Số lần đọc/download: 1447 / 7
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 2 -
Mùa mưa năm nay tôi không còn một người thân bên cạnh. Ông ngoại mất đã lâu, bà ngoại nay già yếu, sống nương nhờ bác Cả. Các cậu, các dì đều là cán bộ nhà nước, đồng lương khiêm tốn, lại còn phải nuôi con ăn học, tôi không thể làm phiền họ được. Mẹ thường kể cho tôi nghe, hồi mẹ yêu ba, làm đám cưới với ba, bên ngoại tôi, không một ai tán thành. Nhất là bác Cả. Bác quý mẹ như vàng ngọc vì trong số các cô em gái, mẹ đảm đang nhất, thùy mị nhất. Bác đưa ra nhiều lý do để ngăn cản mẹ. Thứ nhất, ba không xứng đôi với mẹ vì quá già; thứ hai, ba còn một gia đình trong Nam; thứ ba, lấy chồng xa xứ là điều không nên. Nhưng rồi bác đành chịu thua trước tình yêu mãnh liệt của ba mẹ. Ngày mẹ theo ba vào Nam, bà ngoại khóc hết nước mắt. Bác Cả dặn dò: “Có gì không giải quyết được, cứ viết thư cho anh”. Từ đó đến nay, bác và mẹ thường xuyên viết thư cho nhau. Tuy nhiên, mẹ dấu biệt nỗi buồn, dấu những mâu thuẫn càng lúc càng sâu đậm giữa mẹ và hai người con riêng của ba.
Cho đến lúc thảm kịch xảy ra.
Mưa ngưng rồi lại tiếp, ông trời thôi khóc rồi lại sụt sùi. Những sợi tơ trắng xóa bay bay trong khoảng vườn xanh lá, phủ trên mặt hồ gợn sóng lăn tăn. Tôi ra sau lấy chiếc dù, tìm một ít lương khô rồi đi về phía hồ cá. Hai con cá vàng của tôi đang ẩn nấp trong hốc đá, thấy động, bơi vụt ra đớp mồi, lớp vảy màu cam tươi óng ánh như dát bạc. Tôi ngồi xuống thành hồ, ngắm nghía hòn non bộ, bỗng nghe lòng nhẹ tênh. Tôi có cảm giác như mình đang trở về với mái gia đình êm ấm, thuở còn ba mẹ mỗi chiều cùng bên nhau, tỉa cỏ, ươm hoa, chăm sóc khoảng trời hạnh phúc. Từ nhỏ, hòn non bộ đã rất quen thuộc với tôi. Những khối đá xám in dấu rêu phong, với ngôi chùa nhỏ sơn son thiếp vàng, tọa lạc trên đỉnh. Dưới chân núi là dòng suối trong veo, có cây cầu nhỏ xíu bắc qua và một ngư ông đang ngồi câu cá. Rải rác khắp nơi, còn có bác tiều phu, cô gánh lúa... dễ thương nhất là cậu bé để tóc trái đào, ngồi thổi sáo trên mình trâu. Tôi cúi xuống thật gần. Năm tháng trôi qua, dường như cậu mục đồng của tôi không hề lớn, tiếng sáo diều vẫn ngân nga khúc nhạc thanh bình, cũng như bác tiều phu, cô gánh lúa... vẫn đứng yên, bình thản trước sóng gió đời tôi.
Mưa lớn quá. Hàng liễu rũ bên hồ ngả nghiêng trước gió. Gió thổi vù vù, tung bay những ngọn lá khô sũng nước. Chú Chín đứng trên bậc thềm nhà, gọi tôi. Tôi đứng dậy, trở vào:
- Chú bảo gì cháu ạ?
Chú nhìn tôi ái ngại:
- Sao cháu lại ngồi dưới mưa thế. Gió lại to nữa. Vừa mưa vừa gió, nói chung là cháu không sợ bệnh sao?
Những người bà con bên ngoại của anh Hùng, chị Ngọc đều đáng ghét, trừ chú Chín. Chú là em họ của mẹ chị Ngọc. Trước chú đi lính chế độ cũ, đeo lon đại úy. Trong thời gian chú đi học tập, vợ chú đã bồng con theo người đàn ông khác vượt biên. Trở về, chú làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Rồi đất nước mở cửa, khách nước ngoài đến Việt Nam tham quan ngày càng đông. Nhờ có chút vốn liếng Anh ngữ, chú xin vào làm việc cho Công ty Du lịch, đưa đón du khách, đời sống khá dần. Điều làm chú đau khổ nhất là vợ con chú không muốn liên hệ với chú nữa. Những lá thư gửi đi bị trả về, cho nên, khi bắt đầu có phong trào ra đi theo diện H.O đối với các sĩ quan chế độ cũ, chú vẫn quyết định ở lại quê nhà. Chú nói với tôi: “Ba má chú đã qua đời, anh em cũng chẳng còn ai, vợ con lại từ bỏ chú. Vậy chú qua bên ấy để làm gì, nói chung là kiếp tha hương buồn thúi ruột”. Chú thường nhìn tôi: “Con gái của chú cũng trạc bằng tuổi cháu, nhưng hiện nay nó cao thấp, xấu đẹp như thế nào thì chú không thể hình dung được. Nói chung là nó không còn biết đến người cha nầy nữa rồi”. Tôi nghĩ là chú Chín không ghét tôi, mà trái lại. Dù đó là lòng thương hại ban cho một con bé bơ vơ, tôi cũng rất trân trọng và biết ơn chú vô cùng.
Tôi xếp dù. Nước từ cây dù nhỏ xuống, đọng thành vũng. Chị Ngọc từ phòng khách bước ra, hét lên:
- Đi vòng ra sau đi. Dơ hết cả nhà rồi. Thiệt không biết điều chút nào.
Chú Chín nhíu mầy:
- Cháu mới là người không biết điều. Chị em trong nhà, làm gì mà khó khăn thế.
- Tôi không có chị em nào ở đây cả.
- Nói vậy mà cũng nói được. Nói chung là...
- Cậu thì lúc nào cũng nói chung với chả nói riêng. Chuyện nhà tôi, cậu đừng có xen vào.
Tôi níu tay chú Chín: “Chú đừng nói nữa” Rồi đi ra ngã sau.
Chị Ngọc gọi giật:
- Châu, đứng lại tôi hỏi. Cô nhất định rời khỏi đây phải không?
- Vâng. Nhưng em chưa thuê được nhà.
- Tôi đâu có giục cô. Nhưng dù cô có ở lại hay không, căn phòng cô đang ở vẫn là của cô - một phòng thôi, cô nhớ đấy.
Chú Chín đưa hai tay lên trời:
- Ngọc ơi là Ngọc, có phải cháu không đó. Ngày xưa cháu đâu có vậy, nói chung là xã hội Mỹ đã biến cháu thành con người thực dụng mất rồi!
Chị Ngọc không trả lời, quay ngoắt đi vào nhà trong. Mưa đã tạnh. Cây lá trong vườn xanh tươi, sạch sẽ. Nước rút nhanh để lộ những viên sỏi trơn tru, sáng ngời trên lối đi. Tôi đứng im bên hành lang - một hành lang hiện đại vừa mới xây, dẫn vào phòng khách rồi tỏa ra những căn phòng cho thuê đầy đủ tiện nghi. Hồi còn ba mẹ, nhà rộng nhưng chỉ có ba phòng. Nay chị Ngọc mướn kiến trúc sư thiết kế lại, tận dụng thêm phần đất sau nhà, làm được mười phòng. Đã có năm phòng cho thuê, còn lại năm, kể cả phòng của tôi và chị Ngọc. Cái ga ra bên hông nhà được sửa sang lại làm chỗ ở cho chú Chín. Cách cư xử của chị Ngọc thật không phải đối với người cậu họ của mình, nhưng mỗi người đều có lý lẽ riêng, tôi có quyền gì xen vào? Hơn nữa, xét về mặt lý thì chị Ngọc hoàn toàn đúng. Phòng làm ra để cho thuê chớ đâu dành cho chú Chín. Nhường cho tôi một phòng là quá lắm rồi - căn phòng duy nhất không được trang trí nội thất, không có máy điều hòa nhiệt độ. Chỉ có chiếc giường ngủ của tôi và mẹ, cái tivi một4 inch, bàn viết, những ngăn tủ đựng áo quần. Chân dung của ba được đặt trên mặt tủ, giữa hai đế nến bằng đồng. Phía trước là lư hương. Mỗi sáng thức giấc, tôi đốt một nén nhang, gửi cho ba chút hơi ấm để ba bớt cô đơn nơi cõi bình yên kia. Biết bao lần tôi đã khóc trước di ảnh của ba: “Ba ơi, ba có thấu nỗi oan của mẹ không?”.
Mặt trời chiều thả những tia nắng cuối ngày lên mặt hồ lấp lánh rồi tan loãng vào không gian. Hoàng hôn. Trong một thoáng, bóng tối đã ngập tràn. Giọng chú Chín trầm trầm sau lưng tôi:
- Châu à, theo ý chú, cháu đừng nên đi. Ở lại, cháu sẽ được nhiều cái lợi. Thứ nhất, cháu khỏi tốn tiền nhà hằng tháng; thứ hai, cháu có đàn để dạy học trò; thứ ba, hương hồn ba cháu còn lẩn quẩn trong ngôi nhà nầy, cháu nỡ sao?
Nhưng rồi đây, khách thuê nhà sẽ ra vào tấp nập, đủ mọi quốc tịch, mọi hạng người. Cháu ngại lắm.
- Cháu không nên “kỳ thị chủng tộc” như thế. Ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu, hơn nữa, đâu phải ai vào đây trọ cũng được? Chú là người quản lý, phải biết chọn lọc người thuê nhà chớ. Nói chung là chú không rước hổ vào nhà đâu. Cháu khỏi lo.
- Hình như chị Ngọc cũng muốn cháu đi.
- Mặc xác nó. Nó đâu có ở Việt Nam hoài. Nó đi đi về về như đi chợ, đừng thèm giận nó. Nói chung là, cháu nên giả dại để qua ải là thượng sách.
“Nói chung là, nói chung là..”, chú Chín có cái tật giống hệt Tường, người bạn thân ngồi cạnh tôi trong lớp học Anh văn, mỗi lần nói chuyện, cứ xen vào ba chữ độc đáo “nói chung là”: “Nói chung là, Châu đừng thức khuya quá”; “Nói chung là, vấn đề ấy không dễ dàng đâu”... Chắc chắn là hai người không họ hàng rồi. Chú Chín quê Vĩnh Long, còn Tường người Huế. Tôi quen Tường đã ba năm nay, từ khi hai đứa ghi danh học tại Trung tâm Ngoại ngữ. Tường vào thành phố học Y khoa, tốt nghiệp gần hai năm nay nhưng vẫn chưa tìm được việc làm. Hồi mới ra trường, Tường được người chú làm bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế gọi về, nhưng Tường từ chối. Tin ở tấm bằng loại ưu của mình, Tường quyết định lập nghiệp ở chốn đất rộng người đông nầy. Sự thật không lạc quan như anh tưởng. Suốt một thời gian dài làm việc với những hợp đồng ngắn hạn khắp các bệnh viện lớn nhỏ, Tường vẫn không sao ổn định được đời sống. Để lấy ngắn nuôi dài, anh làm đủ mọi nghề trái với chuyên môn để kiếm sống: tiếp thị dầu gội đầu, bán giầy dép, đưa báo, dạy kèm tư gia... và đôi khi anh còn quét vôi, sơn cửa, làm nhà cho các công trình xây dựng khắp nơi. Ý chí tự lập của Tường đã làm tôi nể phục. Tình yêu anh đến với tôi nhẹ nhàng như cơn mưa phùn đầu xuân, êm đềm và thấm sâu. Tường cũng yêu tôi. Tuy chưa ước hẹn, nhưng mối quan tâm của Tường đối với tôi lúc nào cũng tràn đầy những chăm sóc, thương yêu. Tường lo cho tôi từ cuốn tập, cây viết... cho tới cái áo đi mưa, cái mũ che nắng. Anh thường nói: “Mỗi lần đi học, Châu nên xem lại cặp sách. Không đáng gì, nhưng cẩn thận vẫn hơn. Tính Châu nghệ sĩ quá, mà nghệ sĩ thì hay quên. Nói chung là, nếu quên gì thì đã có anh. Thôi, Châu khỏi phải lo”.
Ngày gia đình tôi gặp nạn, Tường luôn có mặt bên tôi, an ủi và giúp đỡ. Bạn bè tôi ở Nhạc viện đều rất có thiện cảm với Tường. Nhưng trong lớp học Anh văn, tôi vẫn luôn nghe lời khuyến cáo của chị Khuê, một học viên cũng người Huế khá lớn tuổi: “Thằng Tường không phải là người tốt đâu. Chị cùng quê nhưng cũng không thể bênh hắn được. Em có giận thì chị vẫn cứ nói, hắn đang lợi dụng em đó”. “Lợi dụng em? Em có gì cho ảnh lợi dụng? Hơn nữa, ảnh đâu phải là thứ không ra gì. Ảnh tốt nghiệp Y khoa rồi, chị biết không?”. “Chị biết. Chị còn biết hiện em có nhà cao cửa rộng và hộ khẩu thành phố nữa. Đó là cái đích cho Tường hướng tới đấy”. Tôi bỏ ngoài tai những lời khuyên vô căn cứ của chị Khuê. Hơn hai năm trời quen biết, tôi không hiểu Tường hơn chị sao. Rõ ràng là chị đã nhận định sai lầm. Tường vẫn luôn ở bên tôi trong những ngày giông tố, và bây giờ, khi biết tôi đã hoàn toàn trắng tay, tình cảm anh đối với tôi vẫn không hề thay đổi. Gần hai tuần nay, Tường ra Huế thăm gia đình. Anh đi rất bất ngờ làm tôi không kịp mua quà cho ba má anh. Anh viết giấy để lại, cho biết ba anh bệnh nặng. Nếu không có chuyện gì xảy ra, anh sẽ trở vào sau một tuần lễ. Vậy mà đã mười ngày trôi qua, không biết bệnh tình ba của anh có sao không.
- Châu, cháu có nghe lời chú Chín không, hả?
Tôi nhìn vào mắt chú. Đôi mắt mí lót dưới vầng trán rộng hằn sâu những nếp nhăn làm tôi nghĩ đến ánh mắt của ba. Rồi tôi lại nhớ mẹ. Tội nghiệp mẹ, tội nghiệp tôi. Nước mắt tôi ứa ra.
- Kìa, sao cháu lại khóc. Đi hay ở là tùy cháu. Chú không ép.
Tôi cần phải suy nghĩ kỹ trước khi quyết định. Chú Chín nói rất phải. Ra đi, tôi sẽ gặp nhiều bất lợi, nhất là về kinh tế. Trước mắt là tôi không có đàn, liệu đám học trò có ngoan ngoãn chờ tôi mua đàn không? Hay là các phụ huynh lại sốt ruột tìm thầy giáo khác? Thời buổi nầy thượng vàng hạ cám, có nhiều người mới võ vẽ học đàn vài năm đã mở lớp dạy, lại còn phá giá nữa, nên cũng có nhiều em theo học. Học chơi thôi mà, cần gì cô giáo, thầy giáo có trường lớp chính qui. Tôi sẽ có nguy cơ mất bớt học sinh, sau đó còn phải trả tiền nhà, tiền học và những thứ linh tinh khác. Rồi bàn thờ của ba? Mang theo thì bất tiện, còn để lại nhờ chú Chín hương khói hằng ngày, chắc là ba không vui đâu. Ngôi nhà đã trở thành chốn công cộng, người ra kẻ vào, đâu còn không khí đầm ấm ngày xưa. Ở lại thêm đau lòng, nhưng ra đi thì tôi có thay đổi được hoàn cảnh của mình không? Nghe lời chú Chín thôi. Phòng của tôi, tôi ở, không việc gì phải sợ ai. Nghĩ thì cứng vậy, nhưng tôi vẫn không dám quyết định một mình.
oOo
Trước đây, Cẩm Vân là người sốt sắng trong việc tìm nhà thuê cho tôi nhất thì nay cũng là kẻ thuyết phục tôi ở lại. Nó nói y hệt chú Chín: “Một sự nhịn bằng chín sự lành. Tao tin là mầy vượt qua được”.
Tôi có vượt qua được không? Tôi sẽ cố nghe lời Cẩm Vân: “Bao nhiêu tự ái, mầy cứ đem đổ xuống sông xuống biển hết đi. Với hạng người nhỏ nhen ấy, mầy chấp làm gì?”.
Từ ngày chiếm trọn ngôi nhà, thời gian chị Ngọc ở lại Việt Nam lâu hơn bình thường. Chị tỏ vẻ không hài lòng khi thấy tôi không đi nữa. Chị đặt ra những điều kiện khắt khe. Ví dụ như chị giới hạn giờ dạy đàn của tôi: buổi sáng phải bắt đầu rất trễ, buổi chiều phải dạy từ ba giờ và sau mười giờ đêm, tôi không được tập đàn. Lý do là khách trọ cần yên tĩnh. Về sinh hoạt, dù có mướn nhiều người giúp việc như chị Xuân dọn phòng, thím Mây nấu bếp, chị Ngọc vẫn làm khó tôi bằng cách buộc tôi phải nấu ăn riêng, không cho tôi sử dụng máy giặt, bếp gas... Thật ra, mục đích chính của chị không phải là tống khứ tôi đi, mà cốt làm cho tôi không thoải mái, khó chịu, giống như mang chiếc giầy có hạt cát dính bên trong nhưng không thể tháo ra để lấy được. Chú Chín nói: “Nói chung là, con chị bất lương nầy muốn hành hạ đứa em cùng cha khác mẹ cho bỏ ghét. Mặc kệ nó. Nó ở đây được bao lâu, ai cho nó gia hạn mãi chớ. Cháu đừng thèm nghe lời nó”. Dù chị Ngọc có mặt hay không, tôi vẫn chấp hành qui ước của chị vì lòng tự trọng. Tôi phải xem nhẹ những phiền toái trong đời sống. Tôi không bỏ cuộc.
Loan đi du lịch về, điện cho tôi nhưng tôi không qua nhà nó ngay được vì đang giờ dạy. Đến chiều, Loan phóng xe đến, réo gọi om sòm. Thấy tôi đang kiểm tra bài tập, nó nhảy vào phòng khách, đến bên hai học sinh đang chờ học, đặt vào tay chúng hai thỏi chocolat:
- Hôm nay cô Diễm Châu bận việc, cho hai cưng nghỉ một bữa nha.
Kim Loan chở tôi chạy lòng vòng, rồi ghé vào một nhà hàng nổi trên sông Sài Gòn.
Trăng thượng tuần lên cao, sáng vằng vặc. Mặt sông lấp lánh ánh đèn. Gió lồng lộng thổi. Loan vươn vai hít thở, rồi chống tay vào cằm, nhìn tôi đăm đăm:
- Mầy hay thật đấy! Chuyện xảy ra như vậy mà cứ im thin thít. Mầy có coi tao là bạn thân không đấy?
- Thì chuyện của tao... ba tao mất và mẹ tao... đã xảy ra trước khi mầy đi, mầy biết rõ rồi mà.
- Không. Chuyện sau nầy cơ. Cẩm Vân và Thu Hà đã kể cho tao nghe tất cả. Bà chị của mầy ác thật. Nhưng mầy khỏi lo, tao sẽ yểm trợ hết mình cho mầy. Mầy cứ dọn đến nhà tao ở, cây đàn của chị Phượng lâu nay bỏ không, giờ giao lại cho mầy, tha hồ tập, tha hồ dạy.
Tôi cảm động để tay lên bàn tay Loan:
- Cám ơn mầy rất nhiều, nhưng tao đã quyết rồi. Nhà của ba mẹ tao, tao ở. Không việc gì phải sợ ai.
Loan nói như reo:
- Châu ơi, mầy dũng cảm lắm. Thú thật với mầy, tao cũng có suy nghĩ như mầy. Tao rất muốn khuyên mầy ở lại nhưng sợ mầy không đương đầu nổi, sợ mầy hiểu lầm là con bạn thân nầy nỡ quay lưng lại với mầy.
- Không nhớ tự bao giờ, nhóm “Tứ quý” của Nhạc viện được hình thành gồm Cẩm Vân, Thu Hà, Kim Loan và tôi. Tuy bốn đứa bên nhau không rời nhưng tôi cảm thấy mình thân với Kim Loan hơn cả. Lý do thứ nhất, tôi và Loan được ngồi cạnh nhau bên Phân hiệu Văn hóa từ lớp 6 cho đến lớp mộthai; lý do thứ hai, hai đứa cùng học chuyên môn với cô Hoàng Lan, cùng chia sẻ những niềm vui (khi được cô khen), nỗi buồn (khi bị cô phạt), cùng có những kỷ niệm nhớ đời như những lần tập đàn không kịp, hai đứa đến trường nhưng không dám lên phòng cô. Thế là lang thang khắp nơi. Không đến hội trường thì trốn vào căn tin, không ghé ngồi hàng chè thì đuổi theo những đợt mưa lá me suốt con đường Nguyễn Du râm mát. Rồi sau khi tốt nghiệp Trung cấp, chỉ có tôi và Loan tiếp tục lên Đại học. Lại cùng chung sư phụ, lại vẫn ngồi bên nhau trong những giờ Triết học, Mỹ học, Hòa âm, Nhạc sử... nên đã thân, càng thân hơn.
Đến cổng nhà, Kim Loan bấm còi inh ỏi. Bà quản gia ra mở cửa. Bà đưa một ngón tay lên môi:
- Suỵt... Cô Út đừng làm ồn. Cô Ba đang giận đấy.
Kim Loan hét:
- Giận ai? Không lẽ giận tôi?
- Ý chết. Cô Út nói nhỏ thôi. Đúng rồi, cổ giận cô Út đó.
- Hả?...
Tôi đưa tay bịt miệng Loan:
- Mầy có im đi không?
Kim Loan giao xe cho bà quản gia. Hai đứa băng qua phòng khách, rồi đi về phía cầu thang dẫn lên lầu. Một giọng nói sắc lẻm vang lên từ trong góc tối làm tôi giật mình:
- Đứng lại!
Kim Loan bước đến bật công tắc đèn. Ánh sáng dịu dàng phủ kín gian phòng rộng bày biện theo lối cổ điển, trang nhã và sang trọng. Một cô gái tóc bù xù che nửa khuôn mặt đang ngồi im lìm trên ghế sô pha.
- Chị Ba định nhát ma em đấy à?
- Em đã biết lỗi của em chưa? Vừa mới về đến nhà là phóng xe đi suốt. Thật em chả xem ai ra gì cả.
- Thôi chị đừng kiếm chuyện nữa. Nhức đầu lắm.
Mặc cho bà chị la hét đến khản cổ, Kim Loan đẩy tôi lên lầu: “Mầy đừng sợ, bả đang lên cơn đấy. Một lát sẽ khỏi thôi”.
Tôi nghe lòng rưng rưng. Tội nghiệp Phượng - chị Ba của Loan. Tôi biết chị từ ngày tôi thân với Loan và thường đến nhà Loan chơi. Năm tôi mới vào trường, chị Phượng đang là học sinh trung cấp khoa Piano. Chị không đẹp nhưng rất có duyên, lại hiền lành thùy mị. Chị đối xử với tôi đầy tình cảm. Mỗi lần đi chơi xa, hoặc đi dạo phố sắm sửa, thấy món quà gì ngồ ngộ, chị đều mua về cho tôi và Loan. Chị theo dõi việc học của chúng tôi rất chặt chẽ, đặt ra những luật lệ bắt chúng tôi phải theo (giờ nào học Văn hóa, giờ nào học đàn, mỗi ngày phải tập đàn bao lâu... ). Cũng nhờ chị, tôi và Loan luôn luôn giữ vị trí nhất nhì trong lớp. Năm chị tốt nghiệp trung cấp cũng là thời gian chị có người yêu. Đó là anh Tiến - một kiến trúc sư mới ra trường, đang làm việc cho một Công ty liên doanh với nước ngoài. Dưới mắt tôi, anh Tiến rất đẹp trai. Nhìn hai người ríu rít bên nhau, tôi rất vui mừng trước hạnh phúc của anh chị và cầu mong họ sẽ được sống bên nhau trọn đời. Rồi chị Phượng tiếp tục lên đại học, anh Tiến càng phát triển sự nghiệp, hẹn ngày chị Phượng ra trường sẽ tổ chức hôn lễ. Nào ngờ... Tôi còn nhớ rất rõ, hôm đó là một ngày chủ nhật đẹp trời, tôi đến nhà Loan hòa đàn để chuẩn bị cho buổi lễ kỷ niệm ngày sinh của Mozart sắp đến. Tôi gặp anh Tiến. Anh vừa dừng xe nơi cổng - chiếc xe hơi màu xanh kiểu cũ, nước sơn bóng lộn dưới ánh mặt trời. Anh cười với tôi. Tôi hỏi: “Anh Tiến đến rủ chị Phượng đi chơi hả?”. “Ờ. Sáng nay anh chị đi Long Khánh – anh mở cửa xe – nào lên đây anh chở một đoạn”. Chị Phượng xuất hiện trên bậc thềm, gọn gàng trong bộ đồ thể thao màu hồng trẻ trung. Vai chị đeo ba lô, mắt kiếng nâu to bản, mái tóc dài búi cao, cài chiếc trâm xà cừ lóng lánh làm nổi bật nước da trắng trẻo của chị. Chị âu yếm nhìn tôi: “Bé Châu vào ăn sáng với Bé Loan rồi tập đàn đi nhé. Chiều chị về kiểm tra lại, bé nào đánh tốt sẽ được quà nhiều” Khoảng gần trưa, anh Tiến gọi điện về nhà cho biết, xe anh đã gặp tai nạn. Vì tránh một đứa bé băng qua đường, anh Tiến bị lạc tay lái. Xe lăn xuống dốc cao. Anh bị thương nhẹ, chị bị nặng hơn. Tuy vết thương không nguy hiểm đến tính mạng nhưng rất đáng lo. Một cành cây khô đã vạch vào mặt chị một vết thương rất sâu, khó lành lại như cũ. Ra viện, cuộc sống của chị Phượng thay đổi từ đó. Chị nghỉ học, bỏ hết thời gian đến các viện thẫm mỹ danh tiếng trong và ngoài nước để xóa mờ vết sẹo đang hằn sâu trên má. Sau một năm chữa trị, vết sẹo có mờ đi nhưng gương mặt chị Phượng trở nên lệch lạc khó nhìn. Một cú sét giáng xuống đời! Và cú sét đó đã biến thành bão tố cuồng phong. Anh Tiến cưới vợ – con gái của một vị Bộ trưởng, tuy không giàu bằng gia đình chị Phượng nhưng thân thế thì gấp mười. Chị Phượng ngã bệnh khi thấy tin lễ cưới của anh đăng trên nhiều tờ báo. Chị nằm suốt hai tuần lễ trên giường. Bác sĩ không tìm ra bệnh. Dần dần, chị trở nên trầm cảm, xa lánh bạn bè, không tiếp xúc với một ai. Chị rất dễ nổi nóng, thường đập phá đồ đạc và gây gổ với tất cả mọi người. Một bác sĩ tâm lý danh tiếng nói với gia đình: “Chỉ có thời gian mới xoa dịu được vết thương của cô ấy”. Mãi đến khi tôi với Loan bước vào năm cuối trung cấp Piano, nghĩa là bốn năm sau, chị Phượng mới lấy lại được sự cân bằng tâm hồn. Chị xin ba má đi du lịch một vòng Đông Nam Á, sau đó, chị vui vẻ trở lại giống như một nụ hoa thiếu nước, sau cơn mưa, nở bung ra những cánh tươi xanh. Chị không học đàn nữa mà vào làm việc trong Công ty của Bảo - anh Tư của Loan.. Tuy nhiên, chị vẫn không sao quên được gương mặt lệch lạc của mình nên thỉnh thoảng lại lên cơn giận dữ.
- Châu, mầy nghĩ gì mà thừ người thế?
- A, tao... tao thương chị Phượng quá.
- Không sao đâu. Rồi chị sẽ khỏi thôi mà.
Khi tôi xuống nhà để ra về, chị Phượng đứng trên bậc thềm, nhìn tôi:
- Châu, về sớm vậy em?
Nét mặt chị rất vui. Hình như chị không hề nhớ chuyện vừa xảy ra.