Books are the quietest and most constant of friends; they are the most accessible and wisest of counselors, and the most patient of teachers.

Charles W. Eliot

 
 
 
 
 
Tác giả: André Maurois
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Đăng Thư
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 6
Cập nhật: 2022-04-16 15:32:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ôi bất ngờ khi thấy bệnh viện Saint Barnaby lại là một nơi ít buồn thảm nhất mà người ta có thể tưởng tượng ra. Sàn nhà các khoa điều trị đều lát gạch vuông hai màu đen trắng, những chiếc giường màu đỏ bày thành hàng ngay ngắn, các cửa sổ đều có cắm hoa, và những ốc đảo mạnh khoẻ tươi tắn hiện hữu trong địa hạt bệnh tật này chính là các nữ y tá mặc váy màu xanh in hoa, hầu như ai cũng xinh đẹp và ân cần. Mỗi khu bệnh có một nữ y tá trưởng quản lý, dễ dàng nhận ra người này qua chiếc thắt lưng màu xanh đậm hơn.
– Có gì báo cáo không, cô? - James hỏi.
– Đề nghị bác sĩ xem qua số 216, thưa bác sĩ. Sốt cao không suy giảm...
Anh đi tới đó. Lật tấm phiếu theo dõi treo trên đầu giường bệnh nhân ra xem, anh cố gắng nhớ lại tiền sử của ca bệnh này, và ra lệnh đổi cách điều trị bằng một giọng nói mệt mỏi, buồn rầu. Trong khu bệnh nữ, tôi ngạc nhiên trước vẻ dửng dưng của anh. Với riêng tôi, cảnh tượng một phụ nữ đau ốm (nhất là khi cô ta còn trẻ đẹp) luôn gợi lên một cảm giác thương xót mãnh liệt. Tôi biết là một bác sĩ bước vào những phòng bệnh sẽ không có cái cảm giác vừa khổ sở vừa biết ơn như tôi đang trải qua, một cảm giác của sự riêng tư bị xâm phạm lẫn động lòng trắc ẩn; thế nhưng tôi lấy làm lạ khi bạn tôi hết sức vô cảm trước chút biểu hiện lấy lòng của mấy phụ nữ sắp chết trong số bệnh nhân này. Có một cô gái, tái nhợt như thây ma dưới mái tóc dài buông xoã, cô ta cố nở nụ cười khi chúng tôi đi ngang qua để rồi lại ngã vật xuống gối, thở hổn hển.
– Tội nghiệp! - Tôi nói với James.
– Ai? - Anh nói. - À, đúng... số 318. Cô ta hết hy vọng rồi...
Trong các khu bệnh nam, nhiều bệnh nhân đã khoẻ lại, mặc những chiếc áo khoác đỏ đứng tụ tập quanh mấy chiếc giường hay quanh những chiếc bàn bày đầy hoa. Vào lúc đó ở bến cảng đang diễn ra một cuộc đình công, và nhiều bệnh nhân chỉ bị thương tổn nhẹ đứng trong phòng này tranh luận chuyện chính trị và tôn giáo với nhau bằng những giọng điệu đanh thép giống như các nhà hùng biện diễn thuyết ngoài công viên Hyde Park. Tôi thấy ánh mắt bạn tôi dịu lại khi anh nói với một cậu bé chừng mười lăm tuổi đẹp trai lạ lùng.
– Con đó hả, con trai? - Anh nói. - Hết chóng mặt rồi sao? Ngày mai con xuất viện được rồi đó... Có gì báo cáo không, y tá trưởng?
– Tôi nghĩ là số 413 sẽ không qua khỏi đêm nay, thưa bác sĩ. Ông ấy không còn mở mắt ra nữa.
James đi tới chiếc giường trong góc nơi một ông già đang nằm. Hai gò má trũng sâu và hai lỗ mũi của ông ta dường như bị hút ngược vào trong cơ thể. Hơi thở rất gấp gáp, bộ râu vừa bạc vừa hung đỏ đã nhiều ngày chưa cạo. James bắt mạch người bệnh này; ông ta đã mê đi và không thấy có một phản ứng gì.
– Cô nói đúng đó, y tá trưởng, - anh nói với giọng sôi nổi đột ngột. - Ông ấy sẽ không qua khỏi đêm nay... tôi sẽ báo cho Gregory. Đừng lo gì cả... Đằng nào tôi cũng sẽ đến thăm ông ấy trong ngày hôm nay. Cho ông ấy thêm ít dầu long não; nó sẽ giúp cho ông ấy cầm cự đến tối.
Tôi bất ngờ trước sự thay đổi thình lình của bạn mình. Mức độ sôi nổi của anh lúc này có vẻ cũng ngang ngửa với mức độ thờ ơ trước đó.
– Tôi phải đi gặp nhân viên hậu tử, - James nói. - Đi với tôi đi; việc này anh sẽ thấy hay ho.
– Nhân viên hậu tử là gì? - Tôi hỏi.
– Chữ nghĩa của anh đâu rồi? Ông này là phụ tá chịu trách nhiệm lo liệu giải phẫu tử thi sau khi một bệnh nhân chết. Phụ tá của chúng tôi là một người nhỏ con kỳ quặc tên là Gregory.
Chúng tôi đi xuống ba tầng cầu thang. James đẩy một cánh cửa nặng nề đầy then cài ra, và chúng tôi bước vào một phòng phẫu thuật hình lòng chảo có thể chứa được khoảng hai mươi người quan sát, những vách tường trắng phủ sơn dầu bóng loáng, và ở chính giữa là bốn chiếc bàn mổ. Bầu không khí đầy mùi hăng khó chịu của khí phoóc-môn.
Tôi giật mình khi thân hình nhỏ bé của một người đột ngột đứng dậy như ma quỷ hiện hình ở giữa lòng chảo. Ngay từ cái nhìn đầu tiên tôi đã không ưa người này. Thế nhưng diện mạo ông ta lại rất bình thường, hai đầu bộ ria vuốt sáp của ông ta cong xoắn ngược lên phía cặp mắt kính gọng vàng. Lúc James nói đến nhân viên chuyên về tử thi này, vì lý do nào đó không rõ tôi đã tưởng tượng ra một kiểu đao phủ đầy lãng mạn; và bây giờ tôi lại bàng hoàng trước vẻ lịch sự kiểu con buôn đầy thô bỉ khi gắn liền với ý tưởng cái chết.
– Mạnh giỏi chứ, Gregory? - Người bạn bác sĩ nói. - Đây là anh bạn Pháp của tôi đang ghé thăm bệnh viện... Tôi đến báo ông biết là chắc chắn tối nay chúng ta sẽ có số 413 đó...
– Tốt quá, bác sĩ, - người nhỏ bé kia nói. - Tối nay tôi sẽ đến. Mọi thứ sẽ sẵn sàng. Mười giờ?
– Phải, khoảng mười giờ, - James nói. - Sớm hơn chút nữa nếu được.
– À này, thưa bác sĩ, - Gregory hạ giọng hỏi thêm, - bác sĩ không quên là ông còn nợ tôi hai lần trước chứ?
James nhìn quanh một vòng cũng với ánh mắt lo lắng đã khiến tôi ngạc nhiên khi ở trong phòng anh, rồi anh lấy trong ví ra hai tờ giấy bạc trao cho Gregory. Viên phụ tá kia nhìn tôi chằm chằm qua đôi mắt kính. Ông ta vừa nói vừa từ từ xếp hai tờ tiền lại:
– Chắc ông người Pháp đây cũng muốn xem qua cơ sở này?
Tôi lẩm bẩm mấy lời chẳng ai nghe rõ. Mùi trong phòng này bắt đầu khiến tôi nôn nao, và tôi e mình sẽ tự biến thành trò cười nếu như tôi ngất đi. Người nhỏ bé kia nói tiếp với vẻ mãn nguyện:
– Cách tổ chức của chúng tôi cho phép xử lý, trong phòng này và phòng kế bên, mỗi ngày tối đa tám tử thi. Vậy cũng khá đủ... chỉ trừ mùa hè, vì lúc đó thì các em bé này chen chúc đầy nhóc... Thế nhưng, thưa ông, thao tác có phương pháp thì ngay cả trong mùa đông đúc tôi vẫn giải quyết kịp... phải không, bác sĩ? Tôi đã từng xử lý bốn tử thi trên cùng một bàn mổ... Việc nặng nhọc lắm, xin thưa với ông! Không, không, đừng đi ra lối đó, thưa ông. Ông chưa xem tới phần hay nhất đâu...
Ông ta quay sang cánh cửa sắt bắt vào bức tường sơn bóng, trên tường có dán tấm giấy thông báo: “Giáo sư Simpson muốn có những trái tim nguyên vẹn. Phải hết sức cẩn thận”. Then cửa cọt kẹt. Từ từ cánh cửa mở ra. Một cảm giác ớn lạnh chết chóc xâm chiếm lấy tôi. Mặt tôi hẳn phải tái nhợt đi, vì James đã nắm lấy cánh tay tôi và nhìn tôi chăm chú. Đi xuống vài bậc cấp, chúng tôi tới một gian hầm lớn, tường gạch. Ngay giữa căn phòng lạnh này là một thứ máy gì đó bằng kim loại trông như cái lò của thợ làm bánh, một nồi hơi, hay chính xác hơn, với những cái cần dài nhô ra, trông nó như một chiếc khuôn bánh quế khổng lồ. Gregory liếc nhìn tôi một cái, ra dấu với vẻ ngầm hiểu cứ như ông ta sắp trao cho tôi một món quà kỳ diệu, và rồi, với sự nhanh nhẹn đáng kể, mở rộng hai cánh cửa và kéo một chiếc cần. Suýt nữa tôi đã hét lên, vì ông ta đã kéo ra phía chúng tôi đang đứng một chiếc bệ dài trên đó có một phụ nữ nằm, một tấm khăn phủ kín đến vai.
Cô ta mới yêu kiều làm sao, cái người chết ấy! Tôi sẽ không bao giờ quên cái sắc trắng phi phàm của gương mặt ấy. Đôi mắt cô ta nhắm kín. Một nụ cười buồn bã, cao quý tạo hình cho cái miệng gợi khát khao. Làm sao mà một phụ nữ lại phải chết ở một bệnh viện xa xôi vậy chứ? Người như cô ta thì ai mà chẳng muốn làm quen, an ủi, giúp đỡ... Gregory và James đứng bất động, chăm chăm nhìn tôi.
– Ông có nhận ra cô này không, bác sĩ? - Gregory nói. - Chính là cô gái người Nga đó... Họ đang chờ thân nhân cô ta đến nhận xác...
Gregory đẩy lui chiếc cần bằng một cái giật đột ngột, ấn cả chiếc bệ và xác chết vào trong lòng cỗ máy kim khí màu đen, rồi nói với vẻ kiêu hãnh:
– Chúng tôi có thể giữ xác vô thời hạn trong phòng lạnh này... Ông có thích xem một người đàn ông không?
– Không, cảm ơn, - tôi nói. - Tôi muốn ra ngoài.
James lại ân cần nắm lấy cánh tay tôi.
– Để tôi đưa anh về phòng tôi, - anh nói, - và anh sẽ làm một cốc rượu porto. Trông anh không được khoẻ... Và vậy nhé, Gregory... việc tối nay vậy là ấn định rồi nhé?
Ngay lúc đó có tiếng chuông văng vẳng mơ hồ ngoài phòng lòng chảo: tè-tè... tè-tè-tè-tè...
– Hai-bốn, - Gregory nói. - Chuông gọi ông đó, bác sĩ.
– Xin lỗi nhé, - James nói, - tôi phải tạm xa anh một lúc... Phải, những tiếng chuông ấy là tín hiệu quy ước của chúng tôi. Của tôi là hai tiếng rồi bốn tiếng... Trong mọi khoa bệnh và trong các phòng riêng của chúng tôi đều có gắn chuông báo như vậy... Bây giờ tôi chỉ cần gọi điện cho phòng thường trực là họ sẽ cho tôi biết ở đâu cần tôi đến... Anh cứ ở đây chờ nhé.
– Tôi muốn gặp lại anh ở chỗ khác hơn, bác sĩ. Tối nay anh ăn tối cùng tôi được không? Tôi đang ở tại một khách sạn nhỏ rất ấm cúng trong thành phố...
– Tối nay? - Anh lẩm bẩm, vẻ lơ đãng... - Tối nay? Nếu cần thì cũng được, tôi có thể nhờ ai trực thay... Tôi cũng rất thích trò chuyện mà. Nhưng anh vừa nghe rồi đó... tôi phải quay lại đây lúc mười giờ. Nếu anh bằng lòng ăn tối sớm, khoảng bảy giờ, thì tôi đến được.
– Tôi sẽ chờ anh... Khách sạn Johnson...
Trên đầu phòng lòng chảo, chuông điện đang nhắc lại, tè-tè...tè-tè-tè-tè.
Người Cân Linh Hồn Người Cân Linh Hồn - André Maurois Người Cân Linh Hồn