My test of a good novel is dreading to begin the last chapter.

Thomas Helm

 
 
 
 
 
Tác giả: Alan Phan
Thể loại: Giáo Dục
Upload bìa: Thân Mộng Hoàng
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1047 / 145
Cập nhật: 2019-01-28 20:52:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2: Những Điều Kiện Và Đòi Hỏi Trong Việc Niêm Yết Sàn Mỹ
ì sự hiểu biết giới hạn về thị trường chứng khoán Mỹ, nhiều công ty Việt Nam thường tưởng lầm họ không đủ điều kiện để niêm yết sàn Mỹ hay đây là một thị trường quá khó khăn để có thể tạo nên những lợi ích về tài chính cho họ. Câu trả lời cho thấy một tình huống phức tạp hơn nhiều, vì thị trường chứng khoán rất đa dạng và dù rất lớn lại có rất nhiều kẽ hở để các công ty nhỏ lợi dụng.
Nếu chỉ cần niêm yết ở thị trường nhỏ như OTC và Pink Sheet thì điều kiện để lên sàn còn ít hơn những điều kiện do sàn Sài Gòn hay Hà Nội đòi hỏi. Dù hai sàn này lớn gấp 25 lần sàn Việt Nam, hai điều kiện chính để niêm yết chỉ đơn thuần là một hồ sơ đăng ký (10K filing) với SEC, có báo cáo tài chính đã được kiểm định quốc tế và được một nhà tạo lập thị trường (market maker) bảo lãnh. Không có một điều kiện nào khác kể cả số doanh thu, lợi nhuận tối thiểu của công ty hay lịch sử thành lập trên hai năm hoặc một nhà ngân hàng đầu tư (investment banker) bảo trợ. Nguyên tắc cần và đủ để niêm yết sàn Mỹ là khi đăng ký hồ sơ niêm yết phải bảo đảm khai báo đầy đủ và trung thực (full disclosure). Cơ quan SEC để mặc thị trường (các nhà đầu tư) quyết định về giá trị của cổ phiếu chứ không đòi hỏi cổ phiếu phải có một giá trị nào khác (tài sản, lời lỗ, cách quản trị, ngành nghề), ngoài yếu tố minh bạch kể trên.
Tuy vậy, với hơn 10.000 công ty đang niêm yết trên mọi sàn chứng khoán Mỹ, bài toán khó khăn nhất cho Ban quản trị các công ty không phải là việc lên sàn, mà là việc sau khi lên sàn rồi, làm thế nào để các nhà đầu tư (chuyên nghiệp cũng như cá nhân) mua bán cổ phiếu của mình. Như kinh nghiệm tương tự với thị trường xuất khẩu sau toàn cầu hoá, vấn đề không phải là sản xuất mà là tiếp thị. Đó là lý do tại sao Nike không làm chủ một nhà máy sản xuất nào mà lại là công ty giày và áo quần thể thao lớn nhất thế giới.
TỔNG QUÁT VỀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ NIÊM YẾT
Xin được lặp lại nguyên tắc cơ bản vừa bàn ở trên là bất cứ công ty nào muốn niêm yết trên sàn Mỹ đều cần phải có sự minh bạch (transparency) và thông tin khai báo đầy đủ (full disclosure). Đây cũng là yếu tố đòi hỏi của mọi sàn trên thế giới, kể cả Việt Nam. Tuy vậy, sự khác biệt là cơ quan SEC của Mỹ kiểm soát luật lệ này (law enforcement) rất chặt chẽ và nghiêm túc. Đòi hỏi về báo cáo tài chính cũng rất chi tiết: phải được kiểm định bởi một công ty kiểm toán quốc tế đã được chấp nhận bởi hội đồng giám định của AQRB (Audit Quality Review Board) và theo đúng tiêu chuẩn của nguyên tắc kế toán chung (GAAP - General Acceptable Accounting Principles). Ngoài ra, mọi báo cáo quý (10Q) và báo cáo thường niên (10K) đều phải nộp cho SEC đúng thời hạn quy định. Nếu công ty có thị giá lớn hơn 700 triệu USD, thời hạn cho 10Q là 30 ngày và 10K là 60 ngày. Với những công ty nhỏ hơn thời hạn là 45 ngày và 90 ngày.
Tuy vậy, tầm cỡ của công ty sẽ là một yếu tố quan trọng trong sự đòi hỏi về điều kiện niêm yết của các sàn chứng khoán. Tầm cỡ thường được đo lường bằng thị giá (estimated market cap), không phải tài sản hay doanh thu. Sàn New York (NYSE) lâu đời, nổi danh và được kính nể nhất thường đòi hỏi một thị giá không dưới 1 tỷ USD và lựa chọn những công ty có lịch sử và thương hiệu lâu dài như Citigroup, Exxon Mobil, GE,... Sàn Nasdaq thì thích những công ty phát triển nhanh, chuyên về công nghệ cao như Microsoft, Intel, Cisco,... Nếu những công ty này có thị giá dưới 200 triệu USD, thì Nasdaq cho vào nhóm Nasdaq Small Cap thay vì National Market. Còn AMEX thì hay niêm yết những công ty tài chính, những ngân hàng nhỏ, không nhấn mạnh nhiều về thị giá. Với OTC và Pink Sheet, thị giá không phải là một điều kiện. Tuy vậy, market maker chỉ muốn bảo lãnh cho công ty có cổ phiếu tiềm năng về tính thanh khoản (liquidity) vì họ hưởng hoa hồng trên số lượng mua bán nên không muốn mất thì giờ với những cổ phiếu không có khách hàng.
Do đó, chúng ta nhận rõ một điều là sàn Mỹ (do các công ty tư nhân sở hữu) chỉ lưu tâm đến những công ty có tiềm năng tạo nên khối lượng mua bán cổ phiếu càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, những sàn do Chính phủ tổ chức và điều hành tại các quốc gia khác lại quan tâm đến các yếu tố ngoài thị trường, như bảo vệ cổ đông công cộng, giá cả lên xuống, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô …
Một điều kiện không nằm trong luật lệ nhưng rất ảnh hưởng đến sự niêm yết của công ty là vấn đề phí tổn để niêm yết và bảo dưỡng sự niêm yết. Phí tổn này tối thiểu cũng lên đến 300.000USD (thời điểm năm 2008) lúc khởi đầu và khoảng 20.000USD cho mỗi tháng sau đó. Do đó, tối thiểu công ty cũng phải có một lợi nhuận lớn đủ để chịu đựng thêm phí tổn này hoặc ước tính là thị giá hay số tiền mình gây quỹ từ thị trường công cộng phải đủ lớn để thoả mãn điều kiện thực tế này.
Như đã nói, vấn đề niêm yết dù tốn kém không phải là bài toán khó khăn. Việc tạo dựng một kế hoạch tiếp thị và một hệ thống phân phối để cổ phiếu được mua bán với số lượng lớn là yếu tố quan trọng nhất trong việc niêm yết.
GIÁ VÀ SỐ LƯỢNG MUA BÁN CỔ PHIẾU
Ban quản trị cũng như cổ đông của một công ty niêm yết đều lưu tâm đến hai mục tiêu chính: cổ phiếu phải giữ được giá cao và số lượng giao dịch phải thật lớn để đạt được tính thanh khoản. Nguyên tắc cần được ghi nhớ trong việc điều hành cổ phiếu này là phải coi cổ phiếu như là một sản phẩm nòng cốt của công ty.
Quý vị quản lý một món hàng nòng cốt của công ty như thế nào? Kỹ thuật quản trị thường đề nghị những phương thức căn bản như: biết rõ nhu cầu của khách hàng mục tiêu, tạo lập một kế hoạch tiếp thị, xây dựng đội ngũ bán hàng và hệ thống phân phối, liên tục tạo thương hiệu lâu dài, gia tăng giá trị của sản phẩm và chương trình hậu mãi để giữ khách hàng cho tương lai.
Nhìn từ quan điểm quản trị cổ phiếu, những phương thức đem ra áp dụng cũng không khác biệt lắm.
1. Biết nhu cầu khách hàng
Khách hàng mục tiêu của cổ phiếu quý vị là những nhà đầu tư chuyên nghiệp và cá nhân. Khi bắt đầu niêm yết, mỗi công ty phải có một chân dung (profile) rõ ràng về những khách hàng tiềm năng của cổ phiếu. Chẳng hạn, một công ty nhỏ thì đừng mất thì giờ với những quỹ đầu tư lớn, bảo thủ, với nội quy là không được mua cổ phiếu của các công ty có thị giá dưới 300 triệu USD (micro caps ). Một công ty sản xuất vật liệu xây dựng đừng mất công tiếp thị đến những quỹ đầu tư chuyên mua các công ty công nghệ cao (hi-tech). Các hãng bảo hiểm và ngân hàng thường ưa thích những công ty địa ốc hay hạ tầng (infrastructure); và họ thường chỉ được phép mua bán cổ phiếu của các công ty cao cấp (blue-chip). Biết rõ nhu cầu của khách hàng mục tiêu và biết cách để tiếp thị với họ là công việc số 1 của việc quản trị cổ phiếu.
Sau khi xác định rõ chân dung khách hàng, trong đó có một liệt kê đầy đủ những nhu cầu và ưu thích của họ, nhóm quản trị cổ phiếu phải cố gắng liệt kê một danh sách thật đầy đủ, với những phân loại và dữ liệu cá biệt. Danh sách phải có tên, địa chỉ, cách thức liên hệ và mọi chi tiết cần thiết khác để những người bán hàng tiện dùng. Một công ty nhỏ thường phải tìm ra ít nhất 100 quỹ đầu tư mục tiêu và khoảng 10.000 cổ đông tiềm năng.
2. Lập kế hoạch tiếp thị
Kế hoạch tiếp thị cho việc mua bán cổ phiếu cũng không khác gì kế hoạch tiếp thị cho một sản phẩm. Những phần chính tạo nên kế hoạch phải bao gồm:
a. Tầm cỡ thị trường và hệ số phát triển: Ngoài những khách hàng đã xác định ở phần trên, phải duyệt qua mọi tiềm năng trên các thị trường chứng khoán quốc tế, cũng như mọi loại quỹ đầu tư và cơ quan tài chính trên toàn cầu. Con số các nhà đầu tư cá nhân và những hiệp hội doanh nghiệp có thể ưa thích cổ phiếu phải được dò tìm thật chính xác.
b. Kế hoạch định giá: Khi mới làm IPO, giá cả sẽ là một định tố quan trọng trong việc hấp dẫn khách hàng. Tuy vậy, nếu giá cổ phiếu quá thấp mà không có được một chương trình tiếp thị hoàn hảo thì thị giá khó vươn lên sau này. Khi đã niêm yết, phải có kế hoạch để giữ giá cổ phiếu cao với chương trình PR-IR (liên hệ cổ đông, Public Relation-Investor Relation) và xây dựng thương hiệu.
c. Phân tích về cạnh tranh: Những cổ phiếu cạnh tranh với công ty bạn thường là những công ty cùng ngành nghề, cùng vị trí địa dư, cùng tầm cỡ. Một bản phân tích những điểm mạnh yếu cơ hội và thách thức (SWOT) của họ để so sánh với SWOT của mình là một điều rất bổ ích.
d. Chiến thuật tiếp thị: Để đạt mục tiêu của tiếp thị, cần phải nêu rõ những chiến thuật với đầy đủ chi tiết, như việc quảng cáo, PR-IR, trang Web công ty, chiến dịch gửi thư điện tử (emailings), tiếp xúc với nhà đầu tư (road shows), triển lãm hội nghị (trade shows and exhibits), điện đàm (conference calls), thông báo tin tức (press releases), cẩm nang (brochures) và DVD của công ty …
e. Đội ngũ bán hàng và hệ thống phân phối: Phải thành lập một đội ngũ gồm những nhân viên đã có kinh nghiệm trong việc giao dịch cổ phiếu và liên hệ công chúng để điều khiển và làm việc với các nhà môi giới (brokers), các nhà tạo lập thị trường (market makers) cũng như các quỹ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân.
f. Đo lường hiệu quả: Trong mọi kế hoạch, việc điều chỉnh chiến thuật cũng như chiến lược là nhu cầu thường trực. Phải đặt ra mục tiêu rõ ràng bằng con số như: trong vòng 6 tháng tới giá cổ phiếu phải lên 2 và số lượng giao dịch phải đạt trung bình là 400.000 một ngày. Sau đó, tuỳ sự vượt trội hay suy kém của mục tiêu mà lo sửa đổi.
g. Dịch vụ hậu mãi: Khác với một sản phẩm như chiếc điện thoại di động, người mua thường lưu giữ ít nhất là vài ba tháng dù họ không thoả mãn khi mua xong. Với cổ phiếu, họ có thể bán lại trong vòng vài tiếng đồng hồ. Do đó, dịch vụ để làm các cổ đông hài lòng là một cố gắng vượt bậc. Điều mà cổ đông đòi hỏi là cho họ thấy rõ ràng sự cố gắng của Ban quản trị và tiến bộ đạt được của công ty trong mọi hoạt động. Thêm vào đó, sự minh bạch và kỷ cương công ty phải tạo niềm tin để họ giữ cổ phiếu.
3. Sự quan trọng của PR-IR
Như đã trình bày, các nhà đầu tư lớn nhỏ tại các sàn chứng khoán Mỹ có hơn 10 ngàn công ty để lựa chọn. Vì hệ thống mậu dịch tự do của Mỹ, Nhật và các nước Âu Châu còn có thêm hơn 8.000 công ty khác để giao dịch. PR-IR là vũ khí duy nhất để công ty quý vị được để mắt đến.
PR Public Relation - Quan hệ công chúng là những hoạt động liên quan đến việc tạo ấn tượng, danh tiếng, hình ảnh tốt về công ty trong suy nghĩ của công chúng bằng mọi phương tiện truyền thông. IR (Investor Relation) cũng tương tự, nhưng mục tiêu không là quan hệ công chúng rộng rãi mà chỉ nhằm thẳng vào các cổ đông cũng như các nhà đầu tư tiềm năng của công ty.
Vì đây là một vấn đề sinh tử cho giá cổ phiếu và số lượng giao dịch của công ty, tôi khuyên quý vị nên đọc kỹ hơn bài viết “Căn bản của PR-IR” đăng nơi Phụ lục A.
Tôi chỉ xin tóm lược các điều chính:
a. Mục tiêu của PR-IR là giữ cổ đông hiện tại của công ty và gia tăng thêm cổ đông mới, 24/7.
b. Bước đầu tiên là hiểu rõ nhu cầu hay suy nghĩ của cổ đông tiềm năng. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp quyết định mua hay bán trong một tiến trình 7 bước: Đặt mục tiêu; Định chiến thuật; Thu góp thông tin; Phân tích dữ liệu; Hiểu giới hạn và thành kiến; Kiểm định rủi ro và Quyết định. Với các nhà đầu tư cá nhân, đôi khi xúc động cá nhân và tin đồn của đám đông là những yếu tố mạnh nhất.
c. Tất cả mọi phương tiện truyền thông phải được sử dụng thật hữu hiệu. Vì tính tương tác và khả năng thanh lọc (focus), các giao tiếp qua Web được coi là hiệu quả nhất về phí tổn. Tuy vậy, những phương thức cổ điển như buổi tiếp xúc với nhà đầu tư (road show), điện đàm (conference calls) hay thông báo (press release) vẫn là những vũ khí thông dụng.
d. Phải đo lường hiệu năng của chương trình PR-IR thường xuyên bằng cách so sánh phí tổn và kết quả trên giá cổ phiếu cũng như lượng giao dịch. Điều chỉnh 6 tháng một lần để chương trình được năng động và mới lạ.
4. Mạng lưới phân phối cổ phiếu
Nếu PR-IR có khả năng hấp dẫn khách hàng đến với cổ phiếu và giữ cổ phiếu sau khi mua, thì mạng lưới phân phối cổ phiếu là điểm giao tiếp giữa khách hàng và cổ phiếu. Như một quầy bán hàng ở một siêu thị rộng lớn, nơi đây các người bán hàng (nhà môi giới, brokers) sẽ đẩy khách mua nhanh hơn hay khuyên khách nên nghĩ hay chọn mua các mặt hàng khác. Sự tiếp cận để những nhà môi giới có cảm tình hay giới thiệu cổ phiếu quý vị phải là một lưu tâm. Thêm vào đó, trên các sàn Mỹ, hệ thống nhà làm giá (market makers) là những nhà cung ứng sỉ cho mặt hàng hay cổ phiếu quý vị. Càng nhiều market makers, càng dễ mua chứng khoán với giá rẻ, vì nhà market makers kiếm tiền bằng sự sai biệt giữa giá bán và giá mua. Có nhiều cạnh tranh, họ bán với một giá sai biệt rất nhỏ (khiến cổ phiếu của quý vị rẻ hơn cho người mua). Không có hay rất ít market makers, giá sai biệt sẽ rất cao và tính thanh khoản sẽ giảm, cổ phiếu sẽ như một món hàng ế ẩm, dần dần đi vào quên lãng.
Một công ty nhỏ thường chỉ có khoảng 3 đến 10 market makers làm giá; trong khi những công ty blue chip có thể có đến hàng trăm market makers tranh nhau mua bán.
Nếu quý vị xuất khẩu một mặt hàng mới vào một thị trường mới, quý vị cần đại diện thương mại, nhà nhập khẩu, các nhân viên bán hàng cũng như các nhà phân phối sỉ lẻ. Thông thường, các nhà nhập khẩu hay đại diện thương mại lo luôn việc bán và phân phối này cho quý vị. Với cổ phiếu, quý vị cũng có thể dùng những công ty tư vấn để phụ trách mạng lưới phân phối. Tuy vậy, những công ty này thường có rất nhiều khách hàng và họ không bao giờ lo đầy đủ hay ưu tiên để cổ phiếu quý vị đạt được mục tiêu giao dịch. Phí tổn phải trả cho các công ty tư vấn cũng rất cao. Thông thường, các công ty nhỏ phải trả ít nhất là 100.000USD mỗi năm cho những công tác căn bản và đơn giản. Do đó, ngoài việc muốn một công ty tư vấn về PR-IR và bán hàng, quý vị phải tự tổ chức một mạng lưới riêng cho công ty mình.
TƯ DUY VÀ XỬ LÝ CỦA BAN QUẢN TRỊ
Vì tư duy là đầu mối của mọi hành động, Ban quản trị phải có quyết tâm và suy nghĩ phù hợp với việc niêm yết sàn nước ngoài. Không có tư duy phù hợp thì sẽ có cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong điều hành và quản trị việc niêm yết. Không đạt được mục tiêu, hậu quả sẽ là một tổn thất lớn về thời gian và tiền bạc.
Về mặt pháp lý, quản trị một công ty công cộng tại Mỹ cũng có nhiều điểm tương tự như một công ty công cộng tại Việt Nam. Thế nhưng, tư duy và cách xử lý của Ban quản trị phải thay đổi rất nhiều vì một công ty Mỹ sẽ có rất nhiều cổ đông người nước ngoài. Khác với các cổ đông Việt Nam, dù là thiểu số, các cổ đông nước ngoài thường rất năng động, phát biểu rất tự do, đòi hỏi thông tin rất nhiều, thích thưa kiện, cần sự minh bạch và kỷ cương công ty (corporate governance) phải thật nghiêm túc. Báo cáo tài chính cũng như hoạt động của công ty sẽ được mổ xẻ bởi chuyên gia tài chính lỗi lạc của thế giới, bởi những quỹ đầu tư rất giỏi về phân tích và kế toán. Ngay cả nhà đầu tư cá nhân cũng có khả năng cao về phân tích và họ rất ồn ào về lời bình phẩm. Bất cứ một lỗi lầm gì, dù nhỏ cũng sẽ được báo cáo lại cho cơ quan SEC và các nhà đầu tư sẽ dùng các lỗi lầm như bàn đạp để đưa đến những thưa kiện của nhóm (class action suit). Tóm lại, quý vị sẽ phải điều hành công ty dưới một gọng kính hiển vi và mọi thành công hay thất bại nhỏ đều được phóng đại lên cả ngàn lần.
1. Vấn đề tài sản tư và công
Phần lớn các tài sản của các công ty Việt Nam là của công vì 76% GDP của nền kinh tế vẫn nằm trong lĩnh vực công (quốc doanh hay bán quốc doanh). Tuy vậy, sự quản lý tài sản công thường được Chính phủ hay Đảng giao cho một cơ quan quản thủ và người trưởng cơ quan là nhân vật duy nhất có trách nhiệm kiểm soát. Người trưởng cơ quan lại giao việc điều hành cho Ban quản trị đứng đầu là Chủ tịch hay Tổng Giám đốc. Vì cơ quan không trực tiếp điều hành, vị Chủ tịch hay Tổng Giám đốc (CEO) thường có quyền hạn rất rộng rãi. Trên nguyên tắc, Chính phủ có nhiệm vụ thanh tra cũng như rà soát mọi hoạt động để công ty đạt được hiệu quả và mục tiêu. Nhưng trên thực tế, không ai giám định hay điều khiển vị CEO và vị này coi như được hưởng một quyền hạn tuyệt đối (trừ khi vị CEO phạm một lỗi lầm quá lớn, tạo nên một dư luận rất xấu).
Phần lớn tài sản của các công ty Mỹ thường được coi là tư (không dính líu gì đến Chính phủ), nhưng khi một công ty trở thành một công ty công cộng (lấy tiền của công chúng) thì Chính phủ phải có nhiệm vụ bảo vệ các tài sản này để tránh mọi thiệt hại cho người dân. Do đó, các công ty tư này được kiểm soát chặt chẽ như một ngân hàng hay một cơ sở tiện ích (nước, điện, TV, …). Vì tài sản là của công chúng một phần cho nên công chúng được toàn quyền xem xét sổ sách công ty. Nếu thấy có nghi ngờ, họ được toàn quyền phê bình chỉ trích tự do, được toàn quyền kiện Ban quản trị của công ty nếu họ thấy các vị này làm thiệt hại quyền lợi công ty. Nói tóm lại, nếu vị Chủ tịch một công ty công cộng mua một chiếc Mercedes sang trọng để dùng cho cá nhân mà không có minh chứng rõ ràng, các cổ đông có thể kiện vị Chủ tịch ra toà về tội lạm dụng quyền thế.
2. Vấn đề lợi ích công ty và lợi ích cá nhân (conflict of interest)
Từ tư duy tài sản ở trên, chúng ta có thể kết luận thêm một điều là lợi ích cá nhân khi đi ngược lại với lợi ích công sẽ bị các cổ đông phản đối, bằng lời nói cũng như hành động. Ban quản trị thường hết sức tránh những xung đột lợi ích (conflict of interest) bằng cách đặt những quyết định hằng ngày xa lánh mọi liên hệ cá nhân. Họ rất cẩn thận khi xử lý một khế ước thương mại cho công ty của người bà con hay việc thuê mướn một nhân viên có liên hệ với mình. Chắc quý vị còn nhớ việc ông Paul Wolfowitz, Chủ tịch World Bank bị sa thải vì đã cho lên chức cô bạn gái của mình vào năm 2007. Đây là vấn đề các cổ đông bên ngoài hết sức lưu tâm mà quý vị nên luôn luôn nhắc nhở mình.
3. Vấn đề áp đặt pháp luật (Law enforcement)
Như đã thưa, luật lệ về các công ty công cộng của Mỹ cũng rất tương tự như của Việt Nam. Điểm khác biệt chính là tính chất áp đặt pháp luật rất nghiêm minh và chặt chẽ của cơ quan SEC và Bộ Tư pháp Mỹ (Department of Justice). Không những thế, khi trở thành một công ty công cộng, quý vị phải chịu sự giám sát của cả ngàn cổ đông (vì quyền lợi của họ) cũng như các nhà phân tích cổ phiếu, các ngân hàng và quỹ đầu tư, cũng như mọi cơ sở truyền thông trong một xứ sở mà tự do báo chí là đệ tứ quyền. Không những thế, hệ thống báo động các vi phạm luật lệ của Mỹ rất tinh vi, với những bộ máy vi tính rất hiện đại và các chương trình dữ liệu rất bén nhạy. Có thể nói, dù là giả tưởng nhưng các bộ phim Hollywood mô tả rất gần với thực tế về những thủ thuật điều tra tội phạm của các cơ quan công lực Mỹ.
Giao dịch nội gián (insider trading) chỉ bị phạt tiền ở Việt Nam nhưng ở Mỹ quý vị có thể chịu án từ 5 năm đến 50 năm tù vì “bội thệ” (perjury) hay nói dối với nhân viên công lực có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 20 năm. Một trong những scandal hàng đầu trong năm 2004 ở Wall Street là vụ bà Martha Stewart phải đi tù 10 tháng về tội nói dối. Bà Stewart là một tỷ phú nổi danh sở hữu công ty truyền thông Omnimedia cỡ lớn ở New York và riêng bà là chủ một TV show rất phổ thông. Năm 2001, bà bán 3.000 cổ phiếu của công ty Imclone sau khi nhận được “tip”(1) là giá sẽ xuống nặng. Khi SEC điều tra về vụ bán sớm này, bà nói dối đó là quyết định riêng của người môi giới, không liên hệ gì đến bà. Chỉ một lời nói dối và một lợi nhuận không quá 250.000USD (bà có tài sản hơn 2 tỷ USD), bà phải vào tù năm 2004.
4. Yếu tố minh bạch và kỷ cương công ty (transparency và corporate governance)
Đây là một yếu tố mà tôi đã lặp đi lặp lại nhiều lần ở nhiều phần khác nhau trong suốt tập sách này. Lý do vì đây là một yếu tố căn bản mà nếu tư duy quý vị không thể thay đổi để tôn trọng và thi hành thì việc niêm yết ở sàn Mỹ sẽ là một vấn nạn lâu dài cho quý vị và công ty, cũng như mọi cổ đông liên hệ.
Tôi đã nói rõ phần minh bạch ở các vấn đề kiểm toán cũng như việc đăng ký các báo cáo định kỳ của công ty 10Q, 10K và các báo cáo khác. Xin đọc lại phần E của Chương 3 để hiểu rõ về kỷ cương công ty.
Tôi chỉ muốn kết luận là, khi niêm yết ở sàn Mỹ, Ban quản trị của công ty phải hoạt động như những người ở trong một ngôi nhà bằng kính: tất cả mọi cử chỉ, hành động và quyết định của quý vị sẽ bị theo dõi, quan sát và phê bình vào bất cứ thời điểm nào, nhất là khi cổ phiếu của công ty đi xuống. Mọi cố gắng che đậy, giấu giếm hay làm lu mờ sự thật đều sẽ bị phanh phui, không sớm thì muộn. Và hậu quả là một sự trừng trị không nương tay của hệ thống pháp luật.
Niêm Yết Sàn Mỹ Niêm Yết Sàn Mỹ - Alan Phan Niêm Yết Sàn Mỹ