Cơ hội luôn đến vào lúc bạn không ngờ nhất.

Khuyết danh

 
 
 
 
 
Tác giả: Louisa M. Alcott
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 338 / 20
Cập nhật: 2019-05-14 10:23:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2 - Các Chàng Trai
rong khi Nat chìm trong giấc ngủ sâu để lấy lại sức thì tôi sẽ kể cho các độc giả trẻ tuổi thân mến của tôi nghe một chút về các cậu bé mà Nat sẽ sống cùng khi cậu thức dậy.
Chúng ta hãy bắt đầu với những người bạn cũ.
Franz là một chàng trai Đức cao lớn, mười sáu tuổi, tóc vàng, thích đọc sách và yêu cuộc sống gia đình, hòa nhã và mê âm nhạc. Bác trai của Franz muốn cậu đi học ở trường cao đẳng còn bác gái thì khuyến khích cậu hướng tới một gia đình yên ấm, bởi vì bà đã nhận thấy ở cậu tác phong lịch lãm, yêu trẻ con, tôn trọng phụ nữ và biết đỡ đần việc nhà. Cậu là cánh tay phải của bà trong mọi hoàn cảnh và cậu yêu người bác gái vui tính của mình như yêu mẹ ruột, vì bà đã cố gắng đối xử với cậu như con.
Emil thì khác, nóng tính, hiếu động, và mạnh dạn. Cậu thích được ra biển vì trong huyết quản của cậu có dòng máu Viking. Bác trai cậu đã hứa là khi mười sáu tuổi cậu sẽ được ra biển, hướng cho cậu học hàng hải, tặng cho cậu những câu chuyện về các đô đốc và người hùng nổi tiếng của biển cả để cậu đọc, và cho phép cậu tập bơi ở sông, hồ và khe suối, sau khi đã học xong. Phòng của cậu trông như một ca bin trên tàu vì mọi thứ đều liên quan đến hàng hải, quân sự và mang dáng dấp tàu bè. Thuyền trưởng Kyd là niềm hưng phấn của cậu. Thú vui ưa thích của cậu là bắt trước tác phong của quý ông cướp biển lừng danh đó, và hát ông ổng những ca khúc thủy thủ. Cậu không chịu nhảy điệu gì ngoài những điệu nhảy của thủy thủ, dáng đi đảo qua đảo lại và sẵn sàng sử dụng ngôn từ của những người đi biển khi ông bác cho phép. Các cậu bé gọi cậu là “Chuẩn đô đốc” và tất cả đều hãnh diện về hạm đội của cậu đậu trắng xóa mặt ao và trải qua những thảm họa có thể làm cho nản chí bất cứ vị chỉ huy nào ngoài anh chàng mê biển này.
Demi là một trong những đứa trẻ thể hiện rất rõ tác dụng của tình thương và sự quan tâm một cách khôn ngoan vì tâm hồn và cơ thể cậu hài hòa với nhau. Một sự tinh tế tự nhiên mà chẳng có gì ngoài ảnh hưởng của gia đình mới có thể rèn giũa được đã cho cậu bé phong cách tốt và giản dị: Meg March, mẹ cậu, đã hun đúc ở cậu một trái tim thơ ngây và nhân hậu; còn John Brooke, bố cậu, đã chăm lo cho sự phát triển thể chất của con trai, giúp cho cậu bé khỏe khoắn và mạnh mẽ nhờ một chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và tập luyện cân bằng; ông ngoại March đã chăm lo cho đầu óc cậu bé bằng trí tuệ của một nhà thông thái Pythagoras hiện đại, không bao giờ thử thách bằng những buổi học quá dài hoặc quá khó, hay kiểu học vẹt, mà giúp gợi mở đầu óc cậu một cách tự nhiên giống như mặt trời và sương mai giúp hoa hồng tươi nở. Cậu chưa phải là một cậu bé hoàn hảo, nhưng những sai lầm của cậu luôn là một dịp tốt cho cậu học hỏi. Đã sớm được dạy bí quyết tự làm chủ cho nên cậu không bị khống chế bởi những đam mê, như một số thanh thiếu niên khác, để rồi bị phạt vì gục ngã trước những cám dỗ mà họ không có gì chống đỡ lại. Demi rất bình tĩnh, nghiêm túc nhưng vui vẻ. Cậu không ý thức rằng cậu rất xinh trai và thông minh mà lại rất biết nhận ra và trân trọng trí thông minh hay vẻ đẹp ở những đứa trẻ khác. Rất thích sách vở và có đầu óc giàu trí tưởng tượng bẩm sinh, cậu bé đã khiến cho bố mẹ lo lắng làm sao cân bằng được những đặc điểm này với vốn kiến thức hữu dụng và quan hệ giao thiệp lành mạnh, nếu không cậu sẽ trở thành một đứa trẻ xanh xao sớm phát triển khiến gia đình hãnh diện, nhưng lại tàn lụi như hoa trong nhà kính bởi vì tâm hồn non trẻ kia phát triển quá sớm nhưng lại không có được một cơ thể tráng kiện để làm nơi bén rễ trên thế giới này. Vì vậy mà Demi được gửi đến chỗ dì và chú của cậu ở Plumfield. Cậu hoà mình dễ dàng vào cuộc sống trong ngôi nhà này khiến cho bố mẹ cậu, cũng như ông ngoại cậu rất hạnh phúc về quyết định của mình. Việc tiếp xúc với các cậu bé khác khiến cậu hoạt bát hơn và thể hiện óc thực tế của cậu. Cậu đã làm cho mẹ cậu bất ngờ khi trở về nhà, cậu đóng cửa rầm rầm, văng tục và lại còn đòi mua đôi ủng lênh khênh, dày bịch “nặng nề như của bố”. Nhưng John rất khoái cậu bé, cười vui trước những nhận xét bùng nổ của cậu, mua đôi giày và tuyên bố thích thú:
– Thằng bé cừ lắm. Anh muốn con trai anh là một người đàn ông thật sự và sự lỗ mãng tạm thời này sẽ không có hại cho nó. Chúng ta sẽ mài giũa từ từ; và cũng như chuyện học hành, nó sẽ tiếp cận mọi thứ như bồ câu mổ thóc vậy. Không nên thúc bách nó.
Daisy là một cô gái rạng rỡ vui tươi, đáng yêu, với tất cả những đức tính của một thiếu nữ đang nảy nở, vì em rất giống bà mẹ tuyệt vời của mình và rất thích công việc nội trợ. Em có cả một gia đình búp bê mà em nuôi dạy theo phương thức mẫu mực nhất. Em không bao giờ rời xa giỏ đồ thêu của mình và em thêu rất đẹp. Demi thường lấy trong túi ra chiếc khăn tay mà Daisy đã thêu cho cậu để mọi người thấy tài nghệ của em gái. Còn bé Josy thì có hẳn một cái tạp dề xinh xắn bằng vải flannel được chị Daisy may rất khéo. Daisy thích chuẩn bị bát đĩa, sắp xếp bàn ăn, bày biện thìa dĩa lên bàn. Hằng ngày em đi khắp phòng khách với chổi và giẻ lau để lau bụi ghế và bàn. Demi gọi em là “nàng tiên của ngôi nhà”, và cậu rất vui vì có cô em giữ cho đồ đạc của cậu ngăn nắp, sẵn sàng cho cậu mượn mấy ngón tay bé nhỏ khéo léo của cô trong mọi công việc và giúp cậu học bài. Cả hai bước đi trên đường đời, không có sự tranh đua nào.
Tình thương yêu giữa hai anh em mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và không ai có thể cười nhạo tình thương sâu đậm của Demi dành cho em gái song sinh của cậu. Cậu luôn đứng về phía em và không hiểu được vì sao bọn con trai thường xấu hổ khi thú nhận chúng yêu em gái mình. Daisy cũng rất yêu người anh song sinh và xem cậu như là chàng trai tuyệt nhất trần đời. Mỗi buổi sáng, trong chiếc váy ngủ xinh xắn của mình, em đến gõ cửa phòng anh và âu yếm gọi:
– Dậy đi, anh, đến giờ ăn sáng rồi. Áo sơ mi sạch của anh đây nhé.
Rob là một cậu bé khoẻ mạnh, dường như đã khám phá ra bí mật của sự vận động không ngừng vì cậu không bao giờ ở yên một chỗ! Rất may, cậu không nghịch dại cũng không can đảm lắm, cho nên cậu luôn tránh được những rắc rối. Cậu chạy từ chỗ bố sang chỗ mẹ không biết mệt như một con lắc đồng hồ và nói luôn mồm.
Teddy thì quá bé để có thể giữ một địa vị quan trọng trong các công việc ở Plumfield. Bé có thế giới của riêng bé và tự xoay xở khá tốt. Lúc nào mọi người cảm thấy cần phải tỏ sự trìu mến của mình đối với một chú cún thì bé luôn sẵn sàng thỏa mãn điều đó vì cậu rất thích được người ta hôn hít hoặc nựng nịu. Bà Jo ít khi đi tới đi lui mà không có bé bên cạnh. Bé thọc các ngón tay nhỏ xíu của mình vào tất cả các món ăn và ai cũng chấp nhận chuyện đó vì Plumfield là vương quốc của trẻ con.
Dick Brown và Adolphus Pettigill - mà người ta hay gọi là Dolly - đều tám tuổi. Dolly nói lắp nhưng dần dần sửa được cái tật ấy vì ở đây cấm không được chế nhạo em và ông Bhaer cố gắng sửa cho em bằng cách để cho em nói thật chậm rãi. Dolly là một cậu bé ngoan, rất bình thường, nhưng ở đây em phát triển tốt và hoàn thành những công việc thường ngày của mình một cách bình thản.
Dick Brown bị gù lưng, nhưng em mang gánh nặng của mình một cách vui vẻ đến mức có lần Demi hỏi: “Những cái bướu có làm cho người ta tốt tính không? Nếu có thì anh cũng thích có một cái.” Dick luôn vui vẻ và cố gắng hết mình để giống như các bạn vì trong cơ thể yếu đuối bé nhỏ của em là một tinh thần mạnh mẽ. Khi mới đến, em rất nhạy cảm về khuyết tật của mình, nhưng nhanh chóng học được cách không nghĩ đến nó nữa vì không ai còn nhắc đến, nhất là sau khi ông Bhaer đã phạt một cậu bé vì đã chế nhạo em.
– Chúa không tính điểm này; vì lòng em ngay thẳng mặc dù lưng em thì khòng. - Cậu bé đã nức nở nói với kẻ trêu ghẹo em. Ông bà Bhaer rất thích thú với nhận xét đó và đã nói cho em hiểu là mọi người cũng yêu tấm lòng của em và không hề để ý đến cơ thể em, nếu có thì cũng chỉ để giúp em vượt qua nó mà thôi.
Một hôm chơi trò sở thú với những bạn khác, có ai đó hỏi em:
– Thế cậu muốn làm con thú nào, Dick?
– Ồ, tớ là con lạc đà! Các cậu không nhìn thấy cái bướu trên lưng tớ à? - Cậu cười đáp lại.
– Đồng ý, em sẽ là một con lạc đà bé nhỏ không phải mang hàng nặng và sẽ đi trước mấy chú voi trong cuộc diễu hành. - Demi nói vì cậu là người tổ chức buổi trình diễn.
– Mình hi vọng người ta cũng tử tế với cậu bé đáng thương như các chàng trai đã học được cách đối xử tử tế của mình. - Bà Jo nhủ thầm, rất hài lòng với cách dạy thành công của mình, trong khi Dick thong thả bước qua trước mặt bà, giống như một chú lạc đà con ốm yếu nhưng hạnh phúc, bên cạnh anh chàng mập George Cole đang giả làm voi rất đạt.
Jack Ford là một cậu bé lanh lợi, khá ranh mãnh. Người ta đưa cậu đến trường này vì ở đây ít tốn kém. Nhiều người có thể cho cậu là một đứa bé thông minh, nhưng ông Bhaer không thích cách thể hiện trịch thượng ở cậu. Tính hám lợi không hợp với trẻ con và tính ham tiền của cậu dưới mắt ông là một tật xấu còn tai hại hơn bệnh nói lắp của Dolly hoặc cái bướu của Dick.
Ned Barker giống như hàng trăm đứa trẻ mười bốn tuổi khác, chân tay lều nghều, vụng về và khoác lác. Trên thực tế, cả nhà gọi cậu là “Anh chàng vụng về” và luôn nhìn thấy trước cảnh cậu sẽ ngã từ trên ghế xuống, đụng đầu vào bàn hoặc làm đổ vỡ bất kì đồ vật nào gần cậu. Cậu khá huênh hoang về những gì mình có thể làm được nhưng ít khi làm được gì để chứng minh điều đó, lại không mấy can đảm và thường có khuynh hướng huyên thuyên. Cậu có khả năng bắt nạt mấy đứa bé và nịnh hót mấy đứa lớn, nhưng không hẳn xấu xa, chỉ là loại người dễ bị lôi kéo mà thôi.
George Cole bị làm hỏng bởi một bà mẹ quá nuông chiều con, người đã nhồi cho cậu ăn quá nhiều bánh kẹo đến nỗi làm cậu phát ốm, lại còn nghĩ rằng cậu quá yếu đuối để theo đuổi chuyện học hành. Vì vậy khi đã mười hai tuổi, cậu vẫn chỉ là một cậu bé béo phì, xanh xao, ủ ê, cáu bẳn và lười biếng. Một người bạn đã thuyết phục bà mẹ gửi cậu đến Plumfield. Ở đây cậu hồi phục rất nhanh vì đồ ngọt ít khi được phép, lại được tập thể dục đều đặn và học tập một cách thật thích thú nên cậu dần bị cuốn hút. Sự tiến bộ của cậu đã khiến cho bà mẹ hay lo lắng phải ngạc nhiên và tin rằng thật sự có gì đó đặc biệt trong không khí ở Plumfield!
Billy Ward là một đứa trẻ mà người ta trìu mến gọi là “thơ ngây” vì dù đã mười ba tuổi, cậu vẫn như một đứa trẻ lên sáu. Trước kia cậu cực kì thông minh, nhưng bố cậu đã thúc cậu quá nhanh và ép cậu học những thứ quá khó, bắt cậu ngồi trước sách vở sáu tiếng mỗi ngày và mong muốn cậu nuốt kiến thức như là một con ngỗng bị nhồi thức ăn vào cổ vậy. Ông bố tưởng là mình làm bổn phận của một người cha tốt, nhưng gần như ông đã giết chết cậu vì một trận sốt đã khiến cho cậu bé tội nghiệp gục, và khi bình phục, bộ óc làm việc quá sức của cậu kiệt quệ. Tâm trí của Billy chẳng khác gì một lá khoai nước mà bao nhiêu nước đổ lên cũng trôi đi, chẳng để lại gì.
Quả là một bài học khủng khiếp cho ông bố nhiều tham vọng, ông không thể chịu được khi nhìn thấy đứa con trai đầy hứa hẹn đã biến thành một đứa đần độn yếu ớt. Thế là ông gửi cậu đến Plumfield, gần như không hi vọng là người ta có thể giúp cậu, nhưng ở đó chắc chắn người ta sẽ đối xử tử tế với cậu. Billy biết vâng lời và không nghịch ngợm. Thật đáng tiếc khi nhìn cảnh cậu bé cố gắng học một cách khó nhọc như thế nào, cứ như mò mẫm tìm lại vốn kiến thức đã mất từng khiến cậu phải trả giá quá đắt. Ngày qua ngày, cậu miệt mài học các chữ cái, hãnh diện đọc A, B và tưởng rằng mình đã thuộc các chữ ấy. Nhưng ngày hôm sau cậu lại quên hết và mọi thứ đều phải làm lại từ đầu. Ông Bhaer cực kì kiên trì với cậu, và không hề nản lòng trước một công việc có vẻ như vô vọng. Ông không cố dạy cho cậu bé những gì có trong sách vở mà chỉ gắng xua đi đám sương mù đang che mờ đầu óc cậu bé, trả lại cho cậu trí thông minh đủ để cậu không còn là một gánh nặng và nỗi đau.
Bà Bhaer tìm đủ mọi cách làm cho sức khoẻ cậu khá lên. Các cậu bé đều cảm thương và đối xử tốt với cậu. Cậu không thích các trò hoạt động của các bạn, nhưng cậu có thể ngồi hàng giờ để quan sát lũ chim câu, có thể giúp Teddy đào bao nhiêu là hố cho tới khi cậu này thỏa mãn mới thôi. Hoặc cậu có thể theo chú giúp việc Silas đi khắp nơi để xem chú làm việc, vì chú Si rất tốt với cậu. Và mặc dù quên các chữ cái nhưng Billy rất nhớ các gương mặt thân thiện.
Tommy Bangs là cậu bé tinh nghịch của trường, và là chú bé tinh ranh nhất trên đời. Ranh mãnh như một chú khỉ, nhưng cậu tốt bụng đến mức chẳng ai có thể làm gì khác hơn là tha thứ cho những trò quỷ của cậu. Cậu đãng trí đến nỗi mọi lời nói với cậu đều chui vào tai này và ra tai kia. Nhưng cậu rất biết ăn năn trước mọi tội lỗi của mình khiến ta không thể giận khi cậu thề sẽ quyết tâm sửa chữa, hoặc tự đề ra đủ loại hình phạt kì quặc. Lúc nào ông bà Bhaer cũng sống trong tâm trạng sẵn sàng chờ đợi bất kì tai hoạ gì, từ chuyện Tommy tự làm trẹo cổ đến việc cả nhà sẽ bị thuốc súng thổi bay. Bà vú có hẳn một ngăn kéo chứa sẵn bông băng, thuốc cao và thuốc mỡ dành riêng cho Tommy, vì cậu bé thường xuyên được mang tới trong tình trạng gần chết. Nhưng chẳng có gì giết nổi cậu và cậu vượt qua được những tai nạn khủng khiếp nhất với một sức mạnh phi thường.
Ngày đầu tiên đến trường, cậu đã tự làm đứt tay bằng một cái kéo cắt cỏ. Rồi tuần lễ sau đó, lúc thì cậu ngã từ mái nhà kho, lúc bị một con gà mái giận dữ đuổi theo đòi mổ mắt vì cậu trêu chọc đám gà con của nó. Cậu bị bác Asia kéo tai thật đau vì tội ăn vụng hết kem với nửa cái bánh lấy trộm. Tuy nhiên, không hề sợ sệt trước bất kì thất bại nào, chàng trai trẻ bất kham này tiếp tục tiêu khiển bằng đủ trò cho tới khi không ai còn cảm thấy an toàn nữa. Nếu không thuộc bài, cậu luôn có một lí do để biện bạch. Cậu đặc biệt thông minh và rất giỏi bịa ra câu trả lời khi cậu không biết rõ, cho nên kết quả học tập của cậu khá ổn. Nhưng ngoài giờ học ra thì trời ơi, sao mà Tommy lại nghĩ ra nhiều trò thế! Cậu từng trói bác Asia béo vào một chiếc trụ bằng sợi dây phơi, để bà ở đấy, la hét suốt nửa tiếng đồng hồ vào một buổi sáng thứ hai bận rộn. Một hôm, khi nhà có khách dùng cơm, cậu đã thả một đồng xu hơ nóng vào lưng của Mary Ann trong khi cô hầu xinh xắn đang túc trực bên bàn ăn khiến cho cô gái đáng thương đánh đổ món súp và cuống cuồng bỏ chạy ra ngoài, làm cả nhà tưởng cô đã hoá rồ. Cậu treo một xô nước trên cây, dùng mấy dải ruy băng buộc chặt quai, và khi Daisy, bị hấp dẫn bởi dải ruy băng đẹp đẽ kia, tìm cách giật nó xuống liền bị nước đổ lên người làm hỏng chiếc váy khiến cô bé tự ái. Cậu đã thả những viên sỏi trắng vào lọ đường khi bà nội cậu đến dùng trà ở Plumfield. Bà cụ đáng thương tự hỏi không hiểu sao đường không tan, nhưng giữ ý không nói gì. Trong nhà thờ, cậu rắc thuốc lá bột khiến cho năm cậu bé bị hắt hơi và phải bỏ ra ngoài. Mùa đông, cậu dọn tuyết thành lối đi, rồi bí mật tưới nước lên khiến cho bao nhiêu người bị ngã. Cậu khiến cho chú Silas tội nghiệp gần như phát điên bằng cách treo đôi ủng to tướng của chú ở những chỗ ai cũng thấy, vì chú có đôi chân quá khổ, làm cho chú ấy xấu hổ vô cùng. Cậu thuyết phục bé Dolly cả tin buộc một sợi chỉ vào chiếc răng lung lay của em và để sợi chỉ thòng ra ngoài miệng khi ngủ, như thế Tommy có thể nhổ được cái răng đó mà không làm em đau. Nhưng chiếc răng không chịu rời ra sau cú giật đầu tiên, và Dolly tội nghiệp thức dậy, kinh hãi tột độ và mất hết lòng tin ở Tommy từ ngày đó. Trò cuối cùng của cậu là cho lũ gà mái ăn bánh mì nhúng trong rượu rum, khiến chúng bị say và làm cho lũ gia cầm khác khó chịu vì các chị gà già đáng kính đi nghiêng ngả, cục tác và mổ một cách chuệch choạc, khiến cả nhà cười bò cho tới khi Daisy thương hại nhốt chúng vào chuồng để chúng tỉnh rượu!
Mười hai chàng trai ở Plumfield là như thế đó: họ sống chung, hạnh phúc, vừa học vừa chơi, làm việc và cãi cọ, khắc phục những tật xấu và rèn luyện các tính tốt theo một phương pháp hơi lỗi thời nhưng hiệu quả. Có thể học sinh các trường khác học được nhiều thứ trong sách vở, nhưng không được hưởng nhiều từ phương pháp ưu việt giúp tạo ra những con người tốt đó. Tiếng La-tinh, tiếng Hi Lạp và toán học có thể rất quan trọng, nhưng theo quan niệm của giáo sư Bhaer, sự tự hiểu biết, tự vận động và tự làm chủ còn quan trọng hơn nhiều. Đó là những gì ông cố dạy thật kĩ. Nhiều khi người ta lắc đầu trước những ý tưởng của ông, cả khi họ công nhận là các cậu bé đã tiến bộ một cách tuyệt vời trong phong cách và đạo đức. Nhưng, như bà Jo đã nói với Nat, đây là một ngôi trường kì quặc.
Những Chàng Trai Nhỏ Những Chàng Trai Nhỏ - Louisa M. Alcott Những Chàng Trai Nhỏ