Số lần đọc/download: 2986 / 66
Cập nhật: 2016-10-05 22:29:26 +0700
Chương 2/27
P
hượng là nữ sinh duy nhất của lớp đệ tứ. Lên trung học, tôi chuyên ngồi bàn đầu. Ông chú sinh viên của tôi khuyên tôi nên chiếm bàn đầu. "Vì thầy giảng bài dễ nghe. Vì thầy "chú ý" mình nhất. Vì sợ thầy "chú ý" mình hết dám lười biếng". Ðó là những điểm lợi của những anh học trò... gạo cỡ ông chú sinh viên của tôi. Còn những anh học trò "tài tử", yếu toán, kém lý hóa mà bị ngồi bàn đầu là một tai họa. Thầy yêu, cứ bắt lên bảng sửa toán thì nguy hiểm vô cùng. Thành thử, bàn đầu thường dành cho những tay xuất sắc. Con gái ưu tiên ngồi bàn đầu. Phượng vào học, tôi phải xuống bàn thứ hai, ngồi sau nàng, suốt buổi học ngắm suối tóc nàng chảy dài trên bờ vai. Khung cửa sổ nhỏ nhìn thấy một khoảng trời thiếu nhiều sắc mây bỗng trở nên vô nghĩa.
Từ mái tóc Phượng tỏa ra một mùi thơm kỳ tuyệt. Mùi thơm của hương tóc hay mùi thơm con gái? Tôi ngột ngạt trong mùi thơm đó, tưởng chừng thấy một thế giới tiểu thuyết, một cõi trời thơ ở mái tóc nàng. Mùi thơm nàng bàng bạc khắp gian lớp. Không phân chất nổi nó giống mùi thơm nào của đất trời, hoa lá. Nhưng nó làm cả lớp học ngất ngây. Những anh học trò luộm thuộm nhất cũng đã chịu khó sửa lại cổ áo, mái tóc. Ngôn ngữ bạt mạng thì để dành lúc vắng nàng mới phóng ra. Nàng đã làm những anh học trò ngổ ngáo hóa thành nai vàng ngơ ngác. Nàng không hiểu nàng là quyền uy của lớp học. Ngồi bất động. Mắt chỉ nhìn lên bàn thầy. Giờ ra chơi nàng không thèm ra. Chơi với ai nhỉ? Tôi nghĩ thế và bắt thương nàng cô đơn. Nàng là chiếc lá bàng cuối thu. Nàng là con chim khuyên.
Hai hôm sau, tôi nhớ thật rõ, đúng rồi, hai hôm sau, nhằm giờ Việt văn, nàng quay xuống bàn tôi. Vừa học đoạn tài sắc của chị em cô Kiều và tôi thắc mắc tại sao Nguyễn Du quên tả mái tóc của Thúy Kiều. Cả Nguyễn Gia Thiều cũng quên tả mái tóc của người cung nữ. Người đời xưa không thích tả mái tóc giai nhân hay không biết tả mái tóc giai nhân? Có lẽ, ngày xưa, giai nhân đội khăn hoặc búi tóc nên thi sĩ không cảm nổi vẻ đẹp của mái tóc. Nàng quay xuống bất chợt khiến tôi hốt hoảng như một tên trộm bị bắt quả tang. Tên trộm đương say ngắm mái tóc nàng mà trách người tài tử ngày xưa. Ðôi mắt tôi, chắc chắn, chứa nhiều ý gian. Nàng mỉm cười. Nụ cười làm quen. Tôi ngẩn ngơ một nỗi. Nàng khẽ hỏi:
- Anh có thể cho Phượng mượn những quyển vở của anh không?
Tôi thấy nóng ran đôi tai. Tôi thấy nhịp tim của tôi dồn dập. Tôi thấy hồn tôi thoát khỏi xác tôi và chui ra khung của sổ bay bổng lên trời cao.
- Ðược chứ, anh?
Tôi gật đầu, đáp gọn:
- Ðược.
Và hỏi:
- Bây giờ à?
Nàng cười. Lại cười:
- Mai. Mai thứ bảy anh đem hết vở bài học, bài làm cho Phượng mượn. Chủ nhật Phượng ở nhà chép. Anh nhớ đấy nhé!
Tôi gật đầu nữa. Nàng quay lên. Và tôi nguyền của tôi đần độn, ngu ngốc, thô lỗ, man di mọi rợ. Ðã đọc tiểu thuyết của Ngọc Giao, Tô Hoài, Thâm Tâm, Thạch Lam, thuộc hàng trăm câu đối thoại bay bướm, tình tứ mà có dịp đối thoại với con gái thì chỉ biết gật đầu và đáp, hỏi quê mùa, đồng chua nước mặn. Phượng hỏi mượn vở của tôi để chép bài cũ. Thế thôi. Thế mà cũng gây một "dư luận" trong lớp. Giờ ra chơi, bạn bè xúm quanh tôi phỏng vấn tình hình. Quan trọng lắm. Ðây là một biến cố của những chàng trai vừa lớn, những chàng trai hung hăng, bất chấp tất cả nhưng đứng trước mặt con gái thì đôi tay bỗng dài ngoẵng chẳng biết nên cất chỗ nào cho tiện, đôi mắt đang ngời sáng bỗng mờ tối, cái miệng đang liến thoắng bỗng nín thít, đôi khi nói chẳng nên lời, dùng ong tiểu thuyết, trong thơ. Tự nhiên, tôi mua sự bối rối và bầy đặt sự xấu hổ. Tôi yêu dễ dàng. Ôi, tình yêu dễ dàng, tình yêu đủ mầu sắc cầu vồng, tình yêu bong bóng trời mưa.
Tan học về, tôi không thiết ăn cơm. Tháng chín tuyệt vời. Tựu trường tuyệt vời. Mùa thu năm nay mới là mùa xuân. Mùa hè vừa qua vất đi. Tiếng ve sầu, tiếng tu hú buồn nản. Không gian quê ngoại nằm gọn ở nụ cười của Phượng, người con gái hẳn đã yêu tôi, chỉ yêu tôi. Lục cuốn thơ Nguyễn Bính đọc vụ hè tìm một bài dặn dò xa xôi. Không có. Xin tiền mẹ bảo mua cuốn sách giáo khoa. Nhưng đến hiệu sách mua tập Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính. Cả buổi trưa mê man đọc và gửi lòng mình vào thơ. Tuổi trẻ, thơ và tình yêu. Ba thứ đó quyện lấy nhau, gắn bó keo sơn. Thiếu nó là không có tuổi trẻ, là tuổi trẻ què cụt, tuổi trẻ quáng gà, tuổi trẻ tàn bạo, tuổi trẻ thành đàn ông ưa lý sự, bất mãn nhằng và đói kém kỷ niệm làm người. Hạnh phúc không bao giờ đến vớ vẫn.
Nguyễn Bính chưa giúp tôi được điều gì. Tôi cũng chưa hiểu mình nên dở cái trò gì trong những cuốn tập bài học, bài làm sắp cho Phượng mượn. Thôi hãy gượm. Vội vàng chi? Tôi tự nhủ tôi và sắp xếp những cuốn vở thật tươm tất. Ít ra, nàng sẽ phục ta là người học trò gương mẫu, sách vở sạch sẽ, bài làm toàn mười tám điểm trên hai mươi. Tôi nhìn tôi trong gương. Khen thầm: Ðược đấy, mày có vẻ Lục Vân Tiên lắm, Chương ạ! Mày thuê nặn bức tượng nhỏ sửa soạn tặng Kiều Nguyệt Nga đi. Buổi chiều xuống thong thả. Những mảng nắng hoàng hôn đến với tôi bằng ý nghĩ khác. Tôi vừa biết thế nào là từng giọt nắng và nỗi rét mướt của thời gian chờ đợi.