Bạn không thể tạo dựng thanh thế bằng những gì bạn SẼ làm.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Mai Thảo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1957 / 62
Cập nhật: 2015-09-03 17:08:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2 -
ã ba ngày, từ ngày Khoa xuống Sài gòn trở về. Ba ngày mưa gió liên miên kín trùm. Pleiku không có mặt trời, không có nắng ấm. Chẳng phải ba ngày mà quanh năm hình như là thế. Không có mặt trời suốt mười hai tháng. Chẳng có nắng ấm từ tháng giêng tới tháng chạp. Với Pleiku đoan ngọ cũng mưa phùn. Nguyên đán đầy sương mù, và trung thu không trăng sáng. Tôi đã sống quen với bóng tối, mưa đổ và trời thấp đến cái độ ngờ vực Pleiku cũng có những buổi đẹp trời. Dã Thụy nói, Pleiku những ngày mùa hè những ngọn đồi quanh tỉnh đỏ rực bụi hồng mịt mùng, những triền núi xa xanh thẫm cắt vạch lên nền trời chói lọi, và Pleiku những ngày đó có một vẻ đẹp riêng, dữ dội và choáng váng. Những ngày đó, tôi vác giá vẽ ra khỏi tỉnh, Dã Thụy nói. Vào những cánh rừng chung quanh. Leo lên những đỉnh đồi trọc. Dùng toàn một thứ bột đỏ bột nâu, bột vàng để ghi lên mặt vải một Pleiku chan hoà lửa nắng.
Nhạc thì kể lại cái đẹp bích ngọc óng ánh của những ngày mùa xuân Pleiku. Trời tháng giêng trong vắt. Biển Hồ là một tảng ngọc thạch và hoa rừng nở đầy đặc trong những bờ bụi, khoác cho Pleiku vào xuân một tấm áo nhiều màu. Cái rực rỡ, cái tươi sáng ấy, tôi đã nhìn thấy trong một vài bức họa của Dã Thụy. Và những lời nói của Nhạc không phải là tưởng tượng.
Chỉ là riêng tôi, tôi không thấy, không nhớ. Chỉ thấy Pleiku xám và tối. Chỉ thấy Pleiku mưa và mù. Như buổi sáng hôm nay.
Đêm qua Huyền bị lạnh. Con nhỏ mập mạp nước da đỏ thắm. Vậy mà nó không chịu được lạnh. Năm nào, trở mùa gió nó cũng đau. Tôi phải thức dậy nhiều lần. Lấy dầu thoa cho Huyền. Đắp thêm chăn cho nó. Buổi sáng tôi giữ nó ở trong giường, không cho ra cửa hàng. Nhà không có ai ngoài hai chị em từ ngày anh Kiện mất. Tôi dậy sớm rửa mặt bằng nước lạnh rồi ra mở cửa hàng. Sương mù vào tràn đầy. Những thân cây, những bụi cỏ không nhìn thấy rõ. Quay trở vào tôi đã bật đủ sáu ngọn đèn mà quán Nhớ vẫn tối hù. Quán Nhớ tối thật. Sáng tối, chiều tối. Pleiku không chỉ có một quán Nhớ. Thị xã nhỏ, dân nghiền cà phê chỉ có một số nhất định, mà Pleiku có đến hàng trăm quán cà phê. Quán nào cũng tối như quán Nhớ. Pleiku tối thật. Và tối hơn mọi chỗ là cái tối thui kỳ lạ của những quán cà phê. Tôi đốt lửa, đun nước, chế nước sôi vào những bình thủy. Chọn sẵn một số băng nhạc đang dành được sự yêu thích của mọi người. Tôi làm việc, đi lại bình tĩnh trong một số động tác quen thuộc. Tất cả vừa xong thì Nhạc đến. Nhạc lò dò bước vào quán, tôi nghĩ đến Nhạc qua một ý nghĩ ngộ nghĩnh. Khoa là khách hàng thường xuyên nhất, nhưng đến quán sớm nhất phải là Nhạc.
Tôi đón Nhạc bằng một câu nói đùa:
- Anh đứng chờ ngoài đường lâu chưa?
Nhạc ngơ ngác:
- Chờ hồi nào?
Tôi bật cười:
- Chậm hiểu quá. Nói đùa đấy. Thấy anh đến sớm thì hỏi thế. Anh ngủ sớm lắm sao?
Nhạc thản nhiên ngồi xuống trước một trong bốn bức tranh lập thể của Dã THụy:
- Cả đêm qua không ngủ.
- Sao vậy?
Nhạc nhún vai:
- Chẳng sao cả. Không ngủ được thế thôi.
Tôi cau mày:
- Anh phải quên đi.
Ngày Ngân đi Nhạc không đến quán hai tuần. Mất tăm vào vùng hư vô xanh đặc của Pleiku. Hôm trở lại quán, tóc Nhạc dài kín tai, râu ria xồm xoàm và Nhạc già đi hàng chục tuổi. Bạn bè an ủi, chỉ nín thinh hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Tôi yêu lắm cái thái độ khổ đau âm thầm đó. Giam nhốt sự đau khổ quằn quại trong cái nhà ngục bít bưng tức thở của câm nín không tỏ lộ thành lời. Nhạc cất riêng mối tình thành một khối riêng tư, kiêu hãnh với sự khổ đau của mình, đẩy mình đi thật xa, đến gần như mất hút trong sự cách biệt đó. Những giọt lệ chắc đã nhỏ xuống. Trong đêm. Một mình. Sự che dấu không tỏ lộ không than van cũng là kết tinh của một nghị lực hiếm có. Thứ nghị lực tìm thấy trong tuyệt vọng.
Nhưng Nhạc dấu mà chẳng dấu được gì. Trái tim Nhạc không nằm trong lồng ngực. Mà ở ngoài. Một trái tim tan nát treo lửng ngoài lồng ngực, ai cũng nhìn thấy. Tôi là người nhìn thấy rõ nhất. Nhạc biết vậy. sự nín thinh của Nhạc với riêng tôi là một tỏ lộ. Một tỏ lộ thân mật và cảm động. Ngân có những lý do riêng của Ngân để đi về một phương trời khác. Đã đành. Chẳng thể trách Ngân vào đâu được. Ai sống cũng có những lý do riêng nhưng mỗi lần, nhìn thấy trái tim Nhạc chảy máu trước lồng ngực Nhạc, tôi ghét Ngân vô tả. Thế nào thì cũng là có tội với nhau. Cái tội đã là nguyên nhân sự đau đớn của kẻ khác. Tôi lớn hơn nữa, vì Ngân đang thảnh thơi sung sướng và Nhạc thì không phải như thế.
Tôi đinh ninh như mọi lần là sự nín thinh của Nhạc sẽ kéo dài. Cho tới khi Nhạc uống xong ly cà phê, bỏ ra với mù sương bên ngoài, hay chúng tôi nói lảng sang chuyện khác. Lần này không. Nhạc nói nhỏ:
- Quên, điều đó dễ dàng lắm sao?
Tôi giật mình. Tôi cũng đang muốn quên, muốn sống như cỏ cây, không trí nhớ.
Tôi trả lời, biết câu trả lời công thức, không đúng:
- Nếu anh muốn.
Nhạc gật:
- Có thể. Nhưng phải ở một nơi khác.
- Anh nói thế nào?
Nhạc bất chợt thốt lên một tiếng cười ngắn:
- Ngọc hiểu rồi. Đừng bắt tôi trả lời.
Tôi hiểu thật, không bắt Nhạc trả lời. Pleiku là một cái ngăn trí nhớ đầy ắp. Pleiku không phải là một vùng quên lãng. Những tình cảm đọng lại giữa bốn hướng rừng vây. Những kỷ niệm không bao giờ tan biến được. Một chút gì để nhớ, một chút gì để quên. Đó là một câu trong cái bài hát buồn ấy về Pleiku. Không, không phải, Pleiku chẳng có một chút gì để quên. Mà Pleiku có muôn vàn những cái, những sự để nuôi nấng một nhớ thương dài hạn. Như những nén hương oan khiên cháy đỏ nuôi mãi một hồn ma không cho siêu thoát. Những buổi chiều gợi nhớ. Bằng mưa phùn, bằng gió lọt. Những ban đêm làm nhớ. Bằng thứ im lặng khác thường của núi rừng. Phố Pleiku thấp. Những phố thấp làm trầm niềm nhớ. Phố Pleiku cao. Những phố cao đẩy niềm nhớ lên cao. Mỗi ngọn cỏ đường, mỗi phiến lá Pleiku đều là một tấm gương soi. Gương chi chít cùng khắp. Ngoảnh mặt tới phía nào cũng trong những gương kia, nỗi nhớ hiện hình.
Tôi đặt tên cho cái quán hàng là quán Nhớ là vì vậy. Quán Nhớ cũng có hàng ngàn tấm gương soi, nơi những giọt cà phê thả xuống một đáy ly. Nơi những ngọn đèn tù mù làm rõ thêm những góc tối. Nơi tiếng gió tiếng mưa trên mái. Nơi những băng nhạc lăn chậm từng vòng. Nơi sự trầm ngâm kéo dài, mái đầu cúi xuống, buổi chiều giăng lưới. Và chẳng phải riêng Nhạc nhớ. Chính tôi còn chưa quên. Pleiku cuối cùng là hình ảnh một lò trầm gây mùi nhớ thương.
Một lần tới quán, Thập đọc cho tôi nghe mấy câu thơ này:
Ôm Đàn Tới Giữa Đời Ôm Đàn Tới Giữa Đời - Mai Thảo Ôm Đàn Tới Giữa Đời