Nguyên tác: Everyman
Số lần đọc/download: 1611 / 38
Cập nhật: 2017-08-18 15:48:35 +0700
Chương 1
Đ
ứng quanh huyệt mộ của ông trong nghĩa trang tiêu điều là vài đồng nghiệp cùng làm quảng cáo ở New York đang nhắc lại lòng nhiệt huyết và cá tính của ông, bảo Nancy, con gái ông, rằng được làm việc với ông thật vinh hạnh biết mấy. Có cả những người đã lái xe tới từ tận Starfish Beach, làng hưu trí ở Bờ biển Jersey nơi ông sống từ dịp Lễ Tạ Ơn năm 2001 - những người già cả chỉ mới đây thôi còn ngồi học lớp nghệ thuật do ông dạy. Hai con trai ông, Randy và Lonny, kết quả của cuộc hôn nhân đầu tiên đầy sóng gió, giờ đã là hai gã trung niên, cũng có mặt, vốn là con ngoan của mẹ, do đó chỉ biết rất ít về những gì đáng ngợi khen ở ông nhưng lại rất nhiều về những gì đáng tởm - họ có mặt chỉ vì nghĩa vụ, chấm hết. Anh trai ông, Howie, cũng tới cùng vợ, bay từ tận California, chuyến đêm qua, ngoài ra còn có một trong ba bà vợ cũ của ông, bà thứ hai, mẹ của Nancy, Phoebe, một phụ nữ cao, gầy tong teo, tóc trắng, cánh tay phải buông thõng một bên như bị liệt. Khi Nancy hỏi bà có muốn phát biểu gì không, Phoebe bẽn lẽn lắc đầu nhưng rồi cũng tiến lên phía trước khẽ cất tiếng, lời phát biểu nghe không rõ ràng. "Đúng là khó tin quá. Tôi vẫn cứ nghĩ ông ấy còn đang bơi trong vịnh - thế đấy. Thực sự tôi vẫn nhìn thấy ông ấy bơi trong vịnh." Rồi đến lượt Nancy, người đã tổ chức tang lễ này và gọi điện báo cho những người đang hiện diện ở đây, để những người tới dự sẽ không chỉ có mình cô, mẹ và vợ chồng hai bác. Chỉ một người có mặt mà không cần mời, một phụ nữ đồ sộ có khuôn mặt tròn phúc hậu và mái tóc nhuộm đỏ, cô cứ thế xuất hiện ở nghĩa trang và tự giới thiệu là Maureen, y tá tư, người đã chăm sóc ông trong suốt cuộc phẫu thuật tim nhiều năm về trước. Howie nhớ ra cô và bước lên thơm má.
Nancy nói với mọi người, "Có lẽ tôi sẽ bắt đầu bằng việc nói gì đó về nghĩa trang này, bởi tôi vừa phát hiện ra rằng ông của ba tôi, cụ nội tôi, không những được chôn bên cụ bà ở nghĩa trang này từ những ngày đầu, mà còn là một trong những người sáng lập nó vào năm 1888. Những hiệp hội an táng thuộc các tổ chức từ thiện Do Thái cùng các giáo đoàn rải rác ở hạt Union và hạt Essex đã chung tay tài trợ và khởi dựng nghĩa trang này. Cụ nội tôi sở hữu và điều hành một nhà trọ ở Elizabeth, đặc biệt phục vụ những người nhập cư mới tới, và cụ chăm lo cho đời sống của họ hơn nhiều một chủ nhà thông thường. Đó là lý do cụ trở thành một trong những người đầu tiên mua lại khu đất trống nơi đây, tự tay cải tạo và trang trí lại nó, là lý do tại sao cụ chính là chủ tịch đầu tiên của nghĩa trang. Khi ấy cụ còn khá trẻ nhưng đầy nhiệt huyết, và chỉ mình cụ được ký tên trong văn bản xác định rõ nghĩa trang này là để chôn cất những thành viên đã qua đời theo luật lệ và lễ nghi Do Thái. Như tất cả chúng ta đều thấy, ngày nay việc chăm sóc từng mộ phần, hàng rào và cổng chẳng được như cần có. Mọi thứ đều mục nát và sụp đổ, cổng thì gỉ sét, ổ khóa cũng chẳng còn, nạn phá hoại của công vẫn diễn ra. Giờ đây nơi này đã trở thành nơi tiếp giáp với sân bay và âm thanh mà các vị đang nghe thấy là tiếng ầm ì đều đặn của đường cao tốc New Jersey Turnpike cách đây vài dặm. Dĩ nhiên ban đầu tôi nghĩ nên chôn ba mình ở những nơi tuyệt đẹp khác, nơi ông và mẹ tôi vẫn cùng nhau bơi lội thời cả hai còn trẻ, hay trên bờ vùng biển mà ông vẫn thích bơi. Nhưng rồi dù cho nhìn thấy cảnh điêu tàn ở nơi đây là tim tôi tan nát - có thể các vị cũng vậy, thậm chí có thể các vị còn tự hỏi sao chúng ta lại đang tụ tập trên một mảnh đất bị thời gian tàn phá thế này - tôi vẫn muốn ba được nằm gần những người thương yêu ông, sinh ra ông. Ba tôi yêu ông bà tôi, và ông nên ở gần họ. Tôi không muốn ông phải nằm đâu đó một mình." Cô im lặng một lát để bình tĩnh trở lại. Là một phụ nữ ngoài ba mươi với gương mặt dịu hiền, đẹp giản dị như mẹ cô thời trẻ, trông thoáng qua cũng thấy cô chẳng có vẻ gì quyền uy hay thậm chí can đảm cũng không mà chỉ giống như một đứa trẻ lên mười đang trong cơn xúc động. Quay sang hướng quan tài, cô nhặt lên một nắm đất và, trước khi thả nó xuống nắp, khẽ khàng nói, vẫn với vẻ của một cô bé hoang mang, "Ba à, rốt cuộc là vậy đây. Chúng con chẳng thể làm gì hơn nữa." Rồi cô nhớ lại phương châm sống khắc kỷ của ông suốt hàng thập kỷ qua và bắt đầu bật khóc. "Chuyện đã xảy ra chẳng cách nào làm lại," cô nói với ông. "Chỉ có thể đón nhận khi nó tới. Đứng vững và đón nhận khi nó tới."
Người tiếp theo ném đất lên nắp quan tài là Howie, hồi họ còn nhỏ Howie là đối tượng cho lòng sùng bái của ông, và để đáp lại Howie đã luôn đối xử với ông bằng sự dịu dàng và trìu mến, kiên nhẫn dạy ông đi xe đạp, bơi và chơi mọi môn thể thao mà Howie vốn chơi xuất sắc. Có vẻ như giờ Howie vẫn có thể ôm bóng bầu dục chạy qua giữa vạch, mặc dù đã bảy mươi bảy tuổi. Howie chưa từng phải nhập viện vì bất cứ lý do gì và, tuy cùng sinh ra trong một gia đình như ông, nhưng Howie vẫn duy trì được sức khỏe vô địch từ lúc chào đời.
Giọng Howie khản đặc vì xúc động khi thì thầm với vợ, "Em trai anh đấy. Thật vô lý." Rồi ông cũng nói với mọi người. "Để xem tôi có làm được không nhé. Giờ ta hãy nói về anh chàng này. Về em trai tôi..." Ông dừng lại để sắp xếp lại suy nghĩ sao cho có thể nói mạch lạc. Cách ông nói và âm vực dễ chịu của ông giống em trai ông đến mức Phoebe bắt đầu khóc, và Nancy vội khoác lấy tay bà. "Những năm cuối đời" ông nói, nhìn trân trân về phía huyệt, "chú ấy gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe, và cô đơn - cũng là một vấn đề chẳng kém cạnh gì. Chúng tôi vẫn thường xuyên điện thoại mỗi khi có thể, mặc dù càng về cuối đời chú ấy càng tách mình khỏi tôi, vì những lý do chưa bao giờ nói rõ. Từ hồi học phổ thông chú ấy đã mang trong mình khao khát vẽ tranh khôn cưỡng, và sau khi nghỉ hưu ngành quảng cáo, nơi chú ấy đã gặt hái được thành công đáng kể, đầu tiên là giám đốc nghệ thuật rồi thăng tiến thành giám đốc sáng tạo - sau đời làm quảng cáo, thực tế là ngày nào chú ấy cũng vẽ, liên tục suốt những năm còn lại của đời mình. Về chú ấy, chúng ta chỉ có thể nói điều mà chắc chắn những người khác đã nói về người thân yêu đã khuất của họ: lẽ ra chú ấy nên được sống lâu hơn. Thực tình nên như thế." Đến đây, sau một thoáng im lặng, vẻ ảm đạm cam chịu trên khuôn mặt ông nhường chỗ cho một nụ cười buồn bã.
"Hồi tôi mới lên cấp ba và chiều nào cũng phải tập với đội, chú ấy làm thay mọi việc vặt tôi vẫn phải làm giúp cha sau giờ học. Chú ấy mê mẩn khi được làm một đứa trẻ chín tuổi mang phong bì đựng kim cương trong túi áo khoác bắt xe buýt tới Newark, nơi những chuyên gia giám định, định cỡ, thợ đánh bóng và tay thợ sửa đồng hồ cha chúng tôi thường thuê vẫn ẩn náu, mỗi người trong một cái tổ riêng trên đại lộ Frelinghuysen. Những chuyến chạy việc như thế khiến thằng bé vô cùng thích thú. Tôi nghĩ ý tưởng làm nghệ thuật bằng chính đôi tay mình của chú ấy đã được khơi gợi từ việc quan sát mấy nghệ nhân này làm công việc đơn độc của họ trong những không gian tí xíu chật hẹp như thế. Ngoài ra tôi nghĩ việc nhìn từng mặt của viên kim cương qua kính lúp kim hoàn của cha tôi cũng là một yếu tố nuôi dưỡng trong chú ấy khát vọng làm nghệ thuật." Một tiếng cười đột nhiên vuột ra khỏi Howie, một phút giải lao bối rối khỏi nhiệm vụ, rồi ông nói, "Còn tôi chỉ là gã anh trai kiểu cổ truyền. Với tôi kim cương chỉ nuôi dưỡng khát vọng kiếm tiền." Rồi ông lại nói tiếp đoạn bỏ dở, vừa nói vừa nhìn qua khung cửa sổ lớn ngập tràn ánh nắng của những năm tháng thiếu thời. "Cha chúng tôi thuê đăng một mẩu quảng cáo nhỏ trên tờ Nhật báo Elizabeth mỗi tháng một lần. Vào mùa lễ hội, khoảng từ Lễ Tạ ơn đến Giáng sinh thì tuần một lần. 'Đổi đồng hồ cũ lấy đồng hồ mới.’ Toàn bộ số đồng hồ cũ ông tích cóp được - hầu hết số đó vô phương sửa chữa - được chất đống trong một ngăn kéo phía sau tiệm. Em trai tôi có thể ngồi đó hàng giờ, xoay xoay kim và lắng nghe tiếng tíc tắc, nếu chúng còn kêu được, và xem xét kỹ từng cái mặt đến từng cái hộp đồng hồ. Thằng bé say mê việc đó. Chứa chừng một hai trăm chiếc đồng hồ cũ, cả cái ngăn kéo đầy ự đó có lẽ cũng không bán nổi mười đô, nhưng dưới con mắt mầm non nghệ sĩ ấy, cái ngăn kéo đồng hồ ở căn phòng khuất nẻo này là một rương kho báu. Chú ấy thường lấy đồng hồ đeo - lúc nào trên tay chú ấy cũng đeo một chiếc lấy từ cái ngăn kéo ấy. Một trong số những chiếc còn chạy. Và những chiếc chú ấy cố sửa cho chạy được, rồi những chiếc có vẻ ngoài làm chú ấy thích, chú ấy tẩn mẩn sửa nhưng chẳng ích gì - thường thì chú ấy chỉ làm chúng hỏng thêm. Tuy vậy, đó vẫn là khởi đầu của quá trình sử dụng đôi tay làm những việc tỉ mỉ. Cha tôi luôn thuê hai cô gái giúp việc sau quầy - vừa tốt nghiệp cấp ba, chừng mười chín hai mươi. Những cô gái vùng Elizabeth xinh đẹp, ngọt ngào, những cô gái lịch sự, gọn gàng, chủ yếu là dân Công giáo Ai Len, có cha anh chú bác làm việc cho hãng máy khâu Singer, công ty bánh quy hay dưới cảng. Ông cho rằng các cô gái Thiên Chúa giáo xinh đẹp sẽ khiến khách thấy thoải mái hơn. Nếu được yêu cầu, các cô sẽ đeo thử trang sức cho khách xem, sắm luôn vai người mẫu, và nếu may mắn, bà khách rốt cuộc sẽ mua. Theo lời cha bảo chúng tôi, khi một phụ nữ trẻ đeo một món trang sức, những phụ nữ khác sẽ nghĩ nếu đeo vào trông mình cũng được như vậy. Những anh chàng từ bến tàu lên đây tìm mua nhẫn đính hôn và nhẫn cưới cho người yêu đôi khi còn cả gan cầm lấy tay cô bán hàng đưa lên gần mắt mà ngắm viên đá cho rõ. Em trai tôi cũng thích ở gần mấy cô, dù còn phải rất lâu sau chú ấy mới bắt đầu hiểu thứ mà mình thích thú đến vậy là gì. Cuối ngày nào chú ấy cũng giúp các cô dọn cửa sổ và kệ trưng bày. Chú ấy chẳng từ việc gì để giúp họ. Họ cất hết đồ trưng bày trên cửa sổ và kệ, chỉ trừ những món rẻ nhất, và ngay trước giờ đóng cửa chú bé ấy sẽ mở cái két sắt to ở phòng phía sau bằng mã số mà cha tôi đã tín nhiệm trao cho. Tất cả những việc này tôi đều từng làm trước chú ấy, bao gồm cả việc tiếp cận các cô gái, đặc biệt là hai chị em tóc vàng tên là Harriet và May. Trải qua nhiều năm, ở đó từng có Harriet, May, Annmarie, Jean, có Myra, Mary, Patty, có Kathleen và Corine, và trong mắt chú bé ấy từng người một đều như thể lấp lánh. Corine, người đẹp tuyệt trần, cứ đầu tháng Mười một lại ngồi bên bàn làm việc trong phòng phía sau cùng cậu em nhỏ của tôi ghi địa chỉ cho những catalô mà tiệm đã in rồi gửi tới tất cả khách hàng nhân dịp mùa mua sắm lễ hội, hồi đó cha tôi còn mở cửa sáu ngày một tuần và ai cũng làm việc như lừa. Nếu đưa cho em tôi một hộp phong bì, chú ấy sẽ đếm chúng nhanh hơn bất kỳ ai khác vì ngón tay chú ấy dẻo và vì chú ấy đếm năm cái một. Tôi nhìn và, hẳn rồi, chú ấy làm thế đấy: khoe tài với mớ phong bì để gây ấn tượng với Corine. Cậu bé ấy mới yêu thích mọi thứ đi kèm với vị trí đứa con trai đáng tin cậy của ông chủ tiệm kim hoàn làm sao! Đó là từ cha tôi ưa thích khi khen ai - 'đáng tin cậy.' Trong nhiều năm cha tôi đã bán nhẫn cưới cho những người Ai len, người Đức, người Slovakia, người Ý, người Ba Lan ở Elizabeth, hầu hết bọn họ đều là những người lao động thô kệch trẻ tuổi. Thường thì mua nhẫn xong, họ sẽ mời chúng tôi, cả nhà chúng tôi, tới dự đám cưới. Mọi người đều yêu quý cha tôi - ông có khiếu hài hước, bán giá thấp và gia hạn trả góp cho bất kỳ ai, vậy là chúng tôi đi - đầu tiên là tới nhà thờ, tiếp đến là những bữa tiệc tùng ồn ã. Có Suy thoái, có chiến tranh, nhưng cũng có những đám cưới, có những cô bán hàng và những chuyến đi tới Newark trên xe buýt với số kim cương trị giá hàng trăm đô la đựng trong phong bì giấu kín trong những túi áo khoác len mặc trên người. Bên ngoài mỗi phong bì là lời hướng dẫn của cha tôi dành cho người định cỡ hay chế tác. Có một cái két sắt hiệu Mosley cao đến mét rưỡi, khía rãnh để tối tối chúng tôi cẩn thận cất hết các khay trang sức vào đó và sáng sáng lại lấy ra... và tất cả những điều này đã cấu thành cốt lõi của cuộc đời em tôi với tư cách một cậu bé ngoan." Ánh mắt Howie lại dừng lại trên quan tài. "Giờ thì sao đây?" ông nói. "Tôi nghĩ tốt hơn là cứ thế này đi. Nói tiếp nói mãi, tưởng nhớ nhiều hơn... mà sao lại không tưởng nhớ chứ? Thêm một lít nước mắt nữa của gia đình và bạn bè thì cũng có là gì? Khi cha chúng tôi mất em tôi đã hỏi nếu chú ấy lấy cái đồng hồ của cha thì tôi có thấy sao không? Đó là một chiếc hiệu Hamilton, chế tạo ở Lancaster, Pennsylvania, và theo lời chuyên gia thì nó là sếp, là chiếc đồng hồ tốt nhất mà đất nước này từng làm ra. Bán cái nào cha cũng thuyết phục được khách hàng an tâm rằng anh ta không lầm. 'Thấy không, chính tôi cũng đeo một chiếc đây này. Một chiếc đồng hồ rất rất được ngưỡng mộ, chiếc Hamilton. Đối với tôi,’ ông ấy nói, 'đây là chiếc đồng hồ số một do Mỹ sản xuất, độc nhất vô nhị.' Bảy mươi chín đô năm mươi, nếu tôi nhớ không nhầm. Ngày ấy giá của mọi món đồ bán ra đều phải có đuôi là năm mươi. Danh tiếng của Hamilton rất lớn. Nó là một loại đồng hồ đẳng cấp, cha tôi thực lòng yêu chiếc Hamilton của ông, và khi em tôi nói chú ấy muốn sở hữu nó, tôi đã không thể vui hơn. Chú ấy còn có thể lấy luôn chiếc kính lúp và cái hộp đựng kim cương dùng khi đi lại của cha tôi. Đó là một chiếc hộp da cũ sờn mà ông luôn mang theo trong túi áo khoác mỗi lần phải đi làm việc bên ngoài tiệm: trong đó có một cái nhíp, một cái tua vít tí hon, một vòng đo kích cỡ nhỏ để đo kích thước của viên đá dạng tròn và mấy tờ giấy trắng gập lại để hứng bụi kim cương. Những dụng cụ nhỏ bé đẹp đẽ, thân thương mà ông từng cầm trong tay và cất bên trái tim, nhưng chúng tôi đã quyết định chôn theo ông, kính lúp và cái hộp cùng toàn bộ những gì trong đó. Ông luôn để kính lúp ở một bên túi áo, còn thuốc lá ở bên kia, nên chúng tôi gắn kính vào trong vải liệm. Tôi nhớ khi ấy em tôi nói, 'Đúng ra thì chúng ta nên gắn nó lên mắt ông.’ Nỗi đau buồn có thể làm thế với người ta đấy. Chúng tôi đã từng suy sụp đến thế đấy. Chúng tôi chẳng biết làm gì nữa. Dù đúng hay sai, ngoài việc đó ra dường như với chúng tôi chẳng còn gì nên làm nữa. Bởi vì chúng không chỉ là của ông - chúng còn là ông... Để kết lại chuyện về chiếc Hamilton, chiếc đồng hồ cũ của cha tôi, chiếc đồng hồ mà sáng sáng ta sẽ phải xoay núm để lên dây rồi phải tháo cả mặt ra để chỉnh lại kim... trừ khi đi bơi, em tôi luôn đeo nó, cả ngày lẫn đêm. Chú ấy chỉ vừa mới vĩnh viễn tháo nó ra cách đây bốn mươi tám giờ. Chú ấy còn đưa cho y tá nhờ cất kỹ cho an toàn trong lúc mình bận trải qua cuộc phẫu thuật đã giết chết chú ấy đó. Sáng nay lúc trên xe đi ra nghĩa trang, cháu Nancy đã cho tôi thấy cháu đã tiếp nối truyền thống gia đình và giờ cháu đang đeo đồng hồ Hamilton để xem giờ."
Rồi đến hai con trai, những người đàn ông gần năm mươi; với mái tóc đen bóng, đôi mắt đen biết nói và khuôn miệng giống hệt nhau, rộng, đầy đặn, gợi cảm, họ trông giống hệt cha (và bác) mình hồi ở tuổi đó. Hai người đàn ông đẹp trai ấy bắt đầu lừng lững đứng lên và có vẻ như sự gần gũi trong mối gắn kết giữa họ cũng lớn như sự xa lạ bất khả hòa giải giữa họ với người cha đã mất. Người em, Lonny, bước tới ngôi mộ trước. Nhưng khi đã cầm nắm đất trong tay, toàn thân ông bắt đầu run lên bần bật, trông cứ như thể sắp sửa nôn mửa dữ dội đến nơi. Trong ông tràn ngập một thứ tình cảm dành cho cha, không phải lòng thù hận, nhưng lòng thù hận vốn dĩ của ông đã tước đi khỏi ông phương tiện để bộc lộ tình cảm ấy. Khi ông mở miệng, chẳng có gì phát ra ngoại trừ một loạt tiếng hổn hển kỳ cục, khiến người ta thấy có vẻ như cái thứ đang bóp nghẹt ông kia, dù nó có là gì, sẽ không bao giờ buông tay. Ông ở trong một tình trạng tuyệt vọng đến mức Randy, người anh, người con quyết đoán hơn, hay gắt gỏng hơn, phải lập tức ra giải cứu. Ông lấy nắm đất lại từ tay em trai rồi đại diện cho cả hai ném lên quan tài. Và ông đã dễ dàng thành công khi lên tiếng phát biểu. "An giấc nhé cha," Randy nói, nhưng trong giọng ông tuyệt nhiên không thể hiện bất cứ sắc độ nào của sự dịu dàng, nỗi đau thương, tình yêu hay mất mát.
Người cuối cùng tiến đến quan tài là Maureen, y tá trực riêng, một chiến binh ngay từ vẻ bề ngoài và chẳng hề xa lạ với cả sự sống lẫn cái chết. Khi cô mỉm cười để nắm đất từ từ trôi qua lòng bàn tay nắm lại, ra khỏi mé bàn tay và rơi lên nắp quan tài, cử chỉ ấy trông như khúc dạo đầu cho một cảnh nhục dục. Rõ ràng đây là người đàn ông từng khiến cô suy nghĩ nhiều.
Vậy là hết. Chưa có điểm gì đặc biệt được nói ra. Tất cả bọn họ đã nói những gì cần nói rồi sao? Không, chưa đâu, à mà cũng đúng, dĩ nhiên họ đã nói hết. Ngày hôm ấy trên khắp bang đã có năm trăm đám tang thế này, hằng ngày, bình thường, và ngoại trừ ba mươi giây bất thường do hai người con trai mang lại - và màn tái dựng chính xác đến chi li của Howie về cái thế giới từng tồn tại ngây thơ trước khi cái chết được tạo ra, cuộc sống vĩnh hằng trong vườn địa đàng mà cha họ gây dựng, một thiên đường bốn mét rưỡi chiều rộng nhân mười hai mét chiều dài ngụy trang trong hình hài một tiệm trang sức - đám tang này chẳng hề thú vị hơn hoặc kém bất cứ đám nào trong số đó. Nhưng chính tính phổ biến mới là thứ dễ gây đớn đau nhất, ghi nhận thêm một lần nữa sự thật về cái chết: nó lấn át mọi thứ.
Trong vòng vài phút, mọi người đều đã đi - rã rời bước đi trong nước mắt ra xa khỏi hoạt động ít được ưa chuộng nhất của giống loài chúng ta - và ông bị bỏ lại phía sau. Dĩ nhiên, mỗi khi ai đó qua đời, dù rất nhiều người sẽ buồn đau, nhiều người khác vẫn sẽ bình thản, hoặc thấy nhẹ nhõm, hoặc, dù Vì lý do tốt hay không, thành thực hài lòng.