Đôi khi, những thành quả tuyệt vời lại xuất phát từ những thất bại sớm gặp phải.

Thomas H. Huxley

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 75
Cập nhật: 2017-07-11 14:13:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
y Lan về đến ngõ - đường đã lác đác vắng trong ánh sáng ướt sương. Còn quay lại nhìn, nhìn vu vơ, rồi mới bước vào cái hẻm không có đèn đường, tối mờ. Tiếng gió vù vù trướt qua những cành vông trơ trụi.
Cái gì bâng khuâng, hồi hộp, lo lo. Năm mới, số phận con người rồi sao đây. Xem bói, chứ mình bói lấy cũng biết được đời mình chỉ có buồn. Từ khi còn thơ dại, đã chồng chất biết bao nhiêu khổ ải.
Ô lạ, trong ngõ, ánh điện kẻ sáng dọc những khe cửa, khe giấy dầu che mái. Mới nhớ, cuối năm, nhà đèn về mắc điện vào từng lều. Sáng trưng tất! Cái ngõ này chưa bao giờ biết có điện. Mắt chịu quen tối đến nỗi, My Lan tưởng đi lạc vào chỗ lạ.
Mùi hương vòng nhà ai thơm thoảng ra trên rãnh nước có con chuột cống lép nhép đi qua, lẫn mùi hôi nước cống bốc lên từ lòng rãnh và ở những gò rác quanh đấy. Có hôm cả gió, đến các nhà cuối hồ Ba Mẫu ở Đồng Lầm bên kia cũng phải cắm nén hương lên cho át mùi hôi, đến bữa mới nuốt trôi được miếng cơm.
My Lan bước tới. Trong nhà, Thư vẫn còn thức. Có lẽ đã gà gáy. Trước cái chõng nan, trên mặt chiếc va li gỗ vàng rộm, đôi bánh chưng, đĩa hoa cúng, cốc nước, cuốn khói một nén hương gài khe cặp bánh.
Thư quay ra, hỏi:
– Cô có gặp cháu Lâm không, cô?
My Lan không muốn kể lúc nãy gặp nó ném pháo. My Lan chỉ nói:
– Thấy nó đi chơi trên Bờ Hồ.
Tròng nước mắt ánh dưới bọng mắt Thư. My Lan nghĩ hối hận vừa rồi đã không tìm rủ Lâm về.
My Lan cười cười, ngồi xổm xuống trước chõng:
– Tết nhất phải vui lên, chị ạ.
Thư cười gượng:
– Tôi lo cho cháu.
My Lan ngồi ngả đầu vào Thu, như con mèo dũi người. My Lan đương muốn vui. Rồi My Lan đến giường, cầm ra chỗ Thư hộp lược, trong có lọ kem. Lại đưa đến chiếc khăn nhung và cái áo dài nhiễu màu gụ.
– Đánh phấn đi... Mặc đẹp chứ...
Thư cúi mặt. My Lan hỏi trêu:
– Chị sẽ chúc em năm mới được những gì nào?
Thư bật cười:
– Chúc cô năm mới vạn sự như ý.
My Lan lặng im, lơ đãng nhìn ra ngoài bóng tối.
Chót nhớ lại cái người lúc nãy ở cửa đền Ngọc Sơn, nói mấy câu chủng chẳng. Tuy nhiên, rồi My Lan kể lại cho Thư nghe cuộc gặp gỡ như một câu chuyện đậm đà khác hẳn. Câu chuyện tưởng tượng đã làm vui năm mới, trước nhất cho người kể.
My Lan nói, như vơ lấy phần mình:
– Thế là đi xuất hành em gặp may.
Ngoài rãnh nước, dế kêu râm ran. Nhà ai cúng sớm, có tiếng chặt thịt gà côm cốp. Đằng xa, tiếng mõ tụng kinh phảng phất lại. Trên phố trên vẫn giội xuống tiếng pháo, có lúc sầm sập như mưa rào ở xa.
Có lẽ câu chuyện gặp gỡ vớ vẩn của My Lan cũng làm Thư lây vui.
Thư nói:
– Xem ra thì cô mê người ta rồi.
My Lan nũng nịu:
– Chim trời cá nước thôi.
Thư nói:
– Cái giống đã phải hơi nhau thì đi đến đâu rồi cũng lại quàng vào nhau. Cô cứ nghiệm mà xem.
Nói thế xong Thư lại im, mặt buồn hẳn. Lát sau, Thư nói khẽ:
– Có điều tôi bảo cô.
My Lan ngồi xuống bên Thư, nghiêng mặt lên, vẻ tinh nghịch:
– Bảo gì nào?
Thư nghiêm nghị:
– Cô còn muốn cho mẹ con tôi ở thì đừng đưa ai về đây nhé. Tôi sợ lắm.
My Lan trề môi:
– Tưởng gì, hóa ra cấm cửa!
Thư thở dài:
– Cô biết đấy. Mẹ con tôi có sống được không, hay là...
– Rõ lo con bò trắng răng.
Thư thiết tha:
– Là tôi dặn cô. Cô muốn đuổi mẹ con tôi thì cô cứ...
My Lan cười:
– Làm như nhà này là cái chuồng gà không bằng. Có mua gà thì mới đem về dễ thế được. Vâng, vâng, em nghe lời chị.
Rồi My Lan cười rúc rích vào bóng đêm, đầm ấm gian nhà nhỏ, kéo dài qua câu chuyện chẳng đáng cười.
Tiếng loa văng vẳng:
– A lo... A lo... mời bà con ra trụ sở vui xuân mừng năm mới... A lo... A lo...
Đã tang tảng sáng, mỗi lúc một nhìn rõ những chiếc cờ bé xinh cắm trên nóc các mái nhà thấp nghiêng, lất phất bay. Rồi tiếng guốc mới khua lóc cóc - guốc trẻ con đi qua ngõ. Mùng một Tết, trẻ con hay dậy sớm xem năm mới có gì lạ không.
o O o
Vào đầu thế kỷ này, từ phía nam thành phố đi lên, mới thấy ở dốc cây Thị, chỗ ngã năm đường Bà Triệu bây giờ lèo tèo vài mái cỏ quán nước của người nhỡ độ đường. Phải qua đường thập đạo, đi hết con đường đất từ dốc Hàng Gà, ra hồ Thiền Cuông, về đến các làng Thể Giao, làng Vân Hồ, mới lại gặp xóm lơ thơ nhà.
Ít năm sau, tòa đốc lý có lệnh bắt lấp hồ ao. Ngày ngày, những cái xe bò người kéo chở rác lũ lượt đến chổng đuôi lên, trút các thứ rác rưởi thành phố xuống hồ. Dần dần, rác ngấu thành đất, cây cỏ mọc trước rồi người đến phát quang, làm lều làm nhà. Ở đất phường phố, bất cứ chỗ nào moi ra được miếng ăn chỗ ấy có người đến - trên mặt nước hay ở bãi rác, bãi tha ma cũng thế.
Không ai nhớ từ năm nào, phố xá đã mở ra tận ngã tư Vọng, thế mà lại bỏ sót ở đằng sau một khoảnh bãi rác này.
Cho đến năm một nghìn chín trăm năm mươi nhăm, ai đi phía những dãy nhà “viện trợ Mỹ” ở Vân Hồ ra, hay từ đằng Kim Liên lên, bên hồ Thiền Cuông sang, lối nào qua đấy cũng chỉ được vài bước chân đã đâm vào ngổn ngang những gò rác. Nhưng nhìn kỹ, thấy trong những đống rác nhô ra những mái nhà ở trên một lối đi quanh co. Cái ngõ thật quái lạ.
Hà Nội trong thời kỳ vừa rồi, đâu đâu cũng bày ra quan cảnh trái ngược như thế, nhưng không chỗ nào nhiều bề bộn thương tâm như ở cái ngõ bãi rác khốn cùng này.
Từ bao giờ, thành phố thời trước hầu như đã có sự sắp xếp quen thuộc. Cái gì tinh tươm thì ở ngoài phố chính. Các thứ nhà cửa rách rưới, lúc nhúc thì chui vào trong ngõ hẻm ngõ cụt. Nhưng, người ở Hà Nội lâu nói: chưa bao giờ có cái đống người ở ngập ngụa trong rác đến như thế, chỉ từ những năm Tây trở lại, cả đến Tây cũng không chắc đã ăn đời ở kiếp trên đất này, mọi việc lúc nào cũng quáng quàng, thấp thỏm, mới sinh ra những nơi những cách sống tạm bợ như thế.
Ở Hà Nội có thể trông kiểu nhà, đoán được tuổi nhà. Nhưng những hang ổ các ngõ bãi rác này không ai rõ đã mọc từ bao giờ. Chỉ biết rác đổ đến đâu, có chân người đi gí phẳng xuống, thì mái nhà nhô lên. Còn người đến ở, mỗi năm mỗi mùa mỗi lúc mỗi tình thế, con người như rác cũng trôi dạt theo.
Thôi thì đủ thứ người. Có lúc từng bọn vợ con lính trú tạm đợi đổi đi đồn lẻ. Những cô nhân tình nhân bánh người ta đem giấm giúi đến. Những tay tề ngụy ở khu trắng, sợ Tây càn, sợ cả du kích, chẳng ai mách ai mà khéo nghĩ ra, chạy chụm lên nương náu trong bãi rác. Lâu lâu, tòa thị chính lại đến đếm người, lập sổ căn cước. Lần nào cũng không làm xong. Người ở đâu cứ đùn đến lại bỏ dở. Những tay đạp xích lô, ba gác, gái giang hồ, người nghiện, du côn, thất nghiệp... Có khi mật thám vào trói giật cánh khuỷu, đẩy hàng xốc đi một lúc. Chẳng biết bị bắt về tội gì. Lại càng bối rối. Cái ngõ cứ bộn rộn, mỗi hôm, nước rác thành phố lại tuôn đến, chất núi, cao hơn, tưởng như sắp ập xuống, vùi cả người cả nhà vào trong. Thế nhưng, chỉ ít ngày, rác lại xẹp dần, đến lúc phẳng thì người ở lấn lên trên và thành lối đi qua.
Cái ngõ rác nhấp nhô dài thêm, ngang dọc rồng rắn. Không biển phố, không số nhà. Chưa khi nào thành một vệt kẻ trên bản đồ thành phố.
Trong ngõ ấy cũng đã có thời kỳ cơ sở cách mạng đặt được mối đường dây bí mật của quận nội. Tuy không chắc chắn, nhưng ở đấy tạp, mật thám khó lần được đích xác. Bây giờ người ta vẫn kể lại chuyện đã có cán bộ đến trú trong bãi rác, đợi liên lạc ra vùng tự do. Có lần bà con đã quyên thuốc Tây ra “hậu phương”. Nhưng bây giờ không biết đích ai, nhà nào. Người ở đây mỗi lúc mỗi khác, nhà ở hay nhà đi cũng chỉ phải nhổ, phải đóng vài cái cọc rồi mở ra, cuốn vào mảnh ni lông, giấy dầu, mảnh bạt, đã xong.
Cũng như, có những đám trẻ con ở đấy, không biết con cái nhà ai. Đứa bán ngô rang, bánh khúc. Đứa đi kéo tôm. Đứa cắt cỏ. Như những con chim sẻ ngủ trong ống kèo, ngày ngày bay ra. Những bụi đời, bay đi đâu thì bay.
Từ mấy lâu nay, các ngõ ở bãi rác đổi một vẻ khác - và lại thay nhiều người mới.
Những người trong làng năm trước tránh ra ở tạm, bây giờ về quê hẳn. Vợ lính, gái giang hồ, du côn, cò mồi gá bạc, tan tác đi nơi nào không biết. Chánh lý, tề ngụy vùng đai chạy vào, cũng lủi đâu hết.
Và thêm những nghề mới. Có người cứ đi đâu lại thu thu về từng cuộn dây thép cũ xám xịt. Người ta đi mua lại hay ra đầu ô chui vào cỏ mọc lút mắt gỡ dây thép các lô cốt, các boong ke. Chỗ thì chặt ra, tán đầu, làm các thứ đinh. Cuộn thì kéo dài nữa, làm dây thép nhỏ hơn. Đinh dây thép gai, chỉ một nhát búa đã oặt.
Đêm đến, tiếng gió rào rào quanh mái lều. Những tiếng rao hàng quen thuộc vọng vào. Khắc khoải từ chặp tối đến khuya, chốc lại nghe, chốc lại nghe: khúc nóng đây... khúc nóng... Làm gì ra lá khúc quanh năm. Bánh khúc làm rặt rau muống, rau diếp trộn gạo rớn. Người từ ô Cầu Rền vào, người ngụ quanh hồ và trong bãi rác, cứ đội thúng bánh khúc đi như đội cái đọi đèn. Có tiếng rè rè: Chế mà phù... cái xe vuông vuông trong có nồi chè vừng đen. Chẳng biết vừng hay bột pha gì đen nhánh như bánh gai vữa. Cái xe đẩy lọc cọc chẳng ma nào gọi, vào đến chỗ khấp khểnh quá, lại quay ra. Rồi tiếng rao: tẩm quất tẩm quất... cùng với tiếng cái đầu gậy rơi xuống mặt đường, con đường hun hút trong ánh điện nhấp nhoáng. Lão tẩm quất ấy sờ soạng đi mãi đâu, ai tẩm quất?
Con người cứ như con chim ăn đêm ăn ngày, đậu cây này đậu cây khác, thoắt đấy lại đi, không ai biết, cũng không ai hơi sức đâu mà để ý được. Những người vì tình thế mà đến đây, chẳng ai đứng lâu. Chỉ những người tay trắng khó bay nhảy đành chịu đọng lại. Chuyện xuống Phòng, vào Nam sôi sục các phố ngoài, đến đây lạnh ngắt.
Tổ trưởng dân phố là Bốn xế lô. Anh được cái trường giọng gọi loa. A lo... A lo... bên kia hồ còn nghe. Những tối tổ trưởng đọc báo hay bản tin mà chõ loa ghếch lên, đến các nhà tận bến xe Kim Liên cũng rõ mồn một.
Ông Ba Gác - có cái xe ba gác chở thuê, làm tổ phó.
Nhà bác cả Chù đến đây mới được ít lâu. Bác ở Phát Diệm lên, định đi Nam. Nhưng bố con dắt díu nhau xuống đến Hải Phòng, thấy cảnh xô đẩy vào tàu há mồm, ông cố cầm ba toong vụt vào đầu những người chen nhau, bác chán ngán quay về.
Nhưng không dám về Phát Diệm. Thế nào mà lăn lóc đến ngõ bãi rác. Bố con nặn các con giống đem bán lấy cái độ nhật, sống bằng hòn đất vậy. Ngày ở dưới quê, những lúc rỗi việc đồng, vẫn đắp tượng thánh đem bán buôn cho các hàng xén ở phố Trì Chính. Bây giờ cả Chù nặn mâm ngũ quả. Hai cô con gái chưa khéo tay thì làm con tu huýt còi, con lợn bỏ ống, con rùa.
Mới ở đâu dồn về bao nhiêu người, khó mà thuộc mặt. Bởi ai cũng biền biệt suốt ngày, tối mới tha thủi về. Người ta đi vơ váo làm ăn kiếm miếng. Bới rác. Bẫy chim sẻ. Những hôm động trời, đi kéo tôm hồ Ba Mẫu, hồ Bảy Mẫu quanh đấy. Đầm hồ từ phía nam lên, kể từ Đuôi Cá xuống Sét, xuống Linh Đường, bao nhiêu năm nay đã nuôi được người kẻ chợ bằng của trời nước. Đánh dặm, mò ốc nhồi, ốc bươu, ốc mút, câu ếch, đặt hom lươn. Quanh năm thế. Lại có ông áo dài trắng, đeo kính đen, chống gậy đi xem bói. Có bác quẩy hòn đá mài dao, đèo thêm cái thuốn sắt móc cống.
Cái bà bán thuốc - bà lang thuốc ê, trẻ con đặt tên thế. Bà lang đội một thúng các thứ lá khô và rễ cây. Tay còn xách chai mật ong vàng nhợt. Miếng cao hổ, cao gấu, cao khỉ đen nhánh bọc giấy bản, ai hỏi mới lấy ra. Cái hầu bao to, chẳng biết bìu tiền hay bìu thuốc quí, lúc nào cũng kè kè. Bà lang ngồi ở cửa chợ Đức Viên.
Kể đến những người ở đấy phải nói đến anh làm nghề đóng đinh tranh quảng cáo cửa rạp chiếu bóng. Anh này gói cái búa cái kìm cầm tay, đi về lúc nào, tận khuya.
o O o
A lo... A lo... Mời bà con...
Từ phía cống Vọng, đoàn tàu hỏa rít từng hồi còi lanh lảnh giữa tiếng chuyển bánh rầm rập như báo tin một ngày năm mới.
Anh Bốn xế lô đĩnh đạc trong bộ “com lê” tím thùng thình rộng, vai cúp tròn xuống, đứng chắp tay, như chủ nhà đón khách. Răng anh khểnh. Lúc nào nhớ thế anh lại mím môi lại, miệng múm mím gồ ghề, lúng túng.
Thư vẫn nhăn nhó, hỏi My Lan:
– Thật cô thấy cháu Lâm ở Bờ Hồ à? Sao bây giờ cháu chưa về?
My Lan sấn sổ nói:
– Làm gì mà cứ cuống cuồng lên! Chúi xó nhà thì đâm ra lẩn thẩn đấy. Phải đi đây đó xem ra sao mà còn liệu chứ.
Thư mếu máo:
– Biết liệu sao được nữa!
My Lan vùng vằng bước ra, đến trụ sở.
Nghĩ thế nào, Thư cũng đứng dậy, chải lại đầu, chít cái khăn nhung, mặc áo đi theo. Thư rón rén, người gầy mỏng mảnh xo ro, mặt cúi gầm.
Đường cái đã hẩng hẳn. Trên những cành vông lẳng khẳng màu trời đùng đục. Trụ sở phố là mấy miếng mái “phi brô” xi măng, áp vào vách nhà anh Bốn xế lô. Người ta ra bờ hồ chặt lau rồi đến đằng sau dãy nhà “viện trợ Mỹ” khiêng về mấy mảnh “phi brô”, dựng lên.
Ông Ba Gác chùm cái “ba đờ suy” lòe xòe lên đầu. Ông mua chợ Giời được cái áo còn mới nguyên. Bà con né hai bên, đẩy ông ra ghế đầu. Ông Ba Gác cao tuổi nhất xóm. Nhưng ông chùn lại, ngồi thụp xuống phía trong. Bởi vì mắt ông bị lông quặm. Ngồi vào một xó ấy, nhưng đã lại nghe ông đương cất cái giọng đường trong quen thuộc... Ơ ơ ai xui mà con sáo cái nó qua sông, cái nó qua sông, ơ cho nên cái mà con sáo ơ ơ sổ lồng cái kìa bay xa cái kìa bay xa... Ông nghêu ngao, cả những khi hát câu hát buồn, cũng là lúc ông đương vui.
Ngày Tết, ai có bộ nào lịch sự nhất diện vào. Nhưng không mấy cái hợp với vẻ mặt, dáng dấp người. Vừa nhác trông cũng đã biết mới tậu ở chợ Giời của những người bán tháo đi.
Bà lang ê xúng xính tấm áo đoạn cẩm châu hoa đại đóa chìm màu cánh chả. Cái áo sặc sỡ, diễm huyền chỉ thấy trên sân khấu rạp Chuông Vàng. Bà lại quấn khăn tua kín xuống quanh cổ. Khăn vuông tua đen nền với những người ở tuổi bà. Tấm khăn bà vẫn mơ ước, giờ mới mua được.
Bốn xế lô vui nhất, quen tay, cứ kéo cái cà vạt trễ xuống.
Anh nói:
– Bây giờ ta đình huỳnh có tổ dân phố. Thằng Tây ở đây cộc trán cũng không lập nổi thằng trưởng phố đến coi dân bãi này được. Tôi xin báo cáo lại chiều mồng bốn hóa vàng tiễn các cụ, cả xóm ăn cơm đoàn kết. Đồng ý chứ ạ?
Tiếng vỗ tay độp độp.
Bỗng trong góc nhà có tiếng hét váng lên. Bà lang ê nhảy vọt ra. Cái khăn tua của bà tung lên như tấm vải làm cánh xe quan thái sư ra trò ở rạp tuồng.
Bà lang run rẩy, hổn hển:
– Tôi giẫm phải...
– Cái gì? Cái gì?
Anh Bốn xế lô bước vào nhìn xuống gầm ghế trong. Một cái bóng lẻo khoẻo ngồi dậy.
Mọi người cười ầm.
– Thằng Lâm!
– Thằng Lâm nhà cái chị Thư!
Lâm ngủ thiếp ở gậm ghế từ bao giờ. Bà lang ê giẫm phải nó. Chị Thư ngồi chúi một góc, không ai thấy. Đến khi mọi người réo lên, chị mới ngật người tất tả vào xốc Lâm dậy. Rồi Thư cứ nguyên cả áo dài, cõng nó chạy, không ngoái cổ lại.
Anh Bốn xế lô nhòm các gầm ghế khác.
– Xem còn nhãi nào nằm đây nữa không. Ôn con mà cẩm như Tây say, chết thật.
Một người nói:
– Cái nhà chị Thư, người đâu mà nuông con đến thế!
– Cho nó một trận “xăng tan”.
– Chị ta cũng dữ đòn lắm đấy.
– Phải yêu cho vọt.
Được Bốn xế lô nói như khơi ra, người ta tranh nhau kể tội thằng Lâm. Nứt mắt đã thành “cô bồi”. Bây giờ, những việc hư hỏng như thế cứ trơ ra như cái lưng ghẻ, không ai chịu được.
Ông Ba Gác cười:
– Trước đèn xem truyện Tây Minh.
Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le.
Cho treo niêu là nhăn răng hết.
Đằng kia, ông Ba Tê lại đương chuyện. Ông Ba Tê lúc nào cũng có một kho chuyện. Ông thì thào hôm nao nghe nói công an bắt cả trẻ con bỏ vào nhà Hỏa Lò. Ông Ba Gác trực tính, hay chặn cái lão có tật rì rầm đưa chuyện. Ông quát: toàn bắc chõ nghe hơi. Làm nghề tôi ấy, chân dạo khắp phố phường, mắt mới thật thấy, tai mới thật nghe, chứ ngồi một chỗ góc đường cả ngày, thế mà bảo cái gì cũng biết. Xì! Bắc chõ nghe hơi thì là thằng gây hoang mang.
Ông Ba Tê im.
Nhiều người như không để ý, cứ chuyện rôm rả. Có người cười hê hê. Cái trụ sở nhao nhao. Mãi anh Bốn xế lô mới nói thêm được:
– Thôi thế, nhân ngày xuân vui giải phóng, có cái sáng điện, tôi báo tin để bà con biết trên khu Hàng Cỏ đã cho xóm ta mở lớp học bình dân. Sang giêng khai giảng, ai chưa biết chữ nhớ đi học lấy cái chữ năm mới.
Nghe đến việc học, ông Ba Tê lủi về trước.
Ở ngoài, đã sáng hẳn. Con vạc đi ăn về muộn cất mình lên từ đầm nước sau ga bay qua. Từng tiếng vạc rơi vào làn sương mỏng đương chợt tan.
Những Ngõ Phố Những Ngõ Phố - Tô Hoài Những Ngõ Phố