Bạn nhìn thấy sự việc và hỏi “Tại sao?”, nhưng tôi mơ tưởng đến sự việc và hỏi “Tại sao không?”.

George Bernard Shaw

 
 
 
 
 
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1478 / 15
Cập nhật: 2015-12-12 10:51:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2 - Về Đâu
i không nhớ nỗi nghi ngờ về con người bắt đầu lãng đãng ám ảnh nàng từ thuở nào. Từ thời niên thiếu chăng? Không, nhất định không. Tuy tuổi nhỏ hai chị em thiếu những chuyện thần tiên có công chúa và hoàng tử, thiếu bàn tay ve vuốt của người mẹ hiền, thiếu những nụ cười trong như ngọc, nhưng cô bé Vi chưa bao giờ dám nghi ngờ về cuộc đời.
Ngày cha mới mất, ba mẹ con sống với nhau như đàn gà lạc giữa xóm làng heo hút nằm sâu vào ven bờ núi. Mẹ về với cha bất chấp lời can ngăn của ông ngoại, nên chưa bao giờ có ý nghĩ trở lại nương nấu nhờ nhõi của cải giàu có của cha mẹ. Gia đình phía nội của Vi lại nghèo, tuy hết sức nể vì cô con gái con ông chánh tổng danh tiếng, nhưng không biết làm gì để giúp đỡ kẻ cô thế. Những lời an ủi, phân ưu không làm no lòng. Mẹ phải lăn lộn với đời, chịu khó đi làm thuê, mót lúa, để nuôi hai con. Vi phải ở nhà giữ em, nấu sẵn nồi cơm, múc đầy ang nước. Mẹ vất vả quá nên nhiều buổi chiều trở về gắt gỏng đánh đập con cái, trút hết sự giận hờn thế thái nhân tình lên đầu hai đứa trẻ mặt mày ngơ ngác, hơ hải. Thằng Vĩnh còn nhỏ khóc tấm tức không chịu nín, làm mẹ cáu, thêm nặng tay. Mỗi lần như vậy, Vi vội bồng em ra phía vườn chuối, mếu máo dỗ dành:
- Nín đi. Nín đi chị thương. Mẹ thương em lắm. Cha mất mẹ khổ, nên mẹ dễ nổi nóng đấy thôi. Nín đi, em ngoan.
Chưa bao giờ Vi cảm thấy tin ở mình bằng lúc ấy. Gia đình này sẽ ra sao nếu không có Vi? Ai trông nhà cho mẹ? Ai giữ Vĩnh cho mẹ? Ai nấu cơm cho mẹ? Ai quét tước cho mẹ? Trong đôi mắt sâu buồn, chứa chất vừa nỗi thống khổ nhọc nhằn, vừa niềm kiêu hãnh tự tin.
Lúc hàng xóm xì xào đồn đãi sự vụng trộm giữa mẹ và ông hương kiểm, rồi bà hương kiểm đến đánh ghen xé rách cái quần lãnh cũ của mẹ. Vi cảm thấy tủi nhục, nhưng đồng thời hãnh diện trước vẻ sợ sệt của mẹ. Mẹ không dám nhìn thẳng mặt Vi, không dám la rầy khi Vi nấu cơm khê, luộc rau sượng, vô ý đánh bể cái chén sành, quên tắm cho thằng Vĩnh... Những trận đòn lúc chạng vạng thưa thớt hơn. Mẹ mua vải hoa may cho Vi cái áo mới, đi chợ phiên trên quận mua cho Vĩnh con gà nắn bằng đất sét có sơn xanh đỏ lòe loẹt. Vi mặt áo mới, cõng thằng Vĩnh tung tăng theo tiếng ti toe, đi từ đầu làng đến cuối xóm khoe với lũ trẻ. Mấy đứa nhỏ hóa hức thèm thuồng, xin thổi một cái. Thằng Vĩnh nhất định không chịu. Lớp vôi màu đã tróc hết, đất sét nung chưa chín vừa theo nước miếng đóng một vòng tròn quanh môi của Vĩnh. Mấy đứa lớn, nhân cơ hội chọc ghẹo:
- Ê, đồ ở dơ!
- Ê, đồ cạp đất!
Chanh chua nhất vẫn là bọn con gái:
- Lêu lêu không biết xấu. Cái áo này đâu phải của mẹ mày. Lão hương kiểm cho mày phải không?
Vi tức giận bỏ Vĩnh xuống, nhào đến túm tóc con bé, cào rách mặt mày nó, thoi vào ngực nó. Nếu không có mấy đứa con trai lớn can ra, không biết hậu quả sẽ ra sao. Người ta đem con đến tận nhà mắng vốn, mẹ phải hạ mình năn nỉ, xuýt xoa xin lỗi và chịu bồi thường tiền thuốc thang. Vi và Vĩnh núp ở phên cửa sau, hãi hùng tưởng tượng cơn thịnh nộ giông bão sắp đổ lên đầu lên vai mình. Nhưng Vi ngạc nhiên biết bao! Mẹ trở vào, không nói năng ôm hai con khóc òa. Vĩnh đứng sượng sùng, còn Vi thì khóc thỏa thuê, lần đầu sa vào lòng mẹ, chùi nước mắt lên vạt áo mẹ, ngửi mùi mồ hôi ngai ngái thân yêu:
- Mẹ nói đi! Đâu phải cái áo này của ông hương kiểm. Nó bị đánh là đáng kiếp. Của mẹ mau cho con chứ bộ!
Mẹ chỉ khóc. Khóc mãi khóc hoài. Thằng Vĩnh bỏ ra sân trước tí toe thổi con gà đất. Chỉ còn có Vi an ủi mẹ, Vi đứng dậy, ôm đầu mẹ ủ vào ngực, hai tay vuốt ve mái tóc mướt mùi dầu dừa của mẹ. Mái tóc lúc trước vẫn rối bời như nỗi băn khoăn, nỗi bơ vơ không biết cuộc sống ba mẹ con rồi sẽ trôi về đâu, lúc ấy Vi mới ghi nhận sự biến đổi khác thường. Mẹ khóc mãi trong vòng tay Vi. Trong niềm kiêu hãnh trưởng thành, mùi dầu dừa xông lên cùng nỗi ngờ vực hoang mang.
Mẹ đi làm lẻ ông hương kiểm, thì bà ngoại hớt hải đến ngôi nhà ven núi đem hai đứa cháu về nuôi. Bà ngoại ông ngoại xem sự săn sóc hai đứa cháu mồ côi như một cách trừng phạt xứng đáng đứa con gái ngỗ nghịch phá hoại gia phong. Ông ngoại ngậm ngùi nhớ các đức tính cần cù, đôn hậu, ít nói mà chơn chất của cha Vi.
- Tội nghiệp nó nghèo mà có đức. Chết chi sớm cho hai đứa con khổ.
Ông ngoại quên hẳn rằng chính mình đã rêu rao khắp quận từ con, vì nó hạ mình say mê "một thằng cướp núi nghèo rớt mồng tơi". Ông bà ngoại may quần áo mới cho hai chị em, mua sắm giày dép, sách vở cho Vi và Vĩnh đi học. Bà ngoại lật mấy trang vở quăn góc, nhập nhòe chữ nghĩa xiên xẹo, khen:
- Ông coi đây. Cháu nó học khá không! Cả hai đứa đều thông minh hệt cha chúng ngày trước. Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh.
Ngoại nói xong, gió tạt vào nhà đưa thoảng một tiếng thở dài ngậm ngùi.
2
Mùi dầu dừa ấy phảng phất mờ mịt tận cùng thẳm của trí nhớ. Nỗi nhọc nhằn tan theo tiếng cười trẻ thơ của hai chị em. Hình ảnh mẹ chỉ còn là một kỷ niệm xa vời. Mấy năm đầu mẹ có đón gặp, ôm vội hai con trên đường đi học về. Ngoại nghe được, nổi cơn thịnh nộ, lấy nón tất tả ra đi. Ngoại lầm bầm: "đồ đĩ ngựa". Từ đó mẹ chỉ dám núp xa xa nhìn Vi và Vĩnh. Từ khi mẹ liên tiếp sinh ba em bé, hai chị em không còn gặp mẹ nữa.
Tuổi nhỏ mau quên, chẳng mấy chốc hình ảnh mẹ phảng phất đâu đó, một làn gió thoảng, một thoáng mây đưa, như mùi dầu dừa trên mái tóc mướt của mẹ. Vi và Vĩnh cắp sách đến ngôi trường ngồi núp bóng vông cành lá sum sê, chạy nhảy nô đùa trên gò Ngựa, nuôi gà kháng chiến gõ mõ cổ động tham gia phong trào thi đua sản xuất, vỡ đất hoang bên vệ đường trồng rau nuôi quân... Cuộc sống dồn dập theo từng lời ca điệu múa. Vi không thể quên được những tối tụ tập bên bờ ruộng, mấy cái miệng cố gắng cong cớn điệu nghệ hát bài "Quâ nhà tôi" theo lời ca mẫu của chị tổ trưởng: trăng trên trời sáng đến nỗi lọt qua được cành tre, chiếu loang lổ trên những khuôn mặt đầy. Tiếng ca lảnh lói trong sương đêm. Vĩnh lại không thích cái không khí " xướng ca vô loại" ấy. Vĩnh ưa gia nhập vào đội thiếu nhi tuyên truyền, chiều chiều từng nhóm hai ba mươi em, kẻ đem mõ, kẻ đem trống, đánh loạn xạ trên khắp nẻo tối len lỏi giữa các hàng tre trong xóm. Tiếng động đánh thức những tâm hồn già nua hiếu tĩnh, khơi dậy sự tò mò. Thường thường sau mỗi hồi mõ trống, trưởng đoàn dùng ống loa thiếc loan tin chiến thắng Tây nguyên hay mời đồng bào tham dự cuộc họp bình nghị thuế nông nghiệp.
Những sinh hoạt tập thể rộn rã, cùng không khí êm đềm bao la của nông thôn làm tan loãng kỷ niệm chua chát ấu thời trong tâm hồn hai chị em. Vi không ao ước gì khác hơn là được làm ca sĩ đứng hát bên cái vung đèn dầu dừa tim sáng bập bùng trước một đám đông khán giả chìm sâu trong sương đen ban khuya. Còn Vĩnh, Vĩnh không thể nào đứng ngoài sự cuốn hút kỳ diệu của các lễ lạc, hội họp. Nhiều hôm cuộc lễ tổ chức buổi tối trên sân vận động. Từ các mái nhà tranh thấp, từ các ngõ tối, người dự lễ mang đèn thẩu lũ lượt đổ về giống như những đàn đom đóm rong đêm. Vĩnh chạy nhảy hò hét, chân dẫm trên cỏ ướt, rồi lơ mơ nằm phủ phía sau hậu trường cho đến lúc tỉnh dậy thấy mình nằm lẻ loi giữa đồng nội. Sự sợ hãi pha lẫn khoái lạc đáp đúng ước vọng phiêu lưu của cậu bé đang mơ tưởng hăm hở về cuộc đời.
Sự say mê ấy vẫn còn nguyên vẹn trong Vi và Vĩnh khi bước chân lên trường cấp hai, tuy tính chất có đổi khác chút ít.
Với Vĩnh các cuộc họp kiểm thảo phê bình tự phê bình sau buổi học chiều đưa Vĩnh giả biệt chiều cao chiều rộng của đất trời, để phiêu lưu vào tận chiều sâu của hồn người. Ngọn đèn leo lét. Cả phòng yên tĩnh. Xa rồi tiếng trống tiếng mõ cùng tiếng cười đùa hò reo tở mở. Xa rồi mây bay và gió cuốn, cỏ ướt và sao khuya. Gần, còn lại thật gần: ba khuôn mặt đăm chiêu, cúi gầm xuống trang giấy khoai ghi nguệch ngoạc vài hàng chữ mờ. Vĩnh cảm thấy nghiêm trọng như sắp đến giờ sám hối. Phải thành khẩn tự nêu những khuyết điểm, lầm lạc của một ngày, trước mặt anh em, rồi phải chân thực phê bình xây dựng kẻ khác. Vĩnh cảm thấy ngây ngất như đang đứng bên vực sâu hay chênh vênh trên đỉnh tuyết, và ở cả hai trường hợp, Vĩnh có cái hãnh diện của một thánh tử đạo. Cùng thẳm của chiều sâu, Vĩnh khám phá thấy đủ nào cỏ ướt, sao khuya, mây bay, gió cuốn, nên tâm hồn Vĩnh cũng rộn rã như tiếng mõ tiếng trống lay động đêm quê những ngày thơ ấu.
Cuộc đời lang bạt kỳ hồ của cha, trước khi lấy mẹ và sống ẩn thân nơi đầu núi, không ngờ trở thành gia tài quý báu cho hai đứa con bơ vơ mồ côi sau này. Không ai biết rõ cha Vi làm gì trong cuộc đời lãng tử. Có người gặp ông làm thợ vặn bù lon đường rầy. Lần khác ông hương cả trong làng có việc xuống tỉnh về thuật rằng có gặp cha Vi trong bộ áo Xếp ranh. Lại lần khác nữa, một người đồng quê làm ăn trong miệt Nam kỳ viết thư bảo có gặp con trai ông Lý Kiền (tức cha Vi) làm phu bến tàu. Không mấy khi cha Vi kể lại cuộc sống phiêu bạt ấy cho gia đình, nên quá khứ của ông vẫn luôn luôn là một huyền nhiệm kỳ bí làm sáng rõ các đôi mắt tò mò hiếu sự. Vi và Vĩnh còn quá bé để đặt thành vấn đề, phân biệt chân giả trong những lời đàm tiếu tô điểm như chuyện đời xưa.
Nhưng khi nhà trường bắt đầu xếp loại giai cấp học sinh, quá khứ của cha lại thành quan trọng. Dĩ nhiên Vi, Vĩnh không thể thuộc giai cấp của ông dượng, nổi tiếng là một phú hào đanh ác. Hai đứa cũng không thuộc giai cấp của ông ngoại, giàu có thuộc hạng nhất nhì nhờ số hoa màu đất thổ sung túc như đậu xanh bông vải, thuốc lá, thu hoạch mỗi năm.
Vi Vĩnh chỉ có thể lấy giai cấp của cha: một công nhân hỏa xa, cùng giai cấp của những công nhân hỏa xa Nga tham gia từ ngày đầu cuộc cách mạng tháng mười, cùng giai cấp những công nhân hỏa xa Pháp nằm trên đường sắt ngăn những chuyến xe lửa chở vũ khí qua Đông Dương.
Những công nhân hùng dũng xẻ núi, xây cầu chuyển vận những đứa con Việt Nam từ ải Nam quan tới Mũi Cà mau như máu huyết chu lưu trong thân thể con. Mỗi lần khai lý lịch, Vi và Vĩnh hãnh diện ghi đậm, tô hoa mấy chữ: "giai cấp công nhân".
Để xứng đáng với thành phần giai cấp lãnh đạo cách mạng, đầu tàu của cuộc giải phóng nô lệ, chống thực dân đế quốc, Vi và Vĩnh không từ nan bất cứ một công tác nặng nhọc nào ở nhà trường. Liên tiếp mấy năm, Vĩnh là học sinh xuất sắc, còn Vi là nữ sinh "chiến sĩ" trong công tác chuyển gạo nuôi quân. Hai chị em được lên lớp tám ở cấp ba nhờ những giai thoại huyền hồ của đời sống lang bạt người cha hơn là do thực học. Trong men say của một thế giới linh hoạt mới mẻ, làm sao còn chỗ cho một mùi dầu dừa lãng đãng xông lên cùng nỗi ngờ vực hoang mang của thời còn nấp sau bóng núi.
Những hệ lụy với gia đình mẹ và bên ngoại không đủ bền để Vi Vĩnh ngập ngừng, do dự sau hiệp định Genève. Tất cả học sinh cấp ba đều được tập kết. Hai chị em không cần băn khoăn lựa chọn. Chỉ có mối băn khoăn chuẩn bo bị, và các xúc động quyến luyến hoài cổ mà chính Vi Vĩnh cũng không xem trọng.
Hai chị em dắt nhau đến thăm mẹ. Xa nhau lâu quá, mẹ e dè ngượng ngùng với hai con như đối với khách lạ. Mẹ xuýt xoa, cuống quít lấy chổi quét bụi trên chiếc phản gỗ, trịnh trọng dắt hai con ngồi, rồi chạy đi lấy bát mật, bình nước lên mời. Mấy đứa em khác cha của Vi mặt mũi lem luốc, bẩn thỉu, khép nép núp sau phên dại. Mẹ ngượng ngùng gọi chúng vào, bảo kêu Vi Vĩnh là anh chị, rồi đuổi ra sân sau chơi. Mẹ già đến nỗi Vi không cầm được những giọt nước mắt thương xót. Mái tóc mẹ không mướt như trong kỷ niệm, cái yếm vải thô ép sát lên chiếc ngực lép. Nếp nhăn hiện hơi nhiều trên trán và ở đuôi mắt, Vĩnh ngồi im thin thít ở góc phản, khiến Vi phải lên tiếng trước:
- Hai đứa con sắp đi tập kết đó mẹ.
Mẹ nhíu mày ngạc nhiên:
- Tập kết là sao?
- Là đi ra ngoài Bắc, thưa mẹ.
Mẹ chợt hốt hoảng lo âu:
- Ra ngoài đó xa xôi, làm sao ngoại gửi gạo, gửi tiền?
- Chính phủ nuôi hết, mẹ à. Học sinh học đến cấp ba đều được chính phủ cho đi.
Mẹ nhìn sang phía Vĩnh, nói trong nước mắt:
- Con Vi con gái đi xa không tiện. Còn thằng Vĩnh cũng đi nữa sao? Rồi khi ngoại khuất núi, ai lo hương khói thờ phượng cha hai đứa mầy?
Mẹ tấm tức khóc mãi cho đến lúc hai đứa lí nhí xin về. Vi đỏ hoe hai mắt. Vĩnh quẹt nước mũi ướt đẫm ống tay áo. Mẹ đưa hai con ra cổng, chợt nhớ điều gì dặn hai đứa chờ rồi tất tả quay vào. Vài phút sau, mẹ trở ra, nắm tay Vi dặt dặt:
- Hai con đem theo lỡ khi bệnh hoạn, họa vô đơn chí.
Vi cảm thấy có vật gì cồm cộm trong lòng tay, biết không phải tiền nên không biết xử trí ra sao. Vĩnh ngơ ngác, đưa mắt dò hỏi chị còn mẹ thì có vẻ sợ sệt luống cuống nhìn chừng về phía trong.
Ba mẹ con yên lặng một lúc, không ai nói gì. Vi không chịu đựng tiếp nổi trạng thái lơ lửng nặng nề đó, nói nhỏ:
- Thôi, mẹ vô.
- Ừ, hai con ráng giữ sức khỏe.
- Ra ngoài, con sẽ viết thư cho mẹ.
- Làm sao thư tới đây mà viết?
- Con sẽ nhờ người quen đưa đến tận nhà. Dưới Qui Nhơn còn hai tháng nữa Pháp mới tới.
- Về thưa ngoại mẹ gửi lời thăm.
Rồi mẹ chạy vội vào sau hàng táo nhơn. Vi và Vĩnh giở cái gói ra, thấy có một chéo vàng lá chừng ba chỉ. Kỷ niệm còn lại của một người mẹ nhọc nhằn tủi nhục đây ư? Vi tự hỏi vậy, nhưng những giấc mộng phiêu lưu, sự ham chuộng cái mới lạ vẫn mạnh đến nỗi mùi dầu dừa vẫn còn xa xa, lãng đãng.
3
Phải đợi đến lúc chính mình va chạm với những trở lực bất ngờ, chân bước hẫng vào một khoảng đất tưởng sâu, hay trán va vào cái trần tưởng còn cao lắm, Vi mới thực sự hiểu mẹ. Trong cảnh cùng khổ có nhau, hằng ngày thấy mẹ vất vả lăn lộn với những kẻ mưu sinh chưa quen, Vi nhìn mẹ như một bà tiên hiền từ, bao dung và nhất là giàu lòng hy sinh. Áo mẹ sờn vai và dỉ trắng mồ hôi muối, quần lãnh cũ nhàu nát, mái tóc lòa xòa bao giờ cũng bị bám vài cọng rơm hay lá tre. Nhưng Vi vẫn thấy mẹ đẹp tuyệt trần. Nhất là mái tóc rối trên khuôn mặt hằn dấu đớn đau tủi nhục, với vài sợi tóc mai buông lơ thơ bên má. Nhiều hôm Vi lấy tay ve vuốt mái tóc mẹ cho thẳng hơn, nhưng nó vẫn cứ bềnh bồng. Cho nên tuy không hiểu rõ lòng mình, khi thấy mẹ săm soi, thoa dầu chải chuốt, làm mướt mái tóc vẫn còn xanh. Vi cảm thấy hoang mang, xót xa. Vi tiên đoán có một đột biến nào đó trong cuộc đời mẹ. Vi lo sợ. Đến lúc mẹ chính thức làm lẻ ông hương kiểm, cả một lâu đài thơ mộng đổ vỡ trong Vi.
Trong đầu óc cô bé, một người mẹ hiền sẵn sàng lìa bỏ cuộc sống nhung lụa cấm cung để lấy một tên lãng tử góc núi, tất phải có một tâm hồn đam mê và thủy chung không cùng. Những năm khổ cực sau cái chết của cha, nỗi kham khổ trong công việc đồng áng và sự im lặng cam chịu của mẹ càng làm Vi tin tưởng ở mẹ hơn. Mẹ tái giá, mùi dầu dừa nồng nặc từ mái tóc quá mướt của mẹ khiến Vi nghi ngờ về sức mạnh của con người, cảm thấy sự mỏng manh của ý chí, sự yếu đuối của tình cảm. Vi về ngoại với một nỗi hận, và từ đó, Vi muốn quên trần gian bùn lầy, sỏi đá cằn cỗi, mà chỉ muốn theo mây bay.
Hai chị em đặt chân lên đất Bắc mà vẫn không quên nổi những đợt sóng xanh, những đám mây cuốn, nhungt74 chân trời ngút mắt. Vũ trụ chỉ còn có hào khí. Vi có cảm tưởng chỉ cần một tiếng thét là nước mây rúng động, và sừng sững, vòi vọi trên hết mọi sự, là hiện thân của chí người.
Hai chị em được vào "học xá miền nam", chuẩn bị vào đại học. Vi chọn ngành thuốc, còn Vĩnh chọn ngành nông nghiệp; Vi vì tò mò về con người, còn Vĩnh có lẽ vì không thể quên được những đêm lễ ngủ trên cỏ ướt dưới bầu trời trăng sao. Vi không nhớ từ sự thờ ơ lạnh lẽo, nàng bắt đầu lưu ý đến Tuấn lúc nào, vì nàng ở đấy suốt hai năm mà không biết bác gác cổng có đứa con trai đang học cấp ba. Hình như nhiều hôm từ thư viện về khuya, Tuấn có ra mở cổng thay cha, Vi nói cảm ơn như một phản xạ tự nhiên. Hình như vào những lúc bác cai bị cảm do trái gió trở trời, căn bệnh kinh niên của những bộ máy dùng quá khả năng và thiếu săn sóc, cậu con trai tóc cắt ngắn mặc đồng phục xanh có e ấp, sẽ sàng đi đưa thư cho các nội trú viên. Hình như có lần nhận được thư của dì Sáu từ Vĩnh Yên gửi xuống, quá mừng rỡ, Vi có vồn vã hỏi:
- Thư đến lúc nào vậy cậu?
- Đến từ hôm qua. Ba tôi biết cô mong nên bảo đem vội lên.
- Cảm ơn cậu nhiều. À mà này, cậu... anh tên gì cho tôi biết với?
- Tôi tên Tuấn.
- Bác bị bệnh gì đau yếu hoài vậy anh Tuấn?
- Tôi không biết. Chắc là bệnh già. Ba tôi như cái xe đạp cũ của tôi, hết xẹp lớp lại trật sên.
Vi thấy vui vui trước lối tỉ dụ ngộ nghĩnh phạm thượng ấy. Có lẽ từ đó, đi đâu về lúc nào nhìn ra phía con đường sắt trước khu nội trú, Vi cũng thấy Tuấn. Bộ quần áo xanh của Tuấn, mái tóc "húi cua" của Tuấn, cái xe đạp trành của Tuấn trở thành một thành phần trong khung cảnh quen thuộc vây quanh đời Vi: cái giường gỗ, cái mùng màu trắng mỡ gà, chiếc gối xanh lơ, bàn học, chai nước lọc có chụp bằng giấy bìa, sách vở bề bộn trên nền xi măng lẫn lộn với băng, bông, thuốc men, hành lang dài, ánh điện yếu, con đường sỏi dẫn ra cổng sắt, khẩu hiệu trên vách tường... Biết Vi học Y khoa, bác cai có vào hỏi xin thuốc. Vi chỉ dẫn cách dùng, đôi lúc còn tự mình ra tiêm thuốc khỏe cho bác nữa. Vi trở thành một người trong nhà, gọi Tuấn thân mật bằng tên và xưng chị. Bác cai vồn vã hỏi về những con sông miền Trung, mùa hạ cát trắng và mùa đông nước đục tràn đôi bờ thoai thoải, về những rừng dừa ngút ngàn, về các địa danh chợt nhớ từ thời thơ ấu phiêu lưu. Vi lần lược được hưởng những biệt đãi: một ấm trà nóng, một lá thư đưa gấp, một khoanh giò chả. Đôi lúc đang lúi húi lo tiêm thuốc cho bác Cai, chợt ngước lên, Vi bắt gặp đôi mắt bốc lửa của Tuấn. Vi cảm thấy nóng bừng ở thái dương lâng lâng ngây ngây như lúc bước chân xuống con tàu mang mình ra Bắc. tuấn có vẻ muốn lánh mặt Vi, nhưng ở đâu lúc nào, hình như Vi cũng thấy đôi mắt đen sáng của Tuấn đăm đăm nhìn mình.
Mùa đông năm ấy, cặp phổi yếu ớt của một công chức già trải qua bao nhiêu chính thể hành hạ bác cai hơi nhiều. Mọi công việc trong học xá gần như bác gái phải gánh vác hết. Tuấn phải phụ việc cho mẹ, từ việc đưa thư cho đến việc coi sóc vườn tược, đóng lại cửa ngõ, sửa lại hệ thống điện, khơi cái hầm rút bị ứ. Tuấn không mấy vui vẻ khi làm những công việc ấy nhất là vào giờ các cô nội trú có mặt tại phòng. Nhưng bệnh tình của bác Cai không mấy thuyên giảm. Vi phải túc trực nhiều đêm bên giường bệnh, đo nhiệt độ, chích thuốc khỏe. Cái bệnh hen làm bác khó thở, đôi khi đàm bít kín khí quản đến nỗi bác Cai suýt ngất đi nếu không có Vi cấp cứu. tuấn vẫn luôn có mặt bên cha, và đôi mắt cậu vẫn chan chứa ánh lửa đam mê. Khi tiêm xong thuốc cho người bệnh, và bác Cai thiêm thiếp ngủ. Vi khẻ dặn Tuấn:
- Tuấn chịu khó thức coi chừng, sợ cơn hen trở lại. Có gì bất thường cứ lên kêu tôi.
Lúc đưa mấy viên thuốc cho Tuấn, Vi thấy bàn tay Tuấn hơi run. Tuấn lí nhí cảm ơn, đưa nàng ra phía cửa hông. Vi định bước nhanh ra phía ánh sáng ngọn đèn bóng mờ dưới cổng chính, thì Tuấn nắm chặt lấy tay Vi, thảng thốt:
- Cảm ơn chị... Cảm ơn Vi. Tôi cảm ơn Vi nhiều!
Vi im lặng, đứng chờ. Tuấn không nói được gì thêm, quên bỏ tay của Vi ra. Khi ý thức được sự lố bịch của mình, Tuấn mới hốt hoảng xin lỗi rồi chạy vào nhà.
Sự tận tụy chủa Vi không cứu được mạng sống mong manh của bác Cai. Cả học xá ngậm ngùi đưa tang. Tuấn không khóc, mắt hơi đỏ và ướt, lo đỡ vai bác Cai gái tỉ tê kể lể, hoặc vật vã gào khóc. Người ta đưa mẹ Tuấn về nhà trước khi hạ huyệt, vì bà yếu đến nỗi khóc không ra tiếng. Vi đứng bên cạnh Tuấn, nhắc nhở các lễ nghi tống táng phải làm. Tuấn như người mất hồn, vâng theo lời Vi như đứa bé lên ba vâng theo lời mẹ. Mỗi người lác đác về hết. Tuấn vẫn tần ngần đứng bên mô đất mới. Vi lấy cớ chóng mặt để các bạn về trước, đứng chờ Tuấn dưới gốc cổ thụ bên ngoài nghĩa địa.
Lúc Tuấn dắt xe đạp ra, Vi đến bên, hỏi nhỏ:
- Bây giờ Tuấn đi đâu?
- Tạm về nhà vậy. Chắc tôi không còn ở đây lâu.
Vi hấp tấp hỏi:
- Sao vậy? Bác gái vẫn có thể thay thế chỗ của bác trai. Tuấn vẫn tiếp tục học, có sao đâu?
Tuấn không nói. Đôi mắt nhìn Vi hơi có vẻ giận dữ. Một lúc sau, Tuấn mới trả lời:
- Có sao đâu! Có sao đâu! Cuộc đời đóng khung trong cái cổng sắt, lo câu điện, tháo hầm rút, đưa thư, mở khóa. Có sao đâu!
- Xin lỗi Tuấn. Tôi muốn nói là Tuấn vẫn có thể ở học xá tiếp tục theo nốt mấy năm hỏa xa.
- Không! Tôi đã định rồi. Mẹ tôi trở về quê sống với bà ngoại. Tôi đã xin ghi tên tình nguyện vào Nam. Xa chị tôi buồn lắm. Nhưng làm sao được! Lúc xa quê hương ra đây nhất định chị từng ao ước được làm áng mây. Tôi cũng vậy. gtoi6 sợ chết già ho hen bên trong khung cửa sắt.
Vi chua xót thấm thía nỗi tuyệt vọng đầu đời. Làm mây bay! Chỉ thích làm mây bay! Đứa con trai đôi mắt bốc lửa sau bao lần rụt rè dám nắm tay Vi, bây giờ thích làm mây bay. Có gì khiến cuộc đời người ta cứ luôn luôn bập bồng, và tâm hồn người ta cứ tràn đầy những giấc mộng anh hùng. Chiếc xe đạp rỉ hay con ngựa hí trên dặm dài? Sự chấp nhận an bình hay sự thách đố khai phá? Vi không hiểu nổi mình, và nổi người. Sự quyết định của mẹ khi mua dầu thoa mướt mái tóc, sự quyết định của Tuấn khi nhất định thoát ra bên ngoài cái cổng sắt, và cả sự quyết định của Vi, muốn bám theo thoáng hạnh phúc vừa thấy để tìm nghĩa lý đời mình, do đâu mà có?
Bộ phận nào trong con người khiến nó yếu đuối rồi vũ bảo, mạnh như thác nước rồi lặng như mặt hồ. Có lẽ nhunfg74 thắc mắc ấy đã khiến Vi chọn phẩu khoa.
4
Mật trận miền Tây sôi động suốt ba tuần nay. Từ biên giới tiểu đoàn của Tuấn được lệnh xuống tăng viện gấp rút cho hai tiểu đoàn khác hiện đang hao hụt quân số và mệt mỏi sau bao cuộc giao tranh liên tiếp. Tin tình báo cho biết địch đang tìm cách "khai quang" con đường huyết mạch 19, bảo vệ các đoàn công voa tiếp tế lên Tây nguyên và ống dẫn dầu chạy dài từ bể. Xe tăng loại lớn đứng án ngữ hai bên đường, chỉa súng về phía rừng già. Bộ binh liên tiếp kéo đến, hoặc bằng xe mười báng, hoặc bằng trực thăng vận tải. Để đề phòng phục kích bất ngờ, B 52 đều rải bom xuống dọc quốc lộ, làm thành một hành lang tử thần cắt ngang thân thể Trường sơn. Lúc tiểu đoàn leo được lên một đỉnh núi cao, ghé mắt nhìn xuống thung lũng hai bên con đường xám ngoằn ngòe dưới kia, Tuấn thấy những vết bom trải đều trên nền xanh già như mụn ghẻ.
Để tránh trở thành mục tiêu oanh kích, tiểu đoàn phải di chuyển luôn. Lớp lá ngụy trang chưa kịp héo, tiểu đoàn trưởng đã bắt buộc thay lớp khác vì thảo mộc vùng đất mới đã biến đổi. Có những cánh rừng trúc thân vàng óng và lá xanh ngắt, tiếp nối nhau đến hàng hai ba cây số. Tuấn có ý tìm ông đạo sĩ trong truyện thần tiên thiếu thời. Có những cảnh rừng già cây cao bóng cả, dây leo che hết những khoảng sáng mặt trời lốm đốm đây đó. Từ bóng nắng gắt trên đống tranh, tiểu đoàn bước vào rừng già mát mẻ u tối như vượt qua ranh giới của ngày và đêm, dương và âm, cõi sống và cõi chết. Cõi chết? Có thể lắm, vì B 52 ít khi oanh tạc những khoảng thung lũng trống. Có khi từ trên những đám mây bay thấp lạnh lẽo, cái chết ào ạt đến bất thần cho những người lính chưa kịp tĩnh tâm.
Giữ vai trò chính trị viên, Tuấn đem nhiệt tình và lòng tin tưởng của chính mình truyền cho binh sĩ, xóa hết lo âu và mệt mỏi trong đôi mắt họ. Tuấn đã thành công phần lớn, hoặc bằng tình yêu đất nước, hoặc bằng sự căm thù...... Tuấn đã quên những kỷ niệm thần tiên, tuy cay đắng trong khung cửa sắt của học xá. Hình ảnh Vi chỉ hiện về trong những lúc trầm ngâm, cảm thấy cô độc giữa các đồng đội lúc nào cũng theo dõi hành động của nhau. Lúc xa Hà nội, Tuấn có ghé về học xá nhưng không vào. Người gác dan mới hỏi:
- Ông muốn tìm ai?
Tuấn muốn nói tên Vi, tha thiết được gặp Vi trước khi theo đám mây bay về phương nam. Tuấn ấp úng, mắt nhìn lên cửa sổ phòng Vi còn đang sáng. Chàng băn khoăn, tự hỏi: Có nên gặp Vi không? Có nên gặp Vi không? những áng mây chợt hiện về, và Tuấn trả lời gọn:
- Không, tôi chỉ muốn tìm nam học xá để thăm một bạn trai.
Người gác cổng nhìn theo Tuấn, nghi ngờ vì tuy nói vậy, chàng vẫn lững thững, vừa đi vừa nhìn lên ánh đèn cửa sổ phòng Vi. Ánh đèn ấy làm Tuấn cảm thấy còn tha thiết với đời, sau các cuộc cãi vả nguy hiểm với tiểu đoàn trưởng, hoặc sau các cuộc oanh tạc thập tử nhất sinh. Niềm vui quen thuộc của Tuấn là nằm đong đưa trên võng ni lông treo giữa hai gốc cây cao, lim dim đôi mắt cho ánh sáng bớt chói chang, tự đặt câu hỏi cho mình: Đêm ấy Vi đang làm gì? Học bài chăng? Viết thư cho dì Sáu chăng? Mơ mộng chăng? Vi có nghĩ đến mình không? Có nghĩ đến những đêm canh bệnh bên nhau, Vi chợt bắt gặp đôi mắt si mê của mình, vờ cúi xuống sửa lại chéo áo để tránh đi? Có nghĩ đến những hôm bắt gặp Vi đi bộ từ trường về, mình lái xe đạp ghé sát vào vệ đường, hóm hỉnh đề nghị: Có ai đi xe thồ không? Về nữ học xá một đồng danh dự thôi!
Sau một tháng băng rừng, tiểu đoàn của Tuấn đến được mục tiêu. Trung đoàn bạn đang dưỡng quân, trước khi thọc sâu xuống đồng bằng cắt ngang trung phần. Bệnh viện dã chiến được thiết lập dưới hầm sâu. Bộ chỉ huy cách đó không xa, có thể từ các hào chằng chịt quan sát được cánh đồng phía bên này quốc lộ và một nửa bầu trời xanh. Sinh hoạt ở đây thật giống với các hậu cứ an toàn bên kia biên giới, tuy hằng ngày máy bay vẫn oanh tạc đều đều các xóm làng dưới thung lũng. Bằng viễn kính, Tuấn có thể theo dõi từng đoàn xe sao trắng di chuyển về hướng tây.
Buổi sáng, Tuấn thường vào bệnh viện an ủi thương binh của tiểu đoàn. Vài thương binh có vẻ mòn mỏi, không chịu đựng nổi vết thương hành hạ. Có người lơ mơ nói về quê nhà, nhờ Tuấn gửi tin về, "lỡ có mệnh hệ nào". Tuấn rơm rớm nước mắt, chạy tìm Y sĩ để hỏi bệnh trạng. Đẩy cửa bước vào phòng trực, Tuấn sững sờ:
- Trời ai như chị Vi! Có phải Vi không?
Vi ngước lên chưa nhận ra ai. Tuấn nói:
- Vi không nhận ra tôi sao? Tại hàm râu của yêu râu xanh và mái tóc đạo sĩ này chắc. Tuấn đây!
Vi thấy trời đất đảo điên, phải bám hai tay vào góc bàn mới đứng dậy được. Tuấn chạy đến nắm hai tay Vi, rồi thả ra nắm hai vai Vi bóp nhẹ hai xương bả vai, đứng cười, mắt sáng như thời còn ở Hà nội, Vi nói trước:
- Tuấn khác nhiều. Vi nhận không ra nữa!
- Chị thì không. Lúc nào Vi cũng như ở Hà nội.
- Như ở Hà nội là sao?
- Là là... vẫn như ở Hà nội. Đừng bắt Tuấn nói sự thực.
- Không được, cứ nói.
Vi giục, mà lòng hân hoan. Tuấn cười trả lời:
- Nghĩa là vẫn... vẫn đẹp như xưa.
Vi xúc động quá không biết trả lời thế nào, cảm thấy Tuấn đã khác trước: bạo dạn tự tin hơn. Đó là dấu hiệu của tình thương yêu trưởng thành hay của sự lãng quên bạc bẽo? Vi nói:
- Áng mây của Tuấn đâu rồi?
- Áng mây của Vi đâu rồi?
- Tôi có áng mây nào đâu? Tuấn ao ước được làm áng mây nên bỏ học xá. Còn tôi thì vẫn vậy.
- Có, có áng mây dìu chị về phương Nam. Rành rành là chị đang ở miền nam, tất nhiên phải có áng mây đưa đường.
Vi thoạt lặng im, cúi mặt xuống. Tuấn chột dạ, không dám nói gì thêm. Một lúc lâu, Vi mới giải thích:
- Vĩnh nó xung phong vào Nam. Tôi phải đi theo. Nó mất rồi.
Tuấn không tìm được lời nào để an ủi Vi. Chàng nhớ lại những cái chết đã chứng kiến, tưởng tượng những nắm xương vùi nông trong rừng xanh; những tấm hình chụp chung cả gia đình trong đó cha mẹ ngồi ngay ngắn trên ghế, mắt nhìn thẳng, hai bàn tay xòe trên đầu gối, những bức thư của mẹ của vợ của con mực nhòe và đượm mồ hôi. Tuấn chỉ có thể hỏi:
- Vi có tìm thấy xác không?
- Nó chết ngay trước mặt tôi, trên bàn mổ. Thà phút lâm chung, hai chị em không gặp nhau để bớt não lòng.
5
Mọi sự đơn giản hơn Vi tưởng. Sự bạo dạn tự tín của Tuấn không phải là dấu hiệu lãng quên bạc bẽo. Đời sống chiến đấu cam go, kề cận với mọi hình thái bi đát, cùng với năm tháng đã khiến Tuấn lớn trước tuổi. Những giấc mơ trong rừng già làm cho Tuấn quen thuộc thêm với hình dáng Vi thời Hà nội, khiến chàng không thể nào nhận ra dấu vết của thời gian trên khuôn mặt cô y sĩ. riêng Tuấn, Tuấn tự thấy mình chai lì. Cho nên, sự thố lộ tình cảm trở thành dễ dàng, tự nhiên. Ngay trong phòng mổ, Tuấn bình tĩnh nói:
- Vi này!
- Gì hở Tuấn?
- Tuấn đã tìm ra áng mây của đời mình rồi. Cái gì còn lại chỉ là bọt nước, tan đó rồi hóa đó.
Vi bậm môi chờ đợi. Tuấn nói tiếp:
- Tuấn đã suy nghĩ kỹ suốt đêm qua. Tuấn không thể, không thể nào tìm thấy được cái gì khác hơn cho đòi mình, cái gì ý nghĩa hơn. Tuấn ao ước được mãi mãi thế này.
Vi hỏi:
- Mãi mãi chui rúc trong rừng già, ở dưới hầm sâu, nghe thương binh rên la, và ngắm xóm làng cháy dưới thung lũng?
- Không. Được thế này, được... được có Vi bên cạnh đời đời, kiếp kiếp.
Vi ngước lên, chớp chớp đôi mắt để giấu sự cảm động:
- Vi đã cảm thấy điều đó, mong ước điều đó ngay từ thời Tuấn nhìn Vi với đôi mắt bốc lửa. Vi không thể nào quên được đôi mắt ấy. Bây giờ đôi mắt Tuấn dịu hơn, nhưng Vi vẫn ngại. Trên hàng chân mày, trong đầu óc Tuấn, vẫn còn hình dáng áng mây. tuấn thì còn say mê, còn Vi Vi đã bắt đầu mơ ước một ngôi nhà, cái nôi ru con, mâm cơm nóng và một người chồng về đúng giờ.
Tuấn nhận thấy Vi nói thực lòng mình quá không biết đối đáp thế nào. Chàng tìm cách biện minh:
- Một mai thanh bình thế nào chúng ta cũng được như ý.
Nhưng Tuấn không tin lắm ở lời mình. Quả thực, Tuấn chưa thỏa những khát vọng hùng tráng. Núi vẫn còn cao và mây vẫn còn ở ngoài tầm tay. Những lúc theo dõi hiệu quả sức mạnh của lời nói lên tâm hồn binh sĩ, những lúc nghe cả tiểu đoàn hô lớn "xung phong - tiến", rồi xông vào khói lửa, Tuấn cảm thấy kiêu hãnh, xúc động đến ngây ngất. Con đường xuyên Việt, đến đây, mới được lưng chừng hành trình. Những đồng bằng bao la phía nam vẫn xa thật xa, quyến rũ trong cái vẻ huyền hồ mờ ảo. Tuấn chưa thực sự muốn ngồi bên nôi con, ngắm vợ nấu nướng giat75 dịa, chăm chút cắt xén cái hàng rào dâm bụt trước cửa.
Tuy vậy, cả hai vẫn sẵn sàng sống trong tình vợ chồng. Cả tiểu đoàn thêm một nguồn vui mới, tán chuyện về những người tình xưa từ Hà nội, lưu lạc trong rừng già Tây nguyên xây tổ ấm trong bệnh viện. Tuấn và Vi hạnh phúc thật sự, lao mình trọn vẹn vào những khoái lạc mới mẻ, say đắm rã rời trong vòng tay nhau. Những đám mây lãng đãng ngày càng thấp, chui cả vào hầm bệnh viện, che khuất mặt người. Mùi dầu dừa phai nhạt hoàn toàn trong ký ức của Vi. Nếu không có những tiếng rên la của bệnh nhân bên kia căn hầm, và những buổi sinh hoạt học tập chính trị của tiểu đoàn, Vi và Tuấn đã hưởng trọn niềm vui mới mẻ.
Trong lúc đó, dưới thung lũng, các chuyến công voa càng dày hơn. Máy bay trinh sát chao qua đảo lại thường xuyên trênb triền núi. Cuộc sống trong căn cứ không được như trước. Người ta cẩn thận ngụy trang từng làn khói bếp, từng nắp công sự.
Cả mấy tiểu đoàn cũng bắt đầu rục rịch chuẩn bị chiến đấu. Ngoài những giờ hạnh phúc hiếm hoi, Tuấn phải lo động viên tinh thần đồng đội, hướng dẫn kỹ thuật tác chiến. Chàng trải suốt buổi tối tâm tình với các tổ xung kích. Vi lo âu nhìn lại ánh lửa rực cháy và vẻ hờ hững với thế giới thực tại trong mắt chồng. Nàng tìm quên nỗi ám ảnh bi đát trong công việc, đích thân thay băng thay lót cho các thương binhg.
Một tuần sau các toán viễn thám bắt được một binh sĩ địch đang đi kích đêm, cách căn cứ không đầy hai cây số, thuộc toán tiền sát của pháo binh. Người tù bị bắn gãy ống chân nên binh sĩ phải lấy áo làm cáng khiêng từ chân núi lên bệnh xá. Trung đội trưởng đến báo cho Tuấn và Vi biết để liệu định công việc. Nghe binh chủng của tên địch, Tuấn choàng dậy vội vã. Vi hỏi:
- Người đó bị thương nặng không?
- Nặng lắm. Đi đường xốc, nên mất máu nhiều. Nhưng hắn vẫn còn rên được.
Vi vội lấy dụng cụ giải phẩu chạy qua bệnh xá. Tuấn đã đến đó trước, quì xuống bên băng ca, lay mạnh người tù binh:
- Anh thuộc đơn vị nào?
Người bị thương đôi mắt thất thần, nhìn Thuấn không trả lời. Tuấn lay mạnh hơn.
- Anh thuộc đơn vị nào? Đến đây làm gì?
Cái băng ca chồng chành, làm cho xương ống chân đâm vào chỗ thịt lở. Người tù thét lên, đau đớn rên la:
- Nước, cho nước!
Tuấn nói:
- anh phải khai rồi tôi cho uống nước. Họ sai anh đến làm gì?
Vi không thể chịu đựng được nữa:
- Anh phải để Vi cho thuốc mê cưa gấp chân cho người ta. Không thể để thế này lâu được.
Tuấn gạt ra:
- Có lẽ địch đã biết rõ chúng ta ở đây. Phải lấy gấp lời khai của hắn rồi còn định liệu.
- anh cứ lay mãi thế này, hắn chỉ còn có nước thét lên đau đớn rồi chết. Phải để em lo chuyện cấp cứu trước.
- Hắn càng đau càng dễ khai. Anh trách nhiệm an ninh của mấy tiểu đoàn. Không thể để mất thì giờ nhân đạo vặt. Nói xong, Tuấn lại lay mạnh băng ca. Người tù thét lên chát chúa còn Vi ôm mặt khóc. Đôi mắt người tù chợt trợn trừng, rồi toàn thân rùng mình, oằn một cái. Tuấn giận dữ quát:
- Không có em xen vào, nó đã kịp khai rồi. Chỉ còn nước di chuyển gấp khỏi đây. Em có cố ý ngăn cản không?
Nói xong, Tuấn chạy vội ra bộ chỉ huy. Còi tập họp thổi gấp rút, binh sĩ lao nhao sửa soạn di chuyển.
Trong bệnh xá, cảnh nhộn nhịp vẫn tiếp diễn: các thương binh được khiêng đi, thuốc men dụng cụ thu xếp vội vã trong các bao lớn. Nửa giờ sau, tiểu đoàn bắt đầu rời khỏi hệ thống địa đạo. Vi vẫn ngồi im trong hầm mổ, bên xác chết người tù binh. Nàng lơ đãng vuốt kín đôi mắt trợn trừng trắng dã, lơ đãng xoa xoa đôi má đen đã lạnh, lơ đãng ấn nhẹ ngón tay lên ống chân bầy nhầy máu bụi.
Khi những quả đại bác đầu tiên rơi xuống bệnh xá, Vi vẫn ngồi yên như vậy. Đất trên trần hầm phủ một lớp nâu trên bộ quần áo Vi đóng lớp mỏng trên mi mắt và da mặt xác chết. Những quả kế tiếp rơi xa hơn, rồi đột nhiên, cả căn hầm sụp đổ. Vi không còn biết gì nữa. Sức nổ của quả đạn rơi đúng ngay hầm giải phẩu đã khiến Vi bất tỉnh, máu chảy ra lỗ tai, miệng và mũi.
6
Trong trại C mọi người đều nằm yên. Lâu lâu có tiếng cựa mình và tiếng đập muỗi trong bóng mờ. Hơi mát từ đầm lầy phía nam thổi vào mùi bùn, mùi cỏ và mùi sương đêm. Không, Vi còn nghe thấy cả mùi dầu dừa trên mái tóc mướt của mẹ.
Những áng mây lá động lực của cả quá khứ cuộc đời Vi, cuộc đời Vĩnh, cuộc đời Tuấn. Những áng mây thúc đẩy Vi xa quê hương, rồi những áng mây đưa hai chị em về phương nam; và càng theo các áng mây, Vi cáng thấy không khí đượm mùi dầu dừa ngày trước. Bây giờ, Vi hiểu rõ mẹ, hiểu rõ vì sao mẹ tự đánh vỡ thần tượng trong đầu óc hai con để mua dầu dừa chải chuốt làm dáng với ông hương kiểm. Vi hiểu rõ mẹ, hiểu rõ con người. Ôi! Nó yếu đuối làm sao! Và chính vì nó yếu đuối nên con người đầy vẻ đáng thương đáng mến. Vi dạt dào lòng thương yêu mẹ. Chỉ một cái gật đầu, Vi sẽ được khóc trong vòng tay mẹ, ngửi mùi dầu dừa trên mái tóc mẹ... Mà có lẽ, bây giờ mái tóc trắng xóa ấy không thể mướt như xưa. Mẹ tủi nhục như một đứa con hoang, xấu hổ vì ham sống bước nữa, ngậm ngùi thay những đứa con xa lạ say sưa với áng mây ảo.
Gió bên ngoài thổi mạnh, lắt lay cái chóa đèn trước chái. Vi vẫn bần thần không biết phải trả lời thế nào! Về đâu? Có nên về hay không?
Một buổi chiều mệt nhọc đói lả, và cơn ngủ lỡ giấc khiến đầu óc Vi quay cuồng. Vi lịm dần, và còn nghe thấp thoáng tiếng la hốt hoảng của mấy chị cùng phòng. "Chị Vi lên kinh. Đè tay chị ta xuống". Trong cõi hỗn mang, Vi thấy một người đàn bà bị đạn nhầy nhụa máu mủ đất cát, không còn phân biệt được mặt mũi nữa. Tuy nhiên, mái tóc bạc mướt láng và nồng nặc dầu dừa. Trên mái tóc, con quạ đen đậu, quang quác kêu giọng não nùng.
Qua Cầu Gió Bay Qua Cầu Gió Bay - Nguyễn Mộng Giác Qua Cầu Gió Bay