Nguyên tác: Want To Stay Alive?
Số lần đọc/download: 185 / 15
Cập nhật: 2020-06-07 21:39:53 +0700
Chương 2
T
hám tử loại một Tom Lepski bước đi cương quyết vào phòng các thám tử của Sở cảnh sát Paradise City, nhìn những người xung quanh bằng cái nhìn trịch thượng, như thể tầm vóc anh ta cao mười bộ. Mới một ngày trước, anh ta được thăng cấp, điều anh ta hằng mong đợi từ lâu. Để đạt được mục đích này, anh ta đã mướt mồ hôi ở cấp thám tử loại hai suốt một năm rưỡi trời. Cố nhiên không thể không ăn mừng một biến cố như thế. Anh mua cho Carroll, vợ anh, giỏ phong lan và đưa vợ đến một tiệm ăn đắt tiền.
Lepski cao, gày, mắt xanh lạnh lùng, là một cảnh sát háo danh và mưu trí, mặc dù ý kiến của anh về những thành tựu của mình không hoàn toàn khách quan.
Trung sĩ Joe Beigler, một tay kì cựu nhất trong các thám tử của Paradise City, đã nghiên cứu xong bản tin tổng hợp buổi sáng trong thành phố. Thấy Lepski, ông ta ngả người lên ghế và thốt lên với giọng mỉa mai nặng nề.
— Ờ, bây giờ thì thành phố an toàn rồi. Lấy ghế đi, Tom. Tôi đi kiếm cái gì chén đã.
Tom bao giờ cũng bỏ ngoài sự mỉa mai của người khác, anh ta xắn tay măng sét và tới gần bàn Beigler.
— Đi nghỉ đi, trung sĩ. Tôi sẽ giải quyết công việc ở đây. Fred thế nào, có gọi điện không?
Trung sĩ Fred Hess ở phòng điều tra các vụ giết người đang gãy chân nằm bệnh viện. Cả phòng trông cậy vào anh ta, chỉ vì thế anh ta mới không trở thành trò cười cho cả sở. Fred có đứa con trai sáu tuổi. Ở Mulberry Avenue nơi họ ở, thằng bé được tặng biệt hiệu là “tên hung đồ nhỏ tuổi”. Do tinh nghịch, thằng bé ném lên cây con mèo của một bà lão lắm lời góa chồng. Thay vì xin lỗi bà về hành động của con trai mình, trước mắt những người hàng xóm đầy thán phục, Hess leo lên cứu con mèo. Cành cây gãy, Hess ngã xuống gãy chân.
— Fred ư? – Beigler nhếch mép cười. – Anh ta bị một phen nhục nhã. Các chị em gái kêu ca về anh ta, nghe nói anh ta chửi vung tàn tán lên. Nhưng anh ta đang bình phục. Chỉ vào tuần nữa là lại khỏe như thường thôi.
— Tôi sẽ gọi điện cho anh ta. – Lepski nói. – Để anh ta đừng lo. Được biết mọi việc do tôi điều hành, anh ta sẽ yên tâm ngay thôi.
Beigler lo lắng.
— Tốt nhất là không nên. Chúng tôi muốn để anh ta mau mau trở về. Anh mà gọi điện thì huyết áp anh ta sẽ tăng vọt lên.
Khi Beigler đã đi ra, Lepski nhìn nhà thám tử loại hai Max Jacoby đang cố nén nụ cười.
— Nghe thấy chứ? – Lepski hỏi. – Cậu thấy thế nào, Joe ghen với tớ phải không?
— Tất nhiên, Tom. Mọi người đều ghen với anh, kể cả tôi.
— Thật ư? – Lepski khoái chí. – Tuy nhiên… – Anh ta nhún vai. – Cuộc sống là cuộc sống. Sẽ phải quen với điều đó thôi. Có gì mới không?
— Chẳng có gì. Yên tĩnh và phẳng lặng.
Lepski ngồi lại trên ghế cho thoải mái hơn.
— Bây giờ tớ mong có một vụ giết người mùi mẫn một chút… vì tình dục. Trong lúc Fred nằm nghỉ ở bệnh viện, tớ sẽ chơi một ván bài vơ hết tiền nhà cái. – Anh ta châm điếu thuốc lá, rít một hơi. – Fred cố nhiên không phải thằng ngốc, nhưng tớ cũng không phải là thằng đần độn. Vợ tớ bây giờ đã thôi thúc: anh hãy cố vươn lên trung sĩ. Cánh đàn bà ấy, bao giờ họ cũng thấy là chưa đủ. Mà tớ vừa được thăng cấp xong đấy. – Anh ta thở dài, lắc đầu. – Cậu thì thoải mái hơn, cậu chưa có vợ.
— Đúng vậy. – Joe xác nhận bằng giọng thấm thía. – Tự do quý hơn tất thảy!
Lepski cau có liếc nhìn anh ta.
— Tớ hoàn toàn không chống đối gia đình đâu. Nó có khá nhiều ưu điểm. Cậu đang độ cường tráng, đúng là lúc lấy vợ. Cậu…
Điện thoại réo.
— Thấy chưa? – Lepski mỉm cười tự mãn. – Tớ đến là việc ập tới ngay. – Anh ta vồ lấy ống nghe. – Cảnh sát đây. Thám tử loại một Lepski.
Jacoby bụm tay che miệng, phì cười.
— Gọi trung sĩ Beigler cho tôi. – Tiếng một người đàn ông quát lên. – Lepski cau mày trả lời. Hạng người nào thế nhỉ? Tại sao y lại cần Beigler hơn mình? – Có chuyện gì vậy?
— Hartley Danvaz đây. Đại úy Terrell có đấy không?
Lepski đứng thẳng người.
Hartley Danvaz không chỉ là chuyên viên giám định của ông biện lý khu về đạn đạo học, ông ta còn là chủ một cửa hàng sang trọng bán súng săn, nơi tất cả các nhà giàu địa phương đến mua bán. Ở thành phổ, ông ta là nhân vật quan trọng, thêm nữa là bạn riêng của sếp của Lepski.
— Không, thưa Mr. Danvaz; hiện thời sếp không có đây. – Lepski cho biết, nói cũng lấy làm tiếc là đã cầm máy lên. – Tôi có thể giúp được gì cho ông không ạ?
— Hãy gửi ngay đến đây một người nào tinh khôn một chút! Kẻ cắp đã lọt vào nhà tôi! – Danvaz gầm lên. – Hãy nói lại với đại úy Terrell, bảo khi nào ông ấy đến làm việc thì tới đây ngay.
— Vâng được, thưa Mr. Danvaz. Tôi sẽ đích thân đến ngay, Mr. Danvaz. – Lepski cam đoan. – Tôi đi ngay đây. – Và anh ta treo ống nghe.
— Đấy là Mr. Danvaz, – Jacoby huýt sáo, vẻ mặt lập tức trở nên nghiêm trang.
— Phải… Có chuyện rắc rối. Cậu hãy gọi điện cho sếp. Danvaz bị mất cắp. – Lepski đứng phắt dậy, nhanh đến nỗi chiếc ghế đổ ầm xuống sàn. Hãy nói với sếp rằng Danvaz gầm thét lồng lộn đòi sếp đến ngay, còn tôi đã đến đấy rồi. – Anh ta ra và cửa sập lại.
Hartley Danvaz trạc năm mươi tuổi. Người đàn ông cao, gầy đét và hơi gù này có thái độ tự thị và cao ngạo, đúng như một nhà triệu phú.
— Anh là ai, đồ quỷ tha ma bắt? – Ông ta phẫn nộ khi Lepski được đưa vào căn phòng làm việc sang trọng khiến người ta đến nghẹn thở của ông ta. – Beigler đâu?
Chà, sừng sừng sộ sộ, Lepski nghĩ, nhưng cái trò đó không đi đến đâu với ta hết. Cho dù thằng cha láo xược này là kẻ tai to mặt lớn gấp mười lần đi nữa thì Lepski dẫu sao vẫn cứ là thám tử loại một kia mà.
— Tôi tên là Lepski. – Lepski trả lời bằng giọng đặc giọng cảnh sát của mình. – Việc bẻ khóa thế nào?
Danvaz lừ mắt nhìn anh ta.
— Phải, tôi có nghe nói về anh. Terrell sẽ tới chứ?
— Chúng tôi đã báo cho ông ấy rồi. Nếu chỉ là chuyện bẻ khóa thôi thì tôi sẽ giải quyết xong. Sếp bận.
Danvaz mỉm cười bất ngờ.
— Phải,… tất nhiên. – Ông ta đứng lên. – Ta đi đi.
Ông ta dẫn Lepski qua một cửa hàng lớn, xuống phía dưới và mở cửa buồng kho.
— Chúng đã lọt vào đây.
Lepski nhìn cái cửa sổ nhỏ có chấn song thép. Chấn song đã bị nhổ bật và chồi ra khỏi bệ xi măng.
— Dây cáp thép và ô tô, – Lepski giải thích. Qua cửa sổ anh ta nhìn thấy một con đường hẹp giữa các hàng cây, dẫn tới chỗ đỗ ô tô. – Chuyện dễ như bỡn. Chúng lấy cái gì?
— Chúng lẻn vào đây bằng cách ấy ư?… – Danvaz nhìn Lepski có phần kính trọng. – Chúng lấy một trong những khẩu súng thiện xạ tốt nhất của tôi; một công trình làm bằng tay, có bộ ngắm quang học, có bộ giảm thanh, trị giá năm trăm sáu mươi đô la.
— Còn mất cái gì nữa không?
— Một hòm đựng năm trăm viên đạn cho khẩu súng.
— Súng để ở đâu?
— Tôi sẽ chỉ cho anh ngay bây giờ.
Danvaz, có Lepski đi theo sau, trở lại cửa hàng.
— Ở đây, – ông ta nói, tới gần cái tủ kính hẹp đặt ngay trên quầy hàng. – Lấy khẩu súng ở đây ra là chuyện hết sức đơn giản. Mở nắp kính, thế là xong. Tôi không hề động đến cái gì. Có lẽ sẽ còn lại dấu tay chăng?
— Hừm. Tôi sẽ cho ngay người của chúng tôi đến đây, họ sẽ tìm vết tay. – Lepski nhìn mặt kính đánh bóng loáng, nói và hiểu ngay rằng sẽ chẳng ăn thua gì. Kẻ lấy súng đã đeo găng.
Hai giờ sau, xếp cảnh sát Terrell gọi Beigler và Lepski vào phòng làm việc của mình, họ ngồi nhâm nhi cà phê.
— Không có tang chứng gì, không có dấu tay… làm việc này là một tay nhà nghề. – Beigler lầu bầu, sau khi đọc xong báo cáo của Lepski. – Rõ ràng gã này biết mình đến để làm gì. Ở đây có những khẩu súng trường còn đắt tiền hơn, vậy mà gã lấy chính khẩu này.
Terrell, một người đàn ông hơi thô, tóc có những sợi điểm bạc màu ánh thép, xoa cái cằm đồ sộ.
— Danvaz căn bản là buôn bán súng thể thao. Còn khẩu súng này là súng thiện xạ. Tại sao chúng lại lấy chính khẩu súng đó?
Lepski động đậy vai một cách nóng nảy.
— Món đồ chơi không đơn giản. Ở đây có cả bộ ngắm quang học, bộ giảm thanh. Có lẽ một con chó con nào đó đã nhìn thấy khẩu súng và ngứa tay. Danvaz nói rằng một tháng trước, khẩu súng đó bày ở một tủ kính gần của sổ.
Terrell gật đầu.
— Có thể như thế, song đối với một kẻ giết người thì khẩu súng này là của hiếm.
— Tôi vẫn nghĩ rằng đấy là một thằng nhóc nào đó.
— Nếu vậy thì thủ đoạn của nó là thủ đoạn của tay chuyên nghiệp. – Beigler chen vào
— Chứ sao? Bây giờ bất cứ thứ nhãi nhép nào cũng biết khi hành sự thì đeo găng và biết cách nhổ bật chấn song cửa sổ. Chúng đã xem chán trên ti vi những điều còn ghê gớm hơn thế nữa kia. – Lepski cãi lại.
— Hãy đăng tin trên báo. – Terrell ra lệnh. – Thực ra không có lợi ích gì nhưng cứ để cho người ta viết về vụ lấy cắp. Và người ta sẽ in ảnh khẩu súng… Chắc chắn là Danvaz có ảnh.
Khi Lepski trở lại bàn của mình và bắt đầu quay số điên thoại Beigler nói với Terrell:
— Có lẽ Tom nói đúng,… khẩu súng đã lọt vào mắt một thằng nhãi ranh nào đó và nó đã không nén nổi.
Terrell ngẫm nghĩ. Ông nhớ thuở bé, thứ bảy ông thường đến cửa hàng của Danvaz, – khi ấy ông chủ là bố của Hartley, – ông trố mắt nhìn khẩu súng thiện xạ: giá ta có được một khẩu súng như thế.
— Chúng ta hãy hi vọng rằng anh ta nói đúng, có điều tôi không thích chuyện ấy. Súng có máy ngắm quang học là vũ khí giết người.
o O o
Dean K. McCuen là chủ tịch công ty Florida Canning & Glass. Công ty này có vốn lưu chuyển một triệu đô la, cung cấp bao bì đóng gói cho những người làm dưới quyền mình, rút cục ông ta đã thành đạt trong đời. Ông ta đã ba lần lấy vợ; tất cả các bà vợ đều bỏ ông ta, không chịu nổi tính tình hung hãn, lối sống và những đòi hỏi quá đáng của ông ta.
McCuen sống đúng giờ giấc. Dậy lúc 7:00, nửa tiếng trong phòng thể thao ở tầng hầm của ngôi nhà lộng lẫy của mình, căn nhà chìm ngập giữa những vườn hoa diện tích hai mẫu Anh. 7:31 tắm hương sen, 8:00 ăn điểm tâm, đọc cho thư ký viết đến 9:00, 9:03 lên chiếc Rolls-Royce và đi làm. Đấy là thời gian biểu trong ngày của ông ta, nó chưa bao giờ bị vi phạm.
Martha Delvine đã làm thư ký cho ông ta ba năm, chị biết rất rõ ông ta không hề chậm giờ lấy một giây, và vào buổi sang hè sáng sủa ấy, khi ông ta đi trên cái cầu thang rộng xuống ăn sáng, chị không nhìn đồng hồ cũng biết chắc bây giờ là 8:00 không kém một giây.
Người phụ nữ ba mươi sáu tuổi, tóc đen, cao lớn, ngoại hình không có gì đáng chú ý ấy chờ ông ta bên bàn, tay cầm những bưu phẩm buổi sáng.
— Chào ông, Mr. McCuen. – Chị nói và đặt tập bưu phẩm lên bàn.
McCuen gật đầu. Ông ta không phải loại người phí lời vô ích. Ông ta ngồi xuống, trải chiếc khăn ăn lên đùi, còn Toko, gã Thứ Sáu người Nhật của ông ta rót cà phê vào các chén và đem tới món trứng ốp lết và bầu dục dê.
— Thư tín có cái gì không? – McCuen vừa nhai bầu dục vừa hỏi.
— Chẳng có gì quan trọng. – Martha trả lời. – Những giấy mời bình thường. – Chị ta ngừng lời, ngập ngừng một hai giây, rồi nói thêm. – Kể ra thì có một vật kỳ lạ…
McCuen cắm dĩa vào một nửa quả bầu dục nữa, rồi cau mày.
— Một vật kỳ lạ à? Nên hiểu thế nào kia?
Chị đặt trước mặt ông ta một nửa tờ giấy viết rẻ tiền.
— Đây là bưu điện gửi tới.
McCuen lấy chiếc kính hai tròng của mình, đeo lên và nhìn vào tờ giấy. Điều sau đây viết bằng chữ lớn:
CẦU CHÚA CHO LINH HỒN NGƯỜI ĐƯỢC BẰNG AN
9:03
ĐAO PHỦ
— Cái quái gì thế này? – McCuen cáu kỉnh la lên.
Toko đứng bên bàn McCuen, nhăn mặt. Nghe giọng ông chủ, anh ta hiểu: buổi sáng mở đầu chẳng hay hớm gì.
— Tôi không biết. – Martha đáp. – Tôi thấy cần đưa ông xem.
— Để làm gì? – McCuen cằn nhằn chị ta. – Chị không thấy đây là do một kẻ mắc bệnh tâm thần viết hay sao? Chị đưa cái này cho tôi để làm gì? Chỉ cốt để làm hỏng bữa sáng chắc? – Ông ta hất tờ giấy xuống sàn.
— Bánh mỳ rán nguội lạnh! Có chuyện gì với buổi sáng nay không biết! Đem thêm nữa đến!
9:03, đọc cho chị thư kí viết xong, vẫn còn phẫn nộ, McCuen vẻ mặt hết sức trịnh trọng, ra đường nơi chiếc Rolls-Royce đang chờ ông ta. Mặt trời chiếu sáng rực rỡ.
Brant đứng cạnh cửa xe, chiếc mũ cát két kẹp dưới nách, đây là người lái xe đã chịu khổ chịu nhục rất nhiều về chủ mình. Ở bậc trên cùng của những bậc thang đường bệ, Martha Delvine ra tiễn, ông chủ dừng lại.
— Tôi sẽ trở về lúc sáu giờ. Hôm nay Halliday sẽ tới thăm tôi. Ông ta hứa đến vào sáu giờ rưỡi, nhưng chị biết ông ta không kém gì tôi. Ông ta không bao giờ là người đúng giờ…
Đấy là những lời cuối cùng trong đời của Dean McCuen. Hồi ức khủng khiếp về giây cuối cùng mãi mãi ăn vào ký ức của Martha và nhiều lần dày vò chị vào ban đêm. Chị đứng cạnh McCuen, và bỗng nhiên trước mắt chị, trán ông ta biến thành một đám nhầy nhầy của máu và não mềm nhũn. McCuen ngã vật xuống những bậc đá hoa cương, đập đánh chát một tiếng, cú va đập làm hộp sọ vỡ toang và óc phọt ra hết.
Tê liệt vì khiếp sợ, chị nhìn tấm thân mập mạp, rắn chắc lăn trên các bậc thềm, còn trên mặt chị thoáng hiện một vẻ gì ghê tởm, khó hiểu… và chị thét lên một tiếng điên cuồng.
o O o
Bác sĩ Lowis, bác sĩ của cảnh sát, đi xuống các bậc thang vào căn phòng lớn, nơi Terrell, Beigler và Lepski đang chờ ông. Lowis người béo mập, thấp, đầu hói, mặt lấm tấm tàn nhang. Terrell kính trọng tài năng chuyên môn của ông ta.
Chuông điện thoại vang lên, khi Lepski vừa bỏ máy sau cuộc nói chuyện với đại diện báo chí về khẩu súng bị mất cắp. Steve Roberts gọi điện từ xe tuần tra, anh ta nghe thấy tiếng thét trong nhà McCuen và đã tìm hiểu xem ở đấy xảy ra chuyện gì. Sau báo cáo của anh ta, Terrell, Beigler và Lepski chạy bổ trên bậc thang ra xe của mình còn Jacoby được lệnh gọi điện đến phòng điều tra các vụ giết người. Chuyện giết người như thế ở Paradise City đã lâu không xảy ra – giết một trong những người có thế lực nhất thành phố.
Họ đến hiện trường cùng lúc với xe cấp cứu, năm phút sau bác sĩ Lowis cũng đến. Bây giờ xe cấp cứu chở xác McCuen đã đi về nhà xác.
— Chị ta thế nào? – Terrell hỏi.
— Tôi đã cho chị ta uống thuốc an thần. – Bác sĩ Lowis trả lời, dừng lại trước các bậc thềm. – Không thể thẩm vấn chị ta ít ra trong một ngày một đêm. Chị ta bị choáng.
Terrell không ngạc nhiên: ông đã nghe viên cảnh sát báo cáo, đã nhìn thấy xác McCuen.
— Ông có suy nghĩ gì không, thưa bác sĩ?
— Bắn bằng khẩu súng cực mạnh. Bây giờ tôi sẽ đến nhà xác lấy viên đạn ra. Tôi có thể đánh cuộc rằng đây là khẩu súng thiện xạ thượng hạng có kính ngắm.
Terrell và Beigler nhìn nhau.
— Còn góc bắn?
— Bắn từ trên cao xuống.
Terrell và Lowis ra sân thượng. Họ chăm chú nhìn quang cảnh hiện ra trước mắt.
— Từ nơi kia kìa. – Lowis nói, vung bàn tay béo mập. – Tôi đi đây. Đó là thuộc phần các anh. – Và ông ta ra đi.
Beigler tới gần Terrell.
Họ bắt đầu nhìn về phía trước. Khu vực của McCuen được viền quanh bởi những cây hạt dẻ lớn tiếp đó là đường nhựa, xa hơn nữa là khoảng không, đằng xa là một ngôi nhà ở mái bằng.
— Bắn khá giỏi. – Beigler nhận xét, – nếu như bắn từ đấy.
— Nhưng xem ra cũng chẳng còn nơi nào khác… hãy nhìn xung quanh xem. – Terrell đưa tay vòng quanh. – Anh có nghe Lowis nói đấy không: khẩu súng thiện xạ thượng hạng có kính ngắm… Hoàn toàn có thể đó là khẩu súng của Danvaz.
— Hừm. Hễ Lowis lấy được đạn là mọi việc rõ ràng.
— Tom? – Terrell quay về phía Lepski đang đợi lệnh. – Lấy một số người mà anh thấy cần thiết, và lục soát kỹ ngôi nhà kia. Kiểm tra mái nhà và các căn hộ không có người ở. Nếu không có căn hộ nào bỏ không thì kiểm tra tất cả, không trừ căn hộ nào. Nói chung không cần dạy anh.
— Tuân lệnh, thưa sếp.
Lấy bốn người ở phòng điều tra những vụ giết người. Lepski cùng với họ đi về phía ngôi nhà nhiều tầng nhìn đằng xa.
— Xem kìa, ma quỷ xui khiến ông ta đến đây. – Beigler nói và rền rĩ.
Từ chiếc xe mới tới, một người đàn ông cao, tóc đốm bạc bước ra. Tên ông ta là Pete Hamilton, người phụ trách mục tin thời sự về tình hình tội phạm của báo địa phương Paradise City về đài truyền hình thành phố.
— Anh tiếp ông ta. Không một lời nào về khẩu súng. Giả ngây giả ngô. – Terrell mấp máy môi, nói nhỏ. Và trở vào nhà.
Herbert Brant, người lái xe của McCuen, không có gì để nói. An ta vẫn chưa định thần sau cơn bàng hoàng, và Terrell mau chóng hiểu rằng chỉ phí thời giờ vô ích, còn Toko, gã đầy tớ người Nhật, không nhìn thấy vụ giết người, thì hoàn toàn bình tĩnh. Gã đưa Terrell tờ giấy mà McCuen đã khinh miệt hất xuống sàn.
Beigler ít gặp may hơn nhiều với Hamilton.
— Được, được… Tôi biết chuyện ấy vừa xảy ra. Hamilton nói một cách nôn nóng. – Nhưng các ông hẳn phải có một giả thuyết nào đó chứ? McCuen là một nhân vật có tiếng tăm. Và bị giết chết… như Kennedy! Mà trong thành phố chúng ta đã lâu không xảy ra chuyện gì như thế, chẳng lẽ ông không hiểu điều đó ứ?
— Đồng ý, đấy là một biến cố. – Beigler trả lời, cho vào miệng một miếng kẹo cao su. – Nhưng Kennedy dính dáng gì đến đây? McCuen đâu phải là tổng thống Mỹ.
— Vậy ông có nói gì với tôi không nào? – Hamilton nổi cáu.
— Nếu biết được điều gì thì nhất định tôi sẽ nói, Pete ạ. – Beigler trả lời. – Nhưng hiện thời chúng tôi chưa nắm được gì hết.
— Thế khẩu súng thiện xạ mất cắp ở cửa hàng của Danvaz… có thể nó là vũ khí giết người chăng?
Beigler nhún vai.
— Chúng tôi đang nghiên cứu giả thuyết đó.
— Khi nào ông có điều gì nói với tôi?
— Vài giờ nữa. Sau buổi trưa, ở Sở chúng tôi sẽ có cuộc họp báo.
Hamilton trùm lên Beigler một cái nhìn chăm chú, nhưng ông ta vẫn thản nhiên như không.
— Thôi được… Chỉ có thế thôi ư?
— Tạm thời chỉ có thế.
Hamilton chạy trên bậc thềm ra xe của mình. Beigler nhìn theo ông ta, rồi vào nhà xem Terrell đạt được kết quả gì. Terrell đứng nghe Toko kể. Rút cuộc Toko đã kể hết, và ông cho hắn ra. Còn lại một mình với Beigler, Terrell đưa ông ta xem mảnh giấy Toko trao cho ông.
Beigler nghiên cứu mảnh giấy, rồi nghiến răng buông một câu rủa.
— Đồ tâm thần.
— Có khi là để đánh lạc hướng chăng?
Cả hai đều biết: chính những kẻ mắc bệnh tâm thần có vũ khí là những kẻ giết người khéo léo nhất và tháo vát nhất, dồn chúng vào chân tường là khó khăn nhất.
Beigler cho tờ giấy vào chiếc phong bì bằng chất dẻo.
— Tôi sẽ đưa cái này cho anh em ở phòng thí nghiệm. – Ông ta toan bước ra xe, nhưng rồi dừng lại. – Hemiton xưa nay rất thính nhạy. Ông ta hỏi cặn kẽ về khẩu súng bị mất cắp. Tôi e rằng điều đang chờ đợi chúng ta là một cuộc quảng cáo rùm beng.
— Có thể là như vậy.
Năm phút sau khi họ đi, Pete Hamilton lại lái xe tới nhà McCuen. Ông ta nói chuyện với Toko, phó nháy chụp mấy tấm ảnh, rồi họ ra về, suýt cụng trán trên con đường vào nhà với hai nhà báo cạnh tranh với họ.
11:00, Hamilton đã phát biểu trên chương trình truyền hình. Trên màn ảnh là bức ảnh chụp khẩu súng bị mất cắp. Rồi nhà của McCuen, ở đằng xa là ngôi nhà nhiều tầng. Hamilton kể với những người tiểu thị dân đang dán mắt vào ti vi của mình về mảnh giấy của Đao phủ.
— Kẻ này là ai? – Ông ta nêu câu hỏi. – Liệu hắn có giáng một đòn nữa không?
o O o
Mô ten (2) Xin Kính Mời ở cạnh con đường làng, gần sát bên đường nhựa số 4, cách Paradise City ba dặm. Mười lăm dã thự cũ nát, mỗi cái có ga ra riêng, là của Bertha Harris, chồng bà chết từ trong chiến tranh Triều Tiên.
2. Motel: Một loại khách sạn có nơi để xe hơi.
Bà ta là một phụ nữ hơi đẫy đà, hơi lùn, sắp qua tuổi sáu mươi. Mô ten là nguồn sinh nhai của bà ta. Để kiếm miếng ăn thì đủ dùng, theo lời của chính Bertha, mà bởi vì cái ăn chính là điều bà ta quan tâm trước hết, nên có thể coi mô ten là một việc kinh doanh thành công.
Thông thường, khách của bà ta chỉ dừng lại một đêm, vì thế bà ta ngạc nhiên một cách dễ chịu khi tối hôm trước có một chiếc Buick bụi bậm tới mô ten và một gã da đỏ hồ hởi coi bộ lịch sự nói với bà ta rằng gã và các bạn nghỉ phép, liệu họ có thể thuê hai nhà nhỏ trong một tuần và có khi lâu hơn không?
Bà ta hể hả khi gã da đỏ rất sẵn lòng nhận mọi điều kiện, đến nỗi bà ta tự mắng mình: đáng ra nên đòi nhiều hơn. Điều kiện dễ chịu là gã da đỏ trả tiền trước cả hai ngôi nhà, kể ra thì các bạn gã – một chàng trai và một cô gái, – không hiểu vì sao lại là người da trắng, nhưng bà cần gì điều đó?
Trong sổ đăng ký, gã da đỏ mang tên Harry Lukon, còn đôi kia là Mr. và Mrs. Jack Allen.
Họ và tiệm ăn do một người giúp việc da màu của Bertha cai quản, một người da đen lông lá tên là Sam, ở tuổi bảy lăm mà ông ta vẫn khéo tìm cách giữ cho các dã thự ở tình trạng sạch sẽ tương đối và khi cần thiết, có thể làm thứ món ăn khiến người ta phát sầu đời, nhưng chuyện ấy hiếm thôi.
Ăn xong bữa tối bằng xúc xích hăm bua tồi tàn và bánh nướng bột nếp nhân táo với nước uống có ga để đưa đi cho trôi, bộ ba đi ngủ, và Bertha quên phắt họ đi.
22:00, ba vị khách khác của bà – những người chào hàng đứng tuổi – cũng về nhà trọ của họ. Trong mô ten hoàn toàn yên tĩnh. Nhưng trước đó, Poke Toholo khe khẽ gõ cửa căn nhà nhỏ của Chuck, họ thì thầm với nhau cái gì một lúc, Meg cố nghe trộm cuộc nói chuyện của họ mà không được. Rồi Chuck ra lệnh cho Meg đi ngủ, còn anh ta cùng Poke lên chiếc Buick và họ đi về phía Paradise City.
Trong thành phố Poke lái xe một cách tự tin đến nỗi Chuck hiểu ngay: gã da đỏ biết Paradise City như năm ngón tay của mình. Họ cho xe đi vòng hai lần quanh trung tâm buôn bán, và chỉ khi ấy Poke mới giải thích họ sắp phải làm gì.
Dưới ghế sau xe có để một chiếc móc thép và sợi cáp thép dài. Nhổ bật chấn song cửa sổ phòng kho là trò trẻ con.
Trong lúc Chuck nóng nảy và người lấm tấm mồ hôi, đứng chôn chân ở lối đi tăm tối giữa hàng cây thì Poke chui vào cửa sổ. Lát sau gã đưa cho Chuck khẩu súng thiện xạ, kính ngắm và hộp giảm thanh. Chuck giấu tất cả những thứ đó dưới ghế xe.
Họ trở về mô ten.
— Đi ngủ đi. – Poke nói, khi xe dừng lại cạnh ngôi nhà nhỏ của Chuck. – Không được nói lời nào với cô ta… hiểu chưa?
Chuck ra khỏi xe.
— Thế còn cậu sẽ làm gì?
— Rồi cậu sẽ biết. – Poke điềm tĩnh trả lời, nhấn ga, và xe biến mất trong bóng tối.
Meg nằm trong giường, nhưng không ngủ, chờ anh – những ý nghĩ lo lắng dày vò cô. Hắn bắt đầu cởi quần áo.
— Anh đã đến đâu vậy? – Cô hỏi
Hắn chui vào chăn, vươn về phía cô.
— Anh đã đến đâu vậy? – Cô nhắc lại, đẩy hắn ra.
— Đừng có áp vào em! Anh thậm chí không tắm rửa, con lợn con khốn khổ! Thậm chí không đánh răng nữa kia!
— Gớm chưa. – Chuck đáp và dằn ngửa cô ra.
Họ ngủ đến 9:50. Lúc hâm cà phê, qua cửa sổ Meg nhìn thấy Poke lái xe tới và cho xe vào ga ra.
— Suốt đêm gã không có nhà à? – Cô vừa hỏi vừa rót cà phê ra chén.
— Em đi mà hỏi chính gã ấy. – Chuck làu nhàu.
Cô lập tức không còn muốn hỏi han gì nữa.
Rồi Chuck cạo râu, tắm hương sen, còn trong lúc đó Meg xem quảng cáo trên ti vi.
Vừa xát xà phòng vào mặt, Chuck vừa nghĩ đến Poke. Họ đã đánh cắp khẩu súng. Poke đi vắng suốt đêm. Mà chính gã nói: sẽ có ba vụ giết người. Chuck cảm thấy tức dưới ngực: ngộ nhỡ Poke đã sử dụng khẩu súng trường thì sao?
Chuck đang chải đầu khi Pete Hamilton xuất hiện trên màn ảnh và bắt đầu kể về vụ giết McCuen. Ông ta đưa ra bức thư McCuen nhận được, và lúc ấy Chuck ra khỏi vòi tắm hương sen.
— Nghe đây này! – Meg kêu lên, vẻ kích động.
— Như vậy là giữa chúng ta đã có một kẻ giết người… có lẽ là một kẻ giết người điên rồ. – Hamilton nói – Kẻ giết người đó tự xưng là Đao phủ. Nhưng động cơ giết người là gì? Và chúng ta phải chờ đợi một vụ giết người nữa không? Tối hôm qua ở một cửa hàng bán vũ khí có tiếng… cửa hàng của Danvaz, đã mất cắp một khẩu súng thiện xạ. Phải chăng McCuen bị giết chính bằng khẩu súng ấy? Đây là bức ảnh chụp khẩu súng ấy có kính ngắm và bộ giảm thanh. – Bức ảnh mới hiện lên và Chuck giật mình.
— Hãy chú ý nhìn bức ảnh này. – Hamilton nói tiếp. – Nếu các bạn đã nhìn thấy khẩu súng này, đã thấy nó trong tay ai thì xin lập tức báo cho sở cảnh sát. Dean K. McCuen là một trong những công dân danh tiếng nhất thành phố chúng ta. Ông…
Chuck tắt ti vi.
— Ông ta chẳng còn việc gì làm nữa. – Hắn nói, cố làm ra vẻ nhởn nhơ. – Ta đi xem thành phố đi.
Meg không rời mắt khỏi hắn. Hắn tái nhợt, trán lấm tấm mồ hôi, mắt nhớn nhác. Cô lạnh người.
— Đã xảy ra chuyện gì vậy?
Chuck mặc sơ mi.
— Có chuyện gì xảy ra à? Chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Sao, em không muốn đi xem thành phố à?
— Đấy là vụ giết người… Kẻ đó… Đao phủ… việc này không dính líu đến chúng ta chứ, thế nào, Chuck?
Chuck mặc quần.
— Sợ hả? Liên can tới chúng ta ư?
Nhưng mắt hắn nhìn đi nơi khác.
— Vậy sao nom anh thất thần thế? Vụ này có liên can đến chúng ta. – Meg lùi khỏi hắn ta. – Gã kia lang thanh ở đâu suốt đêm? Tiền mà gã hứa với chúng ta ở đâu ra?
Chuck hiểu, đã đến lúc rồi. Bây giờ hoặc không bao giờ.
— Thôi đủ rồi. – Hắn nổi khùng. – Gói ghém đồ đạc của em đi! Chúng tôi đã báo trước cho em rồi kia mà! Không được hỏi han gì hết, phải thế không? Còn bây giờ thì hết rồi, xin chào! Cuốn gói đi! Gói ghém những đồ lề dớ dẩn của em lại! Cuốn xéo.
Hắn ra khỏi nhà và gõ cửa phòng Poke. Gã để cho hắn vào và đóng cửa lại ngay. Hai đứa đứng nhìn nhau.
— Tớ nghe thấy hết rồi. – Poke kẽ nói. – Cậu xử trí cao tay lắm. Hãy lấy xe ra bãi tắm. Giải trí đi. Còn tớ ngủ một lát. – Gã lấy trong túi ra tờ hai mươi đô la. – Đây… hãy đem lại niềm vui thú cho cô bé. – Gã im tiếng. Cái nhìn của cặp mắt đen sáng quắc của gã lục soát khuôn mặt Chuck. – Buổi tối tớ sẽ cần đến cậu.
Chuck chết lặng đi. Cổ họng bỗng khô lại.
— Số hai phải không?
Poke gật đầu.
Nhìn ra phía khác, Chuck gắng gượng thốt lên:
— Với kẻ đầu tiên, cậu đã tự giải quyết xong. Cậu cần tớ để làm gì?
— Lần này không có cậu không xong. – Poke trả lời. – Đưa cô bé ra bãi tắm đi.
Chuck gật đầu, chần chừ giây lát rồi đi ra.
Chuck ra khỏi, Poke đóng cửa cài then. Chờ một lát cho Chuck và Meg len xe và lái, Poke tới giường mình, lật đệm lên và lấy ra khẩu súng thiện xạ.
Gã ngồi xuống mép giường, bắt đầu lau nòng súng.
o O o
Mãi quá 14:00 Terrell mới kịp xem toàn bộ thư từ buổi sáng. Ông giao cho Beigler ngồi trả lời điện thoại. Cuộc thuật chuyện buổi sáng của Hamilton trên ti vi có tác dụng như trái bom nổ, và điện thoại không ngừng gọi về Sở cảnh sát. Những người giàu có ở địa phương toàn là loại người được cưng chiều, nóng nảy, và họ thực sự xúc động. Theo quan niệm của họ, có cảnh sát chỉ để bảo vệ lợi ích của họ. Sao, các ông đã bắt được kẻ mắc bệnh tâm thần đó chưa, họ hỏi một cách giận dữ, rít lên, gần như loạn thần kinh. Các ông làm gì ở đấy, ở Sở cảnh sát, các ông không hiểu rằng kẻ đó có thể giết thêm một người nào đó nữa à? Các ông có những biện pháp gì?
Beigler đẩy lùi những cuộc tấn công đó, không mất tự chủ, tỏ ra bình tĩnh và tự tin, miệng luôn ngậm điếu thuốc lá, trên bàn có cái cốc đựng cà phê bên cạnh.
Lawson Hedley, thị trưởng thành phố nổi tiếng là người khôn ngoan. Ông đã nói chuyện với Terrell.
— Có thể đấy là kẻ mắc bệnh tâm thần. – Terrell nói với ông. – Mà có thể là một kẻ ham muốn mãnh liệt. Hiện giờ tôi có ít tin tức, tôi không thể nói điều gì dứt khoát được. Khoảng 15:00 tôi sẽ xem xét xong tất cả các báo cáo và tường trình. Nếu anh muốn chờ, anh Lawson, thì thề có chúa, tôi không phản đối.
— Tôi sẽ chờ Frank ạ. Gã Hamilton ấy, quỷ tha ma bắt hắn đi, hắn làm cho mọi người đều sợ hãi, còn chính chúng ta không biết sự thể ra sao. Tôi sẽ ở nơi nào gần đây.
15:00, Terrell, Hedley và Beigler ngồi bên bàn trong phòng làm việc của Terrell.
— Vũ khí giết người bị lấy cắp hôm qua ở cửa hàng của Danvaz. – Terrell mở đầu. – Các chuyên gia đạn đạo học xác nhận điều đó. Tên giết người bắn từ căn nhà ở có tên là Connaught, từ sân thượng của nhà kho. Như các ông đã biết, sống ở nhà kho ấy là Tom Davis, hiện giờ ông ta đang nghỉ đâu đó ở châu Âu. Ông ta vắng mặt đã ba tháng, và tên giết người chắc hẳn biết điều đó. Thang máy từ ga ra dưới tầng hầm dẫn thẳng tới căn hộ của Davis. Nếu lựa chọn được dụng cụ, thì lên đấy bằng thang máy không có gì rắc rối. Nói chung chẳng cần cố gắng gì đặc biệt. Tên giết người vào ga ra, lên căn hộ của Davis, ra sân thượng và bắt đầu chờ McCuen xuất hiện. Người gác cửa khu nhà Connaught trở dậy vào khoảng 6:00. Có lẽ tên giết người lỉnh đi.
Hedley đưa tay xoa mái tóc đã thưa dần.
— Có thể có cảm tưởng rằng hắn sắp xếp mọi việc kỹ lưỡng. Và đã lâu rồi.
— Hay hắn biết rõ thời gian biểu quen thuộc. Hình như hắn biết đích xác đúng lúc nào thì bắn, lúc nào thì ra khỏi nhà và Davis đi vắng xa.
— Vậy đây là một kẻ nào trong số người địa phương à?
— Nhiều phần chắc là như thế.
Hedley ngọ nguậy một cách lo ngại trên ghế bành.
— Anh còn nắm được điều gì nữa không?
— Một mảnh giấy… hơi kỳ lạ. Đấy là lời báo trước. Gửi đi từ tối hôm qua. Đến đây thì tôi bất lực. Tên giết người báo trước cho McCuen biết ông ta sẽ bị giết. Nhưng để làm gì?
— Quảng cáo. – Beigler đưa ra giả định. – Và hắn đã được quảng cáo. Mà là quảng cáo rùm beng.
— Có thể. Anh nói đúng. Người của chúng ta ở phòng thí nghiệm đã nghiên cứu mảnh giấy đó. Không có dấu tay, viết bằng bút bi, giấy bán ở bất cứ cửa hàng rẻ tiền nào. Nghĩa là chúng ta chẳng có gì, ngoài mấy dòng chữ viết – Terrell lấy mảnh giấy và đưa cho Hedley. – Anh thấy đấy, chữ viết theo kiểu chữ in và hơi ngoằn ngoèo. Điều quan trọng là thời gian ghi trong mảnh giấy: 9:03. Như vậy là tên giết người biết rất rõ thói quen của McCuen. McCuen rất ham mê thời gian, mọi việc đều làm đúng từng giây. Tên giết người biết rằng McCuen bao giờ cũng ra khỏi nhà vào 9:03. Ai có thể biết đích xác điều đó đến từng phút? Cô thư ký của McCuen, người lái xe của ông ta, tên đày tớ. Nhưng họ không dính líu gì đến việc này. Tôi không hồ nghi gì về việc đó. McCuen thường khoe với bạn bè về sự đúng giờ của mình. Được, chúng tôi sẽ kiểm tra. Nhiều phần chắc rằng kẻ giết người hiện sống ở đây và thời gian biểu sinh hoạt ở vùng chúng ta. Thì hắn biết rằng Davis đi xa, rằng người gác đi ăn sáng lúc 9:30, còn McCuen bao giờ cũng ra khỏi nhà vào 9:03. Về McCuen thì tất cả các vị biết không kém gì tôi. Chẳng có người nào yêu mến ông ta nồng nhiệt, kẻ thù trong giới kinh doanh thì quá nhiều. Cả đời tôi cũng sẽ không tin rằng có người nào trong giới kinh doanh đã quyết định dùng súng săn ông ta, như vậy thì quá lắm, quỷ tha ma bắt ạ, nhưng cũng có thể là tôi lầm. Có thể mẩu giấy này chỉ là một mánh lới đánh lạc hướng, nhưng có cái gì bảo tôi rằng ở đây chẳng phải là mánh lới gì hết. Tôi có cảm giác rằng đây là một tên mắc bệnh tâm thần nổi khùng, hắn hiện đang ở đây và sẽ còn ra tay.
Hedley thâu nhận tất cả những điều đã nói, rồi hỏi:
— Bước tiếp theo sau của chúng ta như thế nào?
Terrell nhoai về phía trước, đặt hai nắm tay to lớn của mình lên bàn.
— Nói một cách nghiêm chỉnh, giữa chúng ta với nhau thôi, tôi chẳng biết làm gì cả. Hiện giờ chúng ta chẳng thể trù tính những bước đi cụ thể nào cả. Cố nhiên, chính thức thì tôi tuyên bố rằng việc điều tra đang tiến hành, đang đề ra các giả thuyết, và vân vân, nhưng chúng ta chưa đặc biệt làm gì cả. Bức ảnh chụp khẩu súng sẽ được chiếu trên ti vi một lần nữa, chúng ta sẽ lục lọi trong đời sống của McCuen và nói chuyện với bạn bè ông ta, nhưng tôi e rằng điều đó sẽ chẳng cho biết thêm gì nhiều. Vụ giết người không có lý do là quả hồ đào rắn nhất. Hãy thử cắn vỡ nó xem. Ta hãy cầu sao cho vụ giết người này là duy nhất.
Hedley chăm chú nhìn ông ta.
— Anh không loại trừ hắn sẽ lại giết nữa ư?
— Làm sao tôi biết được? Tôi hy vọng rằng không. Còn chúng tôi sẽ hành động theo sơ đồ bình thường. Chúng tôi sẽ kiểm tra tất cả những người có xích mích với McCuen, mà số người này không ít. Chúng tôi sẽ cố tìm hiểu xem ai đã bị ông ta xúc phạm ghê gớm, ai có thể thù hận ông ta… có lẽ là một người nào dưới quyền. Nếu anh có ý tưởng gì thì xin cho biết, Lawson ạ, bây giờ là đúng lúc lắm rồi.
Lawson giụi điếu xì gà vào đáy cái gạt tàn và đứng lên.
— Không… nhưng tình thế thì tôi rõ rồi. Thôi được, Frank ạ, cứ hành động đi. Tôi sẽ về nhà, cố dập tắt sự khiếp sợ… tôi chẳng còn cách nào khác.
o O o
Lepski biết rất rõ rằng lúc này mọi người hàng xóm đều bận rộn trong vườn của mình: tưới hóa chất trừ rệp cây, xén bãi cỏ – và anh quyết định đánh xe tới gần nhà một cách om sòm cho biết ta là thế nào!
Anh phóng xe trên đường với tốc độ năm mươi dặm một giờ, và khi đến cửa rào vườn nhà mình, anh dận phanh đột ngột, xe rít lên phẫn nộ, dừng phắt tại chỗ, còn chính Lepski suýt bay văng qua kính mặt trước. Xe thế mới là loại có hạng chứ, Lepski thầm nghĩ, hào hứng nhảy ra khỏi xe.
Biết rằng tất cả các người hàng xóm đều ngừng và tròn mắt nhìn mình, anh dậm chân bước trên con đường mòn trong vườn, tới cửa trước. Hể hả – tiết mục thành công tuyệt vời – anh cắm khóa vào ổ. Mọi người dân trong phố đều biết Lepski đã được thăng cấp: vợ anh đã lo chuyện ấy. Bây giờ đúng là lúc cho những người dân phố biết rằng anh, thám tử loại một, hành động thế nào.
Tiếc thay, Lepski lại dùng chìa khóa xe để mở ổ khóa cửa. Lẽ ra anh phải xộc ngay được vào nhà, sập mạnh cửa lại – hàng xóm sẽ bàn tán về anh, vậy mà anh lại loay xoay với cái khóa, không hiểu ngay rằng mình nhầm chìa khóa – dĩ nhiên ấn tượng hỏng rồi.
Giữa lúc anh tự mắng mình, lục lọi chiếc chìa khóa cần thiết thì cửa mở toang ra.
— Sao lại cho xe chạy như thế, xin làm ơn cho biết? – Carroll Lepski ra đón với thái độ nghiêm khắc. – Anh đã nêu gương xấu.
Lepski lách qua bên vợ, dùng chân sập cửa lại và đâm bổ vào nhà vệ sinh.
— Anh chết mất, anh buồn đi tiểu. – Anh ta tuyên bố và nhảy vào trong.
Carroll thở dài. Tóc đen, cao lớn, khá xinh, hai mươi bảy tuổi, chị là một phụ nữ cương nghị và giầu ý chí. Trước khi lấy chồng chị ở Miami, làm việc tại American Express Company và lo liệu việc tài chính của những người giàu, góp ý kiến cho họ. Công việc ấy đem lại cho chị niềm tự tin, cách cư xử của chị thậm chí có vẻ bề trên.
Chị coi chồng mình là một thám tử giỏi nhất sở, thông minh nhất. Theo kế hoạch của chị, sáu tháng nữa, lâu nhất là bảy tháng, anh phải trở thành thủ trưởng cảnh sát địa phương. Chị không nói với chồng, nhưng không để chồng yên, thôi thúc anh tiến lên từ cấp bậc này tới cấp bậc cao hơn. Anh đã là thám tử loại một, bây giờ phải đoạt cấp hàm trung sĩ.
Lepski ra khỏi phòng vệ sinh, lau mồ hôi trán một cách điệu bộ, mặc dù chẳng có mồ hôi gì cả.
— Ta uống chút rượu đi. – Anh gieo mình vào ghế bành, đề nghị. – Anh chỉ có năm phút… vừa đủ để thay áo sơ mi.
— Nếu anh vẫn còn trực thì không nên uống, Lepski ạ. Uống Cô ca thôi.
— Ma quỷ phá tan mọi thứ trên đời đi, anh muốn uống rượu! Một suất uýt ki kha khá, và cho nhiều đá vào.
Chị ta xuống bếp và trở lại với một suất khá Cô ca với nhiều đá. — Sao anh có vẻ bị kích động đến thế? – Chị ta hỏi, ngồi xuống tay ghế bành của chồng.
— Anh ấy à? Bị kích động à? Em lấy đâu ra điều ấy vậy? – Anh ta uống nước ở cốc và nhăn mặt. – Có lẽ nên cho vào đây khoảng nửa ngón tay uýt ki chăng?
— Không! Nom anh có vẻ kích động lắm. Vả chăng chính em… Em ngồi như bị đống đinh bên ti vi. Tên giết người ấy… Đao phủ… nói chung có chuyện gì xảy ra vậy?
— Tên mắc bệnh tâm thần. Mà kẻ mắc bệnh tâm thần là cái vảy kết tệ hại nhất đối với chúng ta. Nhưng Carroll, không được hở với ai một lời nào đấy! Anh biết, tất cả bạn gái lắm lời của em đều nghĩ: bây giờ chúng ta sẽ nhận được thông tin từ nguồn đầu tiên. Vì vậy không được hở ra một lời nào cả!
— Thế thì, còn chuyện gì mà kể kia chứ? Ngay cả đứa trẻ kém phát triển cũng hiểu rằng kẻ giết người loạn trí. Hay các anh đã tìm thấy hắn rồi.
Lepski nhếch mép cười gượng.
— Chưa. Ôn vật, anh sẽ phải hỏi mọi người hết cả buổi tối cho mà xem. Một việc bình thường. Nhưng thành phố hoảng sợ, và bọn anh phải làm ra vẻ bận rộn. Thành thực mà nói, đây là mất thời giờ vô ích, nhưng chớ có nói với ai như vậy đấy.
— Em có thể cho anh một chỗ bấu víu, Lepski ạ. – Bây giờ khi biết rõ chồng đang lâm vào thế bí, Carroll sẵn sàng đưa ra con chủ bài dự trữ sẽ đưa chồng chị đến chỗ lại được thăng cấp. – Buổi sáng, khi vừa nghe Hamilton nói trên ti vi, em đến ngay Mehitabel Bessinger. Em biết đích xác: nếu có người nào khám phá được vụ này thì chỉ là bà ta.
Lepski ngây ra giây lát, rồi cởi khuy cổ áo sơ mi.
— Cái mụ già nói láo ấy à? Em điên rồi! Thôi em yêu, đưa anh chiếc sơ mi mới. Có lẽ cả buổi tối anh sẽ không có nhà. Em có thể chuẩn bị cho anh hai chiếc bánh cặp nhân chứ? Trong tủ lạnh nhà ta còn cái gì không? Thịt bò còn chứ?
— Này, anh Lepski. – Carroll nói tiếp bằng giọng kiên quyết. – Có thể Mehitabel già thật, nhưng bà ấy tuyệt nhiên không phải kẻ nói láo. Bà ta có tài tiên tri. Em đã nói với bà ấy rằng đối với anh điều ấy rất quan trọng, và…
— Chờ một lát! – Lepski vươn thẳng mình trong ghế bành, nghi ngờ có điều chẳng lành. – Em đã đem cho bà ta chai uýt ki của anh rồi phải không? – Đứng phắt dậy, anh ta đâm bổ đến tủ rượu. – Chai Cutty Sark của anh không còn đấy nữa. anh quay lại và nhìn vợ với vẻ trách móc. – Em cho con mụ già nát rượu ấy chai uýt ki của anh rồi!
— Sao anh dám gọi bà ấy là con mụ già nát rượu? Ừ thì đôi khi bà ấy cũng uống thật đấy. Phải, em biếu bà ấy chai uýt ki… chẳng có gì ghê gớm, Lepski ạ, thời gian gần đây anh uống quá nhiều đấy.
Lepski nới nút cà vạt.
— Anh uống hơi nhiều thì dính dáng gì đến chuyện này? Em muốn nói…
— Thôi im đi! Anh có thể nghe em nói cho hết được không? – Giọng Carroll ngân lên lanh lảnh.
— Được, được. – Lepski thọc những ngón tay vào tóc. – Có điều chẳng cần nói thì anh cũng đã biết trước hết rồi. – Anh ra cởi cà vạt và bắt đầu vò nó trong tay. – Em đã đến bà ta, bà ta lấy cái tinh thể dớ dẩn của mình và chai uýt ki ngon nhất của anh và cho biết ai là kẻ giết McCuen… phải không nào?
Carroll ưỡn thẳng vai.
— Chính thế, anh tưởng tượng xem. Thượng đế đã vén mở cho bà ta biết. Trong cái tinh thể có phép thần của mình, bà ta đã nhìn thấy kẻ giết người.
Lepski phát ra một âm thanh như tiếng máy bơm khí nén, quẳng cà vạt xuống sàn và giẫm lên.
— Khỏi phải bộc lộ tính nết của anh. – Carroll nói một cách lạnh lùng. – Đôi khi em có cảm giác trong anh có một đứa trẻ được nuông chiều.
Lepski che mắt đi, nhưng rút cuộc anh ta bình tĩnh lại.
— Ờ… có thể em có lý. Thôi được, quỷ tha ma bắt bà ta đi, cái bà Mehitabel ấy. Nào chóng ngoan, hãy làm cho anh một cặp bánh mì kẹp nhân. Với thịt bò… Nếu như vẫn còn thịt bò.
— Anh chỉ nghĩ đến cái ăn! – Carroll trách anh ta. – Hãy nghe em nói hết đã, xin vì Chúa! Mehitabel đã nhìn thấy kẻ đó! Hắn là người da đỏ. Hắn mặc chiếc sơ mi hoa, cùng đi với hắn có hai người, một trai một gái, nhưng bà ta không nhìn rõ họ.
— Thật ư? – Lepski cười mỉa. – Tuy nhiên điều đó không làm anh ngạc nhiên. Chỉ cần cái bếp dầu cũ kỹ thấm đẫm rượu ấy vớ được chai rượu là nó không thể nhìn rõ gì nữa. – Anh ta đứng lên. – Anh đi cạo râu và thay áo đây. Em chuẩn bị bánh kẹp nhân đi, được không?
Carroll nắm hai tay đấm xuống đùi. Đôi khi – mà lúc này chính là dịp như thế – người diễn viên trong chị thức tỉnh.
— Anh làm sao thế, ngốc ơi là ngốc, anh không thấy đó là chỗ bấu víu à… mà là chỗ bấu víu hết sức lợi hại! – Chị ta hết sức cáu kỉnh. – Không thể thiển cận như thế được! Phải, Mehitabel già rồi, nhưng bà ấy có tài tiên tri… bà ấy là bà đồng mà!
— Hình như em gọi anh là thằng ngốc phải không? – Lepski hỏi, vươn thẳng người.
— Anh có nghe thấy em nói gì không? – Carroll thét lên, mắt chị ta phóng ra tia chớp.
— Anh nghe thấy em gọi anh là thằng ngốc. – Lepski đáp. – Còn anh muốn thay sơ mi. Nếu trong nhà còn thịt bò thì xin làm cho anh bánh kẹp nhân. – Và anh ta kiêu hãnh đi sang buồng ngủ.
Khi Lepski cạo râu, tắm hương sen, mặc chiếc sơ mi mới và ra khỏi buồng ngủ thì Carroll chờ anh với gói bánh mì kẹp nhân.
Chị ta giúi cái gói vào ngực anh, anh nhìn gói bánh và mỉm cười.
— Rồi ta sẽ gặp nhau, em yêu quý. Còn cái bếp dầu thấm rượu ấy thì vứt nó ra khỏi đầu đi. – Hôn một cái thật kêu vào má vợ, anh ta như cơn gió xoáy lao ra khỏi nhà và chạy trên lối nhỏ trong vườn ra xe.
Đêm nay với anh là đêm khó khăn: sục sạo các phố hộp đêm mà McCuen thường lui tới, và tất cả những việc đó đều vô ích. Anh ta, cũng như các thám tử khác đêm hôm ấy đi tuyến song song chỉ biết rõ được có mỗi một điều: nỗi sợ hãi sa xuống thành phố như mưa phóng xạ.