Số lần đọc/download: 1614 / 19
Cập nhật: 2017-04-17 10:34:02 +0700
Chương 2 - Hai Con Nhặng
D
ể tìm được con đường an toàn nhất dẫn đến chỗ có thức ăn, bọn kiến cử một con đi dò đường. Khi con kiến đơn thương độc mã ấy đã tìm thấy đường đi, nó sẽ lưu lại dọc đường một chất hóa học để đồng bọn bám theo. Khi bạn giẫm lên một hàng kiến, hay nhẹ nhàng hơn một chút, bạn làm rối loạn lối đi vạch sẵn bằng chất hóa học của bọn chúng, chúng sẽ hóa điên. Nửa hàng bị bỏ lại đằng sau sẽ bò lung tung trong cơn hoảng loạn, cố tìm lại lối đi. Tôi thích nhìn chúng hoàn toàn mất phương hường, quay mòng mòng và va vào nhau trong lúc tìm kiếm con đường cần đi. Nhưng tôi không thích quan sát chúng chỉ vì điều đó; tôi thích nhìn bọn chúng tập hợp lại, tổ chức lại và cuối cùng thẳng hàng tiến bước cứ như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Sự rối loạn của bọn chúng khiến tôi liên tưởng đến tôi và mẹ. Ai đó đã làm rã hàng chúng tôi, bắt đi người dẫn đầu, phá hủy lối đi và cuộc đời chúng tôi rơi vào vực thẳm hỗn loạn. Tôi nghĩ, tôi hy vọng, rằng với thời gian, chúng tôi sẽ tìm lại được con đường đúng đắn. Nhưng luôn cần một người dẫn đầu. Một khi mẹ tôi đã quyết định ngồi thõng tay chờ mọi việc trôi qua, tôi nghĩ mình phải lãnh phần một mình đi về phía trước. Hôm qua tôi quan sát một con nhặng. Trong lúc cố gắng thoát khỏi phòng khách, nó cứ va vào cửa sổ, đập đầu vào kính hết lần này đến lần khác. Rồi nó dừng việc lao mình vào cửa sổ như tên lửa lại và gí sát thân vào một ô kính, kêu vo vo cứ như thể nó đang trong cơn khiếp hãi cùng cực. Nhìn nó như vậy thật là bực bội, nhất là nếu nó chịu khó bay lên cao một chút vượt qua chóp cửa sổ thì nó sẽ được tự do. Thế mà nó cứ lặp đi lặp lại sai lầm. Tôi hiểu nó đang rất bực bội khi nhìn thấy ánh nắng, thấy cỏ cây, hoa lá, bầu trời nhưng không tài nào tiến được lại gần. Tôi cố giúp nó vài lần, hướng nó về phía cửa sổ đang mở nhưng nó hoảng sợ và bay vụt khỏi tôi. Cuối cùng nó lại quay lại cánh cửa sổ cũ và tôi gần như có thể nghe thấy tiếng nó làu bàu, “Tôi đã vào bằng đường này mà…” Tôi tự hỏi việc tôi ngồi trên ghế bành quan sát con nhặng có giống như Chúa trời không, nếu quả thật Chúa trời có tồn tại. Ông ta ngồi ở đằng sau và nhìn thấy toàn cảnh, cũng như tôi có thể thấy được chỉ cần con nhặng xanh bò cao một chút, lên chóp cửa sổ, thì nó sẽ được tự do. Nó đâu có bị giam hãm, chỉ là tìm sai lối ra mà thôi. Tôi tự hỏi ngồi tít đằng sau, Chúa trời có thể nhìn thấy lối ra cho tôi và mẹ được không. Nếu tôi có thể nhìn thấy cánh cửa sổ mở toang cho con nhặng, có lẽ Chúa trời cũng có thể nhìn thấy ngày mai cho mẹ và tôi. Suy nghĩ đó khiến tôi cảm thấy được an ủi. Ồ đúng vậy, cho tới khi tôi rời phòng và quay lại vài giờ sau đó, nhìn thấy một con nhặng xanh nằm chết bên bệ cửa sổ. Có thể không phải là con nhặng xanh khi nãy, nhưng dù sao thì cũng đau lòng. Bạn phải biết tinh thần tôi lúc đó ra sao, tôi bắt đầu òa lên khóc. Sau đó tôi nổi khùng với Chúa trời, bởi vì trong suy nghĩ của tôi, cái chết của con nhặng xanh có nghĩa là mẹ và tôi sẽ không bao giờ tìm được lối ra khỏi đống hỗn độn này. Ngồi tít đằng sau, nhìn thấy mọi thứ thì có ích gì nếu không chịu ra tay giúp đỡ chứ? Sau đó tôi nhận ra chính mình là Chúa trời trong trường hợp này. Tôi đã cố giúp con nhặng xanh, nhưng nó khước từ. Rồi tôi cảm thấy có lỗi với Chúa bởi tôi hiểu được sự bực bội của ngài. Đôi khi bàn tay chìa ra giúp đỡ lại bị đẩy đi. Người ta luôn muốn tự giúp mình trước tiên. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến những chuyện thế này trước đây: Chúa trời, nhặng xanh, kiến. Tôi thà chết còn hơn bị bắt gặp đang ngồi trên ghế bành, tay cầm sách và mắt nhìn chằm chằm vào một con nhặng bẩn thỉu đang gõ gõ vào cửa sổ vào một ngày thứ Bảy. Có lẽ đó là suy nghĩ của ba trong giây phút cuối cùng. Tôi thà chết trong phòng làm việc còn hơn phải chịu sự nhục nhã khi bị tước đi mọi thứ. Những ngày thứ Bảy của tôi thường trải qua trong cửa hàng Topshop cùng với đám bạn bẻ, thử đủ mọi thứ và cười bồn chồn khi Zoey cố nhét càng nhiều phụ kiện vào quần càng tốt trước khi rời khỏi cửa hàng. Nếu không ở Topshop, chúng tôi sẽ ngồi cả ngày trong Starbuck, uống cà phê sữa vị gừng và ăn bánh muffin mật ong hương chuối. Tôi biết chắc cả đám bạn lúc này hiện đang làm như vậy. Chẳng có ai liên lạc với tôi kể từ tuần đầu tiên tôi chuyển tới đây, ngoại trừ một tin nhắn từ Laura trước khi điện thoại của tôi bị cắt, thông báo cho tôi mọi chuyện ngồi lê đôi mách. Chuyện đáng kể nhất là Zoey và Fiachra đã quay lại với nhau, đồng thời bọn họ đã làm chuyện ấy trong nhà của Zoey khi ba mẹ nó đi Monte Carlo vào cuối tuần. Ba Zoey nghiện bài bạc, Zoey và cả bọn chúng tôi rất khoái vì điều đó có nghĩa tất cả chúng tôi có thể ở lại nhà nó, ba mẹ nó về nhà trễ hơn ba mẹ của những đứa khác nhiều. Dù sao thì nghe đồn Zoey nói chuyện ấy với Fiachra còn đau hơn cái lần con ả đồng tính trong đội hockey Sutton dùng gậy thọc vào chỗ giữa hai chân Zoey. Tin tôi đi, lần đó rất tồi tệ, chính mắt tôi nhìn thấy mà. Do vậy, cô bạn của tôi không hào hứng muốn lặp lại kinh nghiệm đó chút nào. Trong khi đó Laura bảo tôi đừng kể với ai, bởi cô ta có hẹn gặp Fiachra vào cuối tuần này để thử làm chuyện đó. Cô ta hy vọng tôi không bực và làm ơn đừng mét Zoey. Cứ như là tôi có thể bép xép với ai khác vậy, hãy xem tôi đang ở đâu nào.
À, tôi chưa kể cho bạn nghe tôi đang ở đâu, phải không? Tôi có nhắc tới chị dâu của mẹ tôi rồi. Bà ta là người chuyên được mẹ tôi tống khứ cho đống đồ mua trong cơn bốc đồng mà chưa bao giờ mặc tới. Đống đồ đó được dồn vào bao đen, còn nguyên nhãn giá. Tên bà là Rosaleen, bà ta lấy cậu Arthur, anh mẹ tôi. Họ sống ở nông thôn, vùng đó có tên gọi là Meath, trong một ngôi nhà bên cổng dẫn vào một tòa lâu đài. Cả đời tôi, chúng tôi chỉ đến thăm họ vài ba lần và lần nào tôi cũng chán muốn chết. Phải lái xe một tiếng mười lăm phút mới đến nơi, và đích đến chỉ mang tên thất vọng. Ở một nơi heo hút và vắng vẻ hết chỗ nói, tôi nghĩ bọn họ đúng là dân quê kệch chính hiệu. Tôi từng gọi bọn họ là “cặp người ngoài hành tinh”. Đó là lần đầu tiên ba tôi cười trước lời nói đùa của tôi mà tôi còn nhớ được. Ba không bao giờ đi cùng chúng tôi đến thăm Rosaleen và Arthur. Tôi không nghĩ là bọn họ có bất đồng gì, nhưng cũng như chim cánh cụt và gấu Bắc Cực, họ sống quá xa nhau để có thể dành thời gian ở gần nhau. Sao cũng được. Đó là nơi chúng tôi sống hiện giờ. Trong căn nhà ở rìa cổng lâu đài với cặp Người ngoài hành tinh. Đó là một căn nhà xinh xắn, nhỏ bằng một phần tư căn nhà cũ của tôi, điều này cũng không có gì phiền muộn lắm. Nó khiến tôi nhớ đến căn nhà trong truyện Hansel và Gretel. Nhà được xây bằng đá vôi, cửa sổ viền gỗ cùng với mái ngói sơn màu xanh lá. Có ba phòng ngủ trên lầu cùng một phòng bếp và một phòng khách dưới lầu. Mẹ tôi có phòng tắm riêng trong khi Rosaleen, Arthur và tôi phải dùng chung phòng tắm trên lầu. Từng sở hữu căn phòng tắm có bồn mát xa cùng ti vi plasma, tôi nghĩ dùng chung phòng tắm kiểu này thật là kinh tởm, nhất là bước vào phòng sau khi Arthur kết thúc bữa đọc báo. Rosaleen là một người sạch sẽ đến dị hợm, mắc bệnh nghiền dọn dẹp, chẳng bao giờ chịu ngồi yên cả, lúc nào cũng dời cái này, dọn cái nọ, xịt thuốc khử mùi và nói lảm nhảm về Chúa cũng như những di sản của người. Có lần tôi nói với mợ là hy vọng di sản của Chúa khá hơn phần ba để lại cho chúng tôi. Mợ trợn mắt kinh hãi nhìn tôi rồi lủi thủi đi quét bụi chỗ khác.
Rosaleen sâu sắc chẳng khác gì một cái ly cạn. Mọi điều mợ nói đều hoàn toàn chẳng liên quan gì với nhau, chẳng có chút ý nghĩa gì. Thời tiết. Tin buồn về một người nghèo nào đó sống ở một nước xa xôi, cha của ai đó chỉ còn sống được thêm hai tháng, con gái của ai đó đã lấy phải một tên khốn nạn, kẻ đã bỏ rơi cô ta khi cô ta đang mang thai đứa con thứ hai. Mọi thứ đều tuyệt vọng và ảm đạm, theo ngay sau đó là vài lời lầm bầm về Chúa, chẳng hạn như “Chúa thương yêu bọn họ” hay “Chúa nhân từ” hay “Xin Chúa rủ lòng ban phúc cho bọn họ”. Điều tôi nói cũng chẳng quan trọng gì, nhưng mỗi lần tôi muốn thảo luận sâu hơn về những chuyện đó, chẳng hạn như muốn tìm kiếm nguồn cơn câu chuyện, Rosaleen hoàn toàn không thể đối đáp được với tôi. Mợ chỉ muốn lảm nhảm về những chuyện buồn, không quan tâm đến lý do hay cách giải quyết. Mợ chặn họng tôi bằng những lời ca ngợi Chúa trời, khiến tôi cảm thấy mình đang lạc đề hay như thể tôi còn quá non dại để có thể chấp nhận được thực tế. Tôi cho rằng ngược lại mới đúng. Mợ ta nhắc đến những chuyện thảm thương đó để gạt bỏ cảm giác trốn tránh, và một khi đã nói xong, mợ chẳng bao giờ nhắc lại nữa. Tôi nghĩ cả đời tôi chỉ nghe cậu Arthur nói được năm chữ là cùng. Cứ như mợ tôi đã giành phần nói thay cho cả hai bọn họ vậy, tuy rành rành là cậu chẳng đồng quan điểm với bất cứ điều gì mợ nói. Dạo gần đây, Arthur còn nói nhiều hơn mợ. Cậu có một ngôn ngữ riêng biệt mà tôi dần dần, chậm mà chắc, học được cách giải mã. Cậu nói qua những tiếng làu bàu, gật đầu và hít mũi rột rột; hít hết đống nước mũi nhầy nhụa vào trong mỗi lần không đồng ý với chuyện gì đó. “À” một tiếng rồi ngả đầu ra sau nghĩa là cậu không quan tâm đến chuyện gì đó. Để ví dụ, tôi xin kể ra một bữa ăn sáng tiêu biểu.
Arthur và tôi ngồi ở bàn bếp, Rosaleen cũng như mọi khi bận bịu trong bếp với những chiếc đĩa lớn chất đầy bánh mì nướng và những đĩa nhỏ đựng mứt tự làm, mật ong và mứt cam. Như mọi ngày, radio vặn ầm ĩ đến mức tôi có thể nghe mọi điều phát thanh viên nói từ phòng ngủ. Một gã đàn ông thảm hại đáng chán cứ đều đều lải nhải những chuyện khủng khiếp xảy ra trên thế giới. Tiếp đó, Rosaleen đến bên bàn với một đĩa bánh mì nướng cao ngất.
“Trà nhé, Arthur.”
Arthur ngả đầu ra sau cứ như một con ngựa cố giũ một con ruồi ra khỏi bờm. Cậu muốn uống trà.
Và gã đàn ông trên radio nói về chuyện một nhà máy nữa ở Ireland đã đóng cửa, khiến một trăm người mất việc.
Arthur hít mũi và một dòng chất nhầy được hút vào trong lỗ mũi rồi chảy xuống cổ họng. Cậu không thích chuyện này.
Rosaleen xuất hiện ở bàn với ấm trà, một hũ sữa và một đĩa bánh mì nướng cao ngất khác. “Ôi thật khủng khiếp quá, xin Chúa rủ lòng thương gia đình bọn họ. Và những đứa bé đáng thương có ba bị thất nghiệp nữa chứ.”
“Mẹ của chúng cũng vậy, mợ biết mà,” tôi vừa nói vừa cầm một lát bánh mì.
Rosaleen giương mắt nhìn tôi cắn bánh mì, đôi mắt xanh mở to trong lúc tôi nhai. Mợ lúc nào cũng nhìn tôi ăn và điều đó làm tôi phát khiếp. Cứ như mợ là bà phù thủy trong truyện Hansel và Gretel, chờ cho tôi đủ mập để trói giật cánh khuỷu tôi lại, nhét một trái táo vào miệng rồi ném tôi vào lò nướng. Tôi thì không chê táo đâu. Đó sẽ là món ít calo nhất mà mợ từng đưa cho tôi.
Tôi nuối miếng bánh đang nhai rồi đặt phần bánh ăn dở xuống đĩa.
Mợ thất vọng quay đi.
Trên đài tin tức, họ lại nói về một vụ tăng thuế của chính phủ, Arthur lại hít mũi rột rột. Nếu phải nghe thêm vài ba tin xấu nữa, cậu sẽ chẳng còn chỗ để nhét bữa sáng vào cùng với đám nước mũi nhầy nhụa đó nữa. Cậu chỉ khoảng bốn mươi tuổi nhưng vẻ ngoài và cử chỉ của cậu già dặn hơn nhiều. Từ vai trở lên, cậu khiến tôi nhớ đến con tôm hùm, bao giờ cũng cong gập lại, lúc ăn cũng như lúc làm.
Rosaleen quay lại bàn với một đĩa đồ ăn sáng Ireland đủ để nuôi sống con cái của một trăm công nhân nhà máy vừa thất nghiệp.
Arthur lại ngả đầu ra sau. Cậu thích thế.
Rosaleen đứng sau lưng rót trà cho tôi. Tôi không thích gì hơn là một cà phê sữa vị gừng, tuy vậy tôi vẫn đổ sữa vào ly trà đậm và nhấp một ngụm. Mắt cậu dán chặt vào tôi cho đến khi tôi nuốt xuống.
Tôi không biết chính xác Rosaleen bao nhiêu tuổi, nhưng tôi đoán mợ mới khoảng bốn mươi mấy. Tôi không biết mình có nghĩ vớ vẩn không, nhưng tôi chắc dẫu mợ bao nhiêu tuổi thì trông mợ vẫn già hơn tuổi thật của mình mười lăm tuổi. Mợ trông chẳng khác nào một người sống vào thập niên bốn mươi, với váy hoa lòe xòe mặc ở nhà, nút cài tận eo, bên trong mặc váy lót. Mợ chẳng bao giờ bận quần lót, bà hiếm khi nào thèm mặc đồ lót. Rosaleen có mái tóc màu nâu lông chuột, lúc nào cũng để xõa, rẽ ngôi giữa thẳng băng để lộ chân tóc hoa râm, mái tóc chỉ dài đến cằm. Mợ lúc nào cũng vén tóc ra sau tai, đôi tai hồng hồng nhỏ như tai chuột ló ra. Mợ chẳng bao giờ đeo hoa tai. Hay trang điểm. Mợ luôn đeo một sợi dây chuyền vàng mảnh quanh cổ có mặt là cây thánh giá bằng vàng. Mợ là loại phụ nữ mà con bạn Zoey của tôi sẽ nói rằng cả đời chẳng biết cực khoái là gì. Trong lúc mợ đang trợn mắt nhìn tôi gỡ phần mỡ ra khỏi thịt ba rọi hun khói, tôi tự hỏi Zoey làm tình với Fiachra đã đạt cực khoái hay chăng. Nhưng khi nhớ tới tổn thương mà cây gậy hockey đã gây cho cô ta, tôi lập tức nghi ngờ về điều đó. Bên kia đường, đối diện với căn nhà ở rìa cổng này là một căn nhà gỗ một tầng. Tôi không biết ai sống ở đó nhưng ngày nào Rosaleen cũng chạy qua chạy lại đem theo những gói thức ăn nhỏ. Đi dọc theo con đường khoảng hai dặm thì đến bưu điện, được đặt ngay trong nhà dân, đối diện với nó là trường học nhỏ nhất mà tôi từng thấy, khác hẳn với ngôi trường cũ của tôi suốt năm lúc nào cũng nhộn nhạo đủ mọi hoạt động, nơi này vắng hoe trong suốt mùa hè. Tôi hỏi có lớp học yoga hay gì đó tương tự ở đó không thì Rosaleen nói với tôi là mợ sẽ đích thân chỉ tôi cách làm yaua. Mợ tỏ vẻ sung sướng đến mức tôi không thể đính chính được gì. Tuần đầu tiên, tôi quan sát cách mợ làm yaua dâu. Tuần thứ hai tôi vẫn đang ăn yaua dâu. Tôi đã kể chuyện căn nhà của Arthur và Rosaleen nằm ở rìa cổng của một lâu đài. Nó từng bảo vệ lối vào bên hông của lâu đài Kilsaney vào thế kỷ 17, cửa chính được trang trí theo kiến trúc Gothic hết sức đáng sợ và không ai đi đến, mỗi lần đi qua tôi lại tưởng tượng thấy cảnh đầu lâu treo đầy. Lâu đài được xây dựng như một công sự có tháp canh của vùng Hàng rào Norman, đó là khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của người Norman và người Anh ở vùng Đông Ireland sau khi Strongbon xâm lược. Tòa lâu đài được xây dựng vào giữa thế kỷ 12-13 nếu nghĩ kỹ thì thời gian khá là lờ mờ. Lờ mờ như kiểu ngôi nhà được xây vào giữa thời tôi với đám chút chít muôn đời nửa người nửa robot của tôi xây vậy. Dù sao chăng nữa, tòa lâu đài thuộc về một thủ lĩnh quân phiệt Norman, đó cũng là lý do mà tôi liên tưởng đến những cái đầu lâu. Bọn họ khát máu như vậy mà, chẳng phải sao?
Nó nằm trong vùng được gọi là quận Meath. Vùng này vốn có tên là Đông Meath, cùng với vùng Tây Meath, ngạc nhiên chưa nào, tạo thành một tỉnh độc lập đứng thứ năm ở Ireland, từng là lãnh địa của một vị vua. Cơ ngơi của các vị vua, đồi Tara chỉ cách đó vài ki lô mét. Các bản tin gần đây thường nhắc đến nó bởi vì người ta đang xây một đường cao tốc gần đó. Chúng tôi đã có một buổi tranh luận về việc này trong trường học vài tháng trước. Tôi thuộc phe ủng hộ xây dựng đường cao tốc vì tôi nghĩ vua cũng muốn có một con đường giống vậy vài thời của ông ta, vì nó giúp ông ta ngự triều dễ dàng hơn là lội bộ qua những cánh đồng bùn lầy. Cứ tưởng tượng đống bùn đất bám trên giày ông ta đi. Tôi cũng cho rằng khách du lịch sẽ thuận đường hơn. Họ có thể lái xe thẳng tới đó hay chụp hình từ những chiếc xe buýt mui trần chạy tốc độ 120 ki lô mét trên đường cao tốc. Tôi chỉ muốn phá bĩnh chút thôi nhưng giáo viên dạy thế đã phát điên vì tưởng tôi nói thật. Cô ta có chân trong một ủy ban đang tìm cách ngăn cản việc xây dựng đường cao tốc. Chọc cho cô ta suy sụp thật quá dễ dàng. Nhất là loại người tin tưởng rằng mình sẽ đem lại điều tốt đẹp cho học sinh. Tôi đã nói rồi mà, tôi chẳng vừa gì đâu. Sau đám tâm thần Norman, nhiều quý ông và quý bà đã sống ở lâu đài này. Họ xây chuồng ngựa và nhà vệ sinh xung quanh. Một viên lãnh chúa thậm chí còn cải sang đạo Thiên chúa sau khi cưới một phụ nữ Thiên chúa giáo, và xây một nhà thờ để làm quà cho gia đình. Tôi và mẹ tôi có quà là bể bơi, nhưng đâu phải ai cũng có sở thích giống nhau chứ? Bao quanh điền sản là bức tường Nạn đói vốn được xây lên để cung cấp việc làm cho những người dân đói trong nạn đói khoai tây hỏng. Bức tường chạy dọc theo vườn và nhà của Arthur và Rosaleen, và mỗi lần nhìn thấy nó tôi lại cảm thấy xương sống ớn lạnh. Nếu trước đây Rosaleen từng có dịp đến ăn tối ở nhà chúng tôi, chắc hẳn mợ sẽ bắt đầu xây tường bao lấy chúng tôi, bởi vì chẳng ai trong chúng tôi ăn tinh bột cả. Ít nhất thì chúng tôi chưa từng quen ăn tinh bột. Giờ thì tôi ăn nhiều đến mức có đủ năng lượng cung cấp cho tất cả đám nhà máy đang bị đóng cửa.
Con cháu dòng họ Kilsaney tiếp tục sống trong lâu đài cho đến thập kỷ 1920, rồi bị đám phá hoại đốt cho tan tành. Sau đó bọn họ chỉ có thể sống trong một phần nhỏ cũa tòa lâu đài vì không đủ tiền sửa chữa và sưởi ấm và rồi cuối cùng bọn họ phải dọn ra ngoài vào những năm 90. Tôi không biết ai là chủ hiện thời của nó nhưng giờ nó đã điêu tàn lắm rồi; không mái che, tường lở, không cầu thang, bạn biết rồi đấy. Có đủ thứ mọc lên bên trong cùng vô số thứ chạy lon ton bên ngoài. Tôi biết được những điều này khi làm một chuyên đề về nó cho trường. Mẹ đề nghị tôi đến ở với Rosaleen và Arthur vào cuối tuần để tự tìm tòi nghiên cứu. Ba mẹ đã tranh cãi một trận nhớ đời vào hôm đó, và ba đã nổi điên khi mẹ đề nghị tôi chuyển đi. Nói thật thì bầu không khí quá u ám đến mức tôi chỉ muốn thoát khỏi ba mẹ, hơn nữa, việc mẹ muốn tôi rời nhà khiến ba phát khùng, và trách nhiệm của một đứa con gái là khiến cuộc đời của cha như địa ngục, vì vậy tôi chỉ ngoan ngoãn nghe theo lời mẹ thôi mà. Nhưng khi đến nơi, tôi chẳng mấy quan tâm đến việc đi rình mò tìm hiểu lịch sử của nơi này. Tôi chỉ ráng ở với Rosaleen và Arthur đến buổi trưa rồi chui vào phòng tắm gọi cho Mae, bà bảo mẫu người Philipines (hiện giờ thì chúng tôi phải cho bà về nhà rồi) để bà đến đón tôi và đưa tôi về. Tôi nói với Rosaleen là mình bị đau bụng và cố nhịn cười khi mợ ta hỏi có phải vì món bánh táo hay không. Cuối cùng, tôi chôm một bài luận về tòa lâu đài từ Internet. Tôi bị gọi vào phòng hiệu trưởng, bà ta đánh rớt tôi vì tội gian dối. Đúng là lố bịch vì Zoey cũng làm chuyên đề về lâu đài Malahide, sao chép mọi thứ từ Internet, sửa vài chữ và ngày tháng, cố ý ghi sai vài ba chỗ để người ta tưởng là do nó viết ra thật, thế mà điểm của nó vẫn cao hơn tôi. Công lý ở đâu chứ? Mảnh đất bao quanh lâu đài rộng tới một trăm mẫu. Arthur là người quản lý, với một trăm mẫu đất cần phải coi sóc, cậu ra khỏi nhà từ sáng tinh mơ và quay về đúng 5 giờ 30 chiều, đen đúa bẩn thỉu như người thợ mỏ. Cậu không bao giờ phàn nàn hay rên rỉ về thời tiết, cậu chỉ thức dậy vừa ăn sáng vừa dán chặt tai vào radio rồi đi làm. Rosaleen đưa cho cậu một phích trà và vài miếng bánh mì kẹp cho cả ngày và cậu hiếm khi quay trở lại nhà, ngoại trừ thỉnh thoảng cần lấy đồ gì đó để quên trong gara hoặc đi vệ sinh. Cậu là một người đơn giản, chỉ có điều tôi chẳng tin vào điều đó chút nào. Một người ít nói như cậu thì không đơn giản như vẻ ngoài đâu. Muốn không nói nhiều cũng không phải dễ dàng gì, bởi vì bạn luôn suy nghĩ trong lúc im lặng. Và cậu thì suy nghĩ nhiều lắm. Ba mẹ tơi thì lại nói huyên thuyên suốt ngày. Những kẻ ba hoa thì không sâu sắc. Ngôn từ của họ nhấn chìm những câu hỏi yếu ớt của tiềm thức, “Sao mi lại nói vậy? Mi nghĩ cái quái gì thế?” Tôi thường ngủ nướng trên giường càng lâu càng tốt, cả những ngày đi học lẫn cuối tuần cho đến khi bị Mae lôi xềnh xệch ra khỏi giường. Nhưng ở đây tôi dậy sớm. Được bao quanh bởi đám cây cối khổng lồ, nơi này đông nhóc chim. Tiếng ríu rít của bọn chúng quá ồn ào khiến tôi cứ thế tỉnh giấc mà không cảm thấy mệt. Tôi lúc nào cũng dậy đúng 7 giờ sáng mà không cần phải nỗ lực gì, thật là một điều phi thường. Mae nếu biết sẽ rất tự hào. Buổi tối ở đây cũng rất dài, do đó tôi luôn phải tự ép mình bận bịu khi trời còn sáng. Một khoảng thời gian dài dằng dặc mà chẳng có việc gì làm để lấp đầy. Vào tháng Năm, ba quyết định là mình đã chịu đựng quá đủ, ngay trước kỳ thi tốt nghiệp trung học của tôi, thật là bất công bởi cho đến tận lúc đó, tôi cứ nghĩ tôi mới chính là người phải chịu khổ nhiều nhất. Dù sao thì tôi cũng đã tham gia kỳ thi, có thể tôi đã rớt rồi nhưng tôi không quan tâm và tôi nghĩ cũng chẳng ai thèm quan tâm. Tôi sẽ sớm biết kết quả vào tháng Chín thôi. Cả lớp tôi đến dự đám tang, tôi nghĩ bọn chúng rất vui sướng vì được nghỉ học một ngày. Với tình hình như vậy, bạn có tin nổi là tôi thật sự cảm thấy xấu hổ khi khóc trước mặt bọn nó chăng. Dù sao thì tôi vẫn cứ khóc, điều đó làm Zoey rồi đến Laura ngạc nhiên. Fiona, một đứa con gái trong lớp, kẻ chẳng ai thèm nói chuyện, ôm tôi thật chặt và đưa cho tôi một tấm thiệp chia buồn từ gia đình của bạn ấy, nói là tất cả bọn họ đều nghĩ tới tôi. Fiona đưa cho tôi số điện thoại di động và quyển sách ưa thích của bạn ấy và nói là nếu tôi cần tâm sự thì gọi cho bạn ấy bất cứ lúc nào. Vào lúc ấy, tôi cho rằng hành động muốn làm thân với tôi trong đám tang của ba tôi thật là vớ vẩn, nhưng sau đó nghĩ lại - điều mà tôi hiện đang làm - thì đó là hành động tử tế nhất dành cho tôi trong ngày hôm đó. Tuần đầu tiên chuyển đến Meath, tôi bắt đầu đọc quyển sách Fiona tặng. Đó là câu chuyện ma về một đứa con gái vô hình trước tất thảy mọi người trên thế giới, kể cả gia đình và bạn bè cô ta, tuy họ vẫn biết cô ta tồn tại. Ngay từ khi sinh ra cô ta đã là người vô hình. Tôi sẽ không tiết lộ câu chuyện nhưng sau đó, cô ta đã trở thành bạn với một người có thể nhìn thấy cô ta. Tôi thích ý tưởng của câu chuyện và nghĩ Fiona muốn nói với tôi điều gì đó. Nhưng khi tôi đến ngủ qua đêm ở nhà Zoey và kể cho nó và Laura, thì bọn nó cho rằng đó là điều kỳ cục nhất mà bọn nó từng nghe và cho rằng Fiona đúng là một con dị hợm. Bạn biết không tôi càng lúc càng cảm thấy khó mà hiểu được bọn nó.
Vào tuần đầu tiên khi chúng tôi chuyển tới đây, Arthur chở tôi đến Dublin để tôi ở chơi qua đêm tại nhà Zoey. Chuyến đi dài hơn một tiếng, vậy mà chúng tôi chẳng nói với nhau câu nào. Từ duy nhất cậu nói là “Radio?” và khi tôi gật đầu thì cậu bật một kênh tin thời sự, không có chút nhạc nhẽo nào, cậu vừa khụt khịt mũi vừa chăm chú lắng nghe. Nhưng ít ra thì như thế còn đỡ hơn im lặng. Sau khi trải qua một đêm với Zoey và Laura - nói xấu cậu nguyên buổi tối - tôi cảm thấy tự tin. Trở lại con người cũ. Chúng tôi nhất trí rằng Arthur và Rosaleen đúng là cặp người ngoài hành tinh và tôi không nên để cho họ lôi kéo vào cuộc sống lập dị ấy. Điều đó có nghĩa là tôi phải được quyền nghe bất kỳ thứ quái gì tôi muốn trên xe. Thế mà ngày hôm sau khi cậu đến đón tôi trên chiếc xe jeep lấm lem bẩn thỉu mà Zoey và Laura không ngừng cười cợt, tôi lại cảm thấy tội nghiệp cho Arthur. Tôi cảm thấy thật khó chịu.
Phải quay về căn nhà không phải của tôi, trên một chiếc xe không phải của tôi, ngủ trong một căn phòng không phải của tôi, cố nói chuyện với người mẹ chẳng chút thân thuộc của tôi, khiến tôi muốn bíu chặt lấy ít nhất một thứ gì đó thân thuộc. Con người của tôi trước đây. Đó không nhất thiết là một điểm tựa đúng đắn, nhưng có còn hơn không. Tôi quậy tưng trong xe và nói với Arthur là tôi muốn nghe một thứ gì khác. Cậu bật đài SPIN FM cho tôi nghe một bài hát để rồi lại chán chường khi nghe cái nhóm Pussycat Dolls gào thét về việc muốn có một cặp ngực bự, cậu càu nhàu rồi chuyện lại về kênh thời sự. Tôi giận dỗi nhìn ra ngoài cửa sổ, căm ghét cậu và căm ghét bản thân mình. Suốt nửa tiếng chúng tôi lắng nghe một phụ nữ thút thít qua điện thoại kể với người dẫn chương trình việc chồng bà ta mất việc trong một xưởng sản xuất máy tính, không thể tìm được một công việc gì khác mà họ có tới bốn đứa con. Tóc tôi xòa xuống che kín mặt và tôi chỉ biết hy vọng Arthur không nhìn thấy tôi khóc. Giờ thì những chuyện buồn thực sự khiến tôi cảm động. Trước đó tôi nghĩ nó hoàn toàn không tồn tại. Chuyện đó đơn giản là không xảy ra với tôi.
Tôi không biết chúng tôi sẽ ở đây bao lâu. Sẽ chẳng có ai trả lời câu hỏi đó cho tôi. Arthur không nói chuyện, mẹ tôi thì chẳng nói được thứ gì ra hồn, còn Rosaleen thì không đủ sức đối phó với một câu hỏi như vậy. Cuộc đời không diễn ra như tôi định trước. Tôi hiện mười sáu tuổi và lẽ ra tôi phải ngủ với Fiachra, lẽ ra tôi phải đang bơi lội suốt ngày trong căn biệt thự của chúng tôi ở Marbella, ăn thịt nướng, chơi bời hằng đêm ở Angels & Demons, và tìm ai đó mới mẻ để hâm mộ và làm tình. Nếu tôi phải cưới người đàn ông tôi ngủ chung lần đầu trong đời thì tôi thà chết quách cho xong. Thay vào đó, tôi sống ở một nơi khỉ ho cò gáy, trong một căn nhà ở rìa cổng với ba kẻ điên, láng giềng gần nhất sống trong căn nhà gỗ một tầng mà tôi chưa gặp lần nào, bưu điện là căn phòng khách trong nhà của một ai đó tôi không biết, ngôi trường trống hoác cùng một tòa lâu đài đổ nát. Tôi hoàn toàn chẳng có gì để làm với cuộc đời mình. Hay ít ra tôi đã nghĩ như vậy.
Tôi quyết định bắt đầu câu chuyện kể từ khi tôi đến nơi này.