Số lần đọc/download: 2553 / 60
Cập nhật: 2015-06-30 00:49:51 +0700
Chương 2 - Buổi Học Đầu Tiên
Tôi rón rén ngồi xuống mép phản.
- Mở sách ra. Bắt đầu từ bên tay trái, sách này là sách Tam tự kinh nghe chưa?
Tôi mở sách ra, bắt đầu từ bên tay trái và cũng biết rằng sách này là sách Tam tự kinh.
- Học đi. Đọc theo nhé, tam tự kinh là sách ba chữ.
-Tam tự kinh là sách ba chữ.
Và tôi đọc thêm mấy lượt giống nhau.
- Nhân chi sơ là người chưng xưa. Phải chỉ tay vào từng chữ một thế này.
- Nhân chi sơ là người chưng xưa..
- Tính bản thiện là tính vốn lành. Học thuộc từng câu rồi học cả ba câu làm một. Hôm nay được học cộc giọng thế nhưng từ mai phải bắt chước các anh em mà học cao giọng trầm bổng cho có mạch lạc nghe chưa? Nhân chi sơ... là người chưng xưa a...y...a...
Thầy cứ hay hỏi nghe chưa; bao giờ tôi chẳng nghe! Nhưng tôi không biết học lên giọng cao thấp mà chỉ học ti tỉ. Tôi ngượng lắm, cứ dán mắt xuống mặt chữ, chứ không thể dám ngẩn đầu lên. Và tôi nghĩ có một điều tức cười.
Là ở nhà, nhiều khi ngoài bài hát "bồ cu bồ các" tôi vẫn hát một bài nưã, ấy là cái bài "tam tự kinh" này. Tôi thường hát rằng: "Tam tự kinh là rình cơm nguội, nhân chi sơ là sờ vú mẹ, tính bản thiện là miệng muốn ăn".
Tuy có khác bài học bây giờ đôi chút nhưng về toàn thể, đại khái cũng vậy. Tưởng là nghêu ngao đùa chơi, ai hay lại là bài học quan trọng. Bài học đó, cũng của anh Nhọ dạy tôi. Biết thế, năm ngoái tôi cứ cố bảo anh ấy dạy cho lấy một ít nữa, bây giờ chắc đã thành học giỏi lắm rồi cũng không biết chừng. Có người nói rằng đi học thì học: nhân chi sơ, nhân chi sơ, mà tôi cứ tưởng là chuyện đùa, không tin hẳn, mình dại thật.
Tôi ngồi cù rù, trỏ tay vào từng chữ một mà học thong thả. Thầy đồ chỉ bảo tôi có một lần, rôì còn bận tíu về bao nhiêu học trò khác, có lúc họ xúm xít túi bụi cả ở chung quanh thầy. Thầy nghe anh này đọc, anh kia kể. Thầy viết phóng, thầy giảng nghĩa, việc cứ vội úi lên. Thầy quát tháo, thầy đập roi mây đèn đẹt xuống mặt phản. Có lúc cái kính trắng cuả thầy tụt xuống tận lưng chừng mũi.
Cả lũ học trò học à à như tiếng một đàn ruồi bay. Anh này cố gân cổ lên để gào to hơn anh khác. Tất cả bọn đua và ganh nhau như thế! Đến vỡ nhà thầy đồ ra mất! Trước tôi cũng chỉ học khe khẽ, mồm đọc vừa đủ cho tai nghe. Sau tôi thấy tai tôi chẳng nghe thấy tiếng nào của tôi hết, tôi đọc to nữa. Cũng chỉ lọt vào tai những tiếng ê a của các anh bên cạnh. Tức mình, tôi cũng gào to tướng. Nhưng cũng vẫn kém họ và chỉ được một lúc, tôi đã khô rát cả cổ. Tôi nghĩ giá các cụ trong dân mà mở cuộc thi hét thì hẳn học trò ở đây phải chiếm được giải nhất.
Tuy chỉ nhai có ba câu, tôi cũng phải học mãi mới thuộc (dù thuộc nhưng cũng chưa nhận được mặt chữ!), nên khi tất cả học trò đã lục tục về gần hết tôi mới được về. Ở đây có lệ hễ ai thuộc bài trước, kể cho thầy nghe gọn gàng, thì được cắp sách về trước, không hạn giờ giấc chi cả.
Tôi về một mình, bởi vì buổi mới, tôi chưa quen ai; vả lại do tính nhút nhát, bẽn lẽn, sợ sệt cuả tôi, tôi không dám bạo dạn làm quen trước với ai bao giờ.
Đi được một quãng, đã ra khỏi xóm. Qua một cánh đồng nhỏ thì tới xóm tôi. Ở một cái quán gạch ven đường, cạnh một cái ao lớn, có một lũ học trò đương đùa nhau, reo hò ầm ĩ. Hình như trông thấy tôi đi tới, có mấy đứa reo:
- Nó đây rồi anh em ơi!
Cả bọn ngừng cuộc chơi, lên ngồi sắp thành dãy ở bãi cỏ, trước cưả quán.
Hơi chột dạ, tôi nghĩ thầm trong bụng: "Chúng nó rủ nhau đánh mình chắc?" Nhưng tôi vội xoá ngay đi:" Không có lẽ. Mình mới đi học, có thù hằn với anh nào bao giờ!" Nhưng sao chúng lại nhìn tôi bằng những cặp mắt gườm gườm thế kia? Hai ống chân tôi bắt đầu run run. Bỗng từ trong đám nhảy ra một thằng. Thằng Má, nhà ở cuối xóm tôi, nó dang hai tay, chắn đường tôi và bảo:
- Cang! Đứng lại tao hỏi.
- Dạ... Anh hỏi gì?...
Nước mắt tôi đã chạy vòng quanh mi.
- Tao hỏi tội mày.
- Dạ...
Mắt tôi rưng rưng.
- Cớ làm sao mỗi khi chúng tao đi qua nhà mày, mày cứ chế báng chúng tao. Mày hát nhân chi sơ cái gì? Tội cuả mày đáng tội chết. Hôm nay chúng ông cho mày một trận.
Chân tay tôi run bắn. Nước mắt đã tràn xuống má. Chúng nhao nhao:
- Lột khăn nó rao! Trói nó vào cột cầu!
- Lột quần, lột áo! Cho nó cởi truồng.
- Anh em ơi! Ta đánh nó một trận thích tay rồi ném nó xuống ao.
- Hát xỏ chúng ông à? Beng cổ!
- Chém đầu ngay tắp lự.
Hồn vía tôi bạt mất. Thì ra trước kia tôi đã chơi dại mà tôi không biết. Những hôm xưa, hễ thấy bọn học trò trường ông đồ Biển đi ngang qua ngõ là tôi đứng thập thò trong cổng, hát bô bô cái bài hát nhân chi sơ. Tưởng là đuà chơi, và tưởng rằng mình đã có lũ bạn gà, bạn vịt thì chẳng bao giờ phải bước chân ra cưả ngõ, để đi đánh bạn với ai. Té ra bây giờ chúng nó hỏi tội.
Tôi phải đứng hai tay lên cho chúng khám. Tuy doạ dẫm thế, nhưng cũng không đứa nào dám lột khăn tôi. Nước mắt tràn đầy mặt mà tôi không được khóc lên thành tiếng. Bởi vì có thằng lăm lăm giơ một hòn gạch củ đậu trước miệng tôi, doạ rằng hễ tôi thút thít là nó "tương" ngay vào tận cuống họng. Thốt nhiên chúng reo ầm lên:
- Anh em ơi! Nó có năm xu ở dải rút.
Thế là một đứa cứ việc dứt dải rút tôi, lấy đồng năm xu, rồi cả bọn ồ nhau chạy mất. Chúng cũng quên đánh và ném tôi xuống ao. Thoáng nghe có một đứa vưà chạy vưà nói:
- Đi mua kẹo vừng chia nhau.
Một mình tôi đứng cởi truồng ra ở giữa đường.
... Với cái quần tụt xuống thành hai vòng ở hai bên chân.