửa ngồi. Đói cách mấy tôi cũng chẳng dám ăn nữa.
Hà Nội đã vào đông, buổi tối trời lạnh cóng, gió từ ngoài đường thổi vào làm tôi rùng mình kéo cao cái cổ áo khoác lên. Đám trong kia vẫn ngồi ăn tỉnh queo, chẳng biết gớm là gì. Ngày xưa lúc chưa ra nước ngoài tôi vẫn cứ bĩu môi mỗi khi thấy người sống ở nước ngoài về chê dân Việt Nam ăn ở bẩn, nhìn soi mói từng cái tô, cái chén, cái ly uống nước…Nhưng khi qua Nhật sống quen rồi, về tới Việt Nam mới nhận thấy đúng là bẩn thật. Ngay cả gia đình tôi cũng vậy, mấy đứa em, đứa cháu tôi tụi nó rửa chén bát làm sao mà dầu mỡ cứ nhờn nhờn, ly tách cáu bẩn bám đầy, nhìn không dám uống nước. Tôi la mắng ì xèo chỉ dẫn cho chúng nó biết thế nào là sạch là dơ. Nhưng khi có mặt tôi thì không sao hễ tôi đi rồi thì đâu lại vào đó. Biết tôi sắp về là tụi nó rủ nhau lau dọn nhà cửa sạch sẽ, ly tách chén bát sáng chưng không thôi "Bà chằng lửa" mà thấy bẩn bà rủa cho thúi đầu.
Lúc tính tiền, tôi lượm thêm vài chục nem chua và mấy gói mì ăn liền đặng tối có đói thì nấu ăn tạm. Ra khỏi quán tôi hỏi nhỏ anh Quí:
- Bộ hết quán ăn rồi hay sao mà anh dẫn tụi em đến chỗ này, nhìn ghê quá.
Anh cười trả lời:
- Đây là quán nấu ăn ngon nhất khu này rồi đấy! Muốn ăn ngon mai anh dẫn lên phố tha hồ mà chọn lựa.
- Sáng mai tụi em đi rồi, tranh thủ lên trên nhà cho sớm.
- Ở đây chơi vài ngày đã, thăm viếng Hà Nội cho biết, lên trên đó làm gì sớm, bụi bẩn lắm!
- Hà Nội của ông thì có gì cho tụi tôi thăm viếng. Ngày xưa chẳng đi mòn mất mấy đôi dép rồi hay sao.
Anh lại cười hề hề. Tôi tiếp:
- Mai anh có lên chung với tụi em không?
- Anh chưa đi được đâu! Còn phải gửi cháu cái đã. Chắc ngày 14 anh mới lên.
Về tới nhà, tụi tôi mang hành lý lên tuốt lầu hai, bỏ trong phòng, rồi xuống dưới lầu một tán gẫu. Nhà anh rộng thật nhưng xây cái kiểu gì tôi cũng không hiểu nổi. Nhà có ba lầu một trệt mà chỉ có hai phòng vệ sinh và phòng tắm, một cái trên lầu một, một cái dưới tầng trệt. Tôi thấy kỳ cục quá nên hỏi anh:
- Sao anh không xây mỗi lầu một toillet cho tiện?
- Xây làm gì nhiều, hai cái đủ rồi.
- Thế ai ở trên lầu hai, ba, nửa đêm đau bụng, phải chạy tuốt xuống dưới nhà à? Hay vào gõ cửa phòng anh?
Mặt anh đực ra không trả lời. Tôi lại tiếp:
- Đi "Nga ngố " bao nhiêu năm trời mà chẳng mở mang đầu óc được gì cả vẫn cứ nhà quê một cục.
Anh lại cười hề hề. Em gái tôi thì cứ bấm máy gọi điện thoại liên tục cho người này người kia. Tôi thì chẳng biết gọi cho ai vì cuốn sổ ghi số điện thoại thì quên bằng bên Nhật, bây giờ chịu chết. Tôi hỏi anh Quí có số điện thoại của Hưng bạn học chung lớp với tôi không. Bọn tôi đã có hẹn nhau từ trước, khi ra Hà Nội tới gọi cho nó tới chơi nhưng không có sổ điện thoại tôi đành thua. Anh Quí tuy không biết nhưng cũng sốt sắng tìm giúp tôi bằng cách gọi tứ tung hỏi thăm mọi người quen cũ. Chị Hạ cũng gọi cho Cường, em chị, hỏi thăm. Chị đưa máy điện thoại cho tôi nói chuyện với nó. Đầu giây bên kia nó hỏi tôi:
- Ai vậy?
- Hân đây!
- Hân nào?
- Ta ngồi kế bên mi ba năm trung học, nhà người không nhớ ta à.
- Nhớ rồi! nhớ rồi! Lê Mỹ Hân phải không? Ối giời ơi! Lâu lắm mới nghe tiếng của bạn. Sao rồi khoẻ không? Chồng con gì chưa? Làm ăn như thế nào? Bạn ra họp lớp à…?
- Hỏi từ từ thôi. Hỏi dồn dập như vậy ma nào trả lời cho kịp!
Tiếng nó cười khanh khách bên kia đầu giây. Tôi lần lượt trả lời nó từng câu nó hỏi. Nó rủ mai lên nhà nó chơi, nhưng tôi từ chối vì sáng sớm mai phải về quê rồi. Tôi hỏi nó có số điện thoại của Hưng không, nhưng nó cũng không có. Tôi chào từ biệt nó hẹn ngày 15 tới gặp nhau trên trường. Chị Hạ chợt nhớ ra anh rể của Hưng cũng là thầy giáo dậy môn toán của chúng tôi hồi trước. Cuối cùng chúng tôi cũng kiếm ra số điện thoại của Hưng. Tôi gọi cho nó và hẹn sáng mai gặp nhau ở bến xe, cũng là chỗ gần nơi nó sống.
Chúng tôi lần lượt sắp hàng chờ đi tắm vì nhà chỉ có duy nhất một phòng có máy nước nóng. Đến lượt, tôi bước vào trong. Phòng tắm khá rộng, phía bên tay phải là nơi đặt bồn rửa mặt, xịch lại một chút là cái bồn cầu và bên trái đặt bồn tắm hình vòng cung có bậc thang đi lên trông khá sang trọng. Nhưng lúc bước vào trong bồn tắm tôi mới giật mình vì thấy nó bẩn ghê nơi, màng ố vàng đóng từng lớp từng lớp, chắc có lẽ từ ngày xây nhà dến nay anh Quí không cọ bồn tắm thì phải. Tôi lấy xà bông và bàn chải chà mạnh mà chúng vẫn không sạch, phải dùng thuốc tẩy mới được. Tôi tắm qua loa rồi bước ra ngoài. Vừa nhìn thấy tôi anh lại cười hề hề:
- Đừng có chê anh ở bẩn nữa nhá!
Vừa lau tóc tôi vừa hỏi:
- Sao anh không kiếm lấy một bà Oshin về giúp việc cho khoẻ? Nhà cửa đẹp thế này mà không dọn dẹp lau chùi nó mau hư lắm, phí cả đi!
- Tin ai đâu mà thuê! Vớ vẩn mình đi vắng, nó kêu hẳn xe vận tải vào khuân hết đồ đạc của mình thì chết!
- Ừ nhỉ! Phải chi "Bà Hà toét " chịu xuống trông nhà cho anh thì hay biết mấy.
Chị tôi chêm vào:
- Bà hết toét mười năm nay rồi mày! Cứ gọi bà Hà toét mãi!
- Trời ơi! Thì tui quên mà, làm gì dữ vậy?
Em gái tôi đang mở cửa tiếp khách dưới nhà. Mấy người hàng xóm của nó cũng có mặt ở Hà Nội, đến rủ nó đi ăn tối ngoài phố. Tôi bước xuống bếp kiếm con dao gọt cam. Bên trong bếp tôi còn nghe vẳng tiếng ông hàng xóm nhà nó nói với mấy người bạn:
- Cô em gái tôi mới bay ra hồi tối, đang còn mệt mỏi, chứ mà phấn son…lên đồ coi cũng còn "chiến" lắm.
Tôi không nhịn được cười. Chắc ông này hồi nãy khoe nhặng xị với mấy người bạn là em gái tôi xinh lắm đây mà. Nhưng khi đến nơi thấy mặt nó tái nhợt, lông mày lông mi lợt nhớt, trông như "xác chết trên cao nguyên " nên ổng chống chế cho đỡ quê. Tôi đi ngang qua phòng khách để lên lầu, em gái tôi gọi lại giới thiệu tôi với mọi người. Tôi gật đầu chào nói vài câu xã giao rồi rút lui.
Mười giờ tối tụi tôi chui vào phòng ngủ, căn phòng lâu ngày không có người ở, thoang thoảng mùi mốc tỏa ra, lạnh lẽo như căn nhà ma. Vì lạ nhà tôi khó ngủ, cứ trằn trọc mãi. Bụng thì đói cồn cào, nhưng chẳng lẽ lại mò dậy đánh thức anh Quí nấu mì gói cho tôi ăn. Hôm nay là sinh nhật của tôi, giờ này chắc chồng tôi đã ngủ quên nên mãi không thấy gọi điện thoại chúc mừng sinh nhật vợ.
Những năm trước, đến ngày này thì tôi tha hồ mè nheo chồng đòi hỏi đủ thứ, nào là quà cáp, nào là đặt tiệc ở nhà hàng, rồi thì bánh sinh nhật mua ở đâu cho ngon… Còn năm nay thì nằm chèo queo trong căn phòng lạnh lẽo. Bên cạnh cô em gái ngủ say sưa hơi thở phì phò. Ngoài kia, gió thổi mạnh rít lên từng hồi, thỉnh thoảng đập vào khung cửa kiếng thình thình. Giống y như cảnh trong phim kinh dị, nghe rợn tóc gáy. Trong phòng tắt đèn tối thui chỉ có tí ánh sáng mờ mờ từ ô cửa sổ hắt xuống. Tôi nằm im lặng, hai tay vòng qua gáy, bỗng nghe tiếng kẹt nhè nhẹ rồi thì cánh cửa mở tung ra làm tôi hết hồn choàng dậy la lớn:
- Ai đấy!
Không nghe tiếng trả lời. Tôi ngồi im lắng nghe xem có tiếng bước chân không. Hoàn toàn yên tĩnh, tôi bước xuống rón rén đi ra ngoài ngó trước ngó sau xem chuyện gì xảy ra, tay còn xách theo một chiếc guốc gót nhọn hoắt. Thằng kẻ trộm nào mò vào đây gặp phải tôi thì chắc chắn sẽ bị lãnh một cú gõ vào đầu xịt máu cho coi! Chẳng có ma nào cả, đứng ngoài một hồi tôi lại quay vào phòng đóng cửa gài chốt cẩn thận. Tôi nhớ hồi nãy tôi cũng gài chốt rồi mà sao tự nhiên cửa lại tự động mở được nhỉ? Bất giác tôi nghĩ tới…căn nhà này có ma chăng? Chắc không đâu! Nếu có thì nãy giờ ma phải xuất hiện dọa tôi rồi. Tôi nghe nhiều những câu chuyện kể về ma quỉ, tôi không tin lắm nên cứ mong được gặp một lần cho tởn. Nằm mãi cũng không thấy gì khác hơn, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Ngày hôm sau, tôi giật mình thức giấc vì có tiếng gõ cửa. Chị tôi lên đánh thức tụi tôi dậy để chuẩn bị ra bến xe về quê. Tôi uể oải ngồi lên, lay luôn cả em gái bên cạnh. Con bé này ngủ như chết! Tối qua lúc cửa mở tôi hét to vậy mà nó không hề biết gì.
Cả hai đứa tôi cùng xuống dưới lầu một, ngồi đợi ở bộ ghế sa lông ngoài phòng anh Quí. Con gái anh cũng đã thức dậy, đang đứng chải tóc trước bàn học, tự tay thắt bím mái tóc của mình. Cô bé nay được 9 tuổi, đang học lớp ba ở trường gần nhà. Theo lời anh Quí kể thì cô bé này được sanh ở Nga, gần đến tuổi đi học bố mẹ gởi về Việt Nam sống với bà nội. Lúc mới về, nó không biết nói tiếng Việt, xổ toàn tiếng Nga làm bà Nội và mọi người chẳng hiểu gì. Nay cô bé đã rành tiếng Việt và học rất giỏi. Mới có tí tuổi mà cũng ghê gớm lắm! Thấy nhà có khách, lại toàn khách đàn bà thì tỏ vẻ mặt khó chịu. Thằng cháu tôi tối qua cầm đồ chơi của chị trong tay, đi học về nhìn thấy chị đổi sắc mặt liền, ra điều không đồng ý. Tôi phải kêu thằng nhỏ lại dỗ khéo con trả đồ chơi cho chị đi kẻo thôi chị giận đấy! Xong công việc, cô bé đeo cặp sách và chào tụi tôi đi học. Lúc đó tụi tôi mới kéo vào trong phòng để làm vệ sinh cá nhân. Rồi lôi hộp đựng mỹ phẩm ra xí xọn. Tôi chỉ vẽ tí chân mày và tô ít son lên môi, đường xá xa xôi đầy bụi bậm, đẹp với ai mà cần phải trang điểm kỹ. Lúc này cũng đã hơn bảy giờ sáng, tôi hối anh Quí kêu taxi để ra bến xe cho sớm, từ Hà Nội lên nhà tôi phải đi đường vòng hết cả mười tiếng đồng hồ vì Quốc Lộ Sáu đang được moi ra sửa chữa, đất đá ngổn ngang, mìn nổ liên hồi rất nguy hiểm.
Ngồi trên taxi tôi bấm máy gọi điện thoại cho Hưng. Hưng bảo với tôi cứ ra bến xe đi và Hưng hẹn gặp tôi ở đó. Từ nhà anh Quí đến bến xe Thanh Xuân khá gần, chạy độ 15 phút thì tới nơi. Bến xe nhỏ xíu nhưng ồn ào náo nhiệt không khác gì cái chợ. Trả tiền taxi, tụi tôi kéo hành lý vào trong bến tìm đến xe chạy tuyến quê tôi. Xe lên quê tôi ở đây mỗi tiếng có một chuyến, vì tụi tôi đến hơi trễ giờ nên chuyến tám giờ sáng đã đầy khách và bắt đầu chuyển bánh. Tụi tôi phải đợi chuyến sau đến cả tiếng đồng hồ. Chất hành lý lên xe xí chỗ trước, tôi ngồi lại trông coi không thôi bị mất trộm. Chị và em gái tôi cùng thằng nhóc ra quán nước phía đầu cổng ngồi chờ. Tôi có thể bao xe riêng từ Hà Nội lên quê nhưng lại không dám vì tài xế Hà Nội đâu có kinh nghiệm chạy đường đèo núi, dễ gây tai nạn. Đường xá lại đang sửa chữa nguy hiểm vô cùng, đi xe đò thì tốt hơn vì họ chạy hàng ngày có nhiều kinh nghiệm làm mình an tâm hơn. Chiếc xe này có 25 chỗ ngồi, là loại xe của Hàn Quốc, mùi xăng dầu làm tôi nôn nao trong người mặc dù đã uống thuốc chống say từ lúc còn ở nhà anh Quí. Ngồi đợi chừng hơn hai chục phút thì em gái tôi leo lên xe gọi:
- Chị Hân ơi! Có ai kiếm chị nè!
Tôi ngó xuống, thấy một người đàn ông cao lớn, đầu hói sọi, mặt bự như cái mâm, cặp mắt nhỏ ti hí, mặc bộ đồ vét tông mầu xám tro, tay sách cái samsonite, trông không khác gì một cán bộ cao cấp của nhà nước. Ông ta ngó lên nhìn tôi nở một nụ cười thật tươi rồi chỉ chỉ vào mình hỏi:
- Nhớ ai đây không?
Tôi bước xuống gần đứng ngẩn tò te, đoán mãi mà không nhận ra là ai. Ông thấy vậy liền tiếp lời:
- Hưng đây! Hưng trưởng lớp đây! Dở thế!
Tôi nghe thấy tiếng "Hưng" mà thảng thốt muốn xỉu. Mèng đéc ơi! Hưng ngày xưa đây hay sao? Chàng bạch mã hoàng tử của tôi thời xa xưa đây hay sao? Tôi đưa tay dụi mắt để nhìn Hưng cho thật kỹ, cố tìm lại bóng hình quen thuộc ngày xưa…! Nhưng hoàn toàn không còn một tí gì lưu lại trên gương mặt người đàn ông đang đứng sừng sững đối diện với tôi bây giờ. Hưng đã thay đổi! Nếu vô tình tôi gặp Hưng ngoài đường chắc là tôi sẽ không nhận ra cậu ta nữa.
Hưng và tôi học chung một lớp từ những năm cấp một đến lên tuốt tận cấp ba. Trong những năm học chung, tôi và nó thay nhau làm trưởng lớp. Tôi lúc nào cũng học giỏi hơn nó, trong tất cả các môn chính như văn, toán, lý, hóa. Nhưng tôi bị bệnh lười, ít khi nào được điểm tổng kết cao. Những môn học thuộc bao giờ tôi cũng thua nó. Tôi xấu xí đen đủi lại đanh đá cá cày, đứa nào lạng quạng là tôi… wính liền tại chỗ, chẳng sợ một ai. Bạn bè trong lớp phần lớn đều ngán tôi. Thầy cô giáo nào hay để tâm thù vặt, đì học sinh là tôi sực lại liền. Báo hại mẹ tôi năm lần bẩy lượt phải lên năn nỉ thầy hiệu trưởng xin cho tôi đừng ở lại lớp vì hạnh kiểm yếu. Tôi cứ bị mẹ chửi hoài là "thứ du côn du đãng lọt vào nhà này". Tuy nhiên, tôi học giỏi lại hát hay nổi tiếng khắp phố huyện nên mọi việc đều được du di, tôi chỉ bị phạt kỷ luật vài tháng hè rồi việc học hành trở lại bình thường.
Hưng ngoan hơn tôi nhiều, lại đẹp trai nhất trường. Bố Hưng còn là giám đốc một ty nào đó trên tỉnh. Đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu. Hưng là đối tượng được nhiều em xinh đẹp trong trường mê tít thò lò. Tôi cũng biết thân phận của mình nên chỉ dám thương thầm nhớ trộm, không dám thổ lộ cho ai biết.
Sau khi tai họa bất ngờ đổ ập xuống gia đình, tôi phải theo bố vào miền Nam sinh sống, ôm theo mối tình thầm kín tuổi học trò. Cho đến tận bây giờ, thỉnh thoảng trong những giấc ngủ chập chờn mơ về thời cắp sách, tôi vẫn gặp Hưng và các bạn cùng với những cảm giác y như thủa ban đầu, một tình cảm thơ ngây trong trắng còn nguyên vẹn ở trong tôi, cho đến khi giật mình tỉnh giấc, ngơ ngác trong đêm tối, biết chỉ là giấc mơ, tôi ngậm ngùi nuối tiếc.
Mười tám năm qua, tôi không một lần gặp lại. Không ngờ Hưng bây giờ khác xưa nhiều quá, biết phải tả nó như thế nào cho đúng, gương mặt nó giống y hệt như mấy tên quan nịnh thần trong phim cổ trang Hồng Kông mà tôi đã từng coi ở Sài gòn. Nghe anh Quí nói, Hưng dạo này giàu lắm, cũng là giám đốc một công ty nào đó ở Hà Nội. Thấy vậy, tôi cũng mừng cho bạn. Nhưng ở đời cũng có lắm điều không ngờ tới…Tôi sẽ viết tiếp về Hưng ở những đoạn sau.
Em gái tôi ở lại trông hành lý, tôi và Hưng ra quán nước gần cổng kiếm gì uống. Chị tôi và thằng cháu cũng đang ngồi nói chuyện vui vẻ với mấy người quen. Thấy tôi ra chị tôi chỉ vào một chú lớn tuổi hỏi tôi còn nhớ chú là ai không. Tôi lắc đầu chịu thua. Chị tôi nói tên chú, còn bảo nhà chú ở xóm trên nhưng tôi cũng không thể nhớ ra là ai, đành nhận đại.
o O o
Quán xá trống rỗng chỉ có một cái bàn dài và cái ghế băng cho khách ngồi. Bán lèo tèo vài bịch kẹo, vài bao thuốc lá, vài sấp bánh gai và một bình trà nóng. Tôi kêu chị chủ quán cho tôi tách trà, nhưng khi đưa tách trà lên miệng hớp một ngụm, tôi vội nhổ ra ngay vì nó đắng còn hơn thuốc ký ninh. Tôi thầm phục Dân Bắc uống trà giỏi thật, đắng như thế mà họ uống tỉnh queo, tôi thì chịu. Ngồi nói chuyện một hồi, Hưng xin phép về công ty làm. Tôi đứng dậy tiễn nó ra tuốt ngoài cổng, hẹn gặp lại vào ngày họp lớp. Nhìn cái bóng dáng nó đi từ đằng sau, tôi lắc đầu cười thầm trong bụng. Sao ngày xưa mình lại mê mẩn anh chàng này nhỉ…?
Đường dẫn vào cổng bến xe có mấy chị xe thồ bầy bán trái cây đủ thứ. Tôi xà vào hàng quýt đỏ mọng tươi roi rói hỏi giá:
- Chị ơi! Quýt này bao nhiêu tiền một ký lô?
- 14 ngàn một cân đấy chị ạ. Mua mở hàng cho em đi, quýt Hà Giang ngon lắm.
Nói rồi chị bóc cho tôi một trái ăn thử, múi quýt thơm lừng dôn dốt ngọt. Tôi hỏi cân của chị có chính xác không. Còn bao nhiêu tôi mua cho hết. Chị cân cả rổ được hơn bảy ký lô. Tôi nhấc lên ước lượng rồi nói với chị:
- Tôi không trả giá, nhưng tôi biết nhiêu đây chừng hơn năm ký lô là cùng.
- Không! Cân của em đúng lắm! Không sai một li nào đâu!
- Thôi đi! mấy bà mồm mép cứ leo lẻo, tôi đi guốc trong bụng mấy bà. Tôi là dân buôn bán, nhấc lên là tôi biết liền.
Chị ta nở một nụ cười ngượng ngạo đồng ý tính chỗ đó năm ký lô, nhưng mà miệng thì cứ xít xoa bị lỗ vốn. Tôi trả tiền rồi trở lại quán nước ngồi, khoe với chị tôi là mua được mấy ký lô quýt ngon lắm. Chị chủ quán hỏi tôi:
- Bao nhiêu tiền một ký lô vậy em?
- Dạ, em mua 14 ngàn đồng.
- Em mua mắc rồi, chỉ có bẩy ngàn đồng một ký thôi. Sao không hỏi giá trước.
- Thôi! Không sao chị à. Hôm nay cho bà trúng mánh một bữa!
Quê Hương Ngày Trở Lại Quê Hương Ngày Trở Lại - Lê Mỹ Hân Quê Hương Ngày Trở Lại